NỘI DUNG BÀI VIẾT
Ngày chủ nhật cuối cùng của tháng 10, đồng hồ nước Anh đã chậm lại 1 tiếng để chuyển sang giờ mùa đông. Những show truyền hình chiều từ mùa hè cũng đã đi đến hồi kết. Trời chuyển lạnh, lá ngoài đường chuyển vàng. Dấu ấn mùa thu vội vã lướt qua, và mùa đông đến thật nhanh. Tôi nhận ra mình đã cất giữ những kỷ niệm về Dorset trong máy ảnh thật lâu. Tôi cũng sợ rồi nó lại lướt qua và mờ đi trong ký ức. Nhưng thực sự chuyến đi này đặc biệt, và sẽ thật tiếc nếu như tôi không thể để Dorset trong một bài blog của mình.
Ấn tượng đầu tiên của Dorset trong tôi là sự “nghi ngờ” nhưng sau đó lại trở thành thân thương. Tôi với Favour, cô bạn người Nigeria cùng lớp, dự định đến Dorset vào cuối tháng 8, sau lời mời của Eliot, cậu bạn người Anh cùng chương trình PhD. Từ lâu, tôi dã mong muốn được đến chơi nhà bạn người Anh, mà đợi mãi chẳng thấy ai mời. Bởi thế mà ngay khi Favour nói đến “cơ hội” này, tôi phải nắm bắt ngay, dù lịch trình mấy ngày cuối tháng 8 cũng hơi bận, do tôi vừa lo chuẩn bị visa đi Pháp, vừa lo chuyển nhà và cũng muốn có một ngày sinh nhật tươm tươm.
Theo gợi ý của người bản địa Eliot, chúng tôi đến Wareham, rồi sau đó là Corfe Castle, Durdle Door, sau đó Eliot lái xe đưa chúng tôi về nhà cậu ấy ở Puncknowle, Lime Regis và những thị trấn xung quanh. Lúc đặt vé tàu, Favour hỏi tôi sao cô ấy cảm thấy hơi lo lắng. Tôi trấn an, mọi chuyện sẽ ổn thôi, vì tôi đi chơi cúng nhiều.
Wareham – Cũng lo lắng thật
Trước hết, là giá phòng ở Wareham thực sự đáng lo ngại. 120 bảng cho một đêm, thật khập khiễng khi phải so sánh nhưng nó tương đương với phòng khách sạn 5 sao ở Việt Nam nhưng chúng tôi lại ở một quán trọ giữa nơi đồng không mông quạnh. Tôi đi từ London sau khi làm Visa đi Châu Âu, Favour đi từ Bristol, chúng tôi hẹn nhau ở quán trọ. Đường đến Wareham khác tương đối nhiều vấn đề mà tôi đã viết trong một bài Blog khác.
Cuối cùng tôi cũng đến trung tâm Wareham sau một hồi lỡ chuyến tàu và những lo lắng về nhà ở. Bến tàu Wareham khá nhỏ, và đường đi bộ vào trung tâm cũng không giống một nơi du lịch lắm. Trời mưa lất phất và sóng 4G ở đây cũng rất tệ. Một lỗi lầm tệ hại là tôi đã không lên kế hoạch cho buổi chiều này, nên tôi chẳng biết đi đâu. Tôi đành vào một quán trà ngồi ăn cream tea thay cho bữa trưa, nhân tiện dùng wifi, tìm xe bus đến quán trọ.
Cùng một địa chỉ postcode, nhưng Google lại chỉ tôi đi vào một con đường mòn, hai bên cỏ cây um tùm rồi dẫn đến một căn nhà dựng bằng container sơn màu đen trơ trọi giữa đồi. Thực sự khoảnh khắc ấy tôi sợ có mấy anh xăm trổ bước ra, thì không biết mấy ngày tin tôi mất tích mới được lên báo. Tôi gọi điện cho chủ nhà trọ, và nhận ra mình đã đi nhầm đường. Mạng 4G quá tệ nên tôi cũng chẳng biết đi thế nào mới là đúng. Tôi chạy lại con đường chính, và nhìn thấy ngôi nhà màu trắng chúng tôi thuê bên kia đường. Lúc này tôi mới yên tâm gọi lại ông chủ.
