Gần đây, mình đọc được một bài viết kể về việc trong 1 nhóm tìm việc, có một bạn tầm 35 tuổi, gửi CV mong mọi mọi sửa giúp. Tác giả, một người có chức vụ khá cao trong một tổ chức đưa ra quan điểm sau 35 tuổi thậm chí 30 tuổi mà phải đi gửi CV cho người ta xem là một thất bại. 35 tuổi phải là quản lý, xin việc phải được headhunt, ổn định để chăm cho gia đình.

Mình chỉ tình cờ đọc được khi một người bạn chia sẻ lại. Khi thấy một bài viết được chia sẻ trên trang của một người có chức vụ và hàng chục hàng followers, mình thấy mình hơi “hèn” khi không vào thẳng post bày tỏ quan điểm. Có  dòng suy nghĩa ở trong mình khi đó. Mình phản đối nhưng liệu quan điểm của mình có cần xem xét lại. Và rồi mình cũng lại nhận ra, khi mình tốt nghiệp Tiến sĩ mình cũng sẽ 34 tuổi, cũng sẽ bắt đầu cầm CV đi xin việc, một vị trí khởi điểm. Nhưng mình có thấy mình là kẻ thất bại không? – Không. Thực lòng, mình không đồng ý với quan điểm này, cả về quan điểm lẫn thái độ thể hiện trong bài viết.

Với tất cả những gì mình được học về sự đa dạng, bình đẳng, về sự tôn trọng, mình thấy thật không ổn khi những người có tầm ảnh hưởng chia sẻ những quan điểm như lời khuyên cho giới trẻ nhưng lại mang những định kiến tiêu cực và thậm chí tấn công một bộ phận không nhỏ trong xã hội. Thôi mình nhỏ bé, tiếng nói của mình cũng như hạt cát, nhưng đây là trang của mình, mình viết suy nghĩ của mình. Bởi vì mình thấy rằng đưa ra một quan điểm mang tính chỉ trích mà không đưa ra bất cứ giải pháp nào sẽ khiến người bị nhắc đến bị tổn thường (nhất là họ còn đang trong áp lực tìm việc), còn người sắp trong hoàn cảnh đó thấy lo lắng. Điều này có gì là hay ho?

Và mình lại suy nghĩ về những áp lực tuổi tác đang bị áp đặt lên vai mọi người bên cạnh hàng trăm áp lực khác.

Những thành công sớm được đo bởi những con số

Người ta thường tung hô cũng thành công sớm, gây ra những áp lực về tuổi tác. Người ta tôn vinh những thần đồng, những học sinh giỏi nhưng sau mấy năm lại chuyển sang luận điệu “Giỏi giang đến rồi lương cũng ba cọc ba đồng” mà không cần tìm hiểu liệu hệ thống chúng ta đã bồi dưỡng cho những “học sinh giỏi” ra sao? Người ta thường trầm trồ trước những người trẻ tuổi đã có thành tựu, tài sản và danh tiếng, cũng chẳng cần màng đến xuất phát điểm, vô tình tạo ra những áp lực tuổi tác.

Bên cạnh đó, việc lấy thành tựu hay những con số vô tri, tiền bạc, điểm số, tuổi tác, số người theo dõi … là thước đo cho sự thành công là một định nghĩa phiến diện, bỏ qua các khía cạnh khác của thành công như sự hài lòng cá nhân, ảnh hưởng xã hội tích cực hoặc sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Mình nghĩ rằng “đường dài mới biết ngựa hay” và cái hay đôi khi không phải ai cũng hiểu. Rượu ngon phải được ủ kỹ và cái ngon đấy không phải ai cũng có cơ hội được nếm. Mình không ngưỡng mộ ai đó vì những gì họ có, mình ngưỡng mộ bởi những gì họ trải qua, và những value họ mang lại cho người khác.

Có khi nào là muộn

Mới hôm trước, cô bạn cùng lớp, người vẫn gọi mình là “daughter” (cố ấy có một đứa con trai xấp xỉ tuổi bọn mình) nói với mình rằng “khi mình nghĩ mình đã già thì là mình chọn lựa như vậy và khi nghĩ mình đã già chúng ta sẽ chẳng làm gì cả”. Ở trường đại học, có những chương trình được thiết kế cho những người gọi là “adult student”. Có rất nhiều sinh viên họ học để chuyển sang một lĩnh vực mới. Thậm chí, cũng như ở Việt Nam, có rất nhiều các lớp học buổi tối dành cho người đi làm. Mình cảm giác ở Anh, áp lực về tuổi tác không nặng nề như khi mình ở nhà. Ít nhất, đến các giáo sư, hiệu trưởng vẫn nộp CV xin việc để chuyển sang trường khác, vào những vị trí khác mà chẳng ai nói họ thất bại.  

Định nghĩa nào cho thành công?

Việc đánh giá người khác dựa trên tuổi tác của họ là một góc nhìn và tư duy cổ hủ. Và việc đưa ra tiêu chuẩn cho con người phải đi theo mình nghĩ không đúng với quy luật tự nhiên lắm. Con người không phải máy tính, được lập trình giờ này phải ăn cơm, tuổi này phải ngừng nộp CV (tương tự tuổi nào phái lập gia đình). Con người được đặt trong bối cảnh xã hội phực tạp và họ có cảm xúc, những ràng buộc xã hội, và họ có lựa chọn cuộc sống của riêng họ.

