Bạn chọn một cuốn sách như thế nào? Dựa vào quảng cáo trên báo, trên mạng xã hội? Dựa vào danh sách những cuốn sách yêu thích của Bill Gates? Dựa vào gợi ý của 1 reviewer nào đó mà bạn thấy trên mạng xã hội? Dựa vào gợi ý của một người bạn? Hay chỉ là một ngày ra hiệu sách thấy một cuốn sách có bìa thu hút bạn nhất.

Đọc sách là một hành trình không phải một đích đến

Đôi khi mình cảm thấy rất bối rối khi cần gợi ý một cuốn sách cho người khác khi mình không biết liệu người đó có thói quen đọc sách thường xuyên hay không, và guu đọc của họ là gì. Có rất nhiều bạn hỏi mình gợi ý một cuốn sách giúp bạn ấy chữa lành, cuốn sách nào nên đọc cho người trầm cảm. Thực ra với mình, một người người đi những con đường dài và lòng vòng, mình nghĩ chữa lành, vượt qua giai đoạn trầm cảm hay phát triển bản thân nói chung là một quá trình rất dài. Mỗi người có một hành trình khác nhau. Bởi vậy sẽ rất khó để bạn tìm thấy một con đường tắt hay một câu trả lời chỉ sau 1 cuốn sách. Ngày trước mình bị trầm cảm nhé. Mình nghĩ trường hợp của mình cũng không quá nghiêm trọng. Mình cũng vật lộn một thời gian cả năm, với nhiều phương pháp khác nhau để đi đến “turning point”, cái khoảnh khắc mình cảm thấy “khai sáng thực sự” là sau khi thực hành Luật hấp dẫn nhiều tháng sau 2 cuốn của Rhonda Byrne, mình được tư vấn bởi bác sĩ tâm lý và hiểu hết những bài học trong 3 phần KungFu Panda.  Nếu như bạn không phải người thích đọc sách, hay có thói quen đọc từ lâu, thì lúc bạn thấy mệt mỏi mà đọc sách thì bạn còn thấy mệt hơn.

20221116_110218-01

Có một câu chuyện “không biết vui hay buồn”. Có một lần mình chụp ảnh cuốn sách mình đang đọc mang tên “The Psychology of Everything”. Bìa cuốn sách có chiếc mình màu đó rất bắt mắt. Đó là một bìa sách nhìn rất giải trí, và tên cũng rất “chữa lành”. Và một người bạn của mình nhắn cho mình là muốn mượn cuốn sách đó, bạn ấy muốn đọc để tìm hiểu về tâm lý học, không suy nghĩ nhiều sau khi quá mệt mỏi về chuyện tình cảm. Nhưng câu chuyện là “Đừng đánh giá một cuốn sách qua vẻ bề ngoài là đây”. Đây là giáo trình chuyên ngành môn nghiên cứu về Design của mình, mình học khoa Engineering. Thực sự với một người khỏe mạnh, tinh thần tỉnh táo, có chuyên môn kỹ thuật, thì đọc cuốn này còn thấy đau đầu, huồng chia là một người “cần chữa lành”.

“Don’t Judge a book by its cover”

Một cuốn sách hay phụ thuộc vào chính người đọc.

Trong nhiều năm đọc của mình, mình nhận ra một cuốn sách hay sẽ tùy thuộc vào kiến thức nền tảng, tâm trạng, mục đích, trải nghiệm cuộc sống, độ trưởng thành, giai đoạn cuộc đời và cả guu của người đọc nữa. Có rất nhiều cuốn sách trước đây mình đọc không hay, thậm chí đọc chẳng hiểu nổi, nhưng giờ đọc lại thấy rất hay. Ví dụ như cuốn Cởi trói linh hồn của Michael A.Singer. Có cuốn sách mình mua để trên giá sách đến 10 năm. Hồi đại học mình mở ra đọc chương đầu đã thấy khó nhằn, nhưng đến khi đi làm mấy năm mình đọc lại thấy cuốn từ trang đầu đến trang cuối. Đó là cuốn Phải Trái Đúng sai cảu Micheal Sandel, hay Thế giới phẳng của Thomas Friedman. Có những cuốn mình gối đầu giường nhưng giới thiệu bạn bè đọc bảo “Chả hiểu gì?”. Đó là cuốn Power and Force của David Hawkin. Có nhữn cuốn bạn bè mình bảo ngôn ngữ quá khó đọc, nhưng mình đọc xong thấy hay đến nỗi đọc xong Tiếng Việt, đọc lại bản Tiếng Anh. Đó là cuốn Kiêu hãnh và Định kiến của Jane Austen . Và có những cuốn nổi tiếng cả thế giới, nhưng mình không đọc, như Harry Potter và các bộ Anime. Vậy nên, đừng đánh giá một cuốn sách qua review của người khác.

