Quay về với một cuốn tiểu thuyết của Guillaume Musso. Sau cuốn “Cô gái và màn đêm” hơi gây thất vọng mình đã tự nhủ “Thôi thì cả thanh xuân đọc truyện lãng mạn của Guillaume Musso của tôi kết thúc tại đây”. Tuy vậy, lúc đó mình đã mua cuốn “Cuộc đời là một tiểu thuyết” rồi nên vẫn quyết định đọc dù đọc qua review thấy rate không cao lắm. Thực sự, mình thích cuốn sách này. Nó cũng lấy lại niềm tin của mình vào tác phẩm của Guillaume Musso. Thôi thì những cuốn sách của chú cùng cháu lớn lên, cháu cũng quyết định là cũng có thể cùng nhau về già :D.

Mình nhận thấy từ rất nhiều cuốn sách, nhân vật chính của Guillaume Musso đều là những nhà văn. Và từ cuốn sách này, mình cảm thấy dường như Guillaume Musso đã mượn văn chương để nói về cuộc đời mình và để bộc bạch những suy tư mà cuộc sống đời thường khó có thể làm được. Musso cũng công nhận “Sức mạnh to lớn của văn chương hư cấu nằm ở quyền năng nó cho phép chúng ta chạy trốn thực tại hay bang bó những vết thương ta phải chịu đựng do bạo lực xung quanh gây ra.”

Cuộc đời là một cuốn tiểu thuyết kể về 2 nhân vật Flora Coway và Romain Ozorski đều là những người viết. Đến một ngày, sau những biến cố đau đớn, họ cảm thấy nghi ngờ về cuộc sống của mình.

Nội dung cuốn sách này lấy cảm hứng từ câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng của Plato về những người tù, bị giam trong một hang động từ khi mới sinh ra. Những người tù này luôn bị xích và phải quay mặt về phía trong hang, thay vì phía cửa/miệng hang. Trong suốt cả cuộc đời, họ sẽ chẳng bao giờ thấy đc thế giới bên ngoài ra sao. Thứ duy nhất mà họ có thể là những cái bóng phản chiếu của những sự vật đi ngang qua cửa hang vào lúc có ánh sáng mặt trời chiếu vào.

Họ cho rằng những cái bóng chính là những con người, con vật và đồ vật ấy. Đến một ngày, một trong số những người tù này trốn thoát và chạy ra khỏi hang. Lần đầu tiên anh ta thấy thế giới thật thay vì những cái bóng. Nhận thức cũ về thế giới xung quanh của anh ta bị sụp đổ. Những cái bóng anh ta nhìn thấy mỗi ngày khi xưa hóa ra chỉ là một phần rất rất nhỏ của thế giới thực ngoài kia.

Thế rồi anh ta trở lại hang kể với những bạn tù của mình về thế giới ngoài hang mà anh ta nhìn thấy. Nhưng không may, những người bạn của anh ta, vì vẫn luôn giữ nhận thức cũ, nên không thể hiểu được những điều anh ta nói, họ không thể tưởng tượng ra tại sao lại có một thế giới như vậy tồn tại ngoài kia.

Từ đó, tác giả đẫn dến những suy tư trong trích dẫn của Bergson

“Chúng ta không thực sự thấy bản chất của mọi thứ: thường thì ta chỉ tự giới hạn mình ở việc đọc nhãn dán trên chúng”.

Bergson

“Thực tại… Hư cấu… Suốt cuộc đời tôi đã đi tìm ranh giới rất mơ hồ giữa chúng. Không gì gần với cái thật bằng cái giả trong thế giới thực, bởi khi con người coi một hoàn cảnh nào đó là thực tế, thì sau đó chúng sẽ trở thành thực tế…”.

Guillaume Musso

Tuy vậy, tác giả cũng nhắc đến nối sự và sự đau khổ của những con người bị giam cầm khi được ra khỏi hang, rằng “họ nhận ra bóng tối thật dễ chịu và ánh sáng khiến họ đau khổ” và họ không muốn chấp nhận sự thật. Đôi khi biết được sự thật cũng không phải chuyện vui, nhưng liệu chúng ta có muốn sống mãi trong hang tối?

Một vài bộ phim và cuốn sách cũng xoay quanh chủ đề này, có thể kể đến bộ phim Ma trận 9 Lana Wachowski & Lilly Wachowski, 1999) hay cuốn sách gần đây của David Chalmers “Reality+: Virtual world and the problems of philosophy”. Khi được hỏi “Nếu chúng ta đang sống trong một mô phỏng máy tính thì khả năng mô phỏng đó sẽ như thế nào?”, tác giả David Chalmers trả lời rằng:

Có nhiều loại mô phỏng khác nhau. Có loại gọi là mô phỏng hoàn hảo, nó làm việc tốt đến mức không ai có thể phân biệt được nó với thực tại vật lý. Nếu chúng ta đang ở trong một mô phỏng hoàn hảo, chúng ta sẽ không bao giờ biết được điều đó.

David Chalmers

Vậy liệu có phải chúng ta đang sống trong một thế giới mô phỏng? Mình nghĩ đây là một câu hỏi triết học khá thú vị để đi sâu hơn vào nhận thức con người, và cũng có khá nhiều tài liệu đi sâu hơn vào câu hỏi này, mình sẽ trích dẫn ở cuối bài.

Guillaume Musso đang dùng tác phẩm văn chương của mình để gợi lên những câu hỏi sâu sắc hơn cho độc giả. Tuy nhiên, triết học luôn là những vấn đề trừu tượng, bàn về triết học đòi hỏi chiều sâu hiểu biết về con người và thế giới quan. Do đó, một tác phẩm văn chương đủ sâu sắc, đủ hấp dẫn đẻ bàn về triết học cũng không phải điều đơn giản. Mình thấy, trong Guillaume Musso mới hình thành một ý tưởng sơ lược, chưa thực sự hiểu sâu sắc về nó. Do đó, mình đánh giá các tình tiết trong câu chuyện này còn một số đoạn hơi “lỏng lẻo”, và dường như tác giả đã hơi lúng túng không biết kết truyện sao cho vừa.  Mặc dù vậy đây vẫn là một cuốn sách mình thấy hay bởi ý tưởng và những thông điệp mà Guillame Musso muốn gửi đến độc giả về sự thức tỉnh, mở rộng thế giới quan và đi tìm  ánh sáng của sự thật.

Vì đọc phải có bất ngờ khi đọc truyện mới hay nên mình không tóm tắt nội dung chi tiết mà chỉ ghi lại phần mình ấn tượng nhất trong cuốn sách này, nhưng mà sách hay và đáng đọc nhé 😀

Cám ơn bạn đã đọc đến đây. Đừng quen theo dõi để không bở lỡ những bài viết mới trên Blog

Theo dõi Blog qua email

Mời bạn theo dõi #bookstagram @vitamin.books để đọc nhiều review sách hơn

Một số nội dung tham khảo “Thế giới này rốt cuộc là thật hay ảo”?

Khi thực tế ảo trở thành thực tại, bạn có thể sống hạnh phúc trong metaverse cả đời