Calligraphy

Mình quyết định sẽ tự học thêm 1 kỹ năng mới đó là Calligraphy. Mình thấy cũng có nhiều bạn có hứng thú với bộ môn này nên từ giờ mình sẽ viết chuỗi các bài ghi lại quá trình tự học Calligraphy của mình.

“Nếu bạn tự giới hạn sự lựa chọn của bản thân, bạn đã tự ngăn cách chính mình với điều bạn thực sự muốn, và sau đó, mọi thứ gần như chỉ là sự thỏa hiệp” – Robert Fritz

Hành trình luyện tập Calligraphy 

Khi viết những dòng này, mình chưa có một chút xíu kỹ thuật nào về Calligraphy cả. Mình thích bút máy và hay viết sổ nên thấy các bạn viết đẹp mình muốn học thử để thỉnh thoảng viết thiệp cho bạn bè. Mình còn đùa mọi người là để khi về Việt Nam mình sẽ mở dịch vụ viêt thiệp đám cưới 😀 Nhiều người dịch Calligraphy là Thư pháp nhưng mình cũng không rõ dịch như vậy có ổn không. Vậy nên mình quyết định dùng từ tiếng anh gốc Calligaphy cho tiện.

Trước khi bắt đầu học một điều mới, chúng ta nên tìm hiểu Calligraphy là gì và nguồn gốc và sự phát triển qua thời gian ra sao nhé.

1. Calligraphy là gì?

Calligraphy là một loại hình nghệ thuật chữ viết tay (handwriting). Từ Calligraphy có thể được bắt nguồn từ tiếng Hi Lạp, “Kallos” – Beauty có nghĩa là đẹp và “graphein” – to write nghĩa là viết. Trung Quốc là được coi là quốc gia đầu tiên phát triển nghệ thuật chữ viết tay hay còn được gọi là Thư pháp với lịch sử phát triển hơn 3000 năm.

Tuy nhiên, Calligraphy rất đa dạng và có lịch sử phát triển lâu đời tại nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới như Nhật Bản, Tây Tạng, Ấn Độ và các nước phương Tây. Nghệ thuật Calligraphy được coi trọng tại nhiều quốc gia bởi nó không chỉ là vẻ đẹp của ngôn ngữ mà còn truyền tải những thông điệp ý nghĩa.

Tại các quốc gia Châu Á và Trung Đông, Calligraphy (thư pháp) được coi trọng như một bộ mô nghệ thuật truyền thống, sánh ngang với nghệ thuật điêu khắc và hội họa. Các nước Đông Á sử dụng chữ tượng hình như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, những bản thư pháp đầu tiên được khắc trên mặt gỗ, đá, ngọc. Sau đó, với sự phát triển của mực và giấy, nghệ thuật thư pháp phát triển rực rỡ hơn với nhiều kỹ thuật phong phú được tạo ra bởi sự sáng tạo vô biên của các nghệ sĩ tài hoa. Tại Tây Tạng, giới quý tộc là những nhà thư pháp điêu luyện. Thư pháp có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong Phật giáo, được sử dụng để viết các văn bản thiêng liêng.

Tại các nước Nam Á như Ấn Độ, Calligraphy chịu ảnh hưởng lớn của văn hóa Ả Rập và vương quốc Ba Tư cổ đại. Chữ viết mỏng, thanh thoát hơn so với thư pháp ở Đông Á và điểm nổi bật là sự lặp lại. Calligraphy tại Ấn Độ được khắc trên các văn bản tín ngưỡng trong các thánh đường. Ở Nepal, Calligraphy thường dùng để viết các câu thần chú.

Có thể thấy Calligraphy rất đa dạng bởi nó phát triển song hành với ngôn ngữ. Để giới hạn mục tiêu tự học, mình sẽ chỉ tập trung vào Calligraphy phương tây, sử dụng các chữ viết ABC. Tại phương Tây, Calligraphy bắt nguồn từ Hi Lạp và chữ Latinh. Calligraphy phát triển do nhu cầu của phổ biến kiến thức phổ thông, chữ viết tay từ đó trở thành bộ môn cơ bản mà mọi người đều có thể học và thực hành. Nghệ thuật Calligraphy phát triển rực rỡ nhất tại Anh từ giữa thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 18, do sự phát triển của thương mại, buôn bán, lưu trữ tài liệu.

Các trường dạy viết (Writting school) từ đó cũng được mở và thu hút nhiều học sinh. Các trường cạnh tranh với nhau bằng việc sáng tạo thêm nhiều kỹ thuật viết đẹp và độc đáo. Thời kỳ này, in ấn bắt đầu xuất hiện và phát triển tại châu Âu. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghiệp in ấn không làm cho Calligraphy truyền thống lụi tàn mà tạo ra sự phân hóa rõ rệt giữa việc sử dụng chữ viết để truyền bá kiến thức và để trang trí. Ngoài viết trên giấy, Calligraphy cũng xuất hiện trên các mẫu điêu khắc trên đồng. Calligraphy vẫn được sử dụng trong các ấn phẩm quảng cáo, tiêu đề của bản nhạc và các tác phẩm chuyên ngành.

IMG_20200904_221815_952

Một kiểu Calligraphy rất phổ biến ở thế kỷ 18 là Copperplate hay còn gọi là “Roundhand”. Chữ viết sử dụng bút máy, viết nghiêng và có trang trí thêm các nét mềm mại biến hóa, thường đượng sử dụng để viết thư tay. Phong cách này phổ biến bởi có thể viết nhanh và dễ đọc. Cho đến thế kỷ 19, bút bi (ballpoint pen) ra đời đánh dấu sự kết thúc thời kỳ hưng thịnh của Copperlate Calligraphy.

Ngày nay, Calligraphy được ưa chuộng và biến hóa dưới nhiều hình thức khác nhau. Không chỉ sử dụng bút lông và bút máy, chấm mực như trước, mà còn có thể sử dụng rất nhiều công cụ hiện đại khác như bút dạ mềm. Nghệ thuật của những con chữ ngày nay, người ta còn nhắc đến Typography. Sự khác nhau cơ bản giữa Calligraphy và Typography là Calligraphy là chữ viết tay còn Typography sử dụng các phần mềm đồ họa với dự hỗ trợ của công nghệ.

Nguồn tham khảo:

Johanie Cools, 2016, A Brief History of Calligraphy

Eric Turner, n.d, Calligraphy

Eleanor Winters, 2000, Mastering Copperplate Calligraphy – A step-by-step Manual.

Ewan Clayton, n.d, A short history of calligraphy and typography

2. Mình đã chuẩn bị những gì để tập Calligraphy 

Mình muốn học bắt đầu bằng Calligraphy cổ điển viết bằng mực hay còn gọi là Copperplate Caligraphy, nên tất cả những gì cần chuẩn bị mà bút, mực và giấy và thước kẻ. Nhìn chung là học Calligraphy cũng chưa thấy tốn kém lắm.

Mình tự học, sử dụng 2 giáo trình là:

  • Scipt in the Copperplate Style with Dr. Joseph M. Violo. Đây là cuốn sách điện tử dạng PDF có kèm luôn cả video hướng dẫn vô cùng chi tiết. Bản rút gọn không kèm video, bạn có thể xem tại đây http://www.zanerian.com/VitoloBookHandoutComplete3.pdf
  • “Copperplate Calligraphy from A to Z” của Sarah Richardson.

3. Những đồ dùng cần mua để bắt đầu luyện tập Calligraphy:

Những đồ dùng cơ bản gồm có:

  • Giấy, dùng giấy ít nhất 100msg vì mực dễ in sang trang sau.
  • Quản bút chéo và ngòi
  • Mực. Bạn có thể dùng mực chuyên dụng cho Calligraphy hoặc mực bút máy. Tuy nhiên mực bút máy sẽ loãng hơn.
  • thước kẻ

Bài viết này mình đã chỉnh sửa nhiều lần, và đến giờ sau hơn 1 năm luyện thì mình rút ra kinh nghiệm, những đồ dùng bạn có thể mua sau:

  • Giấy Dot-drid. Trên thị trường có bán rất nhiều các loại giấy viết Calligraphy, nhưng giá thành khá cao. Sau một thời gian cũng gọi là tiết kiệm mình mua giấy sổ dot-grid dùng thấy ổn lắm, còn không phải kẻ gì. Ban đầu mình dùng giấy của Crabit Notebuck nhưng vẫn bị in sang trang sau. Sau đó mình chuyển sang dùng giấy 130msg của shop Ong Mặt bực, rất ổn hơn nhiều. Bạn có thể mua đồ dùng trên shopee: Link Shop Ong Mặt Bự / Link Crabit Notebuck

Mình dùng giấy rời tiện hơn cho quá trình luyện tập vì dùng cả cuốn tập dầy lúc viết dễ bị vướng tay

  • Holder và ngòi. Holder thì có nhiều loại lắm, tùy giá thành. Còn ngòi bút mình thấy hiệu quả nhất cho người mới tập là Nikko G và Zebra G. Các bạn có thể mua đồ trên Taipoz.

Các loại quản (hodder) tham khảo :

Link mua: Ngòi Nikko G / Ngòi Zebra G

  • Mực luyện tập, mình thấy rẻ và chất lượng nhất là mực Higgins. Ngoài ra còn có nhiều loại mực cao cấp hơn, bạn có thể tham khảo mực Manuscript. Link mua mực Higgins
  • Bộ thước kẻ thần thánh vừa kẻ thẳng vừa kẻ nghiêng để luyện viết. Giá siêu rẻ và chất lượng thần kỳ. Các bạn có thể dùng thước kẻ thường nhưng mà bộ này tiết kiệm thời gian công sức hơn rất nhiều. Link mua thứơc kẻ Calligraphy
  • Nước và khăn giấy lau ngòi.
  • Một củ khoai tây dùng để cắm ngòi bút. Vì ngòi mới mua có 1 lớp dầu không ăn mực. Bạn hãy cắm vào củ khoai tây trong 5-10 phút trước khi chấm mực nhé. Rất thần kỳ luôn.

4. Những thứ không nên mua khi luyện Calligraphy

Lẽ ra mình không định viết phần này đâu nhưng lúc mới học, toàn đi học quảng cáo, xong mua rất nhiều thứ về mà không dùng đến, rất phí.

  • Cái lò xo giữ mực, các calligrapher không ai dùng cái đó đâu. Mình mua 2 cái lận mà chỉ thấy 1 cục mực rơi xuống giấy, chả giữ gì cả. Thay vào đó, 1 củ khoai tây, kinh tế, tiện lợi và hiệu quả hơn rất nhiều.
  • Bút máy cắm ngòi Calligraphy (Chính là cái màu đen trong ảnh dưới của mình). Thực ra ban đầu, mình thấy chiếc bút này rất thần thánh vì nó có thể mang đi mọi nơi, không phải mang đồ lẻ như mực, quản, ngòi. Nhưng mà gì cũng có giá của nó. Thân bút không đủ linh hoạt hoạt để viết như đẹp được như quản cắm ngòi. Điều quan trọng hơn, đó là ngòi Calligraphy làm bằng thép dẻo, nó cần được bảo vệ khô. Sau khi dùng xong, bạn phải rửa, lau khô và cất trong hộp để tránh bị oxi hóa. Đó là lý do tại sao ngòi mới mua về có 1 lớp dầu. Còn đối với bút mực, ngòi luôn ở trạng thái dính mực. Sau một thời gian, một ngày đẹp trời mình mở nắp bút ra, (như phim kinh dị), ngòi bút bị han rỉ. Mình bỏ ra rửa bút mà ngòi dính cặt vào phần đầu giữ mực của bút. Phần ngòi còn bị rộp lên, bong tróc nhìn rất thương xót. Vậy là mình đã phá 1 acsi ngòi Zebra G vàng theo cách đó đấy. Nên đừng ai phạm sai phầm này. Bạn có thể sắm cho mình 1 quản chéo và 1 quản thẳng và giữ ngòi bút cẩn thận.

Bộ đồ của mình lúc mới dùng như ảnh dưới đây:

Dưới đây là chữ mình lúc mới luyện tập.

Nếu bạn muốn nhận các nguồn tài liệu miễn phí luyện Calligraphy mình thì có thể để lại comment cho mình nhé.

Mình sẽ post cụ thể quá trình luyện Calligraphy của mình trong các bài đăng tiếp theo hoặc trên Bookstagam @vitamin.books, các bạn quan tâm nhớ theo dõi nhé. Vì mình hơi lười post ảnh, bạn có thể theo dõi quá trình chữ viết từ xấu và đẹp dần lên của mình trên instagram cá nhân @phuong.anh.violet – Phần Highlight Calligraphy nhé.

Chúc bạn học vui.

Những bài viết khác về bút và mực trên Blog. Calligraphy