
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Bài viết này sẽ không phải về những lợi ích của thiền định. Có lẽ bạn cũng đã từng đọc và từng nghe rất nhiều những nội dung nói về sự kỳ diệu của thiền định rồi. Nhưng không biết liệu bạn từng có cảm giác như mình, cố gắng nhắm mắt và hít thở nhưng khi mở mắt ra, chẳng thấy gì thay đổi cả, vẫn lo âu, vẫn stress. Mình đã từng viết một bài về Mcmindfulness, công nghiệp chữa lành, nói về việc chánh niệm bị thương mại hóa, và những sự thật chỉ được tiết lộ một nửa, biến chánh niệm trở thành một “liều thuộc vi diệu” cho mọi vấn đề trong cuộc sống, và bởi thế nó trị giá cả triệu USD. Những điều mình viết dưới đây không phải phủ nhận những lợi ích về sức khỏe tinh thần của thiền đinh, mà là hành trình mình đến với những lợi đó ra sao, những điều mà chưa ai từng nói tới cả.
Trải nghiệm thiền định của mình trước đây
Mình đã tự tập thiền định từ khá lâu. Mình đọc ít nhất 5 cuốn sách về thiền định, chánh niệm mà mình đã từng review trên instabook của mình: Thiền chữa lành Thân tâm trí, Mindfulness on the go, The power of now, Làm sạch tâm hồn qua các bài tập thiền, Yin Yoga. Chưa kể các cuốn sách nhắc tới thiện định như một phương pháp khác cùng với những video. Thậm chí mình còn mua cả thẻ bài. Khi mình bắt đầu tìm hiểu tới Tâm linh mình cũng thực sự dành thời gian để ngồi thiền. Mỗi sáng mình sẽ lên phòng thờ đọc một bài Kinh, rồi ra sân thượng tập Yoga, ngồi thiền 12 phút đợi cho hương tàn rồi mới đi làm. Mình nói điều đó không phải để thể hiện mình sống lành mạnh thế nào đâu, chỉ là mình rất tin tưởng và những công dụng của thiền định, và mong muốn thực hành và đạt được những lợi ích đó.
Đây là một trong những video về thiền định mà mình rất thích
Tuy vậy, sau bao nhiêu sách đã đọc, bao nhiêu video đã xem, bao nhiêu podcast và bài dẫn thiền đã nghe, cài đặt ứng dụng Calm, Plum Village trong điện thoại… trải nghiệm về thiền định của mình không hề vi diệu như thế. Mình có thể dễ dàng tìm thấy một video có bài dẫn thiền và thực hành theo. Trải nghiệm thực tế, khi nghe dẫn thiền mình thấy không hợp. Nó giống như năng lượng không khớp nhau, và mình cảm thấy không thực sự thả lỏng mỗi lần nghe dẫn thiền đó, bởi thế mà mình thường chỉ nghe nhạc thiền hoặc tiếng chuông và cố gắng tập trung. Trong nhiều buổi workshop, mọi người thường hướng dẫn body scan. Cũng thật lạ, nhắm mắt vào, hít thở, tập trung vào từng bộ phận trong cơ thể, người ta nói khi mở mắt ra sẽ thấy thoải mái, nhưng mình chẳng thấy gì cả. Thậm chí có những lúc thiền, mình tập trung thật, nhưng lại là tập trung suy nghĩ về điều mình đang lo lắng. Hôm trước, mình xem một short video, có bạn còn diễn tả, ngồi thiền xong còn thấy “phê” nữa cơ, và bạn ấy diễn như thể … vừa hút cần xong vậy (Xin lỗi vì mình không biết so sánh thế nào). Tất cả những trải nghiệm ấy khiến mình nghi ngờ bản thân, và mình bỏ cuộc. Mình sẽ cố gắng tập trung, mình thực thành theo cuốn Deep Work của Cal Newport, khi ăn mình chỉ tập trung ăn không xem điện thoại nữa. Mình vẫn ổn dù mình không ngồi thiền và tất nhiên là sẽ không có cuộc sống nên thơ được như mấy chị đẹp trên Youtube.
Một thông điệp từ vũ trụ
Mình có một người bạn sống ở Leeds. Mỗi cuối năm mình lên phía bắc chơi, ở nhà cô ấy. Mỗi lần bước vào phòng cô ấy, mình cảm giác rất bình yên và ấm áp với mùi xả chanh, và không gian gọn gàng. Cô ấy có một góc thiền định, xếp những đồ tâm linh, và mỗi tối thiền xong, cậu ấy còn ghi lại trải nghiệm khi thiền nữa. Mỗi lần nghe cô ấy kể về trải nghiệm như một giấc mơ đó, mình thấy rất tò mò. Cuối năm vừa rồi, lên Leeds, cô ấy dẫn mình đến một cửa hàng Spiritual rồi mua tặng mình 3 hộp trầm hương, như một lời nhắc nhở, hãy về nhà và ngồi xuống tập thiền lại đi.
