NỘI DUNG BÀI VIẾT
York – City of Chocolate
York là thành phố tuyệt vời cho những người hảo ngọt. Bạn có biết Socola Kit Kat, loại socola mà thầy giáo tôi thường mua để tặng mấy đứa chăm giơ tay phát biểu. Mỗi ngày, hơn 5 triệu tấn Socola Kit Kat được sản xuất tại York. Ngoài ra, York còn là nơi sản xuất của nhiều thương hiệu Socola nổi tiếng khác như Aero, Smarties, After Eight, Yorkie, Chocolate Orange và Black Magic. Nhưng đó là York theo lời kể của những trang quảng cáo. Còn với tôi, York không có vị Socola.
Ngày Tết của tôi
Hà Nội, 2021
Khi viết những dòng này, tôi đã chuẩn bị lên chuyến tàu về nhà ở Hải Phòng. Sáng nay, nghe bài hát “Đi để trở về 2” phát trên Radio, tự nhiên nước mắt lại rơi. Năm con chuột nhắt quả là một năm đáng ghét, nó khác lạ, và thay đổi tất cả khiến cho người ta muốn bình lặng cũng không thể được yên. Năm con chuột bắt đầu bằng một trận mưa trắng trời ngay sáng mùng 1, chưa từng xuất hiện trong ký ức của tôi.
Và rồi, đại dịch ập đến. Covid làm thay đổi tất cả, nó khiến những đôi chân luôn đi phải dừng lại, ở nhà. Năm nay, chẳng còn ai tranh cãi chuyện Tết về bên gia đình hay đi du lịch, chẳng ai cằn cằn chuyện Tết truyền thống có nên được duy trì. Bởi cũng chỉ vì Covid, nó khiến cho nhiều người vốn dĩ luôn về nhà ăn Tết, dù có muốn hay không cũng chẳng thể về nhà.
Lúc chuẩn bị tinh thần Tết này nếu không về được, tôi đã nghĩ, nếu như trái tim mình luôn hướng về gia đình, thì lần nào trở về Hải Phòng cũng sẽ là Tết. Tết với tôi thực ra là một cảm giác, là mùi thơm của hương bài và bưởi, là vị ngọt của mứt dừa, là những ngày sum vầy. Còn nếu như đã là đi, thì Tết chẳng qua cũng chỉ là ngày nghỉ dài. Tôi thích Tết, và tôi chưa sẵn sàng để đón cái tết thứ 2 không được ở bên gia đình.
London, 2019
Cuối tháng 1, Facebook tràn ngập ảnh ảnh bạn bè tôi ở Việt Nam áo dài xúng xính bên đào hồng, quất đỏ, hay làm mứt, tiệc Year End Party ở công ty, liên hoan ngày làm việc cuối năm. Thế là Tết đã về. Tết năm ngoái – 2018, ngày làm việc cuối năm, tôi về nhà và nhận được mail thông báo được vào vòng phỏng vấn Chevening mà vui mấy ngày. Năm nay, tôi đã ở London rồi.
Ở London, chẳng có không khí Tết, chúng tôi vẫn đi học, bầu trời London vẫn màu xám bạc ảm đạm, màu của mùa đông. Chinatown bán nhiều đồ ăn và đồ trang trí hơn, đèn lồng đỏ rực rỡ cả khu phố. Nhưng đó là nơi của người Trung Quốc còn ngày Tết là nét đặc trưng của Việt Nam. Ngày tết phải có dưa hành, bánh trưng xanh, và hơn hết có gia đình.
Một buổi sáng, Thư đã đi học, tôi chuẩn bị đồ để lên thư viện học bài. Tôi vẫn thường nghe playlist nhạc trên youtube. Chẳng hiểu Youtube vô tình hay cố ý trêu tôi, nhạc nhảy đến bài “Xuân không màu” với câu hát:
“Đường về nhà xa quá mẹ ơi. Chắc xuân nay con không về tới”.
Vừa nghe câu hát đó, nước mắt tôi đã giàn giụa. Đó là lần đầu tiên sau mấy tháng ở Anh, tôi khóc vì nhớ nhà, nhớ da diết. London có tất cả nhưng không có Tết.
