Hôm nay mình lại quay lại với chủ đề về apply học bổng. Tất cả các bài viết về về du học – học bổng mình đều sắp xếp tại chuyên mục Du học – Học bổng trên Blog. Ban đầu mình cứ nghĩ là có gì mình cũng viết hết rồi cơ, nhưng gần đây lúc sửa bài luận cho các bạn mình thấy có những vấn đề giống nhau đó là đôi khi các bạn không biết Tại sao mình cần đi du học. Và đến khi mình đọc được câu hỏi dưới đây trên group, mình cũng thấy thật khó có thể trả lời nó rõ ràng trong một cái comment. Hoá ra trước đây mình hay viết về kinh nghiệm apply, cách liên hệ giáo sư, hoặc đơn giản chỉ là kể lại hành trình của mình, nhưng trước đó cần chuẩn bị những gì thì mình chưa nhắc tới.

Screenshot 2024-01-21 115445

Từ kế hoạch đến hành động là một quá trình rất xa. Mình cũng từng vùng vẫy trong một  giấc mơ xa xôi “được đi du học” từ hồi cấp 3, mà mãi đến sau 2 năm đi làm mình mới thực hiện. Mình đọc không biết bao “tấm gương” được học bổng trên báo, đọc biết bao kinh nghiệm apply của người khác, lưu không biết bao nhiêu bài luận mẫu, hướng dẫn apply học bổng trong máy tính, và cả bao nhiêu lần suy nghĩ “mình muốn đi du học” cứ trăn trở trong đầu nhưng mình đã chẳng làm gì cả. Mình chỉ mơ mộng vậy thôi. Đến khi ngồi xuống và bắt đầu viết bài luận đầu tiên, mình mới hiểu bao nhiêu công học tiếng Anh, bao nhiêu cách viết văn vở đã học, giờ quan trọng nhất là nội dung viết là gì. Nhiều lúc mình thấy trống rỗng. Nhiều lúc khi viết thấy mình thật tuyệt vời nhưng giờ đọc lại như một đứa trẻ con, chẳng có gì ngoài những mơ mộng.

Vậy để bắt đầu apply học bổng mình cần chuẩn bị những gì? Ở đây có lẽ kinh nghiệm của mình phần nhiều là từ du học UK nhé.

Đừng chỉ lập kế hoạch mà hãy xem bạn đã và đang thực hiện kế hoạch đó ra sao

Thay vì lên kế hoạch, mình sẽ ghi lại hành trình của bản thân, xem mình đang hướng tới mục tiêu như thế nào, và tất cả những việc mình đang làm và chuẩn bị làm có đang giúp mình hướng tới mục tiêu đó hay không?

Stay on track with your goal

Những điều kiện tối thiểu

Thi chứng chỉ ngoại ngữ

Mình nghĩ dù học bổng nào thì cũng cần biết ngoại ngữ phù hợp với chương trình đó. Mình đã học tiếng Anh và tiếng Pháp. Nhưng điều mình muốn nhắc đến ở đây đó học ngoại ngữ để đủ điều kiện đi du học chứ không chỉ học để biết và vì cái chứng chỉ. Bước đầu tiên là bạn cần học tiếng Anh và thi chứng chỉ Ngoại ngữ. Trước mình đi tìm việc, phỏng vấn người ta cũng hỏi mình, tiếng Anh có tốt không, chưa thi IELTS thì sao tôi tin em có ngoại ngữ tốt. Mình đã xử lý tình huồng đó bằng cách “Nếu anh muốn kiểm tra trình độ tiếng Anh của em bây giờ thì chúng ta có thể chuyển sang phỏng vấn bằng Tiếng Anh luôn”. Đó là quá trình mình đi xin việc, còn đi du học thì mình không thể xử lý bằng cách đó.

