Bên cạnh Kung Fu Panda 4 thì Inside Out 2 là một trong những bộ phim ra mắt phần mới mà mình ngóng đợi trong năm nay. Inside Out (2015) là một trong những bộ phim thành công nhất của xưởng phim Pixar. Thay vì câu chuyện của nhân vật, Inside Out dẫn người xem tới câu chuyện của những cảm xúc bên trong nhân vật và hình tượng hóa những cảm xúc bằng những nhân vật có tính cách cụ thể: Niềm vui, nỗi buồn, giận dữ, lo lắng…

Cảm xúc vốn dĩ đã là một phạm trù phức tạp và khó nhận biết. Biết bao trường phái tâm lý học, cũng không ít công trình nghiên cứu cả thập kỷ để lý giải cách tâm trí con người vận hành, và quyết định hành động của chúng ta ra sao.  Inside Out hay, không chỉ bởi đây là lần đầu tiên những cảm xúc mơ hồ được hình tượng hóa một cách cụ thể. Những chi tiết trong trí tưởng tượng của một đứa trẻ rất thân thuộc, bởi ngày bé mình cũng suy nghĩ và hành động như vậy. Nếu như trong tâm trí chúng ta được điểu khiển bởi một ban điều hành là các cảm xúc, thì người lãnh đạo ban điều hành đó sẽ quyết định tính cách con người chúng ta như thế nào. Đôi khi những cảm xúc cũng có những mâu thuẫn, đấu tranh với nhau, điều đó tạo nên thế giới nội tâm phong phú của mỗi người.

Bạn có thể xem review Inside Out phần 1 trên trang của Phê Phim, mình thấy đã rất đầy đủ rồi, nên mình sẽ không review lại. Bài học mình học được qua Inside Out (2015) mình đã viết trong 1 bài blog “Khi sự lạc quan trở nên độc hại”. Trước khi xem Inside Out 2, mình nghĩ bạn nên xem trước phần 1 để hiểu về sự vận hành của team cảm xúc này, trước khi sang phần 2 có nhiều nhân vật phức tạp hơn.

Bạn nên xem Inside Out 2 trước khi đọc review phim này nhé, vì review của mình thường spoil nội dung phim một cách chi tiết vì mình thường viết về những điều mình học được trong phim.

Nội dung phim Inside Out 2

Trong “Inside Out 2”, câu chuyện tập trung vào Riley khi cô bé bước vào giai đoạn thiếu niên, 13 tuổi. Những cảm xúc trong đầu Riley bao gồm Joy (Vui Vẻ), Sadness (Buồn Bã), Fear (Sợ Hãi), Anger (Giận Dữ), và Disgust (Ghê Tởm) tiếp tục đồng hành cùng cô bé trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, lần này, có thêm những cảm xúc mới xuất hiện để phản ánh những phức tạp và thay đổi của tuổi dậy thì, trong đó có bật nhất ở Anxiety (Sự lo lắng cho tương lai).

Câu chuyện bắt đầu khi Riley cùng 2 người bạn thân được chọn tham gia Hockey Camp. Riley rất háo hức với trải nghiệm này và mong muốn khi lên trung học, họ sẽ vẫn học cùng nhau và chơi Hockey cùng nhau. Tuy nhiên, hai cô bạn nói họ sẽ học trường trung học khác. Từ đây, Riley đối mặt với một nỗi sợ rằng cô sẽ không có bạn khi học trung học. Riley cố gắng hòa nhập với một nhóm bạn mới tại Camp, và từ đó là chuỗi hành động khác với Riley của trước đây.

Ban đầu, khi nói Riley đến tuổi dậy thì, mình nghĩ đến một cốt truyện sẽ kiểu thanh xuân vườn trường, cảm nắng bạn nam nào đó. Tuy nhiên, Inside Out 2 đưa người xem đến một câu chuyện đồng cảm với nhiều người hơn, đó là khẳng định bản thân trong một môi trường mới.

