Có một kiểu cuối tuần đặc trưng những ngày ở Anh với mình đó là đi Bảo tàng hoặc triển lãm. Hồi ở Việt Nam, mình cũng từng đến những bảo tàng chiến tranh, bảo tàng Mỹ thuật, bảo tàng Phụ nữ. Ngày trước tôi từng nghĩ, bảo tàng là thuộc về một thế giới xưa cũ, chỉ kể những câu chuyện của ngày xưa. Chính bản thân mình cũng từng “phát ốm” với môn văn bởi những câu chuyện bao năm cứ kể đi kể lại, thành tự ngày xưa ca tụng vậy, thế ngày nay chúng ta đã làm được gì, liệu có hơn ông cha ngày trước. Nhưng suy nghĩ ấy thay đổi, kể từ sau chuyến tham quan đảo Penang, Malaysia, khi chúng mình đến thăm bảo tàng Gấu Teddy. Không có gì cũ kỹ cả, chỉ có một câu chuyện thân quen mà mỗi người dù là người lớn hay trẻ em cũng thấy một phần trong mình thuộc về.

Những bảo tàng ở Anh

Đến khi sang Anh, đến bất cứ thành phố nào, bảo tàng và những triển lãm luôn là nơi số 1 tôi ghé qua và thậm chí tôi có thể dành cả ngày trong đó, chỉ để ngước mắt lên ngắm nhìn những di sản. Bảo tàng và triển lãm đóng một vai trò quan trọng trong văn hóa đại chúng ở Anh, phản ánh sự phong phú và đa dạng của lịch sử, nghệ thuật và khoa học của nước Anh (và một phần cũng thể hiện rõ rệt “thành quả” của chủ nghĩa thực dân). Bảo tàng ở Anh cũng da dạng về chủ đề và hình thức triển lãm. Có rất nhiều những bảo tàng, mình đi lại rất nhiều lần như bảo tàng lịch sử tự nhiên, British Museum, bảo tàng Victoria and Albert. Rồi đến những bảo tàng có chủ đề hẹp hơn như Bảo tàng Khoa học, bảo tàng Hàng không, bảo tàng giao thông, bảo tàng Hải quân, bảo tàng Charles Dicken nằm trong khu đất nhà văn từng ở trước đây. Dù là chủ đề nào, mỗi bảo tàng cũng có một câu chuyện rất riêng. Vậy nên đến mỗi bảo tàng, người xem cũng có một trải nghiệp riêng.

DB3E4C84-5FEE-43B7-8BB2-3D3E5E7AF6FD

Không chỉ với khách du lịch, đi bảo tàng cũng là một thói quen của người Anh, cả người già, người trẻ, gia đình, và cả những buổi tham quan dã ngoại ở trường. Mình vẫn nhớ cảm giác khi bước vào Bảo tàng lich sử tự nhiên, thấy những đứa trẻ tóc vàng xoăn tít, tò mò tìm hiểu về những con côn trùng. Có lẽ những con giáp xác ấy quá xa vời với chúng giữa cuộc sống ở London, nhưng ở quê mình, bọn trẻ con bắt dế bắt ve suốt ngày. Nhưng theo một cách nào đó, cả thế giới, cả xác ướp ở mãi Ai cập cũng được mang đến trưng bày trước mắt, những đứa trẻ được học và được tạo ra một thói quen tìm hiểu về lịch sử, văn hóa từ khi còn rất nhỏ. Ngay cả những bạn trẻ,  cũng đến bảo tàng, ngắm ngía một bức tranh và cùng nhau bàn luận, những sinh viên mỹ thuật ngồi trong triễn lãm cả ngày để lấy cảm hứng sáng tác, những người cao tuổi đến bảo tàng như để ngắm nghía những điều đẹp dẽ trên thế giới cả đi cả cuộc đời người ta cũng không thể hiểu hết.

