Ở bài lần trước, mình đã chia sẻ về một vài cây bút máy để giúp bạn chọn một cây bút phù hợp với mình hoặc dành cho bạn bè. Bài viết này mình sẽ chia sẻ về mực.

mực

Theo mình, để có một nét chữ ưa nhìn, ngoài yếu tố chủ quan (thuộc về người viết) như bạn đã luyện tay như thế nào, tư thế ngồi ra sao, thì 3 yếu tố rất quan trọng đó là giấy, bút và mực. Khi viết bút máy, có một cảm giác khiến mình “bực bội” đó là giấy viết bị nhòe mực. Và khi đã nhòe thì nhìn chữ viết không thể đẹp được.  Về bút, một cây bút nhìn đơn giản vậy thôi, nhưng những cây bút tốt để thiết kế hỗ trợ tư thế cầm của ngón tay, khiến chữ viết thanh thoát hơn. Cuối cùng là mực, điều sẽ được thể hiện trên trang giấy.

Mực, dường như là yếu tố phức tạp nhất để để giải thích về giá trị của nó. Hồi bé, mình nghĩ đơn giản, mực chỉ cần một cái gì đó có màu, bơm vào bút, viết thành nét. Mình đã từng ra vườn hái quá mùng tơi về nghiền làm mực, nhưng đó là một thất bại ê chề, hỏng cả bút. Học tiểu học, mình viết mực Thiên Long, đó là lựa chọn tốt nhất cho học sinh. Sau đó có loại mực Thiên Long hộp thủy tinh, cao cấp hơn một chút. Lên cấp 3, và đại học mình viết mực Queen, thấy sang xịn mịn lắm rồi. Vì suốt thời đi học cho đến giờ mình đều viết bút mực, nên kinh nghiệm dày dặn về bút mức của mình cũng dày dặn.

Đến khi đi làm, có điều kiện kinh thế hơn, mình có thể khám phá ra một thế giới đầy màu sắc đầy mê mẩn của những loại mực cao cấp. Những lọ mực mình giới thiệu dưới đây sẽ cao cấp hơn mực học sinh một chút.

À quên mất, cao cấp hơn rất nhiều đấy.

Writing with ink and pen is much more than just writing, it gives body and color to our thoughts.

J Herbin

Tại sao những lọ mực tại đắt như vậy?

Nhiều người nghĩ, đó chỉ do thương hiệu, nhưng không chỉ vậy. Sau đây, bạn sẽ hiểu cảm giác “từ ấy trong tôi bừng nắng hạ” mà mình đã từng trải qua.

Mực không lắng cặn

Với mực ngày xưa mình dùng, sau một thời gian sử dụng, khi mực khô, bạn sẽ thấy có một chút rỉ, cặn mực khô ở chỗ nắp lọ mực. Ngay cả bút lâu bút lâu ngày không viết, bạn sẽ thấy rõ những phần rỉ đó ở ngòi. Những phần cặn này rất hại ngòi bút bằng thép, và dẫn đến tắc ống dẫn mực. Nếu bạn dùng cây bút cao cấp mà mực không tương xứng, rất dễ làm hỏng bút, một điều tiếc nuối không gì xót xa hơn.

Mực bám giấy nhưng không bám da tay

Mình viết chính là mực tím, và hồi đi học, tay mình luôn luôn có mực lem nhem mà phải rửa rất nhiều ngày không hết. Mà lần nào bắn mực ra đồ dùng (chăn chẳng hạn) thì xác định ăn mắng rát tai luôn. Nhưng với loại mực tốt, chẳng may bị ra tay, bạn có thể rửa nhẹ bằng xà phòng là trôi luôn. Tất nhiên là mực để viết giấy, không ai mang giấy viết đi rửa cả.

