Bologna, có lẽ đây là chuyến đi chật vật nhất mà tôi đã từng đi, chật vật từ lúc tôi nộp bài cho hội thảo, làm visa, đến khi lên máy bay. Tôi rời khách sạn lúc gần 5h sáng để bắt xe bus ra sân bay. Đây là lần đầu tiên tôi được ngủ ở khách sạn sân bay trước chuyến đi, không còn đi xe bus qua đêm hay ngủ vạ vật ở sân bay nữa. Có cả một khu vực nhiều khách sạn cách sân bay Heathrow tầm 5 đến 10 phút đi xe bus, từ sang trọng đến bình dân. Tôi ra bến xe bus bắt chuyến bus sớm khi trời còn tối om đã có mấy vị khách đứng đợi. Một chuyến xe bus tới sân bay, một chuyến bay hơn 1 tiếng, một chuyến tàu từ sân bay Bologna về trung tâm và 1 chuyến xe bus từ bến tàu về đến trung tâm Bologna dưới chân Tháp Đôi và vài vòng đi tìm khách sạn ở trên tầng 2 của tòa chung cư cũ, tôi mệt lả vật xuống giường

Tôi chỉ muốn ngủ vùi sau một chuyến đi dài và mệt mỏi và ngoài việc đến đây dự hội thảo, tôi chưa bao giờ từng nghe tới tên thành phố này, và vì thế tôi cũng chẳng mấy háo hức, hoặc trước chuyến đi, tôi quá bận để có thể tìm hiểu xem mình sẽ đi đâu, làm gì ở đây ngoài ở trong hội thảo từ sáng đến tối. Nhưng sau khi hỏi Chat GPT về mấy điều cơ bản về Bologna, như có ánh sáng nào đó chiếu lên trong lòng tôi, tôi muốn dậy, tôi muốn chạy ra ngoài để hòa vào không gian cổ kính của Bologna. Rồi tôi hiểu, hóa ra khi mình hiểu biết thêm một chút, mình sẽ thấy có động lực để khám phá và yêu cuộc sống này hơn một chút. Ra ngoài, ánh nắng vàng ươm của mùa xuân chiếu lên những ngôi nhà đỏ gạch, Bologna đẹp hơn những gì tôi nghĩ.

Bologna được mệnh danh là “La Rossa, La Dotta, La Grassa”Đỏ, Học thức và Béo – ba đặc điểm gói gọn linh hồn của thành phố.

Vblog ở Bologna:

La Grassa – Một Bologna đậm đà sốt bò băm

Với cách phát âm của tôi “Bo-log-na”, cái tên này hoàn toàn xa lạ. Cho đến khi, bạn người Anh của tôi nói “Bo-lo-nha”, tôi thấy có gì đó quen quen. Tôi đã từng nghe thấy từ này ở đâu đó, hoặc là một cái gì đó giống như thế. Phải rồi, đó là Spagetti Bolognese. Và rồi, nghe đến ẩm thực, Bologna trở nên hấp dẫn hơn với tôi một chút. Việc đầu tiên tôi làm sau khi bật dậy, sửa soạn ra khỏi phòng là hỏi lễ tân khách sạn xem có chỗ nào để ăn trưa. Cô ấy giới thiệu cho tôi một nhà hàng cách khách sạn khoảng 15 phút đi bộ, ra khỏi khu trung tâm. Tôi một mình đi qua những con số hẹp, vắng bóng người. Ban đầu tôi cũng hơi bất an, nhưng rồi thỉnh thoảng thấy ai đó đi qua, tôi cũng tự tin mà bước tiếp. Bologna khác xa so với những gì tôi từng nghe về nước Ý “Cẩn thận trộm cắp”. Có thể đây không phải thành phố du lịch, những con phố rất vắng vẻ, và ngoài đường không có ai với vẻ ngoài “Tuềnh toàng” cả. Sự thanh lịch của những con người xa lạ chỉ đi lướt qua ấy như nhắc tôi rằng, tôi đang ở trung tâm nghệ thuật của thế giới. Không chỉ ở Bologna, ngay cả Verona hay Venice, tôi thấy tần suất những quý ông, quý bà xách LV, Dior, Channel, Valentino… nhiều hơn tần suất tôi thấy ở London.