“Don’t judge a book by others’ review”

2023_0107_12211600-01

Đọc những gì mình thích

Điều quan trọng là bạn nên đọc những gì mình thích và không bị ảnh hưởng bởi sở thích của người khác hoặc xu hướng phổ biến. Quá nhiều người để cho sở thích đọc của bản thân mình bị dẫn dắt bởi sở thích của người khác. Họ giới hạn bản thân trong danh sách bán chạy nhất hoặc Tiktok trend, hoặc chỉ muốn đọc những cuốn sách “đúng”. Bao nhiêu người yêu thích đọc sách đã không thể chạm tới cái thực sự phù hợp với họ bởi nỗ lực nhồi nhét bản thân với những cuốn sách được gọi là kinh điển hoặc những tác phẩm văn học khó hiểu? Như thể việc đọc những tác phẩm (được xếp hạng) kinh điển (nếu có định nghĩa chính xác cho những thuật ngữ này), những cuốn được Bill Gates, doanh nhân người nổi tiếng khuyên đọc, là đỉnh cao của sở thích đọc sách. Ngay cả những nhà văn trẻ cũng cố gắng viết câu nào cũng sặc mùi triết lý đến nặng nề và bội thực. Có một cuốn mình thấy được quảng cáo nhiều, và nhiều người review là “hay ngay từ trang đầu tiên”, nhưng mình thấy không hay thì mình nói không hay.

“Never apologize for your reading taste”

Betty Rosenberg

Việc hiểu rõ sở thích đọc của bản thân là rất quan trọng. Lúc mới đọc tiểu thuyết mà không phải ở trong chương trình ngữ văn ở trường, mình thích đọc Marc Levy. Cuốn Nếu em không phải một giấc mơ là cuốn đầu tiên khiến mình thích đọc sách. Khi ấy dù rất nhiều người nói mình “ngôn lù” giọng rất mỉa mai, nhưng mình mặc kệ. Thậm chí, có một hội review sách, mình đăng bài còn chẳng được duyệt. Cho đến tận bây giờ, khi nói về những cuốn sách, cũng có rất nhiều người nói với mình “Họ không thích Marc Levy vì không đủ sâu sắc”. Nhưng khi ấy mình nói luôn, đó là tác giả mà mình yêu thích nhất. Dù giờ đây mình đọc nhiều thể loại hơn, đọc nhiều tác giả cổ điển lẫn hiện đại, mình có thể thích Jane Austen, Charles Dickens, Micheal Sandel, Thomas Friedman, Jordan Peterson, nhưng với mình Marc Levy vẫn là tác giả mình trân trọng nhất, bởi vì đơn giản không bị hút bởi “Nếu em không phải một giấc mơ” có lẽ mình đã không thích đọc đến vậy. Mình thích thì mình đọc thôi. Điều quan trọng là mình thấy thích đã.

20200907_212831-01

Chọn những cuốn sách theo nhu cầu và phong cách sống của bản thân

Mình bắt đầu bằng những cuốn mình thích, những cuốn dễ đọc, không quá nhiều triết lý.

