Chúng tôi vẫn thường thắc mắc, tại sao Anh là một hòn đảo mà đồ hải sản lại đắt đến như vậy. Ngoài cá Haddocks hay Codfish mà chúng tôi vẫn thường ăn trong món Fish & Chips ra thì hải sản nào cũng đắt. Một miếng cá hồi bé xíu trong siêu thị cũng giá 3 bảng. Không hề thấy xuất hiện những con tôm sú to bằng bàn tay tươi rói, thay vào đó chỉ có tôm bóc nõn trắng ngần đông đá. Cua/ ghẹ lại càng không thấy trong những siêu thị tôi vẫn đi. Lần duy nhất tôi được ăn hải sản với món hàu nướng pho mai là tết ở Leeds, anh Dũng mua ở chợ hải sản. Mấy tháng ở London, cảm giác như thiếu vị của biển, mọi người đều ngóng đợi một bữa hải sản hoành tráng, nên chúng tôi đã quyết định, đi chợ cá Billingsgate.

Ngày 4/6/2019

Cả nhóm Chevening Việt Nam ở London sắp xếp được một lịch tương đối đông đủ để tổ chức một bữa hải sản thịnh soạn. Sau khi xem xét lịch học của mọi người cũng như khả năng dậy sớm để đi chợ vì chợ Billingsgate mở cửa từ 4h đến 9h sáng, tôi và Thư cùng chị Bina nhận nhiệm vụ này.

Phải quyết tâm cao độ lắm, tôi và Thư mới ra khỏi nhà được từ 5h. Mùa hè, mặt trời lên từ sớm, trời đã sáng rõ nhưng đường đi hơi vắng. Cả thành phố còn chưa thức dậy. Hai chúng tôi đi vòng ra khu phố phía sau ga Kingcross bắt xe bus vì tàu địa ngầm chưa chạy. Nhà bị Bina ở phía đông London, gần chợ nên đến sớm hơn. Chị phải đợi chúng tôi một lúc lâu.

billingsgate market
Cửa chợ cá Billingsgate

Billingsgate là chợ cá cung cấp hải sản cho cả thành phố London đã có tuổi đời hơn 300 tuổi. Chợ trước đây có tên là Blynesgate hay Byllynsgate trước khi được đặt tên là Bingllingsgate như bây giờ. Có nhiều giả thiết về tên gọi này, ví dụ: Billingsgate lấy theo tên “Billing” của người chủ sở hữu khu vực vùng cửa sông phía nam thành phố nơi nhập hàng hóa khi xưa. Trước đây, Billingsgates là khu vực buôn bán ngô, rượu, sắt, than, muối, gốm sứ, cá và nhiều mặt hàng khác. Cho đến thế ký 19, chợ mới trở thành khu chuyên bán hải sản và trở thành chợ cá lớn nhất thế giới. Giữa thế kỷ 19, hải sản vẫn được bán trong các quầy tạm, nhà kho xung quanh bến tàu khu vực Billingsgate. Đến khi số lượng thương nhân tăng đáng kể, năm 1850, một ngôi chợ chính thức có mái che mới được xây dựng ở phố Lower Thames Street. Đến năm 1982, chợ Billingsgate được chuyển sang Dockland, Isle of Dog, ngay cạnh khu tài chính Canary Wharf.

Canary Whaf
Một góc khu tài chính Canary Wharf ngay cạnh chợ cá Billingsgate. Tôi thích “chiếc ô” này vì nó nhìn giống 1 công trình chúng tôi từng thiết kế và xây trong một dự án cộng đồng.

