Những con phố Hà Nội bắt đầu đông đúc trở lại, những cổng trưởng tiểu học, mẫu giáo lại bắt đầu đông ghẹt phụ huynh đưa con đi học buổi sáng. Khi thấy bóng dáng những người nước ngoài cầm bản đồ, kéo vali trên phố cổ và công ty tôi bắt đầu gọi người đi làm trở lại, tôi nhận ra mọi thứ bắt đầu trở lại sau đại dịch covid. 

Tôi vẫn nhớ cái cảm giác hoang mang khi cả thể giới đang chao đảo vì một dịch bệnh với tốc độ lan truyền khủng khiếp. Hà Nội mất ngủ khi vừa phát hiện ca nhiễm đầu tiên, người dân đổ xô đi mua đồ tích trữ, học sinh cả nước tiếp tục nghỉ học không rõ thời hạn. 

Khi ấy, tôi vừa tiếp tục công việc tại công ty được 3 tháng, sau khi nghỉ 15 tháng để theo học thạc sĩ ở Anh. Cứ mỗi ngày đến công ty, chuyện chúng tôi lại nói với nhau về những chuyến bay phải hủy và những văn phòng đại diện nước ngoài đóng cửa. Tôi hỏi đồng nghiệp lớn tuổi, người đã làm việc ở đây gần 20 năm. Trước đây dịch SARS thì sao? Đại dịch SARS xảy ra năm 2008, khi tôi học cấp 2. Những gì tôi còn nhớ đến tận bây giờ là mùa hè năm ấy, gia đình tôi không đi du lịch, chúng tôi vẫn đi học bình thường. Nhưng khi đó, tôi sống tại một quận ngoại thành ở Hải Phòng. Tôi còn nhỏ để thấy được mức độ ảnh hưởng, sự nguy hiểm của đại dịch. Còn giờ đây, tôi ở giữa thủ đô, tôi đã đi làm. Sức ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 thâm nhập vào từng ngõ ngách, từng hơi thở, nhịp đập của thành phố, và đảo lộn cả cuộc sống của tôi. Tôi trải qua những tháng giảm lương, những kỳ nghỉ dài như vô tận. Tôi có những chuyến đi tiêm vắc xin, và những lần chọc mũi trước đau giờ cũng thành quen. 

Cuối cùng thì hôm nay Hà Nội hửng nắng sau những ngày âm u, người người ra đường, hàng quán mở lại. Tôi không muốn chủ quan khi biết Covid vẫn đang hiện diện trong cuộc sống hàng ngày, nhưng không còn sợ hãi. Người ta nói, khi đã trải qua tận cùng của nỗi đau thì người ta đâu còn sợ gì nữa. Một người bạn từng nói với tôi, cái cảm giác thân thương nhất là buổi sáng được bước ra khỏi nhà, mua gói xôi ở đầu ngõ, nhưng nó không trọn vẹn bởi bác bán xôi quen thuộc đã không còn ở đó nữa. Mọi thứ đã thay đổi, chúng ta bước vào “bình thường mới” chứ không phải quay lại với “bình thường trước đây”. Tôi chỉ hi vọng rằng mọi điều tồi tệ nhất đã qua, và chúng ta học được những bài học cho cuộc sống này.  

Ngồi yên để tạo những niềm vui từ sự tĩnh lặng 

Việc chăm sóc bản thân dường như đã bị đánh giá thấp trong cuộc sống bận rộn hàng ngày. Một giấc ngủ cũng chẳng đáng giá bằng mấy drama trên Facebook. Chúng ta luôn bận rộn, đi làm, đi chơi, đi hẹn hò và những căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày, hay bất cứ lý do gì (ví dụ như hóng phốt trên mạng) cũng khiến chúng ta không thể dành đủ thời gian cho bản thân. Rồi bỗng nhiên tất cả dừng lại. Chúng ta buộc phải dừng lại, buộc phải ở trong nhà.  

