Nộp luận văn, kết thúc những ngày với lịch trình cố định, tôi lại rơi vào trạng thái trổng rỗng. Mỗi ngày thức dậy, nhìn những hạt nắng vàng ươm của mùa thu chiếu qua khung cửa sổ, tôi chẳng biết làm gì . Lại giống hồi tốt nghiệp đại học, tôi như bị văng ra khỏi lịch trình cố định của những bài luận, những lo lắng trước mỗi kỳ thi để rơi vào một không gian rộng lớn, chẳng có đính hướng. Tháng 9 vừa sang, tròn 1 năm ngày tôi đặt chân xuống London. Thư vẫn chưa nộp dự án tốt nghiệp, tôi cũng chẳng có bất cứ kế hoạch nào cho đến khi hết hợp đồng nhà. Như một thói quen, tôi vẫn đến thư viện để đọc sách và học thêm một vài khóa học online, tận dụng nốt những quyền lợi của thẻ sinh viên trước khi hết hạn, chiều về dạo qua khu phố Bloomsbury. Và tôi chợt nhớ ra có một nơi gần nhà mà tôi luôn muốn ghé chơi nhưng chưa có dịp. Đó là ngôi nhà của Charles Dickens.
Charles Dickens (Charles John Huffam Dickens, 1812-1870), nhà văn viết về xã hội Anh. Ông cũng là nhà báo, biên tập viên và vẽ tranh minh họa. Charles Dickens mất vào tháng 6/1870 sau khi bị đột quỵ. Ông được chôn cất tại nhà thờ của Tu viện Westminster. Trên bia mộ của Charles Dickens viết: “Ông ấy là người thông cảm cho người nghèo, người đau khổ và người bị áp bức, và khi ông ta chết, một trong những nhà văn vĩ đại nhất của nước Anh bị lạc ra khỏi thế giới”. Độc giả Việt Nam thường quen thuộc vởi Charles Dickens qua những tác phẩm như Những kỳ vọng lớn lao (Great Expectation), David Coperfield, Oliver Twist, Hai kinh thành (The Tales of the two cities), và tác phẩm được trẻ em yêu thích nhất đó là “Bài ca đêm Giáng sinh”.
Ngày 1/9/2019
Đó là một thiếu xót lớn khi mãi đến lúc gần chuyển đi tôi mới có dịp đến ngôi nhà của Charles Dickens nằm ngay trong khu Blooms Bury, chỉ cách nhà tôi 5 phút đi bộ. Cũng bởi vì ngôi nhà này không nằm trên cung đường tôi hay đi học, hay đi chợ, nên tôi ít khi đi qua. Có một lần, nhận lời đi tình nguyện cho sự kiện hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và UK, tôi tìm đường ra bến xe bus đến chỗ sự kiện và nhận ra, mình chỉ cách nhà của Charles Dickens có 200m.
Tôi đến ngôi nhà số 48 Doughty Street vào một cuối tuần nắng hè. Nếu chỉ đi lướt qua không để ý bạn sẽ không biết đó là một địa điểm thăm quan bởi nó như bao ngôi nhà khác trong khu phố. Điểm khác biệt duy nhất là có một biển nhỏ trở trước cửa ghi “Charles Dickens Museum” và có một biển xanh nhỏ hình tròn bằng sứ, gắn trên cửa, biểu tượng mà người ta thường dùng để đánh dấu nơi những nhân vật nổi tiếng từng ở. Nhờ đó mà tôi biết, trong dãy phố này có một vài ngôi nhà khác là nơi những người nổi tiếng từng ở. Có lần đi học về, lúc ngơ ngác sang đường, tôi chợt nhân ra nơi Lê nin từng ở nằm ngay gần nhà mình. Rồi có dạo, mấy anh em Chevening ra tận nơi trên phố Picadily để chụp ảnh với tấm biển xanh có tên Bác Hồ. Và khi phát hiện ra điều ấy, tôi lại có một thú vui là đếm số biển xanh ở khu Blooms Bury. Nhưng sự thật là, tôi cũng không giỏi lịch sử văn hóa lắm, nên có nhiều nhân vật tôi cũng chẳng biết là ai.
Lại nói đến văn chương nước Anh. Có lẽ bạn thường thích Harry Potter, hay Schelock Homle, hay điệp viên 007. Nhưng viễn tưởng, trinh thám, hành động không phải Guu của tôi. Tôi thích Jane Austen lãng mạn, nhưng chỉ thích khi đã ở UK. Nó như một cảm giác được ngấm vào máu từ từ khi hít khí trời UK vậy. Hồi chuẩn bị phỏng vấn Chevening, tôi định đọc hết cuốn “Những kỳ vọng lớn lao” của Charles Dickens, để có một sự uyên bác trước khi bước vào buổi phỏng vấn, để tôi có thể thể hiện được tôi thông tường văn hóa thế nào. Nhưng thôi, cuốn sách khó đọc đến nỗi 2 chương đầu tôi bắt đầu chùn. Là chính mình thôi, sao có thể biến thành người khác trong thời gian ngắn được. Mình thích thì mình nói thích, không thích thì không cần nói gì, không biết gì cũng đừng giả vờ như mình biết.
