Từ lâu mình đã thích nghệ thuật. Nó bắt đầu từ môn Âm nhạc và Mỹ thuật từ hồi cấp 2. Với môn Mỹ thuật, thay vì thích vẽ mình lại thích học về lịch sử nghệ thuật. Âm nhạc cũng vậy. Mỗi lần lướt qua những cuốn sách trong hiệu sách, mình chỉ muốn tìm một cuốn sách phân tích về bản nhạc thay vì một tập bản nhạc. Vậy mà sách như vậy không có nhiều. Những bài viết phê bình hay review trên mạng chủ yếu là về phim ảnh, và văn học. Có những bộ phim phải đọc Review mới thấy hay, giờ mình nghĩ có những bức tranh phải đọc phân tích mới thấy đẹp. Vậy nên, khi xem tranh, nghe nhạc mình chỉ biết rằng mình có thích hay không, và cũng chẳng đủ hiểu biết để nói ra tại sao mình thích. Bởi vậy mình nghĩ, viết cũng là động lực để mình tìm hiểu nhiều hơn. Vậy bên cạnh phim và sách, từ giờ mình sẽ viết nhiều hơn về hội họa và âm nhạc. Vậy là trang blog thập cẩm của mình sẽ viết thêm về nghệ thuật. Mình sẽ bắt đầu với Claude Monet.

Tại sao mình biết đến Claude Monet?

Thỉnh thoảng những bức tranh nghệ thuật như của Van Gogh thường xuất hiện trên những miếng sticker, bút vở (Mình vừa đến bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam, chắc chắn mình sẽ viết về trải  nghiệm đó sau). Van Gogh có vẻ quen thuộc với khán giả Việt Nam hơn còn tranh của Monet cũng đôi khi được xuất hiện trên những sản phẩm như thế, chỉ là người ta không nhắc đến nhiều. Đến một ngày, mình bỗng dưng bị thu hút bởi cuốn sổ tay Vintage có tranh của Monet. Ngay lúc ấy, mình chỉ kịp nhớ láng máng mấy bộ phim về giới nhà giàu, người ta có treo tranh của Monet trong nhà cụ thể là bức Hoa súng. Mình bị thu hút bởi cuốn sổ đó, rồi mới bắt đầu tò mò xem trên Youtube những bài giới thiệu về họa sĩ Claude Monet.

DSCF8258

Trong môn Mỹ thuật hồi Cấp 2, chúng mình cũng được học về trường phái hội họa Ấn tượng. Nhưng đó là trường phái Án Tượng với những bức tranh cũng khá khó để cảm nhận vẻ đẹp cho một đứa cấp 2. Chúng gai góc chứ không mềm mại như mặt hồ bình yên trong tranh của Monet. Bởi thế, mà mình nhớ một vài bức tranh thuộc trường phái ấn tượng khi đó mà chẳng có hoài niệm gì về Monet vào thời điểm đó cả.

Mình đến khu vườn của Claude Monet tại Giverny, nước Pháp

Mình đến Paris tham dự một hội thảo chuyên môn. Hội thảo bắt đầu từ thứ 3 và kéo dài hết thứ 6 nên mình cũng tranh thủ đến từ chủ nhật để tham quan quanh Paris, thăm một người bạn. Vậy là mình có cả một ngày thứ 2 rảnh rỗi để thăm quan đây đó. Mình cũng suy nghĩ, mình lại đi 360 độ vòng quanh tháp Eiffel rồi dạo chơi những địa điểm quen thuộc ở Paris hay đến cung điện Versailles. Nghĩ đi nghĩ lại, dù thấy Giverny hơi xa nhưng mình vấn quyết định đến đây.

Đường đến Giverny, đừng sợ.

Trước mỗi chuyến đi mình thường có những rào cản vô hình. Mình rời khách sạn tầm 8h sáng để đi đến Gare Saint-Lazare để bắt tàu. Bản đồ chỉ mình đi khá lòng vòng. Đến nơi, mình mới mua vé tàu. Thử cái máy đầu tiên không được, lên trên tầng thứ cái máy thứ 2, cũng sắp đến giờ tàu chạy, mà mãi không ra vé. Chẳng hiểu sao mình đã nghĩ “Thôi hay mình về”. Sau chuyến đi này mình nhận ra rằng điều đáng sợ hơn cả điều khiến chúng ta sợ chính là nỗi sợ của chúng ta. Chính nỗi sợ ngăn cản chúng ta khám phá những điều mới và mãi cuộn mình trong giới hạn an toàn của riêng mình. Đi cùng nỗi sợ là sự lười biếng và không chịu tìm hiểu trước. Có vô vàn lý do khiến mình nảy lên suy nghĩ từ bỏ chuyến đi này: Thời tiết hôm nay không đẹp lắm; vé tàu đắt mà chẳng có giảm giá cho sinh viên gì cả, vé vào cửa vườn cũng đắt nữa, mình sắp muộn tàu rồi, mình sợ đi lạc, đường đi tận 2 tiếng; đi muộn thế này liệu có xem được gì không. Và giữa những suy nghĩ bộn bề đó vé cũng ra, và mình cứ thế tiến về phía trước. Mình không bước ra khỏi vùng an toàn mà mình chỉ mở rộng vùng an toàn của mình.