Đầu năm, khi mình tham gia sự kiện ở Coventry. Mình làm thư ký sự kiện nhưng do mình đi từ Nottingham, tàu xe không tiện nên nhờ được 2 bạn sinh viên học Warwick hỗ trợ check-in đầu giờ. Đến giữa sự kiện, mình ra ngoài, nói chuyện với 2 đứa. Giữa những câu chuyện rất tào lao về cuộc sống sinh viên, câu lạc bộ, hội nhóm, ăn Tết thế nào. Mấy đứa đang nói về câu lạc bộ cầu lông, quay sang hỏi mình có tập môn gì không. Mình bảo chị tập mỗi môn Typing & Writing. Chắc khi đó ấn tượng của 2 đứa em về bà chị này là vô cùng lêu lổng. Tiếp đến, cậu em trai hỏi mình có tập thiền không. Ôi là trời, mình nói thật thà y như những gì mình viết ở trên. Sau đó, em ấy giới thiệu cho mình một apps tên là Medito, nói là mình chỉ cần bật lên và có thể đi vào giấc ngủ luôn. Mình bảo, ngày nào chị nằm xuống là ngủ ngất lịm luôn đâu cần đếm con cừu nào, cả ngày đi học về mệt lừ đừ. Thế cậu em gật gật, nhưng mình cảm thấy đó như một lời nhắc nhở “đền lúc chị bớt lêu lổng được rồi đấy”. Mình cài apps ngay tại đó. Và tối hôm đó, sau khi mò xem ứng dụng Medito có gì, mình thực hành theo 30-day mindfulness challenge của app. Cứ mỗi tối tầm 22h mình sẽ ngồi thiền định 20 phút hoặc 8-10 phút vào buổi sáng tùy theo bài hướng dẫn của ứng dụng. Có một vài ngày bỏ tập nên đến hôm nay mình mới hoàn thành 30 ngày.
Những điều mình cảm nhận được
Sau đây mình sẽ khen cái ứng dụng Medito này tốt hơn tất cả những ứng dụng hay hướng dẫn thiền định mà mình từng trải nghiệm. Đây là ứng dụng hoàn toàn miễn phí, không có quảng cáo, và mình cũng không có được trả gì đề quảng cáo cho ứng dụng này đâu nhé. Ngắn gọn là, Medito đã thay đổi tất cả trải nghiệm của mình đối với thiền định.
Những lo âu không tự biến mất chỉ sau vài hơi thở
Điều mình thích ở Medito đó là một phương pháp có hệ thống và những kỹ thuật phù hợp cho một người chưa biết gì. Trong 30 ngày, Medito hướng dẫn cho mình những phương pháp và kỹ thuật quan sát và dõi theo hơi thở của mình. Ngày đầu tiên bắt đầu bằng một bài giới thiệu về thiện định. Ngày thứ 2 là lời nhắc nhở hình thành một thói quen, rồi tiếp đến là một vài kiến thức khoa học thần kinh và tâm lý về thiền đinh, chánh niệm. Sau đó mỗi ngày mình đi qua từng phương pháp, thay đổi những định kiến và phán xét của mình cũng như những kỳ vọng dành cho việc thiền định. Mỗi ngày, nội dung kiến thức từng chút một đi cùng với thực hành.
Một trong những phương pháp mình thích thấy ấn tượng nhất đó là Labelling thoughts and feelings – Dán nhãn. Khi ngồi thiền, mình tập trung vào hơi thở và quan sát những suy nghĩ đến và đi. Với mỗi suy nghĩ đến mình sẽ quan sát nó, và xem liệu đó là quá khứ hay tương lai, lo âu hay những suy nghĩ tiêu cực, định kiến hay phán xét. Và mỗi lần nhận ra đó một điều không có vai trò gì trong hiện tại, mình nhẹ nhàng đề nó đi, không cần phải bận tâm nữa. Khi để những điều thuộc về quá khứ và tương lai ấy đi, mình mới có thể tập trung vào hiện tại. Bởi vậy, quá trình thiền định với mình là quá trình quan sát, nhận biết và buông thư. Nhận ra những điều không cần phải bận tâm nữa để chúng đi và từ đó, để tập trụng vào điều có ý nghĩa hơn cho hiện tại thay vì điều trước đây mình vẫn hiểu sai đó là tập trung vào điều tốt đẹp để quên đi những nỗi sợ và lo âu khác.
