Tháng 12 đến, lần lượt các ứng dụng gửi về những tổng kết cho năm cũ: Sportify best song 2021, Flickr Best Shot 2021, Pocket’s Best of 2021…. Mình thích những bài tổng kết đó, bởi một cách vô thức, nó như có một ai đó thay mình ghi lại và tổng kết mọi thứ diễn ra, rồi bỗng nhận ra một năm ấy cái guu của bản thân nó đã thay đổi từ những bài hát vẫn nghe, những tin vẫn đọc và ngay cả những bức ảnh like.

Năm 2021 với mình thực sự là một năm khá khó khăn. Nhiều lúc mình thực sự cảm thấy rất chông chênh, cảm giác thật vô dụng khi cả thế giới đang chạy còn mình đứng yên, hay từ từ lết như một con ốc sên. Nhưng chính những lúc buộc phải ngồi yên ấy, mình đã học được vài bài học. Để rồi, sau tất cả mình đã hiểu có những chuyện phải xảy ra, đó là một phần của quá trình trưởng thành. Như ai đó đã từng nói Trí tuệ con người trưởng thành trong tĩnh lặng, còn tính cách trưởng thành trong bão táp. Năm 2021, khi phải đứng giữa giông bão thì trong lòng buộc phải tĩnh lặng.

Bài học số 1: Hạnh phúc từ bên trong

Trở lại mình của 2 năm trước, khi làm cái bài Test IMBT, mình thuộc nhóm người Architect. Khi ấy, mình thấy khớp với mình khủng khiếp. Trong đó phải nhớ nhất câu về Architect, một người tham vọng “Niềm vui đến từ thành tựu và sự công nhận”. Vì niềm vui ấy mà mình đã không ngừng cố gắng, không ngừng tiến lên, không ngừng hoàn thiện mình. Và mình hiểu, không một thành tựu nào từ trên trời rơi xuống. Mình có một cái tình xấu là mình thù dai. Mình nhớ lắm, ai từng chê mình ở bất cứ điểm nào, mình sẽ ghim và mình sẽ cố, để rồi mình sẽ đáp lại sự chế giễu đó bằng một phiên bản tốt hơn. Nhưng nếu như hai năm 2020 và 2021, mình vẫn tiếp tục sống với cái niềm vui kiểu đó thì đến giờ phút này chắc mình tự kỷ lâu rồi. Hai năm nay, mình chẳng có thành tựu nào mình thấy đáng để câu like trên Facebook cả :D.

Mình nhớ có lần mình từng post một Stt trên Instagram, rằng hạnh phúc hay không là do mình cảm nhận, không phụ thuộc vào ngoại cảnh. Uhm, khi ấy, mình còn đang tận hưởng những ngày tươi đẹp, khi mọi thứ xung quanh tuyệt vời thì suy nghĩ tích cực, nói gì chẳng được. Nhưng đến khi trải qua nhiều vấp ngã, bị bao bọc bởi quá nhiều khó khăn, khi như bị rơi tõm xuống một khoảng không của thực tại, chới với, chông chênh, mình mới thực sự thấm thía, thế nào là một niềm vui bền vững. Khi đã là cái chất từ bên trong, dù đi làm, đi chơi, đi tiệc, hay về nhà rửa bát, đi đổ rác mình vẫn là mình, yêu thương bản thân mình trong mọi khoảnh khắc.

Nhiều lần mình đọc được bạn bè mình chia sẻ, khi họ không còn cái cảm giác “Wow” trong những thành tựu, hay cả những điều đơn giản như mua một chiếc váy mới, những điều cao cấp như Macbook Pro, Iphone Promax, và thấy chẳng còn trầm trồ trước những điều bất ngờ. Tựu chung đó là sự lãnh đạm, cũng dễ hiểu bởi hạnh phúc không từ những vật chất, hay sự trầm trồ của người khác mà ra. Và căn bản, chúng ta thường tham lam lắm, như kiểu có vừa mua Iphone năm nay, năm sau có loại mới lại muốn thay và chẳng biết cứ chạy theo đến bao giờ.

