NỘI DUNG BÀI VIẾT
Có thể nói London là nơi bạn có thể trải nghiệm dịch vụ từ bình dân đến cao cấp. Tất nhiên, giá cả sẽ đi kèm với chất lượng dịch vụ. Tuy vậy, vẫn còn một cách để trải nghiệm những dịch vụ sang chảnh hợp với túi tiền của sinh viên, hay tự tin bước chân vào những cửa tiệm mà chắc chắc bạn được ngắm nhìn, được chạm mà chẳng ai ngăn cản. London nổi tiếng là thành phố tuyệt vời nhất dành cho sinh viên và London cũng là thành phố của thời trang, nghệ thuật, nơi những người nổi tiếng và giàu có chẳng hiếm gặp.
Sinh viên từ khắp các mọi nơi tới London học đủ các ngành nghề. Để sử dụng dịch vụ của các chuyên gia, bạn phải trả rất nhiều tiền. Nhưng khi họ còn là những sinh viên học việc, dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia thì mình chỉ cần trả một giá vô cùng phải chăng.
Nhà hàng Vincent Rooms
Ngày 5/4/2019
Vincent Rooms là nhà hàng thuộc Westminster Kingsway College, nơi mà siêu đầu bếp lừng danh của nước Anh James Oliver từng theo học. Nhà hàng nằm ngay tại trung tâm London, giữa khung cảnh thơ mộng, yên bình của Victoria Square, cách bến tàu Victoria chỉ 10 phút đi bộ. Tất cả các hoạt động từ nấu ăn, phục vụ, quản lý nhà hàng đều được phục vụ bởi sinh viên. Đó như một phần thực tập trong chương trình học của các bạn ấy. Cũng bởi vậy mà nhà hàng không phục vụ ngày cuối tuần và ngày nghỉ lễ. Mỗi tháng, các món ăn sẽ theo chủ đề, và chúng tôi có thể thưởng thức một bữa với 3 phần khai vị, món chính và món tráng miệng với giá chỉ khoảng 15 bảng, cũng chỉ hơn một suất fish & chips ở Camden town một xíu.
Tôi và Thư đến nhà hàng dùng bữa trưa. Nhà hàng rất sang trọng với thảm màu đỏ, đèn pha lê lấp lánh và những lọ hoa trang trí sáng bóng. Sau khi xác nhận đã đặt bàn, câu đầu tiên bạn lễ tân hỏi chúng tôi:
- Hai vị có cần chúng tôi giữ áo không?
Lần đầu tiên trong đời tôi đi nhà hàng được người ta hỏi câu đó, nhưng tôi từ chối. Tôi vẫn có thói quen vắt áo khoác phía sau ghế của mình. Một bạn phục vụ bàn dẫn chúng tôi tới bàn dành cho 2 người cạnh cửa sổ sổ lớn nhìn ra Victoria Square. Phòng ăn có màu chủ đạo là màu xanh với sản gỗ ấm cúng. Trưa nay, quán không đông người, không gian trầm lắng với tiếng nhạc cổ điển du dương. Chúng tôi gọi món lần lượt khai vị với Salad, món chính với cá và món tráng miệng với kem và bánh ngọt. Tôi với Thư cố gắng gọi các món khác nhau để có thể cùng nhau thử nhiều món. Trước khi các món được phục vụ, nhà hàng phục vụ trước một giỏ bánh mỳ với nhiều loại bánh mỳ khác nhau ăn kèm với bơ.
Quán phục vụ khá nhanh, và đồ ăn được đưa lên rất vừa vặn. Khi tôi vừa dùng xong món khai vị thì món chính được đưa lên nóng hổi. Tôi không biết nên miêu tả hương vị của món ăn thế nào cho trọn vẹn. Chủ đề món của tuần này là cá. Thịt cá rất mềm, hài hòa với phần nước sốt và trang trí đẹp mắt. Và đúng là kiểu nhà hàng sang chảnh, món nào cũng chỉ có một nhúm. Món tráng miệng đặc biệt rất xuất sắc, bánh mềm, ẩm, vị rượu rum nồng kết hợp với vị chua của hoa quả.
