Mình nhớ hồi còn rất nhỏ, có một chương trình Chiều cuối năm, khi đó biên tập viên dẫn khán giả đi khắp những thành phố nổi tiếng trên thế giới, và đó là lần đầu tiên mình biết đến Verona, nơi có ngôi nhà của nàng Juliet. Trước khi mình biết lịch sử, địa lý hay có thể cho mình một ước mơ được đặt chân đến một vùng đất xa xôi nào đó, thì mình đã biết có một thứ trên đời được gọi là tình yêu. Chính bởi ấn tượng từ khi còn nhỏ đó mà thành phố đầu tiên mình muốn đến khi đặt chân đến nước Ý không phải là thành Rome lịch sử, không phải Milan hoa lệ mà là thành phố gắn liền với câu chuyện tình yêu của văn hào Shakespear, Verona.

Vblog tại Verona

Cảm xúc trong lòng mỗi người cũng thật cá nhân, đó là điều chúng ta không thể giải thích lại cho người khác hiểu. Đó là lý do tại sao mình sẽ chẳng thể nào miêu tả được rằng mình mong mỏi và háo hức được đến Verona như thế nào. Nhưng trước chuyến đi, mình cũng đối mặt với rất nhiều nỗi sợ, nỗi sợ về những gì người ta hay nói về du lịch Ý, nỗi sợ phải bước ra khỏi những lịch trình và cung đường quen thuộc, nỗi sợ phải đi một mình, sợ lạc, sợ ở một mình, và nhiều nhiều những bất an khác. Trong bộ phim Thư gửi Julliet có một câu thế này:

“What” and “If” are two words as non-threatening as words can be. But put them together side-by-side and they have the power to haunt you for the rest of your life: What if? What if? What if?

“What” và “If” là hai từ nghe thì vô hại. Nhưng khi đặt cạnh nhau – “What if” – ‘Nếu như’ – chúng lại có sức mạnh ám ảnh ta suốt cả cuộc đời”.

Câu nói này khiến người ta nghĩ về những cơ hội đã lỡ, về những con đường không đi, và về những điều ta chưa từng dám thử chỉ vì sợ hãi hay chần chừ. Những suy nghĩ trong đầu đôi khi còn nặng hơn cả chiếc ba lô ở sau lưng. Nhưng khi động lực trong mình đủ lớn để bứt ra khỏi những đắn đo, lo lắng và tiến về phía trước, mình đã chạm tay vào giấc mơ nhỏ thời thơ bé.

“Đôi khi, cuộc đời đưa bạn đến đúng nơi bạn thuộc về. Và điều duy nhất bạn cần làm… là gật đầu.”

Nằm nép mình bên dòng sông Adige, Verona không phô trương hào nhoáng, cũng chẳng ồn ào vội vã, mọi thứ ở Verona đều nhẹ nhàng, yên bình, không một tòa nhà nguy nga, không một câu chuyện lịch sử choáng ngợp. Thành phố ấy như một bản tình ca hát khẽ giữa lòng nước Ý – dịu dàng, cổ điển, và thấm đẫm chất thơ. Mỗi con đường lát đá cuội, mỗi ban công phủ đầy dây leo, mỗi bức tường cổ kính đều như thì thầm kể lại câu chuyện tình yêu đã đi qua hàng thế kỷ. Và không gian ấy khiến trái tim mình chậm lại.

Nơi đầu tiên mình đến là Casa di Giulietta – “Ngôi nhà của Juliet”, nơi người ta tin rằng nàng Juliet trong vở kịch bất hủ của Shakespeare từng sống.

Dưới ban công tình yêu, dưới ánh trăng bạc, chàng Romeo ngẩng đầu nhìn lên ô cửa nơi trái tim mình hướng về, gọi tên người mình yêu nhẹ nhàng như sợ đánh thức thành Verona. Góc sân ấy giờ đây bao người từ khắp nơi trên thế giới đến chụp ảnh với bức tượng nàng Juliet. Có những cặp đôi còn cầu hôn trên ban công nữa.

Trong bộ phim thư gửi Juliet, người ta gửi những lá thư dài – viết về tình yêu, nỗi nhớ, những nỗi đau chưa nói thành lời, hay cả những ước mơ vẫn đang đợi được chạm tới gửi cho nàng Juliet. Và điều kỳ diệu nhất là: những lá thư ấy sẽ được hồi âm. Một nhóm tình nguyện viên đặc biệt – được gọi là “The Secretaries of Juliet” – những “thư ký của Juliet” – sẽ đọc từng lá thư và gửi lời hồi đáp cho người viết, bằng tất cả sự thấu hiểu và dịu dàng.

