NỘI DUNG BÀI VIẾT
[Sống đủ] là chuỗi bài mình chia sẻ những quan điểm của mình về quản lý tài chính cá nhân. Mình không biết làm gì để giúp bạn có thể tăng thu nhập đâu, nhưng sau kinh nghiệm sống ở một thành phố đắt đỏ như London và sau khi về nước dính đúng lúc đại dịch Covid thu nhập giảm rất mạnh (mình làm trong ngành hàng không) và cả câu chuyện sống tiết kiệm học từ mọi người từ khi mình còn nhỏ mình cũng có một chút bài học được đúc rút.
Disclaimer: Bài này chỉ phù hợp với những bạn muốn tiết kiệm chi tiêu khi bạn thấy thu nhập còn hạn chế, còn nếu thu nhập của bạn dư dả, và bạn có những quan điểm khác về tiền bạc, có lẽ bạn sẽ không thấy đúng đâu. Thêm nữa là mình là con gái nên mình tiêu tiền kiểu con gái.
Lần đầu tiên mình suy nghĩ về vấn đề này, khi đọc cuốn sách “Người giàu nhất thành Babylon” và khi người ta đặt ra những câu hỏi.
Review sách: Người giàu nhất thành Babylon
Làm thế nào để giữ lại một phần số tiền trong túi, trong khi tất cả số tiền kiếm được vẫn không đủ để tôi chi tiêu vào những khoản cần thiết hằng ngày?
Nghề nghiệp khác nhau thì số tiền thu nhập cũng khác nhau. Có người hàng tháng kiếm được số tiền lớn gấp đôi, gấp ba thu nhập của người khác. Nhưng tại sao cuối cùng túi tiền của mọi người vẫn xẹp lép như nhau?
Bước 1: Ghi lại chi tiêu hàng ngày
Chả biết làm gì mà hết tiền? Đó là câu mà nhiều người vẫn hỏi, và Ghi lại chi tiêu hàng ngày là cách tốt nhất trả lời câu hỏi đó.
Trước đây, mình vẫn thường ghi lại chi tiêu vào sổ, nhưng cuối ngày về nhà hay bị quên, nên mình dùng apps điện thoại, tiêu gì ghi luôn sẽ tiện hơn. Sau khi đã sử dụng qua một số apps Ghi chép chi tiêu mình thấy hài lòng nhất với The Pocket Expense.
Apps này cho phép mình phân chia chi tiêu thành các khoản mục khác nhau theo ý mình, thiết lập các quỹ (ví dụ mình dành 200K/tháng để mua sách) và cho phép mình quản lý nhiều tài khoản một lúc (tiền mặt, thẻ tín dụng, sổ tiết kiệm, thẻ ATM) và có một thao thác là chuyển tiền từ tài khoản này sang tài khoản khác. (Ví dụ: bạn rút tiền từ cây ATM, tức là chuyển tiền từ thẻ ATM sang tiền mặt). Mình dùng bản free mà đã thấy ổn lắm rồi.
Và cuối mỗi tháng (hoặc một thời gian cố định nào đó), mình có thể xem lại mình dùng nhiều tiền cho việc gì, và suy nghĩ khoản đó có thực sự cần thiết không, để cắt giảm chi tiêu.
Bước 2: Một số cách hạn chế tiêu tiền và có tài khoản tiết kiệm
Vì thu nhập hạn chế, nên mình không thể cái gì cũng mua được, mình đặt ra một số nguyên tắc chi tiêu như sau:
1. Chỉ tiêu tiền vào những gì thực sự cần thiết
Thế nào là nhu cầu cần thiết thì trước hết chúng ta cùng nhìn lại thấp nhu cầu Maslow.
5 tầng trong Tháp nhu cầu của Maslow:
- Tầng thứ nhất: Các nhu cầu căn bản nhất thuộc về “thể lý” (physiological) – thức ăn, nước uống, nơi trú ngụ, tình dục, bài tiết, thở, nghỉ ngơi.
- Ưu tiên thứ hai: Nhu cầu an toàn (safety) – cần có cảm giác yên tâm về an toàn thân thể, việc làm, gia đình, sức khỏe, tài sản được đảm bảo.
- Tầng thứ ba: Nhu cầu được giao lưu tình cảm và được trực thuộc (love/belonging) – muốn được trong một nhóm cộng đồng nào đó, muốn có gia đình yên ấm, bạn bè thân hữu tin cậy.
- Thứ tư: Nhu cầu được quý trọng, kính mến (esteem) – cần có cảm giác được tôn trọng, kính mến, được tin tưởng.