Cuối bữa ăn, bạn phục vụ đến hỏi chúng tôi về đánh giá chất lượng món ăn và chất lượng phục vụ. Có điều gì tôi cần phải phàn nhàn với một bữa trưa sang chảnh mà có giá fish & chips. Biết đâu đấy, bạn đầu bếp nấu bữa hôm nay của tôi sau lại lại thành siêu đầu bếp nổi tiếng thế giới như James Oliver thì cũng chẳng còn cơ hội ăn món bạn ấy nấu với giá này.
Bạn có thể đặt bàn tại Vincent Rooms khi đến London tại đây: Book a table
…
Cắt tóc ở viện tóc Tony & Guys
Ngày 13/5/2019
Sau khi kết thúc một tháng ôn thi hết sức vất vả, tôi với cô bạn cùng lớp Mikka quyết định đi cắt tóc. Tôi không phải là người chăm sóc quá nhiều cho bản thân, tóc tôi là tóc tự nhiên, chỉ cắt và chưa một lần dùng hóa chất. Lý do bởi vì hồi đại học, một lần tôi duỗi và nhuộm tóc, sau đó tóc rất xơ và cứng, vậy nên tôi nuôi đến khi cắt được hết phần tóc hỏng đó, sau này tôi không đi làm hóa chất nữa. Trước lúc đi học, biết dịch vụ ở London đắt đỏ, tôi định chỉ nuôi tóc dài. Hơn 6 tháng đi học, đuôi tóc bị chẻ ngọn rất nhiều. Cùng với việc, tôi muốn mình trong một diện mạo mới mẻ hơn, nên tôi quyết định phải ra tiệm.
Toni & Guys là thương hiệu salon tóc hàng đầu thế giới, nơi mà nhiều ngôi sao nổi tiếng hay ghé qua. Đây cũng là viện tạo mẫu tóc, đào tạo nghề, và các sinh viên luôn cần một người mẫu để thực hành.
Chúng tôi đến salon từ 1h30 chiều. Người đến làm mẫu cũng khá đông. Chúng tôi được dẫn vào khu salon với bàn gương, ghế và rất nhiều đồ dùng làm tóc trước mặt. Một thầy giáo tập trung các bạn sinh viên lại để phổ biến nội dung của buổi thực hành rồi các bạn sinh viên lần lượt đi về phía bàn của các khách hàng hôm nay họ sẽ làm việc cùng. Cô bạn cắt tóc cho tôi người Pháp, với mái tóc vàng óng rất uốn xoăn rất xinh. Trước khi bắt đầu, cô ấy hỏi tôi về kiểu tóc tôi thích, ngắn đến đâu, có cắt mái không, thích làm phồng hay để thẳng, sau đó bạn ấy miêu tả lại ý thích của tôi cho thấy giáo hướng dẫn. Thầy giáo hướng dẫn tư vấn tiếp rằng khuôn mặt của tôi hợp với kiểu tóc nào, và hỏi tôi thêm một vài câu hỏi liên quan đến sở thích, thích style nào. Sau đó, chúng tôi bắt đầu đi gội đầu và quay lại bàn để cắt.
Ban đầu tôi cũng sợ, vì sau bao kinh nghiệm đau thương mỗi lần đi cắt tóc, chưa bao giờ ra khỏi tiệm cắt tóc mà tôi có một kiểu tóc ưng ý. Thậm chí là một tháng sau khi tóc bắt đầu mọc lại hoặc khi đã quen với khuôn mặt tôi thấy trong gương, tôi mới thấy kiểu tóc của mình ổn. Bây giờ tôi đang để mình làm “thí nghiệm” cho một bạn sinh viên học nghề. Nỗi lo lắng của tôi dần biến mất, khi thầy giáo chỉ dẫn chi tiết từng chút một, từ cách bạn ấy chia các phần tóc của tôi ra sao, đến khi bạn ấy cắt một đường, thầy giáo lại ra kiểm tra một lần. Vậy nên, khả năng kéo đi lệch là rất thấp. Chỉ có vấn đề là lúc thầy giáo cắt mẫu rất êm, còn khi bạn ấy thực hành, giật tóc tôi hơi đau một chút. Mỗi lần cắt xong, cô bạn lại bảo tôi đeo kính vào để xem đã ưng chưa.