Niềm tin cốt lõi

Tôi là một người tốt – I am a good person

Inside Out 2 mở đầu trong phòng điều khiển, khi Joy như một thủ lĩnh cùng với team Sadness, Anger, Fear, Disgust bắn những quả cầu thủy tinh chứa đựng những ký ức tồi tệ nhất của Riley đến một vương quốc xa xôi để Riley quên đi những ký ức này này. Cùng với đó, Joy chọn những ký ức tốt đẹp nhất, thả vào hồ nước (dòng chảy tâm trí). Từ những quả thủy tinh được thả xuống, những đường dây phát sáng kết nối từ mặt nước lấp lành lên bầu trời, hình thành lên niềm tin cốt lõi của Riley “I am a good person – tôi là một người tốt” mà Riley thường lặp lại với chính mình.

Câu nói “I am a good person” khiến mình nhớ đến những câu confirmation mà thỉnh thoảng chúng ta cũng hay được nhắc là tự nói với bản thân. Trong Inside Out 2, chúng ta sẽ nhìn nhận lại những confirmation đó có thực sự tốt hay không? Hay chỉ cần nhắc đi nhắc lại mỗi ngày là chúng ta đang manifest.

Nếu để ý kỹ những sợi dây ký ức cốt lõi này, chúng ta sẽ thầy chủ yếu là màu vàng (Màu của Joy) thay vì bảy sắc cầu vòng nhưng những quả cầu ký ức lõi chúng ta thấy ở cuối Inside Out (2015). Vậy nên mình có cảm giác là hình như Joy quên mất bài học phần trước.

Tuy nhiên, hành động của Joy là điều dễ hiểu. Bởi vì ở độ tuổi 13, cuộc sống của Riley với nhiều những niềm vui và thành tựu, đặc biệt ở bộ môn Hockey, và cô cùng 2 người bạn thân thiết cùng ở trong đội. Cô bé tự hào, vui vẻ với những điều mình có là điều dễ hiểu. Khủng khoảng chỉ bắt đầu khi Riley bước ra một thế giới rộng lớn hơn, gặp những người giỏi hơn, bắt đầu đối mặt với những điều không như ý từ đó phát sinh sự nghi ngờ bản thân, sự ghen tị khi mặt một người xuất sắc hơn mình… Và Từ đó những cảm xúc mới xuất hiện.

1341737

Tôi không đủ tốt – I am not good enough

Khi Riley biết những người bạn thân nhất của cô sẽ theo học tại một trường trung học khác vào năm tới, cô bắt đầu lo lắng mình sẽ cô đơn tại trường mới. Do đó, Riley bắt đầu cố gắng để hòa nhập với những người bạn mới, cố gắng trở nên giống họ và vô tình vứt bỏ đi ý thức về bản thân hiện tại. Riley tập trung vào sự chấp nhận của Val để cô được gia nhập vào nhóm, cô cố tỏ qua cool ngầu giống họ, nhuộm tóc giống họ. Và hơn ai hết, Riley muốn khẳng định bản thân mình trong bộ môn Hockey. Cô lấy những hình mẫu của của những cố bạn trong nhóm của Val, những người rất giỏi Hockey làm hình mẫu, và cố gắng theo đuổi hình mẫu đó với mục đích để được chấp nhận vào nhóm bạn mới. Trong phòng điều kiến tâm trí lúc này, nhóm của Joy cũng bị những cảm xúc mới xua đuổi. Và cảm xúc chủ đạo lúc này là “Axiety” – sự lo lắng về tương lai thay cho Joy – Niềm vui.

Anxiety có một hệ thống tạo ra các hình dung về tương lai, toàn những kịch bản xấu. Và từ đó, Riley hành động quyết liệt vì nỗi sợ những điều tồi tệ sẽ xảy ra. Và tất cả những điều Riley làm xuất phát từ nỗi sợ hình thành nên một niềm tin cốt lõi “I am not good enough – Tôi không đủ tốt”. Chính lúc này, Anxiety tiếp tục hành động để có thể chữa lại những điều đã xảy ra, mong muốn Riley làm những điều tốt nhất nhưng dường như Riley ngày càng lún sâu vào sự khủng hoảng, dẫn đến mất kiểm soát. Những cảm xúc khác lúc này không ai có thể chạm vào bảng điều khiển cảm xúc được nữa. Ở cảnh phim này, chúng ta sẽ thấy rõ những tác động của sự lo lắng về tương lai tác động lên con người chúng ta, khi Riley bắt đầu có những triệu chứng thở gấp, đau tim… Đây là một chi tiết rất hay và rất chân thực.

