Marc Levy

“Chúng ta phải đi đến tận đâu trong cuộc tìm kiếm hạnh phúc vô độ này?”

Nước Mỹ trong trong tưởng tượng của tôi là những tòa nhà cao ốc chọc trời, cây cầu cổng vàng đỏ rực trong sương, là quảng trường Thời Đại không bao giờ đi ngủ, là một quốc gia dân chủ, tự do và nhiều những điều hào nhoáng khác. Nhưng trong “một ý niệm khác về hạnh phúc” của Marc Levy, nước Mỹ hiện lên thật khác qua hành trình dọc đất nước của hai người phụ nữ thuộc hai thế hệ khác nhau, đi qua những con đường gập ghềnh, những cây cầu nhỏ đơn sơ và những nhà nghỉ, quán ăn xinh xắn mà ấm áp tình người. Điều đầu tiên tôi muốn làm sau khi đọc xong cuốn sách này là lên xe để đi, đi để tìm kiếm giấc mơ, để hiểu hơn về con người mình và cuối cùng là để hiểu rằng hạnh phúc là những gì bình dị lắm.

Câu chuyện bắt đầu khi Agatha trốn khỏi nhà tù sau 30 năm bị cướp đoạt tự do, và không phải tình cơ khi người đồng hành “bị bắt cóc” của bà là Milly, và từ đó những câu chuyện về tuổi trẻ sống hết mình, yêu hết mình của Agatha được mở ra.

Khi còn ở độ tuổi mười chín, đôi mươi, Agatha cùng những người bạn của mình đã sống hết mình vì lý tưởng của tuổi trẻ, để đi tìm tự do, hòa bình, chống lại nạn phân biệt chủng tộc, chống lại sự bất công trong xã hội Mỹ hơn ba mươi năm trước và phản đối những cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Niềm tin đôi khi mạnh mẽ đến mức khiến những con người chưa đầy hai mươi tuổi ấy làm những điều ngông cuồng hay thậm chí bàn tay đã dính máu. Xuất hiện bên câu chuyện tuổi trẻ của Agatha là tình bạn và qua hơn nửa đời người, sau bao nhiêu khó khăn của cuộc sống chui lủi, họ có thể cùng nhau nhắc lại những tháng năm sống chết cùng nhau, cùng nhau lang thang khắp mọi nơi và tự hào nói rằng

chúng ta đã phạm những sai lầm khủng khiếp nhưng luôn hành động vì một thế giới công bằng hơn và bọn trẻ ngày nay cần biết rằng chúng ta đã chiến đấu vì chúng”.

Trong nhóm những người bạn cùng chiến đấu đó có chị gái của Agatha, và cái đêm chị gái bà tán tỉnh người bà yêu đến điên cuồng, Brad, đã để lại hậu quả cho suốt ba mươi năm. Vì chị gái, vì một sinh linh bé nhỏ, mà Agatha chấp nhận đổi tên cho chị gái mình, chấp nhận ngồi tù thay chị gái mình. Ba mươi năm, những giấc mơ hòa lẫn với cơn ác mộng cứ đeo đuổi bà. Trong giấc mơ là hình ảnh nụ cười của người bà yêu và trong cơn ác mộng là hình ảnh chị gái đến cướp người đó đi.

Milly, ba mươi tuổi, vừa tốt nghiệp trường Luật và đang làm việc tại văn phòng nhà trường. Cô có người yêu tên là Max và cậu bạn thân tên là Jo. Cuộc sống buồn tẻ của cô dường như thay đổi sau khi một người phụ nữ lạ mặt ngồi lên xe và “bắt cóc cô” cùng đi dọc nước Mỹ theo đường vòng. Và cũng nhờ chính chuyến đi đó mà Milly hiểu thêm về con người mình, rằng cô luôn luôn chấp nhận sự yên ổn đến tẻ nhạt của cuộc sống hàng ngày, rằng cô vẫn chưa hiểu trái tim mình thuộc về đâu sau khi gặp những người bạn của của Agatha.

“Có thể cháu không thể tin nổi nhưng những người nổi tiếng nhất thế giới đều từng trải qua tuổi đôi mươi và vào tuổi đó họ đều lang thang, du mục”.

Câu nói của Raul, một người bạn thương yêu Agatha, có thể làm yên lòng hơn những trái tim đang lạc lối trong khủng hoảng tuổi hai mươi, hay những người đang sợ hãi không dám bước ra khỏi cuộc sống tẻ nhạt hàng ngày như Milly. Hãy can đảm và theo đuổi ước mơ, hạnh phúc của mình.

Vì cháu hoàn toàn không muốn giống cô lúc này, nên đừng đợi ba mươi năm nữa mới làm những gì mình thích”.

Nhờ những bài học cuộc sống và một sợi dây tình cảm vô hình ấy mà Milly chấp nhận tiếp tục hành trình đầu nguy hiểm cùng Agatha và khóc như một đứa trẻ khi phải rời xa bà. Cuộc hành trình bất ngờ ấy giúp Milly phát hiện ra những bí mật về gia đình và gặp lại người cha mà cô đã mong mỏi suốt ba mươi năm, sau hàng ngàn lần thất bại khi cố tưởng tượng ra khuôn mặt của ông.

Câu chuyện kết thúc bằng một cái kết viên mãn sẽ khiến người đọc mỉm cười. Cũng như những tiểu thuyết khác của Marc Levy, tình yêu chân thành, lãng mạn là điều không thể thiếu. Có lúc Agatha đã nghĩ rằng nếu lúc trẻ bà nhận lời yêu Raul thì cuộc đời bà sẽ hạnh phúc hơn hay bên cạnh ông là niềm hạnh phúc cho bất cứ cô gái nào nhưng trái tim là điều khó có thể điều khiển.  Tình yêu, sau ba mươi năm, dù cho cuộc sống thay đổi, sau bao lỗi lầm, tình cảm của bà vẫn dành cho Brad và Brad vẫn luôn giữ bí mật rằng ông đã yêu bà từ ngay cái ngày đi cùng bà trên chuyến phà họ gặp nhau.

Đôi khi trong cuộc sống, ta nhìn mọi thứ không rõ ràng và có thể vuột mất cơ hội đẹp đẽ nhất. Điều tồi tệ nhất đó là ta không nhận ra được điều đó hoặc không nhận da ngay lập tức”. – Marc Levy

Ông đã đợi bà suốt quãng thời gian đó mà không đến với bất kỳ người phụ nữ nào và trong tình yêu, không có gì là quá muộn màng, cuối cùng họ vẫn đã tìm được nhau.

Đọc những trang đầu, tôi cảm thấy hơi hoang mang về nội dung và chính điều đó khiến tôi tò mò muốn đi thật nhanh đến cuối truyện. Và câu chuyện nào cũng thế, chương cuối cùng luôn là chương hay nhất. Tiểu thuyết “một ý niệm khác về hạnh phúc” của Marc Levy để lại cho tôi rất nhiều suy nghĩ về xã hội, tuổi trẻ, lý tưởng và hạnh phúc. Tuổi trẻ trong cái xã hội mà “công nghệ khiến chúng ta xích lại những người ở xa và xa những người ở ngay bên cạnh”, đôi khi người ta hoài công, rồi lạc lối để đi tìm những thứ xa xôi mà không trân trọng những điều ngay xung quanh mình. Hạnh phúc đôi khi quá khó để định nghĩa. Nó có thể là một đêm được ngắm bầu trời đầy sao, “chiêm ngưỡng thiên nhiên trải dài đến tận đường chân trời, hít sâu vào lồng ngực mùi thông hòa lẫn với mùi ẩm của đất”, hay gặp và tỏ tình với người mình thầm yêu.

Giữa như ngày tháng lạc lõng và hoang mang nhất của tuổi hai mươi hai, tôi tìm thấy “một ý niệm khác về hạnh phúc” của Marc Levy và thấy nhẹ lòng hơn. Nếu bạn cũng như tôi, đang loay hoay đi tìm hướng đi cho cuộc đời hay một tình yêu cho mình, thì hãy yên tâm, chúng ta còn trẻ, rồi hạnh phúc sẽ đến. Đừng bao giờ từ bỏ giấc mơ, hãy thoát khỏi vùng an toàn khiến bạn phát điên vì tẻ nhạt,  chắc chắn bạn sẽ tìm được những ý niệm về hạnh phúc của riêng mình.

Những cuốn sách thú vị khác được mình Review tại đây; Book review

và trên Bookstagram @vitamin.books