Ông chủ dẫn tôi vào phòng. Nó không tệ so với vẻ bề ngoài của nó. Đây là một quán pub xây từ thế kỷ 18. Với ví trí địa lý một mình nằm giữa đường quốc lộ, một quán rượu cổ ngăn cách với khu vực tôi thuê trọ là một khoảng sân, thì tôi nghĩ vị trí phòng tôi ở có thể trước đây là nhà kho hoặc chuồng ngựa.
Thấy ở trong phòng một mình không ổn lắm và cũng không có wifi, tôi ra pub ngồi. Ông chủ nói với tôi rằng wifi bị hỏng đã nói rõ trong quảng cáo. Tôi không bực dọc, chỉ thấy chán nản sau một chuỗi những sự kiện tôi đã trải qua trong ngày. Tôi hỏi một vị trí để mình có thể ngồi trong quán và cứ ngồi đó, nghĩ lại tất cả những chuyện đã xảy ra và…. Khóc. Có lẽ sau khi thấy sự mếu máo của tôi ông chủ đã gọi thợ sửa wifi đến và chúng tôi lại có wifi. Đến tối, tôi gọi một suất rau củ nướng cho bữa tối, Favour vẫn chưa đến.
Favour đến Wareham khi đã gần 11h. Cô ấy liên tục chụp ảnh update và chia sẻ vị trí cho tôi và Eliot. Tôi hướng dẫn cô ấy tỉ mỉ, xuống xe bus, đi sang đường, chú ý xe cộ trên đường, và khi đến sân quán rượu thì gọi tôi. Có thể bạn nghĩ chuyện này rất bình thường nhưng mà khi đặt trong bối cảnh làng quê nước Anh không có một cái đèn điện nào, ngoại trừ đèn pha của những chiếc xe ô tô lướt nhanh trên đường quốc lộ, quán pub cũng chỉ có ngọn đèn le lói. Favour nhắn cho tôi “Không biết đang ở đâu, đây như một bãi đất trống”. Tôi hiểu, đó là một bãi đỗ xe. Tôi chạy ra ngoài với đèn bật từ điện thoại. Và cả 2 chúng tôi đã an toàn ở trong nhà, còn chưa biết đêm nay có một toán cướp nào đến tống cổ chúng tôi đi không.
Ông chủ ở ngay trên tầng lầu của Pub. Tôi nghĩ ông sống ở đây. Sáng hôm sau chúng tôi trả phòng sớm, gửi hành lý ở pub rồi đi bộ đến Corfe Castle. Đi bộ không phải vì khoảng cách gần mà vì xe bus quá ít chuyến, và đi bộ trên đường quốc lộ không có vỉa hè cũng không phải điều nên làm. Chúng tôi chỉ quay lại quán trọ để lấy hành lý trước khi đi Durdle Door và ghé qua trên đường đi Lime Regis. Điều đó khiến tôi thấy tiếc, bởi chính nỗi sợ, hoang mang và lo lắng khiến tôi không thể bình tĩnh để thưởng thức vẻ đẹp của Wareham. Tôi chưa kịp uống bia thưởng thức bữa ăn kiểu Anh truyền thống ở quán pub ven sông như Elliot nói, chưa kịp vào bảo tàng Wareham và chưa hiểu gì về nơi này.
Corfe Castle
Tôi cùng Favour đi bộ đến Corfe Castle từ sáng sớm. Trời nắng đẹp. Ngôi làng Corfe ngay dưới chân lâu đài như vừa mới ngủ dậy đón ngày mới, khi những cửa hàng, tiệm bánh chỉ vừa mới nhận sữa và đón những vị khách đầu tiên. Chúng tôi vào tiệm bánh của ngôi làng mua cà phê và bánh croissant rồi ngồi ở tháp trung tâm đợi đến giờ lâu đài mở cửa.