Tôi từng có 40 ngày liền chỉ ở trong phòng bởi những đợi cách ly F1 và giãn cách xã hội liên tiếp gối nhau. Điều đó đồng nghĩa với việc rất nhiều vấn đề và những kế hoạch tôi muốn làm buộc phải dừng lại, có cái dừng lại hơn 1 tháng, có cái hoãn vô thời hạn. Tuy vậy, chính cái lúc “bị rảnh” ấy, tôi nhận ra rằng thực sự chăm sóc bản thân và được yên tĩnh là một trong những điều khiến tôi hạnh phúc. Ý tôi là những điều nhỏ nhặt giúp tôi tìm thấy chính mình. Tôi tin rằng tất cả mọi người đều có sẵn những niềm vui nhỏ nhặt ấy và chúng không phụ thuộc vào bất cứ điều gì bên ngoài. 

Nhiều báo cáo nhắc đến vấn đề rồi loạn sức khỏe tâm thần đang gia tăng trong thời kỳ đại dịch Covid-19 và ví đây như một “đại dịch thứ 2”. Nguyên nhân là do mọi người bị xáo trộn bởi những vấn đề về thay đổi công việc, chăm sóc trẻ em, mất việc làm, mất người thân và bị cô lập trong thời kỳ giãn cách. Mặc dù hoàn cảnh của mỗi người là khác nhau và một số người đã trải qua những khó khăn cực kỳ to lớn, nhiều người đã cho thấy rằng chúng ta có thể kiên cường hơn trong khủng hoảng.  

Tôi từng đọc cuốn sách “Cây cam ngọt của tôi” của tác giả Jose Mauro de Vasconcelos. Trong đó nhân vật chính là cậu bé Zeze. Điều khiến tôi suy nghĩ đó là điều kiện để những người trong gia đình như bố và anh trai yêu thương Zeze. Người anh trai sẽ nhẹ nhàng với cậu khi cần nhờ cậu đánh nhau hay vay tiền, bố sẽ yêu thương cậu khi ông có tiền còn lại cậu sẽ luôn bị đánh bởi những lý do khác nhau. Vậy còn tình yêu của bạn dành cho chính bản thân mình, liệu có cần một điều kiện như vậy?  

Tôi cũng từng tự hỏi “Liệu điều kiện cho hạnh phúc của mình là gì? Điều kiện gì để tôi có thể sống vui vẻ?” Và rồi khi nhận ra có những điều không nằm trong tầm kiểm soát của mình, tôi chấp nhận sự nhỏ bé và vô năng của bản thân. Tôi lại hỏi có hạnh phúc nào là không điều kiện? Có niềm vui nào của tôi không phụ thuộc vào người khác và bất cứ điều gì bên ngoài? 

Khi soi mình xuống mặt hồ trong xanh phẳng lặng, chúng ta sẽ thấy được hình ảnh của ta hiện ra một cách rất rõ ràng. Mặt hồ càng phẳng lặng bao nhiêu, hình ảnh càng rõ nét bấy nhiêu. Ngược lại, nếu chúng ta chỉ cần ném một viên sỏi nhỏ xuống mặt hồ , nó sẽ tạo nên những lớp sóng nhỏ lăn tăn làm cho hình ảnh của ta méo xệch, chập chờn, mờ đi, thậm chí bùn dưới đáy hồ sủi lên đục ngàu không thể nào quan sát được.  