- Cuối cùng, tầng thứ năm: Nhu cầu về tự thể hiện bản thân cường độ cao (self – actualization) – muốn sáng tạo, được thể hiện khả năng, thể hiện bản thân, trình diễn mình, có được và được công nhận là thành đạt.
Chúng ta sẽ ưu tiên tiêu tiền ở tầng 1 (thuê nhà ở, ăn đủ 3 bữa, uống nước sạch, nhà cửa sạch sẽ, xăng xe…). Sau đó đến tầng 2 (khám chữa bệnh, bảo hiểm…). Cuối cùng, đến các tầng cao hơn như tầng 5 (mua đồ để post lên instagram được nhiều like)
2. Suy nghĩ thật kỹ trước khi mua
Trước khi mua gì, mình thường dành thời gian để suy nghĩ rất kỹ. Ví dụ: sắp đến đám cưới bạn mình, và mình thấy một chiếc váy khá đẹp quảng cáo trên facebook. Dù tiền trong tài khoản của mình khi đó vẫn đủ để mua, nhưng mình sẽ dành 24h để suy nghĩ. Mình có nhất thiết phải mua không? Không mua thì có sao không? Trong tủ còn chiếc váy nào để mặc đi đám cưới không? Chiếc váy đó có đẹp hơn những chiếc váy mà mình đang có không? Và sau 24h, thì thường mức độ yêu thích dành cho chiếc váy được quảng cáo giảm đi. Hoặc hôm sau mình bận quá chẳng nghĩ đến chuyện mua váy nữa.
3. Lên danh sách đồ cần mua
Mình có thói quen khi cần mua gì, mình sẽ tìm hiểu rất kỹ, so sánh ở những nơi khác nhau, lên danh sách những đồ cần mua và chỉ mua theo danh sách.
Ví dụ: Giáng sinh vừa rồi, mình muốn mua một chiếc váy màu đỏ để mặc chụp ảnh cũng công ty. Sau khi mình nhìn tất cả các shop online, những món đồ mình có để có thể mix với món đồ mới, mình quyết định mua 1 chân váy xếp ly ở Up to second. Và mình inbox hỏi hãng xem mẫu váy này còn ở cửa hàng nào. Đi làm về mình ghé qua cửa hàng gần nhất, hỏi bạn nhân viên mẫu váy cần mua, thanh toàn và đi về luôn.
Mình không có thói quen đi dạo một vòng nhìn ngắm để tránh trường hợp mua chân váy xong, nổi hứng lên lại mua thêm một cái đầm. Hoặc đi siêu thị, mình có check list chỉ mua theo checklist đó.
4. Mua sắm trong tâm thế “ngày mai bạn phải chuyển nhà”.
Hồi đi du học, mỗi lần chuyển nhà, nhiều đồ xách đi rất mệt. Mình có đọc sách của Marie Kondo về lối sống tối giản. Mình chỉ mua những món đồ khiến mình thực sự thấy hạnh phúc khi dùng. Đi du học, mình chỉ có 1 cái vali đựng quần áo cả đông lẫn hè. Tuy vậy, khi chụp ảnh ai cũng khen mình “xinh hơn hồi ở nhà”. Do đó, có lẽ bề ngoài của mình không phụ thuộc vào số lượng váy mình có trong tủ. Nếu có thể sống tốt trong 1 tháng mà không cần đến một món đồ nào đó, thì có thể tháng sau mình cũng chẳng cần đến nó.
Khi về nhà, mình thấy mình có rất nhiều đồ không dùng đến. Mình đặt mục tiêu là năm 2020 mình sẽ không mua thêm bất kỳ quần áo, giày dép, túi xách, phụ kiện nào nữa.
5. Chỉ mua đồ để thấy đủ,
Ví dụ, mỗi loại mỹ phẩm để skincare mình chỉ có 1 món. Giày búp bê đi làm chỉ 1 đôi, giày thể thao 1 đôi, … Mình thấy khá ổn với điều đó. Đôi khi mua sắm quá nhiều, dùng không hết rồi hết hạn sử dụng rất phí.
Ngoài ra, mình tiết kiệm điện, tiết kiệm nước, mua ít đồ dùng không chỉ để tiết kiệm tiền mà còn bảo vệ môi trường. Tiết kiệm cũng là sống trách nhiệm
6. Mua những món đồ thật tốt
Một món đồ có thể đắt nhưng phải bền để mình chỉ phải mua một lần. bênh cạnh đó, mình phải thực sự thích nó để có thể dùng nó hàng ngày mà không kiểu “đứng núi này trông núi nọ”, thấy cái khác đẹp hơn lại muốn mua. Ví dụ: Một cái áo chống nắng Uniqlo hón 400K (rất đắt), nhưng nó rất tốt và đẹp nữa. Mình chỉ mua 1 cái để mặc hàng ngày và khi ra đường mình không thấy ai mặc cái khác khiến mình ưng hơn nên mình không có ý định mua cái khác giống của người khác.
