Cảnh báo: Trong bài viết này mình sẽ ghi lại những suy nghĩ, bài học mình học được qua bộ phim Soul – Cuộc sống nhiệm màu của Pixar. Do đó, nội dung sẽ có Spoil. Nếu bạn không muốn biết trước nội dung phim, hãy quay lại sau khi xem xong phim nhé. Vấn đề thứ 2, tâm lý và tâm linh là một vấn đề khá nhạy cảm trong khi mình không có chuyên môn về vấn đề đó, nên dưới đây chỉ là cảm nhận và liên tưởng của mình dưới quan điểm cá nhân từ những chi tiết trong phim.

Nội dung của phim Pixar vẫn luôn nói về những nhân vật với cá tính mạnh mẽ. Nếu như trước đây, các phim thường đưa ra câu chuyện về các nhân vật thực hiện hóa ước mơ của mình. Ví dụ như một chú chuột – con vật được coi là bẩn thỉu trong góc bếp nhưng lại có ước mơ trở thành đầu bếp trong Ratatouille (2007), cô công chúa giương cung để tự giành lấy quyền tự chủ trong cuộc sống của mình trong Brave (2012), hay những chú cá nhỏ trong Finding Nemo (2002) vượt qua đại dương rộng lớn đã để lại trong chúng ta một câu nói kinh điển “Keep Swimming”. Đến Inside Out (2015) và Soul (2020) thì thế thới tâm hồn, phía bên trong con người được khai thác sâu hơn. Chúng ta hiểu rằng những điều thể hiện ra bên ngoài, dễ xem dễ thấy ví dụ như những thành tựu, vật chất không phải là tất cả của một con người. Thành công và đạt được ước mơ không phải là lẽ sống, không phải lý do để chúng ta có mặt trên thế giới này.

Chúng mình đã ngồi lại thật lâu cho đến khi màn hình tối đen hoàn toàn. Suốt bộ phim, mình không hề xao nhãng để cố gắng nghe từng câu, đọc từng chữ và dường như linh hồn mình bị cuốn hút bởi câu chuyện trong Soul. Trước khi đứng dậy, bạn mình hỏi “Sao trầm ngâm thế?”, mình trả lời

“I am jazzing” – Đang phiêu.

Joe và đam mê với nhạc Jazz

Phim mở đầu bằng những âm thanh hỗn độn trong lớp dạy nhạc tại trường cấp 2 với thầy giáo đứng lớp là Joe – nhân vật chính. Joe đam mê chơi nhạc Jazz, và anh có một đam mê cháy bỏng được trở thành nghệ sĩ Jazz như bố anh, nhưng con đường trở thành nhạc công Piano chuyên nghiệp không hề dễ dàng, sau vô số thất bại, Joe trở thành thầy giáo dạy nhạc và nhận được đề nghị đi dạy chính thức khi mở đầu phim.

Với đoạn nhạc này, mình lại nhớ đến nhân vật Sebastian trong Lalaland. Vẫn là nước Mỹ, cây đàn Piano, những điệu Jazz sống động, và những kẻ khờ mộng mơ trong một thực tại khắc nghiệt với cơm áo gạo tiền. Tại sao lại là Jazz? Theo mình đó là vì Jazz tạo cảm giác của nước Mỹ. Jazz bắt đầu vào khoảng cuối thế kỷ 19 bởi người Mỹ gốc Phi. Họ đã kết hợp văn hóa bản địa với các nhạc cụ châu Âu đương đại (kèn, piano, trống). Những bản nhạc Jazz được lấy cảm hứng từ cuộc sống hiện đại của Mỹ, trong đó sự đa dạng về văn hóa, nghệ thuật và chủng tộc.  Một điều dễ nhận thấy nhất ở nhạc jazz ngay lần đầu tiên, đó là sự ngẫu hứng, một cám giác rất phiêu khi nghệ sĩ thổi kèn nhắm mắt, người đưa theo điệu nhạc như đang lạc vào thế giới riêng của âm nhạc.