Tâm hồn của chúng ta cũng vậy, muốn nhìn thấy nhân tâm, đúng với những gì vốn có, thì chúng ta cũng phải để tâm hồn yên tĩnh, phẳng lặng như mặt hồ kia, không để cho bất cứ một vật gì rơi vào tâm hồn làm khuấy động nó. Những vật tạo nên lớp “sóng” trong tâm hồn chính là những lo lắng bối rối hay những toan tính trong cuộc sống, nhất là trong tâm hồn còn chứa đựng những hận thù, ghét ghen, kiêu căng. Có bao giờ chúng ta tự hỏi những điều chúng ta đang cố gắng là do mình thực sự cần, thực sự muốn hay mình chỉ đang chạy đua với thế giới bên ngoài. Trong hoàn cảnh ấy chúng ta không thể nào nhận ra chính mình, không thể biết điều gì dành cho mình. Và đó chính là ý nghĩa của những biến cố buộc tôi phải ngồi yên. 

Bài học quan trọng nhất tôi học được trong suốt thời gian bị cách ly đó là dành nhiều thời gian chất lượng hơn cho bản thân và lặng yên để lắng nghe chính mình. Tôi bắt đầu tập thiền và mỗi ngày dành thời gian để viết ra những suy nghĩ của bản thân.  

Thiếu thốn để biết đâu là điều thực sự quan trọng nhất 

Một ví dụ đơn giản nhất mà chúng ta chứng kiến trong đại dịch đó là không cần đến văn phòng chúng ta vẫn có thể làm việc. Có những vấn đề vẫn có thể chốt mà không cần những cuộc họp trực tiếp hoành tráng. Và chính bản thân tôi cũng vẫn sống “thần thái” khi không có rất nhiều điều fancy tôi từng lấy làm niềm vui trước đây.  

Có lẽ tôi vẫn có thể coi mình là người may mắn bởi sự mất mát mình phải trải qua không quá nhiều. Tôi bị mất đi một phần thu nhập (một phần lớn), tôi mất đi cái cảm giác được vi vu và mất đi một vài điều mà mình ao ước. Chính cái lúc cuộc sống bị bớt đi mỗi điều một ít như thế, soi chiếu xuống mặt hồ tâm hồn phẳng lặng, tôi tự hỏi chúng ta muốn rất nhiều nhưng thực sự cần bao nhiêu. Khi đã hiểu về chữ đủ, và để tránh cái cảm giác ấm ức khi bị mất, tôi tự chủ động bỏ đi những điều mình không còn thấy cần thiết.  

Có một cảnh trong bộ  phim Iran mang tên “Những đứa trẻ thiên đường” kể về câu chuyện cậu bé làm mất giày của em gái, và tham gia cuộc thi chạy và mong muốn đạt giải Ba vì giải thưởng là một đôi giày thể thao. Nhưng “không may” cậu về đích đầu tiên. Nhìn cảnh mọi người chúc mừng, báo chí hò reo còn nhà vô địch khóc nức nở. Cảnh phim ấy nhắc tôi nhớ đến một thực tại cả xã hội tôn vinh và chạy đua vì số 1, nhưng số 1 có ý nghĩa gì khi chẳng cho ta được cái ta đang rất cần cho cuộc sống cơ bản.  

Một cảnh khác trong bộ phim Soul của Pixar, nhân vật chính Joe ngồi một mình hụt hẫng sau buổi biểu diễn mà anh đã ao ước cả cuộc đời. Joe chợi nhận ra cảm giác này không nguy nga như mình tưởng tượng. 

I heard this story about a fish. He swims up to this older fish and says, “I’m trying to find this thing they call the ocean.” “The ocean?” says the older fish, “that’s what you’re in right now.” “This?” says the younger fish, “This is water. What I want is the ocean.” 

Soul

Liệu chúng ta có phải cần có cái mà người khác có, hay nhiều người bảo nên có? Trước đây tôi cứ tưởng biết mình muốn gì là quan trọng nhất, nhưng hoa ra, hiểu cái mình cần có vẻ quan trọng hơn. Hiều được điều này mọi thứ xung quanh bỗng trở nên nhẹ nhàng. Tôi cũng bớt cáu gắt bởi cái thực tại này lấy đi của tôi một vài thứ tôi muốn. Thay vào đó, tôi nói cám ơn những điều mình đang có mỗi ngày và thấy hạnh phúc bởi những điều mình thực sự cần hôm nay vẫn luôn ở đây. 