Hồi đại học, mình có một sai lầm là mua theo trend. Thêm nữa mình hay ham rẻ. Đến lúc mua về không hợp, nên mặc được vài lần, mình lại cất tủ. Mình có rất nhiều quần áo trong tình trạng đó. Mình biết là hiểu bản thân mình thực sự cần gì và hợp với phong cách nào cần thời gian. Vậy nên, trước khi mua, mình phải thử, ngắm nghía thật kỹ, suy nghĩ thật kỹ xem. Món đồ đó có khiến mình trở nên tốt đẹp hơn hay không? Nếu mua về xong làm mất thì có tiếc nhiều hay không? Và thậm chí nếu đó là món đắt tiền, nếu cháy nhà mình có liều mình để ôm nó theo không?
Kết hợp các mục trên, chỉ tiêu vào những đồ thực sự cần thiết và thực sựtốt mình lại nghĩ về chuyện ăn vặt. Những món ăn vặt vẫn ăn có thực sự cần thiết và tốt cho sức khỏe của mình không? Cái này tùy thuộc vào thói quen ăn uống nữa, nhưng mình tin là cái gì cũng cai được.
7. Mua vì giá trị sử dụng của món đồ chứ không phải vì thương hiệu của nó
Khi lần đầu tiên mình đi giày Adidas, thực sự mình thấy rất êm và thoải mái. Dù đôi đó hơi đắt so với tất cả đôi giày mình đi trước đó, bù lại mình dùng được rất lâu. Gần 3 năm vẫn như mới đi vào chân rất đẹp. Mình hài lòng về khoản chi tiêu đó. Chuyện mua một món đồ tốt, và một món đồ có thương hiệu là 2 chuyện hoàn toàn khác nhau. Ví dụ, bộ ống hút ở The Coffee House có 72K. Ở trên shoppee còn rẻ hơn. Trong khi 1 bộ 6 cái ống hút của Louis Vuiton tận 30 triệu. Nói đến tiền thì vô vàn lắm. Xét về mục đích ống hút để uống nước, mình cũng không biết ống nước đắt tiền hơn hút nước có ngon hơn không.
Mình không sành về hàng hiệu (vì chẳng đủ tiền mua hàng hiệu), nhưng mỗi lần mua một món đồ nào đó mình luôn nghĩ, số tiền đó có xứng với giá trị sử dụng của món hàng không? Mình có thể mua ở đâu với chất lượng tương đương mà giá rẻ hơn không?
Tiếp theo, mình có một thói quen là so sánh giá món đồ muốn mua với một món đồ khác giá trị mà mình từng mua trước đó để xem có đáng mua hay không? Ví dụ, mình mua 1 chiếc Kindle (2 triệu). Mình rất thích đọc sách nên chiếc Kindle mình rất nâng niu. Trong thâm tâm mình vẫn luôn nghĩ đồ điện tử thì đắt cũng không lạ. Đến khi thấy một chiếc túi xách rất đẹp, giá 2 triệu, mình sẽ nghĩ “Túi xách bằng một chiếc Kindle, có đáng không?” và sau đó mới tính tiếp
8. Unfollow tất cả các trang mua sắm và những nơi khiến bạn mua sắm nhiều hơn
Để tránh trường hợp đang lướt web lại “nảy lòng tham” và lại mất thời gian suy nghĩ, mình unfollow bất kỳ trang bán hàng, nơi nhiều quảng cáo. Đơn giản vì ai chẳng có phút yếu lòng thôi thì tránh xa xa đỡ phải nghĩ. Các Apps mua hàng (tiki, Shopback) cài trong điện thoại mình tắt hết Notifications. (À nhân tiện quảng cáo Shopback là apps bạn có thể dùng mua hàng Online để được cash bacnk nhé, nhưng đừng vì thế mà mua nhiều). Khi mình thực sự muốn mua gì, mình sẽ tìm. Hơn nữa, dạo này, Facebook / Instagram rất thông mình. Mình chỉ cần gõ từ khóa trên máy tính hay nói thôi thì quảng cáo cũng tự hiện lên rồi.
