NỘI DUNG BÀI VIẾT
Dù học PhD không có nghỉ hè, nhưng như một thói quen, review cuối năm xong là hết năm học, khi mọi người cũng tranh thủ holiday, mình cũng nghỉ hè, về Việt Nam. Tuy vậy, với mình, từ lúc đi học đến giờ, mùa hè luôn là lúc tranh thủ làm những việc mình không có thời gian làm trong năm học, hoặc chuẩn bị cho năm học mới. Ví dụ như là đọc trước bài của năm học mới, soạn văn, học thêm cái gì. Kỳ nghỉ hè hồi đi học cũng chẳng dài, vài tuần rồi lại đi học hè nên cũng chẳng nghỉ ngơi được nhiều.
Khi lớn lên, mình vẫn có cái tính tranh thủ. Tranh thủ khi đợi ai đó thì đọc sách. Ngày đi học, tranh thủ lúc thầy giáo lau bảng đổi nội dung học mình cũng tranh thủ đọc được mấy trang. Tận dụng lúc tỉnh táo nhất để làm những việc quan trọng cần nhiều suy nghĩ như là nghiên cứu, phân tích. Còn tranh thủ những lúc năng lượng không đầy lắm, mình làm những việc nhẹ nhàng hơn nhưng kiểu đọc, xử lý email hay lướt tin tức, lúc ngồi trên tàu thì tranh thủ viết hoặc đọc gì đó… Mình sẽ biết khi nào làm việc gì thì hiệu quả. Những lúc hăng say thì làm việc khó, lúc thấy mệt mệt thì làm những việc không mất sức lắm. Thành ra đôi lúc nghỉ ngơi với mình là “sự tranh thủ làm những việc nhẹ nhàng”.
Khi cơ thể báo động
Lần này về Hà Nội mình cảm thấy rất mệt sau một chuyến bay dài. Nhưng vì còn có bài nghiên cứu cần nộp, nên mình tranh thủ gửi thầy cô trước để thầy cô đọc khi mình bay về Việt Nam, sau đó mình sẽ hoàn thiện và nộp cho kịp deadline. Cộng thêm việc mình bị chênh lệch múi giờ, ngày nào cũng trằn trọc đến 4h sáng mới ngủ, nhưng không thể dậy muộn quá, nên ngày mình chỉ ngủ tầm 3-4 tiếng. Và đó là lúc mình cảm thấy cơ thể mình báo động. Mình cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, thậm chí lo âu và có gì đó tội lỗi nữa. Bởi vì, về nhà mà chỉ ngồi máy tính, cũng chẳng thể dành thời gian cho cho gia đình. Tất cả sức lực, cảm xúc, tinh thần đều thấy kiệt quệ.
Mình vẫn nhớ có tối chạy deadline. Mình học ở trường cả ngày rồi về nhà ăn cơm, tranh thủ làm nốt rồi nộp. Khi ấy, mình thấy người mình physically rất khỏe (như kiểu có thể chạy, có thể nhảy) nhưng đầu mình dường như không thể tiếp thu hay suy nghĩ gì được. Hồi còn đi làm, công việc hay được đi đây đi đó, thích thật đấy. Sếp mình bảo “Đi hội thảo, chỉ cần đến đó ngồi nghe nửa buổi, tối mặc đẹp đi ăn, còn lại ngồi trong resort mà chơi, đâu khác gì đi du lịch”. Nhưng có những tuần mình chỉ mong không phải ngồi máy bay, không phải ra sân bay, mà được ngủ ở nhà, hay ra quán cà phê Hà Nội ngồi. Có cả những cuối tuần, mình thấy mệt sau những cuộc gặp gỡ. Thậm chí có những ngày, chỉ muốn ở một mình, không muốn gặp ai cả. Hồi ở nhà đông người, giải thích cho việc “muốn ở một mình” là một khái niệm trừu tượng nên khi không muốn ai vào phòng mình thường mở máy tính ngồi làm việc. Có những lúc chỉ lướt mạng xã hội thôi cũng thấy rất mệt vì những thông tin tiêu cực. Và có những lúc sợ phải nói chuyện với ai đó vì lần nào câu chuyện toàn than thở và drama lặp đi lặp lại. Mình có những sở thích khiến mình vui. Ví dụ như viết Blog chẳng hạn, nhưng đôi khi ngồi xuống mà cảm thấy sự sáng tạo gần như cạn kiệt.
