Bạn có biết về khủng hoảng 1/4 cuộc đời? Nếu bạn thấy đã quá mệt mỏi với những câu chuyện về thành công (của người khác) và những áp lực phải thành công (theo tiêu chuẩn của người khác) thì hãy ở lại đây, chúng mình cùng nói về những thất bại.

Nếu bạn đôi khi thấy lạc lõng, không biết phải làm gì, thấy thiếu tự tin vào chính mình, cũng không sao cả, vì mình và nhiều người khác cũng thường như vậy. Mình viết bài này vì mình nhận ra một điều rằng mỗi lần mình thấy “thất vọng về bản thân”, thấy mình kém cỏi, hoài nghi thì việc có một ai đó đồng cảm sẽ khiến mình thấy thoải mái hơn là có một “nhân tài” hiện lên và nói “hãy làm thế này để thành công?” (và thường họ không thực sự hiểu mình đang gặp phải chuyện gì?)

Mình mới đọc một cuốn sách tên là “Tiến trình thành nhân” của tác giả Carl R.Rogers. Trong đó, mình thấm thía nhất là đoạn

“Dần dần, trong quá trình trị liệu tôi nhận ra rằng, tôi không thể giúp gì được cho một người đang bất an bằng bất cứ phương pháp nào dựa trên kiến thức, sự tập luyện, hoặc trên những gì người khác dạy cho tôi. Có thể giảng giải cho 1 người về chính người đó, phác họa những giai đoạn sẽ đưa người đó tới chỗ trưởng thành, huấn luyện cho người đó biết sống một lối sống thỏa đáng hơn. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi, tất cả các phương pháp đó đều vô hiệu. Cùng lắm, chúng chỉ có thể tạo ra sự thay đổi tạm thời, sớm tan biến và làm cho người đó càng tin vào sự yếu kém của mình hơn”

Mình đã từng đọc khá nhiều sách và những bài viết về “Làm thế nào để hạnh phúc”, “Làm thế nào để kiếm nhiều tiền hơn”, ” Làm thế nào để thu hút người khác”, “kỹ năng giao tiếp hiệu quả”, “những điều phải làm trước tuổi 30″…nhưng rồi mình nhận ra, điều đó không giúp gì được cho mình. Thậm chí, khi mình làm theo những lời khuyên đó, mà không thấy khá hơn, mình lại càng lún sâu thêm vào những chán nản, lại càng nghĩ mình kém cỏi hơi “Tại sao người khác làm được mà mình lại không?”. Cơ bản thì, những lời khuyên ấy dựa trên kinh nghiệm của một (hoặc một số người) trong một hoàn cảnh và điều kiện nhất định, và không thể đúng cho tất cả. Bạn không cần thiết phải đọc hết danh sách “những cuốn sách phải đọc” mà một blogger nào đó gợi ý, bạn không cần phải làm theo những thói quen “thay đổi cuộc đời” ai đó từng làm, vì điều đó chưa chắc đã hợp với bạn. Thay vào đó, điều mình có thể làm là lắng nghe bản thân, cố gắng hiểu bản thân mình, và làm những điều thực sự phù hợp với mình, khiến mình thấy thoải mái và tiến bộ.

Con người không phải một chiếc máy tính để gia đình, xã hội và nền giáo dục lập trình: đủ bộ phần cứng 12 năm phổ thông và 4 năm đại học, cài thêm các phần mềm kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, quản lý thời gian; cài thêm bộ phần mềm nâng cao những thói quen tốt để thành công, và thậm chí còn lập trình cả cách người ta tư duy để cảm thấy hạnh phúc nữa, phần mềm thì phải liên tục update. Có phần mềm rất có ích, nhưng có những phần mềm lỗi, chạy một hệ điều hành cũ kỹ và máy tính của bạn bị đơ, bị treo, bị nóng. Điều hiển nhiên là con người không phải là cái máy tính, mỗi người một cá tính, một loại tính cách khác nhau, không thể có một công thức chung hay một bộ phần mềm cho hạnh phúc.