Màu sắc đa dạng

Đây là phần mình thích nhất. Nếu như mực cơ bản có chỉ có màu xanh blue, đen, tím và có thể là đỏ thì bảng màu của những hãng mực cao cấp rất đa dạng. Mỗi màu sắc còn mang một sắc thái để kể cho bạn một câu chuyện phía sau. Có những cái tên cực mỹ miều không chỉ là những từ chỉ màu sắc thuần túy như màu ngọc lục bảo đảo Chivor, màu đuôi khổng tước, màu đá Coraline Ai Cập, màu lá thông, màu áo thiếu nữ, màu đại dương…

Đến phần này thì rất dễ nghiện bởi từ đây việc viết nó không chỉ là để ghi chép, mà nó còn thể hiện cá tính, mang hơi hướng cổ điển và đắm chìm trong một câu chuyện lịch sử. Mực cũng như màu vẽ vậy. Nếu một bức tranh có nhiều màu sắc, thì mình nghĩ những nét chữ của bạn cũng có hình dáng và tâm hồn và nó luôn có một tâm sự.

Nguyên liệu làm mực chất lượng

Về lịch sử, mực và bút ra đời cùng thời điểm, khoảng 2300 năm trước công nguyên, được cho rằng làm bởi người Ai Cập và Trung Quốc. Từ xưa, mực được làm bởi những nguyên liệu thiên nhiên như khoảng sản, cây cối hay thậm chí từ động vật. Ví dụ, loại mực thường được người Trung quốc sử dụng làm từ than và nhựa thông, nhưng phải chọn những cây có tuổi đời từ 50 đến 100 năm. Ngoài ra, riêng màu đen cũng có nhiều sắc độ khác nhau, do được tạo ra từ những nguyên liệu khác nhau như tro xương, nhựa đường.

Ở châu Âu thế kỷ 12, mực cũng được làm từ cành táo gai được cắt vào mùa xuân và để khô. Sau đó, vỏ từ cành sẽ được bóc ra và để ngâm trong nước trong tám ngày. Nước đó sẽ được đun sôi cho đến khi đặc và có màu đen nhưng trong khi đun sôi, người ta sẽ cho rượu vào. Chất lỏng đặc và đen đó sẽ được đổ vào các túi và phơi nắng cho khô. Khi nó được làm khô, rượu (một lần nữa) và muối sắt sẽ được trộn với nó trên lửa. Hỗn hợp kết quả sẽ là mực sẵn sàng để sử dụng.[1]

Một vài ví dụ để thấy, mực viết khởi nguồn từ thiên nhiên và được làm một cách cầu kỳ. Mực cao cấp làm từ nguyên liệu tự nhiên, hoặc thuốc nhuộm cao cấp, bám lâu, bền màu, không gây hại cho sức khỏe. Chữ viết là tri thức mà, nên được nâng niu, tỉ mỉ cũng là điều dễ hiểu.

Những đặc tính khác

Ngoài ra, có những loại mực rất đặc biệt như: mực chống ước hay dùng để viết lên mặt kính không bị trôi, như một lớp sơn vậy; mực có mùi thơm, mực phát sáng ban đêm, mực có nhũ, mực có độ bóng.

Ngoài ra, mực viết Calligraphy sẽ hơi khác với mực bút máy một chút, vì nó bóng hơn và khi khô, bạn sờ lên trang giấy sẽ thấy chữ nổi lên nhẹ. Bài viết này mình chỉ tập trung vào mực dành cho bút Fountain pen. Bài viết khác mình sẽ review các loại mực dành riêng cho viết Calligraphy nhé.

Lưu ý: mực bút máy có thể dùng để viết Calligraphy nhưng mực Calligraphy thì không thể bơm vào bút máy.

Bởi sự tinh tế trong nghiên cứu về màu sắc, nguyên liệu cao cấp và những đặc tính nổi trội mà mực bút máy có những loại giá lên rất cao.

Một số thương hiệu mực cao cấp, chất lượng

Dưới đây, mình sẽ giới thiệu một số thương hiệu mực nước ngoài đã có ở Việt Nam, được dùng phổ biến và mình đã dùng. Chắc chắn bạn sẽ hơi đau đầu để chọn giữa mê cung màu sắc đấy. Còn nếu bạn muốn sưu tầm, thì … chào mừng bạn đến với một bộ sưu tập “cao quý” cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Mực Pilot

Pilot là hãng sản xuất mực và bút lớn nhất Nhất Bản với sản phẩm vô cùng tuyệt vời. Mực Pilot phổ biến với 2 dòng Pilot thường và Pilot Iroshizuku. Ưu điểm nổi bật của mực Pilot là không có một chút cặn nào. Bút của mình để lâu ngày không viết, mở ra mực vẫn trơn tru, không tắc, và ngòi bút sạch tinh vì không có cặn. Mà mực tìm ra tay rửa nhẹ là trôi luôn.

