Kỳ thi THPT và kỳ thi vào lớp 10 vừa qua cũng đã kết quả. Có lẽ sẽ có người vui, có người buồn vì kết quá đó. Mình chỉ tình cờ lướt qua Youtube có rất nhiều Vblog chia sẻ về kinh nghiệm thi đỗ vào trường chuyên. Những bài báo giới thiệu về những ngôi trường chuyên, những ngôi trường nổi tiếng thì cũng rất nhiều. Có lẽ đó là một tiềm tự hào rất lớn khi bạn đã vượt qua một cuộc cạnh tranh gay gắt để ghi tên mình vào học một ngôi trường danh tiếng. Vậy còn số đông những ngôi trường còn lại thì sao, những ngôi trường thường chẳng bao giờ xuất hiện trên báo chí. Học cấp 3 ở một ngôi trường không chuyên, trường thường có gì vui?.

Nếu như bạn nào đó đang buồn vì không thi đỗ trường chuyên, trường điểm, với tư cách là một người đi trước, 10 năm nhìn lại, chị hi vọng rằng em sẽ thấy những điều tích cực từ chia sẻ này. Còn nếu bạn đã học xong cấp 3 rồi, hoặc chưa từng biết đến môi trường không chuyên/ trường thường thì mình sẽ giúp bạn được nhìn dưới lăng kính của mình.

Đây hoàn toàn không phải một bài viết với mục đích “an ủi các bạn không đỗ trường chuyên” hay khoe khoang gì cả, đơn giản, mình chỉ muốn chia sẻ những gì chị biết về trải nghiệm học cấp 3 của mình. Có những điều mà chỉ có người học trường không chuyên mới hiểu, và hình như truyền thông, báo chí đã bỏ sót những điều tuyệt vời khi chúng ta được xếp vào nhóm “những học sinh bình thường”. Và học trường không chuyên thực sự có đỡ áp lực? Có nhàn? Đường công danh có kém rộng mở? hay gì gì đó, thì dưới dây là suy nghĩ của mình.

Áp lực học tập

Mình học lớp chọn 1 của trường. Trường mình mỗi khối có tầm 13 lớp. Giống như các trường khác, phụ huynh sẽ muốn con vào 3 lớp chọn 1, 2, 3 nhưng không phải vì thế các lớp “số lớn” học không giỏi. Thường thì mỗi lớp sẽ thiên hướng về thi 1 khối A, B, D. Tuy vậy, ở trường không chuyên thì sự phân chia này không quá rõ rệt. Nguyên nhân vì chúng mình học đều tất cả các môn. Việc học không nhàn chút nào cả.

Nếu như bạn bè học trường chuyên mình từng gặp nói rằng ở trường chuyên các bạn chỉ cần chú trọng các môn chính (Ngoại ngữ, Toán, Lý, Hóa, Văn) thì ở trường thường chúng mình học nghiêm túc tất cả các môn. Ý mình là cả Giáo Dục Công dân, Giáo Dục quốc Phòng, Thế dục đó. Xin giới thiệu với bạn, chính mình đây, một đứa luôn đứng nhất lớp môn Giáo dục công dân, và mẹ mình đi họp phụ huynh chả hiểu sao luôn ngồi cạnh phụ huynh của bạn đứng nhất lớp 3 môn Toán Lý Hóa. Điều đó khiến mẹ mình khá “phiền lòng” 😊

Việc học đều đó cũng mệt thật, và bạn sẽ tự hỏi học lắm thế để làm gì? Nhưng điều có lợi ở đây là thi tốt nghiệp bọn mình rất tự tin cả 9 môn. Mình còn phát hiện ra mình thích môn Giáo dục công dân. Nếu bạn học nghiêm túc môn này từ lớp 10 với một phần nội dung Triết học, thì môn Triết khi lên Đại học không đáng sợ như trong truyền thuyết mọi người nói đâu. Điều thứ 2, khi bạn nghiêm túc để thực sự hiểu một vấn đề, bạn mới có thể hiểu được mình có thực sự yêu thích nó hay không? Cũng rất khó để tìm thấy năng khiếu, tài năng thực sự của mình khi mới chỉ 15 tuổi, nhưng chúng ta luôn có cả cuộc đời phía trước để khám phá bản thân.

