Sau nhiều tháng với những trì hoãn và xao nhãng khác, cuối cùng mình đã hoàn thành 118 bài giảng chia làm 21 phần của khóa học trên Udemy và nhận chứng chỉ Professional Life Coach Certificationtừ Transformation Academy. Với khối lượng bài giảng của khóa học, mình thu nạp được nhiều kỹ năng và học được những tư duy, công cụ rất bổ ích. Nhưng vì mình không học để trở thành Coach chuyên nghiệp (Có thể trong tương lai nhưng chắc không phải bây giờ), nên mình sợ nếu không thường xuyên dùng và thực hành mình sẽ quên hết những điều đã học. Mình đã trả tiền cho khóa học này nữa. Quên sẽ rất phí. Vậy nên trong bài viết này mình sẽ ghi lại tổng quan những điều mình học được trong khóa học.

Screenshot_20241206_182321

Đây là chứng chỉ của mình.

Tại sao mình đi học Coaching?

Có lẽ động lực lớn nhất cho tất cả những điều mình đầu tư học đó là sự tò mò và mong muốn phát triển bản thân. Mình từng rất tò mò về Coach. Những năm gần đây, Coaching nổi lên như một công việc mới nhằm hướng dẫn, tư vấn và đào tạo, giúp cá nhân hoàn thiện năng lực và khai thác tối đa tiềm năng của bản thân. Vậy Coaching khác gì với những đào tạo kỹ năng mềm đã thịnh hành từ nhiều năm trước. Nhiều lúc xem các quảng cáo về Coach, mình thấy có hơi hướng giống “Bán hàng đa cấp” và những điều nghe thì hay nhưng không biết có ứng dụng được không, khiến mình rất nghi ngờ. Mình cũng luôn tự hỏi về Coach (người huấn luyện), tại sao người không phải chuyên gia trong lĩnh vực, đôi khi cũng không có thành tựu cuộc sống gì quá nổi bật mà lại có thể làm tư vấn để người khác thành công, hạnh phúc hơn.

Trước dây, có nhiều bạn bè thường tìm đến mình đẻ tìm kiếm những lời khuyên, hay được tâm sự. Dạo gần đây, mình cũng thu mình lại, và từ chối những cuộc nói chuyện như vậy. Mình thấy bản thân mình đang có nhiều vấn đề. Mình cảm thấy mình bị bao quanh bởi nguồn năng lượng tiêu cực từ chính những vấn đề mình đang gặp phải, mình chỉ muốn đi tìm ánh sáng và mình thấy mình không đủ sức để nghe thêm những vấn đề cũng mang những thông tin tiêu cực từ người khác. Đôi khi mình rất mong ai đó có thể giúp mình, (nhưng một ý nghĩ thật ích kỷ nảy sinh trong mình), mọi người thường tìm đến mình khi cần sự giúp đỡ, và lúc này mình thấy không đủ sức.

715F8BB1-379B-4F00-BC85-90FA455249D6-2281-000000344F03EAC7

Chuyện bắt đầu cũng dài. Từ năm 2020 mình bắt đầu tự học Tarot, lại xuất phát từ một sự tò mò khác, để tự muốn giải quyết một số vấn đề cá nhân. Mình nghĩ Tarot đã giúp mình vượt qua trầm cảm gia đoạn năm 2020, 2021. Nhưng đôi khi vì biết mình biết đọc Tarot, nhiều bạn bè cũng tìm đến mình với những câu hỏi mà mình không muốn trả lời. Mình cảm thấy việc đọc Tarot bị hiểu sai và thời gian công sức mình bỏ ra là vô nghĩa nên mình từ chối, nên mình thấy rất khó  chịu và cân nhắc mình sẽ không trải bài miễn phí nữa hoặc từ chối luôn.

