NỘI DUNG BÀI VIẾT
Vậy là mình đã đi được một nửa hành trình PhD. Nếu như năm nhất mình khám phá những điều mới mẻ với sự háo hức, thì năm 2 vẫn là những điều mới cần khám phá, nhưng nhiều áp lực hơn. Hôm tổng kết, mình thuyết trình những việc đã làm trong năm qua và kế hoạch nghiên cứu sắp tới. Thầy examiner hỏi mình rằng “Em có thấy hài lòng với những gì mình đạt được không?” Câu trả lời của mình chẳng thể gói gọn trong 2 từ có hoặc không. Và trong năm thứ 2 ấy, có rất nhiều điều diễn ra không như ý.
Những điều mình đã làm được
Nếu liệt kê tất cả những sự kiện đã diễn ra trong năm thứ 2 PhD, cũng có một vài sự kiện đáng nhớ:
- Mình hoàn thành thực tập tại Bộ Giao Thông Vận Tải của UK.
- Lớp mình có một dự án tư vấn tại Nottingham City Council
- Mình hoàn thành một bài báo, cùng cả lớp tổ chức conference và cũng được thuyết trình tại hội thảo chuyên ngành Cognitive Ergonomics Châu Âu (Nếu bạn chưa biết thì đây là chuyên ngành chính mình nghiên cứu nhé).
- Mình thực hiện những cuộc phỏng vấn với những nhà xây dựng chính sách – policymakers để lấy thông tin cho bài báo tiếp theo.
- Mình hoàn thành các lớp học về Machine Learning, Policy Engagement, Policymaking Essentials, Phương pháp nghiên cứu một cách bài bản.
- Tham gia Summer School về Digital Goods tại University of Sheffield.
- Về công việc làm thêm, mình hoàn thành công việc Data Science Research Associate tại Rights Lab và sếp rất hài long. Ngoài ra, mình còn được mời tham gia nhóm PhD Consultant (mặc dù ban đầu mình tưởng scam). Ngoài ra, cuỗi năm học mình cũng được mời làm Content Creators cho các trang mạng xã hội của trường.
- Về công việc cá nhân, mình sáng lập Spark On và có dự án nhận được tài trợ từ Chevening Alumni Programme Fund.
…và không làm được
Mình không thể gia hạn hợp đồng thực tập tại Bộ GTVT như kế hoạch ban đầu. Thực ra kế hoạch theo chương trình thi kỳ thực tập của mình kéo dài 3 tháng nhưng mình đã làm 9 tháng, và mình muốn tiếp tục gia hạn hợp đồng. Mình nhớ hôm đóng gói lại máy tính, đồ văn phòng được phát và thẻ nhân viên gửi qua bưu điện, mình cảm giác như tạm biệt một cơ hội. Thực ra, những ngày đi thực tập, đến văn phòng không phải lúc nào cũng vui, thậm chí có những ngày mình cảm thấy rất lạc lõng và không biết mình đang làm gì ở đây và mình không biết nên nói điều đó với ai cả, cũng không biết nên làm gì. Mãi đến những tháng cuối cùng khi mình biết mình cần làm, khi mình bắt đầu có cảm giác “thuộc về” mỗi lần đến văn phòng, thì đó là lúc kỳ thực tập kết thúc. Khi ấy mình rất buồn. Nghiên cứu của mình cần phỏng vấn những policymakers và nếu như mình có thể truy cập vào hệ thống với tư cách là nhân viên của Bộ thì liên lạc với họ sẽ dễ dàng hơn. Chưa kể còn biết bao chương trình đào tạo muốn tham gia.
Mình trượt môn Machine Learning ở Khoa Computer Science. Thực ra đó là môn học tự chọn cũng không ảnh hưởng gì đến việc tốt nghiệp của mình, nhưng cũng hơi thất vọng. Chỉ là mình đã cố gắng để trở thành một Data Scientist học hành bài bản chứ không chỉ là tự học cơ bản. Nhưng mà biết code, và hiểu những thuật toán là một chuyện, còn để có thể trình bày chi tiết từng bước bằng công thưc toán học thì đó là cả một vấn đề đối với mình.