Cuối cùng tôi cũng đến nhà hàng La Finestrella, gọi truyền thống nhất của thành phố Ragù alla Bolognese. Những nhà hàng ở đây, ngoài nước thì trước mỗi bữa họ đều phụ vụ bánh mỳ và mang ra một hộp cheese vụn để rắc lên thức ăn. Thành thực mà nói, ngay cả trước khi đến Bologna, mỗi lần ăn mỳ ý tôi đều gọi sốt Bolognese bởi tôi thấy nó phù hợp nhất với mỳ Ý. Vậy ngày nào ở Bologna tôi cũng ăn mỳ, pasta sốt Bolognese. Và món truyền thống ở Ý này gọi là Ragù alla Bolognese

Ragù alla Bolognese đưa ra hơi khác với những gì tôi tưởng tượng và từng ăn về mỳ Ý. Bình thường, tôi hay ăn mỳ Ý sợi tròn (spaghetti) ăn kèm với nước sốt thịt bò cà chua để một cụm lên những sợi mùa vừa luộc, và 1 chiếc lá basel lên trên. Tuy vậy, ở Bologna đi đâu gọi món này cũng là mỳ tươi sợt dẹt, bản to, thấm đẫm sốt đã hòa quyện chứ không phải tôi tự trộn nữa.  Món ragù có nguồn gốc từ các món hầm thịt thời Trung cổ, nhưng phiên bản đặc trưng mang phong cách Bologna xuất hiện khoảng thế kỷ 18 – 19. Nó bắt đầu trở nên phổ biến trong các gia đình quý tộc và dần lan rộng ra khắp vùng Emilia-Romagna. Vào năm 1982, để bảo tồn công thức truyền thống, Học viện Ẩm thực Bologna (Accademia Italiana della Cucina) đã gửi phiên bản chính thức của công thức Ragù alla Bolognese đến Phòng Thương mại Bologna, coi đây là di sản ẩm thực của thành phố. Hóa ra, cái tên “Spaghetti Bolognese” và món mỳ sợi tròn tôi thường ăn trước đây là một sản phẩm sáng tạo ngoài nước ý. Dù hơi mặn, nhưng thưởng thức bản gốc tại chính quê hương của nó, tôi đa quên mất vị Spaghetti Bolognese. Tôi đã phải lòng món Ragù alla Bolognese, ít nhất trong cơm đói cồn cào lúc này. Tôi gọi thêm phần tráng miệng Tiramisu. Tôi từng rất tự tin với trình độ làm Tiramisu của mình, và chưa thấy nơi đâu làm ngon hơn, cho đến khi tôi đến Ý. Tiramisu ở đây thực sự béo ngậy, thơm lừng.

Nhà hàng nằm ngay gần Finestrella di Via Piell – Canale di Reno. Trên con phố nhỏ Via Piella, bạn sẽ bắt gặp một cánh cửa sổ gỗ nhỏ nằm ngay trên bức tường bên đường – tưởng như chẳng có gì đặc biệt. Tôi cũng không thấy gì đặc biệt cho đến khi thấy hàng dài khách du lịch xếp hàng để nhìn qua chiếc cửa nhỏ đó. Qua ô cửa sổ nhỏ, tôi thấy một bức tranh thơ mộng với ánh nắng váng phản chiếu xuống dòng kênh chảy len lỏi giữa những dãy nhà cổ kính yên bình. Cảm giác như bạn đang đi giữa con đường lớn, nắng và đầy xe, rồi bỗng nhìn thấy một bức tranh sống động, tĩnh lặng và mát lành. Một điều bất ngờ và nhỏ bé, khiến tôi tò mò, liệu thành phố này còn đang giấu tôi những bí mật đẹp đẽ nào khác? Liệu có phải một lịch sử lâu đời, bị che đi bởi cuộc sống đô thị hóa. Từ đây tôi mới biết, Bologna cũng từng là một thành phố kênh rạch nhưng theo thời gian và với quá trình đô thị hóa, phần lớn các dòng kênh đã bị che phủ bởi những tòa nhà lớn hoặc chảy ngầm dưới lòng đất

La Dotta – Thành phố của học thuật

Men theo con đường lớn, tôi tiến về khu đại học Bologna, trường đại học đầu tiên trên thế giới hoạt động liên tục đến ngày hôm nay. Khu đại học rất rộng, nằm trong những tòa nhà cô kính. Không khí sinh viên bao trùm, tiếng xe đạp lộc cộc trên những con đường lát gạch. Nhiều lúc khi đi trong những con ngõ hẹp, nhìn lên những ô cửa nhỏ y hệt như trong phim, mải ngắm nhìn tôi bất giác  thốt lên “Đẹp quá”.

