Tôi đã đọc “Nếu em không phải một giác mơ” từ rất lâu, khoảng cuối năm lớp 9. Có thể nói đây là cuốn sách đầu tiên mà tôi “tình nguyện” đọc, không phải một cuốn sách trong chương trình phổ thông. Tôi vẫn nhớ, hồi ở nhà, mỗi sáng thường có chương trình “Mỗi ngày một cuốn sách”, khi tình cờ đi lưới qua TV, tôi như bị hút hồn vào video giới thiệu sách trên TV. Đến một ngày, tôi đạp xe ra tiệm sách gần trường, định mua một cuốn toán hay văn gì đó về ôn thi cấp 3. Nhưng chẳng hiểu sao, cuốn truyện với bìa màu xanh lam lại thu hút ánh mắt của tôi. Thật tệ, là hôm ấy tôi thiếu tiền. Tôi lại đạp xe về nhà, moi những đồng xu lẻ ra khỏi ống sắt trên bàn học, rồi đạp xe quay lại hiệu sách. Lần đầu tiên trong đời tôi mua một cuốn tiểu thuyết lãng mạn. Và đó là cuốn sách đầu tiên khiến tôi hứng thú với việc đọc sách, khiến tôi trở thành một người thích đọc sách.

Thực ra có một điều tôi khá tiếc nuối, đó là sách chỗ tôi khi ấy là sách lậu, chất lượng giấy rất kém. Tôi vẫn chưa bao giờ dám sở hữu một cuốn sách chuẩn vởi bìa cứng và giấy trắng, dày thơm thơm xịn mịn. Bởi vì cuốn sách bìa ố và giấy mỏng tang ấy với tôi như một kỷ niệm, khi cái ngày hôm ấy tôi sẽ chẳng bao giờ quên được, ngày mà tôi biết đến những câu chuyện tình yêu. Đó cũng là ngày mà tôi trở thành một đứa “mơ mộng”, luôn mua những cuốn mới nhất của Marc Levy khi vừa mới xuất bản, và còn đi học Tiếng Pháp để mơ một ngày gặp thần tượng.

Đến khi tôi bắt đầu viết, cuối những năm đại học. Tôi chẳng bao giờ nghĩ tôi sẽ review lại cuốn sách này, bởi “Nếu em không phải một giấc mơ” và Marc Levy đã quá nổi tiếng rồi, tôi cũng chẳng cần bỏ thêm chút muối vào biển lời khen dành cho cuốn sách này nữa. Tự nhiên, chẳng hiểu sao mấy hôm nay tôi ngồi nghe lại audio book trên Kênh War Of Figures. Thực ra kênh của bạn ấy cũng không nhiều nội dung, chỉ là một lần nữa, tôi lại bị hút vào một thế giới rất thơ, như được trở lại cảm xúc của cái ngày đứng trước màn hình TV năm ấy. Thậm chí tôi còn không nghĩ là cuốn sách này hay đến như thế, nhiều bài học đến thế. Hay chỉ là nhiều bài học  Hôm nay tôi sẽ review lại cuốn sách “Nếu em không phải một giấc mơ” và bộ phim cùng tên, không phải dưới ánh mắt của cô bé chưa đầy 16 mà dưới lăng kính của người đã gần 30.

Về tiểu thuyết

Tóm tắt nội dung

Truyện mở đầu bằng một buổi sáng bình minh ở San Francisco, khi nhân vật chính, bác sĩ nội trú Laura thức dậy sau một đêm dài ở bệnh viện. Laura luôn dậy sớm mỗi ngày, bởi cô không muốn bỏ lỡ bình minh trên cầu cổng vàng, điều khiến cô thấy yêu nơi này, cô ra khỏi nhà bằng chiếc xe ô tô cũ bắt đầu một ngày đẹp trời. Trên đường đi đến nơi nghỉ, không may Laura gặp tai nạn. Người bác sĩ trẻ đến cấp cứu đã rất nỗ lực lấy lại mạng sống của Laura, nhưng cuối cùng anh đánh bất lực trong nỗi thất vọng của mình. Trên đường đưa cơ thể Laura đến nhà xác, người cảnh sát nhận ra điểm bất thường, nên họ nhanh chóng quay lại bênh viện.

Hơn 6 tháng sau, Authur, chàng kiến trúc sư, chủ một văn phòng kiến trúc chuyển đến căn hộ mới. Anh rất thích căn hộ này bởi sự ấm cũng của nó. Đến một ngày, anh thấy một người phụ nữ bước ra từ trong tủ nhà tắm của mình. Thật kỳ lạ bởi anh là người duy nhất nhìn thấy cô, trò chuyện được với cô. Và cả hai người bước vào một hành trình kỳ lạ. Hành trình tìm lại sự sống cho Laura và cho cả Authur nữa.

