Xin chào, sau khi bài viết về Tarot được nhiều bạn đón nhận, mình quyết định tiếp tục viết những bài viết mới về những điều mình đã học từ Tarot. Cũng có nhiều bạn hỏi mình có dạy Tarot hay đọc bài Tarot không thì hiện tại mình thấy trình độ của bản thân cũng chưa đủ để có thể dạy hay đọc bài Tarot như các Tarot reader chuyện nghiệp. Do vậy, mình chỉ chia sẻ và hi vọng có thể giúp các bạn có thể tự học hoặc sử dụng Tarot một cách “lý trí” để những lá bài mang đến những điều ý nghĩa cho cuộc sống của bạn. Hôm nay mình sẽ nói về lá bài Five of Swords.

Tarot có đáng tin không?

Mình cũng đọc khá nhiều quan điểm về Tarot có đáng tin hay không. Hôm trước, một chị bạn nhờ mình đọc bài. Đây cũng là lần đầu tiên chị ấy xem Tarot. Khi trải bài, mình cố gắng kết nối ý nghĩa của những lá bài thành một thông điệp hoàn chỉnh dù thực sự khi ấy mình không biết thực tế cuộc sống của chị ấy thế nà. Khi ấy mình cũng rất hoang mang. Sau buổi trải bài đó, chị ấy nói rằng mình nói đúng khoảng 80% chuyện đang xảy ra với chị ấy, mình cũng thấy khá bất ngờ. Nhưng không phải vì một vài trường hợp mà mình có thể khẳng định Tarot thần kỳ thế nào. Ngược lại, cũng không thể vì không có khoa học nào chứng minh mà mình khẳng định nó là nhảm nhí. Trước khi Colombus đặt chân đến châu Mỹ, châu Mỹ vốn dĩ đã tồn tại ở đó rồi, nên những điều ta chưa thấy thì không có nghĩa là chúng không tồn tại.

Mình sẽ “dùng mục đích để biện minh cho phương tiện”. Nếu như những thông điệp mình nhận được từ Tarot có thể giúp mình nhận ra được những vấn đề của bản thân để sửa đổi và cải thiện, cho mình những bài học cuộc sống ý nghĩa, và việc bản thân mình dùng bài Tarot không làm hại đến ai, thì liệu mình có cần phải chứng minh Tarot đúng hay sai không?

Bài học này từ lá bài hôm nay

Đây có thể là cuộc tranh luận không có hồ kết. Và đó cũng liên quan đến chủ đề mình muốn nói đến trong Blog post này, bài học mình học được từ Tarot, lá bài Five of Swords.

 Có những cuộc chiến, mình không cần phải là người chiến thắng.

Note: Khi học Tarot bạn nên học ý nghĩa của từng Suits (Wands – Swords – Cups – Pentalces) trước, rồi học ý nghĩa những con số. Sau đó, ghép số với Suits lại với nhau, bạn sẽ hiểu được ý nghĩa của lá bài. Đứng học ý nghĩa từng lá bài lẻ tẻ như kiểu học thuộc lý thuyết. Nhưng vì mình muốn nói về thông điệp này trong ngày hôm nay nên mình sẽ chỉ viết về lá bài Five of Swords thôi. Mình bắt đầu với lá bài Five of Swords bởi vì đây là lá bài đầu tiên khiến mình thấy “wow” về mội bài học mình học được.

Miêu tả lá bài Five of Swords

Trong lá bài Five of Swords, một người đàn ông một tay cầm 2 thanh kiếm gác lên vai, tay còn lại chống kiếm xuống đất. Hai thanh kiếm còn lại rơi dưới chân. Ánh mắt anh ta ngước nhìn những kẻ bại trận đang đi về phía xa. Nhữn thanh kiếm anh ta có dường như đã thuộc về những người bại trại để lại. Bầu trời nhiều mây và gió lớn. Anh ta đứng một mình, và cảm giác cô đơn dù anh ta là người giành chiến thắng trong cuộc chiến này.

Tham khảo ý nghĩa lá bài Five of Swords tại đây: https://biddytarot.com/tarot-card-meanings/minor-arcana/suit-of-swords/five-of-swords/

Câu chuyện và bài học của mình

Mỗi sáng, trước khi đi làm, mình thường rút một lá bài và hỏi “What the wisdom should I carry today?” để hỏi về một lời khuyên hay một bài học mình nên chú ý trong ngày. Sau đó, cuối này mình sẽ viết nhật ký ghi lại trải nghiệm của mình trong ngày. Đây cũng là cách mà mình nhớ ý nghĩa của từng lá bài, mỗi ngày một chút. Và đặc biệt, mình sẽ nhớ lâu hơn khi có trải nghiệm thực tế. Đến một ngày, mình rút được lá bài Five of Swords.

