“Ghost in Love” là cuốn sách thứ 20 của Marc Levy, xuất bản 20 năm sau khi “Nếu em không phải một giấc mơ” mang tên tên tuổi của Marc Levy đến với độc giả yêu văn học lãng mạn trên thế giới.
(Review có spoil nội dung)
Truyện bắt đầu bằng cảnh Thomas, nghệ sĩ dương cầm đang tập luyện trong khán phòng trước buổi biểu diễn lớn. Một ngày, anh phát hiện ra mình có thể nói chuyện với hồn ma của người cha mình – ông Raymond đã mất 5 năm. Ông nhờ anh một nhiệm vụ khá khó khăn là đi từ Paris đến San Francisco để dự tang lễ của người ông yêu – bà Camille (người không phải mẹ của Thomas) và đánh cắp tro cốt của bà để hai người có thể ở bên nhau mãi mãi ở thế giới nào đó. Trong hành trình ở Mỹ, Thomas gặp Manon, con gái của Camille. Họ nhận ra nhau, nhớ lại những năm tháng tuổi thơ đã trải qua cùng nhau và yêu nhau.
“Bố đã đi khắp thế giới… nhưng hành trình đẹp đẽ nhất đời bố vẫn là làm bố của con”
Suốt hành trình với người con trai, điều Raymond muốn làm nhất đó là bù đắp lại khoảng thời gian mà ông không thể ở bên con trai mình, trò chuyện với con mình nhiều hơn. Và ở độ tuổi của một người đã từng trải và đi đến cái chết, ông Raymond luôn nhắc nhở con trai mình trân trọng những phút giây mà mình được sống.
“Sự thực là ta chỉ chết một lần thôi, bù lại ngày nào người ta cũng sống”.
Truyện không đi sâu vào kể lể hay tạo ra nhiều tình tiết ly kỳ để giải thích tại sao hồn ma của ông Raymond lại có thể quay trở lại, tại sao Thomas có để lấy hài cốt của cha mình đi dễ dàng như thế. Thay vào đó, truyện đi sâu hơn vào tâm lý nhân vật, sâu sắc hơn cả là tâm trạng của một người cha với con trai.
“Tình yêu đâu thể sai khiến được, sống lý trí sao mà khó đến thế”
Truyện của Marc Levy luôn viết về tình yêu, nhưng tình yêu giữa ông Raymond và bà Camille lại hơi khác một chút khi cả hai đã có gia đình. Họ cho hai người con đi học và chơi cùng nhau để lấy cớ gặp nhau. Nhưng tình yêu đó không hề đáng trách. Người ta đâu có thể điều khiển được trái tim. Họ vẫn giữ yên ấm gia đình mình và chọn đến bên nhau ở thế giới bên kia.
Trong Ghost in Love, Marc Levy tạo nên một cuộc hội ngộ nhắc lại kỷ niệm của những nhân vật quen thuộc với độc giả của mình trong những tác phẩm trước như Lauren, Arthur trong “Nếu em không phải một giấc mơ”, Paul, Mia trong “Chuyện chàng nàng”. Khi thấy xuất hiện những nhân vật này mình đã nghĩ có vẻ thiếu đi một nhân vật dù phụ nhưng có trong rất nhiều tác phẩm là thanh tra Pilguez, nhưng Marc Levy đã không làm mình thất vọng, sau 20 năm thanh tra Pilguez vẫn xuất hiện và làm việc còn chuyên nghiệp hơn với những vụ án “ly kỳ”. Tình cha con và mô típ xuất hiện của người cha Thomas vừa giống Lauren trong “Nếu em không phải một giấc mơ”, vừa giống người cha trong “Mọi điều ta chưa nói”, câu chuyện tình yêu của 2 thế hệ khác nhau lại làm mình liên tưởng đến “Một ý niệm khác về hạnh phúc”… Bằng cách đưa những nhân vật của những tác phẩm trước như một nhân vật “khách mời” của những tác phẩm sau, Marc Levy làm cho những nhân vật của mình như được sống, được phát triển, và cũng để gợi lại cho độc giả của mình những rung động mà họ đã, đang và sẽ luôn thấy trong các phẩm của ông.
So với các tác phẩm trước đây, Ghost in love thiếu đi những tình tiết giật gân, như đoạn Thomas đến lấy lại hài cốt của cha mình trong nhà tang lễ, rồi bị cảnh sát điều tra không còn hồi hộp như khi Arthur cướp Lauren khỏi bệnh viện. Những nút thắt trong truyện được gỡ một cách chậm rãi để dẫn đến một cái kết dễ đoán. Độc giả cũng đã lớn lên, các nhân vật trong truyện cũng phải lớn cùng. Càng về sau, cốt truyện của Marc Levy càng nhẹ nhàng, đời thường, đi sâu vào tâm lý nhân vật hơn. Và có những chuyện tình yêu không chỉ dừng lại ở phút rung động ban đầu mà đã trưởng thành sau cuộc sống hôn nhân.
Vẫn là văn phong phảng phát và man mác nỗi buồn, khi dịu dàng, hóm hỉnh, những bài học cuộc sống sâu sắc ẩn chứa phía sau những lời thoại. Những nhân vật đa dạng thể hiện sự đầu tư nghiêm túc về cốt truyện, và tri thức. Nếu như trong tiểu thuyết đầu tay “Nếu em không phải một giấc mơ”, Marc Levy kể cho độc giả hàng loạt những kỹ thuật y khoa, thì đến “Kiếp sau”, ông lại trở thành nhà phê bình hội họa chuyên nghiệp. Và đến Ghost of love, dù không được lắng nghe tiếng đàn của nghệ sĩ dương cầm Thomas, nhưng qua những con chữ biến hóa sau lời văn mượt mà, duyên dáng, độc giả cũng có thể đắm mình vào thế giới âm nhạc hàn lâm.
Hai mươi năm, những câu chuyện tình yêu của Marc Levy vẫn đẹp đến huyền diệu, bất chấp không gian – thời gian; tình yêu có thể vĩnh cửu từ kiếp này sang kiếp khác. Marc Levy đã tạo lên một thế giới diệu kỳ của tình yêu, nơi những cảm xúc thăng hoa, nơi những con người tưởng xa lạ gặp gỡ, những trái tim hòa chung nhịp đập để những giấc mơ ngọt ngào nhất trở thành sự thật. Tình yêu trong truyện của Marc Levy cũng đa dạng, ông không chỉ nói về tình yêu đôi lứa, mà còn tình ca ngợi tình bạn, tình cảm gia đình. Những độc giả khó tính hay hội những người “không thích văn chương lãng mạn” thường nhắc đến những cuốn sách với những từ khá “miệt thị” như “ngôn tình ba xu”. Mình không muốn bắt đầu những cuộc tranh luận bởi ý kiến của mỗi người là khác nhau. Với mình, lý do đầu tiên mình đến với sách văn học là để giải trí, mà đã giả trí mình không kỳ vọng quá nhiều, chỉ cần khi đọc mình thấy hứng thú và thoải mái. Đọc hết 20 cuốn sách của Marc Levy, điều mà mỗi lần mình học được sau khi đọc đến dòng cuối cùng và gấp trang sách lại vẫn luôn là:
“Hãy cứ sống hạnh phúc với những gì mà con đã chọn. Yêu và được yêu!” – Kẻ trộm bóng
P/S: Đọc bài review khác về các tác phẩm của Marc Levy của mình
Những vài review sách khác trên Blog: Review Sách
Xem thêm sách mình review tai Bookstagram @vitamin.books
Link mua sách trên Shopee: Ghost in Love_Marc Levy
3 Comments