Chốt lại, niềm vui của bản thân cớ gì phải phụ thuộc vào người khác hay bất cứ một thứ gì đó ở bên ngoài. Tại sao niềm vui của mình phải để người khác đánh giá. Tại sao một người xa lắc xa lơ có quyền ảnh hưởng đến niềm vui của mình. Tại sao cứ phải dựa vào ai đó để hạnh phúc, rồi bực tức khi người ta không làm theo ý mình. Đó có phải ích kỷ quá không? Lần đầu tiên mình học được về hạnh phúc phải đến từ bên trong, từ chính cách nhìn nhận của mình với cuộc sống. Kiểu như có người đi đến danh lam thắng cảnh nhưng ảnh chụp vẫn xấu, còn có đứa đi ra khu xập xệ lên ảnh đẹp cực. Thì đó không phải cảnh không đẹp, do trình độ chụp ảnh (và sửa ảnh) của mỗi người thôi. Cái trình độ đó cũng là cách ta nhìn một vấn đề, đâu phải vì ngoại cảnh bên ngoài. Như ống kính máy ảnh chụp lại cảnh vật, như đôi mắt ngắm nhìn thế giới và như trái tim cẩm nhận hạnh phúc từ những điều nhỏ bé xung quanh.

IMG_5078

Bài học số 2: Giá trị của những nỗi buồn

Thực ra mình thấy câu “hạnh phúc là lựa chọn” nghe nó hơi sáo rỗng. Bạn đã từng xem bộ phim Inside Out sẽ hiểu giá trị của những nỗi buồn như một bản nhạc phải có nốt trầm nốt bổng. Mình nghĩ, dù đó là đau khổ thật thì phải nhìn trực diện vào vấn đề để giải quyết triệt để, thì hạnh phúc mới trọn vẹn, đừng tô hồng, đừng giấu giếm. Ví dụ một cách thô thiển nhưng dễ hiểu là giả sử con mèo ị ra nhà, bạn có thể mua cái bình hoa, chậu cây gì đó đặt vào để che đi rồi huyễn hoặc bản thân là hoa thơm, nhà đẹp nhưng bản chất ra thì cái bãi phân mèo vẫn ở đó thì nó vẫn thối mà. Không phải cứ ngồi đó chọn là được, mà khi chúng ta đủ chăm chỉ và mạnh mẽ để bắt tay vào dọn đống phân đó đi. Như bài học số 1, hạnh phúc là hành trình trải nghiệm, không ở kết quả.

Đôi khi sự lạc quan rất độc hại. Khi ai đó buồn, đừng nói “Hãy vui lên”, đừng lấy ví dụ xa lắc xa lơ nào đó để nói họ “Hãy thấy mình may mắn đi vì ngoài kia đầy người khổ hơn bạn”. Câu nói tưởng chừng như quan tâm ấy, vô tình khiến nỗi buồn trở nên trầm trọng hơn, khi họ sẽ nghĩ “mình thật yếu đuối, thật vô dụng và vấn đề của mình chẳng là gì cả”. Đôi khi những nỗi buồn, những trắc trở, sự khó chịu là một tín hiệu để chúng ta bắt đầu làm gì đó. Nỗi buồn nào cũng cần được quan tâm, đừng che giấu, đừng chấp nhận. Bạn luôn xững đáng với những niềm vui trọn vẹn và đích thực.

IMG_4564-02

Bài học số 3: Thất bại có sao không?

Trường học, xã hội và truyền thông luôn nói về thành công, và đẩy ra ngoài rìa những “con nhà mình”. Mình đã từng không hiểu nổi hành động tự tử của Kizuki  trong tác phẩm Rừng Nauy của Murakami Haruki. Có áp lực nào có thể lớn đến nỗi khiến một cậu học sinh xuất sắc tự kết liễu cuộc sống của mình. Và rồi một câu chuyện tương tự khi xem bộ phim The Sun – Dương quang phổ chiếu (Chung Mong-hong, 2019) khiến mình thấy sợ cái áp lực từ sự hoản hảo mà xã hội luôn tung hô, tạo gánh nặng cho những người trẻ, và thậm chí khiến họ bị đẩy ra rìa khi mắc sai lầm. Mình luôn suy nghĩ về cách chúng ta đánh giá một con người, bằng những con số trên bảng điểm khi đi học hay con số trong tài khoản khi trưởng thành. Những cuối cũng thì sai lầm, thất bại là do sự ngu dốt hay đơn giản vì chúng ta khác biệt và đi ngược lại cái chuẩn của xã hội. Bạn có tin vào sự đặc biệt và duy nhất của bản thân, thật không công bằng khi chúng ta tự ép mình vào một cái khuôn mẫu.

