Viết về cuốn sách Địa đàng trần gian, dịch giả Trịnh Lữ đã mô tả: “Bạn đang tự hỏi: đây là sách gì vậy? Không thấy đề là tiểu thuyết, cũng chẳng phải sách lịch sử, triết học, ngụ ngôn, du ký, ma quỷ… Mà tác giả lại là một vị thánh tử vì đạo rất xa lạ nữa chứ. Có đáng đọc không đây? Hãy bình tĩnh một chút, bạn đang cầm trên tay một cuốn sách độc nhất vô nhị trên thế giới này đấy. Và đọc nó rồi, thể nào bạn cũng phải bàn tán về nó, tranh cãi về nó, cười bò ra vì nó, nổi giận với nó, cười nhạo nó, bâng khuâng buồn bã vì nó, và cảm thấy rằng – tôi hy vọng thế – cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc của chúng ta vẫn còn có hy vọng đến đích.”

Giới thiệu về sách

Tên sách: Utopia – Địa đàng trần gian 

Giá bìa: 40,000

Nhà xuất bản: Hội Nhà Văn cùng công ty sách Nhã Nam

Số trang: 210

Lần đầu tiên nghe nhắc đến cuốn sách này khi xem phim “Truyện tình Harvard”. Mình nhớ cảnh tập đầu phim trong lớp học Luật, khi mà giáo sư nói đến cuốn sách “Địa đàng trần gian” mà bất cứ sinh viên luật nào cũng phải đọc. Chính điều đó khiến mình tò mò và đi tìm ngay. Phải nói rằng đây là một cuốn sách tuyệt vời với từng câu chữ đều vô cùng đáng suy ngẫm. Tác giả viết với giọng văn hết sức chân thành, sút tích, không khoa trương, hoa mỹ như kể một câu chuyện rất thật. Ngay cả khi viết review, mình cũng sợ khả năng cảm thụ của mình cũng không đủ để thấy hết cái hay của nó.

Cuốn sách “Utopia – Địa đàng trần gian” miêu tả về một hòn đảo được cai trị bởi chế độ công hoà, nơi tư hữu không tồn tại. Tất cả những nội dung được trình bày qua cuộc gặp gỡ của tác giả – More, Peter (người anh em của tác giả) và Raphael – một nhà thám hiểm uyên thâm, người đã đặt chân đến Utopia. Tất cả những khía cạnh của quản lý nhà nước được tác giả gói gọn trong cuốn sách bao gồm đạo đức, pháp luật, tôn giáo, chính trị, xã hội, kinh tế, quân sự, tôn giáo, ngoại giao… Thực trạng của xã hội đương thời cũng được tác giả phân tích một cách sâu sắc.

Có lẽ nội dung đề cao chế độ cộng hoà, công hữu sẽ gây ra nhiều tranh cãi, nhưng thực sự mà nói khi đọc xong Utopia, tất cả những gì được học ở trường như kiểu chủ nghĩa Mac Lenin với mình trở nên thú vị hơn nhiều. Mà thực ra. sau khi đọc sách về triết học, mình thấy triết học hay hơn rất nhiều so với những gì được dạy ở trường, và mình hiểu tại sao ngưới ta lại nói, Triết học là khoa học của các ngành khoa học.

Quay lại chủ đề chính của cuốn sách, sẽ rất khó để nói hết cái hay của cuốn sách này hay ca ngợi hết sự tài hoa của tác giả nhưng mình sẽ nhắc đến một số nội dung mình thấy tâm đắc nhất, sắc sảo nhất.

Ta không nên bỏ mặc con tàu của mình chỉ vì không thể hô mưa gọi gió theo ý mình.

Về lòng tham của con người

Tác giả đã giải thích lòng tham với biểu hiện hữu hình tiền tệ. Đây chính là nguyên nhân của mọi vấn đề tệ nạn xã hội, trộm cắp, tham nhũng, gian lận, cướp bóc, tranh giành, đánh lộn, nổi loạn, giết người, phản quốc, mê tín dị đoan. Tác giả miêu tả chế độ của Utopia, nơi họ không sử dụng tiền bạc, mọi sản phẩm lao động được phân phối đồng đều. Tác giả đưa ra định nghĩa và nơi bắt nguồn của lòng tham như sau:

Thực ra, tham lam không phải bản tình muôn loài mà chỉ là phản ứng của nỗi sợ hãi bị thiếu thốn. Nhưng với con người thì lòng tham lại bắt nguồn từ tình phù hoa, cảm giác rằng ta có thể hơn người bởi vì ta có thể trưng diện ta nhiều thứ của cải dư thừa hơn người.