Cảm nhận chung

Đến giờ khi nghe lại, tôi mới nhận ra truyện có rất nhiều chi tiết tinh tế mà trước đây tôi không để ý. Hoặc là bởi vì những bài học phải qua thời gian trải nghiệm tôi mới thấy nó có ý nghĩa, chứ tôi khi mới 15 tuổi thì để ý gì đâu ngoài bài thi vào cấp 3. Vậy nên có những cuốn sách đọc đi đọc lại cũng vẫn thấy hay. Có những bộ phim xem đi xem lại vẫn thấy thổn thức, khóc cười cũng nhân vật như tôi vẫn xem đi xem lại “Ăn cầu nguyện và yêu” vậy.

Tôi thích văn của Marc Levy, bởi cách viết vừa tình vừa hài hước. Mỗi lần đọc, dù là câu chuyện nào, dù nhẹ nhàng như “Cô gái như em” hay tối tăm như “Ngày đầu tiên, Đêm đầu tiên”, hay dù là về chiến tranh như “Những đứa con của tự do” cũng đều cho tôi thấy cái chất tình ấy.

Về tình bạn

Trước khi nói về tình yêu trong “Nếu em không phải một giấc mơ” có lẽ tôi phải nói đến tình bạn giữa Authur và Paul. Hai người bạn thân thiết với nhau bởi những điểm chung là sự mất mát tình thương yêu khi còn thơ ấu. Họ thương nhau như anh em ruột thịt, cùng nhau mở văn phòng kiến trúc, và cùng nhau giải quyết tất cả những vấn đề trong cuộc sống của những người trưởng thành.

Khi gặp Lauren, Authur còn nghĩ đây là trò đùa của Paul, đủ để thấy anh chàng Paul này tinh nghich thế nào, trong suốt câu chuyện, những đoạn hài hước nhất đều đến từ Paul. Mới đầu, khi nghe Authur kể về câu chuyện với Lauren, Paul còn nghi ngờ bạn mình bị sốc tâm lý sau khi chia tay bạn gái cũ. Paul liên tục chấn an bạn mình, một mình lo hết việc ở công ty để anh bạn thỏa sức với cuộc phiêu lưu trong tâm trí mà Paul gọi đó là “phục hồi sau tổn thương tâm lý”. Tôi ấn tượng nhất đoạn khi Paul đưa Authur đến bệnh viện để khám bênh, do bạn anh đã thể hiện quá mức “bất bình thường”. Điều mà Paul nói với Authur đủ để thấy anh quan tâm đến bạn mình thế nào và tình bạn giữa 2 người có ý nghĩa thế nào đối với anh. Anh vẫn lo lắng, vẫn sốt sắng kéo bạn mình ra khỏi “vấn đề” ngay cả khi bạn anh luôn miệng nói “Không sao”.

“Nghe kỹ tao nói đây, hươu cao cổ ! Nếu có một ngày tao đến cơ quan với vẻ mặt của một gã bị mắc kẹt trên cầu thang di động suốt một tháng trời, rồi tao nổi cáu bỏ đi trong khi trước đó tao chưa hề mất bình tĩnh bao giờ cả, rồi qua cửa sổ mày nhìn thấy tao đi trên vỉa hè với cánh tay giơ ngang một góc chín mươi độ, sau đó tao mở cửa xe ô tô của tao cho một người đi cùng không hề tồn tại, rồi còn chưa hài lòng với những ấn tượng đã gây ra, tao tiếp tục vừa nói vừa hoa chân múa tay trong ô tô, y như là tao nói với ai đó, nhưng mà chẳng có ai, hoàn toàn không có ai cả, và rồi để giải thích tao chỉ biết nói với mày rằng tao vừa gặp một hồn ma, khi ấy tao hy vọng rằng mày cũng sẽ lo lắng cho tao như tao lo lắng cho mày lúc này đây.”