Hôm đó, trong một nhóm chat, mọi người đang bàn luận một vấn đề. Và khi câu chuyện đi hơi xa đến những quan điểm và tranh luận, thì mình bỗng thấy bản thân có quan điểm khác với các bạn còn lại. Chuyện cụ thể là thời điểm đó, mình đang apply học bổng đi học Tiến sĩ, và cũng nhiều lần trượt. Quan điểm của mọi người trong nhóm là khi đi làm doanh nghiệp thì học lên cao cũng chẳng để làm gì. Mọi người nói đi nói lại rất nhiều, và bản thân mình khi ấy mình cảm thấy giá trị và điều mình tin tưởng đang bị tấn công, và chỉ có một mình mình một phe thôi. Cảm giác của mình khi ấy là điều mình đang cố gắng để đạt được mà người khác nói là vô bổ, không để làm gì, khiến mính có chút chạnh lòng.

Mình từng là người khá hiếu thắng (giờ thì mình cũng đỡ rồi). Mình định dùng mọi luận điểm, dẫn chứng ra để chứng minh cho mọi người điều người lại. Mình nhớ cái khoảng khắc, lúc mình kéo bàn phím chuẩn bị tiếp tục gõ tranh luận, thì thông điệp lá bài Five of Swords mà mình rút được buổi sáng hiện lên trong đầu mình. “Cuộc chiến” này mình không cần phải thắng và chiến thắng thì có để làm gì. Và sau đó mình lặng lẽ tắt ứng dụng trò chuyện để kết thúc cuộc hội thoại, quay lại công việc của mình.

Sau này, mình giành học bổng, đi học mà cũng có nhiều người nói qua nói lại, hay thấy khó hiểu. Tuy vậy, vui hay buồn, được gì mất gì cũng là chuyện của riêng mình thôi. Mình không cần giải thích hay chứng mình điều gì cả.

Thể hiện quan điểm và khẳng định cái tôi

Thực ra trong chúng ta ai cũng nghĩ quan điểm của mình là đúng (bởi vì nếu mình nghĩ điều đó sai thì mình đã chẳng tranh luận để bảo vệ). Con người có xu hướng tìm kiếm sự đồng tình và chấp nhận từ người khác. Khi đó chúng ta cảm thấy rằng mình có giá trị và có thể ảnh hưởng đến mọi người và môi trường xung quanh. Điều này giúp chúng ta cảm thấy được thừa nhận, củng cố lòng tự trọng và sự tự tin.

Tuy nhiên, nếu như quan điểm của ta bị phản đối, thậm chí là tấn công thì sao? Đó không phải là một cảm giác dễ chịu. Bên cạnh đó, cái cảm giác khiến mình càng ngày càng không thích tham gia vào một cuộc tranh luận đó là dù mình có đưa ra luận điểm, luận cứ luận chứng thế nào, dù đó là điều hiển nhiên như một định lý, nhưng nếu đối phương không muốn mở lòng để lắng nghe và tiếp nhận thì họ sẽ không bao giờ hiểu quan điểm có mình đâu. Thậm chí, có lần mình lắng nghe một cuộc tranh luận mà mình thấy “vô nghĩa” đến nỗi, mình ở ngoài lắng nghe rõ ràng hai người có cùng quan điểm mới nhau, chỉ là dùng từ ngữ diễn đạt hơi khác mà họ caix nhau. Cứ một người nói, người kia lại “Không, anh để tôi nói…”. Khi ấy, mình thấy thực sự hoang mang về ý nghĩa của cuộc tranh luận này. Đó có phải là để mở rộng thế giới quan, tiếp thu kiến thức hay đơn giản chỉ là “Khẳng định một cái tôi bất khả xâm phạm”.