Có lẽ trong phim, nói đến theo đuổi đam mê thì các lĩnh vực nghệ thuật như âm nhạc được đưa lên màn ảnh sẽ thi vị hơn là những ngành nghề khoa học khác, nhưng đó không phải điều mình muốn đi sâu ở đây. Ước mơ của Joe là được được biểu diễn trong một rạp hát địa phương. Nó không phải là cái gì đó quá to tát như một sân khấu lớn với hàng triệu khán giả, được tung hô trên báo đài khắp thế giới. Điều đó cho mình cảm giác gần gũi và đời thực hơn , ước mơ dù nhỏ dù lớn vẫn là ước mơ.

Music is all I think about from the moment I wake up in the morning to the moment I fall asleep at night.


Joe chần chừ khi đưa qua quyết định chấp nhận lời mời làm việc chính thức tại trường cấp 2, bởi đó cũng là khi anh chấp nhận cuộc sống ổn định và gác lại ước mơ biểu diễn chuyên nghiệp. Cùng ngày đó, Joe nhận được lời đề nghị biểu diễn cùng ban nhạc nổi tiếng ở New York. Khi ước mơ cả cuộc đời ấp ủ, đang sắp trở thành hiện thực, Joe gặp tai nạn, rơi vào trạng thái hôn mê, cận kề cái chết.

Trong các phim thông thường, nhân vật chính chết là hết, nhưng trong Soul trạng thái hồn lìa khỏi xác của Joe đưa khan giả đến một thế giới nội tâm và bắt đầu hành trình khám phá linh hồn với những tình tiết đầy tính triết học và tâm lý xã hội.

Soul – Its all right

22 và Hội thảo bản thân

Một thế giới khác được Soul nhắc đến là Cõi sau (thế giới sau khi con người qua đời), và Cõi trước (thế giới trước khi con người được sinh ra, chuẩn bị xuống trái đất). Trong hành trình trốn chạy khỏi cõi sau, không chấp nhận rằng mình đã chết, Joe lạc vào cõi trước và gặp 22.

Tại cõi trước, những linh hồn nhỏ bé đáng yêu sẽ trải qua Hội Thảo bản thân (You Seminar). Tại đây, họ được trao những tính cách độc nhất và đặc biệt bằng cách đi vào những ngôi nhà màu trắng, rồi lại vui vẻ đi ra. Các linh hồn sẽ có 6 mảnh ghép để hoàn thiện tính cách, rồi được ghép cặp với những hướng dẫn để đi tìm mảnh ghép cuối cùng – gọi là tinh hỏa (Spark). Những người hướng dẫn là những nhân vật vô cùng thành công trong lĩnh vực nhất định bao gồm cả tổng thống, tiến sĩ khoa học, bác sĩ, nhạc sĩ, vận động viên thể thao…. Họ được hi vọng sẽ giúp linh hồn nhỏ tìm ra tinh hỏa của mình.

Tinh hỏa sẽ được tìm thấy trong Sảnh đường vạn vật, nơi truyền cảm hứng từ thế giới bên ngoài hoặc Sảnh đường bản thân, nơi có những khoảnh khắc chọn lọc trong cuộc đời người hướng dẫn để linh hồn nhỏ tìm thấy tinh hỏa của mình. Bảy mảnh ghép hoàn thiện sẽ tạo nên thẻ sống, đưa các linh hồn sẵn sàng xuống trái đất bắt đầu cuộc sống trần gian. Đoạn giới thiệu về tinh hỏa dừng lại ở câu hỏi “Vậy tinh hỏa là gì?” chưa kịp được giải đáp, Joe đã vội vã nghĩ đến viễn cảnh làm thế nào lấy thẻ sống để quay lại trái đất. Và đó chính là câu trả lời khó khăn nhất trong cuộc đời mỗi con người.

