Được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Ken Kesey, Bay trên tổ chim cúc cu (1975, Miloš Forman) được đánh giá là một trong những bộ phim hay nhất điện ảnh Mỹ. Chuyện phim xảy ra tại một bệnh viên tâm thần ở bang Oregon nước Mỹ, khi cuộc sống quy củ hàng ngày bị xáo trộn bởi một người mới tên là Randall McMurphy, một tội phạm bị cho là có dấu hiện tâm thần.

McMurphy đã thức tỉnh lòng tự trọng, nhận thức về giá trị sống của những bênh nhân đã quen với thời khóa biểu cố định và sự chèn ép. Không gian chật hẹp trong trại thương điên mô phỏng xã hội đầy nguyên tắc, máy móc và vô cảm, trong đó y tá trưởng Ratched là đại diện cho hệ thống luật lệ đó. Xem bộ phim, chúng ta sẽ tự hỏi, liệu ai mới là kẻ điên trong xã hội.

Giải thưởng phim giành được:

  • OSCAR 1976: Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất – Miloš Forman, Nam chính xuất sắc nhất – Jack Nicholson, Nữ chính xuất sắc nhất – Louise Fletcher và Kịch bản xuất sắc nhất. Lịch sử điện ảnh đến nay chỉ ghi nhận 3 bộ phim Oscar Grand Slam- danh hiệu dùng để tôn vinh phim thắng 5 giải Oscar quan trọng nhất, ngoài Bay trên tổ chim cúc cu còn có It happened one night (Frank Capra,1934) và Silence of the lambs (Jonathan Demme ,1991)
  • Quả cầu vàng 1976: Phim chính kịch hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Nam chính xuất sắc nhất, Nữ chính xuất sắc nhất và Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất – Lawrence Hauben & Bo Goldman, Kịch bản hay nhất.
  • BAFTA 1976: Biên tập xuất sắc nhất, nam diễn viên phụ xuất sắc nhất – Brad Dourif, Đạo diễn xuất sắc nhất, nữ diễn viên chính xuất sắc nhất, nam diễn viên chính xuất sắc nhất.

Nhìn danh sách giải thưởng ở 3 liên hoan phim uy tín nhất thế giới trên, và số doanh thu 163 triệu USD (từ 4,4 triệu USD ngân sách làm phim), cũng có thể là bảo chứng cho chất lượng phim cả về mặt nghệ thuật lẫn giải trí, thương mại.

Tôi đọc sách Ken Kesey từ khi còn đi học. Tuy nhiên, với thẩm mỹ và sự hiểu biết của một sinh viên “ngây thơ”, chưa biết suy nghĩ nhiều về cuộc đời, tôi thấy truyện hơi khó đọc. Nó mang lại cho tôi cảm giác khó chịu. Đúng là mấy ông trong nhà thương điên khiến tôi cũng muốn điên theo. Mấy năm sau khi đọc lại, tôi cũng vẫn thấy cái sự điên loạn, lộn xộn đó, nhưng vẫn tò mò sao người ta lại khen cuốn sách này đến vậy.

Vì thế, điện ảnh cũng là điều tôi tìm đến không chỉ để so sánh giữa hai ngôn ngữ nghệ thuật mà để hiểu nội dung, ý nghĩa của sách. Đạo diễn Miloš Forman đã làm làm xuất sắc điều đó. Nếu lại so sánh trải nghiệm văn chương và trải nghiệm điện ảnh, thì với Bay trên tổ chim cúc cu, tôi thích phim hơn sách.

Bản ngã của một con người.

Bay trên tổ chim cúc cu lấy từ bài dân ca quen thuộc dành cho trẻ em da đỏ Con ngỗng của mẹ. Truyện mởi đầu bằng đoạn trích trong bài dân ca đó, và được kể dưới góc nhìn của Chief, người đàn ông da đỏ cao lớn như ngọn núi, giả vờ không nghe cũng không nói gì trong bệnh viện. Còn phim mở đầu và kết thúc bằng tiếng nhạc có trống, sáo, chiêng đầy hoang dã. Thổ dân da đỏ là người Mỹ bản địa, những người gây dựng nên nhiều nền văn minh rực rỡ ở châu Mỹ trước khi người châu Âu khám phá ra châu lục này.

Hình ảnh nhân vật Chief và những sắc thái thổ dân trong truyện và phim khiến tôi suy nghĩ về sự nguyên bản. Người châu Âu xâm chiếm  châu Mỹ đã thay đổi cơ bản cuộc sống và văn hóa của các dân tộc da đỏ bản địa. Tại sao Chief, một người đàn ông to lớn lại giả câm, giả điếc, bởi trong ảnh luôn có một sợ khi từng chứng kiến kết cục của cha mình, anh không muốn điều đó lại xảy ra với bản thân cũng như người bạn McMurphy. Trong xã hội đầy nguyên tắc, con người có thực sự được là chính mình, có sự thực tự do?

