Viết blog tử lâu đã trở thành một thói quen, một item trong check list mỗi tuần của mình. Cũng có tuần mình quên, nhưng về lâu dài trang blog nhỏ này cũng vẫn là nơi mình giãi bày hết những điều trong tâm tư, trải ra những suy nghĩ hỗn độn trong đầu và để lưu lại những điều mình từng nghĩ.

Tuần này, thấy mọi thứ thật bộn bề với bao việc ngổn ngang chưa xong, mình lại nghĩ liệu tuần này mình sẽ viết về điều gì nhỉ? Có rất nhiều chủ đề mình đã nghĩ đến từ lâu. Những điều mình có thể học, những điều có thể chia sẻ sẽ chẳng bao giờ hết. Nhưng chỉ là bỗng nhiên mình thấy thật “lười” để bắt đầu đọc và nghiên cứu, sắp xếp lại các luận điểm, luận cứ, luận chứng để có thể thành một bài chia sẻ hoàn chỉnh. Kết thúc cuộc họp thứ sáng sớm, hôm nay nắng lện thật đẹp, mình quyết định cho mình một ngày thang thang một mình. Mình đến trường tập Piano, đi bộ quanh Uni park Campus. Bắt tram lên trung tâm, ăn 8 chiếc cánh gà rán Wings Stop, vào hiệu sách Waterstones đọc 2 cuốn sách cảu Julia Cameron và điều gì đó thôi thúc mình viết. Nhưng bài viết này sẽ chẳng có chủ đề gì cả. Đây đơn giản chỉ là những gì luẩn quẩn trong đầu mình mấy tuần vừa qua. Bài viết này sẽ không để chia sẻ với bạn một bài học gì đó mới mẻ nữa, mà mình viết dành cho chính mình.

IMG_9109-01

Mình có ổn không?

Những thói quen

Hôm trước Hưng hỏi mọi “Đã thấy ổn hơn với việc mình không ổn chưa”? Có lẽ hắn thấy nốt trầm trong những caption trong Instagram mình đã viết. Dạo này mình thấy mình không ổn thật. Mình làm việc không tập trung, dậy muộn, không tập thể dục, không ngồi thiền, không đọc Kinh, không viết Morning page, không đọc Tarot mỗi ngày. Mình không còn dành cho bản thân một bữa tối “thịnh soạn”, không đọc sách, viết Calligraphy mỗi buổi tối. Mình thấy mệt mỏi mỗi buổi tối, mệt mỏi trước cả những sở thích và thói quen của bản thân. Mình cảm thấy bị mắc kẹt.

Chuyện công việc

Công việc nghiên cứu có chút khó khăn. Có những lúc sau khi kết thúc cuộc họp với những tin tức chẳng vui vẻ, mình ngồi khóc ngon lành rồi giật mình vội lau nước mắt vì nhớ ra mình đang ở văn phòng – Không được khóc. Cũng phải thôi, mình đâu thể chấp nhận cuộc sống toàn những điều theo ý mình. Điều duy nhất mình có thể làm là cố gắng. Điều duy nhất mình có thể trách là trách bản thân không đủ giỏi để có thể làm tốt hơn việc mình muốn. Mình để bản thân mệt mỏi về thể chất, kiệt quệ về tinh thần đối mặt với những điều khó. Mình cảm thấy chán nản.

Những mối quan hệ

Thật kỳ bởi mình luôn là đứa cố gắng tỏ ra lạc quan, tràn đầy năng lượng trước mọi người, nhưng đôi khi mình cảm thấy đó là một vai diễn không đạt. Mình từng cố gắng trở thành một cô gái “positive” vì mình biết người ta sẽ không thích một  người chỉ nói về những chuyện khó. Bởi thế mà, mỗi lần được hỏi “How are you?” Mình đều gấp đôi từ Good “I am good good!”. Nhưng rồi mình tự hỏi, câu hỏi “How are you?” có ý nghĩa gì khi người ta luôn phải nhận về “Fine” và “Good”. Mỗi quan hệ có ý nghĩa gì khi họ chỉ đến với mình lúc mình vui. Và mình cảm thấy không muốn đóng vai nữa. Mình chấp nhận là mình không ổn để tiếp tục diễn, thế thôi.

Chuyện mất bình tĩnh

Dạo này mình cũng rất dễ nổi nóng. Dù vẫn luôn muốn là người điểm tĩnh, đi nhẹ, nói khẽ cười duyên, nhưng “khi người ta đau người ta chỉ nghĩ đến cái chân đau của mình thôi”. Lạc quan, điềm tĩnh cũng cần năng lượng, và mình biết năng lượng của mình đang xuống rất thấp. Và đến một lúc, mình như quả bong bị chọc nổ tung bởi ‘Tại sao mọi việc không vừa ý cứ đến cùng một lúc như vậy?”.