Với tính hiếu thắng của mình, mình từng nghĩ mình sẽ làm, sẽ cố gắng làm bằng được để họ công nhận rằng mình đã đúng. Cách “đáp trả” mình có thể làm là trở nên giỏi hơn, có những thành tựu rồi mình … flex, rồi thỉnh thoảng mình lại kiểu khơi lại đá xoáy “ngày xưa bạn bảo mình thế này, mà giờ mình đã thế kia”… Mục đích của mình là để những người từng phản đối việc mình làm họ nhận ra là họ đã sai. Mình biết, đó cũng là cách mình nuôi dưỡng một cái tôi cao ngất trong chính bản thân.  Nhưng sau đó, mình cũng chả vui, chỉ được cái là lại thêm những người ghét mình và mình cứ làm gì lại có ý kiến phản đối, và những mối quan hệ của mình ít đi. Có những mối quan hệ bạn bè, dù ở khía cạnh này họ không đồng ý với mình, nhưng ở khía cạnh khác thì mình cũng vui vẻ. Sau này, mình càng ít giải thích và mình chỉ làm vì mình thích, chứ chả để thể hiện điều gì. Dù thế nào thì mình cũng phải tự làm việc của mình, đâu có ai sống hộ mình được.

Cái bẫy của sự tự chứng

Đây là một khái niệm tâm lý học khi mình mới học được khi nghe Podcast. Đây là kênh Podcast chia sẻ những kiến thức hay qua những cuốn sách mà mình rất thích, bạn có thể lắng nghe nội dung chi tiết tại đây.

Còn nội dung mình học được từ podcast này đại loại thế này. Cái bẫy của sự tự chứng là trường hợp bạn càng chứng minh và giải thích tôi đúng, tôi có lý, tôi vô tội thì người khác càng nghĩ rằng bạn sai, bạn vô lý, bạn có tội. Cái việc về quan điểm tranh luận, ví dụ nhưng những cuộc cãi nhau trên mạng hay là một cuộc tranh luận bên bàn nước, không phải là việc lớn phải tranh chấp quyền lợi không phải mục đích mở rộng kiến thức, hay đa dạng góc nhìn mà đơn giản chỉ để khẳng định cái tôi, mang lại cho chúng ta rất nhiều cảm xúc tiêu cực. Nếu bạn dành chiến thắng, cảm giác hãnh diện cũng cực kỳ nhỏ và bạn cũng lại quên mau, vì cuộc sống này còn nhiều điều quan trọng hơn. Tại sao chúng ta cần tốn thời gian và năng lượng cho những điều đó. Còn nếu bị người khác hiểu nhầm thì sao?

Sự hiểu lầm của người khác giống như một sợ dây trói buộc bạn. Bạn càng quang tâm, càng biện hộ, sợi dây càng siết chặt, khiến bạn dần dần ngạt thở giữa sự tự nghi ngờ và tiêu hao năng lượng của bản thân.

Guy de Mauppasan

Im lặng là vàng

Trong một vài vấn đề, chúng ta thường nghĩ rằng, im lặng là yếu đuối và chấp nhận sự đánh giá của người khác nhưng trong một vài tình huống im lặng là cách phản ứng mạnh mẽ nhất mà chỉ có ở những nguời có nội tâm mạnh mẽ mới giữ được trạng thái tĩnh khi đối mặt với những phản ứng trái chiều. Những người thực sự mạnh mẽ, độc lập, tự chủ họ sẽ không tìm kiếm sự công nhận và phụ thuộc vào hệ thống đánh giá của người ngoài. Chỉ cần tập trung làm tốt vấn đề của mình mình là đủ.

Nhưng như thế nào thì mới là im lặng mang sức mạnh nội lực chứ không phải lảng tránh vấn đề? 

Hệ thống niềm tin

Nhận thức của mỗi người là khác nhau. Khi ai đó hiểu ta, hoặc mong muốn mở lòng để thấu hiểu họ sẽ kiên nhẫn, và đặt những câu hỏi mang tính xây dựng. Nhưng người không hiểu bạn dù có nói thế nào cũng chỉ gây thêm mâu thuẫn. Có những người chỉ muốn nghe những gì họ muốn nghe, thấy những gì họ muốn thấy.

Khi bạn ở trên đỉnh núi, bạn thấy trời đất bao la, nước non hùng vĩ, nhưng những người ở lưng chừng núi chỉ thấy cái dốc trước mặt và vực thẳm sau lưng. Vị trí và tầm vóc của mỗi người khác nhau nên khi nhìn nhận vấn đề sẽ khác nhau.