Thi để lấy chứng chỉ ngoại ngữ ở đây không chỉ là tấm giấy chứng nhận thôi đâu mà nó còn thể hiện bạn đủ điều kiện để có thể nghe hiểu bài giảng và giao tiếp trong môi trường nước ngoài. Điều kiện tiếng Anh tối thiểu là đây là 6.5 IELTS, một số trường yêu cầu cao hơn bạn cứ phấn đấu tầm 7.0 cho yên tâm, nhưng không cần phải thi đi thi lại lên 8.0 để làm gì cả vì điểm IELTS hay bất cứ chứng chỉ ngoại ngữ nào họ chỉ cần đủ điều kiện, không có điểm cộng nào thêm. Điểm IELTS cao không thể bù đắp cho academic background hay kinh nghiệm làm việc Bạn thử tượng, nếu chúng ta chỉ biết nghe nói đọc viết mà không có kiến thức chuyên môn gì khác, thì sang Anh, sang Mỹ nào có khác gì học sinh trung học ở đây khi chúng nghe nói đọc viết thậm chí còn thành thạo hơn mình.

Hoàn thành chương trình học và có bằng tốt nghiệp

Nếu đi du học bậc đại học bạn cần tốt nghiệp cấp 3. Nếu bạn muốn đi học Thạc sĩ bạn cần hoàn thành chương trình đại học, ít nhất là có giấy chứng nhận tốt nghiệp, hoặc chứng nhận đã hoàn thành tất cả các môn học. Còn một số chương trình Tiến sĩ có thể bỏ qua bậc Thạc sĩ mà bạn có thể lên thẳng từ Bachelor.

Vậy điều tối thiểu để nộp hồ sơ đi du học cần có:

  • Bằng tốt nghiệp và bảng điểm
  • Trình độ ngoại ngữ

Nhưng nếu bạn đã tốt nghiệp rồi đại học rồi mà không có bảng điểm đẹp (như mình) thì bạn vẫn có cơ hội.

Những yêu cầu đầu vào cụ thể của chương trình học

Đến phấn này thì bạn cần phải đi tìm hiểu thông tin. Hay nói các khác hỏi chị Google. Mình nghĩ kỹ năng tối thiểu để đạt học bổng là sự chủ động.

Lên mạng search khóa học tại quốc gia mà bạn mong muốn đến. Hồ sơ, yêu cầu đầu vào chương trình của các nước khác nhau. Ví dụ bạn mình học ở Hà Lan, Phần Lan, Mỹ thì thì hồ sơ sẽ yêu cầu có chứng chỉ GMAT/GRE. Phần lớn các chương trình ở Anh không yêu cầu GRE/GMAT nhưng vẫn có chương trình yêu cầu. Mình thấy nhiều bạn bè mình hồi đại học đã ôn chứng chỉ này. Và đây là chứng chỉ khó, cần thời gian ôn luyện. Ngoài ra, còn có các yêu cầu cụ thể về bằng tốt nghiệp, portfolio, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ chuyên ngành, thậm chí đã học Thạc sĩ trước đó.

Tất cả những yêu cầu trên liên quan đơn thuần là điều kiện tối thiểu để bạn có thể ghi danh vào chương trình, phụ thuộc vào năng lực học thuật. Còn để nhận học bổng thì còn cần chuẩn bị thêm nhiều nội dung nữa. Bạn cần tìm thông tin học bổng, yêu cầu học bổng, thời gian mở đơn. Mình đã tổng hợp các nguồn apply học bổng trong bài viết dưới đây:

Kinh nghiệm làm việc

Một số học bổng chính phủ yêu cầu kinh nghiệm làm việc. Đây cũng sẽ là điểm có thể bù đắp nếu như GPA / bảng điểm của bạn không đẹp lắm. Mình thấy nhiều bạn muốn đi du học càng sớm càng tốt, và muốn rút ngắn quá trình đi làm này, nhưng mình nghĩ đi làm trước khi đi du học là một trải nghiệm cần thiết và nó đã cho mình rất nhiều điều. Hồi đại học ngồi trong lớp, đôi lúc mình cũng nghĩ “Học những kiến thức này để làm gì?”. Nếu như mình tiếp tục học Thạc sĩ ngay sau khi học đại học, thì bằng thạc sĩ của mình có lẽ cũng như một bằng đại học kéo dài và mình vẫn sẽ ngồi trong lớp và hỏi “Học cái này để làm gì?”. Và có lẽ nếu không đi làm, minh sẽ không bao giờ chọn ngành học như hiện tại.

Chọn ngành học như thế nào?