Cho đến khi tóc của tôi đã cắt ngắn đến trên vai đúng chiều dài tôi mong muốn, cô bạn tư vấn cho tôi nên cắt mái. Tôi hơi lưỡng lự, vì lại nhớ lại kinh nghiệm vô cùng buồn, có lần đi cắt mái về rồi cả mấy tháng sau đó tôi đều phải dùng ghim kẹp tóc hất lên trên để lộ trán, một thất bại thảm hại. Thấy tôi lượng lự, bạn ấy lại gọi thầy giáo tới để tư vấn rằng nếu cắt mái xong thì kiểu tóc của tôi sẽ mềm mại hơn và tôi đồng ý.
Cuối cùng sau khi hoàn thành công đoạn cắt, cô bạn dùng máy sấy tóc, uốn xoăn những lọn tóc của tôi và phần mái được uốn cong bồng bềnh che một nữa khuôn mặt. Tôi đeo kính vào và nhìn mình trong gương, quá sức tưởng tượng. Thầy giáo hướng dẫn ra kiểm tra sản phẩm rồi gật gù bảo tôi:
- Kiểu tóc này rất hợp với mặt bạn, đặc biệt là phần mái, bồng bềnh, mềm mại và rất high fashion.
Tôi cười toe, và nói:
- Hãy cho cô ấy điểm cao nhất bởi chưa bao giờ tôi hài lòng với mái tóc của mình đến vậy.
Đây chính là kiểu tóc tôi ao ước trăm lần khi nhìn mấy chị đẹp trên Pinterest nhưng chưa một thợ cắt tóc nào hiểu nỗi lòng tôi ngay cả khi tôi đưa mẫu. Sao bạn ấy có thể hiểu khi tôi chỉ miêu tả “tóc ngắn ngang vai” nhỉ? Một trải nghiệm quá tuyệt để có một diện mạo hoàn toàn mới.
Đăng ký làm người mẫu tóc tại Toni&Guys Academy: Model for us
…
Nghệ thuật sân khấu ở London
Đến London có lẽ một trải nghiệm không thể bỏ qua đó là nghệ thuật sân khấu, trong đó bao gồm nhạc kịch, opera, ballet và hòa nhạc giao hưởng. London có hơn 40 nhà hát lớn, sáng đèn quanh năm và những buổi biểu diễn luôn thường xuyên cháy vé. Tôi những muốn bước vào Royal Opera House vởi Ballet “Kẹp hạt dẻ” hay một lần đi nghe nhạc giao hưởng đúng chất châu Âu xem có khác gì so với những buổi hòa nhạc tôi với bạn tôi thường đến ở Hà Nội. Tuy vậy, khi nhìn giá vé từ 80 bảng trở lên, sinh viên nào dám đầu tư khoản đó. Mãi đến lúc gần về, tôi, Thư với chị Nhã, mới qua nhà hát Her Majesty’s Theatre trên phố Piccadilly để xem vở nhạc kịch “Bóng ma nhà hát”. Đó cũng là lần duy nhất tôi thưởng thức nghệ thuật sân khấu chính thống ở London.
May mắn là anh Sang học nhạc kịch ở học viện nghệ thuật Trinity Laban. Lần đầu tiên gặp tôi hỏi anh học gì. Khi nghe anh giới thiệu học nhạc kịch sau khi đã hoàn thành chương trình MBA, tôi ngạc nhiên không để đâu hết. Anh cũng là người khai sáng thẩm mỹ âm nhạc, nghệ thuật của tôi từ khi tới London. Thỉnh thoảng chúng tôi có cơ hội đến xem nhạc kịch do các sinh viên biểu diễn, và cả bài thi tốt nghiệp của anh Sang nữa. Nhạc kịch (Music Theater) ngày càng trở nên phổ biến khi được xuất hiện ngày càng nhiều qua các bộ phim ăn khách như High School Musical hay những tác phẩm hoạt hình của Disney. Trước đây tôi từng nghĩ, tại sao có phim rồi mà người ta vẫn thích đi xem kịch trên sân khấu. Thế rồi tôi mới nhận ra sự ngô nghê của mình khi buông lời nhận xét mà chưa được thưởng thức một sân khấu đích thực.