 Hôm trước, mình phải ở nhà đợi người giao hàng để đồ của mình vừa đi bảo dưỡng xong. Mình ở nhà 3 ngày liền chỉ để đợi người giao hàng. Chuyện quá sức chịu đựng của mình khi đó, là mình đã đứng đợi dưới mưa, nhưng người giao hàng không đến. Thay vào đó, anh ta chụp một bức ảnh một con phố nào đó không phải cửa nhà mình, và nói không gặp mình. Lần thứ 2 trong cuộc đời mình tức giận đến như vậy (Lần đầu tiên là thẻ ngân hàng không bảo mật và mình bị bay màu nguyên 1 tháng lương). Mình cảm thấy uất ức, gọi điện cho hãng điện tử (Tại sao các ông chọn đơn vị vận chuyển tệ như vậy), rồi lại gọi điện cho hãng vận chuyển (Tại sao các ông có người giao hàng tắc trách như vậy?). Và cả chiều mình cứ ngồi ôm cái sự uất ức đó.

Mình tự hỏi “Tại sao đi làm mình viết sai mỗi cái dấu phẩy, mình cũng bị xỉ vả”, tại sao tất cả mọi người luôn nghiêm khắc với mình nhưng người ta có thể gây ra những cái lỗi thế này mà mình phải chịu. Mình chẳng biết, chẳng ai muốn phải chịu ấm ức cả. Nhưng mình ước gì bản thân đã có thể đủ bình tĩnh để quên đi nỗi ấm ức đó, tập trung làm việc khác bởi ngày mai người giao hàng sẽ quay lại.

IMG-20230701-WA0000-01

Chuyện review view trái ý đại chúng

Chuyện này không thực sự xảy ra với mình, nhưng từ một người bạn của mình. Bạn ấy có post một bài cảm nhận một bộ phim, và điều không ngờ tới là từ một facebook cá nhân bình thường chắc post bài chẳng bao giờ quá 100 like, nay bài viết hot kỳ lạ. Và những bình luận với thái độ tích cực rất ít so với những chỉ trích, ném đá thậm chí chửi bới. Mình không có cơ hội xem phim nên mình cũng không dám bình luận về chất lượng của phim. Điều mình muốn nói ở đây là sự cởi mở với những quan điểm trái chiều.

Mình thấy thực sự bất ngờ khi đó chỉ là những cảm nhận cá nhân, trên một  trang facebook cá nhân chẳng có mấy followers, và không hề có kêu gọi kích động, làm càn nhưng lại nhận về những gạch đá như vậy. Điều đó khiến mình suy nghĩ về việc review. Liệu người review nên nói thật với cảm xúc của mình hay nên đi theo dòng thị yếu của đại chúng để “bảo toàn tính mạng”. Nhưng nếu vậy phải chăng cái hay cái đẹp chỉ đơn giản là cái được số đông lựa chọn, và guu của khán giả, độc giả bị dãn lối bởi thị hiếu và quảng cáo. Như vậy, người review khác gì một công cụ quảng cáo. Mình nghĩ điều này lẽ ra không nên xuất hiện trong cái tuần vốn dĩ đã đau đầu của mình. Nhưng thực sự việc thấy quan điểm của bạn mình bị ném đá mình thấy sợ hãi. Đi ngược với số đông là điều thật nguy hiểm.

Với mình mọi review sách hay phim đều là trải nghiệm rất cá nhân. Mình đọc sách mà có người từng bảo “rẻ tiền 3 xu” mình vẫn đọc. Mình không cố gắng tỏ ra nguy hiểm khi khen tác phẩm đã đạt những giải thưởng hàn lâm. Người ta khen mãi rồi mình khen thêm đâu có nghĩa lý gì. Không hay mình nói là không hay, hay mình nói là hay. Mình hi vọng chúng ta sẽ có những cuộc thảo luận cởi mở thay vì ném đá.

Vượt qua

Ngừng cố gắng, buông thả bản thân nó giống như một cái trượt dài. Mình bỏ nhưng thói quen tốt, không ăn uống lành mạnh, mình sẽ không có đủ sức khỏe và sự tỉnh táo, dẫn đến mình không làm được việc và tất cả sẽ là chán nản chồng chất chán nản và những thất vọng về bản thân.