Pilot (loại thường)

Mực Pilot thường có một vài màu cơ bản là xanh blue, đỏ, đen thôi, giá của loại này tầm 60.000-70.000 VNĐ/ lọ 15ml. Nếu bạn bạn viết các màu cơ bản, thì hãy dùng loại này. Trước mình có mua 1 lọ 15ml màu xanh. Sau đó, mình chuyển sang dòng Iroshizuku.

Link mua sản phẩm:

Pilot Iro-shizuku

Loại mực cực kỳ tuyệt vời mình muốn giới thiệu ở đây là dòng Pilot Iro-shizuku, dòng mực đưa tên tuổi của Pilot “sánh ngang với các cường quốc năm châu” những nhà sản xuất lâu đời tại Anh, Pháp, Đức. Mực Pilot Iro-shizuku được lấy cảm hứng từ thiên nhiên tươi đẹp Nhật Bản, với 24 màu sắc có những tên gọi rất thiên nhiên như: màu đuôi ngựa, màu sương mù, cúc vạn thọ, màu lúa vàng, sương giá ngày đông, màu bầu trời, doa dương tử… Ngoài ra, mực có phần shading, chứ không chỉ một màu tuyền, thế nên màu đen mới tạo cảm giác sương giá chứ không phải một màu đen khô khan.

Mực Pilot Iro-shizuku không chỉ cực kỳ thân thiện với bút máy, được các Calligrapher dùng bút chấm mực yêu thích, mà còn được nhiều họa sĩ vẽ tranh yêu thích nữa vì màu sắc lên giấy như một bức tranh thủy mặc.

iroshizuku_ink

Một cái tiện nữa là mực Pilot Iro-shizuku là có 2 size: 50ml và 15ml. Nếu bạn muốn mua dùng thử hay thích mua nhiều màu thì size 15ml khá ổn. Lọ thủy tinh dày dặn, nắp nhựa đen chắc chắn, rơi không vỡ, vặn chắt nắp thì nghiêng không rò mực. Phiên bản kỷ niệm 100 năm thành lập hãng có nắp theo màu mực. Tủy thời gian sản xuất thì nhãn dán sẽ thay đổi một chút. Cọn lọ 50ml thì đẹp lắm, nhìn giống bình rượu, nắp đen, có một dây màu bạc quanh cổ.

Link mua sản phẩm:

Mình đã dùng qua 3 lọ mini 15ml: mình dùng Pilot thường màu xanh blue, và Pilot Iroshizuku màu xanh rừng tre (chku-rin) và tím (murasaki-shikibu). Còn lọ 50ml thì mình chỉ dám mua tặng. Màu tím mình dùng thường xuyên khá tươi so với Queen nhưng không hồng như mực Hồng Hà.

Còn màu mình mê nhất là Syo-ro (màu lá thông) hoặc Ku-jaku (màu đuôi khổng tước). Ôi cái màu nhìn thật sang chảnh nhưng chưa có cái bút mới để thử.

Nếu bạn thích màu tông đỏ, thì Kosumosu – màu cúc vạn thọ. Nước mực nhìn trong trong, ngon như siro, khi viết ra một màu đỏ ngả hồng ngọt ngào.

Còn tông màu tối, nếu bạn không thích tối đen như mực thì có 3 màu rất đáng suy ngẫm là Shin-kai (màu đại dương sâu thẳm), hơi tím, hơi xanh. Take-sumi (màu than tre) – đen nhưng có chút nâu nâu, hoặc Yama-guri (màu nâu hạt dẻ rừng) và Kiri-same (màu sương mù) nếu bạn thích màu nâu sáng hơn.