Nghệ thuật sân khấu có sức hấp dẫn riêng đến từ nghệ thật bài trí, ánh sáng, âm nhạc và sự thể hiện của các diễn viên. Đến lúc đã nghe nhiều ca khúc trong các bản nhạc kịch, tôi lại càng khó tính trong thưởng thức âm nhạc. Tôi dần cảm nhận được những cảm xúc, tâm tư, tình cảm của ca sĩ qua từng câu hát. Họ như kể một câu chuyện qua giọng hát truyền cảm của mình, để chạm tới trái tim của khán giả. Đến mức, đôi lúc tôi thấy khó chịu khi những bài hát mà ca sĩ như chỉ đang phô diễn kỹ thuật và sức mạnh của cổ họng chứ không hề đưa vào đó một cảm xúc nào, nghe thật khô cứng.
Cùng nhà tôi, có một cô bạn người Đức học Opera tại Học viện âm nhạc Hoàng gia London. Nhờ cô ấy, tôi có cơ hội được thưởng thức Opera, lần đầu tiên trong đời. Trong mắt tôi, cô bạn người Đức giống như một nàng công chúa. cô có mái tóc màu nâu, đôi mắt long lanh với hàng mi cong dài và giọng nói như thể đang hát. Bạn ấy cũng là người ăn chay, và tôi cảm giác mọi thứ toát ra từ dáng đi, giọng nói, ánh mắt đều vô cùng thanh thoát. Một hôm, cô ấy nhắn lên group WhatsApp của tầng là có buổi tổng duyệt biểu diễn vào tối ngày mai. Buổi biểu diễn chính thức sẽ bán vé, nhưng buổi tổng duyệt lần này vẫn có trang phục, đạo cụ, âm nhạc, ánh sáng như trong buổi chính thức, nhưng chúng tôi được vào cửa miễn phí, chỉ cần đọc tên cô bạn người Đức của chúng tôi trước khi vào.
Đây cũng là lần đầu tiên tôi bước vào Học viện âm nhạc Hoàng gia London, mặc dù ngôi trường này ngay đối diện trường tôi. Không gian trường rất cổ kính, đậm chất quý tộc. Từ bé, tôi cũng rất thích được học nhạc, nhưng với gia đình tôi, âm nhạc là một điều gì đó quá bay bổng và xa vời. Bởi vậy, cứ mỗi lần nhìn thấy các bạn nghệ sĩ, cả cuộc đời gắn bó với âm nhạc, tôi đều thấy họ như ở một thế giới khác rất xa, khác biệt với cuộc sống của tôi.
Vở diễn kể về câu chuyện có thần Zeus. Phải công nhận rằng, so với nhạc kịch thì Opera là một đẳng cấp hàn lâm cao vời vợi. Những từ tiếng Anh cổ, được ca sĩ hát nhiều chỗ tôi nghe không thể hiểu được. Đến đoạn nghỉ giữa giờ, tôi phải dùng điện thoại, vào Wikipedia để tra nội dung chính của vở kịch để dễ tiếp thu hơn. Giọng của bạn nữ chính, thực sự rất nội lực. Trong nhạc kịch, ca sĩ có một micro nhỏ đặt trên trán để khi họ hát âm thanh có thể được thu tốt nhất. Anh Sang nói, nếu đặt ở bên má như Micro thường thì âm thanh sẽ bị lệch, micro thu không chuẩn. Còn trong Opera ca sĩ hát không hề có bất cứ một thiết bị hỗ trợ nào. Cô ấy hát những nốt cao, ngân dài vang vọng cả khán phòng. Không những hát, các bạn ấy còn diễn nữa.
Đến sáng hôm sau, gặp cô bạn người Đức tôi phải thú thực một điều là từ đêm qua đến tận bây giờ, giọng hát cao vút của bạn ca sĩ chính vẫn còn vương vấn bên tai tôi mà tôi không thể nào thoát ra được. Thực sự quá ám ảnh.
Quần áo hàng hiệu
Tôi từng một người sống vô cùng đơm giản, không qua kiểu cách nhưng rồi cuộc sống ở London đã thay đổi tất cả. Suy cho cùng thì ai chẳng yêu cái đẹp. Tôi là đứa chỉ mua đồ Primark và H&M, mà cũng chỉ mua có mỗi cái áo len mặc cả năm (nghèo và tiết kiệm). Lần đó tôi đi Westfield để tìm một cái áo khoác. Chị bạn đi cùng, một con người cũng đam mê cái đẹp, nghiền sưu tầm nước hoa và cũng đã hít đủ không khí ngoại quốc suốt 4 năm đại học, kéo tôi vào cửa hàng thời trang Reiss “Để chị chỉ cho em hãng này nhé”.
Vào trong cửa hàng, tôi thử một chiếc áo khoác dạ mà Navi dáng dài qua đầu gối. Tôi nhìn mình trong gương, thần thái nâng tầm vài chân kính dù tôi vốn dĩ cũng đã tự tin mình là đứa cao đến 1m7, mặt mũi sáng sủa. Chiếc áo đó đẹp đến nỗi không một chi tiết nào tôi có thể phàn nàn. Đường may rất tinh tế, ôm sát khiến tôi nhìn rất gọn gàng mà mặc vẫn thoải mái. Chỉ có điều duy nhất là tiền nào của nấy, mức giá đó quá sức sinh viên nghèo, bằng nửa tháng tiền nhà, bằng cả chuyến du lịch Châu Âu, nên tôi đành ngậm ngùi quay lại Mango mua một chiếc áo giảm giá 50%, không quá tệ.
Buổi trưng bày bán đấu giá túi Hermes
Reiss cũng chỉ được xếp vào nhóm các hãng bình dân dành cho dân công sở. Đó không phải món đắt đỏ nhất tôi chạm vào khi ở London. Tôi có một cậu bạn cùng lớp, yêu thời trang, và vì đi với hắn nhiều, tôi mới hiểu tại sao hàng hiệu lại đắt thế. Đó là cả một tác phẩm nghệ thuật được làm tỷ mỉ bằng tay và có một không hai. Sau vài lần, qua lượn lờ ở Harrod và khu Bond Street (khu phố bán đồ cao cấp ở London), tôi cũng đã luyện được sự tự tin khi bước vào cửa tiệm LV. Tất nhiên là dù bạn không có có vẻ mộ điệu, nhưng vào xem, hỏi han, cầm sản phẩm chẳng ai cấm cả.
Một lần, bạn tôi rủ tôi đến trung tâm bán đầu giá London ở gần Bond Street. Tôi vừa từ thư viện về, còn nguyên dáng vẻ thư sinh đeo balo, giày thể thao, quần jean và áo trend coat. Đến cửa bạn tôi trong bộ vest bóng bẩy chạy ra đón và đưa tôi vào khu trưng bày túi 2 mẫu túi Kelly và Birkin của Hermes trước buổi bán đấu giá. Những chiếc túi được bán đấu giá là bộ sưu tập giới hạn, không có bán trong các cửa hàng. Tôi đã từng hỏi, mấy cái túi này nó khác gì túi mua ở chợ đâu mà nó đắt thế. Nhưng khi được đứng thật gần, được chạm tôi mới cảm nhận được sự tinh tế của sản phẩm. Hoặc là do trước đây tôi cũng chỉ toàn nhìn thấy túi mua Hermes ở chợ Đồng Xuân, giờ phân biệt được sự khác nhau giữa Birkin và Kelly tôi đã thấy mình khá lắm rồi.
Khi tôi đứng nhìn chiếc túi da cá sấu màu trắng được đặt trong tủ kính giữa căn phòng, bạn nhân viên mặc vest, đeo găng tay trắng hỏi tôi có muốn xem tận tay chiếc túi đó không. Tôi nhìn giá của nó tận 600 ngàn bảng, tính ra cũng phải gấp mấy chục lần 1 năm đi học của tôi. Tôi liếc nhìn bạn nhân viên rồi cười, bạn ấy vẫn rất nhiệt tình “Để tôi lấy cho bạn xem” rồi nhẹ nhàng mở tủ, lấy chiếc túi đặt vào tay tôi đã đeo một đôi găng để tránh bám vân tay lên sản phẩm. Tôi quay sang hỏi bạn “Người ta không sợ tôi ôm cái túi này rồi chạy à?”. Bạn tôi cười “Đố bà chạy được ra khỏi đây”. Giờ nếu ai cho tôi chiếc túi này thì tôi cũng chẳng biết làm gì với nó, vì nó quá sang trọng so với tất cả những bộ quần áo tôi mặc. Hơn nữa tôi đánh giá cao sự thân thiện của bạn nhân viên khi trao cho tôi món đồ tiền tỷ này khi nhìn tôi đã biết người không mua nổi. Cậu bạn tôi lại cười “ở London nhiều mặc như homeless nhưng họ dư sức mua cả chỗ này”. Tôi nhìn quanh, những người đến xem ăn mặc cũng khá đơn giản, với quần jean, giày bốt, khăn len mùa đông, chẳng ai nhìn giống ngôi sao Hollywood hay Fashionista cả. Người ta có nhiều cách thể hiện sự ngưỡng mộ đối với cái đẹp, không cần phải phô trương.
Cửa hàng nước hoa Amaffi
Một lần khác, chúng tôi ghé vào cửa hàng nước hoa Amaffi trên phố Bond Street để xin mẫu thử cho bạn tôi gửi về nhà. Trước đó tôi chưa từng nghe đến loại nước hoa này. Truyện kể rằng, có lần Naponeon đi qua một ngôi làng và bị mê hoặc bởi mùi hương nước hoa quyến rũ tỏa ra từ ngôi nhà của một người chế tạo nước hoa. Đại đế đã đưa người thợ đó cùng người phụ nữ giúp việc về cung điện để chuyên chế tạo nước hoa dành riêng cho hoàng đế. Thời đó, bởi sự phân biệt giữa nam và nữ, nên người thợ và người phụ nữ đã giấu kín một bí mật. Đến một ngày, bí mật bị một cận thần báo với nhà vua, rằng tác giả của hương nước hoa đầy mê hoặc là người phụ nữ đi cùng chứ không phải người thợ nam mà nhà vua yêu mến. Người phụ nữ trước khi bị xử tội đã chạy trốn khỏi cung điện, và đến một vùng đất mới, cùng gia đình thành lập hãng nước hoa tên là Amaffi.
Những chai nước hoa được làm bằng tay, đính đá tinh xảo, mô phỏng viếc vương miện và vương trượng của hoàng gia. Điều đặc biệt là nước hoa sẽ đi theo cặp Gentlemen và Lady, dù hai mùi hương cho nam và nữ khác nhau rõ rệt nhưng khi đi cùng nhau lại hòa quyện rất ngọt ngào và quý phái. Nước hoa Amaffi không bán online, mà chỉ có thể mua ở một số cửa hàng được đặt tại những con số sang trọng ở một vài thành phố lớn.
Rất tiếc là hãng nước hoa này không làm gói sample nên bạn tôi không thể gửi về nhà. Bạn nhân viên bán hàng đành xịt nước hoa vào các tấm giấy thử, cho vào phong bì, gói kín, hi vọng rằng mùi hương có thể giữ được một tuần, khi chạm đến tay người nhà bạn tôi.
Một lần nữa tôi lại khá sốc với cách đón tiếp của bạn nhân viên cửa hàng dành cho tôi. Tôi chưa bao giờ thấy nhân viên cửa hàng nào nhiệt tình với tôi như vậy, dù biết là tôi không đủ tiền để trả cho một chai mini size trong cửa hàng, và trên người tôi mặc áo khoác Zara đã dùng 4 năm nay, quần bò gap hạ giá 10 bảng, khăn Primark 4 bảng, giày adidas thể thao màu hồng và balo đi học màu đã ố. Nói chung là tôi thấy mình không có một chút gì là “tiêu thư tài phiệt” cả. Bạn đi cùng tôi cũng nói hôm nay chỉ đến xin sample không mua gì, nhưng tôi cũng được nhận tất cả những mỹ từ của thiên hạ.
