Hồi còn ở London, cậu em cùng lớp rủ mình đến trung tâm bán đầu giá London ở gần Bond Street. Mình vừa từ thư viện về, còn nguyên dáng vẻ học sinh đeo balo, giày thể thao, quần jean và áo trend coat cũ mèm. Đến cửa bạn mình trong bộ vest bóng bẩy chạy ra đón và đưa mình vào khu trưng bày túi 2 mẫu túi Kelly và Birkin của Hermes trước buổi bán đấu giá chính thức. Những chiếc túi được bán đấu giá là bộ sưu tập giới hạn, không có bán trong các cửa hàng.

Khi mình đứng nhìn chiếc túi da cá sấu bạch tạng được đặt trong tủ kính giữa căn phòng, anh nhân viên mặc vest, đeo găng tay trắng hỏi mình có muốn xem tận tay chiếc túi đó không. Mình nhìn giá của nó tận 600 ngàn bảng, tính ra cũng phải gấp mấy chục lần 1 năm đi học của mình. Mình chỉ đứng cười, anh nhân viên vẫn rất nhiệt tình “Để tôi lấy cho bạn xem” rồi nhẹ nhàng mở tủ, lấy chiếc túi đặt vào tay mình khi mình đã đeo một đôi găng để tránh bám vân tay lên sản phẩm. Mình quay sang hỏi bạn “Người ta không sợ mình ôm cái túi này rồi chạy à?”. Cậu em cười lanh “Đố bà chạy được ra khỏi đây”.

Giờ nếu ai cho mình chiếc túi này thì mình cũng chẳng biết làm gì với nó, vì nó quá sang trọng so với tất cả những bộ quần áo mình mặc. Nhìn trong gương, mình thấy chiếc túi tiền tỷ này không hề ăn nhập với hình ảnh của mình. Mình đánh giá cao sự thân thiện của bạn nhân viên khi trao cho mình cả một gia tài thế này khi nhìn mình đã biết người không mua nổi. Cậu em mình lại cười “ở London nhiều người mặc như người vô gia cư nhưng họ dư sức mua cả chỗ này”. Mình nhìn quanh, những người đến xem ăn mặc cũng khá đơn giản, với quần jean, giày bốt, khăn len mùa đông, chẳng ai nhìn giống ngôi sao Hollywood hay Fashionista cả. Người ta có nhiều cách thể hiện sự ngưỡng mộ đối với cái đẹp, không cần phải phô trương. Đứng giữa “gia tài xa hoa” đó, lòng mình không mảy may một sự thèm muốn.

Hiện nội dung này đã có trên Podcast, mời bạn lắng nghe.

Chúng mình về Hà Nội gặp lại nhau qua những tháng ngày Covid dập lên dập xuống. Hôm ấy, cậu em dẫn mình lên Tràng Tiền, nói mình chọn một món đồ, cậu ấy mua tặng để cám ơn những gì mình đã hỗ trợ cậu ấy. Mình nghĩ chẳng biết món gì cho vừa vừa tiền, đành bảo lấy chai nước hoa. Cậu em tròn mắt nhìn mình bảo “Lấy đôi giày hoặc túi xách đi, chai nước hoa thì bé, đi tặng ôi mặt tôi quá bà ơi”. Rồi chúng mình đi một vòng qua những cửa hàng xa xỉ, cả LV, Dior, Hermes, Gucci, Prada quanh khu Tràng Tiền, mình vẫn không hề có một món nào mình thực sự thích, hoặc cũng một phần vì giá trị quá lớn của nó nên mình không muốn. Và mình hiểu, món đồ dù có quý giá, xa xỉ đến đâu ngay trước mặt mà mình không cần thì mình cũng chẳng muốn sở hữu nó.

Kể cũng lạ, trước đây, mình từng rất ghen tị với những “con nhà người ta” học giỏi giành học bổng đi du học, nhưng lại chả có cảm giác gì khi thấy những cô gái con nhà giàu sành điệu đi xe sang, đeo hàng hiệu xúng xính trên phố dù biết rằng những món đồ hiệu trên người họ cũng đủ nuôi vài người như mình học ở Thạc sĩ ở Anh. Chính sự ghen tị ấy cho mình cố gắng để dành học bổng đi du học chứ không phải tích cóp tiền, hay cố gắng cặp kè với một đại gia để có thể xúng xính hàng hiệu.

Cái cảm giác ghen tị, nghe nó có vẻ “xấu tính” như một góc tối mà mình muốn giấu nhẹm nhưng cảm giác ghen tị ấy là lúc mình biết mình thực sự muốn gì, cần gì và cố gắng theo đuổi điều gì. Không phải điều gì người ta hay phô bày trên mạng xã hội cũng khiến người khác trầm trồ, than phục và ghen tị được. Người ta chỉ cần cái họ thấy muốn và muốn cái họ cần. Mỗi người có một giá trị theo đuổi riêng.