IMG_4172

Không chỉ là những điều xưa cũ, mà cả văn hóa đại chúng cùng công nghệ tân tiến nhất cũng được trưng bày và sử dụng trong những triển lãm ở Anh để tạo ra trải nghiệm mới. Bởi thế mà bảo tàng không chỉ có những món đồ được trưng trong tủ kính, mà còn có những bộ phim được thực hiện bởi công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường, cùng với những trò chơi trải nghiệm.

Bảo tàng Young V&A

Sáng chủ nhật, có việc lên London, hẹn bạn buổi chiều, còn buổi sáng chẳng rủ được ai đu cùng, mình quyết định vẫn theo kế hoạch đế bảo tàng Yong V&A ở khu Bethnal Green, bởi mình nghĩ sao quyết định của mình lại phụ thuộc vào người khác. Và vẫn như bao lần, đến bảo tàng một mình, mình tha hồ đắm chím trong thế giới của riêng mình. Mỗi triển lãm, mỗi câu chuyện trong đó là gợi lên một góc trong tâm hồn mà lâu nay mình quên mất.  Không phải mỗi bảo tàng mình cũng có một post riêng để viết về nó nhưng đến với Young V&A, mình nghĩ mình sẽ viết lại.

20231217_125053

Khác với những bảo tàng khác thường nằm ở trung tâm hoặc những town đông đúc, bảo tàng Young V&A nép mình trong khu dân cư thanh bình phía sau công viên Victoria. Mình bước ra ga tàu, trời nắng rất đẹp nhưng vẫn rất lạnh nên không mấy người ra phố giờ này. Bảo tàng Young V&A có lịch sử khá dài, và sau rất nhiều lần cải tạo và đổi tên, nó trở thành một không gian rộng lớn và có phần hiện đại. Năm 1852, công chúa Mary Louise Victoria (bà của Nữ hoàng Victoria) mở một bảo tàng tại Bethnal Green để giáo dục và giải trí cho trẻ em. Bảo tàng chính thức mở cửa vào năm 1872 với tên gọi “Bethnal Green Museum”, ban đầu là một bộ phận của Bảo tàng South Kensington (nay là bảo tàng V&A). Giai đoạn 1920s – 1970, bảo tàng bắt đầu chuyển hướng tập trung vào trẻ em, trưng bày đồ chơi, trang phục trẻ em và vật dụng liên quan đến thế giới của trẻ em. Năm 1974, bảo tàng hính thức được đổi tên thành “Museum of Childhood”, bảo tàng này trở thành một trong những bảo tàng đầu tiên trên thế giới tập trung vào văn hóa của trẻ em. Từ những năm cuối thế kỷ 20, bảo tàng tiếp tục phát triển bộ sưu tập và chương trình giáo dục, trở thành một địa điểm quan trọng cho các gia đình, nhà giáo dục và nghiên cứu văn hóa trẻ em. Đến năm 2020, chính thức đổi tên thành Young V&A. Đây là bước ngoặt đánh dấu sự chuyển mình từ một bảo tàng tập trung vào đồ chơi và văn hóa trẻ em sang một không gian sáng tạo rộng lớn hơn, với sự tập trung vào sự tương tác, sáng tạo và giáo dục.

20231217_114225

Lúc trước khi đến, mình hi vọng mình sẽ được thăm quan những triển lãm về những nhân vật hoạt hình kiểu Kung Fu Panda. Nhưng Panda chỉ có một hình bông bé xíu. Vừa bước vào cửa từ triển lãm đầu tiên, mình bước vào chuyến hành trình còn xa hơn thế, từ những ngày vẫn còn chơi những con búp bê. Và cứ đắm chím trong không gian ấy thật lâu, trong đầu mình văng vẳng một điều “Bảo tàng này không chỉ dành cho trẻ con, mà dành cho những ai đã từng là trẻ con”

