Dạo gần đây, mình có cơ hội nói chuyện với các bạn sinh viên để chia sẻ và hướng dẫn các bạn về hành trình apply học bổng du học. Mình luôn nhấn mạnh rằng, mọi con đường hãy bắt đầu từ chính động lực và mục tiêu của chính mình. Nhưng sau khi mình có một bài “diễn văn” vô cùng “hùng hồn” về khám phá và thấu hiểu bản thân rồi để các em về tự viết bài luận cá nhân thì phần lớn các em đều nhắn tin nói rằng, em cảm thấy lạc lối và hoài nghi về mục đích cuộc đời mình. (Đọc xong những lời tâm sự này chị cũng thấy hoài nghi luôn về trình độ diễn văn của chị).

Khi cố lục lọi lại quá khứ mình đã trải quá ở tuổi các em thì mình nhận ra khi ấy mình cũng lạc lối, và nhiều bạn bè của mình cũng vậy. Cái mà người ta nói là khủng hoảng tuổi 20.

DSCF0836-01

Ai là nguời không bao giờ lạc lối?

Hoang mang, không biết phải làm gì, không biết đi hướng nào luôn là một cảm giác đáng sợ. Nhưng khi nào mà ta không bị lạc lối?

  • (1) Khi mình chỉ ở trong nhà chẳng đi đâu?
  • (2) Khi mình chỉ quẩn quanh ở những địa điểm quen thuộc và vùng an toàn?
  • (3) Khi mình phụ thuộc đi theo sự dẫn đuờng của nguời khác?
  • (4) Khi mình biết tự tìm ra huớng đi cho mình truớc khi hoảng loạn?

Và có lẽ chúng ta luôn muốn trở thành nguời thứ 4. Nhưng biết tìm đường là kỹ năng không phải tự nhiên mà có, và có lẽ truớc đó họ đã phải lạc lối cả trăm lần. Nhưng làm thế nào để biết tìm đường thì chỉ có cách học và thực hành. Nếu không, mình phải chấp nhận là kiểu nguời số 1, số 2, không đi đâu bao giờ thì không đi lạc. Nếu ta không may mắn tìm được người sẵn sàng cho mình bám víu để là người số 3 nhưng cơ bản thì làm người phụ thuộc cũng đâu vui vẻ gì, vì có độc lập mới có tự do, tự do thì mới có hạnh phúc. Cái giá của sự độc lập, tự do, hạnh phúc cho bản thân mình là bao nhiêu?

DSCF7234

Con đường của sự trưởng thành

Mình vừa đọc một cuốn sách mang tên “Chiêm tinh học theo góc nhìn tâm linh” của tác giả Per Henrik Gullfoss. Trong sách nói rằng có một chiếc bản đồ, hay tìm một người dẫn đường là chưa đủ, bởi cuối cùng bạn vẫn phải là người tự bước đi trên chính hành trình của mình, chẳng ai có thể đi cùng để dẫn đường cho bạn mãi.

Hành trình của sự trưởng thành không có hề có một cái đích đến rõ ràng. Chỉ là trong mỗi giai đoạn, chúng ta biết mình cần làm gì, leo lên những bậc thang nào. Chúng ta ở mỗi vị trí khác nhau lại có một góc nhìn khác, và những mong cầu khác. Bởi thế mới nói, kế hoạch của ngày hôm nay đơn giản chỉ là những điều chúng ta đã biết. Khi chúng ta thấy nhiều hơn, biết nhiều hơn, kế hoạch và mục tiêu, nói cách khác là ước mơ của chúng ta cũng sẽ lại khác đi. Bởi thế mà chúng ta hãy không ngừng trau dồi, nâng tầm bản thân, bởi vì ở vị trí cao hơn, chúng ta sẽ nhìn thấy nhiều điều hơn.

 “Hãy làm những việc nâng tầm giá trị bản thân, bất cứ khi nào bạn có thể.”

Hành trình trưởng thành rất dài và chúng ta chẳng thế biết ngày mai sẽ ra sao, và chúng ta phải chấp nhận, dù thế nào mình cũng phải là người tự bước tiếp. Bởi vậy, thay vì lo lắng và sợ hãi, chúng ta cần học cách sẵn sàng.

AFDA2C88-C155-4BA6-B5F1-25C80C27DA43-2281-00000034446799D2

Chẳng có một con đường giống nhau, đừng so sánh mình với người khác

Trong cuộc sống, đôi khi những lời khuyên đưa ra sẽ chỉ làm vấn đề thêm rối ren nếu người ta không thực sự thấu hiểu. Con người không phải một sản phẩm có tiêu chuẩn, phải đi theo một quy trình được đặt trước. Bởi thế mà có thể bạn sẽ không thích con đường mà người khác từng đi (Nếu mình thích và có thể làm theo được, mình đã không cảm thấy lạc lối). Chỉ vì người khác đang đi con đường của họ, và họ có vẻ đang ổn, điều đó không là lý do để bạn bạn phải chọn con đường tương tự để đi. Bạn có thể ngưỡng mộ, có thể học hỏi từ họ, nhưng chúng ta cần hiểu rằng chúng ta có xuất phát điểm khác nhau, sở thích, lối sống, mục tiêu khác. 