Nếu hôm nay bạn thấy chênh vênh, không sao cả, ai cũng có những khuyết điểm và ai cũng từng thất bại, và còn nhiều thất bại ở phía trước. Trên từng quãng đời (dù mình vẫn trẻ, trải nghiệm chưa dài lắm) nhưng đều có một khoảng thời gian mình cảm thấy “không ổn”.

Mười tám tuổi, khi bức tường kính vỡ vụn

Đó là khoảng thời gian mình vừa tốt nghiệp cấp 3 ở Hải Phòng và lên Hà Nội. Hồi cấp 3, mình chỉ biết có 2 việc là học và đọc truyện. Ngay cả cái việc đơn giản của con gái là làm đẹp mình cũng chẳng biết, và mình cũng hơi mập nữa. Nói chung, thời điểm đó mình khá tự ti về ngoại hình.

Dù chỉ biết học và đỗ đại học Ngoại Thương, nhưng mình học cũng chỉ ở mức vừa đủ. Mình chưa bao giờ học trường chuyên. Mình thi đại học khối A được 23.75 điểm, làm tròn thành 24, vừa đủ điểm sàn đỗ vào trường. Sau đó mình đăng ký học lớp Chất Lượng Cao Kinh tế, học bằng Tiếng Anh. Dù cũng đủ điểm kiểm tra tiếng Anh đầu vào để vào lớp, nhưng tiếng Anh mình không tốt lắm. Lúc thi đại học, mình cũng thi khối D trường Luật (Khối phụ) và tiếng Anh của mình chỉ được 5 điểm thôi. Cảm giác của mình vào thời điểm đó, đứng giữa những người bạn “xuất sắc”, xinh đẹp, tự tin (và nhà giàu nữa), mình luôn thấy tự ti, tự ti về tất cả mọi thứ. Mặc dù các bạn cùng lớp, cũng khối, cùng trường mình rất tốt, không ai có bắt nạt hay kênh kiệu cả, ai hợp thì chơi, không hợp thì xã giao thôi nhưng cái tự ti là nó xuất phát từ chính bản thân mình. Lúc mới vào trường, mình cũng hăng hái tham gia câu lạc bộ, nhưng học kỳ 1, mình không đỗ vào bất cứ câu lạc bộ nào cả. Kết quả học thập cũng không tốt, dù chỉ học mấy môn kiểu Toán, IELTS, Triết… Lại thêm một nỗi buồn vô cùng “to lớn” với trái tim non nớt vì chuyện tình cảm, và mình đã không thể mãi “đeo kính hồng” nữa.

Hồi nhỏ, mấy đứa em mình hay trêu mình như con búp bê mẹ mình hay giữ trong tủ kính. Và đó là năm 18 tuổi, khi mình bước ra khỏi tủ kính để vào bước vào một thế giới rộng lớn hơn, gặp nhiều người giỏi hơn, đối mặt nhiều chuyện buồn hơn, thế giới không còn màu hồng như của Barbie. Mình chấp nhận, khi ấy, mình chẳng có gì ngoài những mơ mộng và mình nghĩ phải làm gì để đạt được những gì mình muốn. Và đó là lý do tại sao nhiều người hỏi mình học nhiều thứ thế, đủ các thể loại văn võ, cầm kỳ thư họa… Lý do của mình chỉ là mình cố gắng tìm kiếm điều gì đó để có thể khiến mình tự tin vào bản thân.

Khủng hoảng tuổi 20

Hai năm trên Hà Nội, mình đã bắt đầu hòa nhập được với cuốc sống “ít màu hồng”, nhìn chung là cuộc sống khá ổn, chỉ có điều, như bạn bè đồng trang lứa khác, mình lại hoang mang với câu hỏi “Mình xuống trái đất để làm gì?’. Mĩnh nghĩ nguyên nhân trực tiếp dẫn đến điều này là “Thấy giảng đường đại học quá chán”. Chuyện cũng bình thường khi việc thi vào trường đại học là theo ý bố mẹ, và dù theo ý bản thân thì bạn nhận ra giảng đường đại học không giống những gì mình từng tưởng tượng, hoặc là bạn đã từng hỏi “Học những thứ này để làm gì?” nhưng chẳng ai trả lời và rồi lo lắng, không biết sau này mình sẽ làm gì, cảm thấy mình kém cỏi, chán nản, hoang mang.