Tưởng chuyện Tarot chỉ có vậy, đến đầu năm 2024, một hôm lên London, mình ngồi ở Starbuck, thấy bạn bên cạnh trải bài Tarot. Mình quay sang làm quen bảo “Hi, I read Tarot, too”. Thế là chúng mình bắt đầu trò chuyện. Bạn ấy giới thiệu đang chuẩn bị tham gia một khóa học của một bác gì đó là Coaching with Tarot. Điều mình tò mò nhất là không biết học gì mà tận £500 có 1 buổi. Nhưng mình cũng hiểu thôi, đôi khi một giá cao tương xứng với giá trị của khóa học và cũng để người học có trách nhiệm hơn với quyết định của mình. Người ta thường thích những món miễn phí nhưng lại không trân trọng nó. Với các đọc Tarot của mình, mình thường tìm kiếm sự cải thiện và hành động. Mình cũng thấy sự liên quan giữa Coaching và Tarot. Có lẽ học coaching sẽ giúp mình đọc Tarot tốt hơn hoặc ngược lại.

Với tất cả sự tò mò của bản thân, hi vọng biết đâu mình có thể học được kỹ năng mới, tự trở thành Coach cho chính mình để giải quyết vấn đề của bản thân, một sự tiếp nối với Tarot, thôi thay vì tò mò, đoán giá đoán non thì mình đi học để đỡ tò mò. Khóa học trên Udemy cũng không quá đắt (khoảng 430 ngàn VNĐ). Ngoài ra, một lý do mờ nhạt, một suy nghĩ thoáng qua, có thể mình cũng có thể làm Coaching with Tarot. Từ khi mình viết về Tarot, mình cũng nhận được nhiều đề nghị xem Tarot từ độc giả. Tuy nhiên, mình chưa sẵn sàng đọc Tarot nhưng một dịch vụ, nên mình từ chối. Mình tạm thời chỉ chia sẻ những điều mình học được qua Blog, mong rằng bạn có thể tự khám phá bản thân, bởi vì sau khi học Tarot và Coaching, mình hiểu rằng, chúng ta luôn là người nắm chìa khóa cho cuộc sống của chính mình.
Những điều mình học được

Sau khóa học mình hiểu thế nào là coach, một số kỹ thuật làm việc với coachee (khách hàng), và quan trọng hơn và các nội dung liên quan đến nhận thức cá nhân, tư duy và tạo động lực. Trong quá trình chia sẻ trải nghiệm cũng như làm mentor, mình nhận thấy rằng công việc này có ý nghĩa với mình bởi vì khi mình tìm hiểu kiến thức và kỹ năng, thì trước khi chia sẻ lại cho người khác, mình đã nắm vững chúng trước rồi. Bởi vậy, mình thấy, ngay cả việc mình không được trở thành coach chuyên nghiệp, mình cũng có thể tự áp dụng những kỹ thuật đó trong cuộc sống của mình.

IMG_4230-01

Mình nhận ra rằng, điều quan trọng nhất coach có thể giúp coachee đó là thay đổi tư duy và góc nhìn của họ đối với một vấn đề, quan trọng vẫn là quyết định và hành động của coachee. Không có coach nào làm “bài kiểm tra của cuộc sống” giúp chúng ta cả. Điều này cũng giống với thông điệp trong những lá bài Tarot, người ta luôn tò mò về tương lai nhưng đó chỉ đơn giản là kết quả của những quyết định trong quá khứ và hiện tại.
Sau đây mình sẽ lược qua một vài nội dung mình được học trong khóa học, trước khi đi sâu hơn vào từng nội dung trong những post sau.

Life Coach là gì và tại sao người ta tìm đến Life Coach?

Chúng ta đang sống trong thời đại mà mọi kiến thức, thông tin có thể dễ dàng được tiếp cận, từ đó tạo điều kiện cho sự phát triển. Có hàng tỷ cuốn sách, khóa học, và các chương trình giáo dục hướng tới sự đổi mới và tiến bộ. Tuy vậy, có bao giờ bạn cảm thấy mình bị ngợp trong biển thông tin, và đôi khi dù đã đọc hết sách hay hoàn thành một chương trình học cũng không biết làm sao để áp dụng vào thực tế, hay thậm chí, chúng ta biết những điều cần làm chỉ là chúng ta thiếu động lực, thời gian, và hàng tỉ lý do khác để không làm gì cả.