Cầm 2 chiếc vé cho chuyến đi và về trên tay, qua cửa soát vé, mình cũng chẳng biết đâu là chuyến tàu của mình nên cứ chạy đi tìm nhân viên để hỏi, liệu mình đã đi đúng bến chưa. Đôi khi mình ước bến tàu nào cũng thân thuộc như St Pancras, sân bay nào cũng gần gũi như Nội Bài và chuyến tàu nào cũng quen thuộc như tàu về Nottingham. Nhưng mình lại hay chán những thứ quen, và sợ những cái lạ. Tàu bị delay. Khi lên tàu mình hỏi lại bạn ngồi bên cạnh để kiểm tra lại một lần nữa đã lên đúng tàu chưa. Thông báo trên tàu toàn Tiếng Pháp, người ta nói chuyện trên tàu của bằng tiếng Pháp. Thấy mình cứ nhìn cái bảng tàu rồi lại nhìn điện thoại thấp thỏm, bác ngồi băng ghế cạnh tàu cố gắng chỉ cho mình đừng xuống bến tiếp theo dù bác ấy không biết Tiếng Anh. Khi tàu dừng ở Vernon, bác ấy gật đầu cười và cười với mình để ra hiệu đã đến lúc mình cần xuống.  Xuống tàu, mình cứ theo đoàn khách du lịch, thấy một bác tài xế xe bus vẫy tay ở phía xa, mình đi theo và nói muốn đến khu vườn của Claude Monet. Và thế là mình đã đến nơi rồi.

Bạn có thể dễ dàng tìm đường đến Giverny, bạn có thể đặt vé từ trung tâm Paris đến bến Vernon-Giverny. Sau đó đi bộ ra ngoài bến tàu Vernon sẽ thấy có tram hoặc xe bus ngay cửa đón bạn đến Giverny. Giá vé tàu khoảng EUR34 khứ hồi và vé xe bus 2 chiều là EUR10.

Ngôi làng Giverny, trung tâm của trường phái Ấn Tượng

Giverny là một ngôi làng nhỏ nằm bên bờ sông Seine ở vùng Normandy, phía tây bắc của Paris, cách thủ đô nước Pháp khoảng 80 km. Ngôi là nổi tiếng là trung tâm của trường phái Ấn tượng nhờ sự hiện diện của danh họa Claude Monet, người kiến tạo nên vẻ đẹp tự nhiên của Giverny. Vào năm 1883, Monet cùng gia đình đã chọn Giverny làm nơi định cư, từ bỏ cuộc sống tại Paris để tìm kiếm sự bình yên và cảm hứng nghệ thuật. Tại đây, Monet đã dành hơn 40 năm của cuộc đời mình để phát triển cả nghệ thuật lẫn khu vườn tuyệt đẹp của mình.

DSCF8289

Monet đã biến Giverny từ một ngôi làng yên tĩnh thành một trung tâm nghệ thuật quan trọng của phong trào Ấn tượng. Những năm tháng sống tại đây, Monet đã thu hút nhiều nghệ sĩ khác đến Giverny, tạo nên một cộng đồng sáng tạo phong phú. Ông còn tổ chức các chuyến đi vẽ ngoài trời, khám phá và ghi lại vẻ đẹp tự nhiên quanh mình qua từng tác phẩm. Sau khi Monet qua đời năm 1926, ngôi nhà và khu vườn của ông từng trải qua thời kỳ suy thoái nhưng sau đó được phục hồi nhờ sự đóng góp của các nhà bảo trợ, đặc biệt là Walter Annenberg từ Mỹ. Giverny ngày nay vẫn giữ được dấu ấn lịch sử quan trọng của mình, không chỉ là nơi lưu giữ những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại mà còn là minh chứng cho tầm ảnh hưởng sâu rộng của Claude Monet đối với nghệ thuật thế giới.

Khi đến Giverny, mình mua vé combo tham qua bảo trường phái Ấn Tượng và khu vườn của Monet. Đi rồi mới thấy bõ công đến đây sau từng đấy nỗi sợ. Ngôi làng rất bình yên với những con đường hẹp, lá cây bắt đầu ngả đỏ vàng chuyển sang thu. Phía sau cửa soát vé là một không gian đông đúc nhiều khách du lịch hơn.

DSCF8293

Cuộc đời và sự nghiệp của Claude Monet

Hồi mình học lịch sử mỹ thuật, một số giai thoại thường cho rằng nghệ sĩ thường sống nghèo khổ và truyền thuyết này đúng với Monet.

Claude Monet (1840–1926) được coi là “cha đẻ” của trường phái Ấn tượng. Ông sinh ra tại Paris và lớn lên ở Le Havre, nơi ông bắt đầu thể hiện niềm đam mê nghệ thuật qua các bức ký họa phong cảnh biển. Monet sinh ra trong một gia đình làm kinh doanh ở Paris. Từ nhỏ, Monet đã yêu thích vẽ tranh, đặc biệt là phong cảnh biển và cuộc sống bình dị. Thuở thiếu niên, ông thường vẽ tranh biếm họa khi rảnh, sau đó bán với giá 20 francs một bức. Dù gia đình mong muốn ông theo đuổi sự nghiệp kinh doanh, ông quyết định theo đuổi hội họa, nhờ vào sự khuyến khích của họa sĩ Eugène Boudin. Tuy nhiên, do thất vọng với lựa chọn của con trai cha Monet đã cắt viện trợ.

Cuộc đời của Monet gặp nhiều khó khăn tài chính trong những năm đầu sự nghiệp khi Monet sáng tác nhiều tác phẩm nhưng không bán được. Điều này khiến ông lâm vào cảnh nghèo khó, phải vay tiền bạn bè. Khi còn trẻ, ông và các họa sĩ cùng thời như Renoir, Pissarro và Sisley đối mặt với sự chối bỏ từ giới nghệ thuật truyền thống và công chúng, vì tác phẩm của họ bị cho là “chưa hoàn thiện” và “không chính thống.” Vì không bán được tranh, Monet cùng vợ trồng khoai tây để trang trải cuộc sống nhưng vẫn không thể thanh toán tiền thuê nhà, phải chạy trốn giữa đêm khi người chủ nổi giận và xua đuổi. Danh họa thường viết thư than vãn, kể khổ với những người bạn, khẩn khoản xin họ kiên nhẫn và cho ông mượn thêm tiền. Một số tranh của danh họa bị chủ nợ tịch thu do ông không đủ khả năng trả nợ.