Trên đường từ bến xe bus vào chợ cá Billingsgate, chúng tôi đi qua nền đá sáng loáng trong các tòa nhà cao tầng khu tài chính sầm uất bậc nhất thế giới. Chẳng mấy chốc đã thấy mình đi bước trên nền ẩm ướp, tanh mùi cá của khu chợ Billingsgate. Ngoài kia thành phố còn đang ngủ nhưng khu chợ đã ồn ào, tập nập người bán người mua. Hải sản xếp la liệt. Những người bán hàng đều mặc áo trắng. Chúng tôi đi một vòng, để quyết xem sẽ mua món gì. Ngoài những đồ còn tươi sống, chợ cũng có rất nhiều đồ đông lạnh, đóng gói như trong siêu thị với số lượng lớn.

Đầu tiên chúng tôi chọn một con cá hồi. Nếu như trong siêu thị, một lát cá hồi bé 300g có giá hơn 3 bảng, thì ở đây, ở đây con cá hồi 3kg có giá 16 bảng. Anh bạn bán hàng người gốc Ấn Độ rất vui tính. Khi tôi hỏi anh có thể giúp chúng tôi căt con cá ra được không, anh lại từ chối.

  • Chúng tôi không làm cá ngay tại chợ. Nếu ngại làm các bạn có thể mua phi lê cá làm sẵn.

Trong chúng tôi chưa có ai từng làm cá, lại còn là con cá còn to như thế này. Chúng tôi lưỡng lự, nhưng nếu mua phi lê làm sẵn thì không được tươi, và không còn được giá tốt nữa. Cuối cùng, Thư thở dài, nhận nhiệm vụ xử lý con cá 3kg thành những miếng phi lê nhỏ.

Chúng tôi lại đi thêm một vòng, mua 2 túi mussels. Khác với anh bạn Ấn Độ, người đàn ông bán mussels dường như khó tính và ánh mắt của ông khiến tôi nghĩ “ông ấy không ưa mình”. Ông bỏ 2 túi mussels tôi muốn mua vào túi nilon, rồi đưa túi ra sau lưng, nhìn tôi chờ đợi đến khi tôi rút tờ 10 bảng ra khỏi ví. Đi một vòng, chợ có cả đồ tươi, lẫn đồ đóng hộp. Cũng chẳng biết có phải vì quý anh bạn Ấn Độ mà chúng tôi lại quay lại chỗ anh mua thêm mực và tôm. Anh bạn buổi sáng đông khách, đưa túi cho chúng tôi tự nhặt hải sản, chả cần giới thiệu sản phẩm, tư vấn cho chúng tôi như lúc mua cá hồi nữa. Đến khi chúng tôi gọi anh để trả tiền thì anh mới để mắt đến chúng tôi. Có vẻ như anh ấy trái ngược hoàn toàn với người đàn ông bán Mussels chúng tôi vừa qua.

Đầy một giỏ hải sản, chúng tôi xếp đồ vào giỏ chị chợ kéo của chị Bina rồi bắt đầu rời Billingsgate để đi về nhà để chuẩn bị bữa trưa. London dường như vẫn còn chưa tỉnh giấc. Hôm nay là ngày làm việc, trung tâm Tài chính Canary Whaft phải rất đông. Thư vẫn thường đùa tôi “Đây là nơi tập trung những anh đẹp trai nhất London”, đơn giản vì dân văn phòng tất nhiên ai nhìn cũng bóng bẩy trong bộ suit và giày da bóng lộn. Nhưng thế thì có ích gì giờ này, 3 đứa đang kéo làn đi chợ. Tất nhiên là phong cách đi chợ buổi sáng style “lọ lem” và dù hoàng tử có đi qua chốn này thì tôi cũng chả dám bỏ đôi giày vừa bước từ chợ cá ẩm ướt ra để chàng nhặt.

