Tuần trước mình không kịp viết Blog bởi mình dành cả cuối tuần đến trường chuẩn bị cho hội thảo và buổi thuyết trình trong tuần tới. Hôm hội thảo xong về đến nhà, mình định nghỉ một lúc rồi đi chợ, nấu cơm mà lúc mình mở mắt đã 9h tối. Những ngày thật dài và một thử thách nữa mình lại vượt qua.

Mỗi năm, chương trình PhD của mình sẽ có 1 sự kiện gọi là Annual Retreat 2 ngày 1 đêm tại một khách sạn hơi xa với trường và có các hoạt động kế nối, chia sẻ giữa các khóa. Ngoài ra, còn có cả các cựu sinh viên đến chia sẻ về quá trình sự nghiệp sau khi tốt nghiệp. Năm 2, nhiệm vụ của chúng mình tổ chức chương trình Hội Thảo. Ngoài thuyết trình về nghiên cứu đang làm, sắp xếp theo chủ đề của hội thảo, chúng mình còn sắp xếp các khách mời, diễn giả sẽ tham gia chương trình và điều phối chương trình thảo luận. Dù rằng mình không phụ trách làm host mà chủ yếu lo cho bài thuyết trình của mình, nhưng mấy tháng từ tháng 11 đến giờ mình làm rất nhiều việc và những cuối tuần gần đây vác cặp lên trường. Đến deadline nộp bài, mình muốn làm thêm chút nữa mà dường như não mình nói “Hết pin”. Đó là cảm giác kiểu mình thấy cơ thể khỏe mạnh, cảm xúc vui vẻ nhưng đầu mình thực sự không thể làm thêm gì, không thể đọc, không thể nghĩ. Và mình upload bài lên hệ thống pack đồ để sáng hôm sau đi. Buổi sáng trước khi thuyết trình mình vẫn ngồi chuẩn bị script.

Có thành tựu nào đạt được mà không phải trải qua thử thách?

Nói chuyện với những người đồng điệu, và truyền cảm hứng là một trải nghiệm tuyệt vời. Với mình, thời gian ý nghĩa nhất trong Annual Retreat này là được gặp và nói chuyện với các bạn cùng khóa. Từ lúc sang năm 2, mình chuyển sang Khoa Engineering, mà bận quá mình không có nhiều thời gian qua Computer Science tụ tập với mọi người. Khi mình ngồi nói chuyện với một người bạn cùng khóa, chúng mình nói về tương lai, về những kế hoạch sau khi tốt nghiệp. Khi mình nói rằng, mình muốn trở thành giáo sư đại học, nhưng tình hình hiện nay thật nhiều thử thách khi mà các trường thắt giảm chi tiêu, cũng như không tuyển thêm vị trí mới.

Cô bạn nói với mình rằng “Violet à, nói cho tôi biết có công việc nào là dễ dàng, có điều gì đáng giá trên đời này mà không đầy thử thách”. Rồi cô bạn, với tay, lấy tờ script của bài thuyết trình đã in ra để tập đi tập lại: “Ngay cả việc có thể ngồi ở đây, rồi phải nói trước trước bao nhiêu người bằng ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ lẽ nào không phải thức thách sao?” Chẳng phải chúng ta luôn đối mặt và luôn vượt qua những thử thách sao?

Quen với những nỗi sợ

Khi lấy đồ ăn trưa, một cô bạn khác khóa dưới hỏi mình, ngày mai thuyết trình mình thấy thế nào. Có lẽ cảm giác thật của mình là 2 năm nay thuyết trình mãi rồi mình cũng quen, thậm chí là quen với việc chưa thuộc bài vẫn lên trình bày cả tiếng đồng hồ. Mình không giỏi, và chưa bao giờ giỏi nói trước đám đông. Thậm chí, mình cũng chưa bao giờ tự tin với khả năng tiếng Anh của mình. Sau bao nhiêu khóa học thuyết trình đã học, bao lần “phải” thực hành, rồi mình cũng dần quen. Lần này, mình vẫn nộp bài khi chưa thực sự ưng ý, vẫn lên thuyết trình khi chưa luyện tập, dù không hoàn hảo, mình vẫn nói trục trặc lúc mở đầu, nhưng ít nhất, mình đã tự tin nhìn xuống chỗ thầy examiner của mình “Em sẵn sàng để được hỏi”, và cười tươi nhìn thầy hướng dẫn của mình “Thầy khen đi!”. Lần đầu thuyết trình trước các giáo sự, mình cúi mặt đi về chỗ không dám nhìn ai bởi mình thực sự đã làm không tốt. Bởi thế mà trước mỗi lần thuyết trình, mình luôn làm rất nhiều việc. Mình nhận ra, có những chuyện từng là thử thách, nhưng rồi mình phải quen. Dù mình vẫn sợ đấy, nhưng chỉ thử thách ấy cũng nỗi sợ đã không “nuốt chửng mình”. Còn có những chuyện chưa làm, những điều còn ở tương lai chuyện tốt nghiệp chẳng hạn, mình vẫn thấy đó là thử thách lớn.