Chiến tranh Pháp – Phổ năm 1870 khiến gia đình ông phải di cư sang London lánh nạn. Tại đây, Monet gặp Paul Durand-Ruel – người kinh doanh nghệ thuật. Durand-Ruel đồng ý mua một số tranh của ông và các họa sĩ theo đuổi lối vẽ không tuân thủ kỹ thuật hội họa đương thời. Những giao dịch này đã thay đổi cuộc đời Monet, khiến sự nghiệp của ông dần phát triển, đem lại thu nhập.

Sự ra đời của Trường phái Ấn tượng

Với khát vọng thể hiện thế giới một cách chân thực, Monet cũng các họa sĩ Pierre-Auguste Renoir, Camille Pissarro và Alfred Sisley đã dũng cảm phá vỡ những chuẩn mực của hội họa truyền thống vốn ưu tiên sự tỉ mỉ và chi tiết, đòi hỏi các họa sĩ vẽ trong phòng studio. Thay vào đó, họ mang giá vẽ ra ngoài trời và bắt đầu phong cách hội họa plein air (vẽ ngoài trời), ghi lại sự thay đổi của ánh sáng, màu sắc và không gian tự nhiên trong từng khoảnh khắc. Phong cách của Monet tập trung vào cách ánh sáng tương tác với màu sắc và hình khối. Ông không nhấn mạnh vào chi tiết mà chú trọng vào cách biểu đạt cái nhìn tổng thể, nhằm truyền tải cảm giác sống động qua những nét bút thô sơ nhưng tinh tế.

Năm 1874, Claude Monet trưng bày bức Ấn tượng mặt trời mọc (Impression, soleil levant), được ông sáng tác năm 1872, mô tả cảng Le Havre. Bức tranh này, với nét vẽ mờ nhạt và tông màu rực rỡ, tập trung vào cảm nhận chủ quan hơn là chi tiết cụ thể. Trong bài Sự trưng bày ấn tượng (L’Exposition des Impressionnistes) in trên tờ Le Charivari, nhà phê bình nghệ thuật Louis Leroy đã dùng từ “Ấn tượng” để mỉa mai lối vẽ “chưa hoàn thiện” và “cẩu thả” này, nhưng các nghệ sĩ lại biến chính từ đó thành tên gọi của phong trào, một trường phái nghệ thuật mới.

impression-soleil-levant-tableau-au-musee

Đặc điểm của trường phái Ấn tượng

Các họa sĩ Ấn tượng tập trung vào cách ánh sáng thay đổi trên các vật thể tại các thời điểm khác nhau trong ngày, thử nghiệm các sắc thái màu và kỹ thuật để tạo cảm giác lung linh, sống động. Họ sử dụng các nét cọ ngắn, lặp đi lặp lại để gợi lên sự chuyển động, đồng thời đặt các màu sắc cạnh nhau để tạo hiệu ứng thị giác mạnh mẽ. Mặc dù lúc đầu bị công chúng và giới phê bình phản đối, trường phái Ấn tượng đã dần trở nên phổ biến và được công nhận là một trong những phong trào nghệ thuật ảnh hưởng nhất mọi thời đại. Phong cách này không chỉ thay đổi quan điểm về nghệ thuật mà còn tạo tiền đề cho nhiều trào lưu hiện đại như Hậu Ấn tượng, Tân Ấn tượng, và trừu tượng trong thế kỷ 20.

Chủ đề chính của các họa sĩ thuộc trường phái Ấn tượng là cuộc sống hiện đại và cách những người dân thường trong thời gian rảnh rỗi. Theo truyền thống ở Pháp, tầng lớp trung lưu không phải đối tượng của tranh và nghệ thuật. Khi đến thăm các bảo tàng, chúng ta có thể thấy những bức chân dung hoành tráng của giới quý tộc và hay những bức tranh về thần thánh và tôn giáo. Trong khi đó, tầng lớp lao động và nông dân thường thường được miêu tả là những kẻ quê mùa. Monet, Renoir và Degas đã đưa lên tranh những nhà hát, quán cà phê, hay những vùng nông thôn thế kỷ 19. Không chỉ có hội họa, từ thế kỷ 19, các tiểu thuyết gia như Zola và Flaubert cũng dần hướng ngòi bút về cuộc sống của tầng lớp trung lưu và hạ lưu, biến những “người bình thường” trở thành trung tâm và anh hung trong những tác phẩm nghê thuật nghiêm túc.

Trải nghiệm thị giác trong tranh Ấn tượng

Trải nghiệm thị giác của trường phái Ấn tượng mang đến cảm giác mới mẻ và chân thực về cách chúng ta nhìn nhận thế giới xung quanh, đặc biệt là qua màu sắc và ánh sáng. Trong thế kỷ 19, các khám phá khoa học về màu sắc và thị giác đã tác động mạnh mẽ đến cách các họa sĩ Ấn tượng sáng tác. Thay vì tập trung vào chi tiết cụ thể và hình dáng rõ ràng, họ khám phá cách màu sắc và ánh sáng tương tác để tạo ra cảm nhận tổng thể.

Các họa sĩ Ấn tượng, như Pierre-Auguste Renoir, đã áp dụng lý thuyết màu sắc mới, sử dụng các cặp màu bổ sung để làm nổi bật lẫn nhau. Ví dụ, trong tác phẩm The Skiff (La Yole) của Renoir, chiếc thuyền màu cam nổi bật trên nền nước xanh coban, hai màu đối lập trên quang phổ màu khiến cả hai trở nên sâu và sống động hơn. Kỹ thuật này giúp các màu sắc đạt hiệu ứng mạnh mẽ và thu hút người xem vào trải nghiệm thị giác sinh động.

PIERRE-AUGUSTE RENOIR

Quan trọng hơn cả, các họa sĩ Ấn tượng cố gắng tái hiện cách mà mắt người nhận diện cảnh quan: chúng ta không nhìn thấy mọi chi tiết của mỗi chiếc lá, khuôn mặt hay bóng đổ, mà nhận ra chúng qua những mảng màu sắc và ánh sáng chung. Thay vì vẽ chi tiết tỉ mỉ, họ tập trung vào việc truyền tải cảm giác tổng thể, cách mà ánh sáng biến đổi theo từng khoảnh khắc, mang lại trải nghiệm tự nhiên và gần gũi với thực tế hơn. Trường phái Ấn tượng từ đó đã mở ra một phong cách hội họa mới, nơi màu sắc và ánh sáng trở thành những yếu tố chủ đạo, tái hiện chân thực cách chúng ta nhìn và cảm nhận thế giới.

Claude Monet, Water Lilies

Cuộc đời không thơ mộng như tranh của Claude Monet

Claude Monet và Camille Doncieux kết hôn vào năm 1870 ngay trước chiến tranh Pháp-Phổ và họ di cư sang Anh. Sau khi chiến tranh kết thúc, họ chuyển đến sống ở Argenteuil vào cuối năm 1871. Tại đây, Monet dành thời gian để sáng tác nhiều tác phẩm phong cảnh ven sông Seine, nhưng cuộc sống gia đình không mấy êm ấm. Camille mắc bệnh vào năm 1876 và sức khỏe dần suy yếu, đặc biệt sau khi sinh người con thứ hai, Michel, vào năm 1878. Đến ngày 5 tháng 9 năm 1879, Camille qua đời vì bệnh lao, để lại Monet trong nỗi đau và sự tiếc nuối sâu sắc.

Sau cái chết của Camille, Monet quyết tâm vượt qua khó khăn về tài chính và bắt đầu một thời kỳ sáng tác mạnh mẽ, được coi là đỉnh cao của thế kỷ 19. Trong giai đoạn này, ông sáng tác hàng loạt tác phẩm phong cảnh và cảnh biển, nỗ lực ghi lại vẻ đẹp của làng quê nước Pháp qua các nhóm tranh.

Năm 1878, gia đình Monet tạm thời chuyển đến sống trong ngôi nhà của Ernest Hoschedé (1837-1891), một chủ cửa hàng bách hóa giàu có và là người bảo trợ nghệ thuật và vợ của ông Alice Hoschedé. Cả hai gia đình sau đó cùng chia sẻ một ngôi nhà ở Vétheuil trong mùa hè. Sau khi Ernest Hoschedé phá sản và rời đi Bỉ vào năm 1878. Đến tháng 9 năm 1879, trong khi Monet tiếp tục sống tại ngôi nhà ở Vétheuil, Alice Hoschedé đã giúp ông nuôi dạy hai con trai là Jean và Michel, đưa chúng đến Paris sống cùng sáu người con của bà, gồm Blanche, Germaine, Suzanne, Marthe, Jean-Pierre và Jacques. Vào mùa xuân năm 1880, Alice Hoschedé và tất cả các con rời Paris và quay lại Vétheuil để sống cùng Monet. Đến năm 1881, tất cả họ chuyển đến Poissy, nhưng Monet rất ghét nơi này. Từ cửa sổ trên chuyến tàu nhỏ giữa Vernon và Gasny, ông phát hiện ra Giverny. Vào tháng 4 năm 1883, tất cả họ chuyển đến Vernon, rồi đến một ngôi nhà ở Giverny, thuộc Eure, vùng Thượng Normandy, nơi ông đã trồng một khu vườn lớn và vẽ tại đó trong phần lớn quãng đời còn lại của mình. Sau khi chồng Alice qua đời, bà kết hôn với Claude Monet vào năm 1892, và họ cùng nhau tạo dựng cuộc sống hạnh phúc và sáng tạo tại Giverny cho đến cuối đời Monet.

DSCF8228

Những năm tháng của Monet ở Giverny

Xây dựng khu vườn

Giverny là nơi Monet tìm thấy nguồn cảm hứng vô tận cho các tác phẩm nghệ thuật của mình. Bắt đầu cuộc sống tại Giverny, họ thuê một ngôi nhà và hai mẫu đất từ một chủ đất địa phương. Ngôi nhà này nằm gần con đường chính giữa các thị trấn Vernon và Gasny, và chỉ cách các trường học địa phương một quãng ngắn, thuận tiện cho các con của Monet học hành. Khu đất có một kho chứa được sử dụng làm studio vẽ, các vườn cây ăn quả và một khu vườn nhỏ, nơi Monet có thể sáng tạo. Vẻ đẹp của cảnh vật xung quanh, đặc biệt là những khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, đã trở thành nguồn cảm hứng không ngừng cho các tác phẩm của ông.

Monet bắt đầu phát triển và cải tạo khu vườn của mình, và đây cũng là nơi ông vẽ hầu hết các tác phẩm sau này. Đặc biệt, Monet tạo ra một khu vườn hoa súng, một cái ao với cầu gỗ Nhật Bản bắc qua, các cây liễu rủ và các loài thực vật khác. Tất cả những yếu tố này đã trở thành những chủ đề trung tâm trong các loạt tranh nổi tiếng của ông. Khu vườn này không chỉ là nơi Monet thể hiện tình yêu với thiên nhiên mà còn là không gian sáng tạo tuyệt vời cho ông.

