Trong suốt một năm học tại UK, các học giả Chevening sẽ được tham gia những sự kiện riêng do Ban thư ký của Chevening tổ chức. Ngoài 2 sự kiện bắt buộc là Chevening Orientation và Chevening Farewell, chúng tôi có chuỗi workshop, hội thảo, hoạt động tình nguyện, tham quan khám phá những địa điểm đặc trưng về lịch sử, văn hóa của nước Anh. Hàng tháng, Chevening Scholargram được gửi vào email cũng đầy ắp những sự kiện khắp nước Anh để chúng tôi có thể sắp xếp thời gian tham gia. Khám phá Bletchley Park và học giải mật mã là sự kiến dành cho các học giả Chevening hay ho nhất trong tổng số 4 events ít ỏi tôi đã tham gia và đều tham gia vào giai đoạn cuối thời gian “tại nhiệm Chevening Scholar” của mình. Đây cùng là sự kiện cuối cùng dành cho các học giả khóa 2018/2019. Tôi quyết định chớp nhoáng chỉ vì lúc tìm địa danh Bletchley Park trên Google tôi thấy mật mã chạy chạy một cách khó hiểu như phim trinh thám. Ban đầu, tôi tưởng mạng chạy chậm nên chữ không hiện lên nhanh được. Thấy tò mò nên tôi và Thư quyết định đăng ký tham gia ngay và luôn. Trong nhóm đi ngày hôm ấy còn có Giang và chị Huyền.

Ngày 24/7/2019

Sáng sớm, đi từ ga Euston chỉ mất 30 phút, chúng tôi đã đến ga Milton Keynes, gặp các bạn nước ngoài khác trong nhóm Chevening, chúng tôi đi bộ đến địa danh bí ẩn này.

Bletchley Park là căn cứ bí mật của Anh, nằm cách London 50 dặm về phía bắc, là nơi làm việc của codebreakers trong chiến tranh thế giới thứ 2. Cô tình nguyện viên tóc bạch kim hướng dẫn cho chúng tôi đi qua từng căn phòng trong khu căn cứ và kể cho chúng tôi câu chuyện về nơi này. Milton Keynes được chọn, bởi nó đủ xa thủ đô để tránh những trận tấn công của quân Đức và giữ kín những bí mật sau cánh cổng sắt, nhưng cũng đủ tiện, chỉ cách London một bến tàu để những nhân viên hàng ngày có thể đi làm.

Câu chuyện bên trong Bletchley Park được hoàn toàn giữ kín trong suốt chiến tranh. Phải đến 50 năm sau khi chiến tranh thế giới kết thúc, câu chuyện về khu căn cứ bí mật này mới được thế giới viết đến. Ngày hôm nay, mọi chuyện dù là nhỏ nhất xảy ra trong cuộc sống của mình, chúng ta đều có thể đăng lên Facebook, còn những con người làm việc ở Bletchley Park đã giữ bí mật về công việc học làm, với cả gia đình, bạn bè gần như cả cuộc đời. Có câu chuyện kể rằng, có một cặp vợ chồng, sau khi chiến tranh kết thúc, và thế giới biết đến địa danh này thì họ cũng mới biết công việc vợ, chồng của mình, và cả hai đã từng làm việc tại Bletchley Park cùng 1 thời điểm.

Những năm 1940, khi cuộc chiến giữa quân Đồng Minh và phe theo chủ nghĩa Phát xít đang diễn ra khốc liệt, quân Đức đang giữ ưu thế và liên tục ném bom vào các căn cứ, địa điểm của quân Anh. Hilter cho rằng người Đức là dân tộc thông mình nhất thế giới. Khi phát minh là máy Enigma để mã hóa các thông tin quân sự được truyền đi, người Đức đã cho rằng Enigma là chiếc máy không bao giờ được bẻ khóa.

Qua lời giới thiệu, tôi hiểu được quá trình truyền mật mã trong chiến tranh thế giới thứ 2 được diễn ra như sau: Đầu tiên, thông điệp được quân Đức mã hóa bằng máy Enigma thành những dành chữ cái liên tiếp, nhìn sẽ không hề có ý nghĩa. Ngoài ra các chữ cái này cũng có thể được sắp thứ tự theo một logic ngẫu nhiên để tăng tính bảo mật. Sau đó, những dãy chữ cái này tiếp tục được mã hóa về dạng Morse Code gồm các phần tử dài và ngắn (0 – 1) để thay cho các chữ cái, chữ số thông thường. Cuối cùng tất cả các tín hiệu này được truyền qua rada để chiến tuyến có thể nhận được lệnh chỉ đạo. Hàng ngày, quân Đức sẽ gửi những thông điệp mới vào 12h đêm.