Trước khi đến đây mình cũng tò mò về những lá thư đó, cũng muốn được nàng Juliet hồi âm. Không biết dạo này người ta còn tuyển tình nguyện viên cho nhóm thư ký trả lời thư nữa không, mình muốn đăng ký làm thư ký. Tuy nhiên, ngưỡng mộ tình yêu của họ là vậy, cô gái cũng mong có người yêu mình như Romeo yêu Juliet nhưng thật lòng không ai muốn chuyện tình yêu của mình diễn ra như vậy. Nhưng con người ta cũng thật lạ: Tình yêu – dù có thể khiến người ta tổn thương – vẫn luôn là điều người ta tìm kiếm, và dù đó chỉ là một câu chuyện trong văn học, người ta cũng vẫn tin đó là thật, vẫn viết thư, vẫn đến nơi ban công này và thậm chí còn có một nơi gọi là ngôi mộ của Juliet.

Nhưng khi đến nhà của Juliet, có một điều gì đó làm mình sợ hãi và đôi chút thất vọng. Có một truyền thuyết đô thị rằng, khi bạn chạm tay vào ngực nàng Juliet, bạn sẽ gặp may mắn trong tình yêu. Còn mình khi thấy hàng dài những người đợi chụp ảnh kiểu đó, mình cảm giác như nàng Juliet đứng giữa sân như đang khóc không thành tiếng vậy. Nàng khóc khi tình yêu không còn là điều thuần khiết và thiêng liêng nữa, bởi giờ đây chắc chẳng còn ai ngốc nghếch như nàng. Mình thấy thật nực cười khi những người đàn ông, phụ nữ đi với gia đình mình, họ vẫn mong gặp may mắn trong tình yêu, có phải chăng hiện tại họ chưa hài lòng với tình yêu mà họ đang có. Chính bản thân mình cũng đã mệt mỏi khi phải nghe quá nhiều định nghĩa và những chiêu trò về tình yêu trên mạng. Mình không tin vào những lời khuyên, chiêu trò đó, cũng chẳng tin vào cái truyền thuyết đô thị kia, mình không cần biết trong cuộc sống này người ta nghĩ tình yêu là gì, nhưng mình vẫn kiên định với niềm tin về tình yêu của mình, như cách Shakespere đã viết về tình yêu đích thực không đổi thay khi hoàn cảnh đổi thay, như lần đầu tiên mình thấy ban công của Juliet trên TV. Có lẽ không ai biết chắc Juliet có thật không, hay Shakespeare có từng đặt chân đến nơi này chưa. Nhưng điều đó chẳng còn quan trọng. Bởi đôi khi, con người không tìm đến sự thật – mà tìm đến niềm tin. Một niềm tin rằng ở đâu đó trên thế gian này, vẫn có một tình yêu đủ lớn để khiến người ta trèo qua bức tường cao, bất chấp thù hận, bất chấp cái chết – chỉ để được gặp nhau vài phút dưới trăng.

Cách nhà Juliet khoảng 2 phút đi bộ, mình đến nơi có tên là “Casa di Romeo” – nhà của Romeo. Không biết ai đã đặt tên cho nơi này, nhưng điểm đến không mở cửa cho khách tham quan.

Trên đường qua nhà Romeo, mình đi qua quảng trường Piazza dei Signori, nơi có bức tượng Dante Alighieri – thi hào vĩ đại của nước Ý, và từng sống lưu vong một thời ở Verona. Người ta nói, Verona là nơi đã cưu mang Dante sau khi ông bị trục xuất khỏi Firenze. Và cũng chính nơi này, ông tiếp tục viết nên những phần sâu sắc nhất của cuộc hành trình qua Thiên đàng, Luyện ngục và Địa ngục. Dante đứng giữa quảng trường rộng lớn – với tay chống cằm, ánh mắt hướng về phía xa như đang nghĩ về những câu thơ chưa trọn, hay một nỗi niềm chưa được viết ra hết trong Thần Khúc (Divina Commedia). Khi mình đến gần và nhận ra đó là bức tượng của Dante, mình bật cười và ký ức đầu tiên hiện lên trong đầu mình là chuyện tình yêu bất thành của mình hồi còn ngu ngơ. Lâu lâu về trước, mình từng thích một bạn, mà bạn ấy nói thích Thần Khúc của Dante, thế là mình mua sách đọc Thần khúc cho bằng được dù khi ấy mình chưa thể hiểu những ý thơ sâu sắc trong đó, nên chỉ thấy sách khó đọc. Nhưng nếu không có tình cảm ngu ngơ ấy, mình đã chẳng biết Dante là ai. Hay ho thật, dù những chuyện tình của mình chưa có cái kết thúc đẹp đẽ, nhưng ít ra, tình yêu lại khiến mình biết về thế giới này nhiều hơn một chút.