  • Thể loại bạn muốn đọc là gì? Lãng mạn, trinh thám, Self-help, chữa lành, kiến thức xã hội, lịch sử sử, du ký, tản văn, văn học cổ điển?
  • Bạn quan tâm đến lĩnh vực nào: thời trang, nghệ thuật, âm nhạc, du lịch, nước hoa, cây cối, hay tâm lý học, kinh doanh, kỹ năng… Bạn có thấy được truyển cảm hứng từ những cuốn sách đó không?
  • Bạn thích hài hước, sâu sắc, truyền cảm hứng, kỳ bí hay gần gũi đời thường?
  • Nếu đã từng đọc một tác giả và yêu thích, bạn có thể thử đọc một cuốn sách khác của tác giả đó. Việc này đơn giản chỉ để bạn quen với việc đọc, và vượt qua cảm giác “tẻ nhạt” khi đọc. Ví dụ, có bao nhiêu cuốn của Marc Levy mình mua bằng hết, và mình cũng mua cả bản tiếng Pháp để học tiếng Pháp.

Với mình, cả truyện cả phim mình không thích những tác phẩm mang lại cảm giác u ám. Mình thích một cuốn sách phần nhiều bởi ngôn từ, cách miêu tả và sự sâu sắc chạm tới những lớp sâu trong cảm xúc của tác giả. Ngày trước mình cũng nghĩ văn học cổ điển rất khó hiểu, nhưng cuốn sách đầu tiên thay đổi quan điểm đó của mình là “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”, một tác phẩm có ngôn từ quá đẹp. Mình đã tự hỏi, sao mình không đọc sớm hơn.

20201115_220414-01

Cuốn sách có ý nghĩa hay không cũng phụ thuộc vào trải nghiệm cuộc sống của bạn nữa. Có rất nhiều “hiện tượng xuất bản” được các bạn trẻ yêu thích, nhưng có lẽ do trải nghiệm của mình cũng có phần nào, nên những nội dung và lời khuyên trong sách mình lại thấy  “Mình biết lâu rồi, chẳng có gì mới” nên đọc xong mình không thấy wow lắm. Nhưng cũng có những cuốn sách nhắc lại những trải nghiệm mà bạn đã trải qua rồi nhưng bạn thấy rất cham, rất cuốn hút, rất cảm động. Cái hay ở đây là khi tác giả có thể đào sâu hơn về cảm xúc, các góc nhìn khác nhau, đưa ra những góc nhìn mới, những tầng ý nghĩa và bài học sâu sắc, thay vì chỉ kể lể “Tôi sống tốt, tôi cô gắng, tôi thành công”.  

Khi mới đọc, sách có thể không thú vị lắm

Bạn có thể bỏ giữa chừng nếu bạn thấy nó không hay và không thể đọc tiếp. Đọc sách nên là một trải nghiệm thú vị, và bạn hoàn toàn có quyền chọn những cuốn sách phù hợp với sở thích của mình mà không cần phải thấy tội lỗi. Thường thì mình sẽ không bỏ giữa chừng, vì khả năng “cố gắng, chịu đựng” của mình cũng khá cao, và mình biết nhiều cuốn đọc 2/3 mới thấy hay. Nhưng đó là lý do mà mình có chê nha khi mình cố thế mà cuốn sách khiến mình thất vọng. Một khi đã quen với những trang giấy, việc đọc sẽ trở nên cuốn không muốn đặt xuống.

Danh sách những cuốn sách muốn đọc trong tương lai

Mình giữ cho mình một danh sách những cuốn sách muốn đọc. Danh sách có thể tham khảo nhiều nguồn review, quảng cáo, báo chí, gợi ý khác nhau, nhưng có nhiều lý do mà mình chưa đọc cuốn đó ngay (đang đọc dở cuốn khác, hết tiền chưa mua được, hoặc đơn giản là chưa phải lúc). Mình ghi danh sách này vào một trang trong cuốn sổ planner của mình. Hoặc một công cụ khác mình dùng Good Reads. Mình không review trên good reads mà chỉ để lưu lại sách mình thấy có hứng thú. Một thời gian sau, khi muốn đọc một cuốn sách mới, mình sẽ lấy gợi ý từ danh sách của chính mình. Mình review lại danh sách này thường xuyên bởi vì có những cuốn tại thời điểm xem quảng cáo mình thấy hay, sau này mình lại không muốn đọc nữa.