Hôm trước mình cũng đọc một nghiên cứu về System belief – hệ thống niềm tin. Việc chúng ta nhìn nhận một vấn đề như thế nào cũng liên quan đến hệ thống niềm tin đó. Hệ thống này được cấu thành bởi rất nhiều thành tố bao gồm môi trường sống, gia đình, giáo dục, xã hội, tôn giáo, công việc, các mối quan hệ và cả cá tính, khả năng, năng lực tư duy của mỗi người. Để thay đổi được cả hệ thống cần có sự tác động toàn diện nên mọi mắt xích của hệ thống. Đó là lý do việc giải thích để nhận được sự thấu hiểu phức tạp đến vậy. Do vậy, việc im lặng sẽ giúp tránh được mâu thuẫn không đáng có, và đó cũng là cách bạn có thể giữ được thể diện của bản thân và cho người đối diện.

Khi kiến thức đủ vững và tâm đủ tĩnh lặng

Sự tĩnh lặng là khi đối mặt với những điều trái ý mình không vội vã nghi ngờ hay trách móc bản thân, và khấy động lòng mình. Đến một giai đoạn khi kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm đủ nhiều, và có chút gọi là tư duy phản biện – crititcal thinking, chúng ta sẽ lắng nghe sẽ tiếp thu một cách chọn lọc. Đó là việc cân bằng giữa việc lắng nghe, học hỏi, và phản biện. Bởi vậy, để đạt được đến trình độ có thể tự nhìn vấn đề một cách đa chiều, có thể phân biệt tốt xấu, có thể hiểu điều gì cần đầu tư thời gian công sức còn điều gì là không thì, thay vì tránh dành thời gian cho những cuộc tranh luận không có ý nghĩa chỉ đển khẳng định cái tôi của mình, thay vì dành thời gian phân thua với những người không muốn lắng nghe thì chúng ta có thể dành thời gian làm những việc ý nghĩa hơn và cùng với những người mang lại cho chúng ta những kiến thức bổ ích, niềm vui và sự tích cực.

Lời khuyên từ là bài Five of Swords

Theo mình học được ý nghĩa là bài Five of Swords từ cuốn sách “The Ultimate guide to Tarot card meanings” đó là cho dù bạn có chiến thắng nhưng rồi bạn nhận ra rằng mình đã đánh đổi tình cảm, niềm tin từ mọi người xung quanh và tự cô lập bản thân.

Lời khuyên của Five of Swords là lựa chọn trận đánh của bạn. Bạn sẽ dễ bị cám dỗ phải chiến đấu để chứng minh mình đúng, hoặc để bảo vệ chính mình khi bạn cảm thấy bị thách thức hay đe dọa bởi người khác. Tuy nhiên, lựa chọn trận đánh một cách khôn ngoan sẽ tốt hơn là chiến đấu như điên cuồng. Sự lựa chọn kĩ càng sẽ mang lại một cuộc sống hòa bình và và củng cố những mối quan hệ của bạn. Đứng đánh đổi hạnh phúc để chiến thắng bằng mọi giá.

Kết luận

Suy cho cùng, chính bạn mới hiểu được con đường của chính mình. Bạn không cần sự công nhận của cả thế giới để đạt được những điều mình muốn và hạnh phúc cho bản thân mình. Trừ khi mình đang tranh cử Tổng thống gì đó, chứ có thêm người ủng hộ quan điểm cũng chả khiến mình béo lên cân nào. Mình nghe mấy điều trái với hệ giá trị của mình thì  bản thân hơi khó chịu đau đầu chút thôi, nhưng mà nếu như chẳng có mục đích xứng đáng thì việc giải thích rồi cãi vã thì còn đâu đầu hơn và lại thêm đau họng, đau miệng và bực tức. Bởi thế mà đến một thời điểm, chúng ta sẽ hiểu rằng, không cần phải giải thích, tranh luận hay phân thua. Có những trận chiến mình không cần là người chiến thắng.

Cám ơn bạn đã đọc đến đây. Đừng quên theo dõi qua Email để không bỏ lỡ những bài viết mới trên Blog. Bạn có thể để lại bình luận để cho mình biết nội dung nào bạn đang quan tâm, cũng như để lại email để mình gửi cho bạn những tài liệu hữu ích.

Theo dõi để nhận Newsletters

Theo dõi Fanpage để nhanh chóng cập nhật bài viết và chia sẻ mới nhất: https://www.facebook.com/Violetstoryblog

💎Bạn có thể ủng hộ để Blog được duy trì bằng nhiều hình thức tại Donation