Vậy nếu như những niềm vui không thể giữ lại quá lâu trong một môi trường mới nhưng lo lắng cho tương lai, hành động quyết liệt để ngăn chặn những kịch bản xuất nhất cũng đều không mang đến kết quả, thì Riley có thể làm gì?

1360673

Chúng ta không thể lựa chọn bản thân mình là ai?

Áp lực của một người tốt

Khi Joy có thể quay lại phòng điều khiển, nhổ đi niềm tin cốt lõi mà Anxiety tạo nên để đặt lại niềm tin “I am a good person” cho Riley nhưng dường như kết quả không như Joy kỳ vọng. Trong cuộc sống, khi trải qua những thất bại, thậm chí sai lầm và những điều không như ý, mà chúng ta cứ cố nói với bản thân rằng “Tôi là người tốt”, khi ta thấy buồn mà cứ cố phải “vui lên” để trở giữ hình ảnh một người tích cực, thì điều đó chỉ lại càng mang đến áp lực. Như bài học ở Inside Out (2015), nỗi buồn không xấu xí đến vậy, và mỗi cảm xúc là một mảnh ghép tại nên ký ức ý nghĩa. Còn bài học của lần này đó là chúng ta không thể ép mình trở thành ai. Anxiety không thể ép Riley trở thành một người giống như Val, Joy cũng không thể ép cô trở thành một người luôn vui vẻ, luôn tự tin. Bởi chúng ta phải chấp nhận rằng cuộc sống này là những mảng màu đầy màu sắc, và trong con người chúng ta cũng có những điểm tốt và chưa tốt.

INSIDE OUT 2

Confirmation có thực sự là manifest?

Mình suy nghĩ rất nhiều về confirmation khi xem Inside Out 2. Rất nhiều người chia sẻ nội dung về những câu xác nhận về giá trị bản thân sẽ giúp chúng ta tang sự tự tin, tạo động lực hành động.  Đây là một khía cạnh khi chúng ta vận dụng luật hấp dẫn (Law of Attraction), rằng niền tin tích cực sẽ mang lại những trải nghiệm tích cực. Tuy nhiên, cái gì quá cũng không tốt. Nhấn mạnh ở đây là mình tin vào Luật hấp dẫn nhưng Luật hấp dẫn hoạt động dựa trên niềm tin cốt lõi chứ không phải những câu nói bề mặt.

Confirmation bias – Thiên kiến xác nhận

Nếu như Confirmation được vận dụng không đúng thời điểm, nó có thể trở thành Confirmation bias (thiên kiến xác nhận). Thiên kiến xác nhận là xu hướng tìm kiếm, củng cố suy nghĩ, niềm tin của bản thân, nhưng chỉ tập trung vào những điều bổ trợ cho niềm tin của mình mà bỏ qua các thông tin khác có nội dung trái chiều. Đây chính là hành động của Joy, khi chỉ giữ lại những ký ức vui vẻ, thành tựu tự hào cho Riley mà bỏ đi những ký ức buồn. . Joy đã đẩy những ký ức khi Riley bị điểm kém, khi cô bị huấn luyện viên trách móc ra khỏi vùng ký ức mà chỉ giữ lại những niềm vui và thành tựu.

Trong phần 1, chúng ta nhớ có những ký ức phai màu, dần chuyển sang màu đen rồi sẽ rơi vào quên lãng. Nhưng những viên ký ức không vui này vẫn là những quả cầu thủy tinh sáng rõ. Điều này cho thấy Riley không quên những ký ức này mà cô chủ chôn vùi nó ở một góc. Joy đã chọn lóc ký ức phù hợp để củng cố niềm tin của Riley “I am a good person”.

