Từ khi lập Blog, mình nhận được rất nhiều câu hỏi của các em qua Instagram và Facebook về những băn khoăn về việc học, phát triển bản thân, du học, bạn  bè… Thực sự là mình không phải chuyên gia, nhưng mình vẫn luôn hi vọng có thể giúp được các em khóa sau phần nào đó tránh được những sai lầm mình từng mắc phải. Ai cũng từng có những lúc hoang mang, lạc hướng, không biết nên làm gì. Mình chỉ muốn nói rằng các bạn không hề cô đơn và mặt trời vẫn luôn ở trên những đám mây xám xịt. Bởi vậy, mình đã lập Box Just Ask Me! này, để ghi lại những hỏi và câu trả lời, sau khi đã nhận được sự đồng ý chia sẻ của người đặt câu hỏi. Mình mong rằng giữa những lúc hoang mang, bạn sẽ tìm được người đồng cảm và những chia sẻ từ một người không hoàn hảo, đã từng lạc lối, đã đi qua những thất bại, sai lầm và vẫn đang tiếp tục trên con đường hoàn thiện bản thân mình.

Dưới đây là câu hỏi của bạn Thu Quỳnh (Tên nhân vật mình sẽ thay đổi và mình luôn hỏi ý kiến của người hỏi trước khi đăng bài)

Câu hỏi:

Trong suốt quá trình từ khi bắt đầu đại học đến khi chị đi làm chị đã từng bị mất phương hướng chưa ạ còn đc gọi là CUỘC KHỦNG HOẢNG TUỔI ĐÔI MƯƠI ấy ạ và khi đó chị đã làm thế nào để vượt qua ạ?

Cuộc khủng hoảng này của em bắt đầu từ khi biết điểm. NV 1 của em là ngành A cũng là ngành mà e yêu thích nhất nhưng từ khi biết điểm dù rằng vẫn để NV1 nhưng hi vọng mong manh. Do đó, gia đình e khuyên vào ngành NV2, nhưng mà e lại ko quá thích. E cũng nghĩ đến việc gap year để vừa thi lại đồng thời reset lại bản thân cũng có thể học thêm nhiều thứ khác nhưng đến nay e vẫn chần chừ chưa quyết chị ạ.

Trả lời:

Với chị, cứ 2 năm chị lại gặp một lần khủng hoảng. Em hãy tưởng tượng cuộc đời như sóng vậy, lúc lên lúc xuống, lúc vui lúc buồn. Vậy nên 18, 20, 22, 24, 26 và cả bây giờ, chị đều có những lúc khủng hoảng vì nhiều lý do. Hồi trước, chị vượt qua khủng hoảng bằng cách cứ làm đến đâu thì đến thôi. Thực sự không có một giải pháp cụ thể nào cả, vì mỗi khủng hoảng là tập hợp của nhiều vấn đề nhỏ, và em phải giải quyết từng vấn đề một.

Tuy vậy, giờ nhìn lại, chị nghĩ chuyện gì phải đến sẽ đến, mình không thể tránh được. Tất cả mọi việc xảy ra đều có lý do. Những việc chị thấy nó bi quan, không vừa ý, đến giờ nghĩ lại, chị lại thấy “may mà đã diễn ra”. Cuộc đời luôn cho em những gì phù hợp với em. Mỗi khó khăn xảy đến là lúc em dừng lại và suy nghĩ, đổi hướng nếu thấy cần thiết.

Em mới 18 tuổi, chị nghĩ còn quá sớm để biết mình thích gì. Thật đấy, em có chắc chắn là em thích ngành nguyện vọng 1 kia, và sẽ theo nó đến suốt cuộc đời. Em hiểu gì về ngành đó. Em có chắc mình đam mê đủ để vượt qua mọi khó khăn, của ngành ko hay chỉ yêu những điều hào nhoáng bên ngoài. 18 tuổi rất khó trả lời câu đó em ạ, vì mình trải nghiệm chưa đủ nhiều. Bên cạnh đó, ở đại học thì học nhiều cái lắm, kiến thức cũng là một phần thôi và trên lớp thầy cô dạy em một phần nhỏ thôi (Đôi khi em còn thấy không hấp dẫn nữa). Học đại học chị nghĩ quan trọng là cho em nền tảng để em có thể tự tìm tòi tự nghiên cứu hơn là chúng ta nghĩ chúng ta học 1 ngành và theo ngành đó đến già. Chị nghĩ nếu là đam mê thì tự học được. Hồi bé chị thích học Piano, nhưng nhà chị ko có điều kiện, lớn lên chị tự học. Chị chưa bao giờ có ai dạy chị chơi Piano cả, nhưng giờ chị vẫn chơi được. Nếu thích ta sẽ tìm ra cách, còn không thích thì sẽ tìm lý do. Đã là yêu thì phải yêu cả lúc hạnh phúc, hào nhoáng và cả lúc khó khăn, vất vả.