Từ lâu, mình cũng mường tượng được rằng, để cảm thấy được thư giãn với mình những lúc được ở một mình rất quan trọng. Mình không thích chỗ ồn ào, thiếu ánh sáng, và với mình không phải chuyến đi nào cũng “chữa lành”. Nhưng đôi khi mình cũng thèm được nói chuyện với ai đó, thèm được đi đâu đó, thèm được viết ra những điều trong suy nghĩ. Nhưng bởi mình chưa phân loại được khi nào mình cần nghỉ ngơi, cơ thể mình đang thấy mệt mỏi ở đâu, bởi thế mà mình nghỉ ngơi sai cách.
Nghỉ ngơi là gì?
Nghỉ ngơi là một phần không thể thiếu của sức khỏe và duy trì hạnh phúc. Nghỉ ngơi không chỉ đơn giản là việc ngừng lại hoặc không làm việc, mà là một quá trình phức tạp và toàn diện bởi cơ thể, con người và cuộc sống của chúng ta vốn dĩ đã phức tạp. Nghỉ ngơi có thể được hiểu là một trạng thái trong đó cơ thể và tâm trí được thư giãn, phục hồi và tái tạo năng lượng. Điều này bao gồm các hoạt động nhằm giảm căng thẳng, cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần, cũng như tăng cường sự sáng tạo và hiệu suất. Nghỉ ngơi giúp cơ thể và tâm trí phục hồi sau những áp lực hàng ngày, tăng cường khả năng chống chịu stress, cải thiện hiệu suất làm việc, và thúc đẩy sự sáng tạo. Thiếu nghỉ ngơi có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe như kiệt sức, suy nhược cơ thể, rối loạn giấc ngủ, và các vấn đề tâm lý khác.
Nghỉ ngơi như thế nào?
Hôm trước mình đọc một bài trên Linkedin về 7 loại hình nghĩ ngơi. Khi ấy mình mới lần đầu tiên nghiêm túc nghĩ tới vấn đề này. Và mình muốn ghi lại để nhắc nhở bản thân mình, và có thể chia sẻ với mọi người.
Nghỉ ngơi Thể chất
Nghỉ ngơi thể chất là trạng thái mà cơ thể được thả lỏng và không phải chịu áp lực hay gắng sức. Nghỉ ngơi thể chất có lẽ là điều chúng ta nghĩ đến đầu tiên khi nói đến nghỉ ngơi. Ví dụ khi chúng ta thấy buồn ngủ, sau khi đi xa về, hay cơ thể đau nhức chúng ta sẽ biết phải làm gì.
Nghỉ ngơi thể chất có thể bao gồm nghỉ ngơi thụ động nhưng ngủ đủ giấc, chợp mắt khi cần, ngồi thư giãn. Điều này cần thiết cho sự phục hồi và tái tạo cơ bắp. Các nghiên cứu cho thấy việc ngủ đủ giấc và thực hiện các kỹ thuật thư giãn có thể giảm viêm và cải thiện chức năng miễn dịch. Điều này chúng ta có thể tham khảo thêm trong cuốn sách Tại sao chúng ta ngủ của tác giả Matthew Walker. Ngoài ra, việc tham gia vào các hoạt động nhẹ nhàng giúp giãn cơ như yoga hay mát-xa cũng gọi là nghỉ ngơi chủ động, giúp các cơ được thư giãn.
Nghỉ ngơi Cảm giác
Nếu như mệt mỏi thể chất là dấu hiệu để chúng ta cho các bộ phận trên cơ thể được thả lỏng, thì những bộ phận gắn liền với những giác quan như nhìn, nghe, ngửi, nềm cũng cần được nghỉ ngơi. Chúng ta không thể nhìn vào màn hình điện thoại và máy tính quá lâu, chúng ta không thể lúc nào cũng ăn những món ăn quá nhiều gia vị, không thể sống trong môi trường ô nhiễm tiếng ồn cũng không thể ở mãi một nơi có mùi khó chịu.