Imagine Gallery – Creativity starts in our imagination

20231217_113047

Ngay đầu triển lãm là một phòng trưng bày Dolls’ house, một ngôi làng với những ngôi nhà tí hon trong trí tưởng tượng hiện ra trước mắt. Không biết từ nhỏ bạn có chơi búp bê không? Bước vào đây tự nhiên mình nhớ lại hồi còn bé xiu, mình thích chơi búp bê, và tự tạo một thế giới cho búp bê của mình. Hồi ấy, ước mơ của mình là có một em búp bê Barbie nhiều phụ kiện quần áo. Nhưng cái đó thực sự xa xỉ với một đứa trẻ ở quê. Vậy nên, con búp bê mình có là món quà ở trường mẫu giáo (sau khi thi Bé khỏe bé Ngoan thì phải), và mình thường cùng mẹ đi đến cửa hàng cắt may, lục tìm trong những mảnh vải bỏ đi để về tự may quần áo, tự lấy bìa làm Doll’s world của riêng mình. Mình chơi búp bê rất lâu. Mình nhớ đến tận năm lớp 9, mẹ mua quà vẫn mua cho mình một con búp bê chỉ là với size to hơn. Lúc ngồi trong căn phòng nhưng một ngôi làng giữa màn đêm, mình nhớ lại cái cảm giác của ngày bé. Có lẽ có một ngôi nhà cho búp bê là ước mơ đầu tiên mà mình có. Mình bắt đầu chơi búp bê từ năm 4 tuổi nên trước đó mình cũng chẳng nhớ mình từng mơ ước điều gì. Và ước mơ trẻ con ấy đã dạy mình làm gì để biến ước mơ thành hiện thực dù hoàn cảnh không cho phép.

20231217_113208

20231217_113306

Bước ra ngoài căn phòng, là thế giới của những tưởng tượng, một thế giới khác với 4 bước tường trong căn nhà, có thế giới trong rừng, dưới biển sâu, trên bầu trời mà chắc hẳn mỗi người trong chúng ta cũng từng tưởng tượng. Nhưng nếu như chỉ để hoài niệm, và ngắm nhìn có lẽ không nhiều người đến bảo tàng Young V&A đến vậy. Bởi bảo tàng này là không gian dành cho trẻ em, nên ý nghĩa giáo dục vẫn được đặt lên hàng đầu. Tiếp tục bước ra một khu vực trưng bày khác, vẫn là mô hình Doll house, nhưng là một xã hội thu nhỏ, với rất nhiều kiểu nhà. Tiếp đến là những trưng bày trang phục của trẻ em nhiều nơi trên thế giới giáo dục các bạn trẻ về môi trường, năng lượng, về sự đa dạng trong cộng đồng.

20231217_114903

https://www.flickr.com/photos/196746144@N05/53416112488/in/dateposted-public/

20231217_121319

Design Gallery – Design can change the world. So can you

20231217_130319

Bước ra khỏi trí tưởng tượng là khi sự sáng tạo có thể tạo nên những phát kiến thay đổi thế giới, đáp ứng những nhu cầu của con người. Không gian này “trưởng thành hơn”. Giống như các bạn nhỏ đã đến tuổi đi học, và bước vào cuộc sống khám phá thế giới thực. Có rất nhiều chủ đề về vai trò trong thiết kế được khơi gợi trong một mặt bằng lớn. Design changes how we travel – Design helps us to learn – Design changes material we use – Design gives us voices – Design responses to our needs.

20231217_125204

20231217_124826

Mình ấn tượng nhất với 2 thiết kế về quần áo dành cho trẻ con, để chúng có thể mặc một thời gian dài khi chúng lớn rất nhanh được lấy cảm hứng từ những vật liệu dùng trong không gian vũ trụ. Bên cạnh đó là thiết kế cánh tay robus lấy cảm hứng bàn tay của Iron man, dành cho những bạn trẻ bị mất đi cánh tay của mình. Mình đứng xem đi xem lại phóng sự về về sản phẩm đó rất nhiều lần và khâm phục sự sáng tạo của con người tạo nên những thiết kế thật ý nghĩa.