IMG_4629-01

Ai trong chúng ta cũng có những hoài bão, mục tiêu trong sự nghiệp, mối quan hệ, và tất cả những khía cạnh khá trong cuộc sống, nhưng chúng ta đều bị níu giữ bảo nỗi sợ, sự nghi ngờ và những xáo trộn, phân tán khác. Có rất nhiều lý do khiến chúng ta mắc kẹt với thực tại (dù bản thân chúng ta cũng không thấy hài lòng lắm), những áp lực chồng chất và rồi chúng ta tự xây lên hàng rào cho riêng mình với niềm tin giới hạn. Và Life Coach nhằm giúp bạn phá vỡ hàng rào đó.

 Cụ thể, vai trò của Life Coach là:

  • Tạo động lực và tầm nhìn: Life Coach giúp coachee mơ ước lớn hơn, vượt qua giới hạn của bản thân, và định hình một tầm nhìn hấp dẫn cho cuộc sống. Sau đó, họ cùng coachee lập kế hoạch cụ thể để đạt được mục tiêu.
  • Duy trì trách nhiệm với mục tiêu cũng như cuộc sống của mình: Coach giúp coachee đặt ra kỳ vọng cao hơn, nhắc nhở họ về lý do tại sao họ bắt đầu, và đảm bảo coachee luôn hành động vì những điều quan trọng nhất, hướng tới mục tiêu cuộc sống mà coachee hàng mong muốn.
  • Thách thức và khơi gợi tiềm năng: Life Coach giúp coachee nhận ra tiềm năng thực sự và không chấp nhận bất kỳ điều gì kém hơn so với những gì họ xứng đáng đạt được.
  • Thay đổi góc nhìn khi đối mặt với những thử thách: Cuộc sống luôn đầy  những khó khăn, nhưng mọi điều xảy ra dù vui hay buồn, thành công hay thất bại, đều có ý nghĩa của nó. Điều quan trọng là chúng ta cần nhìn nhận ý nghĩa và mục đích từ những khó khăn thử thách trong quá trình phát triển bản thân.
  • Kiểm soát tâm trí: Coach hỗ trợ coachee kiểm soát những suy nghĩ tiêu cực, giữ vững sự lạc quan và phát triển tư duy thành công.
  • Duy trì cam kết: Thất vọng, quá tải hay mất tập trung hay nghi ngờ là điều thường xuyên xảy ra trong cuộc sống, Life Coach động viên, giúp coachee tiếp tục trên hành trình hướng tới mục tiêu của mình.
DSCF2826-01

Nhìn chung, vai trò của coach giống như một người đồng hành, giúp coachee vượt qua rào cản xuất phát từ nỗi sợ bên trọng, giúp họ tự tin, và thêm động lực để đạt được cuộc sống mà mình mong muốn. Coach không phải thầy giáo, không giảng bài cung cấp kiến thức, cũng không định hướng coachee phải làm làm nghề này, quyết định ra sao, mà họ đơn giản chỉ cung cáp cung cụ, giúp coachee xác định mục tiêu từ đó hành động. Khóa học của mình tập trung vào Life Coach, cũng có nhiều khóa học khác hướng tới các nội dủng hẹp hơn như Career, Relationship, Life purpose…

Một điều cần lưu ý rằng, coach khác với therapy. Chúng ta tìm đến Coach để hành động, không phải để chữa lành. Mình cũng nhận ra kiểu đọc tarot của mình gần với coaching hơn là chữa lành vì bản thân mình luôn tìm kiếm sự cải thiện và hành động thay vì một sự an ủi, vỗ về. Vượt  sư sự trì hoãn, nỗ sợ, thay đổi tư duy và sẵn sàng đối mặt với những khó khăn thử thách trong cuộc sống đòi hỏi một nội tâm vững vàng, lý trí mạnh mẽ và cả sức khỏe nữa. Điều đó có thể rất mệt mỏi và tốn nhiều năng lượng. Vậy nên, nếu bạn gặp những vấn đề mệt mỏi trong tâm lý, thì những tham vấn tâm lý sẽ phù hợp hơn. Hãy đến với coach khi bạn sẵn sàng đỗi mặt với thử thách và thay đổi.