Đi chơi một mình là vậy, bạn có thể đến bất cứ nơi đâu mà bạn muốn để rồi chỉ ngồi một chỗ để hoài niệm, để suy tưởng. Khi không có ai bên cạnh để trò chuyện hay chia sẻ từng khoảnh khắc, chúng ta buộc phải quay vào bên trong. Mình bắt đầu nghe rõ hơn những gì lòng mình thì thầm – những mong muốn bị bỏ quên, những điều khiến mình vui thật sự, hay cả những tổn thương chưa kịp lành. Nó giống như một cuộc trò chuyện và không có người xen ngang.

Không còn ai thúc giục bạn phải đi đâu, làm gì, chụp bao nhiêu tấm hình. Mình có thể ngồi hàng giờ ở một quán nhỏ, chỉ để nhìn dòng người qua lại, uống một tách cà phê, giống như diễn lại một cảnh phim nào đó mà nữ chính cũng ngồi thư thái như vậy, cứ để ngày trôi qua chậm rãi mà vẫn đủ đầy.

Một trong những điều bất lợi của việc đi một mình, đó là dù khung cảnh xung quanh đẹp đến nao lòng, nhưng sẽ không ai chụp ảnh cho bạn cả. Đôi khi bạn sẽ nhìn quanh để tìm một ai đó đủ tiềm năng để đưa họ chiếc máy ảnh của mình, đặt niềm tin vào người khách xa lạ đó, và ngượng ngùng nhờ họ giúp mình chụp một tấm ảnh mà không thể đòi hỏi quá nhiều. Mình ngạc nhiên bởi thấy mình cởi mở hơn, và thấy thế giới này bớt lạnh lùng hơn một chút. Khi ảnh chụp xong, nhìn lại thấy hình ảnh của mình thật tệ, tóc chưa được, dáng chưa ổn, góc chụp không đẹp, nhưng mình chỉ biết cười mà không chút nuối tiếc.  Chính lúc ấy, mình lại thấy nghĩ, thôi thì không phải lúc nào mình cũng phải là nhân vật chính trong những khung hình của mình, không cần phải check in đủ các điểm đến, chúng ta không nhất thiết phải “được thấy” mới là đang sống trọn. Có những lúc, chỉ cần bạn cảm nhận được, mình vẫn đang hiện diện trong khoảnh khắc này, giữa khung cảnh này – cũng đủ để lưu lại điều gì đó trong sâu thẳm tâm hồn, hơn cả mọi bức hình hoàn hảo.

 Đi một mình, là khi vào một nhà hàng nào đó, muốn thử món ngon bạn phải ăn một phần lớn, thậm chí phần ăn của 2 người nhưng thật bất ngờ mình cũng ăn khỏe thật.

Rồi mình lại tiếp tục hành trình – băng qua cây cầu đá Pietra in bóng xuống dòng Adige xanh biếc, đi qua khu phố mua sắm sầm uất để tự mua cho mình một món quà, và ngang qua đấu trường Verona. Nhìn nơi đây giống như thành Rome thu nhỏ, một biểu tượng quyền lực của La Mã cổ đại, một nơi từng rung chuyển bởi tiếng reo hò, đấu sĩ, và máu nay lại trở thành nơi mà âm nhạc và nghệ thuật cất lên đầy kiêu hãnh.

Điểm cuối trong hành trình, mình tham quan lâu đài trung cổ Castelvecchio, chứng nhân lặng lẽ của một Verona đã từng sống trong thời đại đầy biến động. Được xây dựng vào khoảng năm 1354–1376 bởi Cangrande II della Scala, một trong những thành viên quyền lực nhất của gia tộc Scaliger – những người từng cai trị Verona – Castelvecchio là biểu tượng của sự phòng thủ, quyền lực và cả nỗi sợ hãi. Cangrande II vốn là một người trị vì tàn bạo, và ông cho xây lâu đài như một nơi trú ẩn nếu bị phản loạn, với hệ thống tường thành kiên cố, hào nước, tháp canh và cả cây cầu rút dẫn ra ngoài thành phố – chính là cây cầu Ponte Scaligero liền kề. Bước qua cây cầy đá đỏ ấy, mình ra đến bãi sỏi nhỏ ven sông nơi hoàng hôn buông xuống thật nhẹ.