Nói về việc học, mình đã “tự thú” về sự học của mình trong 2 bài blog

Nếu nói một cách nghiệm khắc với bản thân, mình tự nhận là mình lười học, cùng thầy cô bài vở đó, nhiều bạn cùng lớp điểm cao, học giỏi còn mình thì không. Nhưng nếu nói một cách “đổ lỗi” (hơi vô trách nhiệm một chút) thì mình sẽ bảo “tại bài giảng quá chán, không cho mình hứng thú để học”. Cũng đâu có gì sai. Một bài hát người thấy hay, người thấy dở, một bài giảng cũng vậy mà. Và rồi khủng hoảng tuổi 20 của mình là chuyện không có hứng thú học tập, không biết học môn đó để làm gì, nhưng cũng không biết mình muốn gì, và lại nhìn xung quanh toàn những người (rất giỏi và) khác mình, rất khác mình.

Khi học trong trường đại học, bạn sẽ chẳng lạ gì các lớp học giao tiếp, học kỹ năng, học làm giàu (và thậm chí vỏ bọc của bán hàng đa cấp). Mỗi lần tham gia vào các chương trình ngoại khóa (ví dụ tuyển thành viên cho 1 project nào đó), mình phát ớn với teamwork và phỏng vấn nhóm, khi mà tất cả các bạn cùng nhóm dường như muốn chiếm trọn sân khấu, dành giật từng khoảng trống để nói. Mình là người ít nói. Có lần về quê, sang nhà họ hàng cũng có con học đại học trên Hà Nội, anh ấy hỏi mình “Học Ngoại Thương mà thế này à? Bọn Ngoại Thương mồm mép lắm cơ mà”. Mình chỉ biết im lặng và chấp nhận sự thật “Thế giới này thích những người… nói nhiều” (và chắc chỉ cần nhiều là được). Mình đã cố gắng để tỏ ra hoạt ngôn hơn, cố gắng nói gì đó (có vẻ hài hước) nhưng dần dần mình chỉ thấy mình thật … ngốc nghếch khi nói những điều thật vô nghĩa, và mình lại im lặng.

Không sao cả, nửa dân số hướng nội và im lặng không có nghĩa là kém cỏi hay không tốt.

Khủng hoảng tuổi 22 – câu chuyện “Thất nghiệp”

Bốn năm đại học trôi qua, và như đã nói ở trên, mình tốt nghiệp với một kết quả không như ý lắm. Cũng chẳng thể nói là không như ý, vì 4 năm đại học ấy mình đâu có chăm chỉ để có một bảng điểm đẹp. Tuy vậy, nghĩ đi nghĩ lại, nếu có thể thay đổi điều gì đó trong 4 năm đại học để có một bảng điểm đẹp hơn, mình cũng không biết mình có thể thay đổi điều gì. Mình có một chút “thành tích” để tự hào nhưng để đi xin việc thì có lẽ chưa đủ.

Đến ngày lễ tốt nghiệp, được mặc áo cử nhân, mình định không đến vì mình ngại khi bạn bè, thầy cô hỏi mình đã đi làm chưa, mình thấy ngại ngùng khi đứng cạnh những đứa bạn có một kết quả trọn vẹn hơn khi một bảng điểm đẹp, một công việc như ý. Còn mình của khi ấy, không còn đến trường, không có việc làm, nhan sắc bình thường, không tài cán gì và cũng mình cũng không biết tương lai mình sẽ về đâu. Mình vẫn trang điểm lồng lộn để đến dự lễ tốt nghiệp, cười thật tươi mỗi khi ai đó hỏi mình “Đã đi làm ở đâu?”, ít nhất, mình phải có một bộ ảnh tốt nghiệp thật lung linh để kỷ niệm.

Cuộc sống sau khi tốt nghiệp đại học thật kỳ lạ. Cảm giác như anh trượt chân khỏi đường băng chuyền của những kỳ thi, đồ án, rơi tõm vào thế giới thực. Anh đột nhiên phải quyết định mọi việc chứ không phụ thuộc và giáo viên hướng dẫn hay cha mẹ.