Mọi thứ có thể kết thúc vào ngày mai. Không cần quá nhiều tôi chỉ cần tập trung vào những gì quan trọng. Dù chuyện gì xảy ra, mặt trời vẫn ở trên đầu, và trái đất vẫn quay.  

IMG_8316-02

Cô đơn để trân trọng sự ấm áp giữa người với người 

Là một người hướng nội, và như đã nói ở trên rằng tôi hoàn toàn ổn khi ở một mình, nhưng những kết nối nhỏ nó khác với việc không có kết nối nào. Có lẽ tôi không cần nhắc lại ý nghĩa bài học bó đũa mà chúng ta học từ tiểu học. Con người chúng ta một mình rất mong manh, và sức mạnh của chúng ta đến từ việc là một phần của cộng đồng. Bởi thế, hãy chọn một cộng đồng vững mạnh.  

Karl Marx đã khẳng định: “Bản chất con người không phải là một cái trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội.” Suy cho cùng, dù có thể vui vẻ và có khoảng thởi gian chất lượng khi ở một mình, chúng ta cần những mối quan hệ, cơ bản như là gia đình chẳng hạn. Tôi nghĩ, cảm giác khó chịu khi ở nhà quá lâu, một phần là do sự thiếu thốn và thèm được gặp gỡ. Ý tôi là sự gặp gỡ mặt đối mặt, không phải qua màn hình. Nhưng nếu sự gặp gỡ thực nó quan trọng đến vậy, tại sao khi ngồi với nhau người ta lại luôn lấy điện thoại ra và tìm kiếm niềm vui ở thế giới ảo khác.  

“Công nghệ giúp chúng ta xích lại những người ở xa và xa những người ở ngay bên cạnh”.

Marc Levy “Một ý niệm khác về hạnh phúc”. 

Và rồi khi chỉ có thể kết nối qua màn hình, không còn những cái ôm, những cái bắt tay trở thành một sự xa xỉ. Vậy tại sao người ta thường chỉ tiếc những gì đã mất mà không thương những gì đang có?   

Ngoài sự kết nối với người thân, bạn bè, tôi khâm phục và kính trọng những người có thể dành thời gian, công sức, và sự hi sinh cho cộng đồng. Lửa thử vàng, gian nan thử sức và khó khăn thử lòng người. Những câu chuyện về những nghĩa cử tốt đẹp của mọi người xung quanh trong thời kỳ đại dịch dạy tôi về tình yêu thương, về sự chia sẻ, quan tâm, về sự kinh trọng, sự giúp đỡ, quan tâm và về tình người.  

Bất ổn để hiểu rằng sự ổn định cũng thật mong manh 

Tôi làm công ty nhà nước. Đi làm công ty nhà nước ai cũng nói là ổn định, không sợ bị đuổi việc, công việc nhẹ nhàng. Vậy mà nhẹ nhàng đâu chưa thấy bởi mấy năm đi làm hầu hết ngày nào tôi ra khỏi văn phòng thì mặt trời đã lặn từ lâu. Nhưng rồi Covid như một phát súng làm nổ tung tất cả. Cái khoảnh khắc nhận tin công ty cắt giảm một nửa nhân sự, và giảm lương của những người ở lại, thì cái chữ “ổn định” mà người ta vẫn nói vụn vỡ.  

Tôi thấy chỉ có trình độ và nhận thức của mình là dễ ổn định nhất còn mọi thứ xung quanh luôn thay đổi. Nhắc lại về điều kiện của hạnh phúc như đã nói ở trên, vậy chúng ta có thực sự ổn định được không khi luôn phải dựa vào một điều kiện nào đó. Ví dụ như công việc ổn định khi công ty làm ăn ổn định. 