Những loạt tranh ấn tượng

Sự nghiệp của Monet bắt đầu phát triển mạnh mẽ hơn khi các tác phẩm của ông được bán ra ngày càng nhiều nhờ sự hỗ trợ của đại lý tranh của Paul Durand-Ruel. Điều này giúp Monet có đủ tài chính để mua lại ngôi nhà và khu đất nơi ông sinh sống, cùng các công trình xung quanh vào năm 1890. Trong những năm tiếp theo, ông còn xây dựng một nhà kính và một studio thứ hai, rộng rãi và đầy đủ ánh sáng, nơi ông tiếp tục sáng tác.

DSCF8178

Những năm cuối đời, Monet chuyển sang vẽ các loạt tranh (series), trong đó ông khắc họa những chủ đề giống nhau nhưng dưới các điều kiện ánh sáng và thời tiết khác nhau. Một trong những loạt tranh đầu tiên của ông là Haystacks (Đống rơm), được vẽ từ các góc nhìn và vào các thời điểm trong ngày khác nhau. Những loạt tranh nổi tiếng khác của Monet bao gồm Rouen Cathedral (Nhà thờ Rouen), Poplars (Cây dương), The Houses of Parliament (Những ngôi nhà quốc hội). Bên cạnh đó, ông còn vẽ những cảnh vật dọc theo bờ sông Seine.

Giữa những năm 1883 và 1908, Monet đã có nhiều chuyến đi đến Địa Trung Hải, nơi ông vẽ những cảnh đẹp, danh lam thắng cảnh, và phong cảnh biển, chẳng hạn như ở Bordighera. Ông cũng vẽ một loạt tranh quan trọng ở Venice, Italy, và tại London, Monet vẽ hai loạt tranh nổi tiếng là những cảnh quan về Houses of Parliament và những cảnh về Charing Cross Bridge.

DSCF8236

Cuộc sống của Monet tại Giverny không chỉ có sự nghiệp sáng tác mà còn đầy ắp sự thay đổi trong cuộc sống cá nhân. Vợ của ông, Alice, qua đời vào năm 1911, và con trai cả của ông, Jean, kết hôn với Blanche, con gái của Alice và là người mà Monet rất yêu quý. Jean qua đời vào năm 1914, để lại Monet trong nỗi buồn.

DSCF8230

Bệnh đục thủy tinh thể và khát khao nghệ thuật

Trong giai đoạn này, sức khỏe của Monet bắt đầu suy giảm, và ông phát hiện có dấu hiệu của bệnh đục thủy tinh thể. Ông gặp khó khăn trong việc nhìn các chi tiết của cảnh quan, đồ vật và nhận biết màu sắc. Dù được bác sĩ chẩn đoán tình trạng mắt, Monet vẫn phớt lờ, mong bệnh tự khỏi. Họa sĩ cố gắng vẽ, nhưng chỉ thực hiện lúc gần bình minh và hoàng hôn, khi ánh sáng dịu nhẹ để tránh chói mắt. Những bức tranh vẽ trong thời gian này có một sắc thái đỏ đặc trưng, phản ánh sự thay đổi trong thị lực của ông.

Trong suốt Chiến tranh Thế giới I, khi con trai Michel của ông tham gia quân đội và người bạn thân Clemenceau lãnh đạo đất nước, Monet vẽ một loạt tranh về những cây Liễu rủ như một sự tưởng nhớ những người lính đã hy sinh. Trong thời gian này, Monet phải trải qua hai ca phẫu thuật mắt vào năm 1923 để điều trị bệnh đục thủy tinh thể. Ông quyết định phẫu thuật một năm sau đó vì không còn lựa chọn, song chỉ mổ một mắt để phòng trừ rủi ro. Sau khi phẫu thuật, Monet đã tiếp tục vẽ lại một số bức tranh, và những hoa súng của ông có màu sắc tươi sáng hơn, đặc biệt là màu xanh của hồ nước. Trong loạt tranh Water Lilies (Hoa súng), Monet vẽ cảnh vật xung quanh ao nước vào các thời điểm khác nhau trong ngày và qua các mùa khác nhau. Hoa súng trở thành một phần quan trọng trong sự nghiệp của ông và luôn là những bức tranh khiến những phiên đấu giá phải dậy sóng và giá trị lên tới gần 100 triệu USD. Hoa súng cũng là bức mình hay nhìn thấy trong các phim về giới nhà giàu.

Monet qua đời vào ngày 5 tháng 12 năm 1926 ở tuổi 86 vì bệnh ung thư phổi và được chôn cất tại nghĩa trang Giverny.

Monet water lily

Ánh sáng, mặt nước, hoa súng trong khu vườn của Claude Monet

Năm 1893, Monet mở rộng khu vườn của mình bằng cách mua một mảnh đất nằm bên kia đường sắt. Ông đã đào một cái ao quanh đó, nơi ông trồng những loài thực vật quý hiếm từ châu Á: hoa mẫu đơn, cúc, tre, liễu rủ, cây phong và cây anh đào, những loài cây đã hoàn thiện bức tranh khu vườn đầy màu sắc mà Monet đã xây dựng từ bãi đất hoang tàn. Hoa anh đào báo hiệu mùa xân, hoa súng nở rộ vào mùa hè, mùa thu lá phong đỏ, vào mỗi mùa theo chu kỳ của thời gian khu vườn của Monet sẽ lại mang một dáng vẻ riêng.