9. Làm những việc bạn có thể tự làm thay vì bỏ tiền thuê dịch vụ
Mình nấu cơm trưa mang đi làm thay vì gọi cơm trưa bên ngoài. Sáng mình cũng dạy pha cà phê mang đi thay vì mua. Đồ ăn trưa mình mang cũng chỉ là thức ăn thừa từ bữa tối hôm trước, cũng không mất công lắm. Giá mỗi bữa trưa ăn ngoài khoảng 30.000. Tháng đi làm 20 ngày là bạn đã tiết kiệm 600K / tháng tương đương hơn 7 triệu/năm rồi.
Còn một việc nữa mà mình thấy mình tiết kiệm được kha khá đó là thay vì đến phòng Gym mình tự mua thảm tập tại nhà qua Youtube. Mỗi thẻ tập toàn giá chục triệu. Có thể lúc mua khí thế hừng hực chia trung bình mỗi ngày ra giá cũng không cao, nhưng được mấy hôm lại lười không đi tập nữa thành ra rất đắt và phí. Trường hợp này chắc chỉ đúng với những người không có đam mê luyện tập như mình thôi. Có rất nhiều kênh Youtube hay apps hướng dẫn luyện tập tại nhà, làm theo thôi mình đã thấy mệt hết cả hơi rồi.
10. Không dùng thẻ tín dụng
Điều này cũng xuất phát từ việc thẻ tín dụng của mình bị hết hạn và thủ tục gia hạn khá lắng nhằng, mình lười không mang hợp đồng lao động, hộ khẩu các kiểu ra ngân hàng. Sau đó, mình xem video này.
Mình không phủ nhận lợi ích của thẻ tín dụng (tiêu trước, trả sau). Nó rất tiện. Mình cũng đã dùng chương trình trả góp để mua điện thoại nhưng đó là thẻ mình chưa hết hạn. Với thẻ tín dụng, bạn sẽ có cảm giác là bản thân có nhiều tiền hơn, và tiêu pha thoải mái hơn, sau đó lại đi trả nợ. Khi bạn thấy trong túi mình ít tiền, bạn sẽ tiêu một kiểu khác.
Ví dụ, hôm nay muốn mình “yêu bản thân hơn một chút”, nhìn vào ví còn 1 triệu thì mình sẽ sẵn sàng chi tiền mua “trà sữa” hay bánh ngọt. Còn nếu nhìn ví chỉ 100K mà cốc trà sữa 50K rồi, mình sẽ rón rén hơn.
Bên cạnh đó, Cashback thực ra như một cái bẫy. “Càng tiêu nhiều bạn được hoàn nhiều” nhưng nghĩ lại số tiền được hoàn được bao nhiêu % số bạn đã bỏ ra?
Thay vì làm thẻ Credit, bạn có thể cân nhắc làm thẻ Debit để vẫn sử dụng các chức năng thanh toán quốc tế tiện lợi nhưng có bao nhiêu tiêu vậy. Và mình nghĩ khi thấy chi tiêu các nhu cầu cần thiết mà vẫn không đủ, bạn càng có động lực phải kiếm thêm tiền nâng cao thu nhập.
Bước 3: Làm sổ tiết kiệm
1. Tiết kiệm tích lũy
Khi có một khoản tiền dôi dư và tránh “yếu lòng” mà chi tiền tiếp thì hãy đổ nó vào sổ tiền kiệm. Khi có sổ tiết kiệm, bạn sẽ có một niềm vui mới là nhìn thấy số tiền trong đó ngày càng nhiều hơn, và bạn sẽ có một khoản dôi dư cho những đầu tư tương lại hoặc việc bất thường (Ai biết ngày mai ra sao).
Mình thấy tiết kiệm tích lũy là sản phẩm khá hữu ích của các ngân hàng. Tiết kiệm truyền thống bạn sẽ gửi 1 lượng tiền cố định theo thời gian thường là 12 tháng, đáo hạn rút cả gốc lẫn lãi. Còn tiết kiệm tích lũy, bạn có thể bỏ thêm tiền bất cứ khi nào bạn muốn (Giống như con heo đất vậy). Khoản này được các chuyên gia tài chính khuyên là 10% thu nhập. Ví dụ, thu nhập 7 triệu/ tháng thì bạn tiết kiệm 700K. Hoặc bất kỳ mức nào bạn đặt mục tiêu.
“Hãy tiêu những khoản còn lại sau khi tiết kiệm, đừng tiết kiệm những khoảng còn lại sau khi tiêu”
Có 2 kiểu tiết kiệm tích lũy, đó là tích lũy tự động và tích lũy chủ động (Cái này mình tự đặt tên nhé).