Làng Corfe rất đẹp. Tôi còn nghĩ rằng người ta dành quá nhiều những mỹ từ cho những ngôi làng phổ biến cho khách du lịch như Cotswold mà bỏ qua rất nhiều những ngôi làng nhỏ xinh ẩn mình khác. Hoặc có thể, vì người dân ở đây họ muốn giữ lại sự bình yên này. Làng Corfe nằm giữa cảnh quan ngoạn mục của vùng đồi Purbeck, với lâu đài Corfe Castle đứng sừng sững trên đỉnh đồi. Những ngôi nhà đá xám và mái tranh, một kiến trúc đồng nhất cho cả thị trấn. Một lối nhỏ dẫn lên lâu đài.
Lâu đài Corfe (Corfe Castle) là một trong những công trình lịch sử nổi bật nhất ở hạt Dorset. Nằm trên một ngọn đồi chiến lược giữa vùng Purbeck, lâu đài này không chỉ là một biểu tượng kiến trúc mà còn là nơi lưu giữ nhiều câu chuyện lịch sử, chứng kiến những cuộc chiến tranh và xung đột thời kỳ Norman, trung cổ, cho đến cuộc Nội chiến Anh.
Thời kỳ Norman ở Anh bắt đầu từ năm 1066, khi William the Conqueror, Công tước xứ Normandy, đánh bại Vua Harold II của Anh trong trận Hastings và lên ngôi vua. Cuộc chinh phạt của William đánh dấu một giai đoạn mới trong lịch sử nước Anh với những thay đổi sâu sắc về văn hóa, chính trị, và xã hội. Người Norman xây dựng hàng loạt lâu đài kiên cố trên khắp nước Anh để củng cố quyền lực và kiểm soát dân chúng, bao gồm những công trình nổi tiếng như Tháp London (Tower of London) và lâu đài Warwick, và lâu đài Corfe cũng là một trong những công trình được xây dựng đầu tiên ngay sau khi vua lên ngôi. Vị trí của lâu đài Corfe nằm trên đỉnh đồi, ở giữa lối đi quan trọng của vùng Purbeck, giúp kiểm soát giao thông và thương mại trong khu vực. Người Norman đã sử dụng lâu đài này để củng cố quyền lực và duy trì an ninh, tạo nên một trung tâm quyền lực chiến lược. Lâu đài Corfe cũng được xây dựng trong thời kỳ này, mang đặc trưng của kiến trúc Norman với pháo đài lớn và nhà thờ đồ sộ, có tường dày, cổng vòm tròn, và tháp cao.
Những cải cách và ảnh hưởng văn hóa của thời kỳ này đã đặt nền móng cho cấu trúc xã hội, ngôn ngữ, và kiến trúc của nước Anh, nhiều phần vẫn còn hiện diện đến ngày nay. Người Norman thiết lập hệ thống phong kiến tại Anh, phân chia đất đai cho các quý tộc trung thành với nhà vua. Các quý tộc này, đổi lại, sẽ có trách nhiệm bảo vệ vương quốc và đóng góp quân đội. Xã hội được tổ chức theo cấp bậc, với nhà vua đứng đầu, tiếp đến là các lãnh chúa, quý tộc, và nông dân. Người Norman cũng mang đến Anh ngôn ngữ của họ, tiếng Norman (một phương ngữ của tiếng Pháp cổ), hòa trộn với tiếng Anh cổ, tạo nên sự phát triển của tiếng Anh Trung đại (Middle English). Tiếng Pháp Norman trở thành ngôn ngữ của giới quý tộc và tòa án, trong khi đó, nông dân vẫn nói tiếng Anh cổ. Nhiều từ tiếng Anh hiện đại bắt nguồn từ tiếng Norman, đặc biệt là từ vựng liên quan đến luật pháp, quân đội và quản trị. William thay đổi hệ thống giáo hội, bổ nhiệm các giám mục người Norman và xây dựng lại nhiều nhà thờ, tu viện với phong cách kiến trúc Romanesque. Nhà thờ thời Norman trở nên rất quyền lực, đóng vai trò quan trọng trong quản lý xã hội và giáo dục, đồng thời duy trì quyền lực của nhà vua thông qua ảnh hưởng tôn giáo. William còn cho thực hiện cuốn Domesday Book vào năm 1086, một cuộc điều tra lớn về đất đai và tài sản trên khắp nước Anh để tính thuế và củng cố quyền lực. Domesday Book cung cấp thông tin chi tiết về cuộc sống, tài sản và tổ chức xã hội thời Norman và là một trong những tài liệu quan trọng nhất của lịch sử Anh.