Tất cả những áp lực thường đến vào tháng 1, từ việc thi cử, không gia hạn được hợp đồng thực tập, không tìm được người phỏng vấn cho nghiên cứu, cộng thêm việc những mối quan hệ cá nhân, thất tình, tất cả ập đến cùng một lúc. Đó là khoảng thời gian mình thấy rất xuống tinh thần.
Năm vừa qua mình đã bắt đầu lo lắng cho tương lai sau khi tốt nghiệp, làm CV rồi mang ra Career Service để được tư vấn. Sau khi hợp đồng ở Right Labs hết hạn vào tháng 8 vừa rồi, mình vẫn chưa tìm được công việc làm thêm tiếp theo, và mình cũng trượt khá nhiều. Thư mục “Fail” để các hồ sơ apply nhưng trượt của mình cũng ngày càng dài ra.
Như đã thành thói quen, mỗi lần được hỏi, mình luôn trả lời thật thà. Mình trả lời câu hỏi của thầy Examiner rằng “Năm qua có rất nhiều điều không theo kế hoạch, và có lẽ điều em hài lòng nhất là cách mình thích nghi với những điều bất ngờ và không như ý đó”.
Những điều mình học được
Chúng ta không thể Multitasking nhưng có những điều cần phải bắt đầu cũng một lúc
Mình có 4 nghiên cứu nhỏ trong toàn bộ nghiên cứu PhD của mình. Theo kế hoạch ban đầu, mình sẽ làm từng nghiên cứu một bởi vì mình nghĩ rằng nghiên cứu trước sẽ là đầu vào cho nghiên cứu sau. Mình dự định thời gian phỏng vấn các policymakers sẽ kết thúc vào tháng 2, sau đó sẽ là thờ gian cho phân tích và viết. Tuy vậy, cuộc đời không như mơ. Rất khó khăn để mình tìm được người tham gia phỏng vấn.
Mãi đến hết tháng 8, mình mới hoàn thành được transcript cuối cuối và tạm thời coi như đã đủ số lượng thông tin cần thu thập. Bên cạnh đó, có rất nhiều điều xảy đến, cả những cơ hội, cả những khó khăn, cả những việc cần phải làm, buộc mình phải dành thời gian cho chúng. Bởi thế mà có những khoảng thời gian dài mình cảm thấy rát rối loạn. Cơ bản thì, kế hoạch chỉ là những điều ta đã từng biết, nhưng những điều ta chưa biết và không thể lường trước được luôn là vô tận.
Để chuẩn bị trước cho việc những nghiên cứu phải kéo dài, mình không thể chờ đợi nữa. Mình quyết định bắt đầu tất cả những nghiên cứu cần làm cùng một lúc. Ít nhất là từ việc literature review, làm những pilot research, gửi những email kêu gọi sự trợ giúp nếu cần, và nếu Phương án A thất bại, mình còn thời gian để chuyển sang Phương án khác. Thầy supervisor luôn hỏi mình về những điều mình sẽ làm, Phương án 1,2,3 và luôn nói mình hãy làm tất cả để so sánh sự khác nhau giữa chúng, xem đâu là cái tốt nhất hay ít nhất là xem chúng có khả thi hay không.
Có 2 điều thay đổi lớn nhất trong mình đó là về cách mình sắp xếp thời gian, và cách mình suy nghĩ về một vấn đề lớn. Mình nhận ra rằng, giữa những dự án có những khoảng trống, cần chờ đợi (ví dụ như gửi email để mời phỏng vấn cần đợi họ trả lời, và cũng có thể họ không bao giờ trả lời cả), nên giữa sự chờ đợi đó mình có thể làm những việc khác. Với mình, multitasking không phải làm bạn làm tất cả mọi việc cùng lúc mà là bạn chia nhỏ các đầu mục việc phải làm và sắp xếp chúng vào những khoảng trống trong thời khóa biểu của mình. Mỗi một thời điểm nhất định, bạn chỉ làm 1 việc, nhưng tổng thể trong một khoảng thời gian, bạn làm rất nhiều dự án. Bởi vậy mà mình thấy mình ngăn nắp và quy củ hơn. Có một khó khăn với mình, đó là làm sao để toàn tâm toàn ý làm việc này khi trong lòng còn đau đáu việc khác.