Tôi lại nhớ đến bài học của người lướt sóng. Một con sóng cao khiến người ta sợ hãi khi bị nhấn chìm và ngạt, nhưng sóng càng to thì người lướt sóng càng thích. Bời vì, khi đó người ta biết nương theo sóng và lướt. Như vậy, ổn định không có nghĩa là sóng yên biển lặng, mà là bạn đủ khả năng để lướt sóng, không phải bạn có đủ cơm ăn áo mặc, mà khi ta có đủ năng lực để đối đầu trước mọi biến cố. Một bài báo tôi từng đọc, tác giả nói rằng:

“Một cuộc sống ổn định “đúng nghĩa” không phải một cuộc sống ngày nào cũng như ngày nào, mà đó là một cuộc sống mà bạn muốn thế nào, nó sẽ thành như thế ấy. Một cuộc sống ổn định “đúng nghĩa”, là một cuộc sống vững vàng, không bị thổi bay trước bất cứ biến cố nào của cuộc đời.” 

Bởi thế, thay vì hi vọng mọi sự đứng yên, tôi chuẩn bị cho bản thân mình sẵn sàng trước những thay đổi.  

Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi 

Đại dịch COVID-19 đã thay đổi cuộc sống và nó có thể thay đổi cả cá nhân chúng ta, từ thói quen đến các mục tiêu và ưu tiên trong cuộc sống. Cuộc sống đưa đẩy chúng ta đi theo những hướng khác nhau. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là sống đúng thời điểm mà không nuối tiếc quá khứ hay ngóng chờ tương lai. 

Tôi không dám tô hồng mọi chuyện, vì nói thật lòng, 2020 và 2021 với tôi là một năm khó khăn. Theo ngôn ngữ tâm linh thì nó rơi vào đúng hai trong ba năm tam tai của đời người. Dẫu vậy, trời xanh vẫn ở trên đầu. Như câu nói nổi tiếng của Albert Einstein:

“Giữa mọi khủng hoảng luôn có những cơ hội lớn.”

Tương tự, những thách thức của COVID-19 mang lại nhiều lĩnh vực cơ hội khác nhau.  

Con người là những sinh vật rất phức tạp; chúng ta dành cả đời để học. Cuộc sống là một chuỗi những bài học, chúng ta học và tiếp tục học mỗi ngày. Bài học cuộc sống lớn nhất được học trong thời gian khó khăn và khi chúng ta mắc sai lầm. Mỗi biến cố cũng như một cú hích để chúng ta nhìn lại, để biết trân trọng những điều nhỏ bé xung quanh, những điều khiến chúng ta sống và thực sự hạnh phúc. Bởi vậy, chẳng phải, Covid-19 này là một bài học cực kỳ lớn hay sao? 

Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi. Bước qua những khó khăn, chúng ta hướng về tương lai với những bài học kinh nghiệm, sự trưởng thành và mạnh mẽ. Tôi tin rằng cầu vòng sẽ lại vắt ngang bầu trời sau mỗi cơn mưa.


Cám ơn bạn đã đọc đến đây. Mời bạn theo dõi qua Email để không bỏ lỡ những bài viết mới trên blog

[jetpack_subscription_form show_subscribers_total=”false” button_on_newline=”false” custom_font_size=”16px” custom_border_radius=”0″ custom_border_weight=”1″ custom_padding=”15″ custom_spacing=”10″ submit_button_classes=”” email_field_classes=”” show_only_email_and_button=”true” success_message=”Success! An email was just sent to confirm your subscription. Please find the email now and click ‘Confirm Follow’ to start subscribing.”]

Tham khảo 

The lesson we will learn from this pandemic

8 Lessons We Can Learn From the COVID-19 Pandemic

Không bao giờ có thứ gọi là Cuộc Sống Ổn Định, nếu tiếp tục ảo tưởng, cẩn thận có ngày sự ổn định đó đốn gục bạn!