Thường các bạn sẽ tìm đến trung tâm tư vấn du học, hoặc chọn những ngành rất phổ biến nhiều người học hoặc ngành liên quan trực tiếp vớ chương trình học của bạn hồi đại học. Nhưng  khi mình đi làm, mình mới có những vấn đề rất cụ thể, có mục tiêu rõ ràng, và biết học những kiến thức này để làm gì. Với mục tiêu sẵn có, những kiến thức đến với bạn sẽ không còn là “bắt phải học” nữa mà mình tự chủ động tìm kiếm nó, và mình biết mình sẽ dùng nó như thế nào.

Sau khi đi làm, và đi du học đến lần thứ 2, mình mới có cái nhìn  khác về việc đi du học. Đi du học không phải là ước mơ, là mục tiêu nữa, mà đó là bước đến để mình đạt được mục tiêu trong sự nghiệp và phát triển bản thân. Thời điểm mình apply học bổng Chevening, mình chỉ apply học bổng của trường mình muốn học và học bổng chin phủ Anh vì mình xác định rõ “Nếu không phải chương trình đó, mình không đi”. Bởi vì mục tiêu xa hơn của mình là trở thành chuyên gia trong lĩnh vực mình muốn, chứ không phải đi về rồi lại mung lung “Giờ làm gì nữa”.

Đi du học, dù là tự túc hay học bổng là một khoản đầu tư và là cơ hội lớn. Bởi vậy, để việc du học thực sự có ý nghĩa, chúng ta cần có định hướng trước. Điều này sẽ vừa tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho bản thân. Việc chọn ngành học nên xuất phát từ nhu cầu của bản thân. Mình dựa trên Ikigai – what you love, what you’re good at, what the world needs, and what you can be paid for. Hai ý đầu tiên (what you love, what you’re good at) xuất phát từ bản thân mình. Mình thích gì, mình muốn trở thành người thế nào, mình yêu thích lĩnh vực gì và liệu mình có làm tốt được không. Còn 2 câu hỏi sau dựa trên kinh nghiệm làm việc và quan sát thực tiễn. Liệu việc mình làm có giải quyết được vấn đề gì cho xã hội hay không, mình có cơ hội phát triển và thành công hay không?  

Ikigai

Cách viết bài luận xin học bổng

Bài luận xin học bổng, Statement of purpose, Personal Statement, Motivation Letter là cái bắt buộc chúng ta phải viết. Đây có lẽ là phần quan trọng nhất của hồ sơ mà chúng ta thể hiện bản thân nhiều nhất. Trong quá trình mentor hồ sơ apply học bổng, mình thấy lỗi phổ biến nhất khiến cho bài luận rất chung chung, giống như một bài văn mẫu mà thay tên ai vào cũng có vẻ đúng.

Động lực đi du học

Thực ra có một quan điểm mình rất ghét, đó là ngườ ta nghĩ rằng đi du học vì chán đi làm. Nhất là lúc mình học PhD, có người bảo “Ôi tớ quen mấy người giống cậu. Đi làm mấy năm thấy chán nên apply đi học PhD”. Mình sửng sốt trả lời “Giống tôi ở điểm nào vậy?”. Tại sao người ta nghĩ là PhD là bến đỗ tạm bợ khi người ta không thể giải quyết được những vấn đề trong công việc, hay đi du học khi bế tắc trong cuộc sống như vậy nhỉ. Nghe thế mình chán chả muốn giải thích nữa. Nhưng thật sự là nếu mục đích đi du học chỉ có vậy, thì bạn không thể có học bổng được đâu.

Một số câu mà bài luận nào cũng có

Introduction of Academic Background and Interests:

  • My academic journey in [Your Field] has been driven by a deep-rooted passion for [Specific Aspect of Field], which was sparked by [Personal Experience or Academic Encounter].
  • During my undergraduate studies in [Your Major], I developed a keen interest in [Specific Area of Study], particularly in relation to [Specific Topic or Issue].

Career Goals and Aspirations:

  •  My long-term career goal is to contribute to groundbreaking advancements in [Specific Area].”

Motivation for Further Study

  • Pursuing a [Degree Type] in [Your Field] is a critical step for me to gain the advanced knowledge and skills needed to achieve my career objectives.
  • I am particularly drawn to [University/Program Name] because of its renowned faculty, cutting-edge research facilities, and its commitment to [Relevant Aspect of the Program or Field]
  • My strong desire to study Master … at your prestigious university makes me a qualified candidate.

How the Scholarship Will Help:

  • This scholarship would not only alleviate the financial burden of pursuing higher education but also allow me to fully dedicate myself to my academic and research pursuits.
  • Receiving this scholarship would enable me to collaborate with leading experts in [Field], thereby significantly enriching my educational experience.

Conclusion – Reaffirming Commitment and Potential:

  • I am committed to making a meaningful contribution to the field of [Your Field], and I am confident that my background, passion, and dedication will allow me to succeed in this program.
  • I am excited about the prospect of joining [University/Program Name], and I am eager to contribute my unique perspective and ideas to the academic community there.

Những câu này Chat GPT còn viết được thì nếu chỉ viết chung chung và liệt kê thế này thì hồ sơ của mình sao có thể nổi bật?

Điều gì khiến một bài luận trở nên nổi bật.

Sense of purpose

Hồi còn học lớp Tiếng Anh thầy Vũ, có một điều mình ấn tượng nhất đó là Sense of Purpose. Đó niềm tin về ý nghĩa, và mục tiêu của hành động, hướng đi rõ ràng trong cuộc sống, và theo đuổi mục tiêu cá nhân hay nghề nghiệp một cách có ý thức và quyết tâm. Nhiều lúc đọc bài luận cho các bạn, nhưng mình thấy bất bực vì tìm hoài động lực không có. Hay có đơn giản chỉ là “bạn muốn đi nước ngoài”. Nhưng sao những ta cho bạn cơ hội cả tỉ đồng để thỏa mãn một mục tiêu thuần túy cá nhân trong khi có bao ứng viên tràn đầy nhiệt huyết ngoài kia. Về từ ngữ, cách kể chuyện, dàn ý thì mentor có thể giúp, nhưng thực sực mục tiêu của việc học và mục tiêu cá nhận trong cuộc sống phát xuất phát từ bản thân, chẳng ai chỉ tay cho bạn được cả.

Có một bài trên Mind the Gap, mình thấy bận ấy viết rất rõ ràng về động lực mà bạn có thể tham khảo. Mình là admin Mindthegap.vn – Blog chính thức của học giả Chevening, các bạn thỉnh thoảng ghé qua đó nha.

Việc thấy một bài viết hời hợt, không có mục tiêu rõ ràng, không có động lực cụ thể mà chỉ nói “tôi có một ước mơ, tôi có nhiều đam mê” đến mình còn dễ dàng nhận thấy, huống chi một hội đồng đã đọc hàng ngàn hồ sơ. Nhất là khi tiền trong tay họ, họ luôn thận trọng với mỗi lựa chọn. Uhm thì yêu thật đấy nhưng bạn đã làm gì vì tình yêu đó. Nếu yêu thật bạn sẽ có một câu chuyện để kể. Mỗi luận điểm đưa ra sẽ rõ ràng hơn với những ví dụ cụ thể.

Câu chuyện thực tế

Có một kiểu viết luận thường được báo chí ca ngợi đó là những câu chuyện “đẫm lệ”. Khi bạn để ý những câu chuyện đó phù hợp với các bạn xin học bổng vào đại học thôi. Còn đối với trình độ Thạc sĩ trở lên thì đề bài hỏi rất cụ thể về academic background, mục tiêu cá nhân, chứ không ai quan tâm đến tuổi thơ gian khó của bạn cả. Bởi đơn giản, họ không phải tổ chức từ thiện, cũng chẳng ai cho bạn tiền chỉ vì bạn không đủ tiền đi du học. Xin học bổng là “trao đổi, mua bán chất xám”. Bạn có năng lực, bạn cho họ thấy được tiềm năng, bạn hướng tới mục điêu mang lại tác động tích cực, bạn đạt tiêu chuẩn họ sẽ đầu tư cho bạn. Và đôi khi bạn tốt nhưng không phải người mà hội đồng thích nhất, bạn cũng phải chấp nhận kết quả. Còn tất cả các mục tiêu khác “Trở nên nổi tiếng, đi du lịch, định cư nước ngoài hay là hẹn hò zai Tây” hãy đặt sang một bên hay cất nó thật kỹ dưới đấy tủ đừng để lộ liễu trong bài luận.

Mình vẫn tin rằng, nếu bạn có đam mê thực sự thì từng câu chữ bạn nói, từng hành động bạn làm sẽ đều hướng đến mục tiêu đó. Mục tiêu ở đây là điều bạn muốn giải quyết mang lại tác động xã hội không phải là mục tiêu “đi du học” thôi nhé. Từ đam mê thực sự đó, khi gặp câu hỏi “Tại sao bạn chọn khóa học này”, “Bạn đã chuẩn bị những gì cho khóa học này” bạn cũng sẽ trả lời chúng một cách rõ ràng, chi tiết và đặc biệt được thôi. Và mục tiêu và định hướng đó đến từ đâu? Từ nhưng trải nghiệm thực tế, từ kinh nghiệm làm việc của bạn.

Hoạt động ngoại khóa có quan trọng không?

Về quan điểm của mình đối với hoạt động ngoại khóa, mình đã tổng hợp trong bài viết này.

Mình thấy một lỗi khá phổ biến với các bạn sinh viên là các bạn tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa mà không tận dụng hết tiềm năng của chúng cho sự phát triển cá nhân hoặc tham gia một cách “thực dụng” với hi vọng làm đẹp hồ sơ đi du học. Nhưng mình nghĩ, để có một hồ sơ tốt, không chỉ liệt kê những thành tích, những con số, những tờ giấy A4 thôi đâu, mà điều người khác muốn lắng nghe đó là câu chuyện ở sau đó, bạn đã học được gì, bạn đã trưởng thành ra sao, bạn đã tạo ra tác động gì, và nó có liên quan gì đến chương trình bạn apply đi du học.

Học bổng đi du học, người ta quan trọng bạn muốn học gì, và chuẩn bị nền tảng cho khóa học đó như thế nào, và từ những điều muốn học đó bạn đóng góp gì. Còn những hoạt động không liên quan, cũng như bạn không thể giải thích vai trò của nó trong sự trưởng thành của bạn, trong hồ sơ apply học bổng người ta không quan tâm đâu.

Apply học bổng, bắt đầu tư đâu?

Viết một đoạn thật dài, mình quay lại câu trả lời chính. Thế xin học bổng đi du học bắt đầu từ đâu. Mình nghĩ nó sẽ xuất bản từ mục tiêu, định hướng của bản thân bạn. Mình thường tiếp cận vấn đề khi so sánh mục tiêu mình muốn đạt được trong sự nghiệp và bản thân hiện tại. Có vấn đề thực tiễn nào mình muốn giải quyết? Từ kinh nghiệm thực tiễn mình thấy bản thân mình còn thiếu gì đẻ đạt được mục tiêu và giải quyết vấn đề trên? Nếu kỳ vọng tương lai và phiên bản hiện tại là một chỗ trống, thì những việc bạn làm, bao gồm việc  đi du học, chọn khóa học sẽ giúp bạn bù đắt phần còn trống đó ra sao.

Có 2 yêu cầu tối thiểu để đi du học đó là đạt chứng chỉ ngoại ngữ và có bằng đại học/ bảng điểm. Tiếp đến bạn cần tìm hiểu thông tin chi tiết về yêu cầu, cách thức nộp hồ sơ, và từng bước chuẩn bị theo yêu cầu. Có rất nhiều các học bổng thường niên, có quy trình chuẩn chỉnh, bạn có thể tìm hiểu từ sớm, khi còn học đại học.

Sau rất nhiều những bài chia sẻ kinh nghiệm, những mơ ước, nhưng cuối cùng điều đưa bạn đến gần hơn với điều bạn muốn là hành động của chính bạn. Bạn có thể bắt đầu từ bây giờ: Suy nghĩ về mục tiêu cá nhân, đăng ký đi thi chứng chỉ ngoại ngữ, hay đơn giản là tìm hiểu một học bổng tại quốc gia bạn mong muốn. Bạn đã đi 1 bước rồi đó.

Chúc bạn may mắn.

Cám ơn bạn đã đọc tới đây, đừng quên theo dõi qua email để không bỏ lỡ những bài viết mới trên Blog.

Theo dõi Blog qua Email

Mình thường xuyên chia sẻ lại bài viết trên Fanpage: https://www.facebook.com/Violetstoryblog