Đâu phải ai cũng có điều kiện tốt ngay từ đầu để có con đường học tập và sự nghiệp trơn tru. Đâu phải ai cũng có thể thành công ngay lần đầu thử sức. Đâu phải ai vừa đi làm cũng đã nhận ra sự nghiệp của mình và cống hiến đến già. Có bao nhiêu người đi làm cùng một nghề từ lúc mới ra trường đến lúc về hưu. Và như tác giả đánh giá, vậy có bao nhiêu người 30 tuổi lên quản lý và không bị coi là thất bại. 30 tuổi, mình quay lại trường học với niềm vui phơi phới.

Chúng mình lớn lên trong một xã hội với nhiều biến động, kinh tế khó khăn. Ngày nào lên mạng, mình cũng toàn tin cắt giảm với chả sa thải. Có gì sai khi người ta tiếp tục tìm kiếm những cơ hội mới. Có gì sai, khi người ta ở trong cộng đồng và tìm kiếm sự giúp đỡ? Chưa kể con người có xuất phát điểm, có điều kiện sống khác nhau, sao có thể đặt vào trong một khuôn khổ, và thật bất công khi họ bị gắn mác “thất bại”.

Việc đặt ra giới hạn về tuổi tác có tác hại như thế nào?

Việc đặt ra các giới hạn tuổi tác không chỉ tạo ra sự bất bình đẳng mà còn hạn chế sự phát triển toàn diện của xã hội. Khi đặt giới hạn tuổi, xã hội có xu hướng phát triển những định kiến về những gì mọi người có thể hoặc không thể làm tại các độ tuổi nhất định. Điều này thường dẫn đến phân biệt đối xử, với các cá nhân bị loại bỏ khỏi một số cơ hội việc làm, hoạt động giáo dục, và các vai trò xã hội chỉ dựa trên tuổi tác của họ, chứ không phải năng lực hoặc sở thích.

Khi xã hội thiết lập kỳ vọng rằng một người phải đạt được mục tiêu nhất định vào một độ tuổi nhất định—như có công việc ổn định, kết hôn, hoặc nghỉ hưu, số tài sản họ có—điều đó có thể tạo áp lực không cần thiết, ảnh hưởng tới tâm lý và cản trở sự phát triển cá nhân theo nhịp độ tự nhiên của mỗi người. Khi mọi người cảm thấy họ không đáp ứng được các kỳ vọng về tuổi tác mà xã hội đặt ra, họ có thể phát triển tình trạng tự ti hoặc cảm giác thất bại, làm giảm lòng tự trọng và khả năng phấn đấu vì các mục tiêu cá nhân. Sẽ thế nào khi chúng ta có quá nhiều nỗi sợ mà không dám thử? Sợ thất bại, giờ còn sợ nười khác chê mình già? Khi mọi người cảm thấy họ đã quá “già” để bắt đầu một sự nghiệp mới hoặc học một kỹ năng mới, họ có thể từ bỏ cơ hội để phát triển thêm.

Sự tập trung quá mức vào thành công sớm có thể khiến nhiều người bỏ qua giai đoạn quan trọng của việc học hỏi, thử nghiệm và tự khám phá trong những năm đầu của cuộc đời. Mình nghĩ những năm tháng tuổi trẻ rất quan trọng để hiểu bản thân và xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài. Còn trẻ là bao tuổi tùy người ta định nghĩa. Giữa cuộc sống với quá nhiều khó khăn, thất bại thường xuyên thì đôi khi chúng ta chỉ cần được yên tâm mà cố gắng.

Kết luận

Dũng cảm đi qua những định kiến xã hội, thực sự hiểu bản thân mình muốn gì, cần gì để có thể đinh nghĩa về hạnh phúc cho chính mình, mình tin rằng, không bao giờ là quá muốn để bắt đầu lại, hay để học một điều gì đó. Ít nhất, muộn còn hơn không. Thất bại cũng không phải điều gì đáng xấu hổ. Quan trọng là chúng ta học được gì từ những thất bại đó. Mình tin rằng những người luôn cố gắng, tìm kiếm cơ hội mới, cải thiện bản thân dù ở bất cứ độ tuổi nào là điều thực sự đáng trân trọng. Người ta nói đến tuổi “xế chiều” như một sự kết thúc, nhưng mình thấy ngày mai mặt trời lại lên toả những tia nắng rực rỡ. Và chúng ta còn ngày mai, ngày mai và Ngày mai nữa (tên một cuốn  sách của tác giả Gabrielle Zevin mình mới đọc).

Cám ơn bạn đã đọc tới đây, đừng quên theo dõi qua email để không bỏ lỡ những bài viết mới trên Blog.

Theo dõi để nhận Newsletters

Theo dõi Fanpage để nhanh chóng cập nhật bài viết và chia sẻ mới nhất: https://www.facebook.com/Violetstoryblog