Hành trình khám phá và tu tập không hề nhẹ nhàng và thoải mái
Mỗi ngày, mình đi từng chút một, với mình thiền định là một quá trình học hỏi, khám phá và tu tập, và chuyện học hành với mình chưa bao giờ là điều dể dàng và thoải mái. Những điều không dễ dàng này bao gồm việc thêm một điều cần làm trong ngày, hình thành một thói quen, và ngay cả việc ngồi yên một chỗ 20 phút cũng không đơn giản chút nào. Sau đó là việc thay đổi cách suy nghĩ của bản thân và mình còn nhận tháy cả những suy nghĩ không mấy tốt đẹp ở sâu trong tâm thức của mình nữa.
Người nói ta phải mất ít nhất 21 ngày để hình thành một thói quen. Việc thực hiện đều đặn 1 việc mới không dễ dàng chút nào và mình cũng bỏ tập vài ngày. Sẽ rất dễ dàng để chúng ta nói rằng ngày nào chúng ta cũng bận rộn và mệt mỏi, còn thời gian và năng lượng đâu để làm nữa. Một chuyện khác cũng khá liên quan là thói quen tập thể dục của mình. Như đã nói ở trên, mình không tập thể dục, và mình thấy người mình vẫn rất ổn. Nhưng tuần vừa rồi, mình bị đau cổ. Mình còn sợ mình bị thoái hóa cột sống. có rất nhiều lý do để thoái thác, bận, mệt, không thích, nhưng cũng lại rất dễ dàng để hết bận, hết mệt, hết không thích để làm một điều gì đó có lợi cho bản thân, nhất là liên quan đến sức khỏe. Vậy 20 phút mỗi ngày cho việc thiền của mình lấy đâu ra? Mình lướt mạng ít hơn, mình đặt lịch 2 buổi tối trong tuần không dùng internet, 2 ngày trong tuần không mở mạng xã hội, và nếu có dùng thì chỉ dùng tối đa 15 phút một ngày. Ngoài ra, mình đọc truyện khi đi tàu đi học để mình vẫn có thể làm việc mình thích và thêm những việc khác. Và thực ra chỉ cần thay đổi 1 chút trong thời khóa biểu thôi mình đã có thêm 20 phút trong ngày rồi.
Hai mươi phút ngồi khoanh chân, cũng chẳng dễ dàng khi bắt đầu tê chân. Tập trung cũng là một kỹ năng phải rèn luyện. Khi mình chưa thể tập trung theo dõi hơi thở của mình, sẽ đến một lúc dầu mình bắt đầu nghĩ “Sao 20 phút nó lâu thế nhỉ? Mình tê chân quá, bao giờ xong nhỉ?”.
Cuối cùng, một điều khó khăn hơn tất cả là đối diện với những suy nghĩ của bản thân. Trong bài tập dán nhãn, mình nhận ra trong mình có rất nhiều phán xét và sợ hãi. Mình luôn cố gắng trở thành một người không có những điều xấu, nhưng rồi lại thấy mình không tốt đến vậy. Có những bài tập đi sâu và tâm thức, nỗi sợ, những tổn thưởng, và thế rồi những chuyện buồn trong quá khứ tự nhiên đến, và mình quan sát chúng. Thậm chí, có những ký ức mình nghĩ chúng rất bình thường nhưng lại nhận ra đó là lý do cho những nổi sợ của hiện tại. Có những lúc mình lại dán nhãn không đúng dẫn đến những cách xử lý không đúng. Cộng với việc, gần dây mình học Tarot và thực hành soi chiếu bằng Tarot, bao nhiêu điều cứ thế chồi lên. Hiểu đúng và chấp nhận bản thân, đặc biệt là những điều không tốt ở mình chưa bao giờ là điều dễ dàng.