“Từng qua tuổi 20 – Ian Holingshead”

 Mình đã nghỉ việc thực tập tại một tổ chức phi chính phủ, nghỉ công việc part-time mình đã làm từ hồi năm hai đại học, mình nghỉ cả việc làm nghiên cứu với cô giáo. Mẹ mình thực sự không thể hiểu được quyết định của mình, đang có nhiều công việc khi còn đi học vậy mà khi học xong mình thất nghiệp. Cứ ngỡ rằng, mình vượt qua cái mốc hoang mang của tuổi 20, khi mà mình tìm thấy một lĩnh vực mà mình quan tâm, nhưng mình đã nhầm, và chính vì quá tập trung vào một việc đó, mình không hề chuẩn bị cho những biến cố có thể xảy đến. Khi ấy, mình cảm thấy không còn hứng thú với những công việc đó nữa. Mình biết ơn, trân trọng những cơ hội mình có, nhưng mình nghĩ những công việc đó không mang lại cho mình niềm vui 8 tiếng mỗi ngày. Nói về lập kế hoạch, thực ra tất cả những gì chúng ta dự định dù cao xa đến đâu thì cũng chỉ nằm trong phạm vi của những gì chúng ta từng biết và lưu trong bộ não. Còn cuộc sống này rộng lớn đến mức có quá nhiều điều ta không biết, có những điều của tương lai không hề nằm trong kế hoạch.

Mình bắt đầu nộp đơn vào các doanh nghiệp khác nhau, với các vị trí khác nhau. Mình không biết mình đang thực sự tìm kiếm một công việc thế nào, mình thử tất cả các vị trí mình có thể làm như marketing, hỗ trợ văn phòng, trợ lý, hay ngay cả viết lách và chụp ảnh. Ngày nào mình cũng chuẩn bị hồ sơ, CV nộp đi tìm việc. Đến giờ, trong máy tính của mình vẫn lưu đến 60 folder các files CV, Cover letter, đơn đăng ký mình chuẩn bị để apply 60 tổ chức, doanh nghiệp khác nhau. Mình thất bại rất nhiều nhưng cũng có nơi nhận và được gọi đi làm thì mình lại từ chối vì mình lại tự hỏi, mình có chắc chắn muốn ngồi ở văn phòng đó, làm công việc đó 8 tiếng một ngày không. Trái tim mình trả lời không và lý trí thì cũng chẳng nói gì cả. Chị mình cũng bảo mình dành một năm Gap year để nghỉ ngơi, lấy tiền mình đã tiết kiệm dành dụm đi làm thêm suốt 4 năm đại học để đi du lịch, nhưng mình thì không dám làm vậy. Mình rất sợ mỗi lần gặp người quen rồi lại hỏi đã tìm được việc chưa, mình ghen tị khi thấy những đứa bạn đang lên đường đi du học hay khoe những ngày đầu ở công ty mới.

Mùa thu lại qua và mùa đông lại đến. Khoảng thời gian vô định ấy đủ dài để khiến mình thấy sợ. Cứ mỗi tối trước khi đi ngủ, mình lại nhìn lên trần nhà tối om và tự hỏi chẳng biết ngày mai sẽ làm gì. Mình là đứa làm gì cũng có kể hoạch, nhưng khi không biết phải làm gì tiếp theo, mình thấy mung lung và mất bình tĩnh một cách đáng sợ.

Và điều khiến mình thấy tồi tệ nhất thời điểm đó là phải nghe quá nhiều. “Đi làm chưa cháu?” “Học lắm vào ra trường chưa kiếm được việc tốn tiền bố mẹ”, “Con nhà bác ABC nó ra trường cái có việc ngay mà có học hành gì đâu” “Thôi về quê mà lấy chồng đi” (và tệ hơn) “Thôi không kiếm được việc thì đầy nhà đang tuyển osin”. Mình từng nghĩ, im lặng trước những “bức xúc” thay vì nổi giận, bỏ qua thay vì khóc lóc trước những tổn thương là điều nên làm. Nhưng đến một ngày, khi em mình cũng tốt nghiệp đại học, nó lại gặp chuyện tương tự, những câu hỏi vô duyên và vô tình khiến nó buồn suốt nhiều ngày và càng thêm áp lực. Mình tự hỏi mình sẽ im lặng đến bao giờ? Đến khi tất cả những đứa em mình đều trải qua hết chuyện này, hay đến khi mình cũng trở thành một người nói những lời vô tình như thế?