20211108_195204
3 lọ Iroshizuku mình mới mua để tặng

Jacques Herbin – Bản kỷ niệm 1670, 1798, và 350

J. Herbin được thành lập vào năm 1670, khi vua King Louis XIV 32 tuổi và là nhà sản xuất mực viết lâu đời nhất còn tồn tại cho đến ngày nay. Người sáng lập Jacques Herbin là một thủy thủ, bắt đàu kinh doanh dấu sáp (sealing wax), cung cấp mực viết, đồ văn phòng phẩm và các đồ nhập khẩu từ Ấn Độ cho hoàng gia Pháp. Sau đó, ông tìm thấy các công thức làm mực từ Ấn Độ và bắt đầu sản xuất mực. [2]Dòng mực này còn được ưa chuộng bởi nhiều danh nhân thế giới như Nepoleon Bonaparte, Victo Hugo, Coco Chanel.

Dưới đây, mình sẽ giới thiệu 3 phiên bản 1670, 1978, và 350. Đây đều là những dòng mực kỷ niệm, và đều là mực có nhủ mịn. Lọ mực Jacques Herbin lọ bình thường đều là thủy tinh, dáng vuông. Bản đặc biêt thì có thêm dây buộc và con dấu sáp, gợi nhớ về nguồn gốc của hãng. Cái hay là mình đã thử dùng mực này với cây bút TWSBI Eco Clear ngòi EF của mình thì nhìn nhũ bên trong bút rất long lanh. Hạt nhũ siêu mịn không làm cặn hay tắc bút. Để lâu, một thời gian dùng lại mực ra vẫn rất ngọt, đều. Bình thường bút để lâu ngày mực sẽ khô, bạn cần dùng giấy để lau nhẹ đầu bút. Tuy nhiên, với J Herbin và Pilot thì không cần phải lau nhé, dùng luôn mực vẫn ra ổn.

J Herbin chỉ có duy nhất 1 vấn đề là nhũ có xu hướng đọng ở đáy lọ, nên trước khi dùng phải lắc mạnh một lúc để nhũ bay đều.

Các chai đều có dung tích 50ml, giá 550.000 VNĐ

Bộ mực Jacques Herbin 1670

Dòng mực này ra mắt năm 2010, kỷ niệm 340 ngày thành lâp cửa hàng đầu tiên – Masion HERBIN ở Paris. Bộ mực này kể về những chuyến thám hiểm của nhà sáng lập J Herbin. Nhưng màu sắc đều là những hình ảnh trên thân quen trên chuyến thám hiểm của ông. Tất cả những màu mực trong bộ sưu tập này đều có nhũ vàng.

Herbin 1670 ink

Link mua sản phẩm: <Cửa hàng Taipzo> https://www.taipoz.com/products/muc-j-herbin-1670

Rouge Hematite

Mực Rouge Hematite có màu đỏ thẫm, gợi nhớ về màu sắc lịch sử của chiếc logo hãng J Herbin và màu sáp đỏ niêm phong bì thư được sử dụng bởi các thành viên của hoàng gia.

Đây cũng là màu của rượu vang nổi tiếng của Pháp và màu của đá đá Hematite. Vào thời Trung cổ, đá Hematite đã được biết đến với cái tên “blood-stone”, vì khi mài bụi đá hòa với nước tạo thành màu như máu. Người ta tin rằng loại đá này có tác dụng bảo vệ và giữ tâm hồn an yên, đẩy lùi cảm xúc tiêu cực, thu hút những nguồn năng lượng tích cực cho bản thân.

Màu này lên giấy mình thấy hơi tươi, đúng kiểu màu máu luôn ấy.

Stormy Grey

Màu xám đen như màn đên giữa biển khơi giông bão. Trong những chuyến du hành, thủy thủ Herbin nhiều lần đối mặt với đêm tối giữ đại dương mênh mông. Nhưng những hạt nhũ vàng khiến ta liên tưởng đến những vì sao lấp lánh như những hi vọng, hay những tia sáng lấp loáng trên mặt nước đầy mơ hồ, bí ẩn.

Bleu Ocean

Màu mực xanh thẫm với ánh vàng óng gợi nhớ lại những chuyến đi biển của Herbin đến Đế quốc Mughal của Ấn Độ. Thời kỳ đó, Ấn Độ là nhà cung cấp thuốc nhuộm indigo (màu chàm) chính cho toàn thế giới.