Mình không biết tại sao lại gọi “tinh hỏa” nhưng từ gốc tiếng Anh là “spark – tia lửa, tia sáng”. Nói đến đây thì mình lại nghĩ ngay đến những từ khóa khá quen thuộc “điểm bùng phát”, “ đam mê bùng cháy”, “nhiệt huyết cháy bỏng”. Spark còn có nghĩa là cảm giác háo hứng, phấn khích. Joe vội vã đưa ra định nghĩa về tinh hỏa cho 22

Tinh hỏa là đam mê và mục đích trong cuộc sống.

Với Joe đó là nhạc Jazz.

22 là nhân vật được khai thác sâu trong phim. Joe được ghép cặp với 22 tại Hội thảo bản thân. Tại sao những linh hồn khác được đánh số rất lớn đến mấy trăm triệu, mà linh hồn này lại có số là 22? Với mình 22 là con số ấn tượng, nó gợi mình nhớ về quãng thời gian khó khăn nhất của bản thân, 22 tuổi sau khi tốt nghiệp đại học. Và nhân vật 22 chính là mình của thời điểm đó, không biết mình thích gì, không biết phải làm gì và luôn sợ hãi, sợ rằng mình không đủ tốt, sợ mình sẽ thất bại, sợ những sai lầm và không dám làm gì cả. Trong đầu cô luôn có những ảo ảnh nói rằng cô là kẻ vô dụng, không thể làm gì. Trên mạng giải thích nhân vật được đặt tên 22 vì Soul là phim thứ 22 của Pixar, nhưng mình nghĩ 22 ở đây gợi đến độ tuổi, thời điểm mà phần lớn mọi người bước vào đời và buộc phải đối mặt với những vấn đề của cuộc sống.

Trong Soul, những linh hồn này được trở thành đứa trẻ sắp ra đời. Nhưng mình nghĩ, nó giống như các sinh viên mới tốt nghiệp sắp phải đối mặt với những vấn đề của cuộc sống. 6 mảnh ghép đầu tiên là tính cách, kỹ năng được hình thành từ nhỏ dưới tác động của môi trường sống, sau đó đến giáo dục bao gồm mẫu giáo, tiểu học, cấp 2, cấp 3, đại học. Đủ 6 phần. Và mảnh số 7 là tinh hỏa, khoảng trống cần hoàn thiện để chúng ta sống, điều mà chúng ta luôn mải miết tìm kiếm. Đoạn này làm mình nhớ đến câu chúng mình vẫn hỏi nhau hồi đại học “mình xuống trái đất làm gì?”.

Soul 3
Cõi trước được miêu tả trong Soul

Phần hội thảo bản thân này lại làm mình nhớ đến những Hội thảo Phát triển bản thân, khóa học Kỹ năng, làm giàu … mà có những câu kinh điển như “Làm thế nào để thành công và giàu có”, “Bạn phải có đam mê”. Mình cũng từng ngồi trong đó, thực sự là nghe rất “truyền cảm hứng” (và có lúc cảm giác như đang bị tẩy não vậy). Chúng ta luôn thấy những người người thành công, xuất chúng ở xung quanh. Nhưng liệu những hiểu biết đó đã đủ để tìm ra mục đích sống của cuộc đời.

Đó là trường hợp của 22. Con số 22, trong khi số thứ tự của linh hồn được ghép cặp ngay trước 22 là mấy trăm triệu, điều đó cho thấy rằng nhân vật 22 đã trải qua rất nhiều Hội thảo bản thân, đã được hướng dẫn bởi rất nhiều nhân vật vĩ nhân, trong đó có cả Đức Mẹ Teresa, Vương hậu Pháp Marie Antoinette và tổng thống Mỹ Abraham Lincoln, nhưng 22 vẫn không tìm thấy tinh hỏa của mình, không có hứng thú, không biết mình xuống trái đất để làm gì. Khi Joe và 22 đi qua sảnh đường vạn vật, cô được thử rất nhiều công việc khác nhau chơi đàn, cứu hỏa, hay cả làm tổng thống và tất cả đều kết thúc bằng câu nhận xét “Nhạt!”. Trần gian chán phèo trong suy nghĩ của 22 như ẩn dụ cho cuộc sống của người trẻ, không có gì khiến họ thấy rừng rực sống.