Những suy nghĩ vẫn cứ ngổn ngang trong đầu. Lúc bình tĩnh mình ngồi xuống tự hỏi bản thân, tại sao cảm giác không ổn này lại xảy ra? Mình thấy không ổn ở điều gì? Hay có một mắt xích nào trong chuỗi những điều tốt đẹp mình từng tạo ra có vấn đề. Theo câu hỏi của Hưng, hắn vẫn thường nhắc mình rằng khó khăn và những lúc không ổn là một phần của cuộc sống. Mình chấp nhận sự không ổn đó như chấp nhận sự không hoàn hảo của bản thân. Mình cũng chẳng có cách nào ngoài tiếp tục cố gắng. Vấn đề lớn nhất, chuyện công việc, có lẽ khi mình chưa tìm được cách giải quyết được, nó cũng vẫn sẽ lửng lơ ở đó. Mình sẽ không thể mãi trốn tránh bằng cách giết thời gian với sự mệt mỏi, chán nản và mặt kẹt này. Dù mình thấy rất mệt, mình vẫn cần đứng dậy để gỡ rối từng chút một.  

Mình phải cố gắng thoát ra vũng năng lượng tiêu cực bằng cách quay lại với những điều tích cực.

Dover

Những điều ổn hơn

Chuyện trên xe từ Cambridge về Nottingham

Hôm đến Cambridge, mình gặp 2 anh chị từng học FTU, giờ đang là giảng viên sống ở Nottingham. Anh chị có ô tô đưa mình từ Cambridge về nhà. Trên xe, từ chuyện anh chị chọn trường học cho cô con gái nhỏ, mọi người nói về những lựa chọn trước mỗi ngã rẽ trong cuộc sống. Chúng ta không thể lựa chọn xuất phát điểm của mình, không thể lựa chọn những điều có thể xảy đến, nhưng chúng ta có thể lựa chọn cách mình đối mặt với những điều xảy ra. Bởi thế, xuất phát điểm không quyết định tương lai chúng ta là ai, chúng ta có gì.

Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể vì thế mà buông bỏ những nền tảng cho sự phát triển. Sự cố gắng cũng giống như một cuộc marathon dài hơi, không chỉ một sớm một chiều, một vài tháng năm đầu đời. Chẳng thiếu gì người xuất phát điểm tốt nhưng về sau này họ hụt hơi trước những thử thách cuộc đời. Cũng chẳng thiếu người xuất phát điểm không tốt nhưng họ miệt mài cả một đời người để thay đổi cuộc sống của bản thân và gia đình. Và cũng chẳng thiếu người vừa xuất phát điểm tốt, vừa chạy nhanh, chạy xa, chạy bền và họ đạt hết đỉnh cao này, đến đỉnh cao khác. Cuộc đời này có những đỉnh cao mới, nhưng cũng có những vết trượt dài. Với mình, ờ điều cho phép, mình sẽ luôn đầu tư những điều tốt nhất, cố gắng nhiều nhất. Chẳng ai đoán trước được tương lai, mỗi điều xảy ra phụ thuộc vào lựa chọn của bản thân vào một thời điểm cụ thể. Chúng ta chọn dễ dàng hay khó khăn? An toàn hay thử thách? Cố gắng tiếp hay buông xuôi?

IMG_4629-01

Cơ hội thứ 2

Liệu sau mỗi lựa chọn sai lầm, chúng ta có cơ hội thứ  để làm lại. Dạo này tuần nào cũng ngồi xem review phim “Cô đi mà lấy chồng tôi”. Park Min Young xinh quá đi mất. Nhưng không phải ai cũng có cơ hội được làm lại từ đầu khi đã biết trước những điều đã xảy ra. Bộ phim ấy khiến mình suy nghĩ hơn về nhận thức bản thân và sự lựa chọn. Jiwon hoàn toàn có thể lựa chọn cách cô ấy trang điểm và ăn mặc, chọn cách chịu đựng hay đứng dậy dành lấy điều mà mình xứng đáng, chọn tiếp tục với một người yêu tiêu tiền của mình hay kết thúc với anh ta. Mình ấn tượng nhất là phân cách trong buổi họp lớp, khi Jiwon đạp cửa nhà vệ sinh để đối mặt với những người bắt nạt mình thay vì ngồi yên sợ hãi như ở kiếp sống trước. Ở phân cảnh đó, việc cô ấy ăn mặc xinh đẹp, có một đôi khuyên tai đắt tiền không phải điểm mấu chốt. Cô ấy đã chọn đối diện với nỗi sợ của mình, cô ấy chỉ thể hiện thực sự bản thân mình là ai. Và những lựa chọn khác, đưa cô ấy đến một cuộc đời khác.

Bộ phim này khiến mình liên tưởng đến About Time, cũng là nhân vật có cơ hội quay trở lại quá khứ. Bộ phim này cũng cho mình rất nhiều suy nghĩ tương tự. Review phim mình để trong link này nha.