Nếu như Stormy Grey là một đêm giông bão thì Blue Ocean là một ngày nắng đẹp với trời biển bao la và nắng chói chang.

Caroube de Chypre

Herbin mua những hạt Carob khô trên đảo Cyprus. Hạt Carob hay còn gọi là “vàng đen của Síp” là nguồn thực phẩm lành mạnh ông dùng trong suốt hải trình của mình. Cây carob được trồng nhiều ở các nước Địa Trung Hải từ thời cổ đại được buôn bán rộng rãi ở châu Âu.

Với mình thì mình cảm giác màu này khá trầm, sóng sánh như cà phê.

Emeraude de Chivor

Ngọc lục bảo đảo Chivor, lại một cái tên mỹ miều nữa. Màu xanh ngọc này gần giống với màu xanh khổng tước và xanh lá thông của Pilot Iroshizuku, nhìn nó sang chảnh, thanh lịch hết nấc hết nấc. Phần ánh vàng khi loang trên giấy lại tạo ra sự mơ hồ lúc thì xanh lá cây hẳn lúc nhạt lúc đậm, lúc thì đen đen, rồi lại vàng óng ánh.

Herbin nói rằng ông thường giữ một viên ngọc lục bảo trong túi trong suốt hải trình như một bùa may mắn. Ngọc lục bảo là loại đá quý với đặc tính chữa bệnh và khả năng bảo vệ cơ thể, phổ biến ở Ấn Độ và thường được gọi là “nước mắt của mặt trăng”. Một trong những mỏ ngọc lục bảo tinh khiết nhất trên thế giới, mỏ Chivor ở Andes được phát hiện vào giữa thế kỷ 16 bởi những người chinh phạt Tây Ban Nha.

Bộ mực Jacques Herbin 1798

1798 là bước chuyển mình của Masion HERBIN khi bên cạnh việc sản xuất sáp, và tham gia thương mại giấy và màu bột thì Jacques Herbin chính thức sản xuất loại mực viết đầu tiên theo công thức được cho là học ở Ấn Độ.[3]

Khác với bộ 1670, bộ Jacques Herbin 1798 có nhủ bạc. Nếu như bộ 1670 có tông màu khá trầm, thì 1798 màu tươi sáng hơn, lấy cảm hứng từ các loại đá quý. Nếu bạn thích những loại đá quý thì chắc sẽ say mê bộ này. Phần nhũ bạc tạo cảm giác như một màn sương mờ ảo. Vì mực có độ shading (đậm nhạt) nên khi viết bút nét đậm, khoảng đậm nhạt đan xen nhũ cảm giác như nhìn sâu vào viên đá trong suốt, nhìn khá ảo diệu.

Link mua sản phẩm: <Cửa hàng Taipzo> https://www.taipoz.com/products/muc-jacques-herbin-1798

Amethyste De L’Oural (Thạch anh tím núi Ural)

Amethyste De L’Oural mang màu tím mơ màng của đá thạch anh, loại đá của quý tộc, hoàng gia. Dãy núi Ural, hoặc gọi mạch núi U-ran, là đường phân giới hai châu lục châu Âu và châu Á.

Thạch anh tím (Amethyst) trong lịch sử, từng là loại đá quý có giá trị cao đắt ngang với Kim Cương, Ruby, Sapphire, Ngọc lục bảo Emerald. Tương truyền những viên đá thạch anh có màu tím này phát ra nguồn năng lượng mạnh mẽ kết nối với tâm linh hướng đến quyền năng của vũ trụ. Giúp bảo vệ chống lại thế lực xấu xa cũng như mang lại bình an, thành công và may mắn cho chủ nhân. Đá còn giúp tĩnh tâm, thiền định và tâm hồn sáng suốt. Trong thời cổ đại, cũng như trong thời Trung cổ, mọi người tin rằng hình thái của vũ trụ được phản ánh trong đá quý.Thạch anh tím được xem là biểu tượng cho hành tinh Neptune kết nối với Thượng Đế. Chính vì vậy mà Amethyst có chiều dài lịch sử gắn liền vơí nhiều nền tôn giáo.

Cornaline d’Egypte – Đá Cornaline Ai Cập.