Màu sắc trắng nhạt nhòa trong sảnh đường vạn vật khắc họa rõ nét cho câu trả lời “Nhạt” đó. 22 được thấy thế giới có những gì nhưng không hề có cảm giác, không cảm nhận được mùi vị, những đau đớn hay thậm chí là những cảm xúc. Thế giới vạn vật của 22 nhiều nhưng thuần túy chỉ là nhìn mà không có trải. Làm sao người ta có thể biết hương vị của chiếc bánh Pizza khi không hề có vị giác, sao có thể tìm thấy mục đích của đời mình chỉ bằng đi nghe mấy hội thảo.

Jerry và nền giáo dục

Soul khéo léo đưa ra những thông điệp về giáo dục con người. Có một chi tiết rất ngắn, khi Jerry đưa những linh hồn nhỏ vào những ngôi nhà định hình tính cách và kỹ năng, Jerry đã hỏi, liệu có đang cho quá nhiều đứa có kỹ năng này không? Hay cái cách định hình tính cách cho những linh hồn nó rất ngẫu nhiên, không hề có tính toán trước. Và như trường hợp của 22, môi trường và các phương pháp, những người hướng dẫn đã hoàn toàn thất bại để giúp cô tìm ra tinh hỏa.

22 biết rất nhiều kiến thức, cô dễ dàng đọc tên các Phương pháp trị liệu, các thuật ngữ phức tạp, có biết Pizza nhưng chưa bao giờ được nếm. Phần này như một sự khéo léo nhắc tới môi trường giáo dục nhiều lý thuyết và thiếu thực tiễn.

Connie và những đứa trẻ trong trường học

Connie là học sinh trong lớp học của Joe, một nhân vật thú vị nhưng hơi ít đất diễn. Connie là học sinh có khiếu chơi kèn nhưng lại đang học giữa một tập thể chán nản. Một lần nữa câu chuyện của Connie cũng đưa ra các vấn đề trong giáo dục.

Khi Joe nói về đam mê âm nhạc của anh, lần đầu tiên anh trông thấy một nhạc công chơi Jazz rồi tìm ra niềm đam mê của mình, biết mình sinh ra để chơi nhạc, Joe hỏi Connie có hiểu cảm giác đó không? Connie chỉ trả lời bằng 1 câu “Em mới 12 tuổi”. Đam mê, cảm hứng là những điều khá trừu tượng, rất khó để một đứa trẻ có thể hiểu.

Connie đến gặp Joe để nói sẽ từ bỏ âm nhạc, bởi em thấy tất cả những môn học trong trường thật vô bổ. Lúc này 22, trong thân hình của Joe, một người đầy lý thuyết đã đưa ra một quan điểm rất quen thuộc về về những bất cập trong nền giáo dục nhà trường

“Một khi đã học thì học rất nhiều nhưng áp dụng thì chẳng được bao nhiêu. Chương trình giáo dục dùng giáo trình của thế kỷ 20 trong khi giờ đã là thế kỷ 21”. _

Geogre Orwell  

Lúc này Connie đã tự nhận ra “Em đã biết những điều đó từ hồi lớp 3”. Một đứa trẻ cũng có thể nhận ra những vấn đề, chỉ là đôi khi chúng không dám nói ra và nói ra không được ai lắng nghe. Vẫn câu hỏi “Học sinh không giỏi là do đâu?”