Cô bạn bán hàng hỏi tên tôi, tôi nói tên tôi là ‘Violet”. Cô ấy khen cái tên đó rất hay và hợp với vẻ ngoài xinh đẹp (và nhiều mỹ từ khác) của tôi. Rồi bạn ấy dẫn tôi ra phía bên khác tủ kính trưng bày, giới thiệu cho tôi những loại nước hoa dành cho người trẻ, hợp với tôi hơn. Cô bạn cũng hỏi tôi đã kết hôn chưa. Khi tôi cười, cô lấy ra một chai nước hoa tên là 32 July, vỏ màu trắng, loại dành cho Lady, và xịt vào giấy thử đưa cho tôi, nói rằng “Tôi thấy cô rất hợp với mùi hương này và sẽ thật tuyệt vời nếu cô có thể dùng nó trong ngày cưới”. Trong khi tôi còn chưa biết mặt phu quân của mình thế nào, và chắc là tôi sẽ cưới vào ngày 32 July thật. Sau đó cô bạn, lại xịt thêm nước hoa vào giấy thử, gói gém vào phong bì, ghi tên loại nước hoa đưa cho tôi làm kỷ niệm, và hỏi tôi có muốn thử thêm loại nước hoa nào không. Đến giờ tôi vẫn giữ chiếc phong bì ghi tên 32 July ấy trong túi và mùi hương tinh khôi vẫn còn thoang thoảng. Tôi cũng giữ lại những tấm giấy thử nước hoa để làm bookmark. Thôi cứ để tôi tin, cô bạn trong cửa hàng nước hoa nói thật lòng đi. 😀
…
Vì một lý do nào đó mà nhân vật Jo trong Little Women đã nói London quá sang chảnh nên cô không thể đến đó. Nhưng khi ở trong lòng thành phố, bạn sẽ thấy thành phố này quá đỗi tuyệt vời. Chúng tôi vẫn thưởng thức các buổi hòa nhạc trong nhà thờ, vẫn thưởng thức các tác phẩm hội họa, điêu khắc trong các viện bảo tàng. Đó chẳng phải là những thú vui “quý tộc” hay sao? Thưởng thức nghệ thuật không chỉ là một cách bồi dưỡng tâm hồn mà còn là cách mà giúp chúng ta thay đổi cách nhìn nhận về thế giới xung quanh. Đắm chìm trong thế giớ nghệ thuật của nghệ thuật tôi thấy mình điềm đạm hơn. Ở London, nghệ thuật ở khắp mọi nơi, từ những bộ quần áo thanh lịch của các quý cô tôi gặp mỗi ngày, âm nhạc từ các nghệ sĩ biểu diễn trên đường phố, hay những bảo tàng, những phòng tranh miễn phí tham quan. London sang chảnh và đắt đỏ nhưng cũng có rất nhiều điều giá trị mà miễn phí.
Nhiều người nói rằng, người anh rất chảnh, rất phân biệt, nhưng sau 2 lần vào cửa hàng toàn đồ đắt đỏ và được đối xử như đúng như thượng đế, tôi nghĩ khác. Ở Anh người ta không đánh giá bạn bởi những món đồ bạn mặc trên người, dù đúng là đồ xịn lên người là biết ngay người dùng cho sành không. Hay tại vì láng giềng Trung Quốc nổi tiếng khắp thế giới là chịu chơi và giàu có nên cứ mỗi lần vào Harrod và các cửa hàng ở Bond Street, người ta đều nhìn tôi như tiểu thư nhà tài phiệt. Nhưng chắc họ phải biết là chiếc áo trend coat tôi mặc là của Zara Basic made in Vietnam không phải Burberry chứ nhỉ?
Nhưng dù thế nào, London là thành phố đa sắc màu, chính quyền thành phố cũng tự hào tuyên bố “London For All”, London, thành phố không chỉ để học tập, nghiên cứu mà còn là thành phố của âm nhạc, nghệ thuật, thời trang, của người yêu cái đẹp. London dành cho tất cả mọi người.
Những bài viết khác về nước Anh: Nhật ký 444 ngày ở UK
Cám ơn bạn đã ghé qua Blog. Hãy nhấn Subscribe để không bỏ lỡ những bài viết mới nhé
1 Comment