Perido Drama

*Period drama: những bộ phim lấy bối cảnh một giai đoạn lịch sử xác định. Trong đó, khung cảnh, trang phục, đạo cụ được phục dựng để khắc họa những đặc trưng của văn hóa, cuộc sống con người giai đoạn đó.

Nếu bạn hay xem phim Trung Quốc thì Period drama cũng là kiểu phim cổ trang. Nhưng bài viết này mình sẽ nói đến 5 bộ phim Anh – Mỹ khắc họa giai đoạn những năm 1800s, mà trong đó hình ảnh người phụ nữ vô cùng mạnh mẽ, vượt xa những khuôn mẫu của xã hội. Những bộ phim này đều được chuyển thể từ các cuốn tiểu thuyết cùng tên. Sau gần 200 năm từ khi những tác phẩm này ra đời, thế giới vẫn đang mải miết đấu tranh cuộc sống tự do cho người phụ nữ, một mơ ước mà những tác giả đã thể hiện qua ngòi bút của mình.

Những bộ phim mình giới thiệu dưới đây đều là tác phẩm chuyển thể mới nhất. Do đó, so với các tác phẩm điện ảnh cùng nội dung khác, những bộ phim này đã cập nhật những công nghệ làm phim đương đại, hình ảnh sắc nét, màu phim trong sáng, trang phục và trang điểm của diễn viên rất đẹp và vẫn giữ nguyên những đặc trưng của thời kỳ.

Nói về người phụ nữ cuối thể kỷ 18 đầu thế kỷ 19, có lẽ sẽ là một thiếu sót lớn khi không nhắc tới nữ văn sĩ người Anh Jane Austen (1775 – 1817). Jane Austen là một trong số những nhà văn có nhiều ảnh hưởng nhất và được trọng vọng nhất trên văn đàn nước Anh bởi văn phong tuyệt kỹ, nghệ thuật dẫn chuyện và xây dựng nhân vật đầy bất ngờ, đi xa khỏi những khuôn phép thời đại. Hai tác phẩm tiêu biểu nhất mình muốn giới thiệu ở đây là Kiêu Hãnh và Định Kiến (Pride and Prejudice) và Emma.

Pride and Prejudice (2005)

Tác phẩm không thể vắng mặt trong danh sách này và nó hay đến nỗi khiến mình xem đi xem lại, đọc truyện, nghe lại audio. Cuốn tiểu thuyết không chỉ hay về nội dung mà ngôn từ của Jane Austen vô cùng chau chuốt. Đôi khi bạn sẽ thấy nó hơi “dài dòng, phức tạp”, người ta tỏ tình nói 3 từ là xong nhưng Mr. Darcy nói đến cả trang sách (xong bị từ chối), nhưng ý tứ rất mượt mà, hoa mỹ. “Kiêu hãnh và định kiến” được xuất bản lần đầu năm 1813. Và dù được viết vào đầu thế kỷ 19, từ những nhân vật trong “Kiêu hãnh và định kiến”, ta vẫn có thể thấy thấp thoáng họ trong cuộc sống ngày nay, bởi thời nào chẳng thế, có những điểm tương đồng về phụ nữ cũng như hôn nhân.

Janes Austen mở đầu câu chuyện bằng một nhận định rằng “Một người đàn ông có một số tài sản khá, ắt hẳn sẽ cần một người vợ”. Nói cách khác những cô gái gần nhà đang đến tuổi cập kê cũng đề muốn lấy những chàng trai giàu có. Chuyện kẻ về chuyện kiếm chồng của 5 chị em gia đình trung lưu Bennet sống ở miền quên nước Anh. Bà Bennet cũng tích cực mai môi, giới thiệu những cô con gái của mình, đặc biệt là 2 cô lớn (Jane và Liz) trong cách vũ hội.

Nhân vật chính của bộ phim là Elizabeth Bennet (Liz), cô con gái thứ hai của gia đình, thích đọc sách, thông mình và mạnh mẽ. Từ đầu đến cuối Jane đã khác biệt hoàn toàn so với những nhân vật nữ khác trong truyện. Elizabeth không bị ấn tượng bởi sự giàu có hay danh hiệu đơn thuần. Thay vào đó, cô coi trọng sự hiếu khách, cách cư xử tốt và đức hạnh. Chính bởi đề cao những giá trị này mà mà Elizabeth cũng là cô gái duy nhất trong truyện đã 2 lần từ chối lời cầu hôn của 2 anh chàng “có tiền”. Nhưng con người ta luôn nhận được những gì mình xứng đáng. Không những xinh đẹp, có học thức, còn mạnh mẽ, cuối cùng Elizabeth cũng cưới được anh chàng giàu nhất phim.