DSCF8234

Mình đến Khu vườn của Monet vào một ngày nhiều mây. Mình không biết khu vườn này đẹp như trong tranh hay chính những vức tranh đã vẽ lại vẻ đẹp của khu vườn ấy. Có 2 điều mình hơi tiếc đó là ngày mình đi không có nắng và cũng vào cuối hè nên hoa lá không được rực rỡ.

Khu vườn của Monet được chia thành hai phần chính: khu vườn hoa và khu vườn ao nước. Cửa vào sẽ đi qua khu bán đồ lưu niệm trước, rồi qua sân nhà sau đó ra vườn. Khu vườn hoa nằm ngay phía trước ngôi nhà, sum suê hoa lá (không có cây ăn quả), với những loài hoa rực rỡ như hoa thược dược, hoa hồng, hoa tử đằng, hoa cúc vàng, và hoa hướng dương. Một lối đi nhỏ dẫn đến ao nước. Đây là nơi Monet vẽ những bức tranh nổi tiếng nhất của mình. Ao được bao quanh bởi các cây liễu rủ, cây cầu Nhật Bản nhỏ bắc qua và những loài hoa súng nở trên mặt nước (đó là về lý thuyết, nhưng hôm mình đi không phải mùa nên chủ yếu là lá hoa súng).

Ngôi nhà của Monet là một ngôi nhà nông thôn kiểu Pháp với mái ngói, được sơn màu hồng nhạt với các cửa sổ và cửa ra vào màu xanh lá cây đặc trưng, bao quanh bởi dàn hoa lá. Trong ngôi nhà có các phòng như phòng khách, phòng ăn, và phòng ngủ nhỏ, mỗi phòng đều được thiết kế để mang đến cảm giác gần gũi với thiên nhiên và sự yên bình. Phòng khách có rất nhiều tranh. Tất nhiên là những bức nổi tiếng nhất có giá mấy triệu USD không được trưng bày ở đây. Vào trong khuôn viên này, mình cảm giác một một sự giản dị và yên bình. Mình đã từng đến những lâu đài và ngôi nhà giới quý tộc ở Anh, đó là một kiểu khác hẳn. Ngay cả những bức tranh ở đây cũng bình dị và yên ả như mặt hồ nước phản chiếu cành liễu và hoa súng ngoài kia. Đó là phong cách của một người yêu nghệ thuật đích thực, không phô trương.

Những người mình gặp ở Giverny

Mình đi một mình nên mình phải nhờ người chụp. Khi đến hồ nước, mình gặp một cặp vợ chồng, thấy bác trai chụp ảnh cho bác gái, và họ nói tiếng Việt. Mình hỏi, “Cô chú có muốn cháu chụp cho 2 người một tấm không?” Chú ấy vui vẻ đồng ý, và sau đó chú ấy chụp cho mình, còn cố gắng đứng lên cao để giúp mình lấy cả cây cầu và hồ nước. Chú còn tự hào “Chú chụp ảnh đẹp lắm đấy”. Ra đến ngoài ngôi nhà, mình lại gặp một cặp vợ chồng lớn tuổi khác. Mình hiểu họ cũng đã đi một chặng đường dài đến đây và nếu chỉ đi 2 người sẽ khó có nhiều bức ảnh kỷ niệm cùng nhau, vậy là mình lại hỏi “Do you want a picture together” và họ vui vì sự hào phòng đó. Mình mong bố mẹ mình đi đâu cũng có người giúp họ chụp để lưu giữ kỷ niệm.

Mình đi lại ngôi nhà, và ngồi ở sân một lúc, rồi ghé qua cửa hàng đồ lưu niệm, nghĩ mãi mua gì về, chắc chắn mình phải mua gì đó. Mình mua một bức hoa súng khổ nhỏ về treo trong phòng và tấm postcard cho thầy. Về thầy mình rất vui nói là “vì bức thư giới thiệu xuất sắc của thầy mà mình mới có visa” :D. Mình vẫn nhớ mùi hoa cam trong kem tay bán trong cửa hàng lưu niệm.

Bảo tàng nghệ thuật Ấn tượng – tranh của Hiramatsu Reiji

Bảo tàng nghệ thuật Ấn tượng nằm ngay cạnh bến xe bus. Bảo tàng rất hiện đại, không có khu vực trưng bày cố định mà trưng bày tranh theo chủ đề trong một khoảng thời gian nhất đinh. Đoạn này khiến mình hơi thất vọng, vì mình muốn đọc về lịch sử trường phái Ấn tượng. Nhưng triển lãm này, giúp mình hiểu thêm về cảm hứng nghệ thuật của Monet.

Hôm mình đi, bảo tàng trưng này các tác phẩm của Hiramatsu Reiji một họa sĩ người Nhật Bản. Ông đã dành 50 năm sáng tác để tạo nên sự kết nối giữa phong cách nghệ thuật Ấn tượng và tranh truyền thống Nhật Bản. Tranh truyền thống Nhật Bản ảnh hưởng khá nhiều tới phong cách nghệ thuật của các nghệ sĩ Van Gogh và ngay cả Monet. Van Gogh từng vẽ lại những bức tranh Nhật Bản thời kỳ ông còn học vẽ, và ngay cả cây cầu trong hồ nước của Monet cũng lấy cảm hứng từ Nhật Bản.