Cùng với đó, cách mình suy nghĩ về một vấn đề cũng thay đổi. Nó liên quan đến system thinking. Trước đây, khi nói về kế hoạch cho dự án, mình thường vẽ một cái timeline đường thẳng, còn bây giờ trên whiteboard mình vẽ một “hệ thống” với nhiều vấn đề nhỏ xuất phát từ vấn đề và câu hỏi lớn, và tiếp tục chia ra những việc cần làm, và chúng đi tờ kết quả cuối cùng ra sao. Tư duy của mình từ tuyến tính chuyển sang hệ thống, từ một đường thẳng sang những mắt xích và kết nối.
Kế hoạch ít đi và làm nhiều hơn
Có những tuần họp với supervisor và industry partner mình đều nói về những kế hoạch, và nhiều tuần liền mình chỉ có kế hoạch và chưa có một hành động cụ thể nào cả. Làm rồi nhưng thất bại khác với việc chưa làm. Cho đến một ngày, mình thực sự cần một sản phẩm gì đó phải nộp trước deadline, mình bắt đầu làm ngày làm đêm và mình biết dù có kết quả nhưng chất lượng không như mình mong muốn. Đây là là hậu quả của việc nước đến chân mới nhảy.
Có những điều mình chỉ có thể biết khi bắt tay vào làm và có những điều mình ước gì mình từng học trước. Khi mình viết bài báo xuất bản đầu tiên, những tưởng có kết quả nghiên cứu, nội dung được duyệt là xong, nhưng bước khiến mình stress nhất là format văn bản cho đúng mẫu. Hai lần, một lần là dùng Latex viết bài báo nộp để review, và lần 2 là dùng Macro trong MS Words để nộp bài báo để in trong tạp chí. Mình nghĩ rằng nó rất đơn giản, chỉ cần xem hướng dẫn, nhưng mà với mình nó còn stress hơn cả lúc ngồi viết nội dung. Đến cuối cùng, mình vẫn nhận email thông báo Error Processing, và may mắn là mình nộp sớm và Support team có thời gian hỗ trợ. Thực ra học Latex cũng từng nằm trong list những thứ phải học của mình (và danh sách những điều mình muốn học rất dài). Bên cạnh thời gian thực hành theo hướng dẫn mình nên dành thời gian học công cụ trước.
Năm vừa rồi trong chương trình PhD, chúng mình cũng học môn Advanced Project Management. Trong đó có một vấn đề mình rất nhớ đó là “Deliverables”. Đại loại là những sản phẩm hữu hình. Cụ thể là những tài liệu, giấy tờ nào mình cần phải nộp để được xét tốt nghiệp PhD và liệu những việc mình làm đóng góp vào luận văn của mình và kinh nghiệm để tìm việc trong academia của mình ra sao. Ngoài ra, “tích tiểu thành đại”, mối tuần mình đều cần có một sản phẩm nhỏ gì đó. Cơ bản thì việc lập kế hoạch và có một list những điều cần học không phải là mình có thể nộp khi tốt nghiệp hay tìm việc, mình cần một kết quả cụa thể. Trong rất nhiều những suy nghĩ, những điều muốn làm, mình nhắc bản thân mình, ngừng mơ mộng với những kế hoạch nữa, làm ngay và luôn, ít nhất nếu thất bại, mình còn có thời gian sửa chữa.
Sớm muộn gì cũng phải làm, chi bằng cứ làm luôn dù có khó khăn hay mình sợ hãi ra sao
Cũng liên quan đến việc “ngâm kế hoạch” và chuyện mình chần chừ trước những việc cần làm bởi mình sợ và nghĩ nó quá khó khăn. Khi mình không biết có thể liên hệ những policymakers ở đâu để phỏng vấn, mình đã tìm mọi cách để có thể có một email nào đó, và gửi những email với những hi vọng. Thường thì việc gửi email nhờ sự giúp đỡ cho một người lạ khá khó khăn (đặc biệt là người có vị trí quan trọng). Khi thực tập ở Bộ, mình có tham gia một lớp Policy Essential. Mình đã gửi email cho người tổ chức lớp học đó, để nhờ sự giúp đỡ. Đó là contact duy nhất mà mình có. Sau đó khoảng 2 tuần , chưa thấy hồi âm mình gửi email reminder. Sau 2 tuần tiếp theo, chưa thấy hồi âm, mình lại gửi một email reminder khác. Và sau hơn 1 tháng mình nhận được hồi âm. Mình sắp xếp 1 cuộc họp với quý nhân của mình để trao đổi chi tiết hơn về nhu cầu của mình, những người mình cần tìm. Và sau một khoảng thời gian, mình nhận được một vài email của các policymakers. Mình vui lắm luôn.
Từ những địa chỉ email này mình tiếp tục liên hệ mời phỏng vấn. Có những email đồng ý, có những email không phản hồi. Điều bất ngờ là những địa chỉ mình nhận được đều là những người ở vị trí cao trong Bộ, toàn Director (tương đương với Vụ trưởng, Cục trưởng). Khi nhìn danh sách ấy mình cũng sợ, ai sẽ quan tâm đến một đứa học sinh như thế này nhỉ, nhưng chẳng còn cách nào khác, mình vẫn gửi email đi. Mình mất trung bình 1 tháng kể từ ngày gửi email đến khi sắp xếp được phỏng vấn. Bình thương họ đã rất bận. Mình có hỏi thầy ở Right Labs xem có mối quan hệ nào không, thầy nói rằng mình đã chọn thời điểm tệ nhất để phỏng vấn policymakers, giữa kỳ bầu cử. Có rất nhiều lần có lịch rồi, nhưng họ lại bận việc đột xuất. Tất nhiên thì giữa Thủ tướng và một đứa như mình thì mình không thể thất vọng trong tình huống đó.
Ngoài ra, mình còn lên Linkedin, tìm người có profile phù hợp, connect với họ. Tuy vậy, vì Linkedin không hiện working email và note kết bạn rất ngắn, nên mình phải đoán thêm email của họ để gửi email. Và thật kỳ diệu là việc này hiệu quả :D. Giống như trước đây, gửi email mời giáo sư hướng dẫn cũng vậy, một việc rất ngại, nhưng mình dần thay đổi suy nghĩ, đó chỉ là mình để cho nhiều người biết về sự tồn tại của minh, và mình chẳng làm gì sai cả, đâu có hậu quả gì.
Và cứ thế, mình có những cuộc phỏng vấn. Sau mỗi buổi phỏng vấn, mình thấy thực sự biết ơn, bởi họ đã đồng ý, và mình học được rất nhiều kỹ năng trong công việc. Ban đầu những buổi phỏng vấn rất gượng gạo, nhưng càng về sau mình càng thấy quen hơn. Kỹ năng quan trọng nhất mình học được đó là kỹ năng giao tiếp, kỹ năng đặt câu hỏi và làm sao để khuyến khích họ chia sẻ. Ngay cả những tình huống rất “éo le” đó là họ không có ví dụ nào để chia sẻ cả bởi đều là thông tin mật, thì mình cũng xoay sở cuộc hội thoại theo một hướng khác để mình vẫn có thể lấy được thông tin mình cần. Sau đó, mình tiếp tục mạnh dạn hỏi thêm, liệu họ có thể giới thiệu các các policymakers khác ở cấp thấp hơn để mình mời phỏng vấn được không.
Từ việc này, và nhiều việc khó nhằn khác phải làm, một lần nữa mình tự nhắc nhở mình rằng đừng chần chừ nữa, đằng nào cũng phải làm chẳng thể trốn tránh được. Đáng sợ thật, ngại ngùng thật nhưng nỗi sợ đó không thể nuốt chửng mình, chi bằng làm luôn, đừng làm nỗi đau thêm dài, làm sớm còn có thời gian để chỉnh sửa, cải thiện kết quả. Và không làm chúng ta sẽ chẳng biết kết quả sẽ ra sao (và mình thực sự cần có kết quả).
Tìm cách giải quyết thay vì chỉ buồn rầu và lo lắng
Một năm qua, sau rất nhiều chuyện không theo ý muốn, bực tức và cả buồn bã, mình cũng nhận ra rằng, buồn thì khóc một lần cho xong, nhưng mình không thể ngồi một chỗ ngắm nghía và gặm nhấm nỗi buồn của mình mãi. Chuyện gần đây nhất, khi mình vừa lên London để apply VISA Pháp đi hội thảo, rồi sau đó đi Dorset với các bạn. Buổi sáng khi mình chuẩn bị rời London đến Dorset mình chợt nhận ra vấn đề là mình nhớ nhầm hợp đồng nhà, lẽ ra mình nên đọc email chủ nhà gửi tháng trước và mình nên đọc hợp đồng kỹ hơn. Mình nghĩ là mình sẽ có 1 tuần để chuyển nhà nhưng hoá ra mình có 2 ngày vô gia cư. Mình gửi email cho quản lý nhà xin ở thêm 2 ngày nhưng đang mùa nghỉ lễ. Mình cũng không thể chờ đợi điều chưa chắc lắm, và mình đã nhắn tin cầu cứu sự giúp đỡ ở khắp mọi nơi. Cũng chẳng thể phụ thuộc vào những điều chưa chắc chẳn, mình bắt đầu order thùng giấy để sẵn sàng chuyển đi.
Khi đang ở trên tàu, mải order thùng giấy, mình không nghe hướng dẫn. Đến lúc thấy tàu đang dừng tại vị trí không phải bến mình muốn, mình hỏi chú nhân viên trên tàu thì mình biết chuyến tàu đã tách toa để đi 2 điểm khác nhau và mình ngồi nhầm toa tàu. Lúc ấy mình rất muốn khóc luôn. Mình thấy sao mình lại trở thành đứa không thể quản lý hết thông tin thế này. Mình cảm thấy cả tháng nay mình luôn trong một đống giấy tờ lộn xộn. Và cảm giác đó với mình rất tệ. Đến lúc chú nhân viên nói “It’s fine. You are not the only one who makes this mistake”. Câu nói ấy khiến mình yên tâm hơn, và khi có thể lên chuyến tàu khác để đến nơi mình muốn, mình nhận ra cảm giác mắc sai lầm không tệ đến thế. Chỉ là việc cứ dằn vặt về một cái đã xảy ra rồi nó chỉ khiến mọi việc trở nên tệ hơn, khiến mình mất tập trung cho những điều hiện tiện, và lại tạo ra một đống lộn xộn mới. Cuối cùng thì mình đã chẳng còn lo lắng về những ngày sắp tới không có nhà ở nữa, mình dạo chơi ở Dorset, dành những ngày nghỉ ở nhà bạn, và về London đón sinh nhật. Ít nhất mình muốn có một sinh nhật đáng nhớ.
Có lẽ vũ trụ đã rất ưu ái cho mình. Mình về nhà sau hơn 1 tuần đi vắng, dành những ngày còn lại để dọn dẹp, sắp xếp đồ đạc. Mình mang một số đồ đạc lên trường một số mang sang nhà bạn, vì 2 ngày không có chỗ ở mình đã nhờ ở tạm nhà bạn. Đến buổi chiều, mình đã đóng xong đồ, nhìn lại căn phòng thân thương trước khi chuyển ra, và cảm ơn nó vì 2 năm qua mình luôn cảm thấy vui vẻ trước khi đi ngủ và háo hức mong ngày mai tới. Mình ngồi đợi bạn đến để chuyển đồ đi và đi trả chìa khóa thì mở điện thoại ra, cô quản lý nhà xuất hiện như một bà tiên trong truyện cổ tích nói rằng mình có thể ở có thể ở thêm 3 ngày trước khi chuyển đồ sang nhà mới. Và sau đó thậm chí mình còn không bị trừ số ngày ở thêm vào tiền đặt cọc nhà. Mình biết mình luôn được yêu thương và chở che. Khi gặp bất cứ điều gì đó, thay vì chỉ ngồi đó than vãn và lo lắng, mình làm tất cả những điều mình có thể, sau đó ngừng lo lắng cho tương lai mà tận hưởng những giây phút hiện tại. Và mọi chuyện sẽ ổn thôi, như Lọ Lem không còn biết làm gì được nữa và ngồi khóc thì Bà tiên sẽ xuất hiện.
Giữ tinh thần và phát triển bản thân
Nhìn chung là năm 2 PhD nhiều thử thách và khó khăn hơn năm nhất. Thấy nghiên cứu của mình phát triển hơn mỗi ngày, dù rất chậm chạp là niềm vui lớn nhất mà mình dựa vào sau tất cả những khó khăn, và những điều không vừa ý. CDT của mình đổi văn phòng nên mình đến lấy lại Poster của mình trước khi bị bỏ đi. Đây là poster đầu tiên mình thiết kế về nghiên cứu của mình. Và mình nhận ra là ý tưởng ban đầu về nghiên cứu của mình đến giờ không thay đổi, chỉ là ngày càng chi tiết hơn. Thầy nói, ddos là bởi ngay từ những ngày đầu tiên, mình đã “serious” với tất cả những bài tập mình làm. Sao lại không nghiêm túc được nhỉ, đề tài này là đứa con tinh thần của mình, mình sẽ luôn yêu thương và bảo vệ nó.
Một lần nữa, xác nhận lại niềm đam mê với nghiên cứu, được học của mình mãnh liệt ra sao. Những ngày về nhà rất mệt, làm xong việc chỉ muốn nằm dài, mình không có nhiều thời gian đọc truyện và revew sách, tập calligraphy và làm podcast như trước. Mình vẫn duy trì viết blog thường xuyên nhất. Mình cố gắng đặt ra những nguyên tắc để bảo vệ tinh thần của ban thân, tránh xa những nguồn năng lượng mà mình thấy tiêu cực. Mình nghĩ rằng, nếu như để tất cả mọi điều mình làm trở thành thói quen, thì mình sẽ bớt thời gian để suy nghĩ. Bởi thế mà mình có một bộ các thói quen của mình, để khi nào gặp bất cứ điều gì mình cứ tự động làm thôi. Trong đó có việc đã không làm thì thôi, nhưng đã làm thì sẽ luôn hết mình: làm việc hết mình và yêu ai đó luôn hết lòng, còn điều lằng nhằng thì mình cho ra khỏi cuộc sống của mình luôn.
Mình cố gắng không để suy nghĩ của mình quẩnquanh trong những điều tiêu cực và suy nghĩ đổ lỗi cho người khác hay cho họ đóng vai “phản diện” nữa. Mình thấy đó là một cái tính rất xấu và ảnh hưởng đến tinh thần của mình rất nhiều. Ví dụ ngày trước, những ngày mình bận rộn, và không có thời gian dành đi chơi với bạn bè, có những lúc mình còn mất thời gian ngồi nghĩ và bực tức rằng sao người khác không hiểu cho mình xong còn trách móc vân vân và mây mây. Nhưng sự thật thì bạn mình lo hết rồi chỉ đợi mình xong việc của mình và vác thân đến, chả ai làm gì mình. Hay hôm qua, máy tính của mình bất thình lình đang làm bị hỏng và không vào lại được, mình không tìm được phòng IT của trường để sửa ngay, thay vì ngồi bực dọc, than trách, và lo lắng cho máy tính mình có thể làm những việc không cần đến máy tính của trường như đọc sách hay về nhà lấy máy cá nhân của mình dể viết Blog. Mình tự nhắc nhở bản thân mình rằng, nhìn sự việc theo đúng bản chất của nó, đừng suy diễn thêm và cũng đừng than trách. Mình cảm thấy bản thân mình bình tĩnh hơn trước mỗi sự khố bất cờ, ít chửi thề hơn, không hoảng loạn., và điều đó giúp tinh thần của mình tốt hơn rất nhiều.
Với mình thì việc làm nghiên cứu, trải nghiệm, đi đây đi đó, cũng đều là một phần trong hành trình phát triển bản thân. Mình không chỉ muốn trở nên thông thái hơn, mà còn tự tin và xinh đẹp hơn nữa. Mỗi sáng dậy trước khi ra khỏi nhà, dù đó là đi gặp bạn bè, hay chỉ là đến trường ngồi một mình trong lab, mình đều tự hỏi liệu mình có hài lòng với bản thân mình của ngày hôm nay. Mình học trang điểm, đi tập thể dục, bỏ đi những bộ đồ không còn phù hợp, ăn uống lành mạnh hơn. Mình còn vừa đi test màu sắc cá nhân nữa, mình sẽ chia trẻ trong post sau. Yêu thương bản thân với mình là luôn cho bản thân mình ở trong phiên bản tốt nhất, mạnh mẽ nhất, hiểu biết nhất và tự tin nhất. Có một bài học khác về những khó khăn mình đã chia sẻ trong 1 bài blog.
Cuộc sống mới
Một ngày trong những ngày không vừa ý đó, mình cảm thấy mình muốn sống trong một căn nhà, có nhà bếp, có phòng khách, có khu vườn, có sân và một căn phòng rộng hơn, để mình có thể trải thảm lông, đặt bàn thấp ngồi xuống sản uống trả, trải Tarot. Mình nghĩ đến điều đó và mình không muốn ở nhà sinh viên nữa. Và rồi minh cũng quyết định chuyển ra, ở cùng các bạn khác trong một căn nhà 4 phòng ngủ.
Tìm nhà, chuyển nhà cũng không phải điều dễ dàng và cũng phụ thuộc rất nhiều vào chữ duyên. Thực ra ở nhà sinh viên cũ của mình cũng rất tốt. Nhà gần tất cả mọi nơi, mình còn có nhà tắm, nhà vệ sinh riêng nữa, an toàn, và không phải lo nghĩ hỏng hóc điện nước gì. Và chuyển nhà là điều rất lười, vì mình rất nhiều đồ. Chúng mình xem rất nhiều căn nhà. Có căn nhà chúng mình kỳ vọng lắm nhưng bao lần đặt lịch đến xem nhưng không vào được nhà. Đó cũng là những trải nghiệm lần đầu tiên. Nhưng mình cũng chợt nhận ra đó là một vùng an toàn mình cần phải bước qua. Sau 1 tháng đi xem nhà, lo hết các giấy tờ, và 1 tuần dọn nhà, thêm chuyện suýt vô gia cư của mình, chuyển nhà đâu hết cả vai, cuối cùng thì mình đã chuyển nhà mới, căn phòng mới. Trước mỗi thay đổi đều cần một khoảng “truân chuyên” và rồi tất cả, và tất cả sẽ ổn thôi .
Ở nhà cũng nhiều thứ cần phải lo hơn ở nhà sinh viên. Từ việc trả tiền bill, đến chuyện an ninh, rồi cũng có lúc chúng mình ngồi xem cách dùng của hệ thống sưởi trong nhà. Có lẽ hệ thống sưởi của Anh rất phức tạp nên thực sự có rất nhiều video hướng dẫn cách sử dụng. Nhưng chúng mình cũng có những niềm vui nhỏ, ăn những bữa tối cùng nhau, mua đồ đạc mới, trang trí phòng khách và chuẩn bị trồng rau sau vườn, trồng hoa trước cửa nhà. Mình cảm thấy háo hức trước những điều mới mẻ, và dường như mình thoát khỏi một trường năng lượng cũ để bước sang một trang mới. Chuyển nhà, dọn dẹp mọi thứ đã xong, sẵn sàng cho năm học mới, một cuộc sống mới.