Và bạn nghĩ rằng bạn học giỏi một môn nào đó vì bạn thực sự đam mê, bạn có năng khiếu, não bộ của bạn sinh ra có những thiên hướng cho môn đó hay đó chỉ là bố mẹ nói bạn cần học. Lớp mình, nơi mà các thầy cô rất coi trọng 3 môn Toán Lý Hóa, thì vẫn có những bạn thi khối V và bạn ấy dành phần lớn thời gian đi học Vẽ để thi vào Kiến trúc. Với mình, mình rất thích môn văn. Suốt những năm tháng cấp 2, môn văn của mình luôn đứng nhất lớp. Mình còn được giải thưởng Viết văn do Hội nhà văn Thành phố trao tặng. Tuy nhiên mình đã dành cả 4 năm cấp 2 trong đội tuyển toán và mình cũng làm tốt nhiệm vụ của mình trong đội tuyển Toán, đi thi học sinh giỏi cũng được giải. Lên cấp 3, mình học khối A, và môn văn mình chỉ học trên lớp để thi học kỳ, không học thêm, không đầu tư gì. Mình thi khối phụ khối D chỉ là thi chơi chơi thôi, không ôn gì nhưng mình vẫn được 8.5 điểm thi đại học môn Văn. Đến giờ mình vẫn thích văn chương, nhưng phụ huynh nhà mình thì sẽ chẳng bao giờ đồng ý cho mình học chuyên văn.

Lớp mình vẫn có những bạn đỗ trường chuyên nhưng chọn học trường thường. Nhưng cũng có những bạn “bất mãn” tại không đỗ trường chuyên nên mới phải học ở đây. Nếu bạn nghĩ mình quá giỏi để học trường không chuyên, hay mình giỏi hơn những bạn khác thì hãy chứng minh thực lực của mình. Đứng đầu trường là một việc cũng không mấy đơn giản vì bọn nó học tất cả các môn. Nó vẫn được 10 điểm toán đề thi đại học nhưng mà nó còn đọc vanh vách tất cả các sự kiện lịch sử đã được học.

Việc được học sinh giỏi nó cũng là cả vấn đề nếu môn Thể dục của bạn dưới mức đạt. Miêu tả sơ lược môn mình sợ nhất hồi cấp 3 là nhảy xà. Có một thanh sắt đặt trên cái giá đỡ mà chỉ cần búng nhẹ nó có thể rơi. Nhiệm vụ của bạn là nhảy qua thanh sắt đó mà nó không rơi xuống. Mức 5 điểm của nữ là tầm ngang đùi, còn mức 10 điểm nó cao gần đến ngực mình (mình cao 1m70), còn tiêu chuẩn của nam thì cao hơn. Mỗi lần mình nghe thấy tiếng cái thanh sắt rơi liểng xiểng mình đến ám ảnh. Đây chính là cơ hội để bạn phát triển văn thể mỹ toàn diện.

Đi thi học sinh giỏi ở trường không chuyên

Trường không chuyên cũng thi học sinh giỏi. Có rất nhiều môn để bạn lựa chọn: Toán, Lý, Hóa, Văn, Anh, Sinh, Sử, Địa, Giáo dục công dân, máy tính bỏ túi. Năm lớp 10, trường sẽ tổ chức kỳ thi tuyển chọn đội tuyển cho tất cả các học sinh đăng ký. Để được vào đội tuyển bạn sẽ phải vào top 5 của kỳ thi “tuyển tú” đó. Sau đó, đến năm lớp 12 lại thi lại một lần, chọn đội tuyển 5 người chính thức. Thầy cô sẽ ôn luyện trước thi Thành phố 1 tháng. Nếu thi thành phố được giải 3 trở lên, thì bạn sẽ được dự thi vòng thi chọn HSG của thành phố đi thi Quốc gia nơi các trường chuyên hay không chuyên cũng lẫn vào nhau hết. Sau đó thành phố lại chọn đội tuyển ôn luyện để Quốc gia.

Điều bất lợi so với trường chuyên là mãi đến năm lớp 12 bạn mới được đi thi học sinh giỏi, trong khi đó thì bạn vẫn phải học các môn phụ bình thường để chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia. Nếu ước mơ được đi thi Quốc tế sẽ khó thực hiện được vì mục tiêu của trường thường không phải luyện thi quốc tế.

Nhưng mình nghĩ quá trình tuyển chọn hết vòng này đến vòng khác sẽ là những bài kiểm tra trình độ “bạn có thực sự giỏi hay không? Bạn có thực sự yêu thích môn đó hay không? Môn đó có thực sự phù hợp với khả năng của bạn không?” Với mình, thì 2 năm rưỡi mình miệt mài đi ôn thi Toán, nhưng khi đi thi Thành phố mình đi thi Hóa và vào đến vòng chọn đội tuyển thi Quốc gia, dù thực lòng là hồi cấp 2 mình rất sợ môn Hóa.

Những mục tiêu sau cấp 3 – Đỗ đại học, đi du học

Học cấp 3 để làm gì? Nếu mục tiêu cuối năm cấp 3 của bạn là đỗ đại học thì điều này hoàn toàn có thể. Lớp mình 100% đỗ đại học, trong đó có thủ khoa, nhiều bạn vào trường Y, Dược, mình và 1 bạn nữa vào Ngoại Thương, rất nhiều bạn học Kinh tế Quốc Dân, Ngân hàng. Mình nghĩ giáo dục ở trường THPT làm tốt nhiệm vụ này và đó là nhiệm vụ chính. Đề thi THPT cũng chỉ nằm trong chương trình sách giáo khoa của BGD mà thôi.

Hồi mình mới vào Ngoại Thương, thực lòng là mình có cảm giác hơi…”tự ti” vì xung quanh mình toàn các bạn học trường chuyên, và mình thấy các bạn ấy giỏi. Các bạn ấy thường nghĩ mình học trường chuyên ở HP, nhưng mà mình nói tên trường mình chắng ai biết. Mình nói chuyện đó với bố, bố mình bảo “Quan trọng là hiện tại con đã vào được cùng lớp với các bạn con cho là giỏi rồi đấy thôi”. Dù xuất phát điểm thế nào chúng ta đã cùng gặp nhau ở đây.

Không phải lớp “số to”, không phải lớp chọn trong trường thường thì học kém. Mình có cô bạn, học thêm Hóa với mình lớp ôn thi đại học, bạn ấy không học lớp chọn. Năm lớp 12, bạn ấy được chọn vào đội tuyển thi Học sinh giỏi Sinh học Quốc Gia và được giải. Lên đại học cô ấy nhận suất học bổng toàn phần học Y tại Nga, được tài trợ toàn bộ từ học Tiếng Nga đến khi tốt nghiệp ở xứ bạch dương. Một tên bạn cùng lớp của mình cũng vừa hoàn thành chương trình Tiến sĩ Toán học tại Pháp. Mình cũng dành học bổng toàn phần đi du học ở Anh. Nên học trường thường vẫn dành học bổng đi du học được, ngay cả bạn không học lớp chọn cũng có thể luôn.

Nếu bạn nghĩ không học trường chuyên thì không thể thành đạt thì mình xin giới thiệu một cựu học sinh trường mình vẫn là ủy viên Bộ Chính trị. Doanh nhân cũng có nhưng chỉ là không nổi tiếng như Phạm Nhật Vượng thôi (Mà hình như Mr. P.N. Vượng học cấp 3 trường thường mà ta?). Nhưng thế nào là thành công? Đó là khi bạn có quyền lực, có tiền, có danh tiếng hay có hạnh phúc của riêng mình. Mình nghĩ thành công cũng là một khái niệm khá mơ hồ.

Hoạt động ngoại khóa thì sao?

Một ngôi trường nhỏ bé như trường mình cũng có rất nhiều hoạt động ngoại khóa. Ngoài hoạt động cắm trại hàng năm thì có những hoạt động chúng mình tự đề xuất và tổ chức ví dụ như là English Festival. Hay mình nhớ hồi cấp 2, chỉ vì phút nhất thời, mình với cô bạn đề xuất ý tưởng chương trình phát thanh, nên cô Tổng phụ trách cho hai bọn mình toàn quyền sử dụng loa trường giờ ra chơi, và chúng mình đã có những số phát thanh, radio âm nhạc. Mình nghĩ những “vùng đất trống” là nơi để bạn xây dựng ý tưởng và khẳng định khả năng của mình, đó chính là leadership skill mà người ta đánh giá cao đó.