Thế lực cầm quyền

Y tá Ratched là đại diện cho thế lực cầm quyền, đàn áp trong phim. Điều đặc biệt của nhân vật này đó là khuôn bao giờ để lộ cảm xúc. Bà ta có giọng nói nhẹ nhàng và không có hành động quát mắng bệnh nhân nhưng cũng đủ để đè lên họ một nỗi sợ. Hàng ngày, trong bệnh viện sẽ có buổi nói chuyện giữa y tá và các bệnh nhân. Lẽ ra, đay là một phương pháp trị liệu nhưng nó giống như việc khẳng định lại lỗi lầm của bệnh nhân và uy quyền của bệnh viện.

Nếu để ý kỹ đến màu sắc trang phục, những người y tá và hội đồng bác sĩ luôn mặc đồ đen, trắng như một số nguyên tắc cứng nhắc. Còn trang pục của bênh nhật thường là những màu be nhạt nhòa như dự phai màu của cái tôi và ý thức. Cả phim chỉ có duy nhất 2 nhân vật phục mặc màu đỏ và hồng tương là Candy và Rose. Họ thuộc về một thế giới tự do khác.

Khát vọng tự do của kẻ “bất thường”

McMurphy xuất hiện như một thủ lĩnh của những con người muốn khác biệt. Ở McMurphy chúng ta lại tự hỏi liệu anh có phải bị tâm thần hay chỉ là một người bất mãn với xã hội, khao khát tự do, phá bỏ những luật lệ. McMurphy đại diện cho một nhóm thiểu số bị xã hội ruồng bỏ. Hiện thân của cái ác và sự tàn nhẫn được thể hiện trong phim không tiếng la hét, không bạo lực, mà qua lời nói nhẹ nhàng của y tá Ratched. Khi hội đồng bác sĩ thảo luận đưa McMurphy về trại giam sau những vi phạm, y tá Ratched muốn giữ McMurphy lại để tiếp tục điều trị tâm thần, như cách muốn tiếp tục giày vò anh bằng những quy định của bênh viện.

Về cuối phim ta càng thấy rõ cảm xúc bất lực và cô đơn của McMurphy khi anh gần như thấy mình thua trong cuộc đấu tranh này. Những người bạn không thể sát cánh bên anh. Liệu một mình ảnh có thể chống lại cả một hệ thống, hay thay đổi những định kiến. Nhưng dù McMurphy có thể dễ dàng trốn thoát khỏi trại thương điên, anh cũng không để những người bạn ở lại một mình. Đôi khi tôi thấy sự hả hê, nhưng một hi vọng vụt sáng khi cuối cùng những bệnh nhân cũng dám nói lên tiếng nói của mình, khi anh chàng nói lắp thường ngày có thể tự tin dõng dạc trả lời y tá, khi đám bệnh nhân tâm thần giành chiến thẳng trong trận bóng rổ… Nhưng hi vọng đó cứ mãi yếu ớt và mong manh.

One-Flew-Over-a-Cuckoos-nest

Làm thế nào để xác định một người điên hay không điên?

Vậy cuối cùng ai mới là kẻ điên, và làm thế nào để xác định một người bị tâm thần. Nội dung phim liên quan đến những nghiên cứu tâm thần nổi tiếng ở Mỹ khoảng những năm 1940, 1970. Chính tác giả Ken Kesey đã tham gia vào các thí nghiệm trị liệu tâm thần bằng thuốc LSD, do chính phủ tài trợ được tiến hành bởi các nhà khoa học Stanford tại Bệnh viện Cựu chiến binh Menlo Park ở Bắc California để hiểu biết về tâm lý để xây dựng những hình ảnh ẩn dụ trong “Bay trên tổ chim cúc cu”.[1]

Thí nghiệm Rosenhan

Năm 1973, nhà tâm lý học David Rosenhan, giáo sư Đại học Stanford, công bố kết quả nghiên cứu cảu mình lên tạp chí Khoa học năm, dưới tên “Về vấn đề không điên trong những nơi điên”[2]. Kết quả thí nghiệm đã chỉ ra rằng chúng ta không thể phân biệt người không điên với người điên ở các bệnh viện tâm thần. Thí nghiệm Rosenhan chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, Rosenhan đã gửi những người bình thường vào viện tâm thần. Trong viện, họ đều cư xử, nói chuyện với bác sĩ như người bình thường, nhưng cuối cùng những bác sĩ, điều dưỡng trong bệnh viện vẫn kết luận chẩn đoán rằng những người được gửi tới bị mắc bệnh tâm thần.