Những giác quan này liên quan trực tiếp đến não bộ. Mình là người rất nhạy cảm với âm thanh. Khi mình đi ngủ, chỉ cần tiếng chuột chạy trên dây điện ngoài cửa thôi mình cũng có thể tỉnh giấc, nên mình cũng sẽ không ngủ được nếu ở cạnh người ngáy. Có những tối về nhà, nghe tiếng TV, hay nghe tiếng nhạc ai đó bật, mình thấy như từng sợi dây thần kinh của mình rung lên. Là khi những câu chuyện chẳng muốn nghe cũng lọt vào tai, là tiếng còi ngoài đường inh ỏi, tiếng em bé hàng xóm nhà nào khóc giữa đem, và mình cảm thấy quá sức chịu đựng cho một cái đầu. Ngoài ra, có một số âm thanh điện tử khác khiến mình thấy khó chịu bao gồm Tiếng rung điện thoại và tiếng nhạc chuông Zalo. Ngoài âm thanh, mình cũng không thích bấm điện thoại. Mình cố gắng giải quyết mọi việc trên máy tính và không thích nhắn tin. Có một thời gian khi mình gặp vấn đề tâm lý nặng nề nhất mà mình phải tìm bác sĩ tâm lý. Khi ấy, lúc nào mình cũng nghe thấy thấy điện thoại rung trong phòng mình, mà không biết cái điện thoại nào. Điều đó khiến mình rất sợ. Do đó, mình luôn tắt tất cả các thông báo của ứng dụng điện thoại, tin nhắn và tắt chế độ rung. Mình chỉ để duy nhất tiếng chuông điện thoại là một bản nhạc piano mình chơi, bởi nếu ai đó gọi mình sẽ nghe máy, còn lại mình cho phép bản thân được kiểm tra tin nhắn khi mình thoải mái.
Nghỉ ngơi cảm giác giúp giảm sự kích thích quá mức. Các nghiên cứu cho thấy việc giảm thiểu đầu vào cảm giác có thể cải thiện sự tập trung và giảm căng thẳng. Cách nghỉ ngơi cảm, giác rất đa dạng, miễn là không khiến các giác quan phải hoạt động quá sức nữa. Mỏi ở đâu thì nghỉ ở đó. Mỏi mắt thì ngừng nhìn màn hình, mỏi tai thì tìm chỗ yên tĩnh. Khứu giác bạn cảm thấy khó chịu thì tìm nơi trong lành. Vị giác thấy khó chịu thì đổi loại thức ăn. Mình có những cuối tuần không social media. Mình có thể đọc sách, chơi đàn, viết calligraphy, đi chơi. Mình nghĩ có cho mình một sở thích rất quan trọng, nó không chỉ giúp bản thân có một nội dung để chia sẻ, mà còn để mình tìm đến mỗi khi mệt mỏi.
Nghỉ ngơi tinh thần
Gần đây chúng ta cũng quan tâm hơn tới những vấn đề sức khỏe tinh thần. Ngày trước, thỉnh thoảng khi đang đi đường hay ngồi trong phòng làm việc, tự nhiên đầu lại đau điếng, như kiểu có một sợi dây ai đó thịt chặt quanh thái dương. Hồi mới bị lần đầu, mình sợ lắm, rồi đi chụp CT quét não xem não bộ có vấn đề gì không? Sau lần ấy, nghe bác sĩ tư vấn, chẳng sao cả, mình về nhà, gội đầu tắm rửa sạch sẽ, thực hiện một chuyến đi và tất cả cư thế qua. Tinh thần, có vẻ như nó chẳng đáng sợ như một cơn cảm lạnh, cúm, hắt hơi sổ mũi, vì nhìn bạn chẳng làm sao. Nhưng thực sự nó rất đáng sợ, và nó từng khiến mình nhìn cái gì cũng thấy ghét, làm gì cũng thấy cáu gắt và lúc cáu gắt thì quyết định rất nóng vội, mình muốn buông xuôi và không muốn ố gắng nữa. Và đó là dấu hiệu của một tinh thần mệt mỏi.
Nghỉ ngơi tinh thần giúp ngăn ngừa quá tải nhận thức. Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc nghỉ ngơi và tham gia vào các hoạt động mindfulness có thể cải thiện chức năng nhận thức và sự sáng tạo. Để ngăn ngừa quá tải nhận thức, mình cần tránh xa những việc khiến mình quá tải. Với mình những lúc này mình cần yên tĩnh. Nếu nghe nhạc thì đó cần là một bản nhạc nhẹ nhàng hoặc thực hành thiền. Các lời khuyên thường nói về thiền nhưng với mình, để ngăn ngừa quá tải nhận thức, mình thực hành chánh niệm thì mình chỉ cần cố gắng tập trung vào một việc gì đó khiến mình thấy. Ví dụ như là chơi đàn, calligraphy, và viết lách. Với mình mỗi khi được ngồi yên tĩnh và viết, mình cảm thấy được thư giãn rất nhiều. Kiểu như có bao nhiêu mệt mỏi, được xả ra hết. Điều này phụ thuộc và sở thích của mỗi người, chứ không nhất thiết cứ phải ngồi yên một chỗ nhắm mắt mới là chánh niệm. Ngoài ra, Thiền là một kỹ năng “khá cao cấp” cần rèn luyện với rất nhiều kiên nhẫn, vậy nên ép bản thân vào một việc cần kỹ năng cũng không thể khiến chúng ta thực sự thoải mái được, mà còn khiến tinh thần nặng nề hơn.
Nghỉ ngơi Cảm xúc
Bạn có thể là người mạnh mẽ nhưng chúng ta không thể mãi gồng mình lên được trái tim tổn thương thực sự cần được chữa lành. Đôi khi có những vấn đề chúng ta không thể chia sẻ với ai. Mình từng viết bài Khi sự lạc quan trở nên độc hại, đó cũng là một trong những dấu hiệu đẻ cảm xúc của mình được nghỉ ngơi. Và điều đầu tiên chúng ta cần chấp nhận cảm xúc của mình trước đã: Buồn, vui, lo âu, sợ hãi, ngại ngùng, cáu giận… Cảm xúc của chúng ta cúng đa sắc màu như trong bộ phim Inside Out vậy.
Đôi khi chúng ta lo âu mà chúng ta không hề nhận ra. Hồi giữa năm 2022, khi ấy mình bị ngứa họng. Ngứa họng kéo dài rất lâu, mình uống đủ loại chữa ho, ngày nào cũng uống mật ong mà không có tác dụng gì. Mà kể cũng lạ, mình ở Hà Nội thì ngứa họng, vào Đà Nẵng chơi thì hết, rồi vừa đáp máy bay về Hà Nội lại ngứa tiếp. Hôm đi khám sức khỏe để chụp phổi làm visa đi du học, mình nói với chị bác sĩ. Chị ấy nói họng em chẳng làm sao cả, có thể em bị lo âu. Khi lo âu, sẽ kích thích dạ dày, gây ra trào ngược. Acid dạ dày trào ngược lên họng gây ra ngứa họng. Và đúng là khi lo lắng mình hay thầy cồn cào dạ dày thật.
Một trong những dấu hiện dễ cảm thấy nhất của mệt mỏi cảm xúc là:
- Thất tình hay khi bạn để cho một người, hoặc một chuyện gì đó khiến bạn nghĩ ngợi quá lâu.
- Nghi ngờ và thiếu tự tin vào bản thân cho dù nhìn lên chẳng bằng ai nhưng nhìn xuống chẳng ai bằng mình. Áp lực đồng trang lứa, áp lực trước những câu chuyện thành công của người khác.
- Tiếp đến là lo lắng cho tương lai, bởi vì lúc nào cũng nghĩ mình không đủ tốt hay những sự việc mình muốn kiếm soát mà không thể kiểm soát được.
Tất cả đều là biểu hiện mà mình có. Hôm trước mình nói với bạn mình rằng, đôi lúc tôi chỉ muốn ngồi yên một chỗ, và có một sự ổn định dài hạn. Từ lúc đi học đến giờ, học cấp 3 lo thi đại học, lên đại học thì lo hồ sơ sao cho đẹp, hoạt động sao cho nhiều, gần tốt tốt lo tìm việc, đi làm rồi lo học thạc sĩ, thạc sĩ xong rồi lo học Tiến sĩ và giờ lại tiếp tục tìm việc. Chưa kể lại thỉnh thoảng thất tình, mâu thuẫn bạn bè, gia đình, thỉnh thoảng lại so sánh mình với người khác.
Nếu như mệt mỏi về tinh thần khiến mình muốn buông và chạy đến một nơi yên tĩnh, thì mệt mỏi về cảm xúc khiến mình thấy sợ và bất lực. Vì sợ hãi một tương lai không như ý nên mình mới lo nghĩ, và khi cố gắng rồi không được, khi nhìn mãi vẫn chẳng bằng con nhà người ta, mình mới cảm thấy bất lực. Trước mình đọc được câu này
“Chúng ta đang sống trong một thời đại ngưỡng mộ quá mức những cuộc đời phi thường, những cuộc đời mà hầu hết chúng ta chẳng bao giờ hướng đến. Các người hùng của chúng ta đã làm nên những vận may ngoại cỡ, xuất hiện trên những màn ảnh khổng lồ và chứng minh cho những phẩm hạnh và tài năng độc đáo. Thành tựu của họ vừa khiến ta lóa mắt vừa không ngừng khiến ta tự thấy hổ thẹn.”
School of Life
Và mình luôn tự hỏi, vậy nếu mình chỉ là người bình thường thôi, chẳng phải anh hùng hay người xuất chúng, liệu mình sẽ hạnh phúc thế nào? Mình vẫn đi tìm ý nghĩa thực sự của cuộc sống. Nghỉ ngơi cảm xúc liên quan đến việc quản lý và giải phóng các cảm xúc tiêu cực như lo lắng, tự nghi ngờ, hay căng thẳng. Vấn đề này phức tạp, nên mình không biết chúng ta nên nghỉ ngơi thế nào? Có thể là tránh xa những nguồn khiến bạn bị căng thẳng cảm xúc như là mạng xã hội hay những mối quan hệ khiến bạn mất tự tin vào bản thân? Có thể là đọc những câu thần chú “Không so sánh mình với người khác”? Làm thế nào để vững tin hơn về tư tưởng và quan điểm sống, biết đâu là điều thực sự ý nghĩa với cuộc sống của mình để tập trung theo đuổi, tránh lãng phí năng lượng vào những điều vô nghĩa. Trò chuyện với những người mà bạn tin tưởng. Hoặc là gặp bác sĩ tâm lý. Mình vẫn đang đi tìm giải pháp.
Nghỉ ngơi tâm linh
Mình đã viết một series bàn về Tâm linh bạn có thể tham khảo chuyên mục dưới đây nhé.
Tâm linh, nghe có vẻ trừu tượng nhưng chúng ta có thể hiểu nôm na rằng Tâm là tâm trí, Linh là linh hồn. Nghỉ ngơi tâm linh liên quan đến việc tìm kiếm ý nghĩa và mục đích trong cuộc sống.
Có bao giờ bạn cảm thấy thiếu động lực, tối đến không biết ngày mai đến phải làm gì. Bạn cảm thấy bị mắc kẹt trong tuyệt vọng không không tìm thấy ý nghĩa cuộc sống. Bạn chán nản với mọi điều xung quanh. Điều này vẫn có thể xảy đến cho dù cuộc sống của bạn “hoàn hảo từ bên ngoài”, gia đình hạnh phúc sự nghiệp thành công nhưng vẫn không thấy hài lòng trong cuộc sống.
Trường hợp khác, bạn cảm thấy những điều mình từng tin tưởng, những hình tượng sụp đổ. Đó từng là một chiếc phao khiến bạn cảm thấy an toàn và bấu víu vào, nhưng rồi bạn nhận ra mình không thể bám víu vào đó nữa, và bạn thấy tuyệt vọng.
Bạn thấy những cái xấu vẫn diễn ra hàng ngày, và thấy cuộc sống thật bất công.
Ngoài ra, chúng ta cũng có thể thấy những quan điểm về cuộc sống khác, mà đôi khi mình không những thấy không hợp, mà nó thậm chí còn đi ngược lại với niềm tin của mình. Ví dụ, dạo này thỉnh thoảng đọc được mấy quan điểm về tình yêu, mình thấy nó rất độc hại. Chúng hoàn toàn là chơi trò trơi tâm lý, hay thậm chí là lừa đảo. Nhưng tệ hơn là rất nhiều người chia sẻ, và đi theo quan điểm đó. Thôi thì FA giờ nói chuyện tình yêu người ta lại bảo xàm, và điều đó khiến mình lại càng thấy nghi ngờ và tự hỏi “chẳng nhẽ bây giờ mình phải chấp nhận sự độc hại đó?”.
Nghỉ ngơi tâm linh liên quan đến việc tìm kiếm ý nghĩa và mục đích trong cuộc sống. Và thực sự nó phức tạp hơn cảm xúc ở bên trên. Có lẽ điều đầu tiên mình có thể làm là tránh xa những điều tiêu cực, sau đó rèn luyện bản thân để có thể củng cố niềm tin và những điều tốt đẹp. Mình nghĩ kỹ năng tư duy phản biện rất quan trọng trong cuộc sống nhiễu loạn nhiều thông tin như hiện nay.
Một phương pháp khác mình từng thực hành đó là Lòng biết ơn, làm theo 28 ngày như cuốn Điều kỳ diệu lớn. Nó thực sự rất kỳ diệu. Mình cũng có những quan điểm về tôn giáo, tín ngưỡng. Cụ thể, mình đọc Kinh Phật nhưng vẫn tìm hiểu về những tôn giáo khác. Quan điểm về tâm linh, thần học của mình, mình tin sau khi mình mở lòng đón nhận thông điệp và đón nhận. Mình nghĩ tâm quan trọng, bởi hiểu về tâm linh không chỉ cho mình hiểu về ý nghĩa của cuộc sống, động lực trước mỗi khó khăn, và hi vọng về những điều tốt đẹp. Bạn làm việc thiện sẽ gặp kết quả tốt. Một xã hội mà người ta nghĩ làm gì cũng được không sợ báo ứng, đó mới là nguy hiểm. Khi tư tưởng của chúng ta đủ vững vàng, khi chúng ta biết đâu là đúng, đâu là sai, đâu là điều có thể tin, đâu là điều cần để ý. Chúng ta sẽ tìm thấy vẻ đẹp và ý nghĩ của cuộc sống này.
Nghỉ ngơi Xã hội
Đôi khi chúng ta vẫn có thể thấy cô đơn trong những bữa tiệc đông người, hoặc thậm chí là những cuộc hội họp bạn bè thân thiết. Đôi khi cảm thấy chẳng ai trong gia đình hiểu mình. Đơn giản là cảm thấy mệt mỏi giữa những tương tác xã hội. Đó là dấu hiệu chúng ta cần thanh lọc vòng tròn quan hệ của mình, trò chuyện với những người mang lại cho bạn động lực và cảm hứng hay đơn giản dành thời gian cho riêng mình nhiều hơn để tự rèn luyện, tìm kiếm tri thức. Kết nối xã hội là yếu tố then chốt cho sức khỏe tinh thần. Các nghiên cứu nhấn mạnh rằng các tương tác xã hội có ý nghĩa và hệ thống hỗ trợ có thể nâng cao hạnh phúc và giảm nguy cơ trầm cảm. Đó là lý do tại sao mà có những cuối tuần mình thấy khá mệt mỏi sau những buổi tụ tập.
Mình cũng có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện với rất nhiều người. Mình cảm thấy mình có một sứ mệnh đó là chia sẻ và truyền cảm hứng cho mọi người. (Đó là lý do đầu tiên mà mình viết Blog. Kiểu nhìn một đứa “phèn phèn” như mình, bạn sẽ không thấy áp lực, không cảm thấy mệt mỏi về cảm xúc, mà chỉ thấy động lực để làm những điều mình thích. Mình làm được, bạn cũng làm được). Nhưng đôi khi mình cảm thấy bất lực bởi những cuộc trò chuyện dường như chỉ dừng lại ở cảm hứng, và mình chưa thể giúp ai đó đi đế hành động. “Uhm nghe cũng hay hay, nhưng chẳng để làm gì cả?”. Nếu thích người ta tìm cách, còn không thích người ta tìm lý do. Mình mệt mỏi với từ “nhưng” và những lý do. Mình cũng mệt mỏi bởi những lời tham thở, phàn nàn vì cuộc sống. Sau nhiều lần như thế mình chỉ thấy thời gian và năng lượng của mình bị bòn rút và mình không làm được gì cả. Chính bản thân mình cũng phải tự tạo động lực cho mình, không bao giờ đổ lỗi cho hoàn cảnh, không phàn nàn, không đòi hỏi những đặc quyền. Đôi lúc mình cũng thèm một cuộc trò chuyện để được thấy “hào khí ngùn ngụt” và sự quyết tâm, mình cũng cần được truyền động lực vượt qua khó khăn.
Nghỉ ngơi xã hội là việc duy trì các mối quan hệ xã hội lành mạnh và loại bỏ những tương tác gây hại. Điều này bao gồm việc dành thời gian với những người thân yêu, tham gia các hoạt động nhóm, hoặc tạo ranh giới với những người tiêu hao năng lượng của bạn.
Có thể mình hơi khó tính, nhưng mình dẫn tạo ra ranh giới cho bản thân mình. Không nói quá nhiều, không đưa ra lời khuyên, hoặc chủ động từ chối và tránh ra những “cuộc than thở”. Mình lên mạng xã hội ít hơn, unfollow một số nội dung, tắt notification các hội nhóm và tìm kiếm những cuộc hội thoại có ý nghĩa, những người bạn mang lại cho mình cảm hứng và động lực. Từ khi đọc Tarot, mình cũng khá nhạy cảm. Đôi khi mình cũng không giải thích được việc “mình cảm thấy tiêu cực” khi gặp một người nào đó. Mình nhớ một câu hỏi trong cuốn sách “Im lặng: Sức mạnh của người hướng nội trong một thế giới không thể ngừng nói” của tác giả Susan Cain, cuốn sách cho mình thấy tự tin hơn khi là một người hướng nội.
Một mối quan hệ ý nghĩa có giá trị hơn một chồng danh thiếp.
Nghỉ ngơi sáng tạo
Vừa rồi mình tìm chỗ đi cắt tóc. Có anh thợ tóc lâu năm cũng nổi tiếng ở Hà Nội mà làm việc rất “kiêu”. Anh nghỉ thứ 2, 4, 6 và chỉ cắt tối đa cho 6 khách hàng trong ngày làm việc. Lý do anh không làm việc nhiều là để giữ cho mình sức khoẻ và cảm xúc sáng tạo. Quá trình sáng tạo liên quan đến việc hình thành các kết nối mới giữa các tế bào thần kinh trong não. Nghỉ ngơi, đặc biệt là giấc ngủ, có vai trò quan trọng trong việc củng cố và tạo ra các kết nối này. Việc nghỉ nghỉ ngơi để tái tạo sức sáng tạo không chỉ dành cho những người nghệ sĩ, mà còn cần thiết cho nhiều vấn đề trong cuộc sống. Nghỉ ngơi tạo ra khoảng cách tâm lý giúp chúng ta nhìn nhận vấn đề từ góc độ mới. Khi chúng ta tạm ngừng suy nghĩ về một vấn đề, não bộ có cơ hội xử lý thông tin một cách tiềm thức, dẫn đến những ý tưởng đột phá. Không phải tự nhiên Archimedes lại Eureka! Trong bồn tắm, Newton lại suy nghĩ về luật hấp dẫn khi ngồi dưới gốc cây táo mà không phải trong văn phòng. Hay thỉnh thoảng, thấy mình đã làm tốt rồi, nhưng bằng đi một thời gian quay lại mình lại nhìn ra những điều có thể cải thiện.
Mình có lịch cố định viết Blog hàng tuần, nhưng đúng là nhiều khi mình cũng chẳng biết viết gì. Ví dụ như việc viết review một bộ phim, một cuốn sách, thì mình cũng cần dành thời gian thưởng thức bộ phim, hay cuốn sách đó. Viết về những trải nghiệm, mình phải trải nghiệm trước đã. Mình không thể viết về học bổng khi mình chưa bao giờ đỗ học bổng, không thể viết về động lực, vượt qua khó khăn khi mình chỉ ở nhà ăn, ngủ. (Điều này hơi mean, nhưng có rất nhiều trang mình từng theo dõi, sau này mình thấy không hợp nữa sau khi bạn ấy rời bỏ công việc làm chỉ làm KOL, bởi vì mình thấy nội dung của bạn ấy không còn gần gũi, thực tiễn và chân phương nữa). Với mình trải nghiệm qua thực tế hay qua xem, đọc và chia sẻ qua viết hoặc trò chuyện tích cực giống như ăn và tiêu hóa vậy. Trải nghiệm cho mình chat liệu, còn chia sẻ cho mình giải phóng nguồn năng lượng. Phải có trải nghiệm mình mới có nội dung để chia sẻ, tuần nào lâu không viết gì cứ giữ mãi trong đầu cũng thấy bí bách.
Nhưng biểu hiện của việc cần nghỉ ngơi để tái tạo sự sáng tạo: thiếu thời gian rảnh để suy ngẫm một vấn đề, thiếu những trải nghiệm mới, bạn cảm thấy cuộc sống hàng ngày cứ lặp đi lặp lại và bản thân đang làm việc như một cái máy, hay đơn giản bạn mất cảm hứng sống và không thể cảm nhận vẻ đẹp của cuộc sống xung quanh.
Nghỉ ngơi sáng tạo là việc cho phép tâm trí được tự do khám phá và tưởng tượng, tạo những cảm hứng mới. Giải pháp ở đây là tìm đến những cái mới để “refresh” đầu óc. Du lịch – đến một vùng đất mới, đọc sách – khám phá một câu chuyện mới, tham gia các buổi biểu diễn nghệ thuật – đến gần với những tần số năng lượng cao, hoặc thậm chí chỉ đơn giản là dành thời gian ngoài trời có thể mang lại những ý tưởng mới và thúc đẩy sự sáng tạo – gần gũi với thiên nhiên luôn mang lại sự hứng khởi. Ném mình vào những trải nghiệm mới. Mình nghĩ những người luôn giải quyết tốt vấn đề là những người từng trải và có kinh nghiệm. Họ có thể kết nối những điều đã biết để tạo ra những cái mới. Và họ thú vị bởi họ có nhiều câu chuyện để kể. Thử làm một điều gì đó bạn chưa từng làm. Sáng tạo là sự tạo ra cái mới, đi ra khỏi lối mòn. Để đạt được cái mà bạn chưa có, bạn phải làm những điều mình chưa từng làm. Có một buổi sáng sau ngày sinh nhật tuổi 30 mình thức dậy và mình chợt nhận ra, mình muốn thay đổi, muốn làm cái gì đó khác với những gì mình đã làm. Sách vở, nghệ thuật, vẽ vời hay Yoga, có vẻ nhưng cũng vấn giống mình quá. Vậy là mình quyết định đi học múa cột với hi vọng là sự sexy trong đó sex bù đắp lại cái nerd trong mình. Môn này khó nhưng hay nha, mình thấy mình vừa rèn luyện sức khỏe, vừa cho tinh thần thoải mái, và còn kéo mình ra khỏi những giới hạn của bản thân.
Kết luận
Cuộc sống không dễ dàng và chúng ta đối mặt với những mệt mỏi mỗi ngày là điều không thể tránh khỏi. Như khi đói chúng ta phải ăn, khi khát cần uống nước, khi mệt cần nghỉ ngơi. Tâm hồn chúng ta cũng cần được nghỉ ngơi, tưới mát và nuôi dưỡng. Hiểu và thực hành nghỉ ngơi một cách toàn diện là chìa khóa để duy trì sự cân bằng và hạnh phúc trong cuộc sống. Không phải lúc nào chúng ta cũng cần những chuyến đi và cũng không phải lúc nào cũng phải ngồi thiền hay đọc sách. Cơ thể bạn luôn biết cách báo hiệu cho bạn khi có vấn đề, chỉ cần chúng ta lắng nghe. Bằng cách nhận biết các dấu hiệu khi cơ thể và tâm trí cần nghỉ ngơi, và áp dụng các phương pháp nghỉ ngơi phù hợp, mình nghĩ chúng ta có thể cải thiện chất lượng cuộc sống và đạt hiệu suất tối ưu trong mọi hoạt động.
Cám ơn bạn đã đọc đến đây. Nếu bạn thấy thú vị và bổ ích hãy chia sẻ với bạn vè và đừng quên theo dõi qua Email để không bỏ lỡ những bài viết mới trên Blog. Bạn có thể để lại bình luận để cho mình biết nội dung nào bạn đang quan tâm, cũng như để lại email để mình gửi cho bạn những tài liệu hữu ích.
Theo dõi Fanpage để nhanh chóng cập nhật bài viết và chia sẻ mới nhất: https://www.facebook.com/Violetstoryblog
- 💎Bạn có thể ủng hộ để Blog được duy trì bằng nhiều hình thức tại Donation
- 📝Những bài viết khác cùng chủ đề trên Blog tại Learning and Growing
- 🎨Instagram: https://www.instagram.com/phuong.anh.violet/
- 📚Bookstagram: https://www.instagram.com/vitamin.books/
- 🍀Self-help Instagram: https://www.instagram.com/_smallstepseveryday_/
- 📻 Podcast: https://podcasters.spotify.com/pod/show/smallstepseveryday
- 📽 English blog: www.phuonganhviolet.com
- 🔖Facebook: https://www.facebook.com/Violetstoryblog
- 💌Email: hi@callmeviolet.com
- 📱Sách và món đồ hữu ích mình dùng: https://phuonganhviolet.koc.asia/