Có một câu nói của Dr. Samuel Johnson chắc hẳn một kẻ si tình với London chắc cũng đều biết
“Nếu một người thấy chán London nghĩa là người đó đã chán sống, bởi tất cả những gì cuộc đời này trao tặng đều tìm thấy ở London.”
Ngày 18/9/2019
Tôi có mua một cuốn sách viết về 365 ngày ở London bán trên Amazon với giá 2 bảng. Cuốn sách sẽ gợi ý vào từng ngày trong năm nên làm gì, nhũng sự kiện nào đang diễn ra. Sáng hôm đó, lại một ngày nữa tôi thức dậy mà chưa có kế hoạch gì. Thư vẫn trong giai đoạn làm đề án cuối khóa nên tôi lại đành đi chơi một mình. Mở cuốn sách ra, thấy hôm nay đúng ngày sinh nhật của Dr. Samuel Johnson, một tác giả người Anh nổi tiếng, theo gợi ý của cuốn sách, tôi đến tham nhà ông.
Ngôi nhà nằm ở Gough Square. Nhìn bản Google Maps từ nhà cũng không xa lắm nên tôi quyết định đi bộ tầm 40 phút. Tôi đi qua khu Holborn rồi đi vào khu nhà thờ St Paul và rồi thấy biển chỉ dẫn đường vào Dr. Samuel Johnson House. Đường vào rất hẹp, khuất và vắng người, nếu không để ý kỹ bạn sẽ rất dễ đi nhầm và bỏ lỡ mất ngõ nhỏ cần rẽ vào.
Gough Square là một khu phố rất lạ. Nó cổ kính và yên tĩnh nép mình cạnh khu văn phòng cao ốc hiện đại và khu vực nhà thờ St Paul luôn tấp nập người qua. Khi bước qua cánh cổng vòm tường gach đỏ, tôi cảm giác như thời gian ngưng đọng. Những chiếc xe đạp cũ dựng cạnh hang ghế cỗ đã cũ sờn ở khoảng sân rộng trước dãy nhà nằm im lìm, chỉ có vài bóng người lặng lẽ bước qua. Có lẽ nơi này từ thế kỹ 18 khi Dr. Samuel Johnson còn sống đến bây giờ cũng chẳng thay đổi nhiều.
Thực ra tôi chỉ biết đến Dr. Samuel Johnson qua một câu nói. Còn lại tôi chưa đọc bất cứ tác phẩm nào của ông. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là từ điển. Hồi vẫn đợi kết quả Chevening, chỉ vì đọc được câu nói nổi tiếng ấy và đêm đêm ngồi ngắm những tấm ảnh chụp London qua Pinterest mà tôi đã nghĩ mình chắc chắn sẽ học ở London.
Ngôi nhà không không giống một địa điểm du lịch, hay bất cứ một bảo tàng nào tôi từng đến thăm. Căn nhà cũ của Dr. Samuel Johnson chỉ là một ngôi nhà, bình dị của một người sống ở London không mấy khá giả. Ngôi nhà xây bằng gach nâu trầm có cửa gỗ màu đen phía trên những bạc thang hẹp, quay lưng lại phía nhà thờ.
Tôi bấm chuông cửa rồi đẩy mạnh cánh cửa gỗ rất nặng. Theo chỉ dẫn tôi bước vào căn phòng nhỏ rất tĩnh lặng, nơi có thể mua vé vào thăm quan ngôi nhà và bán một vài món đồ lưu niệm. Một người phụ nữ lớn tuổi, tóc bạch kim ngắn uốn xoăn quý phái, mỉm cười chào tôi bằng chất giọng chuẩn Anh – Anh.
Một đoàn khách gồm khoảng 8 người phụ nữ vừa bắt đầu chuyến tham quan của mình. Tôi nhanh chóng nhập đoàn, theo chân cô bạn hướng dẫn viên đi từng phòng. Cô chậm rãi giới thiệu về cách bày trí của ngôi nhà và lịch sử, những sự kiện, những vị khách thường đến chơi với Dr. Samuel Johnson hơn 200 năm trước. Ngôi nhà khá nhỏ, nên phần giới thiệu diễn ra rất nhanh. Chúng tôi cùng xem những cuốn từ điển và giải mã các từ theo định nghĩa của Samuel John, rồi cười khúc khích bởi những định nghĩa rất lạ và thời nay đã chẳng còn dùng đến.
