NỘI DUNG BÀI VIẾT
Nuremberg, lại là một thành phố mà tôi sẽ chẳng bao giờ để trong danh sách du lịch của mình. Đến Đức, tôi muốn đến Berlin, Cologne. Khi trong tâm trí đã chẳng có một từ khóa nào về Nuremberg, tôi sẽ chẳng bao giờ tìm kiếm về nó trên Google. Nhưng sau khi kể lại cho giáo sư hướng dẫn về chuyến hội thảo tại Paris, sau đó đi Nuremberg, thầy tôi rất hứng thú bởi thầy hiểu về lịch sử ở đó, và kỳ lạ là nó cũng gần với những chủ đề mà thầy và tôi thường nói – chiến tranh.
Tại sao tôi đến Nuremberg?
Cũng có nhiều người hỏi tôi Nuremberg thì có gì mà đi. Lý do lớn nhất bởi vì tôi hẹn cô bạn hồi đại học ở đó, hứa sẽ đến thăm cô ấy khi có visa Schengen.
Hồi đại học, chúng tôi có 4 đứa chơi thân với nhau. Tốt nghiệp đại học, sau hơn 1 năm đi làm, An đi Hà Lan, sau đó tôi đi Anh, Hiền đi Hà Lan và sau đó Tuyết cùng em gái của Hiền sang Đức. An và Tuyết ở đó cho đến tận bây giờ, và đó cũng là đầu tiên tôi sang châu Âu gặp họ. Trước khi sang Đức, tôi đã có 1 tuần ở Paris dự hội thảo. Thực lòng, lúc chuẩn bị đi, thấy hội thảo đã kéo dài cả tuần, tôi muốn về Anh luôn vì không muốn chuyến đi này quá dài. Nhưng một là vì visa của tôi ngắn ngày, hai nữa là cứ hẹn lần sau lần sau mãi lại chẳng biết đến khi nào. Vậy là tôi và An bắt tàu đến Nuremberg. An đến trước rồi hai đứa đi chợ, rồi quay lại bến tàu đón tôi về.
Ấn tượng đầu tiên về nước Đức và Nuremberg
Từ Paris, tôi bắt tàu đến Stuttgart, rồi chuyển tàu đến Nuremberg. Chẳng hiểu sao trên chuyến tàu đó, những thước phim hiện ra trong đầu tôi đều từ những bộ phim hay mà tôi không muốn xem lại: The Pianist, The Reader, Schinder List… Một cảm giác đến thật kỳ lạ. Và chính bản thân tôi cũng tò mò, ở Đức ra sao và khác gì với trải nghiệm điện ảnh.
Ấn tượng đầu tiên là ở Đức an ninh tốt. Khi vừa xuống tàu ở Stuttgart đã thấy 4 cảnh sát mặc quân phục, đứng đó, thấy uy tín hơn hẳn ở Anh và Pháp. Khi ở Paris, mỗi lần ra đường tôi phải dùng móc chìa khóa, móc 2 khóa kéo ở cặp lại với nhau, đến tôi mở cặp của mình còn vất vả, hay phải nhét điện thoại và thẻ ngân hàng vào túi hộp dưới bắp chân, khóa lại. Nhưng khi đến Đức tôi không cần phải làm như thế. Sự đa dạng về sắc tộc ở Nuremberg cũng ít hơn dù Nuremberg còn đông dân hơn Nottingham.
Ấn tượng tiếp theo là tôi rất phục các bạn có thể sống ở Đức mà không biết tiếng Đức. Đến tôi ở Anh, trình độ Tiếng Anh không tệ mà nhiều lúc còn không hiểu gì. Khi vừa đến, điện thoại tôi một lúc mới kết nối được Roaming mặc dù ở Pháp vẫn rất mượt. Rồi khi chuẩn bị bắt tàu về nhà, tôi bảo Tuyết, không sao cứ đi luôn vì tôi có thẻ contactless. Tuyết nói, không dùng công nghệ đó ở đây được đâu. Đúng là khi lên xe bus các bạn phải mua vé/pass trước, không có kiểu cầm thẻ contactless qua tất cả các cửa như ở Anh.