20200301_215052

Đôi khi chúng ta cũng chẳng cần suy nghĩ lựa chọn lựa chọn

Hôm nay cũng có bạn hỏi mình, nếu chỉ đi lượn trong hiệu sách, thấy bìa bắt mắt mà mua một cuốn sách thì đó có phải là “judge a book by its cover không?”. Mình nghĩ, điều này không hề mâu thuẫn với nhau. Chắc chắn là trước khi mua sách bạn sẽ không chỉ nhìn bìa đâu, mà bạn còn phải lật phía sau nhìn giá của nó nữa. Theo thói quen mình sẽ đọc phần dẫn phía sau, tóc tất cả các chữu trên phần giấy có màu, đọc phần mở đầu rồi mớ quyết định mua. Mình chẳng đánh giá hay phán xét gì cuốn sách đó cả. Giữa hàng ngàn cuốn sách, giữa hàng tỉ thông tin mình từng nghe bao gồm vô số những review quảng cáo, mình vẫn quyết định bắt đầu hành trình với một cuốn sách “xa lạ”. Mình nghĩ đó là lắng nghe trái tim mình mách bảo.

20200822_165512-01

Việc tham khảo từ ai đó cũng là điều tốt, nhưng đừng phụ thuộc quá vào guu của người khác. hãy để mọi chuyện “tùy duyên”, một cuốn sách hay sẽ đến với bạn vào lúc bạn cần nó nhất. Có rất nhiều cuốn sách mình được tặng, hay chỉ lượn lờ trong hiệu sách mà nó thay đổi cuộc đời mình. Vậy nên hãy chia sẻ nhu cầu đọc sách cho bạn bè, hay tạo cho mình thói quen lượn lờ hiệu sách để “duyên” này đến nhiều hơn.

Chú trọng vào chất lượng đừng áp lực số lượng

Đọc sách không phải cuộc chạy đua Bạn đọc vì bạn muốn mình thoải mái nhất.. Chúng ta không thể nhìn vào giá sách của một người mà đánh giá họ là người thế nào. Thực chất mua sách cũng là một việc gây nghiện, và rất nhiều người mua sách về để trưng bày. Ngược lại có nhiều bạn thích dùng Kindle, và thích mượn sách thư viện.

Tương tự, đọc nhiều hay ít cũng chẳng đánh giá hết con người ấy hiểu biết sâu rộng ra sao. Quay lại với hồi mình học đại học. Hồi ấy, mình gặp khá nhiều người có “vẻ ngoài hiểu biết”. Họ nhắc đến rất nhiều cuốn sách non-fic đình đám, và thậm chí họ còn nói thẳng vào mặt mình “ngôn tình 3 xu”. Lúc đấy mình cũng chẳng đủ kiến thức, vốn sống hay sự tự tin để phản ứng gì. Mình nghĩ họ hiểu biết nhiều, vậy thôi. Đó là câu chuyện dẫn đến việc mình mua cuốn sách “Phải trái Đúng sai” của Michael Sandel. Trong cuốn sách có một ví dụ rất kinh điển (chắc chắn bạn cũng nghe ví dụ này ở đâu đó rồi). Khi ấy, mình nghe cũng cuốn lắm. Nhưng mãi 10 năm sau, khi mình chính thức đọc hết cuốn sách này và ngồi học hết bài giảng trong khóa học nổi tiếng “Justice” của Michael Sandel mình mới biết trong sách có rất nhiều ví dụ hay, gần gũi với cuộc sống hơn ở những chương sau. Điều này cho mình đặt ra câu hỏi, phải chăng những con người “hiểu biết” kia cũng chỉ đọc được hết chương đầu, hoặc là cũng chỉ nghe đi nghe lại 1 ví dụ từ ai đó.  

Don’t judge people by their bookshelf.