Trong toàn bộ câu chuyện, đến tận chương cuối cùng, tôi nhận ra rằng Paul không hề tin về sự tồn tại của Lauren, nhưng anh vẫn chấp nhận cùng bạn mình làm những điều anh cho là ngớ ngẩn, ngay cả việc phạm pháp mà chỉ biết hét lên một mình “Tại sao lại là tôi”. Nhưng Paul là một người cộng sự rất cừ, giúp đỡ Authur dù đó làm điều anh không hề muốn. Chúng ta luôn cần một người bạn như thế. Một người ta có thể chia sẻ mọi buồn vui, khổ đau cả những góc khuất trong đời, một người có thể tin tưởng để cùng làm ăn và một người vì bạn, sẵn sàng làm những điều điên rồ.

Chúng ta sẽ cùng gặp lại Paul trong “Chuyện chàng và nàng” nơi Paul là nhân vật chính.

Về ý nghĩa của những khoảnh khắc được sống

Trải nghiệm này cho Laura nhận ra giá trị cuộc sống mà cô từng có. Cô là một bác sĩ, tối ngày ở bệnh viện, từng trải qua những mối tình nhạt nhẽo. Trở thành người tàng hình, cô có thể làm những điều mình chưa từng làm, thỏa thích nghe hòa nhạc miễn phí, đột nhập và nhà trắng, vào nhà của người nổi tiếng…nhưng Lauren chỉ có thể vui như vậy những ngày đầu tiên rồi lại nhận ra sự vô nghĩa của cuộc sống nếu như cô không thể ôm mẹ mình, không thể chạm, không ăn uống, thưởng thức những điều cơ bản nhất của cuộc sống. Chính lúc ấy cô nhận ra rằng được sống mỗi ngày, được thở, được đi lại đã là điều quá đỗi tuyệt vời.

“Em hãy nhìn kỹ tất cả những thứ xung quanh ta : nước giận dữ nổi sóng, đất trơ trơ bất cần, những ngọn núi vượt hẳn lên trên, rồi cây cối, rồi ánh sáng mà mỗi phút trong ngày lại đùa nghịch thay đổi cường độ và màu sắc, những con chim bay lượn trên đầu ta, những con cá vừa cố tìm cách để khỏi phải làm mồi cho lũ hải âu vừa đi săn lùng những con cá khác. Có sư hoà điệu của các âm thanh, tiếng sóng, tiếng gió, tiếng cát; và rồi ở giữa các dàn nhạc phi thường này của cuộc đời, và vạn vật có em, có tất cả những người quanh ta. Có bao nhiêu người nhìn thấy những cái mà anh miêu tả cho em ? Có bao nhiêu người mỗi buổi sáng ra lại biết nhận thấy cái đặc quyền được tỉnh dậy và được thấy, được ngửi, được động chạm, được nghe, được cảm ? Có bao nhiêu người trong chúng ta có khả năng quên đi trong giây lát những nỗi lo toan của mình để mê đắm trước cái cảnh tượng kì diệu này. Phải nói rằng sự vô ý thức lớn nhất của con người, đó là sự vô ý thức đối với chính cuộc đời mình.”

Những ngày cuối ở bên nhau, khi Authur đang lo lắng bởi những điều sắp có thể xảy ra, rằng anh có thể mất cô mãi mãi. Nhưng Lauren kết thúc sự lo âu đó bằng một câu chuyện:

“Hãy tưởng tượng rằng bạn có một tài khoản ngân hàng và tài khoản của bạn nhận về $86,400 (khoảng 2 triệu VND). Tài khoản của bạn không bao giờ tồn tại số dư, bất kể từ ngày này qua ngày khác. Mỗi buổi tối ngân hàng sẽ xóa “phần tiền” mà bạn không sử dụng hết trong một ngày. Bạn sẽ làm gì? Rút ra từng xu? Tất nhiên rồi. Chúng ta ai cũng đều có một ngân hàng – với tên gọi là “thời gian”. Mỗi sáng, ngân hàng sẽ nạp cho bạn 86,400 giây. Mỗi tối, số giây sẽ mất đi hết, bất kể bạn có cảm thấy hối tiếc vì mình đã không kịp đầu tư vào một mục đích tốt hay không. Không bao giờ tồn tại số dư trong tài khoản. Mỗi ngày bạn sẽ được mở một tài khoản mới. Mỗi đêm, phần còn lại của tài khoản trong ngày liền bị “đốt cháy”. Nếu bạn không thể tận dụng \”khoản tiền\” dành riêng cho một ngày, mất mát bạn phải tự gánh chịu. Ngày mai rồi cũng sẽ đến. Bạn phải sống ở hiện tại với “số tiền gửi vào” của ngày hôm nay. Hãy đầu tư số tiền ấy thật thông minh để lấy về cho bản thân sức khỏe và hạnh phúc một cách tối đa nhất. Đồng hồ vẫn đang chạy. Hãy tận dụng tối đa những gì bạn có ngày hôm nay.\”

Mỗi chúng ta đều biết rằng cuộc đời này là hữu hạn, nhưng mấy ai lúc nào cũng nhớ được bài học đó để sống hết mình, yêu hết mình trong mỗi khoảnh khắc.