Từ đây, Rosenhan bị các giám đốc trại tâm thần chỉ trích khi gửi các bệnh nhân giả vào trại của họ, bôi nhọ uy tín của những bác sĩ bệnh viện. Họ tự tin rằng các bác sĩ sẽ phát hiện được những bệnh nhân giả. Đến giai đoạn 2, của dự án, họ phát hiện ra hàng chục bệnh nhân được cho là bệnh nhân giả trong trại của mình. Tuy nhiên,  thực chất Rosenhan đã không gửi bệnh nhân nào tới đó cả. Tóm lại, bằng chứng để khẳng định một người điên hay không có hữu hình và chuẩn xác như những kết qủa toán học, hay chỉ là những điều cảm tính và xác nhận từ phía người có quyền?

Phẫu thuật cắt bỏ thùy tâm thần

Liệu những người như McMurphy bị điện hay chỉ khác biệt, muốn chống đối và không được lòng những người đưa ra luật lệ nên phải chịu kết cục bi thảm. Đến cuối phim, McMurphy được đưa đi điều trị sau lần chống đối đỉnh điểm, và trở về như một người mất hồn. Anh được cho là đã bị thực hiện phẫu thuật cắt bỏ thùy tâm thần.

Bác sĩ Antonio Egas Moniz, người được cho là đã thực hiện phẫu thuật cắt thùy trán hiện đại đầu tiên để điều trị bệnh tâm thần, vào năm 1935, đã chia sẻ giải Nobel Sinh lý học năm 1949 với nhà sinh lý học người Thụy Sĩ Walter Rudolf Hess. Tuy nhiên, đây đã trở thành điều đáng chỉ trích của y học về tính khoa học và nhân đạo. Lý thuyết này cho rằng cắt bỏ thùy não có thể giúp kiềm chế các rối loạn, khiến bệnh nhân trở nên bình tĩnh và sẵn sàng trở lại cuộc sống.

Sau ca phẫu thuật, quả nhiên bệnh nhân bớt hoảng loạn, phá phách và trở nên trầm tính hơn hẳn, nhưng họ cũng mất luôn bản ngã và khả năng cân bằng của mình, trở nên vô cảm. Trước khi Phương pháp này bị phát hiện ra những sai lầm, nhờ uy tín của giải Nobel, các cuộc phẫu thuật kiểu này nhanh chóng được phổ biến và tiến hành trong các bệnh viện hàng đầu ở nhiều nước trên thế giới như Pháp, Mỹ, Liên Xô cũ… Chỉ tính riêng tại Mỹ, người ta đã kịp “làm thay đổi” cá tính của trên 50.000 người bệnh cùng những công dân hoàn toàn khỏe mạnh song có tư tưởng chính trị không phù hợp với giới cầm quyền.[3]

Sau này, tác giả Ken Kesey đã khẳng định:

Tất nhiên, những loại thuộc chữa trị tốt nhất được tạo ra bởi chính phủ.

“Of course, the best drugs ever were manufactured by the government.” – Ken Kesey (Interview with The Sun Times, 29 August 1999)

Bay trên tổ chim cúc cu – Bài ca về tự do

Tóm lại, bằng hình ảnh ẩn dụ với không gian trật hẹp, nề nếp ngày qua ngày với những thới khóa biểu cố định trong trại thương điên, Bay trên tổ chim cúc cu tái hiện hình ảnh một nước Mỹ thu nhỏ, nơi những người được coi là bình thường thống trị, áp đặt những quy tắc lên những người “bất thường”, nơi tiếng nói của những người thiểu số vẫn âm ỉ vang lên chống lại đa số, nơi những luật lệ và sự cai trị hà khắc không thể trói buộc và giam cầm khát vọng tự do. Khao khát tự do vẫn là để tài được nhiều tác phẩm ngợi ca.

Liệu những luật lệ, quy tắc, sự trừng phát, sự cải tạo trong các nhà tù, nhà thương điên, và lề thói do xã hội đặt ra có thực thực sự khiến xã hội tốt đẹp hơn, con người hạnh phúc hơn? Chúng ta sẽ cũng trả lời câu hỏi này trong bài phân tích những bộ phim khác.

Theo dõi blog để không bỏ lỡ những bài viết mới


Mua sách Bay trên tổ chim cúc cu, Ken Kersey:

Tiki: https://shorten.asia/UjzfKnY1

Shopee: https://shorten.asia/KtC1EggQ

Nguồn tham khảo trong bài:

[1] https://www.thevintagenews.com/2016/12/20/ken-kesey-was-part-of-psychedelic-drugs-experiments-before-he-wrote-one-flew-over-the-cuckoos-nest/

[2] https://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1375/pplt.12.2.298

[3] https://cosmosmagazine.com/health/medicine/antonio-egas-moniz-the-man-who-perfected-the-lobotomy/

Nguồn ảnh: Internet


Cám ơn bạn đã đọc tới đây, đừng quên theo dõi qua email để không bỏ lỡ những bài viết mới trên Blog.

Theo dõi Blog qua Email