Sách: Từng qua tuổi 20
Nguyên bản: Something twenty – The quarter life Crisis of Jack Lancaster
Nhà xuất bản trẻ
Giá bìa: VND 105.000
Bạn có thể đọc truyện trực tuyến tại đây
Giới thiệu cuốn sách tại chương trình “Mỗi ngày một cuốn sách”
Khủng hoảng tuổi đôi mươi – Triệu chứng này xuất hiện ở những thanh niên đôi mươi và chẳng được ai cảm thông. Họ lại còn quá trẻ và hiển nhiên là không đủ tiền để mua những chiếc xe hơi thể thao đắt tiền hay bỏ vợ để đi với thư ký riêng.
Ai cùng trải qua một tuổi trẻ biến động và có phần ngông cuồng như thế. Có thể điều đó khó khăn, bế tắc khiến bạn mất phương hướng, trắng tay. Nhưng tin tôi đi, nếu bạn trải qua một tuổi hai mươi như vậy, bạn đã có những năm tháng đáng nhớ, không hề nhàm chán, không có sự xuất hiện của cụm từ “ổn định” tẻ nhạt, bởi hạnh phúc không phải một đích đến mà là hành trình của chúng ta đang đi.
“Từng qua tuổi 20” là những dòng nhật ký của Jack Lancaster trong suốt một năm của tuổi 25, từ ngày mùng một tháng một cho đến đêm giao thừa của năm sau với giọng văn hết sức hóm hỉnh, chân thực, không che giấu, không cường điệu vì trong nhật ký người ta chỉ viết những gì mình nghĩ mà thôi. Cũng vì sự quá đỗi mộc mạc này mà truyện có nhiều chi tiết “chân thật quá” nên cần cảnh báo với các “thanh niên nghiêm túc”.
Tuổi hai mươi lăm Jack cố gắng để tạo cho mình một năm không thể tẻ nhạt, để thay đổi, để bước ra khỏi cuộc sống nhàm chán hàng ngày. Anh dành cả một năm để đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “Mình thực sự muốn gì?”.
Cuộc sống của Jack được khắc họa trên nhiều khía cạnh: Công việc, tình bạn, tình yêu, gia đình. Hai mươi lăm tuổi, jack có tất cả những đặc điểm bề ngoài của một thanh niên điển hình tại London: Một công việc tốt trong trung tâm tài chính của London, mức lương sáu con số để anh có thể vào nhà hàng gọi một đĩa salad giá 20 bảng mà không thèm quan tâm, mặc những bộ vest sọc lịch thiệp đi làm vào các ngày trong tuần, một công việc danh giá để mẹ anh có thể hãnh diện khoe về con mình với các bà hàng xóm, một cô người yêu làm việc trong ngành PR. Anh cũng có một nhóm bạn thân thiết. Tóm lại, anh ấy có tất cả những gì mà một thanh niên tốt nghiệp đại học có thể mơ ước đến. Nhưng sự thật thường bị che đậy bởi những bức tranh hào nhoáng. Anh chán ghét công việc, đắm mình trong rượu và những thú vui vô bổ, cãi nhau với bạn gái, càng ngày càng phì ra và nghi ngờ mình đang mắc bệnh nan y.
Jack Lancaster hàng ngày vẫn tự hỏi, ngày này năm trước, cha ông ta có những sự kiện lịch sử quan trọng, thay đổi thế giới, còn bản thân mình, “con cháu của ba ngàn năm văn hiến, sau mười bảy năm mài đũng quần trên ghế nhà trường” và hàng ngày vẫn tỉnh dậy và dành 12 giờ mỗi ngày ở cơ quan để làm một công việc tẻ nhạt (nhưng nhiều tiền). Anh cũng nhớ lại, khi ông nội mình mất, có rất nhiều người đến tưởng nhớ và ghi lên bia mộ ông là “nhà giáo ưu tú”. Còn khi nghĩ về mình, anh tưởng tượng ra cái dòng chữ được ghi lên bia mộ mình có lẽ sẽ là “chưa bao giờ làm ảnh hưởng đến lợi nhuận nhà đầu tư” bởi anh chỉ là một nhân viên ngân hàng, công việc theo anh chủ yếu là tạo ra những mô hình, số liệu càng phức tạp càng tốt, bôi vẽ lên slide và trình bày với nhà đầu tư. Công việc buồn chán, lão sếp đáng ghét, những mối quan hệ giả tạo, anh tìm thấy động lực nơi làm việc là một cô em xinh đẹp vừa mới chuyển đến.