Phim khắc họa hình ảnh nhiều số phận người phụ nữ khác nhau. Ngoài Elizabeth, một nhận vật khác mình thấy ấn tượng trong phim đó là cô bạn thân Charlotte. Câu nói mình thấy ám ảnh nhất trong Phim Kiêu hãnh và Định kiến khi Charlotte nói với Elizabeth về chuyện cô vừa đồng ý cưới Collins và Elizabeth phản đổi là “… Everything I needs is a comfortable house and protection”.

Nhân vật Charlotte là hiện thân rõ nét nhất cho số phận phụ nữ trong xã hội. Phụ nữ không có nhiều lựa chọn cho cuộc sống của họ. Như Charlotte, để có một cuộc sống bình yên, cô phải vội vàng chấp nhận bất cứ lời đề nghị nào. Đối với nhiều phụ nữ, kết hôn, đó là sự cứu rỗi để có một cuộc sống thoải mái nhờ vào hạnh phúc mà người chồng có thể cung cấp. Dường như đó là lựa chọn duy nhất cho Charlotte bởi cô hiểu rõ bản thân mình, không có tiền, không xinh đẹp và cũng không thông minh như Liz.

Review truyện và phim chi tiết: Kiêu hãnh và định kiến (2005)

Emma (2020)

Tiểu thuyết EMMA của nhà văn Jane Austen được xuất bản năm 1815. Nhân vật EMMA quá “hiện đại” và táo bạo khi đặt trong bối cảnh miền quê nước Anh đầu thế kỷ 19. Điều đó thể hiện sự sáng tạo vượt qua những khuôn phép và định kiến thời đại của nữ nhà văn Jane Austen. 

Phim lấy bối cảnh tại ngôi làng nông thôn hư cấu Highbury và các điền trang xung quanh Hartfield, Randalls và Tu viện Donwell, và câu chuyện về những con người quanh Highbury. Nhân vật chính là Emma Woodhouse, một cô gái thông minh, xinh đẹp, giàu có, và được miêu tả “chưa từng trải qua bất cứ một nỗi buồn nào trong suốt 20 năm cuộc đời”. Emma là một nhân vật hoàn hảo, cô có tất cả mọi thứ mà người khác mong muốn, mọi người ở Highbury nhìn cô như một ngôi sao sáng.

Nhưng không vì thế mà Emma trở thành một nhân vật hoàn hảo, không tỳ vết. Suốt 2 tiếng bộ phim là câu chuyện trưởng thành có cả nụ cười và nước mắt của Emma. Tự tin, thông minh, quyết đoán và có phần nóng vội, bồng bột, Emma đã giúp người gia sư của mình kết hôn với người đàn ông giàu cô và rồi đến lượt cô bạn thân Harriod Smith. Chính từ đây Emma tạo ra những sai lần dở khóc dở cười, thể hiện nhược điểm một cô nàng trẻ tuổi, non nớt, chưa từng trải, không hiểu rõ tâm tư phức tạp của con người. Dù mọi người trong làng luôn nhìn Emma với ánh mắt đầy ngưỡng mộ mỗi lần cô bước qua, nhưng Emma có sự ghen tị với cô bạn hàng xóm khi thấy cô chơi đàn hay hơn, và Emma cũng mắc phải những sai lầm của sự kiêu ngạo. Đến một lúc, khi trái tim lần đầu rung lên, cũng là lần đầu tiên biết tương tư và biết đến nỗi buồn và nước mắt.
Cách biểu đạt của phim khá hiện đại so với các phim British Drama khác. Anya Taylor-Joy, chị đẹp đóng Queen’s gambit vào vai rất mượt. Sự sắc sảo, thông minh, quý phái thể hiện ra từ đôi mắt. Và cả nhân vật người cha của Emma, cũng đầy hài hước. Đoạn phim mình thấy hay nhất là khi hai người Emma nhận ra tình cảm của mình, chỉ từ ánh mắt thôi, chẳng nói gì mà khán giả như nhìn thấu lòng nhân vật. 