Khi tôi còn đang leo trò lên phần hành lang cao nhất của lâu đài để ngắm cảnh toàn vùng, Favour vẫn ngồi ở dưới bãi cỏ. Corfe Castle, hiện trạng chỉ còn lại những tàn tích, những phần tường thành còn sót lại. Nhưng hơn 10 thế kỷ đã trôi đi, tôi vẫn luôn khâm phục người Anh về cách họ giữ gìn di tích lịch sử của họ. Bãi cỏ xanh phía chân lâu đài trở thành khu vui chơi cho bọn trẻ. Chúng được chơi bắn cung, bắn pháo, những hoạt động phổ biến của người xưa. Thông tin lịch sử của lâu đài cũng không quá nhiều, tôi cũng tự hỏi bọn trẻ sẽ hiểu bao nhiêu. Nhưng tôi nghĩ, hình ảnh lâu đài, màu đá xám vùng Purbeck sẽ phần nào đó đọng lại trong tâm trí của chúng khi lớn lên.
Durdle Door
Tôi và Favour quay lại bến xe bus, bắt xe về quán trọ lấy hành lý rồi đến Durdle Door. Tuyến xe lửa và bus đi dọc vùng Swanage khá tiện có thể đưa bạn đến những điểm nổi bật nhất vùng Dorset. Có thể bạn chưa bao giờ nghe nhắc đến Dorset nhưng chắc hẳn đã nghe đâu đấy đến Jurassic Coast, Durdle Door vùng biển Hóa thạch. Dorset là một trong những địa điểm nổi tiếng nhất về hóa thạch ở Vương quốc Anh, đặc biệt là trong khu vực Jurassic Coast, nơi được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Dải bờ biển Jurassic Coast dài khoảng 95 dặm (153 km) từ Exmouth ở Devon đến Studland Bay ở Dorset. Jurassic Coast nổi tiếng với các vách đá hùng vĩ và sự phong phú về hóa thạch, đại diện cho ba kỷ nguyên địa chất: kỷ Jura, kỷ Phấn Trắng, và kỷ Đại Cổ, cung cấp cái nhìn sâu sắc về sự sống trong quá khứ. Nếu bạn chưa hình dung được biển hóa thạch là như thế nào thì khi tắm biển ở Dorset, bạn không chỉ có cơ hội nhặt được san hô khô đâu, mà còn có thể nhặt được một con ốc hóa thạch.Khu vực Durdle Door là địa điểm phổ biến trên mạng xã hội với vách đá hình khủng long.
Lẽ ra lời giới thiệu về Durdle Door của tôi chỉ có vậy, nhưng điều khó quên trong chuyến đi này là hai chúng tôi kéo va li. Không biết để vali ở đâu, chúng tôi ròng rã kéo vali từ điểm dừng xe bus, đi hiking qua rừng, và rồi xuống cá con đường dốc đá xuống biển. Đường xuống thì cũng tạm, chỉ khó nhiều sỏi và đá vụn quá, nhưng đường lên thì thực sự mệt. Hai người bạn tốt bụng, giúp Favour kéo vali lên dốc. Và sau khi lên được đến nơi, chúng tôi mệt không làm gì được nữa, chỉ ngồi đó đợi Eliot đến đón. Eliot dường như chưa biết chuyện gì đã xảy ra và nhắn chúng tôi đi bộ ra Lulworth Cove và cậu có thể đón chúng tôi ở đó. Nếu như chỉ có tôi và chiếc balo thì đi bộ từ Durdle Door đến Lulworth Cove chỉ cách một đoạn hiking tầm 20 phút, leo lên đồi, dọc bờ biển, nhưng 2 chúng tôi và 2 chiếc vali thì không thể làm được điều đó.