Những kỳ vọng lớn lao – đến nỗi không với tới
Có lẽ trước đây, mình thấy không thể thực hành thiền định vì mình đã kỳ vọng sai. Nó giống nhưng mình mong muốn “lên tiên” sau một hơi thở mà không nhận ra có quá nhiều những trở ngại nặng nề đang giữ mình lại. Mình kỳ vọng rằng mọi thứ đều đến thật dễ dàng, rằng muộn phiền cứ thế mà tan biến, nhưng chẳng có một phép màu nào xảy ra cả. Và có lẽ, mình đã cố gắng được như những người đã thực hành thiện định từ rất lâu và kỳ vọng rằng mình cũng sẽ làm được như họ. Hoặc thậm chí là họ cũng chỉ xào lại nội dung đưa lên mạng xã hội nhưng thực sự không phải thế. Tóm lại, chẳng có gì phê, cảm giác khoan khoái hay tự nhiên nhìn về kiếp trước khi ta chỉ có nhắm mắt và ngồi yên một chỗ cả. Mình lại nhớ đến 1 cảnh phim trong Ăn cầu nguyện và yêu, khi Liz cố gắng tập thiền nhưng cô chỉ nghĩ đến việc rằng mình sẽ trang trí phòng thiền của mình khi về nhà ra sao, và người bạn nói với cô rằng vấn đề của thiền định không phải là căn phòng thiền mà là chính bản thân cô. Thiền định cũng chẳng phải là một lối sống, phong cách hay một biểu hiện hoa mỹ nào cả. Mình có thể ngồi trong một không gian hỗn loạn nhưng điều quan trọng là để lòng mình trở về với bình yên.
Học thở
Mình vẫn nhớ lần đầu tiên gặp một bạn tư vấn tâm lý. Trong 30 phút bạn ấy hướng dẫn mình điều quan trọng nhất mình từng học đó là cách thở. Thở tưởng chừng như một điều tự nhiên, trẻ con cũng biết thở, ai ngờ mình cũng thường xuyên thở vào lồng ngực. Cách thở đúng là thở lấy hơi vào bụng, qua mũi và thở ra bằng miệng. Khi ngồi thiền, mình nhận ra mình luôn gồng mình lên, chưa bao giờ mình thực sự thả lỏng. Có một thói quen hiện lên ngay trên gương mặt của mình đó là mình bị nhăn cằm mà mình không biết có cách nào chữa được. Mình gồng vai, và gồng cả cổ hòng nữa. Mỗi lần cố gắng thở để bụng phình ra, mình thấy có điều gì đó như tắc ở cổ họng, và mình thấy hơi thở của mình gấp gáp và loạn nhịp. Medito chỉ giúp mình làm việc với những suy nghĩ, còn để học cách thở, lại là một ứng dụng khác.
Tuần trước, khi mình nói chuyện với sếp của mình, chuyện nộp visa đi hội thảo có mấy khó khăn khiến mình căng thẳng. Mình rất sợ chuyện giấy tờ đặc biệt là những việc liên quan đến hộ chiếu của mình. Mỗi lần nộp nghiên cứu đi hội thảo, mình không thấy khó khăn về nội dung hay kết quả nghiên cứu, và cụ thể là reviewer nào cũng có một kiểu comment “Nghiên cứu tốt, viết tốt” nhưng chuyện khiến mình stress là có được visa để đi hội thảo. Đó là một nỗi sợ, có người có, có người không, nhưng mình sợ. Đến gần ngày đi nộp, giấy tờ của mình có vấn đề liên quan đến vé máy bay. Sau một màn than thở kéo dài 5 phút, Sếp mình bảo “You stress lắm đúng không? Stress là điều bình thường mà chúng ta thường gặp phải nên đừng cố che giấu nó”. Mình nói, mình cố gắng để vượt qua sự lo âu, nếu như là mình một năm trước, có lẽ điều này sẽ rất tệ, nhưng dạo gần đây sau khi tập thiền mình thấy mình kiếm soát được suy nghĩ, cảm xúc và tâm trạng tốt hơn. Sau đó, bạn ấy giấy thiệu cho mình ứng dụng thiền bạn ấy hay dùng tên là Resonant Breathing và nói rằng “Khi hơi thở ra mà dài hơn hơi hít vào, chúng ta sẽ bớt lo lắng hơn, đó là cơ chế của thần kinh”. Điều này là theo sếp mình và cái ứng dụng nói nhé, mình chưa đọc nghiên cứu nào cả.
Ứng dụng Resonant Breathing cũng rất đơn giản, không quảng cáo, miễn phí. Nó có đúng một hình người ngồi thiền và hình lá phổi, có 2 âm thanh, tiếng chuông báo hiệu khi nào thì hít vào, tiếng chuông kiểu khác báo hiệu khi nào thở ra. Mình có thể điều chỉnh thời gian thiền, tỉ lệ thời gian giữa hít vào và thở ra (ví dụ 50:50 hay là 40:60 thậm chí 20:80. Hiện tại mình đang để 40:60), và cuối cùng là số hơi thở trong 1 phút. Khi thiền theo Resonant Breathing thì thực sự mình chỉ tập trung đúng vào 1 việc là thở theo tiếng chuông, từ đó mình không thấy hơi thở mình hỗn loạn nữa.