Trải nghiệm ở Nuremberg
Điều tuyệt vời nhất của chuyến đi này có lẽ là được gặp Tuyết với An. Chúng tôi về đến nhà Tuyết. Nhà cô ấy có một khu vườn rộng trồng đầy rau. Thật phục khả năng trồng trọt của gia đình, khi tôi nhìn lại 4 chậu rau cải mini của mình bên cửa nhà bếp nhà mình. Tôi với An ở trong 1 Bangalow sau nhà, tách biệt với nhà chính. Trước khi trời tối, chúng tôi ra vườn hái rau, thích ăn rau gì thì cắt, có cải xoăn, bông cải rắng, rau cải xanh, rau bina, cà chua… Sau đó vào nhà chỉ cần rửa đồ và làm nước lẩu. Bạn tôi lâu rồi mới được ăn lẩu. Trời bên ngoài rất lạnh. Đến tối chúng tôi xem phim Brides War đến muộn.
Sáng hôm sau, chúng tôi ăn bữa sáng kiểu Đức với xúc xích trắng, Cheese An mang từ Hà lan sang, bạn của Tuyết còn làm bánh cà rốt từ cà rốt trong vườn. Sau đó ra sân bay lấy xe ô tô đã thuê, rồi quay lại trung tâm đi dạo. Đến tối chúng tôi ăn tại nhà hàng với món Schäufele đặc sản ở đây rồi về bật nhạc giáng sinh, ăn Lebkuchen uống Mulled wine. Sang đến ngày thứ 2, chúng tôi lái xe đi Rothenberg ob der Tauber, rồi lại về nhà hái rau ăn lẩu. Đến muộn, chúng tôi dẫn An ra bến xe bus, rồi An bắt tàu ngủ về Hà Lan đêm hôm đó. Tuyết sang phòng ngủ cùng tôi vì biết kiểu gì tôi ngủ một mình cũng sợ. Sáng hôm sau, chúng tôi lại hái rau nấu mỳ ăn sáng, rồi đi bảo tàng Đức, ăn kem rồi Tuyết dẫn tôi ra sân bay.
Câu chuyện về Nuremberg mà tôi hiểu được
Tại sao Nuremberg lại là thành phố của những giấc mơ và cơn ác mộng? Tôi đọc điều này qua một bài trên JSTOR. Từ một thành phố sầm uất phát triển từ thời trung cổ, đến những tội ác trong chiến tranh thế giới thứ 2, một tiến trình lịch sử đủ màu sáng tối, khiến Nuremberg đóng vai trò quan trọng trong lịch sử nước Đức. Bởi thế mà khi tôi nói mình đến Nuremberg, thầy tôi nghĩ chắc tôi phải quan tâm đến lịch sử chiến tranh lắm, vì ở Anh tôi cũng toàn đi đến những thị trấn có dấu ấn của Civil War. Đó là một sự tình cờ, vì tôi thấy sợ chiến tranh. Chiến tranh dường như là nội dung chính mà chúng tôi được học trong môn lịch sử từ hồi cấp 1. Tại sao lịch sử thế giới lại có những cuộc chiến và đau thương kéo dài vậy nhỉ?
Ở Nuremberg, sự phồn thịnh và bạo quyền đã thay phiên nhau thống trị qua các thời kỳ khác nhau trong nhiều thế kỷ. Hans Christian Andersen đã gọi Nuremberg là “tinh hoa của văn hóa thời Trung Cổ.” nhưng Mozart lại viết cho một người bạn về Nuremberg là “Một thành phố xấu xí”.
Trên những con đường cổ kính ở Nuremberg, chúng tôi đi tìm dấu vết của những giấc mơ trước.
Thành phố thương mại quan trọng nhất của Đế chế La Mã
Thời kỳ hoàng kim ở Nuremberg là Holy Roman Empire (Tiếng Việt là Đế chế La Mã Thần Thánh, tôi không thích từ được dịch này lắm, nên tôi sẽ cố gắng không nhắc lại nó quá nhiều lần trong bài viết này, và mong bạn thông cảm cho một đứa hạn chế kiến thức lịch sử địa lý vẫn đang còn phải học hỏi nhiều). Holy Roman Empire là một liên minh chính trị và lãnh thổ rộng lớn tồn tại từ thời Trung Cổ (thế kỷ thứ 5 đến 15) đến đầu thời kỳ cận đại (thế kỷ 15 đến 18), kéo dài khoảng từ năm 800 đến năm 1806. Được thành lập khi hoàng đế Charlemagne (Karl Đại đế) được Giáo hoàng Leo III phong làm Hoàng đế La Mã vào năm 800, Đế chế này là sự tiếp nối của Đế quốc La Mã cổ đại và được xem là trung tâm quyền lực ở châu Âu trong hơn một thiên niên kỷ.