Eliot đến, Favour mặc cả không hiking gì nữa trong ngày hôm nay. Chúng tôi ngồi lên xe rồi đến Lulwoth Cove. Favour nói đây là lần đầu tiên cô ấy tắm biển còn với tôi, biển dường như chẳng còn gì xa lạ với một đứa người Hải Phòng và công việc được đi Nha Trang, Đà Nẵng nhiều như tôi. Nhưng tôi nhận ra mình mất đi cảm giác hứng thú với biển. Mỗi lần đi biển tôi luôn là đứa trên bờ trông đồ và chụp ảnh. Tôi không biết mình đang ngại mặc đồ bơi, ngại ướt tóc, ngại cháy nắng, ngại lên bờ không có đồ thay hay vì điều gì đó, nhưng tôi không nhớ lần cuối cùng tôi xuống biển là bao giờ.
Nhà của Eliot
Eliot đến là lúc 2 chúng tôi không còn phải đi bộ, bắt xe bus nữa. Việc có xe ô tô để đi là điều tuyệt vời nhất trong chuyến đi này. Ngay từ đầu tôi đã chẳng lên kế hoạch gì, chỉ đợi một cậu bạn đưa đi chỗ nào thì đi. Nhưng dẫu có lên kế hoạch, trong ký ức của tôi, tất cả những cuốn sách du lịch đã đọc, những bức ảnh đẹp nhất trên Instagram cũng chẳng thể biết được những điều ẩn mình giữa làng quê.
Eliot đưa chúng tôi ghé qua Weymouth trên đường về nhà cậu ở Puncknowle. Weymoth rất nhộn nhịp. Người ta hay đến Brighton nhưng mà tôi thấy thành phố này còn rộng và nhộn nhịp hơn, nhất là giữa một ngày hè tháng 8, kỳ nghỉ lễ Bank Holiday cuối cùng của mùa hè. Chúng tôi ăn tối ở Club House, một nhà hàng có sao Micheline. Nhà hàng nằm ngay trên bãi biển. một bữa tối no nê, 3 món cho mỗi người chỉ với 81 bảng, không quá tệ. Eliot mời bữa ăn này, và chúng tôi mời cậu ấy Fish & Chip vào ngày hôm sau.
Nhà Eliot rất rộng, giữa một ngôi làng với những ngôi nhà có hoa hồng leo ngoài cửa sổ và gạch màu vàng mật ong. Tôi nghĩ điều thú vị nhất khi đi du học là chúng ta nên có một đứa bạn bản xứ chính gốc để người bạn đó chỉ cho chúng ta về cuộc sống người bản địa như thế nào. Và lại một lần nữa, tôi bất ngờ về những điều mình đang nhìn thấy, nó có gì đó khác với những ngày ở Liss khi đi Host UK, khác với ngôi nhà ở thung lũng sông Lea, khác Nottingham. Lại là một điều gì đó mới mẻ, một gia đình nông thôn ở Anh.
Eliot dẫn chúng tôi lên phòng. Cậu thay sẵn chăn ga mới. Nhà cậu có 4 anh em, nhưng hiện chỉ có cậu và em trai ở nhà, nên có khá nhiều phòng trống. Có một điều là khi 2 khách đến nhà, chủ nhà luôn chuẩn bị 2 phòng trống, hồi tôi với Thư đi Host UK cũng vậy, còn tôi thì luôn sẵn sàng share phòng. Đó có lẽ là điều khác biệt lớn trong suy nghĩ của một đứa châu Á và người Anh. Nhìn ra ngoài cửa sổ trời tối om, không có tiếng kèng kẹc hay tắc kè kêu như ở quê tôi. Căn phòng tôi cũng tối như chỉ thắp một ngọn nến. Ánh sáng vàng hắt lên những bước tường dán những bức tranh về Chúa có lẽ từ một người sùng đạo. Dù căn phòng này với tôi hơi lạ lẫm, nhưng hôm nay đã là một ngày quá dà, cũng hơi lạ phòng, nhưng tôi vẫn phải đu ngủ đã.