Những linh hồn lạc lối

Mình đã luôn suy nghĩ về sự khác nhau giữa “sống” và “tồn tại”. Và có nhiều người tồn tại nhưng họ không thực sự sống. Đó là những linh hồn lạc lối.

Những linh hồn lạc lối được Soul nhắc đến trong thế giới giữa vật chất là tinh thần. Ví dụ đưa ra ở đây là một nhân viên tài chính, ngồi trước màn hình máy tính và lẩm bẩm “Giao dịch, giao dịch”, để đến khi tỉnh ra anh ngẩng đầu lên và tự hỏi:

“Mình đang làm gì với cuộc sống của mình thế này?”

Cảnh tượng anh ta đứng dậy, gạt bỏ bàn máy tính, cho thấy anh ấy cũng không phải có niềm đam mê với công việc của mình, đơn giản đó chỉ là việc phải làm.

Những linh hồn lạc lối bị bóng đen bao quanh và có thể trở thành “những quái vật” đáng sợ. Giống như bình thường khi bị stress, chúng ta rất dễ cáu bẳn, gắt gỏng gây ra những tổn thương, sợ hãi cho người xung quanh. Và trong thế giới giữa vật chất và tinh thần có rất nhiều linh hồn lạc lối.

Ngay cả 22 cũng có lúc trở thành linh hồn lạc lối, sau một thời gian dài loay hoay đi tìm tinh hỏa, rồi lần đầu tiền cô cảm giác muốn được sống thì cơ hội đó lại bị cướp mất. Soul cũng khéo léo đưa ra các giải thích về thiền định, nhập tâm, phiêu và mất hứng. Những con người có vai trò tâm linh, chữa lành, các nhà ngoại cảm được khắc họa qua nhóm Gió Trăng rất hài hước.

Soul 4
Và cõi sau trong Soul nhìn cũng không âm u lắm

Người thợ cắt tóc Dez và những câu chuyện đời thường

Đoạn mình thích nhất là khi Joe và 22 đến tiệm cắt tóc của Dez, lúc này 22 trong thân hình của Joe, lần đầu tiên được nếm vị ngọt của chiếc kẹo mút, thoải mái ngồi trên ghế cắt tóc tâm sự về những suy nghĩ cô học được từ những người hướng dẫn cùng những băn khoăn.

Cuộc sống này có xứng đang để chúng ta khao khát không? Lỡ chúng ta chọn sai đường thì sao?

22

Tại đây, Joe, trong hình hài của một chú mèo nhận ra rằng dù anh là khách quen, là bạn thân của Dez nhưng anh chưa từng hỏi Dez về cuộc sống của bạn mà chỉ thao thao bất tuyệt về Jazz. Đoạn này cho mình hiểu, chính sự lắng nghe và chia sẻ vè những chuyện rất đời thường khiến cho hai con người hiểu nhau hơn, gần gũi hơn. Dez cũng chia sẻ về lựa chọn nghề nghiệp, khi giấc mơ trở thành bác sĩ không thành do hoàn cảnh gia đình anh trở thành thợ cắt tóc. Nhưng không phải vì giấc mộng không thành khiến Dez không hài lòng về cuộc sống này. Dez vẫn vui vẻ, lạc quan, mang lại vẻ đẹp cho những vị khách tới tiệm cắt tóc của anh bởi với anh cuộc sống này đáng giá không phải vì thành công.

Dù Dez chỉ xuất hiện một lần và rất ngắn nhưng để lại cho mình 2 bài học đó là về tình bạn và về  lý do người ta sống vui vẻ dù những ước mơ không thành.

Tinh hỏa và lẽ sống

Đến đoạn này, một cách mơ hồ, khái niệm tinh hỏa, mảnh ghép cuối cùng trong cuộc sống con người và là lý do để chúng ta sống dần được định nghĩa.

Your spark isn’t your purpose. That last box fills in when you’re ready to come live.