DSCF0602-01

Mình có một cô bạn thích sưu tập sách. Có lần cố ấy giới thiệu cho mình bộ sách “quý hiếm”, những cuốn ngừng xuất bản, thu hồi xuất bản và không bao giờ được tái bản. Giờ này trên các diễn đàn sưu tầm tìm mua khắp nơi, với giá gấp vài lần giá bìa. Có cuốn đội giá đến tiền triệu, bạn mình cũng chẳng bán. Trong khi đó, cũng vẫn cô bạn ấy, vẫn là câu chuyện những chiếc túi hàng hiệu, cô ấy từng hỏi mình:

  • Cái túi xách tôi mua ngoài chợ Xanh có 200 ngàn mà hôm nay có chị bán lại túi cũ y hệt đến 40 triệu”.

Cô ấy là người sẽ nhao vào, lăn lê đào bới trong các cửa hàng sách cũ để tìm 1 cuốn sách hiếm, nhưng sẽ chẳng bao giờ dạo bước trên những con phố xa xỉ ở London mua những chiếc túi hàng hiệu. Vậy nên, những bài khoe khoang hàng hiệu, đập hộp trên mạng xã hội chẳng thể gây ấn tượng với bạn mình. Đúng là thế giới này thật kỳ lạ, có những điều giá trị với người này nhưng chẳng là gì trong mắt người kia. Hóa ra cái quy tắc ngang giá được tạo ra từ ngày xửa ngày xưa nó cũng chẳng bao giờ được hoàn thiện. Đó chỉ là cuốn sách hay một cái túi thôi, còn giá trị của bản thân, giá trị của thời gian, giá trị cuộc sống mà mỗi người trân trọng, cũng khác nhau nhiều lắm. Đem mọi thứ ra so sánh thì đều khập khiễng cả. Bởi thế, mà khi người ta cứ tự nhiên thích khuyên nhủ “phải thế này, phải thế kia, phải như tôi nè”, mình chỉ thấy thực nực cười “Ủa, bồ nghĩ mình ngưỡng mộ bồ lắm hả?”.

Ví dụ, trong một nhóm bạn độc thân lâu năm, bỗng đứa có bạn trai. Bạn có ghen tị với cô ấy không? Có một nhánh cảm xúc là,bạn mừng cho cô bạn, thật lòng nhưng chẳng mảy may phảng phất một suy tư trong lòng, bởi vì bạn luôn mong người bạn mình tìm được hạnh phúc và bạn cũng đã quá hài lòng với những gì mình có hiện tại, bạn biết mình đang ở đâu nên chẳng cần cái người khác có. Hay đôi khi, nếu bạn thấy anh chàng kia không đủ tốt, bạn có thể còn thấy thương bạn mình vì gặp phải người như thế. Nếu bạn thấy ghen tị với cô bạn mình, thì có 2 khả năng. Một là bạn đang rất muốn được yêu thương và có một người ở bên cạnh. Khả năng thứ 2, là bạn thích anh chàng kia, bạn thân của bạn hẹn hò với người bạn thích thì sao. Thế này thì chắc gì tình bạn đã còn, hoặc nếu có còn thì có người cũng dằn vặt bao đêm. Tệ hơn câu chuyện tình tay ba này sắp đi đến kịch bản “Tình yêu không có lỗi, lỗi do bạn thân”. Nhưng trường hợp này mình nghĩ là không nhiều.

DSCF0843-01

Chính cái sự ghen tị ấy cho người ta hiểu giá trị nào mình đang theo đuổi, tìm kiếm. Cảm giác ngưỡng mộ một ai đó và ghen tị với một ai đó có vẻ như có một ranh giới khá mong manh. Chúng ta thường ghen tị với người ở gần còn ngưỡng mộ những người ở xa. Bạn thường ghen tị với đứa bạn, với chị em, với hàng xóm, chứ mấy khi đi ghen với một kẻ xa lắc xa lơ nào trên báo. Lý thuyết so sánh xã hội được đề xuất bởi nhà tâm lý học Leon Festinger chỉ ra rằng, con người nhìn vào người khác như một tiêu chuẩn để đo lường khả năng và hình ảnh của chính họ. Chúng ta có xu hướng so sánh bản thân với (và ghen tị với) những người trong vòng tròn xã hội hoặc địa vị của chúng ta, hơn là những người bên ngoài. Thành công của người ngay bên cạnh mình, được hưởng những điều kiện như mình gây ra sự bất an vì khiến chúng ta cảm thấy kém cỏi và thiếu khả năng, và có gì đó sợ hãi họ sẽ cướp mất điều chúng ta đang có.  Cũng liên quan đến điều này, có một lần mình nói chuyện với một người em cùng chung tâm trạng. Một vài người bạn, suốt ngày nói trước mặt mình, khen người này người ka giỏi lắm, còn chẳng bao giờ khen mình lời nào, dù đôi khi trong mình cũng nảy lên một suy nghĩ (khá nhỏ nhen) “Ủa, thành tích của mình cũng chẳng kém, thậm chí còn cao hơn mà ta?”. Giống như ở xa thì nhìn giống vì sao, còn ở gần thì thành cục đá. Nghĩ đến cái mình cần từ sự “sân si này”, đôi khi điều chúng ta cần là sự công nhận, đặc biệt là những người gần bên mình.