Sống trong khoảnh khắc hiện tại, ít nhất một lần không dự kiến, không nghĩ đến ngày mai. Không nghĩ đến điều gì khác ngoài cái đang diễn ra.

Về tình yêu

Có thể thấy, Authur là mẫu đàn ông nếu mà gặp được thì hãy giữ anh ấy đến hơi thở cuối cùng. Đến cảnh sát gặp anh, biết anh phạm tội rồi mà chẳng lỡ bắt giữ. Vẻ bề ngoài, anh bảnh bao, học thức, chủ một văn phòng kiến trúc đủ để thấy sự vẹn toàn cả ngoại hình lẫn sự nghiệp. Nhưng càng đi sâu hơn vào câu chuyện cuộc đời anh, mới thấy được sự ấm áp trong trái tim và anh đã được mẹ của anh Lyly giáo dục tốt ra sao.

Lauren cảm kích Authur bởi anh giúp cô mà không cần điều kiện, ngay cả khi cô bất ngời bước vào đời anh mới chỉ vài ngày mà làm đảo lộn mọi thứ. Nhưng chính hành trình của Lauren cho Authur sự dũng cảm để đối mặt với những buồn đau trong quá khứ của mình. Anh trở về căn nhà thời thơ ấu, nơi  mà anh đã không dám về trong suốt 20 trưởng thành vì sợ phải đối mặt với nỗi buồn to lớn thời thơ ấu. Khi mẹ qua đời, trái tim Authur như như đóng cửa hoàn toàn. Bao mỗi tình chóng vánh đã qua vẫn không thể giúp anh mở lại cánh cửa đóng kín, chữa lành những tổn thương mất mát ấy. Cho đến khi Lauren xuất hiện. Anh trở nên dũng cảm hơn, cuồng nhiệt sống, cuồng nhiệt yêu, và làm tất cả những gì anh có thể vì yêu. Nói đến đoạn này, ngoài vẻ bề ngoài trên, anh ấy còn hiểu biết về lịch sử và nghệ thuật, anh có guu thích đọc sách, chơi đàn, anh ấy còn sở hữu một ngôi nhà ven biển, anh ấy còn biết yêu mà làm tất cả cho người mình yêu, thì tìm mấy đâu ai được như thế. Vậy nên nếu gặp thì chắc chắn phải giữ rồi.

Trong câu chuyện, cả hai người đến với nhau hết sức “bất thường”, họ không hề có một điểm chung nào, không cần quá lâu để phải lòng nhau, không cần quá nhiều thời gian để hiểu nhau và nhận ra không thể sống nếu thiếu nhau. Tôi thích cách họ tận hưởng cuộc sống khi bên nhau, cùng nhau khám phá căn nhà thơ ấu của Authur, cùng nhau đi bộ bên bờ biển, cùng nhau đọc sách, cùng nhau đi dạo. Tình yêu đơn giản nhưng đẹp nên thơ đến vậy.

Và liệu bạn có mở lòng để tin vào những điều kỳ diệu?

“Điều mà tôi sắp nói với cô đây sẽ không dễ nghe và thật khó chấp nhận, nhưng nếu cô vui lòng nghe câu chuyện của tôi, nếu cô vui lòng dành cho tôi sự tin cậy thì có thể cuối cùng cô sẽ tin tôi, bởi vì dù cô không hề ngờ tới, cô là người duy nhất trên đời mà tôi có thể chia sẻ bí mật này.”

“Nếu em không phải một giấc mơ” chiếm lấy trái tim độc giả bởi sự bất thường của nó. Tên gốc của tác phẩm là “Nếu như chuyện này là có thật”. Trong toàn bộ câu chuyện dường như chỉ có 1 người tin vào câu chuyện của Authur là viên cảnh sát già Pilguez. Vị cảnh sát này còn xuất hiện nhiều lần trong tác phẩm của Marc Levy, bởi dường như chỉ có ông mới đủ mở lòng để  bước vào thế giới mơ hồ trong những câu chuyện của Marc Levy, và bởi vì ông tin nên ông mới thấu hiểu và được giải nghiệm sự kỳ diệu này.

Bản thân Lauren và Authur trước đây cũng không hề tin vào những điều phi logic, cho đến một ngày mọi chuyện xảy ra mà họ không thể giải thích được. Mọi người nhìn Authur như kẻ tâm thần nhưng đâu ai có cơ hội được tận mắt thấy những điều anh thấy. Cuộc sống này chẳng phải vẫn đầy những điều “phi lý” vẫn xảy ra, chỉ là chúng ta cố dùng những lý lẽ để phủ nhận chúng, phớt lờ chúng. Và đó là cách  chúng ta phớt lờ đi một phần kỳ diệu của cuộc sống. Hóa ra từ rất lâu rồi, câu chuyện của Marc Levy đã dạy tôi về bài học này, nhưng mãi mãi lâu sau đó, khi những điều kỳ diệu cứ thế xảy ra mà không cần một bằng chứng logic nào, tôi mới tin chuyện này là có thật.

Về phim – Just Like Heaven (2005)

Đạo diễn Mark S. Waters đã phải bỏ ra đến 1,4 triệu USD để mua lại tác quyền câu chuyện của Marc Levy và đưa nó lên màn ảnh rộng. Theo quan điểm cá nhân thì tôi thấy phim không thể đưa hết cái tình trong truyện của Marc Levy lên màn ảnh bởi những giới hạn về thời lượng và hạn chế trong ngôn ngữ điện ảnh. Thường thì đọc truyện và xem phim, tôi vẫn thấy truyện hay hơn.

Phim cải biên khá nhiều so với câu chuyện, trong đó bỏ đi nhân vật cảnh sát Pilguez, mẹ của Laura mà thay vào đó là chị gái của cô và anh chàng nhà ngoại cảm. Paul cũng không được xuất hiện nhiều trên phim nên cũng thiếu đi những chi tiết hài hước về anh chàng này. Câu chuyện về tuổi thơ của Authur cũng không được đào sâu, nên chưa thể khắc họa sâu sắc nội tâm của nhân vật. Cùng với đó, chuyến phiêu lưu của 2 nhân vật cũng ngắn gọn và ít gây cấn hơn.

Tuy nhiên, phim cũng có nhiều điểm hợp lý hóa câu chuyện như giải thích tại sao Lauren lại có thể gặp Authur do định mệnh đã ăn bài. Hành động của Authur khi gặp “hồn ma” trong nhà mình cũng hợp lý hơn khi anh gọi thầy cúng đến nhà. Sự tỉnh dậy của Lauren cũng cần một “cú hích” thay vì tự nhiên một ngày đẹp trời cô tỉnh dậy như trong truyện. Cùng với sự tham gia của 2 diễn viên tôi rất thích là Mark Ruffalo (người khổng lồ xanh Marvel) và Reese Witherspoon (chị đẹp trong Legally Blond), hình ảnh trong phim, những câu chuyện bối cảnh hài hước cũng đủ biến Just Like Heaven trở thành bộ phim đáng xem.

Kết

Tôi đã đợi hơn chục năm để viết cái review này. Bạn đã gửi lời cảm ơn đến bạn chủ kênh War Of Figures để cảm ơn bạn ấy đã có một bản audio quá đổi tuyệt vời. Nghe bạn ấy đọc mà tôi khóc ngon lành luôn. Bạn có thể nghe giọng đọc của bạn ấy tại đây.

Tôi nghĩ trong suốt quá trình trưởng thành cùng những câu chuyện của Marc Levy, tôi học được nhiều điều hơn là những mộng mơ. Những câu chuyện dạy tôi tin vào những điều kỳ diệu, tin vào những yêu thương giữa cuộc sống thô tháp và luôn ép người ta phải vội vã, tin vào tinh yêu dù cho mọi điều xung quanh dường như đề  cao vật chất hơn tất cả. Tôi cũng bị nói là đứa “ngôn lù, mộng mơ, thiếu thực tế” nhiều rồi, nhưng nếu được làm lại, nếu cho tôi chọn lại những cuốn sách tôi dành cả tuổi thanh xuân để đọc, chắc chắn ngày đến hiệu sách hôm ấy, tôi cũng sẽ vẫn chọn “Nếu em không phải một giác mơ” (chỉ là tôi sẽ mang nhiều tiền hơn để không phải đạp xe về nhà lấy thêm tiền), tôi sẽ vẫn chọn để những câu chuyện của Marc Levy đồng hành trên hành trình của mình.


Cám ơn bạn đã đọc tới đây, đừng quên theo dõi qua email để không bỏ lỡ nhưng bài viết mới trên Blog.

Theo dõi