IMG_20250408_153116_00_063

Từ thế kỷ XI, trong một châu Âu còn rối ren bởi những xung đột quyền lực giữa Giáo hội và thế tục, Bologna đã âm thầm khai sinh một hình thức tổ chức chưa từng có: một cộng đồng học thuật tự trị, đặt tri thức làm trung tâm, và từ đó hình thành khái niệm “universitas”. Ra đời vào năm 1088, Università di Bologna là trường đại học lâu đời nhất còn hoạt động liên tục tại phương Tây. Đây chính là cái nôi khai sinh ra khái niệm “đại học” (universitas) như chúng ta hiểu ngày nay – một cộng đồng của các học giả, sinh viên, và giáo sư cùng nghiên cứu, giảng dạy và bảo vệ tri thức. Ánh sáng tri thức đã thắp lên nơi đây suốt gần 1000 năm lịch sử. Tri thức ở Bologna không chỉ nằm trong sách vở. Nó hiện diện trong tinh thần phản biện, tư duy độc lập – những giá trị mà thành phố này đã gìn giữ suốt nhiều thế kỷ. Bologna từng là trung tâm của các phong trào tư tưởng, tự do ngôn luận và đối thoại dân sự. Nhân vật khá nổi tiếng từng gắn bó với Bologna là Dante, tác giả của Thần Khúc. Tôi sẽ viết sơ lược về chuyện tại sao tôi ấn tượng với Dante khi viết về Verona, vì tượng của Dante ở Verona.

IMG_20250408_144537_00_047

Nơi đầu tiên tôi ghé vào là bảo tàng Nghệ thuật quốc gia. Ở Ý, nếu là sinh viên Kiến trúc bạn sẽ được giảm giá vé vào bảo tàng, cũng hiểu tại sao Nghệ thuật ở Ý phát triển đến vậy, bởi sinh viên Nghê thuật được ưu ái đến vậy cơ mà. Bảo tàng trưng bày những tác phẩm nghệ thuật từ thời Trung cổ đến thời Phục Hưng từ các nghệ sĩ Bologna. Đi qua những phòng tranh với những tác phẩm nghê thuật đồ sộ, một ý niệm lóe lên trong tôi, khiến tôi nhớ đến những gì tôi đã đọc về nghệ thuật ở Hà Lan. Tôi đã từng ngưỡng mộ những họa sĩ Hà Lan bởi họ đã đưa hình ảnh bình dị của những người dân thường, cuộc sống hàng ngày vào những tác phẩm nghệ thuật đồ sộ. Dù ở đâu, ở trong bất cứ cuộc tranh luận nào tôi cũng hướng về những người bình thường mà đôi khi bị bỏ quên trong xã hội. Tôi ngưỡng mộ sự cải khách đó, nơi đối tượng nghệ thuật không còn là thân linh, anh hùng hay vua chúa. Nhưng rồi khi đến Ý, suy nghĩ của tôi thay đổi. Lại một lần nữa tôi tôi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hào hùng, bi tráng trong câu chuyện những tác phẩm ở đây thể hiện. Tôi lờ mờ hiểu ra, hóa ra sự cách mạng nghệ thuật ấy không phải là sự thay thế mà là mở rộng. Cái mới xuất hiện không phải vì cái cũ lỗi thời, xấu xa mà đơn giản vì cuộc sống này đa dạng hơn và nghệ thuật phát triển để phản chiếu sự đa dạng đó.

IMG_20250408_144443_00_046

Đi dưới những hành lang mái vòm với cột đá (portici), di sản UNESCO, nơi sinh viên và giáo sư từng trao đổi tri thức từ thời Trung cổ, tôi qua lại khu trung tâm gần chân Tháp Đôi tôi ở, và mua một cây kem Gelato. Trong một cuốn truyện tôi từng đọc, người ta nói, có 2 điều không thể bỏ lỡ ở Ý đó là Tình yêu và Gelato. Tình yêu với tôi có vẻ khó nắm bắt, nhưng Gelato thì mỗi ngày tôi ăn 2 cây.

La Rossa – Màu đỏ của Bologna

Bologna có một màu sắc đặc trưng, màu đỏ gạch coppi rossi của những mái nhà và những bức tường gạch nung. Tôi chạy ra quảng trường Pizza Maggiore ngồi ăn nốt cây kem vừa mua. Dưới ánh nắng, tôi nhận ra một cái cảm giác tự do và vô ưu tôi đã đánh mất từ lâu. Mấy chuyện khiến tôi lo lắng từ trước chuyến đi lại kéo đến một chút trong giây phút ấy chỉ để nhắc tôi rằng mình chẳng cần phải lo nữa. Khung cảnh trước mắt tôi, Basilica di San Petronio uy nghi, những tòa nhà cổ kính rực lên trong ánh nắng và những con người vui vẻ đang thư giãn giữa quảng trường, và tôi cũng cho mình thời gian như vậy. Dưới ánh hoàng hôn, toàn thành phố như rực cháy cháy bằng ánh sáng tự nhiên, thơ mộng, sống động nhưng an yên.

Màu đỏ mà biệt danh La Rossa nói đến không chỉ bởi màu của những mái nhà, mà còn là màu của tương tưởng tự do, công lý xã hội, môi trường, dân quyền, “pháo đài đỏ” chống lại độc tài giữa lòng nước Ý.

