Critical thinking – tư duy phản biện không chỉ là một kỹ năng tư duy chúng mình học trong trường đại học mà mình nghĩ còn thực sự quan trọng trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt thời kỳ bùng nổ thông tin như ngày nay.

Dạo gần đây, những nội dung trên mạng xã hội (hoặc ít nhất là nội dung được gợi ý cho mình) có rất nhiều các lời khuyên, kinh nghiệm khác nhau. Mình nghĩ việc chia sẻ kinh nghiệm rất tốt. Bản thân mình cũng là đứa hay đi chia sẻ kinh nghiệm. Blog cá nhân của mình www.callmeviolet.com ra bài viết mới hàng tuần có tất tần tật những kinh nghiệm khác nhau từ học tập, học piano, học violin, học tarot, học chụp ảnh, calligraphy, đi du lịch… Chỉ trừ những việc mình chưa làm được ví dụ như là làm sao để có người yêu chẳng hạn. Mình thích việc chia sẻ bởi vì chính bản thân mình cũng học được rất nhiều từ việc đọc chia sẻ của người khác và ghi lại, nhắc lại những trải nghiệm của mình.

Tuy nhiên, khi đọc những bài viết hay xem video chia chia sẻ kinh nghiệm, mình cũng có một vài lưu ý.

Kinh nghiệm của người này có thể không đúng với người khác

Bởi vì chúng ta có xuất phát điểm, điều kiện, môi trường, năng lực, sở thích khác nhau, thời điểm mình đã làm việc đó với bây giờ cũng khác nhau nữa, vì thế chúng ta không thể đi những con đường giống hệt nhau. Hành trình trưởng thành, phát triển bản thân không phải con đường mòn mà là một con thuyền nhỏ lênh đên trên biển lớn. Không có một lối đi rõ ràng, và cũng chẳng ai đoán được chuyện gì sẽ xảy ra. Vậy nên, thay vì chỉ nói về những điều mình đã làm thì mình thường nhấn mạnh những bài học cốt lõi, và mình luôn khuyến khích các bạn hãy thử và trải nghiệm để tìm ra con đường phù hợp nhất với bản thân.

Mình không thích những tip/trick hay còn nói là mẹo trong tiếng Việt. Có những tip/trick hiệu quả nhưng mình cũng nghe những câu chuyện để lại những hậu quả nặng nề lên sức khỏe khi người ta dùng mẹo mà chẳng hề biết đến nguyên lý, bản chất cốt lõi phía sau.

Những “lời khuyên” không tốt

Thật ra đoạn này mình định để tiêu đề là “Những “lời khuyên độc hại” nhưng thấy nó hơi nặng nề quá. Gần đây mình đọc được rất nhiều những lời khuyên mà mình thấy không ổn lắm. Cụ thể, mình chia chúng thành 2 kiểu.

Lời khuyên kiểu 1: Hình mẫu tốt nhưng không đúng với tất cả mọi người

 Lời khuyên phổ biến nhất thuộc kiểu này là “Học đại học làm gì khi bỏ học mà người ta giàu hơn”. Lời khuyên này từ hồi mình còn đi học mà đến giờ vẫn còn tồn tại. Việc bạn có thể trở nên giàu có mà không học đại học, đó là một trải nghiệm đáng quý nhưng không vì thế mà có thể đi khuyên các bạn trẻ đừng học đại học và nói việc học đại học là vô nghĩa được. Giàu có thì rất tốt, mình không biết bài học bạn học được từ trải nghiệm này là gì, nhưng điều mình có thế học được từ câu chuyện của bạn là có nhiều con đường dẫn đến cuộc sống bạn thấy hài lòng dù xuất phát điểm của bạn ra sao. Nếu đánh giá năng lực của con cá dựa trên khả năng leo cây thì con cá phải sống cả đời trong sự ngu dốt. Có thể trường đại học không hợp với bạn. Còn ngược lại, nếu bắt con khỉ phải bơi thì con khỉ cũng không làm được. Có rất nhiều người đang làm tốt với con đường học đại học (trong đó có mình).

Một khía cạnh khác liên quan đến tâm lý. Có rất nhiều những chia sẻ liên quan đến cuộc sống, phong cách. Đôi khi mình cảm thấy những nội dung đó không có ý nghĩa để giúp độc giả vượt qua được những vấn đề trong cuộc sống của họ mà đơn giản chỉ là “Nhìn tôi đi, bạn phải sống như tôi nè”. Mình đã viết về vấn đề này trong một bài blog khác, bạn có thể đọc tiếp nha.