Để giải quyết vấn đề này, chế độ xã hội của Utopia có một nguyên tắc để con người không ham muốn vàng bạc châu báu. Đó làhọ sử dụng vàng để làm gông, xích cho tù nhân, còn ngọc trai châu báu dùng làm trang sức cho trẻ con mẫu giáo. Trong truyện, có những nhà ngoại giao nước bạn sính khoe của, thích đeo nhiều vàng bạc trên người cũng thẹn thùng nhận ra số vàng mình đeo còn không nhiều bằng một tên trốn tù. Những đứa trẻ khi đã trưởng thành cũng có thể tự bỏ đi những trang sức châu báu trên người vì chúng biết đó chỉ là vật trang trí của trẻ con.

Cuộc sống ở đó, họ biết thế nào là đủ. Và vì lòng tham bị đẩy lùi nên dù các nhà không có khoá, hay người dân tự do lấy thức ăn trong kho cũng chẳng sao bởi họ chỉ lấy cho đủ với nhu cầu của mình.

Về pháp luật

Pháp luật được soạn một cách dễ hiểu nhất, để tất cả những người dân hàng ngày bận rộn, vất vả với việc làm ăn cũng có thể hiểu, thông thạo pháo luật mà không mất quá nhiều thời gian nghiên cứu. Đây là một tư tưởng cực kỳ tiến bộ nhưng để triển khai vào thực tế sẽ rất khó khăn. Bên cạnh đó, những người

Về ngoại giao

Vai trò của những bản hiệp ước không được đánh giá cao, bởi tác giả cho rằng, nếu đã có rắp tâm phớt lờ mối rằng buộc và các quy tắc thì mấy dòng chữ chẳng có ý nghĩa gì hay người ta chỉ chăm chăm tìm ra những kẽ hở để chiếm đoạt. Bởi vậy, quan hệ ngoại giao cần dựa trên tình thần tự giác, sự tôn trọng lẫn nhau.

Về giáo dục

Giáo dục là vấn đề muôn thuở của mọi xã hội và đối với một xã hội “lý tưởng” như Utopia, giáo dục cũng có những nguyên tắc riêng.

Người dân Utopia rất coi trọng tri thức, họ trân trọng những cuốn sách y khoa, khoa học. Trẻ con được giáo dục đạo đức, tinh thân dân tộc từ nhỏ. Bởi vậy mà nếu vi phạm pháp luật, người dân Utopia bị trừng phạt nặng hơn người nước ngoài vi phạm pháp luật của đất nước họ, bởi vì dân Utopia được hưởng nển giáo dục tốt từ nhỏ, chẳng có lý do gì ngoài một tội ác đáng bị lên án nếu anh vi phạm pháp luật.

Về chính trị

Chính sách chia nhỏ để quản lý và bầu cử không có gì mới tuy nhiên Utopia đề cao sự liêm chính của giai cấp cầm quyền. Họ được miễn lao động nhưng phải hoàn thành nghiêm túc vai trò của mình. Riêng về phần này, mình thấy chưa thực sự thuyết phục và rõ ràng lắm, bởi dường như giai cấp cầm quyền vốn sẵn đã chẳng có lòng tham hay ý đồ bất chính nào. Tác giả cũng không đưa ra được các biện pháp thuyết phục để đảm bảo sự liên chính của giai cấp cầm quyền.

Về quan hệ gia đình.

Xã hội Utopia coi trọng vai trò của người đàn ông trụ cột gia đình. Họ kết hộn dựa trên sự tự nguyện, thậm chí phải hiểu rõ, tường tận về người mình yêu trước khi cưới để không hối hận. Bởi vậy, việc ngoại tình bị lên án mạnh mẽ bởi pháp luật những cũng có sự dung tha, nhân nhượng.

Phần này dù không thực sự “tân tiến” như mình kỳ vọng, nhưng quan điểm phải suy nghĩ kỹ trước khi cưới mình thấy rất đáng được người ta suy nghĩ trong thời đại ngày nay.