Phim cũng thể hiện sự phân biệt về giai cấp trong xã hội Anh. Ví dụ như thái độ của Emma đối với người phụ nữ lớn tuổi, nhiều chuyện và Mr. Marteen ở đầu truyện vì họ thuộc tầng lớp thấp hơn . Trái lại, chính cách cô yêu thương, và cố gắng tìm cho cô bạn Harriod đáng thương người chồng đẳng cấp và giàu đã thể hiện cách cô bảo vệ cho phẩm giá của những người yếu thế.

Becoming Jane (2007)

Đây là bộ phim về chính cuộc đời của Jane Austen. Nhân vật Emma hay Liz trong Kiêu hãnh và định kiến thể hiện cá tính và ước mơ về tự do của Jane Austen. Họ đều đam mê học tập, mang đầy khát khao thay đổi vị thế của phụ nữ. Họ không tìm kiếm một người đàn ông hay hạnh phúc của việc được làm một người vợ. Trái lại, họ biết rõ giá trị của mình và những điều mình muốn. Chỉ tiếc rằng, đến cuối cùng Jane Austen đã không thể đến người mình yêu như Liz và Emma.

Cuộc đời và chuyện tình của Jane Austen với chính khách Tom Lefroy người Ireland khi cong trẻ được khắc họa đầy lãng mạn. Bộ phim rất đẹp từ diễn viên tới từng cảnh quay, âm nhạc và hình ảnh đậm chất Anh. Jane là cô gái thông minh, học thức, yêu viết lách và cá tính. Cũng giống như Liz, Jane từ chối lời cầu hôn của chàng trai giàu có trong vùng và chịu sự trách móc của mẹ mình. Đây là đoạn phim khá “bế tắc”. Bởi mẹ của Jane đã sống một cuộc đời túng thiếu khi lấy một người chồng nông dân, đến cuối đời bà vẫn phải đi đào khoai tây, chăn lợn. Bà chỉ mong con gái mình có một cuộc sống tốt đẹp hơn khi lấy một người chồng có nhiều tài sản. Còn Jane vẫn mơ về một hạnh phúc như trong những trang sách và ước mơ có thể sống bằng ngòi bút của mình, một điều quá xa vời lúc bấy giờ.

Ngoài đời thực, Jane Austen chỉ được biết đến sau khi bà đã mất. Trước đó, những cuốn sách của bà được xuất bản dưới tên tác giả nam.

Năm 1795, ngay lần đầu gặp Tom Lefroy, trái tim của thiếu nữ bị lôi cuốn bởi sự lịch lãm của một chàng luật sư từ London hào hoa nhưng có chút kiêu ngạo. Tom Lefroy xuất hiện như mang ánh sáng đến với miền quê nghèo lạc hậu. Lần đầu tiên, có người nói với Jane về văn chương về sách vở, cùng nàng chạy trốn cả thế giới. Như hàng trăm câu chuyện tình giữa đời thường ngay cả ở giữa thế kỷ 21 “Khi còn trẻ, người ta không thể có cả sự nghiệp lẫn tình yêu”, huồng chi đó là thế kỳ 18. Tom phải chọn giữa Jane và sự nghiệp chính trường đang rộng mở phía trước, giữa cô gái mình yêu và gia đình chỉ có anh là chỗ dựa duy nhất. Đến khi tóc đã ngã bạc, không thể được nắm tay nhau chạy trốn thế giới, Tom chỉ có thể đặt tên con gái giống tên cô gái mình từng yêu, nhìn cô đặt bàn tay trên cuốn sách được xuất bản và được xã hội công nhận. Nhưng bàn tay ấy mãi thiếu một chiếc nhấn. Tuy đây không hẳn là một happy ending nhưng đó là một cái kết đẹp và trọn vẹn.

Không phải lọ lem nào cuối cùng cũng lấy hoàng tử, không phải ai yêu nhau cũng đến được với nhau nhưng quan trọng là họ đã yêu hết mình và làm tất cả có thể vì tình yêu ấy. Ngoài câu chuyện có thật về cuộc đời nữ nhà văn nổi tiếng, phim còn khắc họa những định kiến lên người phụ nữ trong xã hội xưa. Phim có rất nhiều tình tiết giống với “Kiêu hãnh và định kiến” và Elizabeth như chính là ước mơ Jane Austen khi được ở trong một câu chuyện tình có cái kết viên mãn.