Có thể nhiều người không thích Tết, nhưng với tôi, Tết là tất cả những gì bình yên nhất mỗi khi tôi nghĩ về gia đình. Tết là dịp mỗi năm tôi đều ngóng đợi dù năm này qua năm khác, lịch trình ngày tết của tôi không thay đổi và từ lâu lắm rồi tôi đã chẳng còn là đứa trẻ đợi mẹ mua quần áo mới. Tôi thường về Hải Phòng từ chiều 28 rồi dọn dẹp nhà cửa. Ngày 29, cả nhà tôi về quê nội để ra thăm mộ các cụ và ông nội tôi. Đến ngày 30 nhà cúng tất niên. Sáng mùng 1, cả gia đình lớn sum vầy ở nhà bà nội, rồi đi lễ chùa. Đến mùng 2, tôi về quê ngoại cũng có đủ gia đình các bác, các dì. Đến mùng 3, nhà hóa vàng, bánh kẹo, mứt dừa, hạt dưa khi ấy cũng đã vơi.
Tôi thích không khí của Tết, thích mùi hương bài ấm áp quyện với hương bưởi. Tôi thích những ngày giáp tết ngồi cuốn nem rán, đi chọn cây đào, trang trí đèn nhấp nháy lên cây và bày bánh kẹo, hạt dưa ra bàn khách. Tôi không ngại cỗ bàn hay rửa mấy chồng bát, tôi chỉ sợ cái cảm giác về quê mà nhà thiếu đi dù chỉ một người.
Hồi bé, điều tôi sợ nhất là những năm bố đi công tác đúng ngày tết, nhà chỉ có ba mẹ con. Chúng tôi vẫn làm đủ những việc cần phải làm, nhà vẫn có đào có quất, chị em tôi vẫn được lì xì nhưng đối với một đứa trẻ con, tết năm ấy chẳng trọn vẹn. Giờ đến lượt tôi không ở nhà. Có lần tôi nói chuyện với cậu bạn đi du học Mỹ hơn 5 năm. Cậu bảo tôi rằng:
- Đến gần tết, ngồi bật nhạc xuân mới thấu cái cảm giác nhà nhà vui, mỗi mình buồn. Vậy mà tớ đã 4 cái Tết như thế.
Cuộc sống du học là khi bạn nhớ về những điều bình dị ở nhà mà thèm đến phát bực. Dù cả cả ở Hà Nội chẳng thích bún chả với bún đậu mắm tôm, cháo lòng nhưng đến London thèm mà chẳng làm gì được.
Theo kế hoạch từ đợt giáng sinh, nhóm Chevening chúng tôi sẽ chia làm 2 “đầu cầu” đón tết. Đầu cầu phía Nam ở London, còn phía Bắc mọi người tập trung ở Leeds. Tranh thủ có mấy ngày không phải lên lớp, tôi quyết định lên Leeds chơi, đi để quên đi cảm giác nhớ nhà, ngồi một chỗ tôi lại nghĩ ngợi linh tinh, rồi buồn vu vơ.
Thư ở lại London vì còn phải làm nhiều bài tập. Trước ngày đi, tôi, giúp Thư làm nem rán. Nem rán có lẽ là món ăn đủ đặc sắc để chúng tôi thường ăn trong những dịp đặc biệt nhưng cũng đủ đơn giản để tôi có có thể tìm thấy những nguyên liệu cần thiết ở khắp các siêu thị hay khu chợ châu Á ở London. Đó cũng như một thói quen bao năm trước ngày tết, tôi cũng thường gói nem rán cùng mẹ và chị gái. Leeds ở tận trên miền Bắc nước Anh, tôi tiện đường đi một hành trình 3 ngày qua ba thành phố York – Leeds – Nottingham.
York – bầu trời xanh lam và tuyết trắng
Tôi rời London từ sáng sớm để tới York. Trước khi đến New York thì mình cũng nên đến Old York trước đã. York là một thành phố cổ kính, từng là một thành phố La Mã được thành lập năm 71 sau công Nguyên, nằm ở phía Bắc nước Anh. Thành phố nhỏ xinh này đặc trưng bởi lịch sử người Viking, những con đường nhỏ rải sỏi gập ghềnh uốn lượn dưới chân những tòa nhà kiến trúc Gothic, những phòng trà ấm cúng, và món Yorkshire pudding.
Có vẻ như 1 độ C ở York lạnh hơn 1 độ C ở London. Bầu trời màu xanh lam nhẹ, tươi mới vừa bừng tỉnh sau trận tuyết đêm qua. Tuyết phủ những tấm thảm trắng tinh lên đường phố và những tán cây. Trời lạnh, vừa xuống tàu, tôi đi thật nhanh về quán trà để gặp các anh chị đã đến từ trước. Quán trà nhỏ có mái gỗ, nằm ngay dưới chân cầu vắt ngang qua con sông River Ouse. Vừa mở cửa gỗ bước vào, tôi thấy ngay không khí sống động, ồn ào của những vị khách bên trong. Kính mắt tôi cũng mờ luôn vì đọng hơi nước. Tôi uống xong cốc Socola nóng của mình, rồi cả nhóm 7 người chúng tôi rục rịch chuẩn bị đi khám phá thành phố.