Không chỉ việc học tập mà còn rất nhiều lời khuyên liên quan đến công việc, sức khỏe, tình cảm, phong cách sống mà mình nghĩ chúng ta cần nhìn nhận lại… Chỉnh bản thân mình từng có gặp vấn đề về sức khỏe vì mỗi ngày mình ăn một quả trứng do lười nấu cơm nên mình toàn tiện hấp trứng rồi trộn cơm. Nhưng hôm trước mình xem một video ngắn của KOL tập luyện nói một ngày ăn 3 quả trứng. Mình không phải chuyên gia dinh dưỡng, mình không nói ăn trứng bao nhiêu là đủ. Có thể việc ăn 3 quả trứng một ngày là ổn với bạn ấy, nhưng nếu mình nghe theo lời khuyên ấy thì chắc chắn mình sẽ lại vào viện. Vấn đề này “mập mờ” giữa kiều lời khuyên 1 và lời khuyên kiểu 2 mà mình sẽ nhắc tới dưới đây.

Lời khuyên kiểu 2: Hình mẫu không chuẩn nhưng hào nhoáng và thu hút

Tất nhiên là hình mẫu không chuẩn thì chúng ta không nên học theo. Mình không nói là tất cả những lời khuyên chia sẻ trên mạng đều có vấn đề, nhưng có một số trường hợp chúng ta cần đặt câu hỏi.

Chúng ta cũng hay nghe những lời khuyên về làm giàu, và sau đó người ta cũng rút ra kết luận “Không có người giàu đi dạy làm giàu mà chỉ có người làm giàu từ việc đi dạy người khác làm giàu”. Đây là kịch bản cho nhiều hình thức lừa đảo. Có những lời khuyên về phong cách sống. Có những điều khi đã trở thành trend nó vô tình trở nên độc hại, thay vì chữa lành nó lại tạo ra thêm vấn đề mới. Việc những người nổi tiếng chia sẻ thông tin và chúng ra làm theo không phải là chuyện hiếm gặp. Nhưng ca sĩ diễn viên, họ giỏi trong lĩnh vực ca hát, biểu diễn của họ thôi, còn lời khuyên về sức khỏe, mua thuốc thang thì họ đâu phải chuyên gia.

Một ví dụ, có một phương pháp luyện nói tiếng Anh đó là Shadowing, nhại lại giọng của người nói tiếng Anh chuẩn để học theo.  Hồi mình học, chúng mình được khuyên shadow giọng của Emma Watson (giọng Anh -Anh). Nhưng mà giờ tại sao mình thấy những lời khuyên nói tiếng Anh như idol Hàn Quốc. Bản chất ra, có thể họ nói tiếng Anh trôi chảy, nhưng họ không phải người bản xứ. Người Ấn Độ nói tiếng Anh rất trôi chảy luôn, nhưng chắc chắn là không ai muốn shadow giọng tiếng Anh kiểu Ấn cả. Vậy tại sao chúng ta lại thích giọng Tiếng Anh của người Hàn? Có một giọng nói tiếng Anh của một bộ phận người Mỹ bị chính người Mỹ không thích, gọi là “Vocal Fry”. Và mình thấy nhiều người cho rằn đó là American ascent. Bạn có thể tìm hiểu về Vocal Fry trên Google nhé. Tóm lại với mình tiếng Anh, trước khi nói hay, quan trọng là phát âm đúng, chưa đúng thì mình luyện, còn chưa luyện được thì nói sao cho người đối diện hiểu và có cảm tình, và bản thân mình không bị mệt khi nói. Khi học Tiếng Anh, chúng ta nên một nguồn chuẩn, uy tín, thậm chí là từ những người có chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh để học.

2023_0527_14274100-01

Critical thinking – Đặt câu hỏi cho những thông tin bạn tiếp cận

Trong thời đại của những Fake news, giữa biển thông tin, giữa những áp lực của content triệu view, khi chúng ta khó có thể đòi hỏi những chuẩn mực của người chia sẻ thông tin, thì chúng cần tự bảo vệ bản thân mình bằng cách nghi ngờ, đặt câu hỏi và kiểm chứng những thông tin mình tiếp cận (thậm chị là những gì bạn đang đọc trên trang web này, bởi đó chỉ là kinh nghiệm và góc nhìn cá nhân của một người có trải nghiệm hạn chế).

Critical thinking – tư duy phản biện là gì?

Mình muốn viết các bài viết về các kỹ năng tư duy nhưng không muốn nó trở nên quá lý thuyết. Trong quá trình đi học, critical thinking – tư duy phản biện là điều chúng mình được học và rèn luyện rất nhiều. Mình nhận ra rằng, critical thinking không chỉ là điều giúp chúng mình được điểm cao assignment mà còn rất cần thiết trong cuộc sống hàng ngày.