Và cuối cùng, Jack muốn kết thúc tất cả chuỗi ngày buồn tẻ bằng cách nghỉ việc. Nhưng với tính cách của Jack, việc nghỉ việc không thể diễn ra một cách đơn giản như kiểu công ty cắt giảm biên chế hay nộp một lá đơn xin nghỉ việc. Anh cố tình trêu tức sếp của mình, gửi mail mỉa mai đồng nghiệp và tự ý nghỉ làm. Hành trình đi tìm hạnh phúc thực sự cứ thế tiếp tục. Jack cũng thử sức với công việc chính trị, cũng có lúc buồn chán bởi công việc thê thảm này, anh ngồi suy nghĩ có có chút tiếc nuối khi nghỉ việc tại ngân hàng và vẫn luôn tự hỏi liệu mình thực sự muốn gì khi những việc anh thích như uống bia, chơi gái hoàn toàn không thể kiến ra tiền.
Cuộc sống sau khi tốt nghiệp đại học thật kỳ lạ. Cảm giác như anh trượt chân khỏi đường băng chuyền của những kỳ thi, đồ án, rơi tõm vào thế giới thực. Anh đột nhiên phải quyết định mọi việc chứ không phụ thuộc và giáo viên hướng dẫn hay cha mẹ.
Chính giữa cái tuổi hai mươi lăm, Jack rơi tõm vào thế giới thực đầy hoang mang, anh mất việc làm, tự tạo cho mình một khoảng trống khó giải thích trong CV, chia tay bạn gái, cậu bạn thân vừa cưới bạn gái cũ, tình cảm vô vọng với cô bạn cùng cơ quan. Hai mươi lăm tuổi, anh xuất hiện trên khắp các mặt báo, radio, truyền hình với những tình huống khó đỡ nơi công cộng rồi viết thư nói xấu người dân khi đang làm việc cho đảng. Hai lăm tuổi, Jack khao khát tự do, muốn thoát ra khỏi cuộc sống văn phòng nhàm chán, bận rộn ở London, và rồi anh quyết định đi du lịch Nam Mỹ. Những bức thư anh viết cho bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí sếp cũ ở nhà cũng đầy châm biếm, thể hiện một niềm tự hào, hãnh diện của người tự do “tôi đi đây, hẳn các vị đang thấy chán ngấy với cuộc sống tẻ nhạt ở nhà, hãy ghen tị với tôi đi”.
Với giọng văn đầy hài hước, mỉa mai, Jack khiến ta bật cười ra nước mắt với những tình huống trớ trêu và dường như, trong tình huống tai hại nhất, trong đầu anh cũng chỉ toàn những điều vặt vãnh, cỏn con. Như trong chuyến bay từ Nam Mỹ về do biến cố gia đình, cái cảm giác hụt hẫng, chán nản cũng có thể bị xua đi bởi những suy nghĩ hỗn độn, hoang mang khi ngồi trên khoang hạng nhất của British Airline mà không mất tiền. Nhưng bên cạnh những tình huống tấu hài, có những đoạn cũng khiến ta trùng xuống bởi sau tất cả những điều hài hước, những trò lố hay phá bĩnh của tuổi trẻ, anh vẫn là một con người có trái tim chân thành, vẫn khóc khi nhìn bạn gái cũ đi lấy chồng, vẫn thấy thất vọng khi cùng một lúc như mất cả bạn thân, cả người yêu; vẫn yêu một cô gái làm cùng công sở và vẫn cảm giác được sự mất mát to lớn khi nghe tin bố mất.