Nói đoạn này ra thấy mình nhỏ nhen xấu tính quá nhưng con người ta ai cũng có chút ghen ghét, sân si như vậy thôi. Chúng ta là con người mà. Tuy nhiên, ghen tị hay ngưỡng mộ đều có thể trở thành động lực và đồng minh để chúng ta cố gắng đạt được cái mình thích. Kiểu như thay vì lườm nguýt cô gái mặc chiếc váy đẹp, hãy tươi cười ra hỏi cô ấy mua chiếc váy đó ở đâu, rồi bạn sẽ chẳng cần phải ghen tị nữa đâu, vì bạn biết mình phải kiếm cái mình cần ở đâu rồi. 

Có lần lướt facebook, thấy bạn bè post ảnh đi đám cưới, và chả hiểu sao mình nhìn tên cô dâu có gì đó quen quen. Và mình bấm vào và bắt đầu một hành vi “sân si soi mói” mình từng làm ngày xưa, đó là đi đào tường Facebook nhà người khác. Hóa ra trái đất cũng tròn. Mình không add facebook chị cô dâu, nhưng mình nhớ mình đã từng “thăm dò” tường nhà người ta vài năm trước. Chị ấy là người phỏng vấn mình hồi mình còn đi tìm việc. Bỏ qua ký ức về buổi phỏng vấn khiến mình nhận thức đúng đắn về sự dở hơi của bản thân, thì mình rất ấn tượng với chị ấy. Nói chung là sẽ luôn có những người mà bạn gặp và có lúc thốt lên “ước gì mình được như cô ấy”. Đại loại là không nên so sánh mình với người khác và không sân si nhưng mà mình thích những cô gái kiểu như vậy. Chị ấy có dáng người nhỏ nhanh nhẹn, và gương mặt không phải kiểu hot girl trang điểm cầu kỳ, mắt hơi nhỏ, miệng rộng nhưng toát lên vẻ thông minh, cuốn hút. Và chị ấy cười sẽ híp mắt lại nhìn rất duyên. Và với vị trí công việc đó thì trình độ cũng phải đáng ngóng. Nói túm lại là mình thích mấy chị gái kiểu vậy, nhất là với một đứa vừa ra trường như mình hồi đó. Nhìn chung là rất thần thái và đẳng cấp.

Chẳng phải một vài lần, thấy một vài bạn mình cũng thốt lên “Cô ấy có mọi thứ mình muốn có nhưng không có”. Dưới một góc nhìn khá phông bạt, qua mạng xã hội thì là vậy. Xung quanh mình toàn người giỏi thì cũng thấy áp lực nhưng nếu không có cái kiểu áo lực đó biết đâu mình lại đang ngồi dưới cái giếng nào đấy. Sẽ luôn có ai đó để mình nhìn vào và trầm trồ, nhưng không nhất thiết mình sẽ phải trở nên giống người ta. Người ta bảo những điều chúng ta mơ ước hay đặt kế hoạch cũng chỉ nằm trong tầm hiểu biết có hạn của bản thân mà thôi. Chúng ta không thể mơ thấy rừng rộng rừng xanh khi ngồi trong cái giếng. Khi  biết là trên đời người ta đang có những điều hay ho thế này, thì ước mơ của mình mới lớn hơn, biết đặt mục tiêu và biết hành động để đạt mục tiêu đó.

Bởi thế, khi thấy lòng mình bắt đầu nhen nhóm sự so sánh, thấy ngứa ngáy bởi cái người khác có mình không có, biết đâu đó là lúc bạn nhìn thấy điều mà mình thực sự muốn hướng đến. Thay vì ngồi nhóm ngó, hay trước khi có những hành động “xấu tính” gây hại như mỉa mai hay chọc gậy bánh xe, hãy đứng dậy để cố gắng đạt được những điều mà mình muốn thôi. Miễn là điều chúng ta làm không làm hại ai, miễn là không thấy xấu hổ với bản thân mình và không hổ hẹn với trời với đất, so sánh và ghen tị một chút cũng không sao mà.


Cám ơn bạn đã đọc tới đây, đừng quên theo dõi qua email để không bỏ lỡ những bài viết mới trên Blog.

[jetpack_subscription_form show_subscribers_total=”false” button_on_newline=”false” custom_font_size=”16px” custom_border_radius=”0″ custom_border_weight=”1″ custom_padding=”15″ custom_spacing=”10″ submit_button_classes=”” email_field_classes=”” show_only_email_and_button=”true” success_message=”Success! An email was just sent to confirm your subscription. Please find the email now and click ‘Confirm Follow’ to start subscribing.”]