“Mình không thích họ làm thế – Thôi kệ đi. Lời nói đó khiến người khác tổn thương. Thôi kệ đi.”

Có những điều vì bỏ qua nên người ta vẫn làm, điều mà nhiều người làm thì người ta lại cho nó nghiễm nhiên trở thành đúng, và đó là cách những điều không tốt tồn tại qua thời gian. Đến một ngày, thay vì im lặng, mình lên tiếng. Vô duyên là chuyện của người ta nhưng lời nói làm người khác buồn thì không chỉ còn là chuyện của người ta nữa rồi.

Khủng khoảng tuổi 25 – Lại không biết làm gì

Cuồi cùng thì số lượng hồ sơ phải đi nộp và những lần phỏng vấn tìm việc của mình cũng dừng lại. Mình khá hài lòng với công việc mình có, một công việc khiến nhiều người xuýt xoa bởi vị trí ở một công ty mà người Việt Nam ai cũng biết, những chuyến công tác nước ngoài, và theo lời của bạn mình “suốt ngày đi du lịch”. Gần 2 năm đi làm, mình rất ít nghỉ phép, ngày nào cũng đi làm khi mặt trời chưa lên và về khi trời đã tối hẳn. Cô bạn cùng công ty có lần hỏi mình “Phương Anh chắc chẳng bao giờ chán việc đâu nhỉ?”.

Cuộc sống cá nhân vui chơi giải trí của mình nhìn chung cũng tàm tạm. Nhưng rồi lại đến một ngày mình đã quá mệt mỏi để có thể cố gắng và thấy đau đầu giữa những chốn nhộn nhịp. Có rất nhiều chuyện mình chứng kiến và mình phải chấp nhận có nhiều thứ không hề tốt đẹp như mình nghĩ. Thất vọng, sợ hãi, hoang mang, mất niềm tin… Mình không biết chuyện gì thực sự đang diễn ra, chỉ là những quan điểm, cách suy nghĩ, thẩm mỹ và cách sống của mình quá khác với mọi người xung quanh. Mình thấy mình lạc lõng giữa đồng nghiệp, choáng ngợt giữa những cuộc tụ họp bạn bè và không thoải mái mỗi lần về nhà. Có những tối đi làm về muộn, mình cứ lườn vòng vòng quanh hồ Gươm, bởi cảm giác sợ. Mình sợ phải nghe những câu chuyện, những lời nói mình không muốn nghe. Có những ngày mưa, mình đi đường và để nước mắt cứ rơi hòa với mưa rồi khi về đến nhà, mưa tạnh, nước mắt cũng khô.

Bất ổn tâm lý, người ta chẳng thể nhìn thấy biểu hiện như một cơn cảm cúm, hắt hơi sổ mũi. Nhìn khuôn mặt ủ rũ, gượng gạo và những lý do bạn cố gắng nghĩa ra để trốn những cuộc hội họp, người ta chỉ nói rằng bạn lười, bạn không biết xã giao hay thậm chí bạn bị “tự kỷ”. Nhưng nó thực sự đáng sợ, và khiến mình chán ghét và sợ hãi mọi thứ xung quanh. Gần một tháng trời, mình bị đau đầu kéo dài, đau đến nỗi như có ai đó siết chặt quanh thái dương và đôi khi giữa văn phòng mình choáng váng hoặc kêu lên thành tiếng. Chuyện rất buồn cười là khi ấy mình tưởng mình bị u não và đi viện chụp CT nhưng rất tiếc từng đó xét nghiệm không hề có sự tham gia của bác sĩ tâm lý. Mình đã giải quyết bằng cách đi du lịch, chọn một hòn đảo càng ít khách du lịch càng tốt ở Nha Trang, và ở đó, chỉ để cho mình được yên lặng.