Người Ai Cập cổ đại coi carnelian là một trong những loại đá quý bán quý có tác dụng xoa dịu và chữa bệnh tốt nhất. Nó được cho là có tác dụng nâng cao tâm trạng, loại bỏ căng thẳng và được sử dụng như một biểu tượng của cuộc sống. Nó cũng mang lại lòng can đảm, thúc đẩy suy nghĩ tích cực, tự tin về bản thân, bảo vệ bạn chống lại sự ghen tị, giận dữ của người khác.

Thực ra màu canh này hơi nhạt, kèm với nhũ bạc nữa nên khi viết mình phải nghiêng nghiêng giấy mới thấy được độ bóng của nó.

“Kyanite du Népal” – Đá Kyanite của Nepal

Được tìm thấy tại khu vực khai thác đá Kali Gandaki nổi tiếng của Nepal, đá Kyanite có màu xanh sáng, hơi ngả về ngọc lam và lấp lánh ánh bạc, có vẻ đẹp và giá trị ngang với đá sapphire.
Loại đá này mang nhiều nguồn năng lượng tích cực để đem lại lại sự thanh thản cho tâm hồn, xoa dịu mệt mỏi và đau khổ, buồn phiền cho chủ nhân.

Khác với màu xanh đại dương, màu xanh này nhạt hơn, ánh bạc, cảm giác hơi xanh ngọc.

Mực Jacques Herbin 350 Limited Edition – Vert Atlantide

Phiên bản mới nhất, kỷ niệm 350 năm thành lập hãng. Hãng đã làm một cuộc khảo sát với những khách hàng trung thành của mình, và màu xanh tươi của vùng đất Atlantide trước khi đắm mình vào đại dương là màu được lựa chọn duy nhất cho bản kỷ niệm này.

Loại mực này vừa có nhũ vàng vừa có nhũ bạc, và màu xanh rất có chiều sâu. Nếu như 2 bộ sưu tầm trên, là những gì Jacques Herbin đã nhìn thấy, thì Atlantis là một vùng đất bí ẩn mà Herbin đã luôn tò mò. [4]

Link mua sản phẩm: <Cửa hàng Taipzo> https://www.taipoz.com/collections/but-may-1/products/muc-jacques-herbin-350

Vì bộ này khá đắt, nên mình chỉ “cắn rang” mua được 3 lọ mỗi bộ một lọ vì nó quá đẹp và nó hết cũng nhanh nữa. Nhìn chung, vì mực này có nhũ, nên nó chỉ hợp với viết thiệp, viết Calligraphy hơn là viết thường ngày.

Hôm ở cửa hàng phân vân giữa Vert Atlantide 350 và Emeraude de Chivor 1798, vì đều là màu tông xanh, cuối cùng thì mình chọn Vert Atlantide 350 vì mình đã có màu Caroube de Chypre trong bộ 1670 rồi.

20211108_213938

Lamy Crystal Ink

Lamy là hãng bút nổi tiếng của Đức mình đã giới thiệu qua khi giới thiệu bút Fountain Pen Lamy. Lamy cửa hàng Việt Nam có 3 dòng mực, T51, T52, mực ống T10 và Crystal T53 ra mắt 2019.

Khi mua mình thấy Crystal ink, đúng tên gọi của nó, nước mực nó có độ bóng, sóng sánh, và lọ mực nắp bạc nhìn sang chảnh hơn nắp nhựa của T51, T52, màu sắc cũng tươi sáng, mịn màng hơn. Mình mua Crystal Ink màu xanh Peridot, để viết chiếc bút Lamy màu vàng của mình. Lọ mực tròn nhưng hơi hơi vát tam giác

Bộ Crystal Ink có 10 màu, khá “chói chang”, không có màu nào là màu thông dụng hay dùng cả. Giá trên trang chính hãng là 498.000 VNĐ / 30m, đắt hơn hẳn so với 2 hãng trên. Mực ra mình thấy rất mịn, hai nữa là đúng màu “rực rỡ” như quảng cáo. Mực không cặn, trơn ra đều. Hộp mực nhìn rất xịn, chắc chắn. 