22 tìm thấy tinh hỏa, hoàn thiện mảnh ghép cuối cùng để tạo thành thẻ sống bởi nhờ vị ngon của miếng Pizza, vị ngọt của thanh kẹo, bởi tiếng nhạc của người nghệ sĩ trong ga tàu, bởi cái chạm nhẹ của nắng váng, của gió, của cánh hoa bay, và ngay cả tiếng quát mắng của ông già cục cằn trong ga tàu. Đó là cuộc sống.

Quay lại câu chuyện của Joe, khi anh đã chạm tay vào thành công. Anh thuyết phục được mẹ về lựa chọn chơi trong ban nhạc, mặc bộ vest bảnh bao và chơi một đêm xuất sắc, được mọi người tán dương. Nhưng không gian sau buổi biểu diễn lại khiến mình nhớ đến câu hỏi “Thành công rồi, ước mơ đạt được rồi thì làm gì nữa?”.

“I heard this story about a fish. He swims up to an older fish and says: “I’m trying to find this thing they call the ocean.” “The ocean?” the older fish says, “that’s what you’re in right now.” “This”, says the young fish, “this is water. What I want is the ocean!”

Cuộc sống của Joe chỉ có nhạc Jazz. Đó là câu chuyện anh nói hàng ngày với những người xung quanh. Biểu diễn là việc anh sẵn sàng chết đi sống lại để đạt được. Nhưng khi đạt được rồi anh vẫn thấy trống trải. Suy cho cùng, công việc chỉ là một phần người ta dành 8 tiếng mỗi ngày (có thể hơn). Có rất nhiều người thành công trong công việc, nhưng cuộc sống của họ không trọn vẹn. Chính lúc ngồi một mình sau buổi biểu diễn, Joe nhận thấy sự không trọn vẹn đó. Joe nhớ lại những khoảnh khắc khác khiến anh hạnh phúc, đi dạy đàn, ngắm pháo hoa hay chỉ đơn giản là ngồi trong quán cà phê thưởng thức một chiếc bánh. Thì ra, anh đã ở giữa hạnh phúc mà vẫn mải miết kiếm tìm, như chú cả nhỏ đi tìm đại dương. Tinh hỏa không phải niềm đam mê, mà đó là cảm hứng sống, là lý do để chúng ta sống, dù cuộc sống này không hề dễ dàng và chúng ta luôn có thể làm sai.

This isn’t about my career, it’s my reason for living.

Soul 2

Soul và câu chuyện cuộc sống

Soul khéo léo đưa ra những vấn đề về cuộc sống qua các nhân vật. Ví dụ như người mẹ của Joe, phản đối con đường trở thành nghệ sĩ biểu diễn của con chỉ vì lo lắng cho tương lai của anh. Nhưng bà đã luôn chuẩn bị sẵn cho anh bộ vest bảnh bao nhất để đứng tren sân khấu.

Nhân vật Paul, một người cục cằn trong tiệm cắt tóc đại diện cho những người hay mỉa mai người khác khi họ nói về ước mơ của mình. Tại đây, 22 đã đưa ra lời cà khịa mạnh mẽ, anh ta chỉ trích người khác để khỏa lấp nỗi buồn về những giấc mộng bất thành. Cũng ngay sau đó, khi Paul lỡ chân bước xuống hồ và có vài giây ở dưới địa ngục khiến anh ta sợ hãi. Soul đưa ra lời nhắc nhở hài hước với người trẻ hãy bỏ đồ ăn nhanh, sống lành mạnh và khi sắp chết người ta mới biết trân trọng cuộc sống này.

Nhân vật Terry gợi mình nhớ đến những con người tỉ mỉ, đầy nguyên tắc, máy móc, sẵn sàng vạch lá tìm sâu và không chấp nhận những sai sót dù vô cùng nhỏ. Terry cũng mong đợi những thành tựu, thích những lời tán dương và đạt được mục địch bằng bất cứ giá nào.