Một số người bạn cùng lớp mình sau khi học xong Đại học, muốn tổ chức các hoạt động cho các em cấp 3 ở trường cũ nên đã về giúp thành lập các câu lạc bộ, hướng dẫn các em cách tổ chức.

Ngoài hoạt động ở trường, cũng có rất nhiều hoạt động ở ngoài trường. Ví dụ như mấy bạn ở khu mình tập mua lân để rằm trung thu đi biểu diễn, một nghề kiếm ra tiền. Ngoài ra, hoạt động ngoại khóa không chỉ là đi tình nguyện, câu lạc bộ, nhảy múa, hoạt động chân tay, mà là bất cứ hoạt động gì bạn thích: Đọc sách, vẽ tranh, viết lách. Chúng ta đang ở thế kỷ 21, thời đại công nghệ thông tin nơi bạn hoàn toàn có thể tạo ra một thế giới của riêng mình.

Trường cấp 3 – một xã hội “đa dạng” nhiều thành phần

Có thể trường chuyên sẽ có môi trường “văn minh”, toàn các học sinh ngoan hiền, con ngoan trò giỏi. Còn trường thường sẽ như một xã hội thu nhỏ khi nó không được tuyển chọn gắt gao như trường chuyên. Có những học sinh cá biệt, có bạn suốt ngày đi đánh nhau, có những cuộc ẩu đả, và có những hoàn cảnh mà mình không thể tưởng tượng ra nếu chỉ ở trong cái kén của mình. Mình ở Hải Phòng, người ta cũng có rất nhiều định kiến về người Hải Phòng. Thường thì thầy cô, bố mẹ sẽ nhắc “Tránh xa mấy đứa đầu gấu đó ra”. Hồi mới lên lớp 10, mình ngồi nghe 1 bạn cùng lớp kể chuyện túm tóc, tạt tai, xé áo, đánh hội đồng cũng ghê ghê. Bạn ấy học ở “lớp không chọn” suốt 4 năm cấp 2, nơi bạn ấy nói “thành phần xã hội phức tạp”. Các gia đình luôn muốn xin cho con vào lớp chọn cũng vì hi vọng giáo viên tốt hơn và bạn bè ngoan hiền. Nhưng nếu bạn có sức học bình thường, nhà không có “tiền tệ, lẫn quan hệ” thì sẽ “đặt đâu ngồi đấy”. Bạn mình nói “Cậu thấy là để ngồi cái lớp này từ lớp cấp 2 bét bảng thì tớ phải cố thế nào rồi đấy”. Nhưng mình phải công nhận là bạn ấy rất chăm, giờ bạn ấy đã là bác sĩ nhi. Ngoài ra, hắn còn quan hệ rộng, lớp nào cũng có người quen, drama gì ở trường cũng biết.

Quay lại những điều mình thấy hay khi học cấp 3 trường thường. Mỗi người luôn có một câu chuyện phía sau. Nếu nghe chuyện “giang hồ” thế kia chắc bạn cũng sợ, và nếu không tiếp xúc với những bạn “học sinh cá biệt”, người ta sẽ dể hiểu nhầm và quy chụp, nghĩ họ là người xấu. Có dạo ông anh mình cũng tá hỏa khi biết mình chơi với một vài cô bạn nổi tiếng “đanh đá” ở trường. Mình quen các bạn ấy từ hồi cấp 2, hoặc ngồi cạnh bạn ấy ở lớp học thêm. Mình thấy bạn ấy rất dễ thương, và mình thường cho bạn ấy mượn vở chép bài nếu bạn ấy không kịp ghi. Tất nhiên là gia đình, thầy cô sẽ sợ những người bạn “cá biệt” dụ dỗ mình, nhưng việc bị dụ dỗ hay không là do mình cơ mà. (Mà bạn ấy rủ một đứa yếu xìu vào team đi đánh nhau làm cái gì?).

Chính sự đa dạng, sự tiếp xúc với những người bạn thuộc nhiều kiểu khác nhau cho mình những góc nhìn khác nhau về cuộc sống. Nhờ vậy mà mình được nghe những câu chuyện “ly kỳ”. Chỉ khi bạn hiểu được những câu chuyện phía sau bạn mới không kỳ thị, không phán xét. Khi bạn đối xử với một người thế nào thì người đó sẽ đối xử lại với bạn theo cách người ta cảm nhận được. Nếu mình không làm gì bạn ấy thì tự nhiên bận ấy túm tóc mình làm gì? Bạn ấy còn dạy mình cách tự bảo vệ bản thân nếu chẳng may ra đường bị ai bắt nạt. Và mình thấy việc được bạn bè yêu quý có nhiều cái lợi. Chẳng phải người ta coi trọng kỹ năng networking sao.