 Khi chúng ta hoàn toàn không biết bản thân nên làm gì, cần phải làm gì, thậm chí cũng chẳng biết mình thích gì, thì đừng hối hã ép bản thân một làm điều gì đó thật sự hoành tráng, hào nhoáng chỉ để thể hiện rằng mình cũng làm được như ai đó. Thay vì vội vã, mình muốn dành nhiều thời gian để hiểu hơn về bản thân, hiểu mình thích gì và có thể làm được gì. Thay vì hối hả chạy theo những điều hào nhoáng bên ngoài, ta cứ chầm chậm theo nhịp bước của chính mình.

IMG_4172-01

 Bạn có thể đi chậm, nhưng đừng bao giờ dừng lại. Mỗi ngày tiến lên một chút, bạn sẽ bất ngờ với những thay đổi và ngạc nhiên với kết quả mình thu được.

Liều lĩnh tiến về phía trước

Mình thích những trải nghiệm. Có những việc mình bắt đầu, chẳng phải lý do gì cả, nhưng chỉ có thử mới biết. Như khi lạc lối không biết đi đâu, thay vì đứng yên, ta liều lĩnh tiến về phía trước. Chúng ta đều có bộ óc phán đoán và trái tim chúng ta biết mình muốn thuộc về đâu, và chắc chắn nếu đang cảm thấy không ổn, thì đứng yên, dù cảm giác an toàn thật nhưng đó cũng chẳng phải một giải pháp tốt.

Dù ai trong đời cũng muốn bình yên, nhưng đi qua những u tối mới có thể nhìn thấy ánh sáng, ta chẳng thể ngồi yên mà cầu mong cuộc đời dịu dàng hơn với mình, chẳng thể ở một chỗ mà đợi thành tựu đến. Dù thế nào thì chúng ta vẫn phải chật vật tìm lối đi cho mình để tiến về phía trước mà thôi. Rồi mình nhận ra thất bại cũng chẳng sao cả, thất bại nhiều lần chỉ khiến bản thân thêm rắn rỏi. Vậy nên, đừng sợ hãi mà hãy đón nhận mọi điều mà cuộc sống này mang lại.

“Nếu bạn đủ can đảm bỏ lại mọi thứ quen thuộc và dễ chịu và bước vào cuộc hành trình đi tìm sự thật, dù là bên ngoài hay bên trong, và nếu bạn thực sự sẵn sàng xem mọi thứ xảy đến với bạn trên hành trình ấy là một gợi ý, chấp nhận mỗi người bạn gặp là một người thầy và trên hết, nếu bạn sẵn sàng đối mặt và tha thứ cho những sự thật khó chấp nhận về bản thân, thì bạn sẽ luôn thấy đưcọ sự thật.”

_ Ăn, cầu nguyện và yêu.
IMG_6891-01

Nguyên lý đèn cảm ứng

Mình đã từng viết về nguyên lý đèn cảm ứng trong một bài Blog về chuyện làm nghiên cứu của mình. Đai loại về nguyên lý này là đèn cảm ứng ở các lối đi thường tắt và sẽ chỉ chiếu sáng con đường phía trước khi có ai đó bước đến đứng ở một khoảng cách nhất định. Cuộc sống của chúng ta cũng vậy. Đôi khi tưởng chừng như phía trước thật mù mịt, chúng ta chẳng biết đi đâu, nhưng khi bạn bước đến một vị trí đủ gần, tự nhiên ánh đèn sẽ vì bạn mà phát sáng. Nó sáng bất ngờ. Cơ hội nằm sau những điều mơ hồ ở tương lai mà chúng ta không thể biết trước. Nhưng với điều kiện chúng ta phải tiến đến một vị trí đủ gần.

IMG_4210-01

Lạc lối không phải là chuyện của riêng ai

Tự nhiên mình nhớ đến cuốn sách “Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối” của nhà văn từng đạt giải Nobel Văn học – Patrick Modiano. Sao ngày xưa đọc cuốn này không thấy hay lắm mà giờ thấy ngấm thật. Trong sách có tâm tư của nhân vật nhưng là nỗi niềm chẳng của riêng ai.

 “Tôi cảm thấy nỗi hoang mang vẫn thường xuyên xâm chiếm con người tôi vào ban đêm và còn mạnh hơn cả nỗi sợ – cái cảm giác kể từ nay mình chỉ dựa được vào chính mình, không biết trông đợi vào đâu nữa”.

“Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối”, Patrick Modiano

Mỗi người có một con đường riêng chẳng giống ai, bởi thế điều duy nhất mình có thể chia sẻ với những ai đã và đang cảm thấy lạc lối đó là lạc lối là cảm giác mà nhiều người từng trải qua để bạn  bớt cảm thấy đơn độc.  Sẽ có những quảng đời, không chỉ tuổi 20 ta cảm thấy chông chênh, lạc lối, vô định. Mình muốn gửi tới bạn những hi vọng, dũng cảm đi về phía trước, dù bạn có thấy mơ hồ và không rõ đích đến, dù bạn đang rất mệt mỏi trên hành trình với nhiều khó khăn, chỉ cần một vài bước nữa thôi, biết đâu “chiếc đèn cảm ứng” của bạn sẽ bừng sáng lên soi sáng cho con đường của bạn, và có thể cả những người đi sau bạn nữa.

Cám ơn bạn đã đọc tới đây, đừng quên theo dõi qua email để không bỏ lỡ những bài viết mới trên Blog.

Theo dõi để nhận Newsletters

Theo dõi Fanpage để nhanh chóng cập nhật bài viết và chia sẻ mới nhất: https://www.facebook.com/Violetstoryblog