Ngoài ra, em phải hiểu, đôi khi cuộc đời không như kế hoạch của em bởi vì kế hoạch của em chỉ nằm trong những gì em đã biết thôi, và chắc chắn những gì ta biết hữu hạn. Nhưng cuộc sống còn nhiều cái ta chưa biết lắm. Cái này hơi trừu tượng, chị nói với đứa 28 tuổi còn không hiểu thì em cũng khó mà hiểu được, nhưng sau này em sẽ ngấm. Đại loại là sau này em biết nhiều thứ hơn, thì đam mê của em cũng thay đổi. Ví dụ như chị, từ bé đến lúc 22 tuổi chị chẳng thể nghĩ chị đi học ngành hàng không và chị cũng không biết 10 năm sau chị chuyển ngành không. Người ta tìm thấy đam mê bằng nhiều cách, trong đó có “nghề chọn người chứ người không chọn nghề”, hay nói cách khác ”bị dòng đời xô đẩy”.

Chị đọc nhiều câu chuyện các bạn ấy trượt đại học, học NV2 nhưng hiện tại bạn ấy thành công sáng chói, hạnh phúc vui vẻ. Nếu chị là em chị sẽ học NV2 một cách vui vẻ. Sẽ không lãng phí nếu em luôn chăm chỉ học hành và luôn cố gắng. Em hãy tin NV2 đó là điều mà vũ trụ mang đến cho em. Còn nếu em thích ngành NV1, thì thời nay Internet, các diễn đàn nhiều mà, tự học được mà. Hoặc em hãy nói chuyện vs 1 người học ngành đó, để xem học ngành đó thực sự là học gì, hỏi họ đọc cuốn sách nào, cần những kỹ năng gì. Chúng ta hãy cảm ơn những người đã xây dựng hệ thống Internet, bởi chị nghĩ đó là phát minh quá vĩ đại. Chị luôn tin là nếu thực thích người ta luôn tìm ra cách, và cả vũ trụ sẽ giúp em thực hiện được điều đó. Đừng bi quan thế, bố mẹ em cũng sẽ mệt đấy. Đó là suy nghĩ của chị, vì chị nghĩ là học hành chăm chỉ là cần thiết, và tự học quan trọng ko kém gì học trên lớp.

Về gap year, thực ra chị cũng muốn có gap year, chị hơi hối hận vì đã ko có Gap year nào trong suốt đại học đến lúc đi làm. Thực ra hồi học đại học chị sợ, sợ không tốt nghiệp bằng các bạn, sợ mình không thành công bằng các bạn. Ngay cả lúc chị tốt nghiệp đại học, chị có 9 tháng không phải đi học nữa mà chị cũng không có một khoảng thời gian nghỉ ngơi. Vì chị lúc nào cũng lo lắng mình sẽ thất nghiệp, nên chị đã chẳng làm được gì cả, chỉ ngồi lo lắng thôi. Nếu em có kế hoạch và mục tiêu, Gap year sẽ là một năm ý nghĩa, em sẽ tìm thấy chính mình. Thực ra Gap year mơ ước của chị là hành trình của Elizabeth Gilbert trong “Ăn, cầu nguyện và yêu” và chị chưa bao giờ dũng cảm để thực hiện được chuyến đi như vậy.

Tóm lại, chị nghĩ là chỉ cần em không ngừng cố gắng, sau này em sẽ cám ơn những gì cuộc đời mang đến cho em. Tuổi 18 tuổi là khi em đứng trước cả bầu trời cơ hội. Có lên nhé.


Các bạn có thể gửi câu hỏi cho mình qua Instagram, Facebook, hoặc email phuong.anh.violet@outlook.com.

Follow @_smallstepeveryday_ để đọc thêm những bài viết ngắn về sự trưởng thành