Sau này, ra xã hội cùng nhiều thành phần. Đôi khi mình còn thấy những bạn bị cái mác “cá biệt” ấy còn tốt với mình hơn nhiều đứa “trước mặt thì ra vẻ ngoan hiền, sau lưng thì ghen ghét, nói xấu, chơi đểu” và những đứa nghĩ mình giỏi hơn người lúc nào khinh khỉnh.

Tóm lại

Mình nghĩ ở môi trường nào cũng có cái lợi và cái hay riêng. Dù học ở đâu, chúng ta cũng cần cố gắng, cũng phải học chứ những thành quả không tự nhiên mà có. Sẽ có một số điều trường chuyên được ưu tiên hơn, và trường chuyên sẽ tốt hơn. Ví dụ nếu bạn muốn thi học sinh giỏi Quốc gia, quốc tế thì như mình giải thích ở trên thì học trường chuyên sẽ lợi thế hơn. Trường chuyên nhận được nhiều “ưu ái” về ngân sách, cơ sở vật chất. Đặc biệt mình thấy là với mạng lưới Alumni, các anh chị đi trước sẽ giúp đỡ các em khóa sau rất nhiều. Người ta cũng bảo khi học trường chuyên, thấy mọi người giỏi, bạn sẽ nỗ lực hơn, đặt cho mình nhiều áp lực hơn. Bố mẹ bạn bạn sẽ nở mày nở mặt hơn…

Tuy vậy, việc “nhìn bạn nhìn bè”, “con nhà người ta” cũng vô tình cho bạn cái gọi là áp lực đồng trang lứa. Ở đâu cũng có người nọ người kia. Cuộc sống này vốn dĩ đã nhiều áp lực, nhưng khi lớn lên mình mới nhận ra rằng vượt qua đứa bạn cùng lớp để đứng thứ hạng cao không khó bằng vượt qua chính mình với cái bóng huy hoàng của quá khứ. Hiểu cách làm những bài toán hóc búa không không khó bằng hiểu được bản thân mình. Biết đâu điều bạn đang làm chỉ vì bạn bè đều làm còn đó không phải điều bạn thực sự muốn? Thế giới rộng lớn và đa dạng lắm, học cấp 3 hay thi đại học mới chỉ là điểm khởi đầu.

Mình tin rằng tương lai nằm trong tay bạn và phụ thuộc vào sự nỗ lực của bạn. Tương lai của bạn không phải nằm ở chiếc áo đồng phục bạn mặc, hay danh hiệu ai đó đem cho. Hạnh phúc của bạn không nằm ở sự tán dương của bà con hàng xóm, hay những bài báo “thành tích khủng” gì đó. Chúng ta luôn ước mơ những điều xa xôi, học gì, học ở đâu thì cũng luôn hướng về mục tiêu “Học để làm gì và đóng góp gì cho xã hội và chúng ta sẽ trở thành ai?”. Chính hành trình vượt qua những khó khăn, thử thách để đạt được điều mình mong muốn khiến chúng ta tự hào và mãn nguyện, khiến chúng ta luôn giữ cho mình sự khiêm tốn và khát khao được học hỏi cố gắng.

Dù thế nào, hãy yêu ngôi trường cấp 3 của mình, bởi đó là quãng thời gian rất đẹp. Đó là ngôi trường phù hợp với khả năng, tình cách được sắp xếp dành cho bạn. Tin mình đi, bạn sẽ khóc khi phải rời xa nó đấy.


Cám ơn bạn đã ghé qua Blog. Hãy Subcribe để không bỏ lỡ những bài viết mới nhé.

[jetpack_subscription_form subscribe_placeholder=”Email Address” show_subscribers_total=”false” button_on_newline=”false” custom_font_size=”16px” custom_border_radius=”0″ custom_border_weight=”1″ custom_padding=”15″ custom_spacing=”10″ submit_button_classes=”has-background has-luminous-vivid-amber-background-color” email_field_classes=”” show_only_email_and_button=”true”]

Photo by Azzedine Rouichi on Unsplash