Sự xuất hiện của Anxiety và những nhân vật cảm xúc khác thách thức hệ thống điều khiển mà Joy đã tạo ra. Với Riley, việc bị đặt trong tình huống bất ngờ và trong một môi trường mới cúng khiến cô bé nghi ngờ niềm tin của chính mình.

Sau những biến cố vừa xảy ra, khi Joy đưa cây niềm tin cũ quay lại trong tâm trí Riley chỉ càng khiến cô bé thêm rối, bởi những điều đã xảy ra không còn đúng với confirmation đó. Khi mình cứ nói những câu confirmation với bản thân mà bỏ đi những thực tế của cuộc sống bên ngoài, liệu điều đó có quay về sự lạc quan độc hại và vô tình lại tạo cho mình những áp lực “Mình luôn phải trở thành người tốt”. Với bản thân, những kỳ vọng bản thân phải trở thành người tốt vô tình khiến mình áp lực, và sau đó là những cảm xúc tội lỗi mối khi mình làm không tốt. Trong cuộc sống, chúng ta vô tình hay cố tình quên đi những chuyện không vừa ý, chôn vùi những nỗi buồn, trốn tránh một thực tại rằng chúng ta chỉ là những con người bình thường, và con người không thể tránh được nỗi buồn.

inside-out-2-8k-3840x2160-16765

Chấp nhận con người thật của mình

Giải pháp mà Joy lựa chọn hoặc vô tình gây ra khi nhóm cố gắng trở về phòng điều khiển đó là khiến tất cả những ký ức không vui trở về trong tâm trí Riley, từ đó tạo lên một niềm tin cốt lõi mới mà cô phải chấp nhận Riley là cô gái tốt, thông minh, giỏi giang nhưng cô ấy cũng có vô vàn những khuyết điểm, đôi lúc ích kỷ, đôi lúc vụng về. Nhưng dù thế nào, đó mới chính là con người thực của Riley. Chân thực với chính mình là giải pháp cho tất cả.

Là chính mình và sẵn sàng cho mọi điều xảy đến

Cuối phim, Riley vào trung học, vẫn có một nhóm bạn mới và vẫn giữ liên lạc với những người bạn cũ. Thay vì đưa ra một cái kết đẹp như một câu chuyện anh hùng vượt qua khó khăn để đạt được điều mình muốn, Inside Out 2 bỏ ngỏ về kết quả liệu cuối cùng Riley có đạt được thành tựu Hockey như mình muốn. Điều này khiến phim trở nên thực tế hơn và cũng khiến bài học về việc chấp nhận con người thật của mình trở nên ý nghĩa hơn. Chấp nhận con người thật của mình, là chấp nhận cả những cảm xúc dù buồn hay vui, chấp nhận cả những ký ức dù tự hào hay xấu hổ, chấp nhận cả những tính cách dù đáng yêu hay đáng ghét. Và với con người với một phiên bản nhất định, chúng ta cũng không thể đòi hỏi những thành tựu quá tầm với. Riley cũng vậy, cuối phim bỏ ngỏ nội dung tin nhắn liệu cô có trở thành một cầu thủ Hocket xuất sắc hay không. Điều đó phụ thuộc vào những cố gắng sau này.

INSIDE OUT 2

Điềm trừ cho Inside Out 2

Đến đoạn cao trào, mình thấy vai trò của Sadness hơi ít, bởi rõ ràng phần trước cô ấy làm được nhiều hơn, và Joy đã nhận ra vai trò của Sadness. Khi Riley nói ra nỗi buồn hay sự lo lắng của mình với 2 cô bạn sau những hành động khác lạ đã làm trong những ngày qua, lẽ ra Sadness  cần có sự can thiệp nào đó như ở phần 1. Đoạn này nút thắt gỡ hơi nhanh. Những nhân vật cảm xúc khác như Anger, Disgust, Fear dường như cũng không có vai trò gì nhiều, không có quyết định của riêng mình mà chỉ chờ đợi “Joy, chúng ta sẽ làm gì tiếp theo”.