Chẳng mấy khi được thấy tuyết trắng xốp mềm, tôi thích lắm, đến đâu tôi cũng lấy chân đá đi đá lại tuyết dưới chân rồi lấy tay làm một quả cầu tuyết thật to. Một lúc sau, thấy giày và găng tay bị ướt, tôi mới thấy mình dại dột vì không có đồ chồng nước, cả chân và tay tôi đều ướt lạnh cóng.
Chúng tôi đi qua đường Station Road và Museum Street để tới Yorkminster, đợi đến 10h để tham gia tour đi bộ quanh thành phố. Ở mỗi thành phố du lịch thường có những người dân địa phương làm tình nguyện viên dẫn du khách đi bộ đến các địa điểm nổi bật nhất và giới thiệu về lịch sử của thành phố. Tôi thấy một sự khác biệt đó là như hồi tôi ở Hà Nội, các tình nguyện viên thường là sinh viên nhưng người hướng dẫn viên trong các tour đi bộ tôi tham gia ở các thành phố thường là người lớn tuổi. Ngày thường họ vẫn đi làm, còn đến cuối tuần tình nguyện đi dẫn tour bởi vì họ quá yêu và tự hào về thành phố nơi họ sống.
Tour bắt đầu từ quảng trường Yorkminster. Nhà thờ Yorkminster là nhà thờ chính tòa Gothic Trung cổ lớn nhất nước Anh. Bạn tôi giải thích về từ “minster” là từ dùng để chỉ các nhà thờ lớn có chức năng giảng dạy và truyền giáo thời Anglo-Saxon. Vậy nên chúng ta có những từ rất quen thuộc như là Westminster Abbey ở London, Southwell Minster ở Southwell…
Nhà thờ Yorkminster được xây dựng bằng đá với những họa tiết điêu khắc thủ công rất tinh xảo, cầu kỳ và nổi bật nhất là bộ sưu tập 128 bức tranh màu trên cửa kính có niên đại từ thế kỷ 12, khắc họa câu chuyện về chúa Jesu. Sau đó, chúng tôi di chuyển qua St Mary’s Abbey và the Museum Gardens. St Mary Abbey được xây dựng từ năm 1088, đến nay chỉ còn lại bức từng như một tàn tích của của một trong những tu viện Benedictine từng giàu có và quyền lực nhất ở Anh.
Tiếp đến, đi qua những con phố nhỏ có mái nhà bằng gỗ nâu trầm hoài cổ, chúng tôi đến cổng thành Monk (Monk bar). Công trình này cũng giống như cổng thành, được người La Mã cổ xây dựng từ đầu thế kỷ 14 để bảo vệ Yorkminster và bảo vệ thành phố. Trên những bước tường còn được khắc họa hình ảnh những người đang vác đá, chuẩn bị ném xuống kẻ thù xâm dưới chân thành. Tầng trên cao của cổng thành từng được sử dụng làm nhà tù vào thế kỷ 16. Nghe những câu chuyện, tôi thấy rợn rợn, không hiểu là vì trời đang lạnh sẵn hay tôi hay thấy sợ khi nghe chuyện chiến tranh, nhà tù. Dù lạnh, trời vẫn rất xanh, một ngày đẹp của mùa đông.
Lễ hội băng và món Yorkshire Pudding
Kết thúc tour, tôi đành phải nhờ anh bạn trong nhóm đủ dũng cảm bỏ tay ra khỏi túi áo và găng tay để mở điện thoại tìm quán ăn. Chúng tôi quay lại khu phố trung tâm có nhiều nhà hàng san sát, vào một quán pub, chủ yếu để sưởi ấm trước khi tôi thấy mình chuẩn bị đóng băng.
Dùng xong bữa trưa, khi giày và tất đã được sấy khô và sưởi nóng, chúng tôi tiếp tục đi bộ ra khu Tháp Clifford, một công trình này được xây dựng bằng đá nằm trên ngọn đồi nhỏ nhìn xuống toàn thành phố. Đây là công trình tiêu biểu còn sót lại của York Castle. Clifford là tên của dòng họ từng trông coi lâu đài. Nơi đây từng là một nhà tù chứng kiến nhiều những cuộc tranh giành quyền lực và thảm sát đẩm máu suốt hàng ngàn năm lịch sử của thành phố York.