Lamy

Địa chỉ mua:

Kaweco

Đây là loại mực đầu tiên mình dùng sau khi tiến hóa từ Queen lên. Mình dùng bộ mực ống. Cái tiện của ống mực Kaweco là nó vừa với đa số loại bút mình có. Màu mực khá đa dạng: đen, xanh đen, xanh lam, tím, cam, xanh lá, thậm chí vàng chanh. Nhưng khác với Lamy Crystal, màu của Kaweco khá trầm, phù hợp với những người “nghiêm túc”.

Hộp mực có 6 ống, giá khoảng 120.000. Mình dùng 2 màu của Kaweco là xanh đen và đỏ viết thường xuyên. Ngoài ra, khách hàng thân thiện nên chị bán hàng ở Lotte còn cho mình 1 ống vàng chanh. Nhìn cái màu vàng trong veo như nươc chanh tưởng không ra mực nhưng màu vàng ra giấy rất hay ho. Tuy nhiên, mình thấy Kaweco hơi có cặn, không hợp nếu bạn không dùng bút thường xuyên.

Vì dùng ống mực không kinh tế lắm. Bút để lâu chả dùng ống mực cũng bay hết. Ví thế, mình thích dùng inverter bơm nhều lần hơn. Tuy nhiên, cái ống bơm mực nhiều lần nó cũng đắt, có loại của Waterman đến 450.000 lận, của Lamy là 150.000 nên sau khi dùng xong ống mực Kaweco, mình sẽ rửa ống đi, và mua một lọ mực khác (Pilot chẳng hạn) và dùng kim tiêm bơm.

Bạn không nhất thiết phải dùng mực với bút cùng hãng. Nhưng hãy chắc chắn rằng, mực đủ tốt để không làm hỏng cây bút máy thân yêu của bạn.

Link mua mực Kaweco:

Diamine

Diamine là một hãng sản xuất mực viết có lịch sử phát triển lâu đời được thành lập năm 1864 tại Vương quốc Anh. Ưu điểm của mực này mình thấy là rẻ, rẻ hơn so với tất cả các màu trên. Lọ 15ml có giá khoảng 130.000, lọ nhựa 30ml.

Diamine có cũng ống mực, lọ thủy tinh, thậm chí là mực có nhũ dòng INKVENT và dòng Diamine Shimmering. Diamine Shimmering là tâm huyết của sự nghiên cứu trong nhiều năm đến từ những chuyên gia về mực ở Diamine để đảm bảo cho một dòng mực nhũ thân thiện với mọi loại bút máy.

Diamine Shimmering với những hạt nhũ lấp lánh sẽ gợi nhớ cho bạn một tuổi thơ tràn ngập sự lung linh, huyền diệu trong những câu chuyện đầy mộng mơ và đẹp đẽ. Đó sẽ là một chú khổng tước bước ra từ câu chuyện cổ tích với bộ lông đuôi lấp lánh Peacock Flare; là bầu trời Ả Rập với những đền đài, cung điện chứa đầy kho báu, những chuyến phiêu lưu cùng phép thuật và thảm bay nơi Arabian Night; hoặc một đêm đầy sao huyền bí của Nightsky, chiếc thuyền của những đứa trẻ không bao giờ lớn sẽ gõ cửa mời bạn gia nhập thủy thủ đoàn, dong buồm đến vùng đất Neverland.

Bộ sưu tầm này nhìn cũng mê mẩn lắm nhưng mình sau khi đu mình bắt 3 lọ Jacques Herbin nêu trên thì xót tiền chưa thử được. Nhưng cái màu đuôi khổng tước kia, ôi nó cũng có thể sánh ngang với Ngọc lục bảo đảo Chivor.

Điểm nổi bật nhất của Diamine mình thấy là bảng màu đa dạng, nó chắc phải nhiều như màu sơn vậy. Có lần mình chọn màu đỏ thôi mà cũng lóa cả mắt với các thông đỏ.

download

Link mua sản phẩm mực Diamine:

Loại này khá dễ mua, giá cũng mềm nhưng mình nhắc đến nó cuối cùng vì một trải nghiệm khá đâu thương. Mình thấy bút hơi có cặn. Mình dùng màu Twighlight – một màu tối ngả xanh lá cây. Dùng cho bút máy thường thì khá ổn nhưng khi dùng cho cây bút máy ngòi Calligraphy của mình, sau 1 thời gian cái ngòi thép nó han gỉ nhìn rất kinh dị, và mình thấy cặn ở ngòi bút.