Thời kỳ hoàng kim của Đế chế diễn ra từ khoảng thế kỷ 10 đến thế kỷ 13, nó bao gồm một mạng lưới các vương quốc, công quốc, và thành bang nằm chủ yếu ở khu vực Trung Âu, đặc biệt là Đức, Áo, Thụy Sĩ, Bỉ, Luxembourg, và Cộng hòa Séc ngày nay. Mặc dù không phải là một quốc gia thống nhất với một chính quyền trung ương mạnh mẽ, nhưng Holy Roman Empire đã giữ vai trò quan trọng trong chính trị, văn hóa và tôn giáo của châu Âu thời kỳ này. Tuy nhiên, quyền lực của các Hoàng đế dần bị suy yếu qua nhiều thế kỷ, và đến năm 1806, dưới áp lực từ Napoleon Bonaparte, Đế chế chính thức tan rã sau hơn 1.000 năm tồn tại.
Trong thời kỳ này, các hoàng đế đã tổ chức các phiên họp quốc hội tại Nuremberg như một truyền thống kéo dài đến năm 1571, và những người dân Nuremberg cũng đã chăm chỉ làm ăn, biến nơi đây thành một trung tâm Thương mại quan trọng nhất Châu Âu, tập trung vào đồ vải, gia vị, kim loại. Thương mại tạo nên sự giàu có và giàu có mang đến quyền lực chính trị.
Dấu ấn thời Trung Cổ ở Nuremberg còn vương lại trên những công trình. Tòa thành Nuremberg (Nürnberger Burg), một pháo đài hùng vĩ nằm trên đỉnh đồi, nơi ở của các hoàng đế ngày xưa. Từ đây có thể nhìn thấy cả thành phố. Thành phố còn được bao quanh bởi những bức tường thành kiên cố, với các tháp canh và cổng thành đồ sộ, bảo vệ trung tâm thương mại sầm uất bên trong. Những con phố lát đá cuội của Nuremberg được trang trí bởi các ngôi nhà gỗ nửa khung (Fachwerkhäuser) đặc trưng, với mái ngói đỏ và khung gỗ cổ điển. Nhà thờ Saint Sebaldus và Saint Lorenz là hai ví dụ tiêu biểu của kiến trúc Gothic thời kỳ Trung Cổ, với các tòa tháp cao chót vót và những cửa sổ kính màu tinh xảo. Có một điều rất đặc biệt ở đây, đó là tôi cảm thấy dường như những bức tượng trong nhà thờ ở đây cười hiền từ hơn những thành phố khác ở Anh mà tôi từng đến. Có lẽ cuộc sống của người dân nơi đây đã rất vui, và niềm vui ấy lan tỏa vào những tác phẩm của những nghệ sĩ.
Quảng trường Hauptmarkt thường diễn ra những phiên chợ, nay có một hội chợ y tế. Tuyết còn dẫn tôi đên đến Nuremberg’s Wish Fountain (Đài phun nước ước nguyện Nuremberg), nơi người ta có thể xoay chiếc nhẫn vàng 3 vòng và nguyện cầu một điều ước. Tuyết còn nói rằng phải nói đủ bằng các thứ tiếng để thần còn hiểu. Tôi có một điều ước, mà cứ đến chỗ nào có câu chuyện về điều ước, thả một đồng xu xuống giếng, nhặt một viên đá nhỏ, nhìn thấy một ngôi sao băng, tôi đều đọc một điều ước đó. Để xem điều ước đó có thành hiện thực không?
Nhưng những giấc mơ không thể kéo dài. Khi thương mại với Ấn Độ phát triển, cũng như thời kỳ các quốc gia châu Âu giương buồm tìm kiếm những vùng đất mới, Nuremberg lại thiếu đi một con sông có thể đi ra biển. Sông Pegnitz dù thơ mộng nhưng không đủ khi mở rộng giao thương. Đến năm 1618 cuộc chiến Ba Mươi Năm (Thirty Year’s War) diễn ra, từ do căng thẳng tôn giáo giữa các tín đồ Công giáo và Tin Lành, cuộc đấu tranh quyền lực giữa các quốc gia châu Âu và những xung đột nội bộ trong Đế chế, đã đưa thành phố vào giai đoạn ảm đạm kéo dài, và dần suy tàn.
Richard Wagner (1813–1883), một trong những nhà soạn nhạc opera người Đức nổi tiếng nhất trong lịch sử âm nhạc. Ông đã lấy Nuremberg trờ thành bối cảnh cho một trong những tác phẩm opera nổi tiếng nhất của ông, Die Meistersinger von Nürnberg (Những nhạc sĩ Nuremberg). Wagner khai thác các chủ đề về truyền thống, nghệ thuật, và bản sắc văn hóa Đức, điều mà ông coi là cốt lõi trong cuộc sống của người dân Đức. Chính âm hưởng, câu chuyện lịch sử, hỉnh ảnh của Nuremberg, đã khiến ông tin rằng, Nuremberg đại diện cho văn hóa đó và muốn thể hiện “trung tâm thật sự của đời sống Đức” qua tác phẩm của mình tại đây.