Việc biết trước được kế hoạch ném bom của Đức có ý nghĩa quan trọng đối với quân đội Anh lúc bấy giờ. Có những người Anh trực tổng đài làm việc cùng hệ thống Radar tại London nghe và chép được các mã Morse của quân Đức, rồi giải mã, chuyển thành các chữ cái. Sau đó một người sẽ chuyển tin có dãy chữ cái này từ London về Bletchley Park bằng xe máy trước 6h sáng hàng ngày. Nhiệm vụ của những người giải mật mã tại Bletchley Park là tìm ra những thông tin có ý nghĩa trước 12h đêm hôm đó. Họ có tất cả 18h để ra kết quả. Qua thông tin tình báo, người Anh biết được sự tồn tại của máy Enigma, nhưng chỉ vậy thôi chưa đủ, bởi các thiết lập riêng của máy Enigma dẫn đến 159 triệu triệu triêu kết quả.

IMG_0904
Phòng làm việc của các codebreaker, không hề có cửa sổ.

Vì tính phức tạp của công việc, những người giải mật mã đều là những người thông minh xuất sắc được tuyển chọn từ nhữn trường đại học danh giá nhất nước Anh. Thời điểm đó, người ta dùng giấy bút với trí tuệ để để đấu với một chiếc máy tinh vi. Chính tại Bletchley Park, chiếc máy tính đầu tiên được phát minh mang tên Bombe bởi Alan Turing, giáo sư đại học Cambridge. Sự ra đời của chiếc máy tính này đã giúp quân Đồng Minh giành thắng lợi và ước tính rút ngắn chiến tranh thế giới thứ 2 đến 2 năm, cứu hàng triệu người vô tội. Khi nghe kể, đi qua những căn phòng bí mật trong khu căn cứ, tôi chỉ biết lặng người đi vì sự ngưỡng mộ. Người Đức đã tưởng họ thua về vũ khí, nhưng họ đã không biết rằng họ thua vì nghĩ rằng Enigma là cỗ máy không thể giải mã.

Trong chuyến tham quan, chúng tôi cũng có một buổi học nhỏ về cách giải mật mã. Ban đầu, chúng tôi được nghe thử các thông tin được truyền qua Radio dưới dạng Morse Code. Công nhận rằng, những người trực tổng đài để ghi chép lại thông tin mỗi ngày phải rất tập trung, bởi tôi nghe đến lần thứ 3 cũng chẳng thể hiểu gì, tôi chỉ nghe thấy những tiếng “pip” lúc ngắn lúc kéo dài. Sau đó, phần thú vị nhất là chúng tôi được tìm hiểu về một số dạng sắp xếp của mật mã, và cách sử dụng nguyên lý của Enigma để giải mã ra một thông điệp có nghĩa. Đây đúng là một công việc vất vả và căng thẳng. Tôi tự hỏi, sẽ thế nào nếu như hàng ngày, những người giải mật mã phải làm việc trong những căn phòng đóng kín và không được nói về công việc của mình vớ bất cứ ai, ngay cả những đồng nghiệp họ gặp trong giờ ăn trưa. Lúc học, chúng tôi được phát một vòng tròn nhỏ bằng giấy đựng trong chiếc hộp vuông như hộp đững đĩa CD, mô tả nguyên lý của cỗ máy Enigma. Lúc ra cửa hàng bán đồ lưu niệm trong khu tham quan, tôi muốn mua một hộp về nghiêm cứu mà cửa hàng không bán không bán. Tôi mua một chiếc nam châm để làm kỷ niệm.

IMG_0905
Dụng cụ học giải mãi của chúng tôi

Kết thúc chuyến tham quan, chúng tôi bỏ đồ mang đi ra ăn trưa trên bãi cỏ và nói về những gì chúng tôi vừa được học. Cảm giác nằm trên những chiếc ghế nhìn lên bầu trời xanh thẳm giữa một địa danh bí mật với câu chuyện lịch sử ly kỳ, có lời văn nào có thể diễn tả được sự thoải mái ấy. Tôi trở về London trong nỗi tiếc nuỗi không mua được hộp Pocket Enigma và tiếp tục “chiến đấu” với phân tích dữ liệu làm luận văn. Tất nhiên là phân tích dữ liệu của tôi đơn giản hơn gấp trăm ngàn lần so với việc giải mật mã, trong khó khăn người ta có thể làm được những điều phi thường, còn tôi giờ đây mọi thứ đầy đủ thì cần cố gắng thêm bao nhiêu mới đủ?

IMG_0908
Tôi và chiếc máy Enigma
IMG_0919
Chiếc máy được trưng bày tại Thư Viện Anh Quốc – London.