Canary Wharf, London, UK

Canary Wharf nằm bên bờ nơi con sông Thame uống cong, tạo thành một “bán đảo” gọi là Isle of Dog. Khu vựa này được xây dựng từ xưởng sửa chữa tàu thuyền của miền Tây Ấn Độ trước đây, nơi mà các tàu thuyền khởi hành đi đến vùng biển Caribbean. Sau khi xưởng này đã bị hủy bỏ, vào năm 1981 người ta bắt đầu làm nơi này trở thành một Trung tâm thương mại quan trọng. Không phải nơi nào ở London đã vốn hào nhoáng và đẹp đẽ. Nhưng cái hay của thành phố này là biến những nơi xập xệ, đổ nát thậm chí tệ nạn thành những trung tâm tài chính, điểm sáng tạo. Khi được nghe về lịch sử của khu Kings’ Cross St Pancras thân thương gần nhà tôi, tôi cũng chả tin nổi nơi đó từng là phố đèn đỏ, và đầy tệ nạn, trộm cắp. Giờ đây, Kings’ Cross là nơi đặt trụ sở của Google và trung tâm sáng tạo của Samsung. Khu quần thể sáng tạo bên bờ Regent Canal này chỉ vừa mới được cải tạo xong cuối năm 2018.

Các tổ chức tài chính đặt trụ sở tại Canary Wharf bao gồm Credit Suisse, HSBC (một trong những tòa nhà cao nhất nước Anh), Citigroup, Morgan Stanley, Bank of America và Barclays; công ty kiểm toán KPMG. Ngay cả các công ty truyền thông lớn có trụ sở chính ở đây như The Daily Telegraph, The Independent, Reuters (tòa nhà nổi bần bật với hàng chữ chạy tin liên tục, thấy ngay khi ra khỏi bến tàu) và Daily Mirror… Theo lời kể của Thư – một fan truyện Conan, thì ở đây bạn cũng tìm thấy những tòa nhà nổi tiếng từng xuất hiện trong truyện như tòa nhà Gherkin, The shard, Sky Garden (nếu đến London, đừng quên book vé miễn phí thăm Sky Garden nhé). Không chỉ có văn phòng, nơi đây còn được quy hoạch với nhiều nhà ở, khu mua sắm, ăn uống.

Sau này, khi chuyển nhà đến Surrey Quays, chỉ cách Canary Wharf 1 ga tàu, tôi mới có dịp đi bộ chậm rãi dưới những tòa nhà chọc trời, đi dưới tầng trệt của những toàn nhà và đi giữa những con người mặc đồ đen bước luôn vội vã. Nơi này mang cho tôi cái cảm giác xa lạ của một thế giới mà tôi không bao giờ thuộc về.

Về đến nhà, ba đứa cất đồ rồi chuyển sang đi Tesco mua nguyên liệu chế biến. Chúng tôi bỏ bữa sáng và cũng bỏ qua bước ngủ bù cho lúc dậy sớm. Thực lòng, tôi không thích ăn hải sản. Sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng rất nhiều sản hải, mẹ luôn muốn chúng tôi ăn tôm cua hàng tuần để bổ sung i-ốt, nhưng tôi không thích mùi tanh của cua cá. Nếu ăn những con vật ở dưới nước, tôi chỉ thích ăn những con mở nắp như ngao sò. Hồi ở nhà, mỗi lần hải sản, mẹ tôi đều làm sẵn. Thậm chí, ăn cua, bố mẹ tôi sẽ bóc sẵn thịt cua, bỏ vào bát tôi mới chịu ăn.

Tuy vậy, tôi vẫn nghĩ cuộc sống du học có thể biến tất cả cậu ấm cô chiêu, “cành vàng lá ngọc” thành “dây khoai lang, lá rau muống”. Đây đúng là một kỳ tích trong đời, tôi tự tay chế biến hải sản. Công đoạn quan trọng nhất là xử lý con cá hồi, món chính trong bữa trưa của chúng tôi. Thư ngâm cứu video hướng dẫn làm cá hồi của Golden Ramsey trên Youtube rồi thở dài. Vấn đề là đây là cả cái tủ đồ của chúng tôi có duy nhất 1 con dao sắc đó là dao gọt hoa quả. Thư làm rất đúng hướng dẫn và vừa cắt vừa lẩm bẩm “Làm xong chắc em không dám ăn nữa luôn”. phần phi lê cắt nhỏ xếp vào đĩa, còn phần xương và đầu cá cho vào nồi linh làm nước lẩu.