Nhiều lần mình đã rất cố gắng nói về vấn đề này qua hai bài blog

Bởi vì mình thấy mọi người luôn nói về bí quyết thành công, chứ chẳng mấy ai chia sẻ về thất bại, hay những thứ bình thường cả. Mình muốn nói về những khiếm khuyết, thay đổi những quan niệm về sự tốt xấu, về giá trị của những sai lầm, và thất bại, nhưng đôi khi vẫn cảm thấy ngôn từ và trỉa nghiệm của bản thân vẫn chưa đủ để nói về những điều đó.

Một người bạn từng nói với mình rằng, cuộc sống là một cuộc chạy Marathon. Chặng đầu bạn có thể chạy nhanh hay chậm, nhưng quan trọng là giữ sức chạy đến cuối con đường. Mình vẫn tin, mọi việc xảy ra đều là một phần quan trọng của quá trình trưởng thành và vượt qua những thất bại ấy, ta mạnh mẽ hơn ngày hôm qua. Và cũng như hai bài học ở trên, nếu bạn hiểu hạnh phúc đích thực và tận hưởng hành trình trưởng thành, chỉ cần trái tim mình luôn hướng về những điều mình tin tưởng, chúng ta sẽ luôn tìm thấy hạnh phúc xứng đáng.

IMG_5645-01

Bài học số 4: Sự cặm cụi, mỗi ngày một ít

Mình rất thích nhìn những giọt ca phê chảy xuống cốc khi pha phin. Mình tin là cà phê phin nhỏ giọt ấy đậm đà hơn cà phê pha máy. Giống như những giọt cà phê sóng sánh ấy, mỗi ngày mình học mọt ít, đọc một ít. Có cuốn sách, mình mua từ hồi đại học, nhưng mình mãi không đọc, vì nó dày quá. Và cái sự sợ hãi, lười biếng đó khiến mình để cuốn sách đó trong tủ đến gần chục năm. Nhưng năm nay, mình quyết định, mỗi ngày một ít. Mình không đặt cho mình mục tiêu đọc trong bao lâu, mỗi ngày mấy trang. Đọc sách để thư giãn, chỉ có duy nhất 1 việc mình đặt “áp lực” cho bản thân đó là ngày nào cũng phải mở cuốn sách đó ra. Mỗi ngày đọc một trang cũng được. Thế rồi lê lết cũng đọc hết, đó là một trong những cuốn sách hay nhất mình đọc trong năm nay, cuốn Thế giới Phẳng của Thomas Friedman. Mặc dù thể hiện bản thân đọc những cuốn kinh điển về xã hội cũng khá “oai” nhưng mình tự nhận là mình thật lười. Nhưng cái hành trình vượt lười ấy cũng thấy tự hào lắm thay.  

Cũng có những khóa học Online trên Cousera, mình theo kiểu ngồi một lúc xem hết video nhanh cho xong. Tuy vậy, mình nhận ra, chẳng nhớ được mấy và đôi khi nhìn Syllabus dài rất oải, những kiến thức khó không hiểu, chẳng nhớ gì học chỉ tốn thời gian. Mình quay lại mỗi ngày một chút và mình không còn đếm “số chương còn lại” nữa. Mình làm vậy cho tất cả những gì mình học: Ôn lại tiếng Pháp trên Doulingo, luyện phát âm tiếng Anh trên Elsa, luyện Calligraphy, đọc sách, luyện Violin. Chậm chạp như một chú rùa nhưng luôn tiến về phía trước, bởi ly cà phê sóng sánh thơm lành đáng để chờ đợi.

IMG_4700-01

Bài học số 5: Ngắt kết nối, cho mình một khoảng trống

Năm 2021, mình cũng tạo cho mình thói quen mới, ngắt kết nối vào thứ 7 hoặc chủ nhật hàng tuần. Mình vẫn xóa Facebook trong điện thoại, và dùng phần mềm block tất cả những trang linh tinh dù mình từng đọc rất nhiều trên đó. Đến thứ 7 và chủ nhật là ngày mình không chạm điện thoại. Dù sao cũng phải công nhận, lướt điện thoại là một cái gì khá cuốn, nhưng nó cũng tạo cho mình một  áp lực, so sánh với người khác. (Lại một tính xấu nữa), mình khá sợ mỗi dịp cuối năm, đọc một bài tổng kết thành tích dài của các bạn, nhất là hồi đại học. Mình từng là đứa chạy theo những điều hào nhoáng, và sợ hãi – The fear of missing out. Mình luôn tò mò, các bạn đang làm gì thế, đang tham gia chương trình gì thế. Khi đã trải qua rồi, giá trị của trải nghiệm cho mình biết có những điều không hề có ý nghĩa hay không hợp với mình. Khi đã hiểu hạnh phúc về bên trong, hiểu về sự khác biệt giữa những cá nhân, hiểu về con đường mình chọn, hiểu về ý nghĩa cuộc sống của mình, mình sẽ không còn áp lực đồng trang lứa và chạy theo thế giới bên ngoài nữa nữa. Và từ ấy sự cố gắng là vì bản thân mình, chứ không phải để làm hài lòng người khác. Mình cố gắng, không phải để so sánh mà chỉ cần tốt hơn mình của ngày hôm qua. Dù đi chậm, nhưng chỉ cần cặm cụi và tiến về phía trước.