Nhưng cũng chính trong chuyến thăm Nuremberg năm 1861để lấy ý tưởng cho tác phẩm của mình, Wagner cũng chứng kiến thành phố ở thời điểm mà văn hóa nghệ thuật phát triển mạnh mẽ nhưng cũng dần có những dấu hiệu của sự u ám, khi đế quốc Đức dần hình thành.
Những cơn ác mộng
Nếu như thế kỷ 15 là thời kỳ huy hoàng nhất thì thế kỷ 20 lại là thời kỳ đen tối nhất của Nuremberg. Chúng tôi đặt một tour có hướng dẫn bằng Tiếng Anh, đi dọc những đường hầm vào hào bảo vệ chỗ lâu đài. Một câu chuyện đậm mùi thuốc súng, và đôi khi tôi tự hỏi không biết mình có nên tin vào sự khủng khiếp đó khi có cả những bức tường xây bằng xương người. Cơ sở hạ tầng dùng cho chiến thuật quân sự từ thời La Mã biến Nuremberg trở thành một pháo đài kiên cố, nơi kẻ thù khó mà thoát khỏi đường đi của viên đạn. Điều đó biến Nuremberg trở thành địa điểm yêu thích của Adolf Hitler. Lúc Tuyết giới thiệu điều này để lên kế hoạch đi đâu, tôi còn tưởng đây là điểm nghỉ dưỡng yêu thích, ai ngờ, đi đến nơi rồi thì mới biết chỉ những đứa như mình mới nghĩ đến nghỉ dưỡng.
Adolf Hitler đã chọn Nuremberg làm địa điểm tổ chức các Đại hội Đảng Quốc xã như một sự nối tiếp truyền thống chính trị từ thời Trung Cổ. Nuremberg là một biểu tượng mạnh mẽ cho bản sắc Đức và Đức Quốc Xã khai thác lịch sử này để tạo dựng hình ảnh một nước Đức hùng mạnh và thống nhất trong những bài tuyên truyền về chế độ. Việc tổ chức các Đại hội và những buổi diễu hành hoành tráng trên các đường phố ở Nuremberg đã tạo ra một cảm giác cộng đồng mạnh mẽ giữa các thành viên của Đảng Quốc xã và quần chúng về sự hùng mạnh lâu đời của đất nước , giúp củng cố lòng yêu nước và sự ủng hộ cho chế độ.
Khi những kinh hoàng của cuộc chiến tranh thế giới thứ 2 ngừng lại, Nuremberg lại một lần nữa đảm nhận một vai trò lịch sử quan trọng, nơi diễn ra phiên tòa xét xử các lãnh đạo Quốc xã còn sống sót tại Tòa án Quân sự Quốc tế vào năm 1945 và 1946, các phiên tòa này đã truy tố khoảng 177 người vì các tội ác chiến tranh. Nuremberg từ đó cũng trở thành nơi kết thúc của Đức Quốc Xã.
Tự nhiên đoạn này khiến tôi nhớ đến cảnh trong bộ phim The Reader. Có những bộ phim rất hay, nhưng tôi không dám xem lại, cũng chẳng dám Review. Sinh ra trong thời bình, tôi dường như đi qua lịch sử với vai trò chỉ là một người quan sát, và cũng không có một sợi dây liên kết trực tiếp quá mạnh mẽ. Cùng với những điều đã được học được xem, những dấu vết qua thời gian không còn được trọn vẹn, khi tôi cũng hiểu lịch sử được viết bởi người chiến thắng, từ những góc nhìn không toàn diện, phim ảnh và tiểu thuyết cũng được thi vị hóa, đôi khi tôi cũng tò mò liệu những người thực sự trong cuộc họ sẽ có suy nghĩ ra sao. Khi tôi nói chuyện với thầy, tôi mới biết đến sự kiện Nuremberg Trials. Một điều kỳ lạ là khi tôi nói với Sếp và Thầy đều người Anh, thì dường như họ biết rất rõ về Nuremberg, còn bạn bè người Việt thì không. Tôi cũng vậy, nếu Tuyết không ở đó có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ nghe nhắc đến Nuremberg. Điều đó khiến tôi khá tò mò về chương trình giáo dục lịch sử ở Anh học gì. Bởi vì dưới góc nhìn khác nhau, chương trình học khác nhau, chúng ta cũng có những quan điểm khác nhau, từ đó đánh giá, nhìn nhận thế giới cũng khác nhau.