Trong phần mở đầu, khóa học giới thiệu chung về coach và những nguyên tắc làm việc, làm thế nào để giao tiếp với coachee, kỹ năng lắng nghe chủ động và đặt câu hỏi, sự thấu cảm, một số phương pháp và công cụ sử dụng trong coaching, và phần cuối của khóa học tập trung vào phát triển coach như một dịch vụ kinh doanh. Mình thấy kỹ năng giao tiếp này cũng có những ý nghĩa nhất định mà mình có thể áp dụng trong cuộc sống của mình. Đặc biệt với kỹ năng lắng nghe chủ động và đặt câu hỏi, mình nghĩ rằng, không trở thành coach, thì mình cũng có thể trở thành một người đáng tin cậy, biết trò chuyện.

DSCF7568

Một số mô hình và công cụ mà Life Coach có thể chia sẻ với coachee

Nội dung này khá dài mình sẽ sơ lược qua, còn chi tiết cụ thể, ứng dụng những mô hình này trong cuộc sống như thế nào, mình sẽ chia sẻ trong những bài viết sau.

Wheel of life – Công cụ đánh giá và cân bằng cuộc sống

The Wheel of Life là một công cụ đơn giản giúp bạn hình dung và đánh giá mức độ hài lòng hiện tại của mình trong các khía cạnh khác nhau của cuộc sống. Bằng cách sử dụng biểu đồ hình tròn, bạn có thể nhận diện những lĩnh vực cần cải thiện để đạt được sự cân bằng tốt hơn.
Biểu đồ hình tròn được chia thành 8 phần (hoặc 6-12 phần, tùy thuộc vào số lượng lĩnh vực bạn lựa chọn). Mỗi phần đại diện cho một khía cạnh quan trọng trong cuộc sống, chẳng hạn như: Sức khỏe, Sự nghiệp, Tài chính, Gia đình và bạn bè, Mối quan hệ cá nhân, Phát triển bản thân, Giải trí và sở thích, Đóng góp cộng đồng… Xem tâm vòng tròn là 1 và viền ngoài là 10. Đánh giá mức độ hài lòng hiện tại của bạn trong mỗi lĩnh vực theo thang điểm từ 1 đến 10. Sau đó, tô đầy phần tương ứng trong biểu đồ với mức điểm bạn chọn.

Biểu đồ hoàn chỉnh sẽ cho bạn cái nhìn trực quan về mức độ cân bằng giữa các lĩnh vực trong cuộc sống. Các lĩnh vực có điểm thấp thể hiện nơi bạn cần tập trung cải thiện. Những phần cao hơn cho thấy bạn đang hài lòng, nhưng vẫn có thể tối ưu hóa nếu muốn.

WOL-1-1024x990

Một chút refection của bản thân, mình từng làm công cụ này trong một session về Well-being của trường. Và kết quả thật tệ, khi mình nhận ra tất cả các khía cạnh trong cuộc sống đều điểm thấp và sau đó mình cảm thấy “tụt mood” nghiêm trọng. Nhất là trong khoảng thời gian với nhiều căng thẳng áp lực, bỗng dung mình thấy mọi thứ thật khó khăn, và bản thân thật thất bại. Vậy nên, sử dụng công cụ như thế nào, chúng ta cần một một người hướng dẫn hay ít nhất một người lắng nghe và tạo động lực cho bạn cải thiện, thay vì bị kéo vào những điều tiêu cực.