Nhưng đến khi đi học, có lẽ tôi rất phục thầy tôi ở chỗ giảng bài như bàn chuyện văn chương vậy. Khi chúng tôi học phân tích đường bay giữa 2 thành phố. Thầy giáo tôi đặt tên bài giảng là “The tale of the two cities”, tên một tác phẩm của Dickens. Đến kết bài, câu nói nổi tiếng trong truyện cũng được thầy đưa ra rất hợp với bài giảng.
“It was the best of times, it was the worst of times, it was the age of wisdom, it was the age of foolishness, it was the epoch of belief, it was the epoch of incredulity, it was the season of Light, it was the season of Darkness, it was the spring of hope, it was the winter of despair, we had everything before us, we had nothing before us, we were all going direct to Heaven, we were all going direct the other way.”
The tale of the two cities quotes
Chúng ta luôn cần một thời điểm để bắt đầu yêu, như khoảng khắc Cupid bắn mũi tên về phía bạn vậy. Không cần phải yêu ngay. Rồi sau đấy, tôi đã đọc, đã xem phim, đã xem kịch tác phẩm Những kỳ vọng lớn lao.
Ngôi nhà của Charles Dickens có khá đông người thăm quan. Tác giả chỉ ở căn nhà này trong thời gian ngắn ngủi 2 năm (1937 -1939) cùng vợ và 3 người con. Nhưng tại đây, tác giả cho ra đời và thai ghén 4 tác phẩm, trong đó có hoàn thành trọn vẹn Oliver Twist, một tác phẩm thân thuộc tại Việt Nam. Bảo tàng được mở cửa từ năm 1925. Giá vé vào cửa là khoảng 5 bảng.
Căn nhà cho tôi cảm giác của một ngày chủ nhật thư thái. Tiếng chân chạy trên cầu thang gỗ lộp cộp cùng tiếng người cười nói xôn xao. Căn nhà có tường sáng màu, những kệ gỗ nâu trầm. Cũng giống như nhiều căn nhà khác, ngôi nhà có phòng khách, nhà bếp, phòng ăn, phòng ngủ của gia đình và nơi làm việc của Dickens. Có một điều tôi thấy khá bất ngờ, vì tôi nghì Dickens nổi tiếng về tiểu thuyết, nhưng thực ra ông viết rất nhiều du ký.
Có một không gian thăm quan mà tôi ấn tượng nhất, họ sắp đặt một tai nghe, và tôi có thể ngồi đó vừa nghe nhạc ở đó. Khi vừa đưa tai nghe lên, trên loa phát bản nhạc “La petite Helene: Walse”, cảm giác như thời gian ngừng. Những tác phẩm và nhân vật của Charles Dickens được nhắc tới trong rất nhiều tác phẩm nghệ thuật, trong đó có âm nhạc, và có cả những bản Rap của Kenny West, và Jay Z nữa. Ngoài ra, còn có những cuốn sách như ‘Dinner with Dickens”, những công thức nấu ăn lấy cảm hứng từ những tác phẩm của Charles Dickens.
Tôi có một sở thích rất cổ điển, đó là sách và âm nhạc. Tôi luôn ước mình có thể nói về văn chương và dùng văn chương để kể về cuộc sống. Và dường như cuộc sống của tôi bị văn chương bao trùm, đến nỗi tôi nhìn những nhân vật trong truyện và suy ra bài học cho riêng mình. Tự nhiên một đống tiền rơi xuống không biến bạn trở thành một quý ông như câu chuyện của Pit trong Những kỳ vọng lớn lao, nên tôi thấy nhiều tiền chưa chắc đã là sang. Hay đừng có chảnh chọe như cô chủ trong Bài ca giáng sinh, kiểu gì cũng sẽ gặp hậu quả. Tôi còn thầm ước, nếu như được chọn lại, chắc hẳn hồi đại học tôi đã thi vào Khoa văn học đại học KHXHNV để đắm mình trong văn chương.
Dạo quanh một vòng ngôi nhà, tôi xuống cầu thang, nhìn những tia nắng cuối hè đầu thu ghé qua khung cửa kính, rồi tiếp tục đếm những biển sứ màu xanh trên con đường về nhà. Tôi thấy mình thật may mắn khi được sống ở đây, ở Bloombury.
Những bài viết khác về trải nghiệm ở UK của mình: Nhật ký 444 ngày ở UK
Ngoài ra có một bài Radio rất hay nói về văn chương của Charles Dickens, bạn có thể xem tại đây
1 Comment