Những lợi ích bước đầu
Sau 1 tháng thực hành thiền định có sự đầu tư và nghiêm túc, dù không có cảm giác phê như vừa hút cần xong, thậm chí nhiều hôm nhận ra điều gì đó không tốt ở bản thân mình còn thấy không mấy vui vẻ nữa, nhưng với mình đây là hành trình đáng giá và mình muốn tiếp tục.
Mình đã bớt những hối tiếc về quá khứ và những lo lắng về tương lai để tập trung cho hiện tại. Mình thực hành phương pháp dán nhãn hàng ngày ngay cả khi không ngồi thiền. Mỗi khi có một suy nghĩ nào đó tới, mình có thể quan sát, và dán nhãn chúng, để xem liệu mình có nên tiếp tục miên man vào những suy nghĩ này nữa hay không. Khi bớt đi lo lắng, mình thấy tinh thần mình tốt hơn và bình tĩnh hơn trước mỗi điều không vừa ý. Thực ra một tinh thần tốt không đưa cho mình đáp án cho mỗi vấn đề, mà đơn giản nó cho mình tâm thế tốt nhất để đối mặt với vấn đề đó. Mình hiểu được nguồn gốc của một vài nỗi sợ, tổn thương để có thể tìm cách đối mặt và xử lý. Có những điều mình chỉ có thể nhìn rõ và thấu hiểu ở trong sự tĩnh lặng. Dù ở hiện tại mình thấy mình vẫn ở bước đầu , nhưng đó là động lực để mình tiếp tục rèn luyện.
Một lợi ích khác là mình thấy mình làm việc tập trung hơn và những giác quan của mình cũng nhạy bén hơn. Cụ thể là tai mình thính hơn. Trước đây, mỗi ngày đi học về, mình sẽ không biết tàu sắp đến khi chưa chưa nhìn thấy nó chạy qua trước mặt. Nhưng gần đây, mình có thể để ý và nghe thấy tiếng tàu từ xa, và bắt đầu chạy sớm hơn để không nhỡ chuyến. Riêng đó với mình đã là một thành tựu rồi.
Kết luận
Với mình, thiền định là một hành trình học hỏi, tu tập và khám phá. Mỗi sự học tập đều cần sự cố gắng và một phương pháp phù hợp. Mình vui vì mình đã tìm ra phương pháp dành cho mình. Mình đã bỏ đi những kỳ vọng và ép bản thân theo một khuôn mẫu giống mấy chị KOL Youtube hay cố gắng ép mình phải đạt được trạng thái như người khác đạt được. Mình cũng không tiếc vì giá như mình biết những điều này sớm hơn . Ít nhất, mình đã thử và sai và hành trình thử -sai đó cho mình một góc nhìn khác về thiền định. Góc nhìn từ vị trí của chính mình. Mình đã viết email cảm ơn người em đã giới thiệu Medito cho mình. và đây là email phản hồi 😀
Cám ơn bạn đã đọc đến đây. Nếu bạn thấy thú vị và bổ ích hãy chia sẻ với bạn vè và đừng quên theo dõi qua Email để không bỏ lỡ những bài viết mới trên Blog. Bạn có thể để lại bình luận để cho mình biết nội dung nào bạn đang quan tâm, cũng như để lại email để mình gửi cho bạn những tài liệu hữu ích.
Theo dõi Fanpage để nhanh chóng cập nhật bài viết và chia sẻ mới nhất: https://www.facebook.com/Violetstoryblog
Đây là quá trình mình viết bài blog này
- 💎Bạn có thể ủng hộ để Blog được duy trì bằng nhiều hình thức tại Donation
- 📝Những bài viết khác cùng chủ đề trên Blog tại Learning and Growing
- 🎨Instagram: https://www.instagram.com/phuong.anh.violet/
- 📚Bookstagram: https://www.instagram.com/vitamin.books/
- 🍀Self-help Instagram: https://www.instagram.com/_smallstepseveryday_/
- 📻 Podcast: https://podcasters.spotify.com/pod/show/smallstepseveryday
- 📽 English blog: www.phuonganhviolet.com
- 🔖Facebook: https://www.facebook.com/Violetstoryblog
- 💌Email: hi@callmeviolet.com
- 📱Sách và món đồ hữu ích mình dùng: https://phuonganhviolet.koc.asia/
Photo by Tim Goedhart on Unsplash