20190604_120644
Và đây là thành quả

 Tôi làm mực, mussels. Mussels cũng giống như ngao, không quá khó khăn. Đến con mực, lúc tôi bắt đầu rút túi mực ra khỏi ống, mực đen bắn tung tóe ra bếp. Cũng may chị Bina thiện lành của tôi có sở thích bóc tôm, để tôi có thể dừng bước sơ chế sang bước chế biến, nhẹ nhàng hơn với mình.

Một lúc sau, chị Huyền đến phụ trách làm tất cả các loại rau củ quả. Chúng tôi đùa nhau rằng có thể mở một nhà hàng với những chuyên môn rõ rệt. Xương cá hồi tôi ướp với gừng rồi bỏ vào nồi cơm điện tôi mang từ Việt Nam sang để làm lẩu. Bữa này chúng tôi có món lẩu cá hồi với mực, tôm nấu với sốt chanh, và mussel hấp cần tây và rượu vang. Một bữa thịnh soạn nhất trong các chúng tôi từng được ăn từ khi sang Anh. Cũng chẳng mấy khi được ăn cá hồi tươi thoái mái như vậy, mọi người cũng thử một vài miếng cá hồi sống Sashimi.

20190604_114807
Bữa ăn no nê nhất trong suốt mùa du học
20190604_114945
Đây là món Mussels hấp với rượu vang và cần tây

Chúng tôi chiếm trọn căn bếp của tầng từ sáng sớm đến chiều muộn. Chỗ hải sản ăn mãi không hết. Tôi lại cho gạo vào nồi cơm điện với nước lẩu còn thừa buổi trưa để nấu cháo cá. Thư bỏ chỗ cá hồi còn lại vào nướng trong lò thành món cá hồi nướng. Chị Bina chiều đi có việc, chiều quay lại ăn bữa tối mua thêm sữa để chúng tôi làm sữa tươi trân châu đường đen. Vậy là cả ngày hết có ba mươi bảng mà 8 đứa ăn ăn no lặc lè từ sáng đến tối.

Sau một bữa tối no nê, chúng tôi đi bộ ra khu Coal Drops Yard để tiêu cơm, cũng như một cách dã ngoại. Bước ra khỏi nhà mới thấy mình toàn mùi cá. Mấy đứa ngồi bên bờ kênh Regent Canal để ngắm hoàng hôn xuống. Bãi cỏ còn ẩm ướt sau một cơn mưa. Trời đẹp, có Cider, Snack và bạn hiền, còn gì chill hơn. Những ngày tới, chính tại đây sẽ có những buổi chiếu phim ngoài trời (London Outdoor Cinema). Đó hẳn là một trải nghiệm rất lãng mạn, khi mọi người có thể mua snack, đồ uống đến, ngồi cùng nhau thưởng thức những bộ phim kinh điển dưới bầu trời London. Đã bảy giờ tối nhưng trời vẫn còn xanh trong. Mùa hè ở London đã đến rồi.

Coal Drop Yard
Coal Drop Yard bên dòng kênh Regent

Nhưng rồi đến giờ tôi vẫn tiếc, tôi đã không có được một buổi thưởng thức chiếu phim mùa hè ở London.

Những bài viết khác về trải nghiệm ở nước Anh. 444 days in UK

Cám ơn bạn đã ghé qua Blog. Hãy nhấn Subscribe để không bỏ lỡ những bài viết mới nhé

[jetpack_subscription_form show_subscribers_total=”false” button_on_newline=”false” custom_font_size=”16px” custom_border_radius=”0″ custom_border_weight=”1″ custom_padding=”15″ custom_spacing=”10″ submit_button_classes=”” email_field_classes=”” show_only_email_and_button=”true”]