Lyme Regis
Sáng sớm, Eliot nấu bữa sáng với những nguyên liệu rất đặc trưng trong Full breakfast kiểu Anh: xúc xích, trứng, thịt muối. Sáng nay chúng tôi đi quanh làng rồi chiều đi Lyme Regis. Eliot không quên đưa tôi ủng và áo chống nước trước khi bước ra ngoài. Chúng tôi lái xe đi quanh làng và đến Hardy Monument, nơi tưởng nhớ nhà thơ và tiểu thuyết gia nổi tiếng Thomas Hardy, người đã có ảnh hưởng lớn đến văn học Anh. Mùa hè, chúng tôi cũng thấy rải rác một vài chiếc xe cắm trại ở trên đường.
Sau đó, tôi đề nghị qua lại Abbotsbury vì hôm qua mới được đi lướt qua, nhưng tôi muốn xuống chụp ảnh. Ngôi làng được thành lập quanh Abbotsbury Abbey, một tu viện lịch sử. Ngôi làng rất nhỏ có những ngôi nhà có xây với gach màu vàng giống nhau. Chúng tôi đi lên đồi, tiến về Abbotsbury Abbey. Nơi đây chỉ còn lại dấu tích của một tu viện cổ, nằm một mình trên đồi. Mưa ngày một lớn. chúng tôi vào trong tu viện trú mưa một chút. Không còn đồ đạc gì ở nơi này nữa, nhưng tôi nghĩ niềm tin vào Chúa vẫn còn ở đây. Tôi thấy những lá thư và những lời gửi gắm lên thượng đế hay một người thân quá cố, họ ghi và để lại trên bệ cửa sổ. Chắc hẳn vẫn có người ghé qua đây. Ngôi làng rất yên ắng vào sáng chủ nhật. Favour vừa đi vừa hát. Một chú cao tuổi đi qua cười với chúng tôi “Một tâm trạng phấn khởi trong ngày mưa”. Rời khỏi Abbotsbury, trời ngớt mưa, chúng tôi về cất đồ rồi đến Lyme Regis.
Lyme Regis, một thị trấn nhỏ được mệnh danh là “Hòn ngọc của Dorset ” phía Nam nước Anh. Ban đầu, Favour muốn đi Lyme Regis vì Jane Austen từng lấy thị trấn này làm bối cảnh trong truyện Persuasion, cuốn tiểu thuyết cuối cùng của bà. Nhưng chúng tôi đã bỏ qua khu vườn đậm chất Jane Austen Lyme Regis mà chủ tận hưởng bãi biển
Lyme Regis là nơi đầu tiên cho tôi hiểu “Đi biển kiểu British là thế nào”: chơi xèng trong mây trò chơi, ăn Fish&Chips và nằm dài trên bãi biển. Ban đầu tôi cứ nghĩ mấy trò chơi như trong hội chợ đó thật cũ kỹ và tôi không còn thấy hứng thú với chúng từ lâu rồi. Vậy mà tôi cũng một trò hết cả 10 xu. Hóa ra niềm vui là điều không bao giờ cũ.
Một điều đáng chú ý ở những bãi biển ở Anh đó là bãi biển chỉ có bãi sỏi, và cát. Ngay cả khu nhà vệ sinh, tắm tráng, thay đồ cũng là công cộng và vào miễn phí hoặc bạn chỉ cần bỏ 1 xu. Những quán cà phê, nhà hàng sẽ nằm ở phía trên bờ xa bờ biển hoặc phải vào phía trong thành phố. Người dân có thể tự mang thảm, ghế, đồ pinic của họ để ngồi trên bãi biển nhưng sẽ không có một hàng quán nào lấn chiếm bãi biển đó. Bởi thế, mà ở những khu đậu xe, ta rất dễ bắt gặp cảnh những gia đình mở cốp xe chưa đầy những dụng cụ, đồ dùng picnic. Đôi khi trên nóc xe họ có một chiếc xuồng, hay 2 chiếc xe đạp nếu đi vùng đồi núi. Những đứa trẻ trong gia đình cũng có một “gia tài” riêng của chúng với xẻng, xô, đồ chơi đi biển.
Trước khi về chúng tôi ghé qua một hiệu sách cổ. Thị trấn này lý tưởng cho một kỳ nghỉ dài. Lyme Regis có sự pha trộn giữa sự hiện đại và cổ kính, sôi động và trầm lắng, giữa thiên nhiên và văn học, giữa quá khứ và hiện tại, tạo nên một không gian đầy cảm hứng và bình yên. Và mùa hè cứ bình yên như vậy trôi qua.
Tối hôm đó về, chúng tôi làm BBQ ngoài vườn, tôi làm nem cuốn, bố mẹ Elliot cũng vừa đi du lịch về. Tôi hi vọng cô chú không phiền với chỗ hỗn độn chúng tôi gây ra.
Những ngôi làng ở Dorset và ngày sinh nhật đặc biệt của tôi
Sáng sinh nhật tôi, chạy xuống nhà Favour và Eliot đã chuẩn bị bữa sáng. Favour tặng tôi một món quà sinh nhật. Và chúng tôi lại chuẩn bị cho một ngày khám phá mới.
Eliot đưa chúng tôi đến một khu hội chợ đồ cũ, và nói với tôi rằng, cậu ấy nghĩ đây là nơi tuyệt vời để chọn một món quà sinh nhật. Mỗi năm chỉ có một lần và ngày chủ nhật cuối cùng của tháng 8, người dân trong làng mang đến bán và trao đổi nhưng món đồ cũ mà họ không dùng đến nữa. Bãi đất rất rộng, và hội chợ có tình nguyện viên hướng dẫn xe vào. Mỗi gia đình xếp đầy đồ cũ trong cốp xe và xếp gian hàng của mình. Chúng tôi đến khá sớm, nhiều gia đình mới đến. Tôi không tìm kiếm một món đồ nào ở đây cả, vì cơ bản du học sinh, không có nhà cũng chẳng dám mua quá nhiều thứ. Nhưng tôi chợt nhận ra có lẽ mua đồ cũ trong cửa hàng charity shop là một thú vui. Chẳng vì bảo vệ môi trường hay tiết kiệm gì, bởi tôi thấy người ta thường tìm thấy nhiều những món đồ độc lạ. Nhà của Eliot cũng đấy những món đồ xinh xẻo và kỳ lạ như thế, và mẹ cậu tự hào về chúng: những chiếc ly hình ốc quế dùng để ăn kem, bộ gia vị hình rau củ quả, những chiếc cốc tí hon nhưng nhìn kỹ đó lại là dụng cụ đong khi làm bánh (1 tea spoon, ¼ cup), giá đốt trầm hương hình hoa sen bằng sứ cầu kỳ, hay đơn giản là những tượng sứ để trên giá sách.
Đồ đạc mang đến hội chợ thường là sách, CD cũ, đồ chơi trẻ em, đồ nội thất, đồ gia dụng, dụng cụ làm vườn, đồ đi câu. Eliot mò trong khay dụng cụ trong một cửa hàng và chọn cô tôi một bộ dao đa năng. Cậu hỏi tôi có thích không? Thực sự thì tôi vui vì món quá đó. Trước đây bố cũng từng cho tôi một bộ dao đa năng Thụy Sĩ tương tự nhưng tôi dã làm bị thu nó khi qua cửa hải quan lên máy bay. Đến bây giờ tôi vẫn còn tiếc. Thực sự tôi không dùng bộ dao đó nhiều, nhưng mỗi món quá được tặng với tôi rất nhiều ý nghĩ, và tôi luôn cất giữ chúng, dù chẳng để làm gì. Điều tôi tiếc đó là tôi đã không cố gắng xin giữ lại bộ dao đó khi bị tịch thu. Và đến giờ tôi vẫn tiếc. Tôi kể cho Eliot câu chuyện đó. Tôi không biết câu chuyện về bộ dao này với người chủ cũ ra sao, nhưng giờ tôi vui khi nó ở cùng tôi.
Đi hội chợ về ba chúng tôi lại ra biển. Một bãi biển vắng lặng, và hôm nay sóng rất to. Tôi thấy cuốc ống ở đây thật thú vị. Eliot mỗi lần thích ra biển chỉ cần xách túi đồ, và lái xe đi. Bãi biển thuộc về tự nhiên và những người dân ở đó, không thuộc về bất cứ resort, khách sạn nào cả. Lúc 2 người bạn của tôi đang lặn ngụp với sóng lớn. Họ tìm thấy một con ốc hóa thạch.
Chúng tôi về nhà, Favour làm puff puff, một món ăn đường phố của Nigeria làm từ bột mỳ chiên. Sau bữa trưa nhẹ, chúng tôi tạm biệt bố mẹ của Eliot rồi ra ga. Trên đường đi, chúng tôi cũng rẽ qua Max Gate, ngôi nhà được thiết kế bởi Thomas Hardy, tác giả mà chúng tôi đi đến đài tưởng niệm của ông hôm vừa rồi. Hardy vốn được đào tạo để trở thành một Kiến trúc sư. Từ năm 1870s, ở những năm đầu tuổi 30, ông dừng lại sự nghiệp kiến trúc để tập trung theo đuổi văn chương. Do đó, Max Gate là một trong số ít những công trình do ông thiết kế. Và dù có tự cho mình là một người hiểu biết văn chương và viết lách thích Janes Austen, Charles Dickens, Shakespear, còn cả Samuel Jonson, tôi tự thấy hổ thẹn khi chưa một lần biết đến Thomas Hardy, một trong những văn hào tiêu biểu trong thời đại của Nữ hoàng Victoria. Nước Anh đến giờ vẫn còn quá nhiều điều xa lạ mà tôi chưa hiểu hết.
Dorset
Điều tôi thích ở chuyến đi này bởi sự bất ngờ mà nó mang lại và những trải nghiệm mà tôi chỉ có thể có khi có một người bạn bản địa sẵn sàng dẫn đi chơi, và tôi thấy tự hào vì mình đã không bỏ lỡ cơ hội đó, dù trước đó tôi cũng chẳng mấy khi nói chuyện với Eliot cả. Eliot đúng ta một host tận tụy. Tôi sẽ không trách cậu ấy về việc nhắn chúng tôi kéo vali đi bộ từ Durdle Door đến Lulworth Cove nữa.
Còn một thị trấn khác ở Dorset khác mà tôi muốn đi đó là Shafesbury nhưng thị trấn ven biển này nằm ở phía bắc Doset, khá xa nhà Eliot ở khu vực phía nam. Điều đó khiến tôi cảm thấy chưa thể trọn vẹn khám phá vùng đất này. Tôi muốn dành những ngày hè ở Weymouth, Swanage, dạo qua thị trấn Shafesbury, hay quay lại Wareham và Abbotsbury vào một ngày nắng. Nhưng một điều tiếc nuối khác khi tôi viết những dòng này đó là tôi đã để nỗi sợ ngăn cản mình tận hưởng chuyến đi này, và lẽ ra tôi nên xuống tắm biển. Tự nhiên tôi cảm thấy thấy thời gian cứ vội vã trôi đi, và những tôi cứ đắn đo quá nhiều rồi lại bỏ lỡ những niềm vui và những trải nghiệm trọn vẹn. Lần tới, nhất định tôi sẽ tắm biển.
Cám ơn bạn đã đọc đến đây. Nếu bạn thấy thú vị và bổ ích hãy chia sẻ với bạn vè và đừng quên theo dõi qua Email để không bỏ lỡ những bài viết mới trên Blog. Bạn có thể để lại bình luận để cho mình biết nội dung nào bạn đang quan tâm, cũng như để lại email để mình gửi cho bạn những tài liệu hữu ích.
Theo dõi Fanpage để nhanh chóng cập nhật bài viết và chia sẻ mới nhất: https://www.facebook.com/Violetstoryblog
- 💎Bạn có thể ủng hộ để Blog được duy trì bằng nhiều hình thức tại Donation
- 📝Những bài viết khác cùng chủ đề trên Blog tại Learning and Growing
- 🎨Instagram: https://www.instagram.com/phuong.anh.violet/
- 📚Bookstagram: https://www.instagram.com/vitamin.books/
- 🍀Self-help Instagram: https://www.instagram.com/_smallstepseveryday_/
- 📻 Podcast: https://podcasters.spotify.com/pod/show/smallstepseveryday
- 📽 English blog: www.phuonganhviolet.com
- 🔖Facebook: https://www.facebook.com/Violetstoryblog
- 💌Email: hi@callmeviolet.com