Những ngày ở Bologna của tôi

 Ngày đầu tiên ở Bologna, tôi lang thang như vậy, qua những con phố phía sau Basilica di San Petronio, qua thư viện cộng đồng Biblioteca Comunale dell’ Archighinnasio. Trong khuôn viên Archiginnasio còn có Teatro Anatomico – giảng đường giải phẫu được xây dựng năm 1637, nơi sinh viên y khoa thời xưa học giải phẫu cơ thể người. Cả thành phố này ngập tràn mùi tri thức. Ngày đầu tiên kết thúc như vậy, tôi về sớm để chuẩn bị cho hội thảo hôm sau.

IMG_20250408_153803_00_075

IMG_20250409_191655_00_121

Mấy ngày sau, tôi ở hội thảo từ sáng sớm đến 6h, rồi lại lang thang một mình. Khu vực diễn ra hội thảo từng là một nhà tù thời Trung Cổ. Hẳn là tri thức đã giải thoái chúng ta và biến nơi này thành giảng đường đại học. Chiều về qua Quadrilatero, trung tâm Thương mại thời La Mã cổ đại, rồi trở thành khu chợ sầm uất thời Trung Cổ. Tôi lại ăn Ragù alla Bolognese, rồi thử thêm những loại pasta khác, thử một cửa hàng Gelato khác. Tôi thích cảm giác lang thang thế này, tự do, khám phá, nơi tôi phải “ố à” về những gì mắt tôi vừa thấy, âm thanh tôi vừa được nghe, về vị ngon mà đầu lưỡi tôi vừa nếm, về cảm giác vừa chạm nhẹ trên da thịt, về mùi hương thoảng qua trong gió nhẹ.  Lòng tôi rộn ràng khi đắm chìm vào không gian này, tôi sống như nhân vật chính của bộ phim mà tôi yêu thích. Nếu mà học ở đại học Bologna chắc tôi phải mỗi năm viết 1 tiểu thuyết quá :D. Thành phố này đánh thức mọi giác quan, đánh thức niềm cảm hứng tôi chôn vùi sau những ngày lo âu bộn bề, mà bởi về sau khi đi Ý về tôi có khá nhiều thay đổi, và hào hứng cho những chuyến đi tiếp theo quay lại Ý.

Tạm biệt Bologna

Còn một điều luyến tiếc tôi để lại Bologna đó là chưa đến Portico di San Luca,hành lang mái vòm dài nhất thế giới, dài gần4 km, với 666 vòm, nối thành phố đếnSanctuary of the Madonna di San Luca. Thôi thì đó là bài học đích đáng cho đứa đi xa mà không plan gì. Tôi rời Bologna vào chiều thứ 6. Anh bạn lễ tân cố gắng chỉ cho tôi đường ra ga. Lúc đến tôi đi xe bus, còn lúc về tôi đi bộ, dưới những hành lang mái vòm, cảm nhận nhịp nhịp sống chậm, hơi thở cổ xưaNước Ý có quá nhiều điều tuyệt vời tôi muốn khám phá. Một phong cách Ý, khác với những nước châu Âu tôi đã từng đi (Anh, Pháp, Bỉ, Áo, Hi Lạp, Iceland, Ireland, Hungary, Đức, Hà Lan). Tại sao người ta lại nói đi châu Âu nhiều thấy những thành phố đều giống nhau được nhỉ, cái vibe nước Ý đậm đặc, đầy màu sắc, phóng khoáng, hoài cổ. Tôi cố gắng nghĩ ra những tính từ để miêu tả không gian này trong vốn từ ít ỏi mà mình có. Thật tệ, là cứ mỗi lần chuẩn bị về tôi lại càng thấy thích thành phố mình đến. Người ta bảo đi Ý cẩn thận cướp giật, móc túi, mà suốt cả tuần từ thành phố này đến thành phố khác tôi hết điện thoại, máy ảnh, máy quay, ngáo ngơ đủ chỗ. Cẩn thận là tốt, nhưng tôi thấy mình đủ dũng cảm để đặt niềm tin vào một nơi xa lạ. Và nơi ấy đã không phụ niềm tin của tôi. Lòng tôi lưu luyến nhưng trái tim tôi cũng rộn ràng, háo hức cho điểm đến tiếp theo trong chuyến hành trình một mình ở Ý: Verona và Venice.


Cám ơn bạn đã đọc đến đây. Nếu bạn thấy thú vị và bổ ích hãy chia sẻ với bạn vè và đừng quên theo dõi qua Email để không bỏ lỡ những bài viết mới trên Blog. Bạn có thể để lại bình luận để cho mình biết nội dung nào bạn đang quan tâm, cũng như để lại email để mình gửi cho bạn những tài liệu hữu ích.

Theo dõi để nhận Newsletters

Theo dõi Fanpage để nhanh chóng cập nhật bài viết và chia sẻ mới nhất: https://www.facebook.com/Violetstoryblog