Theo định nghĩa của đại học Monash (Úc) “Tư duy phản biện, một vài chỗ gọi là tư duy phê phán, là một loại tư duy trong đó bạn đặt câu hỏi, phân tích, diễn giải, đánh giá và đưa ra phán đoán về những gì bạn đọc, nghe, nói hoặc viết. Thuật ngữ “critical” xuất phát từ tiếng Hy Lạp kritikos có nghĩa là “có khả năng đánh giá hoặc phân biệt”.

Nguồn: Đại học Monash (Úc).

Theo đại học Leeds (UK), từ “critical” mang những sắc thái nghĩa khác nhau tùy vào hoàn cảnh. Nó có thể là “phê phán” – chỉ là những điều tiêu cực. Nó cũng có nghĩa là “quan trọng” chỉ ra những vấn đề. Tư duy phản biện không chỉ có nghĩa là tìm kiếm những khía cạnh quan trọng nhất của một chủ đề hay chỉ phê phán các ý tưởng. Mà nó còn có nghĩa là không chấp nhận những gì bạn đọc hoặc nghe theo bề ngoài mà luôn đặt câu hỏi về những thông tin, ý tưởng và lập luận bạn tìm thấy trong nghiên cứu của mình.

Nguồn: https://library.leeds.ac.uk/info/1401/academic-skills/105/critical-thinking

DSCF7568

Chọn lọc những thông tin phù hợp với mình

Thói quen tìm hiểu và kiểm chứng thông tin trước khi thực hành cho bản thân và chia sẻ lại cho người khác, mình nghĩ là một điều rất quan trọng. Thế giới quan, tư duy của chúng ta được hình thành từ những gì chúng ta tiếp cận từ môi trường xung quanh, có gia đình, nhà trường và xã hội, hinh thành một hệ thống niềm tin gọi là belief system. Điều chúng ta tin, quyết định mọi việc chúng ta làm, và điều chúng ta quyết định chúng ta sẽ trở thành ai. Mình nghĩ việc học hỏi từ những người xung quanh, những người có kinh nghiệm đi trước là điều tốt, nhưng chúng ta vẫn cần chọn lọc những thông tin phù hợp với mình để những điều nghe được thực sự có ý nghĩa cho cuộc sống.

Kiểm chứng, trải nghiệm và thực hành

Chúng ta đều hiểu là dù những điều chúng ta nghe người khác nói có đúng hay sai, nhưng nghe hoài nghe mãi vẫn là lý thuyết, chỉ có thực hành thì chúng ta mới thấm, chỉ có trải nghiệm chúng ta mới có kinh nghiệm của riêng mình. Mình không thích những lời khuyên hướng người đọc đi theo khuôn mẫu, và hình thành một tư duy ngăn cản họ đến với những trải nghiệm khám phá bản thân. Trong nghiên cứu định tính, phải khi quan sát với mẫu số đủ nhiều người ta mới có thể đi đến kết luận. Kinh nghiệm của một cá nhân đơn lẻ sao đủ để kết luận chung cho hàng triệu con người. Đâu vì một người nói họ không làm được mà bạn nghĩ mình cũng không làm được. Đâu thể để những khen chê của một người bạn chưa bao giờ gặp quyết định bạn sẽ ăn gì và đi đâu.

Cuộc đời chính mình cuối cùng cũng chỉ là mình quyết định và chịu trách nhiệm. Critical thinking chỉ giúp chúng ta đánh giá và chọn lọc thông tin mình tiếp nhận. Nhưng chỉ có những trải nghiệm thực tế, những lần thử và sai, rút kinh nghiệm, tiếp tục cố gắng mới khiến chúng ta thực sự trưởng thành và biết điều gì thực sự hợp với mình. Khi đó chúng không còn chỉ nghe, đọc, nghĩ, hay để mọi thứ ở trong đầu nữa mà bước tới hành động. Vậy nên, sau khi lướt hàng trăm lời khuyên, kinh nghiệm từ một người xa lạ nào đó, đã đến lúc chúng ta xây dựng kinh nghiệm thực tế dành cho mình.

Cám ơn bạn đã đọc đến đây. Mình chỉ định viết một status nhỏ trên Instgram cá nhân mà lỡ viết dài quá. Nếu bạn thấy bổ ích hãy theo dõi qua email để không bỏ lỡ những bài viết mới trên blog, chia sẻ tới bạn bè hoặc cho mình ý kiến bên dưới comment nhé.

Theo dõi nhận Newsletter

Theo dõi Fanpage để nhanh chóng cập nhật bài viết và chia sẻ mới nhất: https://www.facebook.com/Violetstoryblog