Thử thách để giúp chúng ta mạnh mẽ hơn

Cô bạn cũng nhắc mình rằng, thử thách sẽ giúp chúng ta tốt hơn, tốt hơn và tốt hơn nữa để vượt qua hết thử thách này đến thử thách khác. Một người thầy cũng từng nhắc mình rằng “Đừng bao giờ thêm từ Lucky – may mắn để nói về những thành tựu mình đạt được để người khác coi thường những thử thách mình đã phải trải qua”. Mình vẫn nhớ, con đường từ khi tốt nghiệp đại học đến giờ chưa bao giờ bằng phẳng, nhưng mình đã vượt qua đấy thôi. Mình từng 60 lần nộp đơn mới xin được việc, từng 14 lần apply mới đỗ học bổng, rồi chuyện đi làm, chuyện Covid… Tất cả lướt nhanh qua đầu mình khi cô bạn nói. Và mình hiểu mình chỉ cần cố gắng, tiếp tục cố gắng nữa, như cách mình đã làm mà thôi.

Thử thách lớn nhất không phải ở đường tới thành công mà ta sẽ làm gì khi đã đạt được thành công đó

Hôm trước, mình nghe 1 bài talk của giáo sư hướng dẫn của mình về sự nghiệp của cô từ khi tốt nghiệp PhD đến vị trí cấp cao trong cơ quan chính phủ hiện tại. Dù không phải là người hướng dẫn chính và gặp thường xuyên như thầy, nhưng cô là người ảnh hưởng đến nghiên cứu và cả bản thân mình rất nhiều. Trong bài talk, phần mình ấn tượng nhất đó là, dù không có con đường nào giống nhau nhưng cái nguyên lý giữa mọi con đường dẫn đến những thành tựu theo cô là có thành tựu thôi là chưa đủ mà quan trọng là tận dụng tốt nhất những gì mà thành tựu đó mang lại. Mỗi thành tựu đơn giản chỉ là 1 cột mốc, 1 game level vừa đi qua, level khó hơn, những thử thách mới đang chờ phía trước.

Mình cũng nghĩ bản thân mình cũng cố gắng, nhưng cũng chẳng tránh khỏi lúc chỉ muốn ngồi đấy để khó khăn vượt qua mình. Nhưng điều mình thấy được truyền động lực từ cô đó là sự bền bỉ không ngừng qua từng đấy năm. Một bài học khác, mình học được đó là “be inspired, aim high” và khi thấy cơ hội thì cứ liều lĩnh chạy đến đừng đợi khi bản thân đã tick đủ các box tiêu chuẩn, vì mình chưa biết được khi cố hết sức và không sợ hãi, mình có thể làm được những gì. Và cuối cùng sau bao sự cố gắng và liều lĩnh ấy, hãy tự hào về những gì mình đang có.  

… Và mình sẽ vượt qua thôi

Lúc ngồi ăn trưa, ngồi cạnh thầy Director của chương trình. Thầy hỏi mình về mọi thứ hiện tại. Mình trả lời rằng, có 2 cảm giác mình đã trải qua. Đó là “Không biết phải làm gì” như hồi năm nhất và sau đó là “Có quá nhiều điều phải làm”. Rồi mọi thứ ngoài những điều kỳ vọng cứ đến mà mình không thể lường trước được. Thầy nói rằng, đó là nghiên cứu đích thực, từ nhiều năm trước khi làm PhD thầy cũng từng trai qua cảm giác đó, và rằng sẽ còn 2 cảm giác nữa mình sẽ trải qua, với 2 câu hỏi cần trả lời. Trả lời được rồi, mình sẽ xong PhD.

Mình cũng nói chuyện với rất nhiều những bạn cùng học khác nữa. Có những thử thách mà dường như ai cũng phải trải qua. Chính khi ấy, mình thấy mình không hề cô đơn trong hành trình này. Và thay vì ngồi trách móc “Tại sao mình sinh ra trong thời kỳ khó khăn đến vậy”, mình sẽ tự hỏi “Thử thách này dạy cho mình bài học gì?”. Thay vì nói “Mình không làm được”, mình sẽ tự hỏi “Làm thế nào để mình đạt được điều đó”. Thay vì đau đáu về quá khứ, mình đã từng thất bại và kém cỏi ra sao, mình sẽ cải thiện bản thân trong hiện tại và hướng về tương lai “Mình sẽ tốt hơn và tốt hơn mỗi ngày”.

2023_0527_14272200-01

Cô bạn còn nhắc mình về viết viết những điều ước xuống bởi khi viết xuống, mọi suy nghĩ trong mình sẽ hướng về điều đó, và từ trong suy nghĩ mình sẽ tiếp tục hành động. Lâu lắm rồi, mình cũng không viết nhật ký, viết 3 trang viết buổi sáng đều đặn. Mình nên quay lại với hói quen đó. Mình sẽ giải thoát bản thân khỏi những lo lắng và sợ hãi về những thử thách còn chờ mình ở phía trước. Rồi mình tin, khi thầy hướng dẫn nói mọi thứ đang ổn thì có nghĩa là ổn thật. Mình trân trọng, nâng niu những lời khen và những thành tựu dù nhỏ bé. Và mình sẽ học cách không sợ nữa, vì mình đã mạnh mẽ hơn từng chút, từng chút một sau những thử thách đã trải qua.


Cám ơn bạn đã đọc tới đây, đừng quên theo dõi qua email để không bỏ lỡ những bài viết mới trên Blog.

Theo dõi để nhận Newsletters

Theo dõi Fanpage để nhanh chóng cập nhật bài viết và chia sẻ mới nhất: https://www.facebook.com/Violetstoryblog