Về quân sự

Utopia là đất nước yêu hoà bình và họ coi trọng người dân của mình. Họ thường sử dụng quân đội thuê những tên mà họ cho rằng vốn đac xấu xa từ các nước khác. “Utopia tìm người xấu để bóc lột và người tốt để sử dụng”. Tuy nhiên, cả phụ nữ và đàn ông đều được rèn luyện quân sự để phòng trường hợp chiến tranh nổ ra. Quan đội Utopia rất tôn trọng kẻ thù, họ không cho kẻ thủ xâm phạm đến đất đai của mình và cũng không bóc lột, đốt phá ruộng nương, đất đai của kẻ thù. Họ bảo vệ những vùng đất đã bỏ gươm đầu hàng, và thu về những chiến lợi phẩm nhưng khoản lợi tức, bồi thường chiến tranh của nước bại trận để sử dụng cho những cuộc chiến sau.

Về tôn giáo

Utopia duy trì tự do tôn giáo, đề cao đức tin, coi trọng tu sĩ và không ai có quyền phỉ báng niềm tin của người khác.

Lòng ngạo mạn của chúng ta còn có tên là tự hào, là thị dục huyễn hoặc – cái ý muốn mình được người khác coi trọng, là hơn đời. Chính lòng ngạo mạn đã khiến ta xét đoán sự thịnh vượng không phải bằng những gì ta có mà bằng những gì người khác không có.

Bên cạnh kể vể Utopia, qua lời kể của Raphael, tác giả phê phán chế độ bóc lọt tại châu Âu, thể hiện lòng xót thương cho người dân lao động sống còn khổ hơn trâu bò và là nạn nhân không lối thoát của những quy tắc vô lý được nguỵ trang bởi pháo luật, công lý.

Đoạn kết

Cuốn sách chỉ dừng lại sau khi Raphael kết thúc câu chuyện kể của mình về Utopia và mặc dù rất muốn đưa ra những câu hỏi phản biện những More đã không viết vào trong cuốn sách này. Chính điều đó khiến mình cảm giác đó là một cái kết chưa hoàn thiện và mình còn mong đợi những phản biện sâu sắc hơn. Có lẽ ông muốn để cho người đọc tự có những ý kiến của riêng mình, và suy nghĩ sâu sắc hơn về hạnh phúc và về chế độ lý tưởng mà con người đã đấu tranh để xây dựng hàng ngàn năm nay.

Bình luận

Thực ra mình nghĩ, vì thế giới trong Utopia quá lý tưởng, không hề có bất cứ tranh chấp nào nên những điều này rất khó có thể thực hiện trong đời sống. Xã hội đa dạng và rộng lớn, không thể có một đáp án chung cho tất cả. Mình đang đọc cuốn “Phải trái đúng sai” của Michael Sandel. Cuốn sách phân ticshc ác tư tưởng triết học từ đó tranh luận về các vấn đề lập pháp, chính sách. Điều đó khiến mình luôn hoài nghi, suy nghĩ, liệu thế nào mới là đúng. Và liệu nếu có một đất nước Utopia ngoài đời thực, thì quốc gia đó có hùng mạnh, giàu có, khoa học phát triển và người dân có thực sự được hưởng những điều tốt nhất không.

“Utopia – Địa đàng trần gian” của Thomas More khiến mình suy nghĩ về giá trị cuộc sống, về lối sống, về lòng tham và về hạnh phúc thực sự. Đây là một cuốn sách tuyệt vời, phù hợp với cả những người ngại đọc vì cuốn sách rất xinh xắn và ngắn gọn. Bên cạnh đó, sách vể triết học, không có kiểu nhiều tính tiết cuốn hút như tiểu thuyết fiction nên có thể hơi thấy nhàm chán. Ngoài chút thiếu hụt ở đoạn kết như đã trình bày ở đoạn trên, mình thấy tác giả cũng đã đưa ra một tư tưởng phi thường, và khát khao về xã hội tốt đẹp. Có lẽ đó là lý do tại sao cuốn sách này được người đọc tìm kiếm 500 năm qua và nhân loại luôn hi vọng xây dựng một “địa đàng trần gian” thực sự.


Bài review này mình viết từ năm 2015, mình chuyển từ blog cũ sang.

Những bài review sách khác trên Blog của mình: Book Review

Hoặc bạn có thể ghế qua Instagram @vitamin.books mình viết nhưng bài review phim và sách hàng tuần.