Mình cảm nhận được ý nghĩa của những khoảng trống, nhũng lúc không làm gì cả, không xem gì cả, chỉ ngồi một mình, lắng nghe. Lần đầu tiên mình hoài nghi về sự cố gắng productivity mình luôn theo đuổi, làm thế nào để quản lý thời gian tốt hơn, làm nhiều việc hơn, kiếm nhiều tiền hơn, đọc nhiều sách hơn, rồi như một cuộc chạy đua theo mình tự biến mình thành “người máy”, hết pin và kiệt sức. Mình bắt đầu tập thiền nhìn lại chính mình, hít thở như nạp vào nguồn năng lượng mới, và chính khi ấy mình cảm nhận được sự sống, một sự sống hoàn toàn con người.

IMG_9547-01

Bài học số 6: Sự biết ơn, luật hấp dẫn và giác ngộ tâm linh

Mình hơi ngại khi nói về chủ đề này, nhưng có lẽ đây là điều khiến mình thay đổi nhiều nhất và là nền tảng cho tất cả những bài học trên. Một chút huyền học, theo thần số học, năm nay mình là năm cá nhân số 2, con số của kết nối và tâm linh, nên những điều xảy ra trong năm nay như một sự sắp đặt hợp lý của vũ trụ. Có một khoảng thời gian, mình bị stress khá nặng, cảm giác bất an, và thậm chí sợ hãi khi ở trong chính căn phòng của mình. (Như đã nói ở trên nếu bạn từng bị trầm cảm, bạn sẽ hiểu cái câu “Hãy vui lên” từ ai đó nó vô nghĩa thế nào). Mình đã được tham vấn tâm lý, và sau đó như mọi chuyện diễn ra rất kỳ diệu. Thực ra sau buổi tham vấn tâm lý đó, điều mình nhớ nhất mà bác sĩ tâm lý dạy mình, đó là tập thở. Sau này mình mới nhận ra đó là sự bắt đầu của thiền định. Một lần lướt web mình bị thu hút bởi một banner quảng cáo về cuốn sách viết về lòng biết ơn. Mình tiếp tục tìm kiếm thêm, thực hành theo, đọc thêm một số cuốn tâm linh khác. Khi nhìn nhận lại, biết ơn những điều mình có, mình nhận ra đôi khi được thức dậy, chạm chân xuống sàn nhà lạnh cũng đã là một hạnh phúc. Và thật kỳ diệu mọi thứ thay đổi. Ngay cả cách người khác đối xử với mình còn thấy khác, và rất nhiều điều tốt đẹp xảy đến. Mình sống cũng lành mạnh hơn. Trước đây mình dậy muộn, cuống cuồng đi làm, nhưng giờ sáng mình dậy sớm, tập Yoga, thiền định, trồng cây, làm việc nhà rồi mới đi làm. Cuối tuần mình còn đạp xe quanh Hồ Tây. Mình cố gắng sống gần hơn với thiên nhiên.

Mình cũng có nhiều cơ hội để deep talk với một số người bạn, và thật vui khi hiểu ra tại sao chúng mình chẳng có nhiều điểm chung, chẳng học cũng hay làm cũng mà có thể thân nhau vậy. Nguyên nhân bởi một năng lượng huyền bí =)). Và qua nói chuyện, chia sẻ trải nghiệm với các bạn, mình cũng khám phá ra rất nhiều điều hay ho. Nhưng quan trọng hơn cả là mình sống điềm tình hơn, khám phá sâu hơn về bản thân, và với cảm giác hạnh phúc khi mình là người tử tế. Cũng đến lạ, rất nhiều bạn bè, hay những em dù chưa bao giờ gặp hay nói chuyện tìm mình để hỏi một khúc mắc gì đó. Nhiều lần mình cũng tự hỏi “Tôi đây vẫn còn đang vật lộn với đời mình”, nhưng mà có mấy điều mình biết đấy, và mình cũng nhận ra một sức mạnh của bản thân, là mang lại động lực, và sự yên tâm cho người khác. Dù ở đâu, dù thế nào thì mình vẫn là phải là mình vẫn có thể vui và tỏa ra năng lượng vui vẻ đó.