Inclusive – làm việc với đồng nghiệp khác biệt

Chúng mình vừa bắt đầu dự án Spark On, một dự án về Value education, một phần những nguyên nhân khiến mình trở nên bận rộn hơn. Nhưng mình thấy những điểm tích cực và những cảm hứng mà Spark On mang lại cho các bạn đồng hành cùng dự án cũng như các mentee.

Hôm vừa rồi, cả team họp với nhau và trong nhóm có một bạn khiếm thị tên là Vinh. Thực sự mình rất phục câu em đó. Cậu ấy học Thạc sĩ với học bổng Chevening, học chương trình như các bạn bình thường, một mình ở trong khí túc xá, và thậm chí là mình nhắn tin,  em ấy không bao giờ sai 1 lỗi chính tả. Hôm ấy, Vinh chia sẻ về cảm nhận và những mong muốn khi làm việc cũng Spark On. Mình rất cảm động khi Vinh nói rằng, cậu để ý từng chi tiết rất nhỏ. Khi một người bạn trong nhóm đang thuyết trình để ý rằng vì Vinh không nhìn được nên bạn ấy đã đọc chi tiết từng slide. Khi mình setup lịch họp với Vinh, mình hỏi bạn ấy có quen dùng Teams không vì nhiều người nói Teams không thân thiện với người dùng. Để rồi cậu ý chia sẻ, cậu ấy cảm thấy sự “Inclusive” trong những hành động nhỏ đó.

Người ta thường cho rằng việc giúp đỡ những người khác biệt nói chung, và những người khuyết tật nói riêng hòa nhập với cộng đồng cần những chiến dịch rất hoàng tráng hay sự đầu tư nguồn lực tốn kém, nhưng những hành động dù nhỏ một chút thôi cũng đã giúp thúc đẩy sự hòa nhập này lên rất nhiều. Với sứ mệnh về value education, chúng mình hi vọng sẽ có thể thay đổi nhận thức của xã hội, cùng tạo ra những điều tích cực từ trong những hành động rất nhỏ trong cuộc sống như vậy.

Những lời động viên

Tuần qua mình cũng nhận được tin nhằn từ một bạn độc giả của Blog, về tâm huyết và những điều tích cực mà Blog đã tạo ra. Điều đó động viên mình rất nhiều và có thêm động lực để viết và chia sẻ.

Và những lúc thấy yêu công việc của mình

Từ lúc bắt đầu đi học PhD  đến giờ, điều duy nhất không khiến mình không bao giờ chán đó là mình thích đề tài của mình. Nhiều lúc mình cũng phải tự hỏi “Sao mình có đề tài nghiên cứu hay như vậy nhỉ?” (chỉ là như đã nói trên mình không đủ giỏi để làm những điều amazing).

Tuần vừa rồi, mình viết 2 applications đăng ký 2 chương trình summer schools mùa hè. Mình phải brainstorm ý tưởng và thông điệp của mình để supervisor viết thư giới thiệu và cũng để thầy định hướng cho con đường sự nghiệp sau này. Dù câu chữ chưa được mượt mà lắm, nhưng đại ý là mình muốn khai thác dữ liệu để thiết kế các công cụ inclusive design, hỗ trợ quá trình ra quyết định, để mỗi người ra quyết dịnh sẽ luôn cân nhắc lợi ích của những nhóm người khác nhau trong xã hội. Và càng đọc mình càng thấy hứng thú với việc mình đang làm. Mình còn nhận ra, mình cũng có thể ứng dụng những điều mình đang nghiên cứu vào việc xây dựng ở Spark On để trong xã hội không ai bị bỏ lại phía sau. Khi nghe câu chuyện của Vinh, mình càng có thêm niềm tin vào điều đó.

Đó là những suy nghĩ trong đầu mình. Bài viết này ngổn ngang chẳng có bố cục, câu chuyện hay thông điệp gì rõ ràng. Thực ra khi viết đến dòng này mình thấy được giải tỏa hơn rất nhiều. Những con chữ quả thực có những sức mạnh diệu kỳ. Rất cảm ơn bạn đã đủ kiên nhẫn để đọc đến đây. Mọi chuyện sẽ ổn thôi. Mình vẫn giữ trong mình một hi vọng như vậy. Mỗi lần thấy bất ổn, suy nghĩ đầu tiên hiện lên trong đầu mình đó là “Everything happens for you, not to you”. Mình sẽ học được bài học nào đó và mình sẽ trưởng thành hơn để đón nhận những điều tốt đẹp đang ở phía trước.  

Cám ơn bạn đã đồng hành cùng mình trong những hành trình vui vẻ và cả những hành trình bất ổn.


Những bài viết “bất ổn” khác:

Theo dõi để nhận Newsletter qua Email

Theo dõi Blog qua Fanpage