Thực ra mình cũng khuyên bạn nào luyện Calligraphy đừng dùng loại bút máy ngòi Calligraphy, vì ngòi Flex dẻo để viết nét thanh nét đậm làm bằng thép rất mỏng manh, dùng xong rửa sạch, lau khô, còn nếu dùng cho bút máy nghĩa là không rửa thường xuyên, ngòi bút bị hỏng. Rất đau thương. Nên sau việc trên mình không biết là do mực có vấn đề hay cái ngòi của mình có vấn đề.

Tuy nhiên với giá này, mình vẫn nghĩ đây là một loại nên thử, nếu bạn thích màu sắc, nhưng màu sắc nó không được trong sáng như Pilot Iroshizuku.

Các dòng mực khác

Ngoài 5 loại mực trên mà mình đã dùng, thì còn một số loại có thể cân nhắc:

  • Sailor – Một hãng của Nhật, nhiều màu sắc, không nhũ, đắt hơn Pilot, 595.000 VNĐ / 50ml

Link sản phẩm mực Sailor: https://shorten.asia/zSxb3d6X

  • Pelikan – Edelstein Ink. Pelikan là thương hiệu bút máy đến từ nước Đức, và sớm khẳng định vị trí của mình khi là công ty bút máy đầu tiên phát minh ra cơ chế “differential piston filling method” vào năm 1929, chỉ cần xoay nhẹ phần đuôi là mực sẽ tự động được bơm vào mà không cần phải dùng tới ống mực hay piston rời, thuận tiện cho bạn khi phải di chuyển nhiều. Giá khoảng 600.000 VNĐ / 50ml. Màu sắc nhìn rất tinh tế, nó trong như thủy tinh vậy.

Link mua sản phẩm Pelikan – Edelstein Ink: https://luxurypen.vn/muc-pelikan-edelstein-mau-xanh-da-sapphire-lo-50ml

  • Colorverse – Xuất xứ Hàn quốc, nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên. Mình xem 1 trang về bút máy trên Youtube nói đây được đánh giá là mực đáng dùng nhất năm 2021. Giá 455.000/30ml hoặc 945,000/65ml. Có loại có nhũ.

Link mua sản phẩm: https://readingcabin.vn/brand/colorverse/

  • Parker – nếu bạn dùng bút Parker thì đây là lựa chọn an toàn. Tuy nhiên, đây là bút cho doanh nhân nên màu sắc cũng chỉ có xanh và đen thôi. Giá so với các loại trên lại khá mềm, 214.000 VNĐ/ 57 ml.

Link mua sản phẩm chính hãng: Parker ink

Trên đây là tổng hợp những gì mình biết về mực viết bút máy bạn cũng có thể dùng để viết bút dip pen Calligraphy. Bài này hơi dài rồi nên mình sẽ dừng tại đây. Hi vọng bài viết giúp bạn chọn được lọ mực ưng ý, một người bạn tốt cho cây bút máy của bạn.


Tham khảo:

[1] http://www.historyofpencils.com/writing-instruments-history/history-of-ink-and-pen/

[2] https://www.jacquesherbin.com/en/our-history.html

[3] https://www.jherbin.com/1798.html

[4] https://www.jacquesherbin.com/en/ink/vert-atlantide-50ml-bottle.html

[5] https://www.jherbin.com/1670.html

Theo dõi để không bỏ lỡ những bài viết mới trên blog

[jetpack_subscription_form subscribe_placeholder=”Email Address” show_subscribers_total=”false” button_on_newline=”false” custom_font_size=”16px” custom_border_radius=”0″ custom_border_weight=”1″ custom_padding=”15″ custom_spacing=”10″ submit_button_classes=”” email_field_classes=”” show_only_email_and_button=”true” success_message=”Success! An email was just sent to confirm your subscription. Please find the email now and click ‘Confirm Follow’ to start subscribing.”]

Photo by Álvaro Serrano on Unsplash