Little Women (2019)

Một bộ phim không có gì để chê từ nội dung, hình ảnh, cảnh quay, trang phục, âm nhạc. Ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy poster phim với toàn những gương mặt đẹp không tỳ vết, mình đã tự nhủ rằng không đi xem không được. Đến Emma Wastson xinh như mộng thế còn đóng một vai khá mờ, thì diễn viên chính phải xuất sắc nhường nào. Cảm giác như từng câu thoại đều có thể trở thành quotes và từng khung hình screenshot cũng có thể post instagram. Bản Little Women 1994 cũng rất hay, diễn viên đẹp xuất sắc nhưng mình thích bản phim mới này hơn.


Little women là tiểu thuyết của nhà văn Lousia May Alcott viết năm 1868 kể về 4 chị em gái nhà March. Trong đó nhân vật chính là Jo, chị gái thứ 2 trong gia đình với tình cách mạnh mẽ và ước mơ trở thành nhà văn. Bốn chị em rất thân nhau và họ đều rất nhân hậu, sống với mục tiêu rõ ràng trong đời.

Phim đặt trong bối cảnh nước Mỹ, cuối thế kỷ 19, thời kỳ nội chiến. So với 3 tác phẩm trên, về tạo hình, trang phục, ngôn từ trong từng lời thoại đã hiện đại hơn. Về nhân vật trung tâm, Jo (Saoirse Ronan thủ vai) là cô gái thông minh và cá tính, cô rời xa gia định đến New York với ước mơ trở thành nhà văn. Cô cũng mang trong mình cái tôi thật lớn và bị tổn thương khi bị một chàng trai nói văn cô viết đã theo hướng thị trường. Trở thành nữ tác giả, không phải một điều dễ dàng. Có một đoạn phim cũng khá “bế tắc” giống như trong Becoming Jane, khi Jo phải thú nhận rằng cô muốn đi tìm tự do, cô quá mệt mỏi với việc cả xã hội này nói “phụ nữ chỉ có thể kết hôn hoặc chết trong nghèo đói” trong khi phụ nữ cũng có tâm hồn và những khao khát. Suốt những tháng năm một mình, cô chống đối hôn nhân, nỗ lực xây dựng cuộc đời độc lập. Nhưng đến giờ cô thực sự cô đơn, và giờ cô chỉ muốn quay lại để cưới cậu bạn thân từng bị cô từ chối. Dù có mạnh mẽ đến đâu, một cô gái cũng có lúc thấy yếu lòng trước những sóng gió.

Mỗi cô gái trong phim đều có một lựa chọn cho riêng mình. Meg (Emma Watson thủ vai) sớm tìm hạnh phúc bên chàng gia sư nghèo, và đến lúc cô không thể mua một tấm vải may chiếc váy cô thích. Nhưng đó là lựa chọn, Meg chỉ mơ ước một gia đình yên bình. Hình ảnh của Meg thể hiện thông điệp nữ quyền một cách trọn vẹn và sâu sắc hơn. Ước mơ dù nhỏ bé hay lớn lao thì đó vẫn là hạnh phúc của một thiếu nữ.

“Ước mơ của chị khác em nhưng không có nghĩa là nó không quan trọng”.

Meg nói với Jo trong ngày cưới.

Amy (Florence Pugh thủ vai), con gái thứ ba trong gia đình, lại trái ngược với Meg. Cô có mơ ước làm họa sĩ nổi tiếng ở Paris, tin chắc mình phải kết hôn với người giàu có để thay đổi cuộc sống của cả gia đình. Còn Bett là cô gái nhân hậu, hi sinh vì người khác nhưng sức khỏe không tốt.

Hơn 100 năm trước người ta có thể viết được câu chuyện mang thông điệp rất “hiện đại”. Bình đẳng giới, nữ quyền người ta nói vài trăm năm về trước. Nhưng có lẽ điều ảnh hưởng nhất tới cuộc sống của những người phụ nữ chính là những điều mà những người mẹ nói với con gái mình. Mỗi cô gái đều có quyền lựa chọn “Đi về phiá mặt trời” hay “Cuốn theo chiều gió”.