Mình hài lòng vì năm 2021, mình đã cặm cụi thực hiện kế hoạch mình hàng ấp ủ, mình đã học những điều mà mình nghĩ sẽ chẳng còn cơ hội để học, và tìm ra bản thân mình giữa sự quay cuồng của thế giới. Mình đi học phân tích phim như học một góc nhìn về cuộc sống, tiếp tục luyện calligraphy như học về sự điềm tĩnh, quay lại tập Violin và học về sự kiên trì, học khóa học chữa lành từ nghệ thuật, tập thiền để cho bản thân những khoảng trống ý nghĩa, tìm hiểu về về tâm linh và mình còn khám phá về Tarot.

Mình có một thói quen mới, đó là mỗi sáng mình sẽ rút một lá bài Tarot để xem thông điệp mà vũ trụ gửi tới mình ngày hôm nay. Đó là một cách để suy ngẫm và cũng để mỗi ngày hiểu thêm, cảm nhận thêm năng lượng của 1 lá bài Tarot. Mình cũng đã không còn tò mò về tương lai, phán xét quá khứ mà sống trọn vẹn hơn cho hiện tại. Trong Tarot có 22 là ẩn chính nói vè quá trình trưởng thành. Đặt lên trên cũng là số 0 The Fool. Còn 21 lá còn lại xếp thành 3 dòng, mỗi dòng 7 lá, chúng ta sẽ thấy dòng đầu tiên là sự phát triển của ý thức cá nhân, khám phá thế giời. Dòng thứ 2 như một quá trình rút lui khỏi những lo toan bên ngoài để đánh thức tầm nhìn nội tại của chúng ta và của cuộc sống. Dòng cuối cũng biểu trưng cho sự phát triển của nhận thức tinh thần và sự giải phóng năng lượng nguyên mẫu, hòa hợp với thế giới. Và lá số 0 – The Fool hay là số 21 – The Wordl đều là là sự tự do, nhưng là 2 trạng thái tự do khác nhau mà chúng ta sẽ hiểu trên con đường trưởng thành. Khi nào hiểu sâu hơn mình sẽ viết cách mình tìm đến tarot để tìm lại chính mình chứ không phải là công cụ bói toán.

IMG_4658-01

Hi vọng

Thế rồi, khó khăn, thất bại có sao không. Mình không tô hồng mọi thứ, đó là điều chúng ta không hề mong muốn nhưng  là một phần của cuộc sống. Chẳng phải lửa thử vàng, gian nan thử sức, thời thế tạo anh hùng. Mình coi đó như bài kiểm tra khả năng của bản thân, để rồi chúng ta sẽ trân trọng lắm những điều mà mình từng cố gắng đạt được.

Khi cô bạn cùng tuổi gửi cho cái Link tử vi năm 2022, bảo “Tam tai qua rồi, gáy lên thôi”. Đến là buồn cười. Theo tâm linh thì tuổi mình vừa hết 3 năm tam tai nên bà con rất hồ hở cho năm mới. Một chút thần số học nữa, người ta nói người số 10 chỉ càn sống lạc quan, cánh cửa này đóng lại luôn có một cánh cửa khác mở ra. Mình tin những điều tốt đẹp luôn ở phía trước.

Đó là những điều mình học được từ năm 2021. Mình sẽ nhớ những bài học này để vững vàng đi tiếp con đường phía trước. Còn bạn, năm 2021 của bạn có ý nghĩa như thế nào?


Theo dõi để nhận những bài viết mới trên Blog

[jetpack_subscription_form subscribe_placeholder=”Email Address” show_subscribers_total=”false” button_on_newline=”false” custom_font_size=”16px” custom_border_radius=”0″ custom_border_weight=”1″ custom_border_color=”#000000″ custom_padding=”15″ custom_spacing=”10″ submit_button_classes=”has-000000-border-color has-text-color has-white-color has-background has-vivid-red-background-color” email_field_classes=”has-000000-border-color” show_only_email_and_button=”true”]