Căn nhà rất nhỏ nên tour tham quan kết thúc sớm. Khi những vị khách đã về hết, tôi ở lại trong phòng đọc sách, nơi lưu giữ những tác phẩm của Dr. Johnson. Nắng vàng ươm chiếu sáng căn phòng nhỏ. Tôi ngồi đó rất lâu và chỉ ngồi ngắm nhìn cuộc sống phía dưới ở Gough Square qua khung cửa gỗ sơn trắng đã cũ sờn. Nhìn về phía khoảng sân rộng, đã tầm giờ trưa, một vài người đang trên hàng ghế gỗ giữa quảng trường cạnh bức tượng con mèo và cái cây khẳng khiu lá đã chuyển sang màu vàng. Họ ngồi đó đọc sách và một vài người đang thương thức bữa trưa với bánh sandwich và cà phê, một bữa trưa đặc trưng kiểu Anh.
London ở nơi này bình yên đến lạ. Người ta sẽ ít khi thấy London với một sự điềm tĩnh và giản dị thế này, một London không hề có trong những cuốn hướng dẫn tour, không hề có trong lịch trình của những du khách vội vã. Có một lần tôi nói chuyện với cô bạn cùng flat, rằng có bạn từ Châu Âu sang chơi, cô ấy chẳng biết dẫn bạn đi đâu. Đó cũng là suy nghĩ của tôi. Có lần bạn tôi từ Pháp sang. Tôi dẫn cậu ấy đi bộ con đường từ St Paul, qua cầu Thiên Niên Kỷ rồi đi dọc sông đến Tower Bridge. Đó là cung đường tôi thích nhất. Và tôi bị bạn tôi chê … NHẠT. Cuộc sống ở London của tôi thì chỉ đơn giản chỉ có công viên, nhà thờ và những con phố. Và London với tôi đẹp vì thế.
Một lúc nào đó bạn nhận ra mình yêu một thành phố không phải vì ở đó có những điểm đến nổi tiếng mà hàng triệu người mơ ước 1 lần đặt chân tới hay vì những món ăn ngon đến đê mê đầu lưỡi. Chẳng cần một ngày trời xanh trong rực rỡ nắng vàng, cái tình cảm lạ lùng ấy đến nhẹ như cơn gió se lạnh của ngày cuối đông âm u lất phất những hạt mưa bay, đủ dịu êm để đồng điệu với cảm xúc chất chứa trong lòng. Bởi vì người ta nói vẻ đẹp thực sự có thể khơi gợi trong con người ta những cảm xúc tích cực, sự hướng thiện và thanh lọc tâm hồn, nên từ lúc nào không biết, giữa những điều bình dị của cuộc hàng ngày, bất chợt bạn thấy trái tim mình rung lên.
Bởi London lúc này đã chẳng còn là một chốn ghé chơi mà đó đã là nơi để ở, là mỗi chuyến đi xa về nghe thấy tiếng “Please mind the gap” đã thấy mình sắp về nhà, mình sắp được về nhà. Và nhà đó chính là London.
Thú thực, tôi bắt đầu thấy buồn vì sắp phải xa cuộc sống bình yên này. Tôi tham lam thật đấy. Trước kia tôi chỉ cần ở London, nhìn thấy London, chạm vào London, hít thở không khí London, còn giờ bàn tay tôi nắm chặt lấy cuộc sống này không muốn bỏ ra.
Mãi tôi mới quyết định đi xuống tầng. Ngắm nghĩa những món đồ lưu niệm ở phòng khách, tôi vẫn quyết định mua một chiếc túi Tote có in câu quote yêu thích “Tire of London, tire of life”. Câu nói này đã đưa tôi đến đây, và nó sẽ cùng tôi trở về.
Có một điều tiếc nuối khác, đó là ở London thường tuyển các tình nguyện viên trong các bảo tàng. Công việc rất nhẹ nhàng là có thể sắp xếp lại đồ đạc, đón tiếp những vị khách đến. Những bảo tàng như thế này thường của các quỹ Charity. Với giá vé chỉ có 5 bảng, và số lượng khách đến tham quan không đông, ngân sách cũng khá eo hẹp để có thể duy trì một ngôi nhà. Mua những món đồ lưu niệm cũng là cách để ủng hộ bảo tàng. Nếu như biết nơi này sớm hơn, tôi sẽ đăng ký làm tình nguyện viên. Đúng là 1 năm đi học ở London, tôi đi tình nguyện hơi ít. Cảm giác như mình chỉ có nhận quá nhiều ở thành phố này mà không biết cho đi.
Cánh cửa gỗ đen khép lại sau lưng, tôi bước ra khoảng sân rộng, hít một hơi thật sâu. Hôm nay bầu trời London đầu thu vẫn trong xanh, vẫn xanh hệt như ngày London chào đón tôi vậy.
Điều hối tiếc tiếp theo là khi viết những dòng này tôi phát hiện ra mình bị mất ảnh chup tại nhà Dr. Samuel Johnson sau một đời hỏng ổ cứng và máy tính.
Những bài viết khác về trải nghiệm ở UK: 444 ngày ở UK