Nếu như cuộc sống của mình “fancy” như những gì được post trên facebook, mình đã không bỏ công sức (rất nhiều công sức) để apply học bổng và đi du học như bước lên một chiếc thuyền cứu sinh.

Và những khủng hoảng tiếp tục…

Nếu bạn từng nghe đến sốc văn hóa ngược, sau khi đi du học về thì theo kinh nghiệm của mình điều đó là có thật, và nó khá đáng sợ không kém gì lần mình nghĩ mình bị u não. Gạt nỗi nhớ châu Âu hoa lệ sang một bên, mình lại trở về vớinhững câu chuyện không muốn nghe nhưng vẫn được rót vào tai. Người ta nói không thích thì đừng nghe, nhưng thành thật thì lúc bơi ai muốn nước vào tai đâu, nhưng nước vẫn vào. Tai bạn làm gì có nút tắt để nó tự động trở thành điếc đúng lúc. Mình sợ tiếng còi xe mà người ta bấm vô tội vạ như thể bấm xong là những chiếc xe phía trước sẽ biến mất, và cũng khá mệt vì người lớn cứ nhắc đi nhắc lại “con gái tuổi này…” cùng rất nhiều những điều mình không thể hiểu. Một lần nữa mình cảm thấy quá tải.

Cũng như nhiều người, mình cũng đối mặt với những khủng hoảng trước ảnh hưởng của dịch bệnh lên công việc và cuộc sống của mình.

Mình viết những điều này không phải để than vãn chỉ để nếu như ai đó đang ở trong một giai đoạn khủng hoảng tương tự và không biết làm cách nào để thoát ra thì không sao cả, bạn không chỉ có một mình. Đôi khi bạn sẽ thấy những câu hô khẩu hiệu, những phương pháp này nọ trở nên vô nghĩa với trường hợp của bạn bởi vì bạn là duy nhất, khác biệt và chỉ bạn mới hiểu mình thực sự muốn gì, cần gì thay vì đi mù quáng đi theo con đường người khác đã đi. Thành thật với cảm xúc của mình, không trốn tránh, không che đậy. Chúng mình không cần cố gắng để trở nên giống ai cả, không cần phải có một “lối sống” theo chuẩn mực xã hội, không cần phải có đủ bộ tài giỏi như con nhà người ta, không cần phải thích điều mà nhiều người thích…bởi là chính mình, sống cuộc đời của riêng mình đã đủ để bạn phải dành trọn vẹn cuộc đời này để thực hiện rồi.

Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi. Dù giờ có thể bình tĩnh và lý trí, mình nghĩ có lẽ năm 18, 20 mình nên làm gì thì đã tốt hơn, nhưng mình thương và hiểu cảm xúc và hoàn cảnh khi ấy không cho mình làm thế. Cảm giác khủng hoảng nó không vui vẻ tẹo nào nhưng khi đã vượt qua những khủng hoảng ấy, mình thấy rằng đó là chính thành tựu mà mình tự hào nhất vì nó giúp mình hiểu bản thân mình hơn, cho mình những động lực để bước những bước thật dài. Đó là cách chúng ta trưởng thành.

Sự hào hứng đến từ thành tựu, nhưng sự mãn nguyện đến từ hành trình đạt đến thành tự đó.

P/S: Đôi khi, mình cũng muốn tìm một bác sĩ tâm lý, để thực sự hiểu những vấn đề đang diễn ra trong suy nghĩ của mình.

Bookstagram @vitamin.books


Cám ơn bạn đã ghé qua. Hãy theo dõi để không bỏ qua những bài viết mới trên blog

[jetpack_subscription_form show_subscribers_total=”false” button_on_newline=”false” custom_font_size=”16px” custom_border_radius=”0″ custom_border_weight=”1″ custom_padding=”15″ custom_spacing=”10″ submit_button_classes=”” email_field_classes=”” show_only_email_and_button=”true” success_message=”Success! An email was just sent to confirm your subscription. Please find the email now and click ‘Confirm Follow’ to start subscribing.”]

Những bài viết khác về chủ đề chữa lành trên Blog: Healing