Play Gallery – Play is learning inaction, it’s our creative superpower

20231217_130227

Bảo tàng cho trẻ em thì không thể thiếu những trò chơi. Chơi không chỉ là hoạt động giải trí, mà còn là phương tiện thiết yếu cho sự phát triển toàn diện của trẻ, giúp trẻ học hỏi thế giới xung quanh, phát triển ngôn ngữ, khả năng giao tiếp và tương tác, nhận biết và quản lý cảm xúc của bản thân, giúp vận động phát triển sức khỏe và thể chất. Trong khu vực này có một khu trưng bày những trò chơi board game như cờ tỷ phú, cờ vua, mạt chược của Trung Quốc.. Có rất nhiều trò chơi mà mình cũng không biết. Thế giới những trò chơi vẫn được phát triển thêm. Ngay cạnh khu vực triển lãm là khu để các bạn nhỏ có thể tự thiết kế những trò chơi theo ý mình.

Mình ngồi lại trong bảo tàng, đi qua khu đồ lưu niệm rồi ngồi lại sảnh chính bảo tàng uống một cốc socola nóng vị winter spice, suy nghĩ về kế hoạch của năm mới.

20231217_131904

Bảo tàng nhỏ ở Bethnal Green

Rời Young V&A, mình đến một bảo tàng nhỏ khác cũng nằm trong khu Bethnal Green. Ban đầu mình cũng hơi ngại, cân nhắc có nên đến đây – bảo tàng Vigina Museum, hay mình sẽ đi dọc bờ Victorial Wharf trước khi quay lại ga đề về St Pancras. Nhưng rồi mình lại quyết định rẽ trái, đi vào con đường hẹp ít người qua để vào bảo tàng. Bảo tàng rất nhỏ, thực chất là một phòng triển lãm nhỏ, nằm dưới đường tàu chạy qua, còn nghe rõ tiếng rung lắc mỗi khi tàu chạy qua.

Thực ra mình rất ngại mỗi khi nói đến chủ đề khá tệ nhị của con gái. Nhưng hóa ra, sự ngại ngùng ấy cũng dẫn đến những điều không tốt. Khi mình bước vào bảo tàng, đi ngay bên cạnh mình là môt cặp đôi trẻ. Bạn nữ dẫn bạn trai mình đến để cùng tìm hiểu. Có lẽ đó là một việc khá văn minh và bình đẳng, thể hiện sự quan tâm và thấu hiểu.

Bảo tàng trưng bày về bênh lạc nội mạc tử cung của phụ nữ. Cứ 10 phụ nữ thì có 1 người được chẩn đoán lạc nội mạc tử cung, nhưng phải mất 3-11 năm để phát hiện ra bệnh, bởi các triệu chứng thường khoog rõ rệt trong giai đoạn đầu. Bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này trong các trang về y tế và sức khỏe. Có một điều mình nhận thấy, đó là những vấn đề về “rất con gái” ít được nghiên cứu và không có nhiều thông tin chính thống công khai. Như vấn đề đau bụng khi đến kỳ, bởi đau là một cảm giác rất chủ quan, không ai có thể miêu tả, định lượng về nỗi đau đó. Có rất nhiều câu chuyện các bạn nữ chia sẻ, rằng cô ấy rất đau, nhưng khi đến gặp bác sĩ họ chỉ cho đó là một vấn đề bình thường. Do đó, họ ngại nói ra, ngại chia sẻ mà không biết rằng cơn đau đó là dấu hiệu của một triệu chứng nguy hiểm khác. Đúng là sức khỏe sinh sản, hay chủ đề nhạy cảm này đôi khi mình cũng trốn tránh nói tới. Sự trốn tránh này khiến nhiều vấn đề không được chia sẻ và có những giải pháp kịp thời. Bởi thế mà mình nghĩ, mình cần học cách cởi mở hơn về chủ đề này, nói với các chị, các bạn nữ khác, hay thậm chí nói với bạn đời của mình như bạn nữ mình gặp lúc vào cửa. Đó là cách chúng ta tự bảo vệ và tôn trọng bản thân mình và những người xung quanh.


Cám ơn bạn đã đọc tới đây, đừng quên theo dõi qua email để không bỏ lỡ những bài viết mới trên Blog.

Theo dõi Newsletter