GROW Model – Từ mục tiêu đến hành động

Mô hình GROW được tạo ra vào những năm 1980 bởi Sir John Whitmore và sau đó được phát triển thêm bởi Alan Fine và Graham Alexander nhằm giúp cá nhân hoặc nhóm xác định mục tiêu, đánh giá tình hình hiện tại, khám phá các giải pháp và cam kết hành động. Hiểu đơn giản, GROW là viết tắt của Goal (Mục tiêu) – Reality (Thực trạng) – Options (Lựa chọn) và – Will (Ý chí). Theo mô hình này, các bước chúng ta có thể thực hiện là xác định mục tiêu, đánh giá tình hình, khám phá giải pháp, và cam kết hành động để đạt kết quả mong muốn.

HEART Model

HEART là một phương pháp thiết lập mục tiêu dựa trên sự nhất quán với những giá trị cá nhân, đảm bảo rằng các bước tiến tới mục tiêu luôn ý nghĩa, có thể đo lường và khả thi trong bối cảnh cuộc sống. Điều này cũng có liên quan đến “Tự nhận thức cá nhân mình từng giới thiệu trong một bài blog cũ và những điều mình học được trong cuốn sách Design your Life. Để cảm thấy hạnh phúc và thỏa mãn, những điều bạn làm cần có sự hòa hợp với giá trị và niềm tin của bản thân. Sẽ rất nặng nề và thậm chí tội lỗi nếu chúng ta phải làm những việc trải với niềm tin của mình.

Từng thành phần trong HEART bao gồm:

  • Honest (Thành thật): Mục tiêu có phù hợp với bạn không? Có đồng nhất với giá trị cốt lõi, niềm tin, và những khát vọng khác của bạn không?
  • Exact (Cụ thể): Bạn cần làm chính xác những gì để đạt được mục tiêu? Mục tiêu lớn có thể chia nhỏ thành các bước nhỏ cụ thể nào? Làm thế nào để đo lường và theo dõi từng bước tiến?
  • Authentic (Chân thực): Mục tiêu này có phản ánh giá trị, thế mạnh, và những khả năng độc đáo của bạn không? Đây có thực sự là điều bạn muốn hay chỉ là kỳ vọng từ người khác?
  • Realistic (Thực tế): Mục tiêu này có khả thi không, với tất cả các trách nhiệm và hạn chế bạn đang có? Bạn có đủ thời gian, năng lượng và động lực để hoàn thành không? Đạt được mục tiêu này có đòi hỏi phải từ bỏ điều gì khác không?
  • Timely (Kịp thời): Hạn chót cho mục tiêu này là gì? Mỗi bước sẽ mất bao lâu? Khi nào bạn sẽ hoàn thành từng giai đoạn nhỏ?
IMG_2147-01

Neuro Linguistic Program (NLP) – Lập trình ngôn ngữ tư duy

Tình cờ khi học đến phần này, thì mình cũng học một khái niệm trong Data Science viết tắt tương tự là Natural language Processing nên thỉnh thoảng nói chuyện với sếp mình cũng nhầm. Neuro-Linguistic Programming (NLP) là một phương pháp tâm lý học ứng dụng được phát triển vào những năm 1970 bởi Richard Bandler và John Grinder. Đây là một khái niệm phức tạp, với nhiều cuốn sách viết về nó. Phương pháp này quan trọng, bởi tư duy sẽ định hình cách chúng ta nhìn cuộc sống, từ đó dẫn đến hành động và những cảm xúc và sự thỏa mãn trong cuộc sống.

Các thành phần chính của NLP gồm:

  •  Neuro (Thần kinh học): Liên quan đến cách bộ não xử lý thông tin thông qua năm giác quan (thị giác, thính giác, xúc giác, khứu giác, vị giác). Tư duy và cảm xúc của con người được định hình bởi cách não bộ mã hóa trải nghiệm.
  • Linguistic (Ngôn ngữ): Ngôn ngữ ảnh hưởng đến cách chúng ta diễn giải và truyền đạt trải nghiệm. NLP nhấn mạnh vai trò của từ ngữ, giọng điệu, và ngôn ngữ cơ thể trong giao tiếp và cách chúng ta hình thành ý nghĩa về thế giới.
  • Programming (Lập trình): Cách các thói quen, hành vi, và mô hình suy nghĩ được “lập trình” trong não bộ qua trải nghiệm. NLP tìm cách tái cấu trúc những chương trình này để thay đổi hành vi và đạt được kết quả mong muốn.