Hiramatsu Reiji

Hiramatsu sinh năm 1941 tại Tokyo, ông bắt đầu sự nghiệp hội họa từ khá sớm. Ông bắt đầu với tranh sơn dầu, nhưng ông dần bị thu hút bởi kết cấu và cách sự dụng màu sắc của tranh Nhật Bản truyền thống nên sau đó chuyển sang kỹ thuật nihonga – một phong cách hội họa truyền thống của Nhật Bản. Vào những năm 1980s, ông nhận được nhiều giải thưởng danh giá tại Nhật Bản. Năm 1994, bảo thàng JAL ở Paris trưng bày các tác phẩm của Hiramatsu. Chính tại đây, ông khám phá ra loạt tranh Grandes Decoration của Claude Monet được trưng bày tại Musee de L’Orangerie. Loạt Grandes Décorations gồm nhiều bức tranh lớn với chiều dài lên tới 6,5 mét (hơn 21 feet). Monet sáng tác những tác phẩm này vào những năm cuối đời khi không mắc chứng đục thủy tinh thể. Những tác phẩm được vẽ để trưng bày trên những bước tường lớn của Bộ Công trình công cộng Pháp ở Paris như những bức tranh tường liên tục, giúp người xem cảm thấy như mình đang chìm đắm trong thế giới màu sắc và ánh sáng của Monet. Các chủ đề của những bức tranh này chủ yếu tập trung vào những bông hoa sen trong khu vườn của ông, nhưng với sự nhấn mạnh vào phản chiếu, trò chơi ánh sáng trên mặt nước và những thay đổi về không khí qua các thời điểm trong ngày và mùa.

Sự khám phá này là bước ngoặt trong sự nghiệp của Hiramatsu, thôi thúc ông đến Giverny nhiều lần và sáng tác những tác phẩm trên mặt hồ hoa súng của Monet.

Hiramatsu Reiji

Hiramatsu, Monet và Nhật Bản

Năm 1854, Nhật Bản đã chấm dứt hơn hai thế kỷ tự cô lập và thiết lập quan hệ thương mại và ngoại giao mới với phần còn lại của thế giới. Trong những năm 1860, lần đầu tiên, nhờ vào một số giao thương chuyên biệt, các nhà yêu thích nghệ thuật ở Paris có thể mua các tác phẩm nghệ thuật truyền thống Nhật Bản mà trước đó hoàn toàn xa lạ với họ. Tại Triển lãm Toàn cầu 1867 tại Paris, lần đầu tiên nghệ thuật Nhật Bản tham gia chính thức vào một sự kiện quốc tế như vậy và nhận được sự hoan nghênh nồng nhiệt. Không lâu sau, ảnh hưởng của Nhật Bản – japonisme – đã bắt đầu len lỏi vào mọi lĩnh vực sáng tạo châu Âu.

Claude Monet đã tự mình sưu tập 231 bản in Nhật Bản, bao gồm nhiều tác phẩm của Hokusai (1760–1848) và Hiroshige (1797–1858). Ông thường bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với các nghệ sĩ Nhật Bản, thừa nhận ảnh hưởng của họ lên tranh ấn tượng thông qua màu sắc, cách đóng khung hình ảnh và chủ đề. Khu vườn, hồ nước của Monet tại Giverny có những hình mẫu và họa tiết lấy cảm hứng từ Nhật Bản. Năm 1894, Monet bắt đầu vẽ những phản chiếu thay đổi của những bông hoa súng trong hồ nước của mình, sử dụng khu vườn nước này để tạo ra một khung cảnh sống động, thoát khỏi các quy ước của tranh phong cảnh phương Tây.

Trong các tác phẩm của mình, Hiramatsu, với kỹ năng và nhạy cảm của một họa sĩ nihonga, khám phá sự say mê của Monet đối với nghệ thuật Nhật Bản trong một cách tiếp cận mà ông mô tả là “the return of japonisme to Japan” – nơi nước Nhật lấy lại tầm ảnh hưởng của mình.

Phong cảnh thiên nhiên trong tác phẩm của Hiramatsu không chỉ gợi lên vẻ đẹp thanh tịnh của hoa và cây cỏ mà còn ẩn chứa biểu tượng văn hóa và tôn giáo của Nhật Bản. Ông thường sử dụng những hình ảnh như hoa anh đào, lá phong, và cây tre – những biểu tượng của sự thanh bình, phồn thịnh và đổi mới trong văn hóa Nhật Bản. Cách sử dụng màu sắc và kết cấu của ông, kết hợp với kỹ thuật nihonga, mang đến sự tinh tế, trầm mặc và gần như trừu tượng, tạo nên một không gian nghệ thuật đậm chất thiền.

Kỹ thuật nihonga của Hiramatsu

Thuật ngữ nihonga được tạo ra vào những năm 1880, khi Nhật Bản bắt đầu hiện đại hóa trong thời kỳ Minh Trị (1868–1912). Nihonga có nghĩa là “hội họa Nhật Bản” và được đặt ra để phân biệt với yōga – một phong cách hội họa chịu ảnh hưởng của phương Tây. Trong thời gian này, nhiều nghệ sĩ và trí thức Nhật Bản lo ngại rằng các giá trị nghệ thuật truyền thống có thể bị mai một trước làn sóng phương Tây hóa. Nihonga ra đời như một nỗ lực để bảo tồn và phát triển các kỹ thuật vẽ tranh truyền thống của Nhật, trong khi vẫn mở cửa đón nhận một số ảnh hưởng của hội họa hiện đại.

DSCF8126

Nihonga được hình thành từ các giai đoạn lịch sử lâu dài của nghệ thuật Nhật Bản, vốn đã trải qua nhiều lần giao lưu và tiếp thu ảnh hưởng từ bên ngoài, như phong cách từ Trung Quốc và sau đó là từ phương Tây. Dù vậy, nihonga vẫn giữ những đặc trưng riêng biệt với những màu sắc và phong cách phản ánh tinh thần và bản sắc Nhật Bản.