Gone with the Wind (1939)

Có lẽ hơi khập khiễng khi để tác phẩm “Cuốn theo chiều gió” được làm năm 1939 vào danh sách này. Điều đặc biệt là dù cuốn tiểu thuyết của Margaret Mitchell có trở thành tác phẩm kinh điển của nền văn học Mỹ và bộ phim chuyển thể được lên hình chỉ 3 năm sau đó, nhưng sau gần thế kỷ, chưa một nàng thơ Hollywood nào vượt qua được tượng đài Vivien Leigh (1913 – 1967) để trở thành nàng Scarlett O’Hara. Bộ phim chiến thắng 10 giải Oscar và Vivien Leigh cũng nhận giải Oscar ở hạng mục “Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất”. Cho đến nay, đây vẫn là bản chuyển thể duy nhất của bộ phim này. Xét về màu phim, âm thanh, kỹ thuật điện ảnh, phim khá cũ. Mình xem ở rạp chiếu phim cổ ở London mà âm thanh rất chói tai. Nhưng xét về hình ảnh, trang phục, đạo cụ thực sự rất chau chuốt, diễn viên đẹp. Đặc biệt là những bộ váy của Scarlett O’Hara.

Về nhân vật nữ chính Scarllet, khi mình đọc truyện năm 2015, với suy nghĩ của một con người thế kỷ 21, thì mình không thể mê nổi nhân vật này. Cô ấy quá lụy tình và quá ích kỷ và kiểu hành động thiếu chín chắn. Vì yêu một ông anh họ mà đi lấy bừa 1 ông nào đó, rồi vừa mới cưới đã trở thành góa phụ. Sau đó cô ấy mấy lần kết hôn với người mình không yêu chỉ vì tiền.

Scallet là con gái đầu trong một gia đình Công giáo giàu có, tại một đồn điền tên Tara trong những năm trước nội chiến Mĩ. Một cô gái xinh đẹp, giàu có nhưng được nuông chiều, Scallet khá nông nổi và phù phiếm. Nhưng khó khăn mới có thể khắc họa rõ nét về phẩm chất của một con người mạnh mẽ và can trường và người phụ nữ khác biệt so với thời đại. Scallet ích kỷ nhưng đầy lòng bao dung, phù phiến nhưng cũng rất thực tế, và nổi bật hơn cả là nghị lực và tham vọng.

Hình ảnh mình ấn tượng nhất trong phim là khi Scallet lái xe ngựa trở về điền trang Tata đầy nắng gió, bụi mù và đất đỏ, cô một mình ra đồng đào khoai giữa đêm tối mịt mù sau chuyến đi dài và đứng lên nói với bản thân mình “Ta sẽ không bao giờ chịu đói một lần nào nữa” (I’ll never go hungry again!). Cô tiểu thư một mình chèo chống gia đình qua những ngày khó khăn của chiến tranh, dù bằng bất cứ giá nào. Cô gái yêu hết mình và cũng sống hết mình vì tình yêu cho dù phải làm những điều ngốc nghếch. Cô gái dám ngông cuồng chống lại những quy tắc của xã hội để hưởng những thú vui tuổi xuân xanh. Cô cũng bất chấp tất cả để đạt được điều mình muốn cho dù làm tổn thương người khác.

Có hàng trăm bài luận và luận văn thạc sĩ phân tích nhân vật Scarllet. Bao nhiêu mỹ từ cũng không thể miêu tả hết cái hay cái đẹp của một nhân vật đã trở thành biểu tượng của văn chương và điện ảnh. Xin kết lại những điều về Scarllet bằng một câu nói đầy nghị lực. Bước qua khổ đau, mất mát, người phụ nữ luôn xứng đáng với hạnh phúc của riêng mình

After all, tomorrow is another day.

Scarlett O’Hara

Và cuốn theo chiều gió cũng đã kết thúc top 5 period drama về những người phụ nữ mạnh mẽ mình đã chọn lọc. Còn những bộ phim nào hay mang thông điệp nữ quyền, bạn hãy gợi ý giúp mình xuống comment nhé.

Những bài review phim khác trên blog của mình: Review phim

Nguồn tham khảo: