Khi đứng trên trạm quan sát cao nhất nhìn Mont Blanc, giữa biên giới của 3 nước Pháp, Thụy Sĩ và Ý, mình chợt nhật ra rằng từ trước tới giờ những điểm đến mình chọn thường là những thành phố lịch sử, lâu đài, bảo tàng… những nơi mà khi trở về mình có thể viết lại những câu chuyên văn hóa, lịch sử mà mình học được. Còn Chamonix Mont Blanc có lẽ là một nơi rất khác so với những thị trấn cổ mình từng đi. Thế rồi, bạn mình bảo, đã đến lúc mình có thể chuyển sang học địa lý thay vì học lịch sử. Phải rồi, địa lý là môn học mình nghĩ mình học kém nhất, vì đó là môn học duy nhất mình từng bị cô giáo chê “Chậm hiểu”.

Có mấy điều khiến cho chuyến đi đến Chamonix thật lạ lùng: Mình không chuẩn bị gì cho chuyến đi ngoài việc lẽo đẽo theo bạn mình đã chuẩn bị lên lịch trình, đặt vé máy bay, đặt xe, đặt khách sạn. Bởi thế mà đến gần ngày đi mình còn chẳng nhớ nổi mình đi Chamonix hay Chomanix. Trong chuyến đi, chúng tôi ăn sáng ở Anh, ăn trưa ở Thụy Sĩ và ăn tối ở Pháp, và chiều về thì ngược lại ăn sáng ở Pháp, ăn trưa ở Thụy Sĩ và ăn tối ở Anh. Và điều kỳ lạ nhất là, giữa những ngày cao điểm nắng nóng ở châu Âu, phía trước mắt mình là đỉnh núi tuyết trắng xóa nhưng trời rất nóng. Đó cũng là lần đầu tiên mình dường như đeo kính râm cả ngày. Sau tất cả những trải nghiệm “khác biệt” ấy, sau chuyến đi, có rất nhiều điều mình có thể viết về Chamonix Mont Blanc.

Lịch trình từ Anh xuyên qua Thụy Sĩ tới Chamonix

Đêm thứ 6, tỉnh dậy sau một giấc ngủ ngắn, chúng mình bắt chuyến xe lúc nửa đêm để ra sân bay London Luton bay đến Geneva, Thụy Sĩ. Sau đó, từ Geneva bắt chuyến xe khách đến ngôi làng Chamonix. Một bữa trưa chóng vánh tại đất nước Thụy Sĩ đắt đỏ, khi đồng tiền Swiss Franc (CHF) mệnh giá cũng không kém bảng Anh là mấy, nhưng là con số cho một chiếc bánh lại nhỉnh hơn ở Anh khá nhiều. Xe khách chạy từ sân bay Geneva đến Chamonix khoảng 2 tiếng có một chuyến, và sau hơn 1 tiếng, chúng mình đã có mặt ở Chamonix, thuộc địa phận nước Pháp và đồng tiền trở lại EUR.

Giữa những ngày heat wave  ở Châu Âu, trời nắng gắt. Vậy mà mình cứ ngỡ lên núi tuyết sẽ hiu hiu mát mát như lên Đà Lạt giữa mùa xuân nhưng lại nóng nhưa chảo lửa. Chú ý rằng, ở Châu Âu điều hòa là điều gì đó xa lạ lắm.

Chúng mình về Airbnb cất hành lý, ra Tourism office để nhận chiếc thẻ nhựa Multipass để sử dụng các Phương tiện công cộng và vào cá điểm tham quan tại Chamonix trong 2 ngày. Chiếc thẻ này giúp tiết kiệm chi phí hơn nhiều so với mua vé tại từng điểm đến đơn lẻ. Mua Multipass online tại trang web chính thức của Chamonix. Sau đó bạn sẽ nhận được một code QR về email, rồi dùng QR đổi sang thẻ nhựa tại máy tự động hoặc tại quầy trong văn phòng du lịch của thị trấn Chamonix.

https://www.montblancnaturalresort.com/en/ticketing/montblanc-multipass

Trong 2 ngày, những điểm chúng mình tới bao gồm: Brevent, Montenvers, Aiguille du Midi (3.842m), Flégère và đi dạo quanh làng Chamonix. Có một nơi chúng mình có trong lịch trình nhưng không kịp đi đó là Tramway do Mont Blanc, vì lên Aiguille du Midi đợi khá lâu, đông khách du lịch, nên khi xuống chúng mình cũng lỡ chuyến tram cuối cùng lúc 15h.

Chamonix – “Thánh địa” của dân chạy trail

Cái từ “Thánh địa” của dân chạy trail mình cũng nghe lần đầu từ từ một người bạn của bạn. Bản thân mình là một đứa “mọt sách” tiêu biểu, không chơi bất cứ một môn nào ngoài môn đi bộ từ bến tram lên văn phòng và môn typing & writing. Bởi thế, khi đến Chamonix, mình bước vào một thế giới rất khác.

Tuy nằm gọn dưới chân Mont Blanc, nóc nhà của Tây Âu, nhưng Chamonix không mang vẻ lặng lẽ như một thị trấn núi cao. Trước khi đến Chamonix, từ “ngôi làng” thường khiến mình nghĩ đến một cộng đồng dân cư với tập quá đặc biệt đã xây dựng cuộc sống dưới chân núi Mont Blanc. Nhưng không, Chamonix theo đúng nghĩa là một “ngôi làng được xây nên để du lịch” dành cho những người yêu thích leo núi. Nơi đây như một trạm dừng chân, nơi mọi cung đường đều có thể là vạch xuất phát của một cuộc phiêu lưu. Suốt 2 ngày ở Chamonix, đường phố luôn tưng bừng cổng chào, chỉ dẫn đường của giải chạy. Cũng không khó bắt gặp trên đường những người với balo du lịch, cable, móc leo núi trên phố, hay khắp thị trấn ngoài nhà hàng, quán cà phê thì hầu hết là những cửa hàng của các thương hiệu đồ thể thao nổi tiếng.

Chamonix là cái nôi của alpinism, phong trào leo núi hiện đại, bắt đầu từ thế kỷ 18. Năm 1786, Jacques Balmat và Michel-Gabriel Paccard đã thực hiện chuyến chinh phục Mont Blanc đầu tiên đánh dấu khởi đầu cho kỷ nguyên khám phá núi cao ở châu Âu. Chamonix nằm ngay dưới chân núi Mont Blanc, nơi hội tụ mọi yếu tố mà dân trail mơ ước: độ cao, kỹ thuật, cảnh quan ngoạn mục và khí hậu núi cao lý tưởng cho các hoạt động sức bền. Tới thế kỷ 20, cùng với sự phát triển của du lịch thể thao, Chamonix nhanh chóng mở rộng ra các hoạt động như trượt tuyết, trekking, leo núi băng và chạy địa hình.

 Năm 1924, nơi đây trở thành chủ nhà của Thế vận hội Mùa Đông đầu tiên, một dấu mốc đưa Chamonix lên bản đồ thể thao toàn cầu. Và rồi, khi chạy trail trở thành một làn sóng lan rộng từ châu Mỹ sang châu Âu, Chamonix nhanh chóng khẳng định vị trí trung tâm bằng một sự kiện mang tính biểu tượng Giả chạ Ultra-Trail du Mont-Blanc (UTMB) ra đời năm 2003. UTMB không chỉ là giải chạy, nó là một cuộc hành hương của những đôi chân can đảm. Mỗi mùa hè khoảng tháng 8, tháng 9, hàng nghìn vận động viên đổ về Chamonix để thử sức với cung đường quanh Mont Blanc, băng qua 3 quốc gia, 10 thung lũng, hơn 170km với gần 10.000m độ cao tích lũy. Và cũng chính từ đây, Chamonix trở thành giấc mơ, là đích đến và là cột mốc trong hành trình của bất kỳ ai bước chân vào thế giới chạy trail.

Đỉnh Mont Blanc – Bài học địa lý đầu tiên

Từ nhỏ, đôi ba lần mình đã nghe đến dãy Alps (dãy núi An-pơ) qua những giờ học địa lý hay bộ phim hoạt hình Cô bé Heidi. Lần đầu tiên cái tên Mont Blanc đến với mình lại chẳng liên quan gì đến địa lý hay leo núi, mà là từ một cây bút máy. Mình là một người mê viết tay và bút mực, mình biết đến bút Montblanc đắt đỏ, sang trọng và tinh xảo gắn với biểu tượng ngôi sao trắng 6 cánh, mô phỏng đỉnh núi phủ tuyết nhìn từ trên cao. Dù chiếc bút mang tên Mont Blanc, nó lại không hề được sản xuất gần ngọn núi này. Đó chỉ là cảm hứng của ba nhà sáng lập người Đức, khi tìm kiếm một biểu tượng cho chất lượng đỉnh cao và họ đã chọn chính ngọn núi cao nhất Tây Âu.

Mont Blanc, cao 4.808 mét, không chỉ là đỉnh cao nhất dãy Alps, mà còn là nóc nhà của Tây Âu. Nó nằm trên biên giới tự nhiên giữa Pháp và Ý, với một phần nhỏ vươn sang Thụy Sĩ, tạo nên một thế tam giác độc đáo giữa ba quốc gia. Mont Blanc không chỉ là một kỳ quan địa lý, mà còn là một điểm giao thoa văn hóa, nơi ngôn ngữ, ẩm thực, kiến trúc và cả tinh thần khám phá của châu Âu va chạm và hoà quyện.

Để phục vụ những người mong muốn khám phá và chiêm ngưỡng Mont Blanc, khắp Chamonix là hệ thống cáp treo hoành tráng. Thậm chí người ta có thể đi cáp treo từ Pháp sang Ý. Với độ cao 3.842 mét, Aiguille du Midi là một trong những điểm cao nhất ở châu Âu mà ta có thể dễ dàng tiếp cận mà không cần kỹ năng leo núi,  nhờ hệ thống cáp treo cao nhất và dốc nhất châu Âu, đi từ trung tâm thị trấn Chamonix. Bởi thế, dù không phải là dân đi hiking, leo núi hay thể thao mạo hiểm, bạn vẫn có thể tản bộ, ngắm cảnh ở Chamonix như mình.

Khi đứng trên đỉnh Aiguille du Midi, mình nhìn thấy rất nhiều những nhà leo núi, nhỏ bé giữa những tuyết trắng xóa. Ở Flege, mình thấy những em bé ngủ vùi trên lưng mẹ dưới cái nắng chói chang mùa hè nước Pháp, khi mẹ và bé đến cổ vũ cho bố tham gia giải chạy. Khi mình đứng trước Mont Blanc, tuyết phủ trắng xóa quanh năm, mình tự hỏi tại sao ngọn núi này có sức ám ảnh đến vậy, và điều gì khiến những con người dũng cảm ấy đam mê sự mạo hiểm và không mấy dễ chịu này đến thế.

Biến đổi khí hậu và sự biến mất của những dòng sông băng

Trước khi đi, mình đọc blog du lịch của một chị người Việt đến Chamonix từ năm 2004, và thấy chị ấy chụp ảnh với sông băng. Nhưng chính sự khác nhau từ những gì mình thấy trong blog đó và những gì hiện ra trước mắt ở Mer de Glace, mình mới nhận ra sự tàn khốc của biến đổi khí hậu. Khi lúc này đây, mình và những người đến Chamonix sau này sẽ không còn được nhìn thấy khung cảnh như vậy nữa.

Mer de Glace, Biển băng, từng là sông băng lớn nhất nước Pháp, dài gần 12km, trải rộng như một dải lụa băng trắng xóa uốn quanh dãy núi. Nhưng ngày nay, dải lụa ấy đã rút lại, lởm chởm đá trơ và bùn xám, không còn mênh mông như những bức ảnh cũ. Mỗi năm, sông băng tan mất gần 40 mét như những vết cắt chậm rãi vào ký ức nhân loại. Chưa bao giờ mình cảm nhận biến đổi khí hậu ở ngay trước mắt mình như vậy, không còn là một khái niệm xa vời trên báo đài hay gì đó xa xăm, to tát nữa. Sông băng không phải là vĩnh cữu, thiên nhiên cũng chẳng là điều bất biến, đó lại là điều mà con người ta không bao giờ có thể chinh phục hay chống lại. Và có một thế giới đang gần biến mất. Giữa cái nóng đổ lửa của những ngày hè châu Âu, khi ở trên Aiguille du Midi mà mình vẫn thấy cái nóng, mình cũng tự hỏi liệu đỉnh Mont Blanc có tuyết phủ trắng vĩnh cữu hay không, hay rồi đến một ngày, tất cả sẽ chỉ còn lại trong tấm bưu thiếp?

Ngồi ăn kem giữa thị trấn Chamonix

Cuối ngày ở Chamonix, khi ngồi ăn cây kem Amouri hình hoa hồng 3 vị xoài, quýt và dừa, nhìn dòng người chạy trail về đến trung tâm, tiếng hò reo không ngớt của những người cổ vũ hai bên đường, tự nhiên trong mình có một sự “ghen tị” khó hiểu. Ghen tị, hay ngưỡng mộ, hay có một chút lờ mờ nào đó mình đã tự trả lời được câu hỏi ở trên: Tại sao những người chạy trail lại đam mê những điều mạo hiểm và không thoải mái đến vậy. Chạy trail còn là một bộ môn rất tốn kém, không chỉ cần một đôi giày là xong.

Mình thấy thèm khát, nhưng không phải là thèm lao ra đường chạy, mà thèm khát sự cổ vũ vô điều kiện trên hành trình, dù bạn là kẻ về đích sau, dù bạn đang mệt lử và không phải là kẻ chiến thắng đứng lên bục, dù bạn đã bỏ tiền bỏ sức ra để làm việc việc mệt nhọc mà dường như bạn không có tài năng vượt trội so với đối thủ. Và dù những người đừng hai bên đường kia là những người xa lạ, những người chẳng quen biết, những người đã hoàn thành hay bỏ cuộc đua vì lý do gì đó, những người không hiểu bạn đang nghĩ gì, chẳng biết bạn là ai, và thậm chí một người chẳng hiểu gì về chạy trail với thể thao như mình nhưng họ vẫn hò reo và cho đi sự cỗ vũ tích cực.

Đôi khi người đang đổ mồ hôi trên đường chạy mới hiểu họ đang tìm kiếm điều gì trên hành trình đó. Tự nhiên mình thấy tủi thân khi nghĩ lại những “hành trình” đã qua, khi mình rất mệt mỏi và tự nói lời động viên cho chính mình,. Cái cảm giác cô đơn là một phần cũng đủ để khiến mình kiệt sức, nhưng đôi khi mình còn nhận cả những lời mỉa mai nữa, rằng mình sẽ chẳng bao giờ tới đích, rằng sự bắt đầu này đã là một sự ngốc nghếch và phí hoài thoài gian. Hóa ra, mình là đứa thèm khát sự công nhận đến vậy. Bởi thế mà mình thấy ghen tị với những người trên đường chạy kia.

Trên tay mình vẫn đeo chiếc vòng đá để nhắc bản thân về năng lượng tích cực. Gần đây, mình đi vào quá trình gạt bỏ những điều tiêu cực trong cuộc sống, nhưng đó không phải sự quên lãng và trốn tránh. Nó giống như cảm giác nhẹ nhàng đi vào cái kho đầy bụi của những điều cũ kỹ, những điều mình ghét hay đã chối bỏ, nhìn thấy, nhặt lên, nhìn chúng thật gần, chấp nhận cảm giác khó chịu ấy và tự tay vứt chúng đi để nó không còn làm mình tổn thương nữa. Mình cũng mong sự tổn thương, lạc lõng và cô đơn này sẽ tan đi và biến mất như những bông tuyết giữa nắng hè. Bởi vì mình tin mình đã khác rồi, mình không còn cần đến những điều cũ kỹ đó nữa.

Giữa thị trấn nhỏ nơi chân núi Mont Blanc ấy, mình đã nhìn thấy sự tích cực vô điều kiện mà người ta có thể trao cho nhau, không cần quen biết, không cần hiểu rõ, không cần đánh giá. Vậy, hà cớ gì mình phải quá nặng lòng với những điều tiêu cực? Dù sao đi nữa, tình yêu thương vô điều kiện vẫn là điều nhưng khó tìm nhưng xứng đáng để tìm kiếm. Khi thấy một ai đó đang mỏi mệt trên đường chạy của chính họ, đừng buông lời mỉa mai. Nếu bạn không hiểu hãy im lặng, nhưng một người tốt như tinh thần của những người chạy trail ở Chamonix, họ sẽ không ngần ngại cho đi sự cổ vũ vang vọng cả thị trấn.

Kết luận

Bài học bất ngờ mình mang về từ Chamonix: Mont Blanc không chỉ là một ngọn núi mà là một trải nghiệm sống, một nơi mà con người, dù là vận động viên, du khách hay kẻ đang lạc hướng, đều phải đối diện với giới hạn của chính mình, cả thể chất lẫn tinh thần, là nơi mình học cách dừng lại giữa cao độ chênh vênh, để lắng nghe nhịp đập bình thản của trái tim mình, và chợt nhẩn ra rằng dù không phải nhà leo núi, mình cũng vừa khám phá ra một mảnh vụn của sự tổn thương để vứt bỏ nó đi, tìm lại được sự kết nối với chính mình, trong sự tĩnh lặng giữa núi đồi và lòng người.

Mont Blanc dạy mình về sự kiên cường không ồn ào, về cách con người vẫn tin vào điều tốt đẹp, như những tiếng hò reo dành cho người lạ trên đường chạy. Và trên tất cả, nó nhắc mình nhớ rằng, trên hành trình của mỗi người, điều tốt nhất đôi khi không phải là vinh quang, mà là một ánh nhìn thấu hiểu và một lời động viên không điều kiện. Nếu thế giới này có nhiều hơn một chút sự tử tế như ở Chamonix, thì có lẽ sẽ bớt đi rất nhiều những tâm hồn đơn độc. Và mỗi đỉnh núi dù cao thế nào, cũng trở thành một điều xứng đáng để chinh phục, để sống, để kể lại, và để tiếp tục.

Cám ơn bạn đã đọc đến đây. Nếu bạn thấy thú vị và bổ ích hãy chia sẻ với bạn vè và đừng quên theo dõi qua Email để không bỏ lỡ những bài viết mới trên Blog. Bạn có thể để lại bình luận để cho mình biết nội dung nào bạn đang quan tâm, cũng như để lại email để mình gửi cho bạn những tài liệu hữu ích.

Theo dõi để nhận Newsletters

Theo dõi Fanpage để nhanh chóng cập nhật bài viết và chia sẻ mới nhất: https://www.facebook.com/Violetstoryblog