Kỹ thuật nihonga là một quy trình phức tạp đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn. Các nghệ sĩ sử dụng sắc tố tự nhiên từ khoáng chất, đất, động vật, và thực vật để tạo ra màu sắc. Chất màu tự nhiên thường bao gồm những thành phần như bột vỏ sò nghiền, cũng như sắc tố từ đá quý hoặc khoáng sản. Các sắc tố này được trộn với nikawa – một loại keo làm từ da và xương động vật, thường từ bò hoặc cá, để giúp màu bám chặt lên bề mặt tranh.

Các bề mặt phổ biến cho nihonga gồm giấy washi Nhật Bản dán lên khung gỗ, lụa căng lên khung, hoặc bông và vải gai. Trước khi màu sắc được áp dụng, các đường nét của bức tranh thường được phác thảo bằng mực đen sumi. Sau đó, các lớp màu được thêm vào một cách tỉ mỉ với từng sắc độ, thay vì trộn các màu lại với nhau. Nghệ sĩ không pha trộn màu mà thay vào đó là chồng các lớp màu nguyên chất lên nhau để tạo ra chiều sâu và sắc thái.

Để tăng cường hiệu ứng thị giác, họa sĩ có thể thêm các lá kim loại như vàng, bạc, hoặc đồng vào bề mặt tác phẩm, tạo nên các hiệu ứng lấp lánh, trang trí cao. Kỹ thuật này giúp tăng cường vẻ đẹp và chiều sâu của các tác phẩm nihonga, mang đến một phong cách độc đáo, vừa truyền thống vừa hiện đại.

Các chi tiết trong tranh nihonga thường thể hiện sự tôn kính đối với thiên nhiên và vũ trụ, mang đậm triết lý Phật giáo và Thần đạo của Nhật Bản, với những hình ảnh quen thuộc như hoa anh đào, tre, và lá phong. Nghệ thuật này không chỉ phản ánh vẻ đẹp tự nhiên mà còn thể hiện sự hài hòa và cân bằng với thiên nhiên. Nihonga mang đến một thế giới nghệ thuật tinh tế, nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, gợi mở triết lý sống của người Nhật: sự thanh bình, yên tĩnh và tôn trọng tự nhiên.

DSCF8127

Kỹ thuật nihonga của Hiramatsu là một quá trình phức tạp, sử dụng sắc tố tự nhiên từ khoáng chất, động thực vật, kết hợp với lá kim loại như vàng, bạc để tạo nên những hiệu ứng trang trí độc đáo. Bằng cách không pha trộn màu sắc mà thay vào đó là áp dụng từng lớp màu nguyên chất, các tác phẩm của ông toát lên vẻ đẹp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Trong nghệ thuật của mình, Hiramatsu không ngừng khám phá những giới hạn của nghệ thuật tượng hình, lấy cảm hứng từ sự trừu tượng của Monet nhưng đồng thời luôn gắn bó với những giá trị tinh thần và triết lý phương Đông.

Thông qua sự nghiệp của mình, Hiramatsu không chỉ truyền tải vẻ đẹp của thiên nhiên và văn hóa Nhật Bản mà còn tạo nên một cây cầu nối giữa nghệ thuật Nhật Bản và nghệ thuật phương Tây, một sự hồi sinh của japonisme. Các tác phẩm của ông là sự hòa quyện giữa cái đẹp tự nhiên, sự yên bình và lòng tôn kính đối với thiên nhiên, một triết lý quan trọng mà ông đã học được từ Monet – sự thanh thản trước vẻ đẹp của tự nhiên.

Tạm biệt Giverny

Mình đi dạo lại khu vườn một lần nữa, rồi quay lại Paris, đi bộ ra bến xe bus trời bắt đầu mưa. Thật may mắn, có lẽ trời vẫn thương mình để mình được đi dạo trong khu vườn rồi mới đổ mưa. Về đến Paris trời mưa tầm tã. Mình ghé vào cửa hàng ăn một chiếc bánh Crepe trước khi về. Paris hoa lệ, những cửa hàng về đêm lên đèn vàng lấp lánh dưới cơn mưa, cảm giác thật giống những khu phố sang chảnh ở London, khác với màu xanh mát rượi của khu vườn sáng nay.

Một chuyến đi đáng giá. Mình đã vượt qua được nỗi sợ khi đến nơi xa lạ, và khám phá một thế giới nghệ thuật. Những điều mình muốn làm sau chuyến đi này là viết 1 bài blog về Monet và trường phái ấn tượng (và mình đã làm) và mua một cuốn sách để đọc nhiều hơn về Monet. Câu chuyện về Monet và trường phái Ấn tượng lại một lần nữa nhắc mình về câu chuyện của “những kẻ cứng đầu”. Khi bạn làm một điều gì đó khác biệt và mãi không có kết quả, người ta gọi đó là cứng đầu, thậm chí dở hơi, nhưng khi bạn thành công người ta sẽ gọi đó là kiên trì dũng cảm và có thể là thiên tài. Bởi thế, làm một kẻ cứng đầu có làm sao nhỉ, dù cuộc sống có đầy sóng gió cứ miễn lòng ta được yên bình như mặt hồ phản chiếu đóa hoa thơm và cành liễu rủ, ta sẽ luôn tìm thấy hạnh phúc của riêng mình.

Nguồn tham khảo:


Cám ơn bạn đã đọc đến đây. Nếu bạn thấy thú vị và bổ ích hãy chia sẻ với bạn vè và đừng quên theo dõi qua Email để không bỏ lỡ những bài viết mới trên Blog. Bạn có thể để lại bình luận để cho mình biết nội dung nào bạn đang quan tâm, cũng như để lại email để mình gửi cho bạn những tài liệu hữu ích.

Theo dõi để nhận Newsletters

Theo dõi Fanpage để nhanh chóng cập nhật bài viết và chia sẻ mới nhất: https://www.facebook.com/Violetstoryblog