Khi biết chụp ảnh, mình có thể chụp được vài góc phố tưởng như rất bình thường nhưng lại hóa nên thơ qua ống kính. Nhưng cũng có những khoảnh khắc khung cảnh phía trước rất đẹp nhưng qua ảnh vẫn không sao ghi lại được. Như chiều nay chẳng hạn, khi ánh nắng cuối ngày phủ lên mặt sông một màu vàng cam dịu dàng, và gió mang theo hương hoa dại từ bờ bên kia… Cái cảm giác đó, mùi hương đó, sự bình yên đó, chẳng có ống kính nào ghi lại nổi.

Nhưng thôi, đâu phải điều gì mình cũng ghi lại được.
Không phải điều đẹp đẽ nào cũng cần được chia sẻ.

Có những khoảnh khắc chỉ cần giữ riêng cho mình – như một bí mật dịu dàng giữa mình và thế giới.
Và với mình, Verona chính là một bí mật như thế. Một thành phố nhỏ bé, nhưng đủ để giữ lại một phần tâm hồn mình. Ở đó có những suy nghĩ của mình về tình yêu, có những bước chân một mình đầy dũng cảm, có vị ngọt của bánh Flego – và có cả chính mình, đang thật sự sống.

Còn bạn, nếu bạn đang mơ về một nơi nào đó… Một thành phố, một bờ biển, một ngọn núi, hay thậm chí là chỉ một quán café nơi bạn chưa từng đặt chân tới, hay bất cứ một hành trình nào bạn muốn thực hiện trong cuộc đời này – thì đừng chần chừ. “Cuộc sống là những phần lộn xộn.”, chúng ta cứ mãi chờ đợi sự hoàn hảo, mà quên mất rằng chính những điều không hoàn hảo mới làm nên hành trình ý nghĩa.
Bạn không cần đợi ai đi cùng. Không cần đợi có đủ lý do. Chỉ cần… bạn muốn.

Và hành trình một mình đến Verona lần này cũng là một cách để mình học cách dũng cảm hơn với chính mình. Dũng cảm để bước ra khỏi vùng an toàn, để đối mặt với những nỗi sợ vô hình, để lắng nghe tiếng lòng và để sống thật với những ước mơ nhỏ bé mà mình đã ấp ủ từ lâu.

Verona, với những con đường gạch gồ ghề, ban công tình yêu, lâu đài trầm mặc và dòng sông Adige êm đềm, cây cầu đá đỏ, quảng trường đầy nắng, đã dạy mình rằng: đôi khi, hành trình quan trọng không phải là điểm đến mà là sự trưởng thành trong từng bước chân ta đi. Và để có thể đi được trên con đường ấy, chỉ cần một điều – chính là dũng khí theo đuổi con tim mình.

Xin kết lại những dòng này bằng một câu thoại tràn ngập ý tình trong bộ phim Thư gửi Juliet:

“You need only the courage to follow your heart. I don’t know what a love like Juliet’s feels like – a love to leave loved ones for, a love to cross oceans for – but I’d like to believe if I ever were to feel it, that I’d have the courage to seize it.”

Điều bạn cần chỉ là dũng khí để theo đuổi con tim mình. Tôi không biết cảm giác yêu như Juliet ra sao – một tình yêu khiến người ta rời xa những người thân yêu, vượt qua đại dương mênh mông – nhưng mình muốn tin rằng, nếu một ngày được cảm nhận tình yêu như thế, tôi sẽ đủ can đảm để nắm lấy nó.


Cám ơn bạn đã đọc đến đây. Nếu bạn thấy thú vị và bổ ích hãy chia sẻ với bạn vè và đừng quên theo dõi qua Email để không bỏ lỡ những bài viết mới trên Blog. Bạn có thể để lại bình luận để cho mình biết nội dung nào bạn đang quan tâm, cũng như để lại email để mình gửi cho bạn những tài liệu hữu ích.

Theo dõi để nhận Newsletters

Theo dõi Fanpage để nhanh chóng cập nhật bài viết và chia sẻ mới nhất: https://www.facebook.com/Violetstoryblog