Ngày 26/7/2019

Chiều tháng 7, giữa tháng hè, khi nhiệt độ London lên tới 39 độ, tôi ngồi cả ngày ở thư viện trường để viết luận văn. Đến 5 giờ chiều thư viện đóng cửa, tôi chạy về nhà. Có lẽ 39 độ so với Hà Nội không là vấn đề, nhưng 39 độ ở Anh khi không có điều hòa nhiệt độ là cả một vấn đề lớn với tôi. Căn phòng của chúng tôi có cửa sổ lớn, chiều xuống nắng chiều khiến nó nóng như một phòng xông hơi. Tôi gặp cô bạn người Ấn Độ ở cửa bếp:

– Tớ đang định ra ngoài mua kem, cậu muốn đi cùng không?

– Chắc chắn rồi, tớ đang chảy nước vì nóng đây.

Cô bạn Ấn Độ của tôi là một người rất thích ăn kem, và luôn chỉ cho tôi những cửa hàng kem ngon gần nhà. Hai chúng tôi ra Waitrose. Lần đầu tiên tôi thấy tất cả tủ kem, nước đá ở siêu thị gần như trống trơn. Hôm nay đúng là ngày nóng nhất trong suốt khoảng thời gian tôi ở Anh. Chỉ còn một vài hộp kem với nhãn hiệu của siêu thị. Tôi lấy một hộp kem xoài và một gói ốc quế, còn cô bạn Ấn Độ của tôi phân vân giữa hai loại kem không biết chọn vị nào nên lấy cả hai. Về đến nhà, tôi không thấy Thư đâu. Tôi nhắn cho Thư mới biết Thư đang ở dưới phòng Tivi ở dưới tầng trệt để tránh nóng:

– Ở yên đấy, chị mang kem xuống bây giờ đây.

Phòng tivi ở dưới tầng trệt, cạnh nhà thờ, một nơi lý tưởng đến tránh nóng bởi ánh nắng hè không thể xuống được đến đây. Căn phòng đủ mát để chúng tôi quyết định ở đó cả buổi tối để xem phim và ăn kem. Kem xoài mật ong, chua chua ngọt, ăn kèm ốc quế ngon không kém kem ốc quế mua ngoài hàng. Tôi cũng chỉ chọn theo cảm tính, vì đây không phải loại tôi vẫn thường mua, nhưng lựa chọn không tồi. Lựa chọn cái mới mà mình chưa từng biết không phải lúc nào cũng tốt, nhưng ít nhất chúng ta có thể cơ hội để thử. Chúng tôi làm liền mỗi đứa 4 cây, với giá rẻ bèo. Cả hộp kem và gói 10 ốc quế chỉ bằng 1 scoop kem Gelato ngoài hàng mà chúng tôi vẫn ăn.

Trong danh sách những bộ phim mình có, không gì hợp hơn cho buổi tối này “Imitation Game” với sự tham gia của Benedict Cumberbatch và Keira Knightley, khi chúng tôi còn chưa hết mê mẩn câu chuyện ở Bletchley Park. Thư đã xem bộ phim này rồi, còn tôi chưa xem, nhưng Thư cố gắng không bình luận, không tiết lộ bất cứ chi tiết nào để tôi chăm chú đón xem tình tiết của phim.

Bộ phim được quay ở Bletchley Park, dựa trên câu chuyện có thật về Alan Turning. Bộ phim rất cuốn hút nhưng cũng không mấy khó khăn khi chúng tôi tìm ra những điểm khác biệt giữa phim và đời thực. Tôi hơi thấy thất vọng vì bộ phim hơi hạ thấp vai trò của phụ nữ tại Bletchlet Park. Nhìn tấm ảnh chụp các codebreaker tại bảo tàng Bletchley Park thì ¾ số họ là phụ nữ. Lý do không phải vì phụ nữ thời đó thông minh hơn, mà vì phần lớn đàn ông phải ra chiến tuyến. Còn trong phim, thậm Joan Clarke – cô gái thông minh hơn bất cứ người đàn ông giải mã nào ở Anh lại phải ngậm ngùi làm việc ở bộ phận hậu cần chỉ vì ngại làm việc trong môi trường làm việc toàn đàn ông. Thứ hai, mọi công việc tại Bletchley Park được giữ bí mật nghiêm ngặt, nên cả chuyện cả nhóm của Alan Turing bàn bạc về cố máy Enigma giữa một quán pub nhộn nhịp là điều không thể. Trong phim, Alan Turing đặt tên cỗ máy trong phim là Chirstopher, tên một người bạn thân của ông, người đầu tiên nói với ông về mật mã. Tuy nhiên, trên thực tế, cỗ máy giải mã tên là Victory, hay còn gọi là máy Bombe.