Tích lũy tự động
Tích lũy tự động là bạn sẽ đăng ký với ngân hàng, vì dụ hàng tháng bạn đăng ký tiết kiệm 2 triệu đồng, trong thời gian 1 năm. Như vậy cứ đến ngày đến tháng, ngân hàng sẽ tự động chuyển 2 triệu đồng từ tài khoản thanh toán (ATM) của bạn sang tài khoản tiết kiệm, và hình như là trong 12 tháng bạn không được động vào số tiền này. Cuối năm bạn có 24 triệu kèm lãi. Sản phẩm này rất hợp khi “quyết tâm chưa cao”, hãy để ngân hàng giúp bạn tự giác. Nhưng chú ý là nếu tháng đó bạn cần tiêu nhiều tiền hơn thì ngân hàng cũng vẫn chuyển số tiền bạn đã đăng ký từ đầu không thay đổi được. Việc tiết kiệm này bỗng nhiên thành nghĩa vụ bạn phải theo.
Bạn tham khảo sản phẩm tích lũy tự động tại link sau:
Tích lũy chủ động
Tích lũy chủ động thì bạn có nhiều quyền hạn hơn. Ví dụ tháng này dư dả có thưởng, bạn chỉ cần vào apps ngân hàng, 1 thao tác chuyển một số tiền bạn muốn vào tài khoản tiết kiệm của bạn. Tháng sau ít tiền thì bạn chuyển ít hơn, thậm chí không chuyển cũng không sao. Rất nhiều ngân hàng có sản phẩm này, bạn có thể dùng ngân hàng nào lãi cao nhất. Nhưng sản phẩm này hợp khi bạn đã hình thành thói quen tiết kiệm và có tính tự giác cao.
Các sản phẩm tiết kiệm tích lũy bạn có thể tham khảo tại link sau:
2. Đặt mục tiêu tiết kiệm để mua một món gì đó
Ví dụ, hồi năm 4 đại học, mình tiết kiệm tiền mua máy ảnh cơ. Giá của nó là 11.5 triệu đồng (thân máy và Lens). Mình rất thích chụp ảnh, và chiếc máy đó mình vẫn nâng niu đến tận bây giờ. Hồi đó mình đi thực tập tại một tổ chức môi trường, mỗi tháng phụ cấp 1.5 triệu. Vì mục tiêu này, mình đã nhờ chị kế toán. “Chị giữ lương giúp em, nếu không em sẽ bị sa ngã, tiêu hết mất”. Đến cuối năm quyết toán, mình lấy một cục đi mua máy ảnh luôn.
Khi muốn mua một món đồ giá trị, hay để dành cho chuyến du lịch dài ngày, chỉ cần biết mục tiêu số tiền mình cần có, mỗi tháng nhịn nhu cầu tiêu pha đi một chút (bớt 1 cốc cà phê, bớt 1 bữa nhậu, mang cơm trưa và tự chuẩn bị đồ ăn sáng nữa…), kiên trì thì sau một thời gian nhất định sẽ đạt được. Nếu có mục tiêu thì động lực tiết kiệm sẽ lớn hơn.
Kết luận
Mình thấy có mấy việc khá cần thiết để tiết kiệm chi tiêu như sau:
- Theo dõi chi tiêu hàng ngày
- Chỉ mua những đồ thực sự cần thiết, nghĩ thật kỹ trước khi mua
- Lên danh sách mua sắm và chỉ mua trong danh sách đó
- Mua những món đồ thật tốt để không phải mua lại và bạn sẽ yêu thương món đồ đó.
- Mua đồ như thể ngày mai bạn phải chuyển nhà.
- Tiêu tiền trong một ngân sách có hạn
- Đặt mục tiêu và lên kế hoạch tiết kiệm khi muốn mua một món giá trị
- Lập sổ tiết kiệm và tận hưởng niềm vui thấy tiền trong đó ngày càng nhiều thêm.
Chắc cũng là do tính cách, mình không có sở thích mua sắm. Thậm chí mình hơi khó tính khi chi tiêu. Nhà mình cũng trật không có chỗ để đồ nữa. Mình nghĩ (theo cách của một đứa không mấy dư dả), hạn chế những khoản không cần thiết để dành cho những khoản đầu tư mang lại lợi ích lâu dài và niềm vui bền vững thay vì mua một đống đồ về xong lại bực mình vì “mình quá nhiều đồ”.
Trên đây là kinh nghiệm “sống sót qua các mùa đói kém” của mình. Hi vọng chia sẻ này giúp ích được cho bạn. Sau khi tiết kiệm mình cũng đang tìm cách tăng thu nhập đây, nhưng chưa biết đường nào cả.
Những bài viết khác về phát triển bản thân trên blog của mình:
1 Comment