Những nội dung khác mình được học trong khóa học Professional life Coach

Những phần sau của khóa học liên quan đến Trí tuệ cảm xúc, Tư Duy Phát Triển và Tự Tin Chân Thật (Growth Mindset and True Confidence), xây dựng nhận thức và chánh niệm (Awareness and Mindfulness),sSuy nghĩ tích cực và những gì chúng ta tự nói với chính mình (Empowering Thinking and Self-Talk), cân bằng cảm xúc, thiết lập niềm tin, ra quyết định và hành động, vượt qua nỗi sợ liên quan đến thất bại, sự thay đổi và những nguy cơ khác, hiểu rõ mục tiêu cuộc sống và đi tìm đam mê, từ đó viết lại câu chuyện cuộc đời bạn.

Nhìn chung, những nội dung này đều rất truyền cảm hứng. Nếu một ngày mình có thể hiểu và nắm vững những điều này và ứng dụng nó trong cuộc sống của mình để có thể tự tin chia sẻ với mọi người và giúp họ xây dựng cuộc sống hạnh phúc như ý thì mình cũng đã ở một trình độ khác rồi. Mình không muốn chỉ chia sẻ lý thuyết, nên mình mong mình sẽ có thể chia sẻ hành trình của bản thân khi ứng dụng tư duy này trong cuộc sống.

IMG_4009 rain

Kết luận

Với mình khóa học Professional Life Coach, không phải là một bước đệm để mình có bước chuyển nghề nghiệp. Mình bắt đầu với sự tò mò, và mình bắt đầu một hành trình học những công cụ tự khám phá và phát triển bản thân. Đó là điều có ý nghĩa với mình. Bật mí là, chi phí Coaching được giới thiệu trong khóa học để giúp học viên định giá dịch vụ Coaching là ít nhất $50/ giờ, và có thể lên tới hàng tram USD mỗi giờ. Đó là một chi phí lớn nếu như bạn tìm đến dịch vụ Coach chuyên nghiệp. Vai trò chủ yêu của coach là giúp bạn đạt mục tiêu, cam kết hành động để đạt được những điều bạn mong muốn. Mình không hạ thấp vai trò của Coach, bởi vì giữ động lực, vượt qua nỗi sợ và hành động không phải điều dễ dàng và có người đồng hành là rất quan trọng. Tuy nhiên, như mình đã nói ở đầu bài, chìa khóa nằm trong tay bạn. Ai cũng có thể trở thành coach, vậy tại sao bạn không thể trở thành coach cho chính mình? Đặc biệt khi tình hình tài chính có eo hẹp, mình khuyến khích mọi người tự học và tự khám phá, học về những phương pháp sử dụng trong coaching và tự ứng dụng chúng cho mình. Chúng ta có thể làm được, cũng có thể không, nhưng mình nghĩ bạn hãy thử, áp dụng NPL chẳng hạn.

Tóm lại khóa học với mình khá bổ ích, bạn có thể học trên Udemy với đường link đưới dây hoặc tiếp tục theo dõi những bài viết mới trên Blog của mình. Mình sẽ viết kỹ năng về những kỹ thuật đã học và ứng dụng của chúng trong cuộc sống vào những post sau.


Cám ơn bạn đã đọc đến đây. Nếu bạn thấy thú vị và bổ ích hãy chia sẻ với bạn vè và đừng quên theo dõi qua Email để không bỏ lỡ những bài viết mới trên Blog. Bạn có thể để lại bình luận để cho mình biết nội dung nào bạn đang quan tâm, cũng như để lại email để mình gửi cho bạn những tài liệu hữu ích.

Theo dõi để nhận Newsletters

Theo dõi Fanpage để nhanh chóng cập nhật bài viết và chia sẻ mới nhất: https://www.facebook.com/Violetstoryblog