Nếu như bạn chờ đợi một bộ phim với những tình tiết giật gân, ly kỳ hay một câu chuyện đầy drama thì có lẽ The Farewell của Lulu Wang sẽ làm bạn thất vọng, nhưng nếu bạn muốn xem những thước phim rất đời để ngẫm nghĩ về cuộc sống, văn hóa và gia đình thì đó là một bộ phim tuyệt vời.

The Farewell dựa trên câu chuyện về lời nói dối có thật của gia đình Lulu Wang – đạo diễn phim. Mở đầu phim là hình ảnh người bà cùng em gái mình ở bệnh viện. Bà gọi điện cho cô cháu nội Billi đang ở Mỹ. Hai bà cháu thường xuyên nói chuyện qua điện thoại. Billi là cô gái trẻ gốc Hoa đang cố gắng khẳng định bản thân mình tại New York. Một ngày, khi Billi về nhà sau nỗi chán chường khi nhận thư từ chối học bổng và hết tiền sinh hoạt, cô nhận được tin bà nội mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối và chỉ còn có thể sống được 3 tháng nữa. Cả nhà quyết định giấu bà tình hình sức khỏe thật, và tự tạo nên một đám cưới của Hao Hao – một người anh họ con chú ruột của Billi lớn lên tại Nhật để lấy lý do cả gia đình đoàn tụ và nói lời từ biệt với bà. Bà có 2 người con trai. Gia đình của Billi sang Mỹ định cư còn gia đình của Hao Hao định cư ở Nhật cũng đã 25 năm. Ông nội Billi mất nhiều năm trước do bênh ung thư, bà nội ở cùng với em gái và ông Li, dựa vào nhau lúc tuổi già.
Người ta nhận xét, The Farewel là câu chuyện cười ra nước mắt vì đám cưới giả mà mọi người trong gia đình tạo ra để giấu bà nội bênh tình của bà. Còn suốt hơn 100 phút xem phim, từ đoạn Billi biết bà nội bị bệnh, tôi đều khóc. Không có một câu chuyện cười nào trong lời nói dối ấy. .
The Farewel là một bộ phim rất châu Á. Có lẽ Trung Quốc và Việt Nam cũng có nhiều điểm giống nhau. Ở các nước châu Á, bác sĩ thường tiết lộ tình trạng bênh nhân cho người nhà để họ tự định cách thông báo cho bệnh nhân và cả gia đình. Hồi nhỏ, khi tôi học về lời nói dối, nói dối là sai nhưng lời nói dối ấy thì cô giáo tôi bảo có lẽ không sai. Tôi thấy những đoạn phim rất quen thuộc, rất đời thường và tôi vẫn thường thấy trong cuộc sống của mình, như cảnh cả nhà ngồi ăn cơm, hỏi chuyện con cái, so sánh cuộc sống ở Mỹ và ở Trung Quốc; cảnh đám cưới khi khách khứa đến chỉ tập trung vào ăn chẳng chú ý gì đến cô dâu chú rẻ và người đang nói trên sân khấu; cảnh các bác hỏi Billi đã lấy chồng chưa; cảnh gia đình đi tảo mộ, đốt vàng mã cho ông nội Billi, cầu ông phù hộ cho gia đình, con cháu và đặc biệt là cách bà nội quan tâm đến 2 người con trai và hai đứa cháu nội. Điều mình thấm thía và ấn tượng nhất trong phim đó là sự khác biệt giữa văn hóa phương Đông và phương Tây.

“Ai cũng nghĩ cuộc đời mỗi người thuộc về chính họ. Nhưng đó chính là sự khác biệt giữa phương Tây và phương Đông. Ở phương Đông, cuộc đời mỗi người là một phần của cộng đồng, của gia đình và của xã hội”.

Billy là nhân vật chính trong câu chuyện, cô gái trải qua tuổi thơ ở Trung Quốc, lớn lên cùng ông bà nội cho đến năm 6 tuổi sang Mỹ theo bố mẹ. Cuộc sống ở Mỹ dạy Billi về chủ nghĩa cá nhân, tự lập và khiến cô thấy dằn vặt khi phải đóng vở kịch nói dối bà nội cùng gia đình. Nhưng ngay đầu phim, khi bà nội hỏi cô có đang đội mũ không, cô trải lời có khi thực ra không đội, bà nội hỏi cô có đang đeo tai nghe không, cô trả lời không khi mình vẫn đang đeo tai nghe. Trong con người Billi vốn đã là sự mâu thuẫn, cô nối dối để che giấu cảm xúc của mình. Người chú nói rằng, cô muốn nói cho bà nội biết chỉ vì thấy tội lỗi. Sáu năm sống cùng ông bà nội và dòng máu Á Đông chảy trong người đủ để cô thấy được sự gắn bó với gia đình. Đoạn phim cảm động nhất là khi cô nói với mẹ rằng cô muốn ở lại Trung Quốc với bà. Cô kể về nỗi buồn sâu thẳm khi ông nội mất mà cô không được biết, khi cô quay trở lại Trung Quốc, ông nội đã không còn, ngôi nhà thời thơ ấu với mảnh vườn nhỏ cũng không còn và rồi bà nội cũng không còn nữa. Và cuộc sống ở Mỹ là chuỗi những ngày cô đơn, không gia đình, đôi khi là nguy hiểm, súng, phân biệt nhưng người ta chẳng bao giờ nhắc đến.

The Farewell
Có lẽ nhiều người như bố mẹ và chú của Billi, luôn trăn trở giữa việc ở gần chăm sóc bố mẹ hay rời xa quê hương đi tìm giấc mơ ở vùng đất mới. Trong đám cưới của con trai mình, ông chú bật khóc trên sân khấu, cho thấy sự dằn vặt suy tư giữa hai dòng lựa chọn. Người châu Á, dù sống ở đâu, mang hộ chiếu gì, cũng vẫn là người châu Á, vẫn là một phần của gia đình, mãi mãi gắn bó với gia đình. Đến cảnh cuối phim, khi bà nội đứng một mình giữa dãy nhà tập thể, vẫy tay chào chiếc xe taxi chở gia đình Billi ra sân bay về Mỹ, với mình đó là cảnh phim rất đau lòng. Cũng không phải một lần mình suy nghĩ giữa việc đi hay ở, giữa gần hay xa gia đình, giữa tự lập sống cuộc đời của riêng mình ở một nơi xa hay xích lại gần gia đình, nhưng nếu thấy hình ảnh của ông bà, bố mẹ sống một mình khi về già, thực sự mình không thể chịu nổi. Và mình xem phim khi đang ở nước ngoài, xa gia đình, cái cảm giác ấy thấm lắm.

The Farewell


The Farewell thực sự không quá cầu kỳ, những thước phim về cảnh sinh hoạt gia đình, về khu nhà chung cư, cảnh đường phố khắc họa cuộc sống đời thường của gia đình ba thế hệ Trung Quốc. Phim The Farewell cũng không có những ký xảo hoành tráng hay góc quay cầu kỳ, chủ yếu là cảnh gia đình tập trung trong một khung hình thể hiện sự đoàn viên và tính cộng đồng. Những đoạn hội thoại rất ngắn. Phim có nhiều khoảng lặng khắc hóa rất rõ nét tâm trạng của các nhân vật, sự bối rối, những gương mặt như chực để khóc nhưng vẫn cố nở nụ cười. The Farewell có nước phim xanh xanh cũ cũ, với bản nhạc nền hòa với cảnh đường phố Trung Quốc và tiếng bát đũa leng keng giờ ăn cơm, tạo nên một không gian đậm màu cuộc sống và buồn man mác.
Lời cảnh báo cho những ai đang ở xa nhà, đừng xem The Farewell  một mình, bởi mình đã khóc từ đầu đến cuối phim. Nhưng chắc chắn rằng, sau khi xem bạn sẽ muốn chạy về với ông bà, với gia đình mình, bởi cuộc đời đâu có gì là mãi mãi và tất nhiên chẳng ai muốn nói  “The Farewell” với những người mình yêu thương cả cả. 

Nguồn ảnh: Internet

London, 11/2019

Các review phim khác của mình : Review Phim

Cám ơn bạn đã ghé qua Blog. Hãy nhấn Subscribe để không bỏ lỡ những bài viết mới nhé

[jetpack_subscription_form show_subscribers_total=”false” button_on_newline=”false” custom_font_size=”16px” custom_border_radius=”0″ custom_border_weight=”1″ custom_padding=”15″ custom_spacing=”10″ submit_button_classes=”” email_field_classes=”” show_only_email_and_button=”true”]