Lời kết
Một vài điều mình vãn tiếp tục phải học, đó là sự kiên nhẫn, sự kỷ luật, ngừng lo lắng cho tương lai và ngừng so sánh mình với người khác. Hôm vừa rồi, khi trải bài Tarot cho bản thân về những bài học cho tuần trăng mới. Lá bài cuối cùng với câu hỏi vậy điều gì sẽ đến nếu như mình kiên định theo đuổi những mục tiêu của mình, bài trả về lá “2 of Swords”. Với lá bài này, bài từ chối cho mình biết một câu trả lời rõ ràng. Tuy vậy, mình cảm nhận được một thông điệp rằng, liệu mình có thể cứ tiến lên dù không biết điều gì đang đợi mình ở phía trước. Chẳng phải mọi điều xảy đến trong năm 2 vừa qua đều không như kế hoạch ban đầu, và mình đâu thể kiểm soát được tương lai cũng như mọi điều xung quanh. Điều duy nhất mình có thể kiểm soát là lựa chọn của mình, mạnh mẽ tiến về phía trước hay chần chừ và sợ hãi. Mình nghe được trong một Podcast về tình yêu, đại loại là “Hành trình đi tìm tình yêu (uhm thì là điều mình đang tìm kiếm, và cũng như bất cứ một hành trình khám phá nào cũng vậy) giống như Columbus dong buồm đi tìm châu Mỹ. Không ai biết được châu Mỹ có tồn tại hay không. Nhưng ông ấy có một niềm tin mãnh liệt vào một thứ gì đó mới, niềm tin vào một cuộc hành trình dù ông không lường hết được khó khăn mà mình sẽ sẽ gặp phải, và ông cũng chưa biết châu Mỹ hình dáng nó ra sao. Chính sự tò mò và niềm tin khiến ông vượt qua khó khăn gian khó và đặt chân đến Châu Mỹ”. Bạn có thể xem bài viết gốc rất hay về tình yêu thời Tiktok tại đây.
Mình vẫn đang bước đi trên hành trình khám phá bản thân mình, khám phá thế giới xung quanh. Sau tất cả những điều không như kế hoạch đã xảy đến, mình tin rằng mọi chuyện dù khó khăn thế nào rồi cũng sẽ ổn thôi, và rồi mình sẽ bớt sợ hãi để tiếp tục bước đi, tiến về phía ước mơ của mình, dù không biết điều gì đang đợi mình ở phía trước và mình sẽ học cách tận hưởng những điều thú vị đến từ sự bất ngờ ấy.
Cám ơn bạn đã đọc đến đây. Nếu bạn thấy thú vị và bổ ích hãy chia sẻ với bạn vè và đừng quên theo dõi qua Email để không bỏ lỡ những bài viết mới trên Blog. Bạn có thể để lại bình luận để cho mình biết nội dung nào bạn đang quan tâm, cũng như để lại email để mình gửi cho bạn những tài liệu hữu ích.
Theo dõi Fanpage để nhanh chóng cập nhật bài viết và chia sẻ mới nhất: https://www.facebook.com/Violetstoryblog
- 💎Bạn có thể ủng hộ để Blog được duy trì bằng nhiều hình thức tại Donation
- 📝Những bài viết khác cùng chủ đề trên Blog tại Du học – Học bổng
- 🎨Instagram: https://www.instagram.com/phuong.anh.violet/
- 📚Bookstagram: https://www.instagram.com/vitamin.books/
- 🍀Self-help Instagram: https://www.instagram.com/_smallstepseveryday_/
- 📻 Podcast: https://podcasters.spotify.com/pod/show/smallstepseveryday
- 📽 English blog: www.phuonganhviolet.com
- 🔖Facebook: https://www.facebook.com/Violetstoryblog
- 💌Email: hi@callmeviolet.com
- 📱Sách và món đồ hữu ích mình dùng: https://phuonganhviolet.koc.asia/