Điều sâu sắc nhất mình mình thấy ở Soul đó là sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Chúng ta làm việc để sống, không phải sống để làm việc.

Đến cuối phim, khi Joe điềm tĩnh đứng trên băng chuyền tiến về cõi sau (giống như cây cầu đưa người quá cố về cõi âm vậy) , làm mình lại nhớ đến câu hỏi mà rất nhiều người đã từng hỏi “Nếu hôm nay là ngày tận thế, bạn muốn làm gì?”. Điều gì ở cuộc sống này khiến chúng ta vương vấn. Nếu như ở đầu phim, Joe đã cố gắng chạy ngược chiều để trốn tránh cái chết, thì hình ảnh mỉm cười với đôi mắt đầu mãn nguyện tiến về phía ánh sáng rực rỡ cho thấy rằng Joe đã có câu trả lời của riêng mình và anh đã làm thực hiện điều cuối cùng anh muốn làm cho cuộc sống này.

Soul 1

How are you going to spend your life?
I’m not sure, but I do know I’m gonna live every minute of it.

Soul nói về cái chết (trạng thái hồn lìa khỏi xác) cùng với những vấn đề phức tạp liên quan đến tâm linh (cõi trước, cõi sau), tâm lý, giáo dục, phát triển con người một cách rất dễ thương. Ví dụ, các linh hồn được vẽ tròn trịa, xinh xắn hay thế giới tâm linh của con người hiện lên rất lung linh. Cũng giống như trong Coco (2017), âm phủ được khắc họa đầu màu sắc, không một chút ghê rợn. Trong Soul, những gam màu được tiết chế hơn, màu sắc nhẹ nhàng có phần lấp lánh. Đó là điều mà mình thích ở phim hoạt hình, khi thế giới thực được ẩn dụ, nhiệm màu hóa, thật huyền ảo để đưa ra một nội dung sâu sắc.

Khi chúng mình còn ngồi lại đến khi màn hình tắt hẳn, mình nghe thấy tiếng nói của một em bé phía sau “Con chẳng thích phim này chút nào”. Thực ra, mình nghĩ Soul không phải phim dành cho trẻ em. Sẽ là quá sức với một đứa trẻ dưới 10 tuổi để bắt chúng hiểu về về lẽ sống, về đam mê. Phim Pixar là phim dành cho người trưởng thành, khi họ trở về với những điều hồn nhiên nhất để nhìn lại những vấn đề phức tạp trong cuộc sống hàng ngày.

Mặc dù phim cũng có những đoạn “bẻ lái hơi nhanh”, khi để các nhân vật ngộ ra “chân lý” có gì đó chưa thuyết phục lắm. Nhưng không phải bộ phim nào cũng đưa ra một vấn đề sâu sắc đến vậy, không phải bộ phim nào cũng khiến mình kiểu nước mắt rưng rưng dù rõ ràng phim có hậu tuyệt đối, và không phải phim nào mình cũng ngồi đến khi màn hình tắt hẳn. Hơn nữa là mình thích Pixar, nên mình thỏa mãn với một bữa tiệc âm nhạc Jazz rất phiêu, thông điệp truyền cảm hứng, gần gũi. Đôi khi mình cũng tự hỏi người viết kịch bản phim ăn gì, làm gì để có thể nghĩ ra những câu chuyện như vậy.

Tóm lại, Soul – Cuộc sống nhiệm màu là phim tuyệt vời để mở màn cho năm mới dù mình biết là số phim mình xem trong năm vô cùng ít ỏi, 5 phim lẻ là nhiều. Ra rạp đi các bác. 79K mà đáng đồng tiền bát gạo.  


Cám ơn bạn đã ghé quá, hãy ấn Subscribe để nhận tin khi có bài viết mới

Theo dõi Blog qua email

Review phim Pixar Câu chuyện đồ chơi – Toy Story (1995)

Review phim Up (2008) – 10 bài học cuộc sống từ bộ phim của Pixar