20220917_125024-01

Có nhiều cuốn sách mình đọc lại, nhiều bộ phim mình xem lại, và mỗi lần trải nghiệm lại mình lại học được một bài học mới, hiểu thêm một điều mới, chạm vào một góc mới trong tâm hồn. Mình đã trải nghiệm hành trình theo cuốn sách này với một con người mới. Chúng mình trưởng thành hơn mỗi ngày qua những trải nghiệm.

Đọc sách để trở thành một người tử tế và hạnh phúc

Với mình mỗi cuốn sách (Trừ những cuốn sách mình chê) đều cho mình một bài học cuộc sống và đồng hành với mình trong quá trình trưởng thành. Cho dù đó là sách Fiction hay Non-fiction. Mình nhớ một câu chuyện mình từng nghe trong chương trình về sách từ rất lâu rồi.

“Có một cậu bé hỏi ông mình rằng, đọc sách để làm gì khi rồi chúng ta cũng lại quên đi phần nhiều những gì chúng ta đã đọc. Ông không trả lời mà cùng cậu bé lấy giỏ đan tre đựng than trong góc bếp, ra bờ sông xách nước về. Ông múc nước vào chiếc giỏ tre, rồi cùng cậu đi về nhà. Về đến nhà, nước đã chảy đi hết. Họ lại quay lại bờ sông múc nước rồi lại đi về nhà. Cậu bé hỏi ông, nước trong giỏ đã chảy đi hết rồi. Ông mỉm cười và nói “Dù nước chảy đi hết nhưng chiếc giỏ đựng than đã sạch sẽ hơn. Đọc sách cũng vậy, dù chúng ta sẽ quên đi phần nào những điều đã học, nhưng qua những trang sách, tâm hồn ta đã được thanh lọc, tươi mát và trong sáng hơn”.

Vậy nên mình tin rằng, điều quan trọng nhất của việc đọc, không phải thế hiện ra ngoài, mình là người đọc nhiều, mình là người hiểu biết, mà quan trọng bản thân mình đã học được gì, ứng dụng thế nào trong cuộc sống và trở thành người như thế nào. Một người bạn nói với mình rằng “Thùng rỗng thì kêu to. Và người giỏi thì hay thích lowkey” (hình như mình lại đánh giá rồi). Nhưng để tránh bản thân mình bị “trẻ trâu”, và bỏ qua những bài học quan trọng, đọc kỹ hơn, suy nghẫm nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn và lắng nghe nhiều hơn.

20200907_213224-01

Sắn sàng cho cuộc hành trình mới

Với mình, đọc sách là một hành trình tuyệt vời, đầy màu sắc! Mình thích cảm giác mỗi lần đọc đến trong cuối cùng, gập sách lại và mình có thể ôm ấp cuốn sách của mình vào trong lòng. Mình hi vọng bạn cũng sẽ có trải nghiệm tuyệt vời đó. Nếu bạn không thích đọc sách cũng không sao cả. Có nhiều cách để phát triển bản thân.

Thông điệp của bài viết này, mình chỉ muốn bạn có thể tìm thấy một guu đọc sách phù hợp với chính bản thân bạn. không ai muốn lãng phí thời gian để đọc những cuốn sách mình không thích và cũng chẳng học được gì? Cũng đừng chỉ đọc những cuốn sách theo guu của người khác. Chúng ta sống cuộc đời của riêng mình, có một thư viện của riêng mình, đọc những điều mình thích. Nhưng một khi bạn đã tìm ra phong cách đọc phù hợp, hãy chọn một cái gì đó khác biệt để thay đổi và thách thức bản thân (đọc một thể loại mới, đổi sách với ai đó, cố gắng vượt qua cái sự chán ở những chương đầu tiên), bởi hành trình nào cũng sẽ thú vị hơn khi bạn vượt qua những thử thách và nhận ra bản thân mình đã trưởng thành hơn rất nhiều kể từ bước chân đầu tiên.

Tham khảo: A Librarian’s Guide to Choosing the Right Book for You!


Cám ơn bạn đã đọc đến đây, đừng quên theo dõi qua email để không bỏ lỡ những bài viết mớ trên blog.

Theo dõi Blog qua email và nhận Newsletter hàng tháng