Nuremberg có gì?
Kết thúc tours, chúng mình tiếp tục đi dạo dọc bờ sông rồi đi ăn tối. Chúng tôi vẫn hỏi nhau rằng không biết bác hướng dẫn viên đùa hay thật, mà nhiều chuyện khó tin quá. Nhưng chắc chắc Nuremberg là một thành phố có thật, và những chuyện xảy ra trong lịch sử dù huy hoàng hay đau thương cũng là thật. Thời hoàng kim và đau thương đi qua, chỉ còn lại một vùng đất rất yên bình và tĩnh lặng, nơi con sông Pegnitz hiền hòa chảy qua, nơi chúng tôi có thể mua một cây kem to với giá 2 đồng, nơi ra phố chẳng sợ bị móc túi và tối đi ngủ chẳng cần khóa cửa, nơi người ta vẫn gửi đi những điều ước ở Nuremberg’s Wish Fountain.
Đó là Nuremberg của một khách du lịch. Còn Nuremberg trong con mắt của một một đứa đến thăm bạn sau lời hứa hẹn từ giáng sinh đến mùa thu sang năm mới xin được visa, Nuremberg có nồi lẩu nóng với rau vườn nhà khi ngoài trời mưa lạnh, có xúc xúc trắng Weißwurst, Schäufele, bánh Lebkuchen, cây kem ngon rẻ, có bạn tôi và hai vị khách suýt làm hỏng cửa của chủ nhà. Có lẽ thế đã là đủ cho một chuyến đi.
Kết luận
Người ta thường nói, châu Âu đi nhiều thì thành phố nào nhìn cũng giống nhau và không còn thấy Wow nữa. Nhưng rồi tôi nhận ra điều khiến những thành phố trở nên thật đặc biệt và chuyến đi trở nên đáng nhớ không phải vì những bức ảnh mình chụp ở một công trình nổi tiếng nào đó, không phải vì thành phố đó nổi tiếng và hot trên các diễn đàn du lịch ra sao, mà là câu chuyện phía sau nó, về lịch sử, văn hoá địa phương, những con người tôi gặp và ở những trải nghiệm có thật đã trải qua. Bởi thế, mỗi khi đến một nơi nào đó, tôi sẽ đọc đâu đó câu chuyện lịch sử (Lẽ ra đọc trước khi đi thì sẽ hiệu quả hơn như việc học bài trước khi lên lớp vậy) và trải nghiệm cuộc sống địa phương thật nhiều.
Mấy ngày chúng tôi nói rất nhiều về công việc, tình yêu, cuộc sống, về sự thay đổi, về những bài học. Có lẽ 4 đứa “nghèo” và non nớt hồi đại học, sau những chật vật đủ kiểu sẽ chẳng bao giờ ngờ được mình có thể đi được những hành trình dài đến vậy. Bởi thế, ở thành phố đầu tiên đặt chân đến khi đến Đức, “trung tâm thật sự của đời sống Đức”, tôi sẽ nhớ dến Nuremberg nhiều hơn với những giấc mơ.
Cám ơn bạn đã đọc đến đây. Nếu bạn thấy thú vị và bổ ích hãy chia sẻ với bạn vè và đừng quên theo dõi qua Email để không bỏ lỡ những bài viết mới trên Blog. Bạn có thể để lại bình luận để cho mình biết nội dung nào bạn đang quan tâm, cũng như để lại email để mình gửi cho bạn những tài liệu hữu ích.
Theo dõi Fanpage để nhanh chóng cập nhật bài viết và chia sẻ mới nhất: https://www.facebook.com/Violetstoryblog
- 💎Bạn có thể ủng hộ để Blog được duy trì bằng nhiều hình thức tại Donation
- 📝Những bài viết khác cùng chủ đề trên Blog tại Learning and Growing
- 🎨Instagram: https://www.instagram.com/phuong.anh.violet/
- 📚Bookstagram: https://www.instagram.com/vitamin.books/
- 🍀Self-help Instagram: https://www.instagram.com/_smallstepseveryday_/
- 📻 Podcast: https://podcasters.spotify.com/pod/show/smallstepseveryday
- 📽 English blog: www.phuonganhviolet.com
- 🔖Facebook: https://www.facebook.com/Violetstoryblog
- 💌Email: hi@callmeviolet.com
- 📱Sách và món đồ hữu ích mình dùng: https://phuonganhviolet.koc.asia/
Tham khảo: