Ai Cập – đó có lẽ là một vùng đất quá xa vời mà mình không dám đưa vào wishlist. Rồi đến một ngày thấy một bạn đi Ai Cập từ UK, mình nhận ra “Ồ, nó không xa đến vậy, có lẽ mình cũng đi được”. Và mình bắt đầu ấp ủ kế hoạch đến Ai Cập. Lại nói đến chuyện kế hoạch, sếp mình nói “Planning is everthing, plan is nothing”. Hành động luôn quyết định kết quả thay vì một cái suy nghĩ hay dự định trên giấy. Mình định đi Ai Cập từ tháng 4, nhưng vì “Giấc mơ chỉ là giấc mơ, kế hoạch chỉ là kế hoạch” nên đến tháng 4, kỳ nghỉ Easter mình đi Somerset thay thì Ai Cập. Tháng 5 đến tháng 9, thời tiết Ai Cập rất nắng nóng, không phù hợp cho để đi du lịch. Mình thả trôi cái kế hoạch đến Ai Cập vào một tương lai vô định.

Có rất nhiều yếu tố dẫn dến việc mình quyết định đến Ai Cập vào tháng 11. Mình nhớ những ngày tháng 3, khi một cô bạn vừa nghỉ việc London, về Nottingham kiếm việc mới. Lúc ấy, cô ấy stress kinh khủng, giữa một tương lai mịt mù bởi kiếm việc ở UK không phải là điều có thể dự đoán trước. Và rồi chúng mình nói với nhau là “Nếu cuối năm, em vẫn còn ở UK, có việc làm, chúng ta sẽ đi Ai Cập”. Và đến tháng 6, kế hoạch đi Ai Cập chính thức được bắt đầu.

Đối với mình, đi Ai Cập không đơn giản bởi Ai Cập không phải một nơi đến phổ biến trong mạng lưới quan hệ của mình. Chúng mình hay hỏi nhau về xin visa Schengen chứ chả mấy khi hỏi kinh nghiệm xin visa Ai Cập. Kinh nghiệm xin visa Ai Cập mình sẽ chia sẻ ở bên dưới nhé, và nó rất đáng để đọc đấy. Vì sự không phổ biến dẫn đến thiếu thông tin. Cùng với đó, Ai Cập được biết đến là một quốc gia không phát triển, cơ sở vật chất nghèo nàn. Đồng thời, chuyện hơi hi hữu xảy ra khi mình đọc báo không kỹ, trước khi chúng mình đi xảy ra xung đột giữa 2 nước cận Ai Cập. Khi Ai Cập được nhắc đến trong bài báo vì đại sứ quán Việt Nam phụ trách chung khu vực Lebanon-Ai Cập ra khuyến cáo cho người dân, mình cũng mất mấy giây thót tim, và không quên lưu lại số điện thoại liên lạc của đại sứ quán. Với tất cả sự thiếu thông tin đó khiến mình có khá nhiều sự ái ngại trước chuyến đi. Để có thể thực hiện chuyến đi này an toàn, tất cả những hiểu biết của mình về Kinh tự tháp, xác ướp Ai Cập, nữ hoàng Cleopatra là không đủ. Do vậy trước chuyến đi chúng mình sắp xếp và chuẩn bị rất nhiều.

Vì khi mới post story đã có nhiều bạn bỏi, nên mình xin phép chia sẻ lại kinh nghiệm, lịch trình và những gì chúng mình chuẩn bị khi đến Ai Cập. Trong toàn bộ chuyến đi, chúng mình đề cao tiêu chuẩn về an toàn, thoải mái và vệ sinh. Ngoài ra, lịch trình của chúng mình khá rộng rãi vì thực sự đi đường xa trời nóng khá mệt. Có thể bạn sẽ mất cả năm cả tháng để đi hết những ngôi đền ở Ai Cập, nên hãy lên kế hoạch chọn lựa điểm đến kỹ càng trước chuyến đi.

Bài viết này mình tập trung chủ yếu vào quá trình chuẩn bị và một số lưu ý khi đến Ai Cập, còn lịch sử, tâm tư tình cảm, cảm nhận cụ thể ở từng thành phố, từng điểm đến mình sẽ để ở những post sau.

Làm visa Ai Cập – Trải nghiệm lạ lùng

Sau khi lên trang web của Đại sứ quán Ai Cập đọc hướng dẫn, cùng 1 dòng, 3 đứa bạn hiểu theo 3 cách khác nhau nên một người bạn của mình đã tình nguyện làm chuột bạch apply trước. Nhưng trước lạ sau quen, chưa làm thì thấy sợ, làm rồi thấy nó lại cực kỳ đơn giản, chỉ là thủ tục hơi khác các nước khác và mình không cần gửi bất cứ plan, giấy tờ, ngân hàng, booking gì cả.

Khả năng đỗ visa cực cao, nếu có bị từ chối thì chỉ có thể là điền sai thông tin hoặc gửi thiếu tiền đóng phí. Visa có ngay sau 1 ngày kể từ khi đại sứ quán nhận được hồ sơ của bạn.

Mình làm visa từ UK. Nếu ở London, bạn có thể đến trực tiếp đại sứ quán Ai Cập tại UK mà không cần book lịch trước. Nếu ở thành phố ngoài London, bạn có thể gửi qua bưu điện.

Hướng dẫn chi tiết nộp visa Ai Cập trên trang web của đại sứ quán: https://egyptconsulate.co.uk/visas/

Chúng mình cần gửi:

  • Application form (Down load trên web, điền rồi in)
  • Hộ chiếu còn hiệu lưc
  • Phí Visa nộp qua Postal order. Chú ý đọc kỹ hướng dẫn biểu phí, tại thời điểm mình nộp phí visa là 25 bảng + 3 bảng phí bưu điện nên bạn cần order poster order 28 bảng thay vì 25 bàng.
  • Một phong bì ghi viết hoa địa chỉ nhà bạn cần gửi hộ chiếu về để đại sứ quán gửi lại hộ chiếu cho bạn sau khi dán visa. Chú ý ghi địa chỉ rõ ràng, dễ đọc, vì mình nhận hộ chiếu nhét qua khe cửa mà không cần ký nhận gì cả. Nếu họ nhét phong bì này vào nhầm nhà thì hậu quả vô cùng tai hại.
  • Tất cả cho vào 1 phong bì gửi đến đại sứ quán Ai Cập tại London, chú ý hãy đặt dịch vụ bưu điện xịn nhất để có thể theo dõi quá trình vận chuyển hộ chiếu.

Lịch trình đến Ai Cập và những điều cần chuẩn bị

Chúng mình đi 8 ngày 8 đêm  từ sáng thứ 7 đến chủ nhật tuần kế tiếp có mặt tại London (16/11 đến 24/11), đi qua 5 thành phố ở Ai Cập Giza – Cairo – Aswan – Luxor – Hugranda.

Chi tiết lịch trình:

  • Ngày 1: Chuyến bay London – Giza, đến Giza vào tối, mua sim điện thoại thoại tại sân bay rồi về khách sạn.
  • Ngày 2: Sáng tham quan khu quần thể Kim tự tháp Giza và Tượng nhân sư. Chiều, đi taxi từ Giza sang khách sạn tại Cairo. Ăn tối và đi bộ dạo quanh Cairo
  • Ngày 3: Tham quan Egyptian Museum, Islamic Cairo, Cairo Citadel Mosque ò Mohamed Ali, Khan El Khalili Market.
  • Ngày 4: Chuyến bay sáng sớm Cairo – Aswan, nhận phòng khách sạn, chiều tham quan temple of Isis on Philae Island, chiều tối đi dạo dọc bờ sông Nile, ăn tối, đi chợ đêm.
  • Ngày 5: Abu Simbel, chiều về đi thuyền felucca ngắm hoàng hôn trên sông Nile, ăn tối, đi chợ đêm.
  • Ngày 6: Đi ô tô từ Aswan đến Luxor, trên đường đi ghé qua 2 khu đền Edfu temnple – the temple of Horus, và Kom Ombo Temple. Tối đến Luxor đi Luxor Temple, ăn tối.
  • Ngày 7: Karnak temple, Valley of the Kings, Temple of Hatshepsut, The Colossi of Memnon in Luxor, ăn tối, đi chợ đêm
  • Ngày 8: Đi xe bus từ Luxor đến Hurghada, chơi tại Hurgrada, tối lên máy bay về lại London. Ngủ qua đêm trên máy bay. Sáng sớm hôm sau về lại London.

Với lịch trình như trên, mình sẽ liệt kê tất cả những booking của đoàn mình cùng chi phí ở dưới đây. Chú ý, tất cả các chi phí này đúng vào thời điểm mình đi vào 11/2024. Đồng tiền Ai Cập lúc này đang trên đà rớt, do đó chi phí đi lại của bạn có thể sẽ khác. Tại Ai Cập bạn có thể tiêu tiền Ai Cập (EGP) hoặc USD (1 USD ~ 50 EGP). Nếu bạn đi Ai Cập tự túc, tức là tự book phương tiện mà không đi tour, mình nghĩ các khoản chi phí tại Ai Cập, bạn nên để dôi thêm bởi những lý do mà mình sẽ nói ở phần sau. Ai Cập là đất nước nhiều bí ẩn và ngay cả giá cả cũng là điều khó đoán biết.

Book các phương tiện cho hành trình

Vé máy bay

  • London – Cairo: Easyjet 11:55 (LTN London Luton Airport ) – 18:45 (SPX Sphinx International Airport)

Ban đầu đoàn mình book Wizz Air nhưng chuyến bay bị đổi ngày nên chúng mình hủy vé, book lại sang Easy jet.

Giá vé 95 Bảng  & 36 Bảng hành lý mang thêm. Bạn mình vẫn nhét đủ đồ cho chuyến đi trong balo. Tuy nhiên vì mình không có balo lớn và mình cũng mang máy ảnh nên không muốn nhét đồ, nên mình mua thêm hành lý. Tổng: 131 Bảng cho chuyến bay này.

  • Hurgranda – London: Wizz Air 22:20 (HRG Hurghada International Airport) – 2:30 (LTN Luton Luton Airport)

Giá vé 110.99 bảng kèm 35.45 bảng hành lý. Tổng 143.44 bảng.

  • Máy bay nội địa: Cairo – Aswan: Nile Air 7:00 (CAI Cairo International Airport) – 8:25 (ASW – Aswan International Airport)., Giá vé 53.86 bảng, đã bao gồm 30 kg hành lý.

Xe bus

Gobus Luxor – Hurgranda: 5 USD / người kèm 2 hành lý đặt qua Gobus hoặc đến bến xe mua, thêm 50EGP /1USD tiền tip cho phụ xe khi gửi hành lý. Gọi là tip thôi nhưng là bắt buộc, không tip không phục vụ. 

Xe ô tô đến các điểm thăm quan và di chuyển từ Aswan đi Luxor

Các dịch vụ chúng mình book bao gồm xe taxi 4 chỗ cho 4 ngày

  • Ngày 4: Đón từ sân bay Aswan về khách sạn, nghỉ ngơi nhận phòng, đi từ khách sạn đến Philae temple, và trở về khách sạn: 25 USD
  • Ngày 5: Trip to Abu Simbel, khởi hành lúc 6.00. Giá xe 80 USD/ round trip. Tour đi Abu Simbel khá phổ biến, bạn có thể đặt qua trip Advisor, hay các trang booking. Giá là 25USD/ người và bạn cần khởi hành lúc 4h sáng.
  • Ngày 6: Đi từ Aswan đến Luxor, khởi hành lúc 7h sáng, dừng 2 điểm tại Edfu Temple và Kom Ombo temple. Giá 75 USD.
  • Ngày 7: Tham quan Luxor: Chúng mình đi bộ ra Karnak Temple vì khá gần nhà, sau đó xe đón từ Karnak Temple đi Valleys of the Kings, Hatshepshut temle, và chúng mình có thể thoải mái gợi ý các điểm khác trong Luxor tham quan trong ngày. Giá 30 USD

Tổng cộng giá thuê xe là 210 USD cho cả 3 người, chỉ bao gồm lái xe, không bao gồm hướng dẫn viên du lịch. Hướng dẫn viên du lịch yêu cầu 300 USD/ người chúng mình nghèo quá nên thôi, tự học sử.

Chúng mình liên hệ 1 anh lái xe ở Luxor (tên là A G), và anh ấy giới thiệu bạn lái xe ở Aswan. Bạn có thể liên hệ họ theo số điện thoại mình để bên dưới. Họ lái xe cẩn thận, kiên nhẫn, thật thà, vui tính. Không đòi hỏi tiền tip (nhưng mình nên tip thêm cho họ bởi vì chỗ khác dịch vụ tệ mà bị đòi, còn ở đây người tốt vậy mình nghĩ xứng đáng được nhiều hơn). Anh lái xe ở Luxor tiếng Anh tốt, còn đang học để thi chứng chỉ trở thành huớng dẫn viên du lịch nên trên xe anh ấy chỉ cho chúng mình khá nhiều thứ. Anh ấy còn dẫn chúng mình đi mua nước mía, giúp mặc cả khi người bán nước trên đường hét giá cao. Còn anh lái xe ở Aswan đi Abu Simbel thì ít nói tập trung lái xe, giúp chúng mình mua bánh xèo của Ai Cập trên đường về. Ngoài ra, ngày đầu tiên, khi đón ở sân bay, thì có 1 bạn trẻ tuổi khác đón. Bạn ấy là kế toán, lái xe Part-time bạn ấy kiểu nhẹ nhàng, lịch sự. Nhìn chung chuyến đi hài lòng.

Bạn có thể liên hệ họ qua Whatsapps để book trước như sau:

  • Anh AG, lái xe ở Luxor: + 20 1016966069
  • Anh Shwkat, lái xe ở Aswan: + 20 1281008862
  • Bạn Mina Shenouda, lái xe ở Aswan: +20 1284858338

Tại Giza, Cairo, Hugranda chúng mình dùng Uber.

Đặt khách sạn

Chúng mình tổng cộng có 7 đêm ở Ai Cập và đặt 4 khách sạn.

  • Đêm 1 – Giza : Life Pyramids Inn, khách sạn view Kim tự Tháp, chỉ cách Kim tự tháp 2 phút đi bộ. – 33 bảng/ đêm phòng 3 người. Tối thứ 7 ở Giza có bắn pháo hoa cạnh Kim Tự tháp.
  • Đêm 2-3 – Cairo: Nour Hostel ở Cairo – 27 bảng/ đêm cho phòng 3 người. Mình không recommend chỗ này lắm. Vì khách sạn ở trên tầng 6 của một nhà tập thể cũ. Ngày đầu tiên mình đến trong thang máy mà nó cho mình trải nghiệm rơi tự do một lúc, khiến cả ngày sau mình không dám đi thang máy nữa mà lóc cóc đi thang bộ. Kèm theo cái hành lang tập thể nhìn lụp xụp, nên mình không dám đi một mình nữa. Có hôm đi chơi về, đau hết cả lưng muốn về trước nhưng sợ đi cầu thang lại phải đi theo đồng đội.
  • Đêm 4-5 – Aswan: Philae Hotel Aswan- 65 bảng/ đêm phòng 3 người. Khách sạn nâng cấp cho Suit gia đinh, view sông Nile. Sáng chuẩn đi tour sớm khách sạn chuẩn bị đồ ăn sáng trong hộp để mang đi. Đây là cái khách sạn mình hài lòng nhất trong chuyến đi. Nhược điểm, nâng cấp phòng từ tầng 3 đến tầng 4 và khách sạn không có thang máy, không có wifi trong phòng, chỉ có wifi ở lễ tân.
  • Đêm 6-7 – Luxor: Queens Valley Hotel – 25 bảng/ đêm, phòng 3 người. Khách sạn hơi cũ, nhưng trung tâm, view valley of the Queens, Luxor Temple, đi bộ ra đền Karnak và chợ đêm.

Tổng chi phí cho chuyến đi của mình bao gồm cả vé tàu từ Nottingham đi ra sân bay, tiền ăn, mua quà, và những khoản bị khác trong chuyến đi là 750 bảng Anh. Tính ra tiền Việt là khoảng 24 triệu VND.

Một số vấn đề khác đi Ai Cập:

  • Đổi tiền Ai Cập. Ở Ai Cập bạn có thể tiêu tiền Ai Cập hoặc USD. Quầy đổi tiền ở khắp mọi nơi. Nếu cầm USD sang Ai Cập nên cầm nhiều tiền lẻ, 1-2 USD, hoặc nhiều nhất là 50 USD để trả tiền khách sạn. Điểm tham quan đều yêu cầu thẻ ngân hàng. Quán ăn lớn cũng có cho quẹt thẻ, nên cũng không cần đổi quá nhiều tiền.
  • Bạn nhất định phải mang khẩu trang vì ở đây rất ô nhiễm, phân ngựa, phân lạc đà đầy đường.
  • Bạn nên mang theo khăn để trùm tóc khi đến một đất nước Hồi giáo, dù mình thấy ở Ai Cập cũng không khắt khe như khi đến Istanbul.
  • Bạn cần mũ vì ở đây rất nắng. Dù trời rất nắng nhưng cái nóng khá dễ chịu, không bị ra mồ hôi.
  • Mang theo áo khoác nhẹ vì ban ngày nóng, ban đêm hơi lạnh.
  • Khi Google Maps tìm quán ăn ở Ai Cập, bạn hãy check review gần nhất là từ khi nào, vì Google đề xuất những quán ăn được rate cao nhưng đã đóng cửa từ 2 năm trước. Có một trải nghiệm mình đi bộ 10 phút trong một khu dân cư mà mình không muốn đi lại, nhưng đến nơi thì không thấy quán đâu.
  • Các điểm tham quan ở Ai Cập đều được quản lý bởi nhà nước nên dù ở Cairo, Giza, Aswan hay Luxor, vé thăm quan đều in cũng một kiểu, và có những chính sách như nhau, giá vé khác nhau từng điểm đến. Sinh viên sẽ được giảm giá 50% vé vào cửa tham quan. Bạn cần xuất trình thẻ sinh viên và hộ chiếu khi mua vé sinh viên, nhưng trên 30 tuổi bạn sẽ không được coi là sinh viên nữa.

Bạn mình người Ả Rập nói, có 2 điều cần lưu ý khi đến Ai Cập đó là vệ sinh an toàn thực phẩm và tiền tip. Mình không có một đề xuất món ăn nào quá đặc biệt ngoài món bánh ngàn lớp Feteer Meshaltet béo ngậy trong một quán ven đường. Lần này mình bỏ qua lời khuyên của bạn mình vì bạn mình chắc không biết đến sự tồn tại của lọ Beberin thần thánh trong túi mình. Món ăn này là điểm nhấn trong chuyến đi của mình. Mình mua loại truyền thống giá chỉ 20 đồng tiền Ai Cập. Nước mía và sinh tố xoài, nước ép ổi ở Ai Cập cũng rất ngon, phù hợp để giải khái trong một ngày đi chơi dưới trời nắng, nước mía thì 10 đồng tiền Ai Cập/ cốc. Ai Cập còn rất nổi tiếng về xoài.

Trước khi đến Ai Cập mình còn học một khoá học về Ai Cập Cổ đại trên Coursera, thầy giáo nói rằng, để nhìn ngắn vẻ đẹp của những tác phẩm từ Ai Cập cổ đại, chúng ta không chỉ nhìn vào vẻ đẹp hình thức, kỹ thuật của nghệ nhân mà còn cần phải đặt vào bối cảnh xã hội thời kỳ đó để hiểu thông điệp và ý nghĩa của tác phẩm. Nếu đi Ai Cập mà không đọc lịch sử thì chắc chắn ta chỉ thấy nắng nóng, cát, gạch đá, phân ngựa và phân lạc đà. Bởi thế, dù bạn có thuê hướng dẫn viên hay không, hãy tìm hiểu về Ai Cập trước khi đến. Mình có thể gửi cho bạn cuốn Lonely Plannet về Ai Cập nếu bạn cần (hãy comment bên duới nhé), nhưng cuốn sách này chủ yếu là kinh nghiệm đi Ai Cập chứ không phải về lịch sử hay văn hoá Ai Cập.

Và bạn cần rất nhiều sự cở mở khi đến Ai Cập bởi tất cả sẽ không giống những gì chúng ta thường thấy qua những bộ phim Holywood. Cuộc sống của những người dân dưới chân Kim tự tháp và những ngôi đền sừng sững hàng ngàn năm sẽ hiện ra trước mắt bạn một cách chân thật.

Một vài chuyện ở Ai Cập

Ai Cập là nơi bạn sẽ thấy wow bởi những kỳ quan, và những điều khác.

Mình đến Ai Cập vì Kim Tự Tháp. Và trước khi đến Ai Cập, những gì mình biết về Ai Cập cũng chỉ đơn giản có Kim Tự Tháp, Tượng Nhân sư, những ngôi mộ cổ… Khi đứng dưới Kim tự tháp, mình choáng ngợp bởi sự hùng vĩ của nó. Kỳ quan mình từng chỉ thấy qua sách vở đang sừng sững trước mặt. Nhưng Kim tự tháp và tượng nhân sư chỉ là một phần nhỏ trong những kỳ quan đó. Mình đến thăm những ngôi đền được xây dựng từ 3000 năm trước công nguyên khắc trên tường những câu chuyện về thần linh, nhìn ngắm hoàng hôn trên sông Nile huyền thoại, bước chân trong những sảnh đường nơi những vị Pharapoh từng lên ngôi, và đi xuống những hầm mộ nơi chôn giấu kho báu của những vị vua.  Mình ngạc nhiên bởi màu nước sông Nile xanh biếc và cách người Ai Cập tận dụng dòng nước lũ để dùng thuyền chở những bức tượng giữa các ngôi đền.

Những điểm tham quan ở Ai Cập mình đến thường là những di tích lịch sử. Đôi khi mình thấy đầy tiếc nuối khi những công trình vĩ đại ấy không được bảo tồn tốt và đến nơi cũng không có nhiều tài liệu, hướng dẫn để đọc. Đến bảo tàng Ai Cập, so sánh với bảo tàng ở Châu Âu bạn sẽ thấy sự khác biệt rõ rệt trong cách sắp xếp và trưng bày và mình cũng tự hỏi “xác ướp của các vị vua có thể được bảo quản như vậy sao?”.

Câu cửa miệng ở Ai Cập – 1 Dollar! và sự chèo kéo dai dẳng

Người Ai Cập nay cũng không thể thừa kế những di sản của người xưa để có cuộc sống thịnh vượng. Một điều bạn sẽ thấy wow khác đó là chất lượng của cơ sở vật chất nơi đây, thời gian như dừng lại ở 1990s. Những tòa nhà cao tầng mặt phố, có lẽ từng kiêu hãnh những năm cuối thế kỷ 19, nay bụi bám đầy (không phải rêu phong, nó là bụi). 

Các dịch vụ ở Ai Cập khiến mình không khỏi sợ hãi là chuyện bị chèo kéo và những khoản tiền đến mức vô lý. Đến nỗi mà khi được phục vụ một dịch vụ ở tiêu chuẩn “vừa đủ” như ở nơi khác đã khiến mình thấy wow.

Thành phố mình thích nhất là Luxor còn thành phố mình thấy đạt tiêu chuẩn du lịch nhất là Hurgrada vì nó sạch và ít nghe thấy tiếng chèo kéo. Đến Cairo những tưởng gặp nhiều người da trắng, dịch vụ đô thị văn minh, nhưng không, khách da trắng tập trung ở những thành phố biển, còn có lẽ Kim tự tháp, họ đi khi còn nhỏ. Mình nhớ một tối đi ra khu chợ Khan El Khalili Market, về không gọi được Uber nên chúng mình đi bộ. Đi ra khỏi khu bán đồ lưu niệm cho khách du lịch là khu chợ của những người địa phương. Những sạp hàng tràn ra phố, xe cộ hỗn loạn và tiếng còi xe inh ỏi. Kèm theo tiếng chèo kéo, khi đó mình rất đau đầu và sợ.

Đi vào các khu chợ ở Ai Cập, trong mùi hương trầm đặc trưng, bạn sẽ luôn nghe thấy câu “1 dollar” của những người bán hàng. Có một điều mình để ý thấy là những người bán hàng đều là nam giới, không hề có phụ nữ bán hàng. Nếu bạn từng quen với những chèo kéo khách ở bến xe lên Hà Nội, thì ở Ai Cập cũng không kém gì. Vừa bước ra khỏi khách sạn đã có nguời chờ sẵn như thể chúng mình bị theo dõi. Có người sẽ thôi không làm phiền bạn nữa nếu bạn từ chối, nhưng có người đeo bám khiến mình nhức đầu và nói rằng “Tôi không muốn, hãy để tôi yên” nhưng vẫn không được buông tha, và họ còn hỏi lại rằng “Tại sao lại không muốn?”.

Bạn cần dùng đến 1 dollar ở khắp mọi nơi, đi chợ, đi taxi, đi xe khách thậm chí là ở sân bay. Đó là lý do khi plan budget, bạn hãy để thêm tiền khoảng 20% bởi vì sẽ có những khoản chi phí phát sinh mà không đến tận nơi bạn sẽ không thể lường trước được. 

Chuyện đi Taxi ở Ai Cập

Ngay khi đặt chân đến Giza, chúng mình đặt Uber vể khách sạn. Vừa ra đến nơi pick-up, tài xế hủy xe và tài xế khác ra đòi giá cao hơn (Từ 5 USD thành 15 USD). Lần sau đó book Uber từ Giza đi Cairo, tài xế nhận xe đang đến đã nhắn tin đòi hỏi giá cao gấp đôi, rồi nhùng nhằng mãi không chịu. Không phải tài xế nào cũng như vậy, nhưng khi đó mình cần kiên quyết, book lại đến khi có xe tốt để đi hoặc trả tiền cho xong việc. Bạn có thẻ dùng Uber tại Giza và Cairo, nhưng khi book Uber chuyển sang thanh toán bằng Cash thay vì bằng thẻ sẽ dễ gọi xe hơn.

Ngày cuối gọi xe từ trung tâm Hugranda ra sân bay, apps hiện có hơn 100 đồng Ai Cập (khoảng 2 USD). Tài xế đến nói mình cần trả thêm 200 đồng tiền (khoảng 4 USD) vé vào sân bay, rồi gộp tổng thànhg chúng mình cần trả 15 bảng. Thảo luận lằng nhằng họ đòi 10 USD. Mình hỏi tài xế quanh đó, họ nói 10 USD là giá bình thường. Tại sao từ 2 USD lên 10 USD lại là bình thường? Mình mặc cả 5 USD cho phí vào sân bay và tiền taxi như apps Uber sẽ trả bằng tiền Ai Cập. Đến sân bay, mở ví ra có mỗi tờ 10 USD, và mấy đồng tiền Ai Cập. Tài xế nói không có tiền USD trả lại. Thế là mình đưa 10 USD và nhận về tờ 100 đồng Ai Cập. Đó là lý do tại sao bạn cần tiền 1-2 USD khi ở đây.

Không phải lái xe nào cũng vậy. Có bác lái xe chở chúng mình từ Giza đến Cairo, sau khi hủy xe một ông anh scam đòi giá cao, khi chúng mình trả cao hơn bác ấy còn định trả lại. Bác lái xe khác chở chúng mình ra sân bay Cairo từ 4h sáng đúng giờ. May mà không gặp phài tình huống kỳ kèo lúc đó vì chúng mình cần ra sân bay. Nếu gặp những người tài xế uy tín đã phục vụ bạn với mức giá đúng như đã niêm yết, hãy hào phóng tips cho họ bởi tiền Ai Cập tính ra cũng chẳng đáng là bao, và bởi người như vậy cũng không nhiều.

 Ở Ai cập đôi khi chúng ta Wow chỉ vì người ta làm đúng. 

Trước khi đi, bạn mình đã dặn trước, ở Ai Cập ai cũng đòi tiền típ và mình phải cảnh giác trước điều đó. Hôm ra sân bay, một ông anh áo đỏ đồng phục tưởng nhân viên sân bay. Ông ấy vừa đẳt cái hành lý của mình lên băng kiểm tra an ninh đã xòe tay nói “some money”. Mình thấy mình đã mắc bẫy khi bạn mình vừa mới cảnh báo xong. Điều mình bực hơn, là tại sao người tài xế đến đón mình lúc 4h sáng để ra sân bay, cũng chỉ nhận được số tip như tên này. 

Khi đi xe bus từ Luxor đi Hungranda, vé xe bus 5 USD, phụ xe đòi thêm 50 đồng Ai Cập hoặc 1 USD để hành lý được nhét vào trong khoang xe, không đưa tiền đó, hành lý của bạn sẽ bị để ở ngoài. Mình thấy bực mình, thà người ta thu trọn gói 6 USD, hay 7USD cho cả cái vé xe mình thấy sẽ sòng phẳng hơn.

Hôm cuối cùng ăn sáng ở khách sạn Aswan, bác phục vụ mang đồ ăn sáng cho chúng mình với toàn những món nóng. Đó cũng là người giúp chúng mình mang hành lý lên phòng mà chẳng nói gì. Rồi chúng mình đồng ý với nhau rằng, đó mới là người xứng đáng được Tip, nên dù không được yêu cầu chúng mình vẫn tặng cho bác ấy. Ở Ai Cập, sự hài lòng chỉ cần vậy thôi, là khi người ta làm đúng việc của mình, yêu cầu đúng số tiền đã thoả thuận trước.

Ở Ai Cập cần mặc cả. 

Khi đến Aswan, đi thuyền ra đảo, giá niêm yết rõ ràng ngay cổng, đi ra lái thuyền vẫn kỳ kèo mặc cả. Thực ra, nếu họ lấy đúng giá niêm yết xong mình tự nguyện tip thêm có lẽ họ đã nhận được nhiều hơn, nhưng thái độ kỳ kèo ấy khiến mình thấy sợ và bực mình. 

Những cửa hàng giá niêm yết nhìn có vẻ uy tín, nhưng ra chỗ khác cũng giá niêm yết cái y hệt còn một nửa. Còn đi chợ thì đừng quên trả giá ít nhất còn một nửa. Chuyện chúng mình đi mua tượng con mèo. Ban đầu họ chào 10 USD. bạn mình không muốn mua, hét giá thấp đến vô lý 3 USD, thế mà người ta vẫn bán. Đến hôm sau, vẫn con mèo tương tự, vẫn 10 USD, bạn mình mua rồi không muốn mua nữa, hét giá thấp hơn, 1 USD và họ vẫn bán với giá 1 USD, và lần này chúng mình lại mua. Và khi mua một món rồi thì cả khu chợ xúm lại mời bạn 1 dollar.

Taxi cần mặc cả, đi thuyền cần mặc cả, đi chợ cần mặc cả, bạn chỉ có thể không cần mặc cả khi vào điểm tham quan và nhà hàng có thực đơn sẵn.

Những đứa trẻ thích chụp ảnh

Lũ trẻ con ở Ai Cập rất thích xúm lại chụp ảnh với người nước ngoài, và đi đâu người ta cũng chào bọn mình “Ni hao”. Việc đi đường xong một đám trẻ con đi theo, cầm điện thoại xin chụp ảnh cùng cũng không phải cảm giác thoải mái. Giờ mình cũng không rõ tại sao chúng làm vậy. Ở Cairo và Giza, đứa nào cũng cầm 1 cái điện thoại và mời người nước ngoài chụp ảnh. Mình hỏi thì chúng nói chỉ muốn chụp ảnh cùng người nước ngoài làm kỷ niệm mà thôi vì nhìn mình khác so với chúng. Giờ nhớ lại gương mặt của cậu bé ở Kim Tự Tháp hỏi “Can I take 1 picture? Please!” và mình lạnh lùng từ chối mình vẫn thấy tội lỗi, nhưng mình không muốn chụp ảnh với người lạ. Và điều kỳ lạ là chúng đi như có tổ chức vậy. Còn khi về, mình hỏi bạn mình, thì cậu ấy nói, có nhiều người nước ngoài trước kia đến, chụp ảnh cùng chúng và sau đó cho tiền. Chúng nghĩ người nước ngoài nào cũng vậy, nên sau khi chụp xong kiểu gì chúng cũng nói “1 dollar”. Mình cũng chẳng rõ, bởi chỉ có những đứa trẻ đó mới biết chúng chụp ảnh để làm gì. Nhưng nếu bạn thoải mái với điều đó, hãy tươi cười vì có thể những đứa trẻ đó chỉ hồn nhiên.

Một câu hay được nghe khi đến đây là “Ni hao”, vì họ nghĩ mình là người Trung Quốc. Bao nhiều lời chèo kéo, thì là từng đó câu Ni hao mình nghe. Ban đầu mình rất ghét điều đó. Nhưng mình lại nhớ ở Việt Nam những đứa trẻ cũng tò mò khi thấy người nước ngoài như vậy chỉ là bọn trẻ VN lúc đó chẳng có máy ảnh hay điện thoại để chụp. Và mỗi lần nhìn thấy Tây trên phố, chẳng phải người ta đều chào “Hello” dù người đó đến từ Pháp, Đức, Tây Ban Nha hay một quốc gia nào hay sao. Cũng như người ở Ai Cập chỉ nói “Ni Hao” khi thấy người da vàng tóc đen vậy.

…và những điều mình nhìn thấy

Nếu không đến tận nơi, những điều mình từng biết về Ai Cập tường như chỉ là một phần nhỏ xíu trong vô vàn những câu chuyện lịch sử và hiện thực cuộc sống. Trên những chặng đường xe đi qua, mình nhìn thấy hai bên chỉ chủ yếu là sa mạc. Mình nhớ hôm đi từ Aswan đến Luxor, chúng mình ngủ thiếp đi, rồi mình thức giấc khi nghe tiếng ai đó đóng cốp xe. Mình mở mắt, thấy dàn các anh lính cầm súng ngoài cửa, mấy thùng dầu và cái xe tải trước mặt chở lính phí sau, mở điện thoại thì mất sóng Google Map xa lắc xa lơ chỗ nào, mình mất mấy phút hốt hoảng vì sợ bị chở ra ngoài biên giới nào đó rồi cũng nên. Mãi về sau, lúc đi đỏ xăng, nghe gì đó Luxor mới thấy yên tâm.

Cuối mỗi ngày ở Ai Cập, mình đều cảm ơn vì chuyến đi an toàn và thấy may mắn vì những điều mình có, cả những điều được tận mắt trông thấy. Có một điều hay ho là ở Ai Cập, rất dễ bắt gặp hình ảnh những chú chó thảnh thơi ngủ mặc kệ cuộc sống xô bồ, hoặc những chú mèo hiên ngang ngồi vào lòng khách. Cuộc sống người dân ở Ai Cập rất nghèo, nhất là những vùng nông thôn. Khi đến Aswan, mình thấy những ngôi nhà cũ kỹ và chưa hoàn thiện. Suy nghĩ đầu tiên hiện lên trong đầu mình là “Mình thấy những ngôi nhà và khu phố giống thế này trên TV, và mình nghĩ đó là do sự tàn phá của chiến tranh”. Đến Ai Cập, mình mới biết là không phải chiến tranh, sự suy tàn này chỉ là một phần của cuộc sống. Mình hỏi anh lái xe ở Luxor, tại sao những ngôi nhà đều không hoàn thiện. Câu trả lời mình nhận được rằng, vì họ không có đủ tiền hoàn thiện ngôi nhà, nên họ xây rồi, ở được và cứ ở thế thôi. Lần đầu tiên, khi viết về những ngôi làng, về cuộc sống mình không thể dùng từ “bình yên” bởi thấy nó thật khập khiễng.

Người ta sẽ có hàng tá cuốn sách kinh tế nói về việc tại sao ngày xưa một nền văn minh rực rỡ như Ai Cập giờ lại lùi lại xa thế này. Nhưng một ý nghĩ lóe lên trong mình rằng, những gì chúng ta biết tới và tôn sùng dường như đều là những gì còn sót lại của tầng lớp chúng ta gọi là tinh hoa, vua chúa, quý tộc. Còn những người dân thường Ai Cập ngày xưa thì sao, có thể trước đây họ là nô lệ, nay họ được tự do, đó đã là một sự phát triển. Hoặc sau một lịch sử dài của chiến tranh, xung đột những cuộc di cư, liệu đâu mới là người Ai Cập gốc.

Mình nghĩ về những di sản, và lại hỏi Ai Cập ngày nay có gì ngoài những gì thuộc về quá khứ hàng ngàn năm trước còn sót lại. Khi đến mỗi thành phố, mình đều cố gắng tìm ra màu sắc riêng của nó, một cái vibe ở những con người ở đây. Nhưng thật kỳ lạ, khi nhìn dòng người tấp nập trên những con phố ở Cairo, nhìn những bộ quần áo trong những cửa hàng lưu niệm, thật khó để có thể nhìn ra cái vibe ở Ai Cập. Đó chắc chắn không phải bộ tóc giả màu đen như nữ hoàng Cleopatra trong phim, ở Ai Cập người ta không mặc như vậy và nữ hoàng Cleopatra là người Hi Lạp. Ngay cả những câu chuyện từ ngàn năm trước đôi khi cũng chỉ là giả thuyết. Bởi thế, dù đã chuẩn bị kỹ càng hơn bất cứ chuyến đi nào trước đây, nhưng điều đặc trưng, màu sắc và hương vị của Ai Cập trong mình cứ mơ hồ, nhạt nhoà và không trọn vẹn như những ngôi nhà dang dở trong những ngôi làng mình đi qua.

Mình sẽ gói lại những suy nghĩ vụn vặt và hết sức chân thật, những điều không mấy đẹp đẽ của Ai Cập ở đây để những bài viết sau về Ai Cập chỉ toàn những điều tốt đẹp, về những câu chuyện lịch sử, bởi dù sao cuộc sống vẫn là những mảng màu lẫn lộn. Sự háo hức đi kèm với những nỗi sợ, trải nghiệm cuộc sống đi kèm với những sự khó chịu, nhưng sau tất cả, đến Ai Cập với mình vẫn là một trải nghiệm đáng giá.


Cám ơn bạn đã đọc đến đây. Nếu bạn thấy thú vị và bổ ích hãy chia sẻ với bạn vè và đừng quên theo dõi qua Email để không bỏ lỡ những bài viết mới trên Blog. Bạn có thể để lại bình luận để cho mình biết nội dung nào bạn đang quan tâm, cũng như để lại email để mình gửi cho bạn những tài liệu hữu ích.

Theo dõi để nhận Newsletters

Theo dõi Fanpage để nhanh chóng cập nhật bài viết và chia sẻ mới nhất: https://www.facebook.com/Violetstoryblog