Sự ra đi của bố khiến Jack nhìn mọi thứ xung quanh bằng con mắt trưởng thành hơn, khiến anh nghiêm túc nhìn lại cuộc sống của mình và tìm cho mình một cuộc sống mới tại quê hương, rời xa cuộc sống của một thanh niên thủ đô giàu có mà bố anh cũng không muốn con mình như thế.
“Từng qua tuổi 20” là một câu chuyện hài hước với kết thúc nhẹ nhàng khiến người ta cảm nhận được cái ấm áp của gia đình, tình bạn, tình yêu. Không khí giáng sinh tràn ngập, lần đầu tiên Jack và em trai nghĩ đến một điều gì đó khác biệt dành cho mẹ vào đêm giáng sinh, lần đầu tiên anh đưa bạn gái mới về thăm gia đình, lần đầu tiên anh thành tâm chúc phúc cho cô bạn gái cũ và cậu bạn thân và lần đầu tiên trong một năm đầy các sự kiện đáng nhớ anh thấy cuộc sống bình yên đến vậy. Sau tất cả, trong mọi hoàn cảnh, điều anh muốn luôn là trở thành một người đàn ông thực thụ, sống hạnh phúc, tự do và được kính trọng.
Câu chuyện kết thúc tại đêm giao thừa, khi Jack mỉm cười nhìn lại một năm vừa qua, gửi tin nhắn “I love you” cho tất cả hơn 200 liên lạc có trong danh bạ bao gồm đồng nghiệp cũ, những cô nàng anh đã từng đong đưa, hẹn hò, những người không nhớ nổi là ai và thậm chí là Sở giao thông bởi Jack thầy mình cần phải nói một điều gì đó với họ, rằng anh yêu họ, những người từng ngang qua rồi gắn bó với cuộc đời anh theo một cách nào đấy. Một giây phút ngập ngừng, liệu có phải anh lại vừa làm một trò lố, nhưng điều đó không còn quan trọng nữa.
Kể từ bây giờ tôi chỉ nuối tiếc những điều mình không làm. Không bao giờ hối hận những việc đã làm.
Có lẽ trong cuộc đời người ta sẽ trải qua nhiều giai đoạn khủng hoảng. Ở trường đại học, chúng tôi thường nói đến “khủng hoảng tuổi 20” khi không biết mình xuống trái đất để làm gì bởi chợt nhận ra “việc học ở trường quá chán”, “muốn chuyển ngành”, “bất mãn với bản thân, gia đình, nhà trường và xã hội” hay người ta vẫn nói một cách đơn giản là “chán đời”. Tốt nghiệp đại học, lại một khủng hoảng kiểu khác, đại loại là nhiều người sẽ chán với hai từ “ổn định”. Ba mươi tuổi, sự thật phũ phàng của hôn nhân và những rối ren của cuộc sống gia đình… hay thậm chí những khủng hoảng tuổi ngũ tuần mà Jack có nhắc đến. Điều đáng nói nhất và ý nghĩa nhất sau cùng của cuộc sống đầy những khủng hoảng này là sau những năm tháng khắc nghiệt đó, ta thấy lòng bình an và thấy những năm tháng tuổi trẻ thật đáng quý biết bao.
Tuổi hai mươi, người ta vẫn nói đó là tuổi đẹp nhất, vì không còn quá trẻ, người ta đủ trưởng thành để đứng trên đôi chân mình, cũng không quá già để phải đi qua cuộc đời một cách vội vã. Hai mươi, người ta không có nhiều để mất nên không sợ mạo hiểm mà cứ tiến lên nhưng hành trang cũng có chút ít để biết trân trọng, yêu thương cuộc sống này. Hãy sống hết mình để không bỏ lỡ những điều tuyệt vời mà tuổi 20 mang đến.
Các bài review khác của mình: Books Review
4 Comments