Sau khi chiến tranh kết thúc, nhiệm vụ của những người giải mật mã là tiêu hủy tất cả những tài liệu họ làm việc tại Bletchley Park, và quên đi tất cả những gì họ đã làm trong suốt chiến tranh để trở về với cuộc sống của họ. Tôi thích cảnh phim cả nhóm tung những tờ giấy với những mật mã người ta tưởng như vô nghĩa vào đống lửa cháy bập bùng giữa đêm. Họ cùng uống và khoác vai nhau cười một cách thỏa mãn, lẽ ra sẽ là một cách kết trọn vẹn cho những năm tháng vất vả, căng thẳng và đầy những hi sinh bởi nó đậm chất Anh. Trên đường phố London chẳng xa lạ gì khi bạn nhìn thấy những quán Pub, hay những chàng chai cô gái đứng uống bia ngay trước cửa quán mỗi chiều sau giờ làm việc.

Khi ở khu tham quan, đọc câu chuyện chuyện về Alan Turing tôi thấy sốc vì cuộc sống ông trải qua sau khi hết chiến tranh, nhưng khi xem phim thì tôi thực sự cảm động. Trong thời chiến Alan Turing là người anh hùng, người đã cứu hàng ngàn người, đã khiến cho những khu phố, con tàu thoát khỏi những cuộc ném bom của quân đội Đức, nhưng sau khi chiến tranh kết thúc, cuộc đời và nước Anh đã đối xử với ông quá tàn nhẫn. Một điều được cho là không bình thường của Alan Turing cũng là điểm yếu của ông lúc bây giờ đó là ông là người đồng tính, một điều không thể chấp nhận được Anh thời điểm đó. Ngay cả trên tiểu sử của Alan Turing tại bảo tàng Bletchley Park, người ta cũng ghi Alan Tunring bị kết tội thiếu đứng đắn một cách ghê tởm. Mặc cho những đóng góp của ông trong chiến tranh, ông vẫn bị kết tội không thể tha thứ. Trong phim, ông được lựa chọn hoặc ngồi tù hoặc uống thuộc thay đổi hooc môn. Và ông chọn cách uống thuốc. Nhưng chính cái thứ thuốc ấy khiến ông gặp các vấn đề về sức khỏe, khi đôi tay liên tục run rẩy. Những áp lực về tinh thần và sự hủy hoại sức khỏe khiến ông kết thúc cuộc đời mình bằng cách tự vẫn ở tuổi 41. Mãi sau này, sau khi đã qua đời, Alan Tunring được nữ hoàng ân xá và ghi nhận công lao của ông đóng góp cho chiến tranh

Chuyến thăm quan Bletchley Park khiến tôi cảm nhận sâu sắc hơn về bộ phim, và cũng giúp tôi khắc sâu thêm bài học về sự quyết tâm hướng tới những điều mình tin tưởng. “Đôi khi những người ai cũng tưởng không là gì lại làm được những điều không tưởng.” Tôi thích câu thoại trong phim, lời mà Joan Clarke nới với Alan khi ông đang bị dày vò trong những năm tháng cuối đời

“Anh có biết không, sáng nay em đi trên một con tàu, đi qua một khu vực mà lẽ ra nó đã không còn tồn tại nếu như không có anh. Em mua chiệc vé tàu từ một người đàn ông có lẽ đã chết nếu như không có anh. Em làm việc trong một lĩnh vực khoa học mà đã không thể có nếu không có anh. Giờ anh ước mình là một người bình thường, nhưng em không nghĩ vậy đâu. Bởi thế giới này đã thực sự tốt hơn rất nhiều bởi một người không bình thường như anh”.

“Sometimes it is the people no one imagines anything of who do the things that no one can imagine.”

-Alan Turing in Imitation Game –

Và cứ thế tối mùa hè nóng nhất trong suốt 444 ngày ở UK trôi qua.

Những bài viết khác về nước Anh của tôi 444 days in UK

Bạn hãy thử gõ từ khóa ‘Bletchley Park’ trên Google để thấy dòng chữ chạy chạy nhé. Visit Bletchley Park

Cám ơn bạn đã ghé qua Blog. Hãy nhấn Subscribe để không bỏ lỡ những bài viết mới nhé

[jetpack_subscription_form show_subscribers_total=”false” button_on_newline=”false” custom_font_size=”16px” custom_border_radius=”0″ custom_border_weight=”1″ custom_padding=”15″ custom_spacing=”10″ submit_button_classes=”” email_field_classes=”” show_only_email_and_button=”true”]