York có những con phố nhỏ, và đông ghẹt người, đặc biệt là khu bảo tàng Viking. Người Viking đến York từ những năm 886, họ từng đổi tên thành phố này là Jorvik và biến York trở thành một trong những đô thị, thương mại quan trọng. Những con phố khoác lên mình chiếc áo màu nâu trầm cũ của những ngôi nhà bằng gỗ. Khu phó Shamble với lịch sử hơn 900 năm, quanh co, uốn lượn dưới những ngôi nhà khung gỗ cổ kính đặc trưng của nước Anh thời trung cổ. Đây là nơi được xuất hiện nhiều nhất trên Instagram mỗi khi người ta đến York. Hôm nay, thành phố tổ chức lễ hội băng với những bức điêu khắc băng tinh xảo nằm rải rác khắp các con phố nên khách du lịch lại càng đông.
Trước khi về, chúng tôi đã ghé qua nhà hàng York Roast Co thưởng thức món Yorkshire pudding. Đây là món ăn xuất phát từ vùng Yorkshire, và người Anh thường ăn món ăn này vào buổi trưa của các ngày chủ nhật, trong bữa Sunday Roast. Thực ra đây là món rất phổ biến mà chúng tôi có thể dễ dàng mua tại các siêu thị nhưng nhưng chúng tôi muốn thử món bánh này tại chính quê hương của nó. Chiếc bánh pudding vỏ giòn vàng nâu nhưng bên trong rất mềm và thơm mùi bột mỳ và trứng. Tôi thường thấy trong siêu thị, chiếc Yorkshire pudding nhỏ bằng lòng bàn tay, nhưng ở đây bánh lại rất to như một chiếc bát tô, và đựng trong đó là khoai tây, thịt lợn và nước sốt béo ngậy.
Mỗi lần nghĩ về York, thật lạ là lẽ ra tôi phải nhớ màu nâu trầm buồn của những ngôi nhà gỗ cổ cổ kính, của con đường lát gạch đỏ hay màu nâu của những thanh Socola ngọt lịm. Tuy vậy, mỗi lần nghĩ đến York tôi đều nghĩ đến màu trắng và xanh lam nhạt. Hay bởi, hôm ấy York thật lạnh, và cũng là lần đầu tiên tôi thấy tuyết phủ trắng đường như thế.
Bữa tất niên ở Leeds
Kết thúc một ngày ở York, chúng tôi tiếp tục đến Leeds để chuẩn bị cho nữa tất niên theo kế hoạch. Đi tàu từ York về Leeds chỉ mất có 30 phút. Hội những người học ở Leeds có anh Dũng và Nam đã đi chợ đợi chúng tôi về. Lúc ngồi trên tàu, anh Dũng gửi cho tôi một bức ảnh chụp hành tây băm nhỏ kèm với một lời than vãn:
- Thái xong đống này tắt hết cả thần thái.
Trước lúc đi, tôi đã dặn anh Dũng băm giúp tôi hành tây, cà rốt, mộc nhĩ, nấm hương để làm nem. Tết thì làm sao mà thiếu nem rán được. Tôi thì ngại nhất phần băm hành tây vì lần nào thái hành tây tôi cũng … khóc vì cay mắt. Thực đơn cỗ tết của chúng tôi cũng rất thịnh soạn với nem rán, bánh chưng, dưa hành, canh miến, và có thêm cả hàu nướng pho mai vì Leeds nổi tiếng với hải sản rất rẻ. Về đến nhà anh Dũng, thấy mọi người đang tất bật trong bếp để mở nắp hàu, chỉ chờ cho pho mai vào nướng. Đến lúc dọn bàn ăn, để đồ ăn lên bàn, toàn món quen thuộc, cũng có bánh chưng, nhìn tươm tất như bữa tất niêm ở nhà.
Đêm hôm ấy chúng tôi ăn uống no say rồi cùng nhau hát Karaoke kiểu không có micro, chỉ có nhạc bật qua iPad. Nam mới học được nghề bartender nên phụ trách phần đồ uống. Mà món cocktail ngọt như nước quả, uống nhiều mới thấy say. Chúng tôi ngồi uống và hát đến tận đêm, rồi tôi gục lúc nào cũng chẳng biết.
Những bức ảnh chụp tại York của mình: Phương Anh Violet Flirck
Những bức ảnh siêu đẹp trên trang @VisitYork
Những bài viết khác về UK trên của mình: Nhật ký 444 ngày ở UK
Subscribe để không bỏ lỡ những bài viết trên Blog
3 Comments