 Sự xuất hiện của nhiều nhân vật không có nhiều đất diễn và có vai trò mờ nhạt và cũng không gây cười khiến phim có sự hơi “cồng kềnh”. Đặc biệt là những nhân vật trong vùng ký ức xuất hiện hơi chớp nhoáng không có nhiều ấn tượng như chú chú voi Bing Bong ở phần trước. Xem phần trước cảnh Bing Bong biến mất mà mình khóc nức nở. Khi đọc cuốn sách “Nghệ thuật kể chuyện của Pixar”, đoạn viết về Inside Out, mình đọc thấy rắng, ý tưởng ban đầu của Inside Out có rất nhiều nhân vật cảm xúc, nhưng cuối cùng đã tối giản lại còn 5 cảm xúc với 5 mảng màu để tránh cho trở nên phức tạp. Nhưng có vẻ lần này đạo diễn đã suy nghĩ khác.

1360668

Bên cạnh đó, hai cô bạn thân của Riley lấy hình ảnh là những cô bạn châu Á và da den. Dù cùng là những cô gái tuổi teen, nhưng hai cô bạn này dường như trưởng thành hơn rất nhiều so với nhân vật chính. Khi bị cô bạn thân mình ngó lơ, thậm chí là vừa làm đau mình trên sâu đấu (điều này gần như là phản bội lời hứa luôn sát cánh bên nhau), nhưng hai cô bạn vẫn không có phản ứng gì mà dễ dàng tha thứ cho Riley. Điều này hơi khó hiểu, và vô tình gợi ra một vài ý niệm về phân biệt chủng tộc ở 2 cô bạn dà màu chịu đựng một cô nàng da trắng khủng hoảng.

Riley trút gánh nặng phải cố gắng thành công mà trở về với niềm vui thuần khiết. Đoạn này ý nghĩa phim hay, nhưng mình vẫn cảm giác như các nhà làm phim hơi quá sức với những tham vọng lớn lao của họ, khi những hành động thực tế của Riley có phần thiếu tự nhiên.

Kết luận

Dù có một vài vấn đề không thỏa mãn lắm nhưng Inside Out 2, vẫn là một bộ phim đáng xem để chúng ta hiểu thêm về cảm xúc và tâm lý của mình, đặc biệt là ảnh hưởng của Anxiety, vấn đề tâm lý và hiện có rất nhiều người đang gặp phải. Bên cạnh đó, hãy cẩn thận với những confirmation mà chúng ta tự nói với chính mình. Chúng ta không thể lựa chọn những gì sẽ xảy đến với mình, và những tưởng tượng về tương lai đôi khi chỉ khiến cuộc sống này thêm áp lực, khiến chúng ta hành động mà quên mất bản thân mình là ai và niềm vui thực sự là gì. Tuy vậy, cố ép bản thân phải là một người với chỉ những ký ức vui vẻ mà cố chôn vùi đi những chuyện không vui, giấu đi những điều mà bản thân chưa hoàn hảo lại vô tình khiến cuộc sống thêm áp lực. Đơn giản vì chúng ta không thể lừa dối được chính bản thân mình.

Suy cho cùng, chúng ta cùng là con người, và chẳng ai là hoàn hảo, chẳng ai có thể đòi hỏi mọi việc phải theo ý mình. Có lẽ là chính mình, chân thật với chính bản thân mình, đối mặt với cuộc sống này một cách khách quan vẫn là lựa chọn sáng suốt nhất.


Cám ơn bạn đã đọc đến đây. Nếu bạn thấy thú vị và bổ ích hãy chia sẻ với bạn vè và đừng quên theo dõi qua Email để không bỏ lỡ những bài viết mới trên Blog. Bạn có thể để lại bình luận để cho mình biết nội dung nào bạn đang quan tâm, cũng như để lại email để mình gửi cho bạn những tài liệu hữu ích.

Theo dõi để nhận Newsletters

Theo dõi Fanpage để nhanh chóng cập nhật bài viết và chia sẻ mới nhất: https://www.facebook.com/Violetstoryblog