Mùa hè là mùa của những lời tạm biệt và những buổi chia tay. Chúng tôi cũng đã tham dự Chevening Farewell vào tháng 7. Tôi vẫn nhớ những ngày mình ngồi ngắm ảnh London qua Instagram và cầu nguyện để đỗ học bổng Chevening. Thế mà, giờ tôi đã nhận khoản stipend cuối cùng, nhận bản tin Chevening cuối cùng và chính thức trở thành Chevening Alumni. Khóa Chevening mới cũng đã sang UK bắt đầu năm học.

67424840_2695382473808098_495231216950181888_o

Một vài người bạn trong nhà bắt đầu chuyển đi hoặc về nước. Chia tay với tôi là cảm giác buồn, lo và sợ. Đó là sự kết thúc của một giai đoạn để chuyển sang một hành trình mới. Nhưng những gì tôi có ở giai đoạn này quá bình yên, và tôi thực sự sợ khi phải rời xa nó.

Thực ra, không phải bây giờ chúng tôi mới phải nói lời tạm biệt với những người bạn cùng nhà. Chúng tôi chia tay anh Sang ngay tối trước ngày anh về nước. Hôm anh Sang có buổi biểu diễn tốt nghiệp, hai chúng tôi vinh dự được ngồi ghế hàng 2 (hàng 1 thì sát sân khấu quá), chính giữa sân khấu, nghe một vở nhạc kịch gồm nhiều trích đoạn ngắn. Trong đó, mỗi sinh viên sẽ đóng vai chính trong 1 trích đoạn để thể hiện sở trường của mình: nhảy hoặc hát.

20190517_153348
Buổi tốt nghiệp của diễn viên nhạc kịch tương lai 🙂

Mỗi người ta gặp trong đời đều vì chữ duyên và đều ảnh hưởng đến ta về một Phương diện nào đó dù ít hay nhiều. Anh Sang là một ông anh khó tính, miêu tả mọi thứ theo hướng “kinh dị hóa”. Hồi mới đến London, hai đứa còn lạ nước lạ cái, xong nghe ông anh kể chuyển “Ôi em có biết cảnh sát vừa phát hiện ra người chứa bom ở gần khu này không? Hôm ọ chỗ này có người bị giật đồ? Trên Oxford street có người bị tạt axit”.” Nhưng bù lại là người khiến tôi biết và tò mò về nhạc kịch, và khiến đôi có một đôi tai khó tính hơn. Từ đó trở đi, tôi nghe nhạc rất khó tính, tôi luôn tìm kiếm một cảm xúc qua giọng hát của ca sĩ, như lắng nghe một lời tâm sự thay.

Tối trước khi anh Sang về nước, hẹn chúng tôi ra SOHO ăn món Thái, cái quán anh giới thiệu là đã phát hiện ra nhờ những ngày đi với mấy người bạn Thái sang học nhạc kịch. Quán ăn nhỏ nằm trong một ngõ góc khu SOHO sầm uất. Phố lên đèn. Ăn xong, ba chúng tôi ra quảng trường Trafaga square ngồi dưới bức tượng đài phu nước Cupid và nhìn ngắm London về đêm. Anh Sang háo hức về nước để chuẩn bị cho dự án nhạc kịch của mình, một thể loại dường như còn quá xa lạ ở Việt Nam. Tôi hẹn anh một ngày vào Sài Gòn để tận mắt chứng kiến buổi biểu diễn đầu tiên. Chúng tôi ngồi ngoài phố đến đêm muộn, một ngoại lệ với tôi và Thư. Cũng may, đây là lần đầu tiên tôi gặp anh Sang mà trời không mưa.

20190131_225812

Tầng chúng tôi đã 2 lần chia tay 2 cô bạn, đều là người Mỹ, cũng đã có vài cậu bạn đến nhưng ở không lâu. Lần chia tay buồn nhất với tôi và Thư đó là với cậu bạn Trung Quốc. Hôm đó, gần ngày lễ Easter, tôi đang ở trường ngồi học, Thư nhắn tin cho tôi bảo ngày mai Trung Quốc sẽ chuyển đi. Tôi khá bất ngờ, và cũng buồn vì cậu ấy là người mà hai chúng tôi nói chuyện nhiều nhất. Cậu ấy học về phim, đam mê phim nên hay nói chuyện với Thư, cậu ấy thích nấu ăn nên cũng có thể nói chuyện với tôi. Tôi về nhà, ghé qua Waitrose, mua một quả trứng Socola quà Easter. Hai chúng tôi viết một tấm thiệp, và dán bức ảnh cả phòng chụp chung vào tấm thiệp đó, rồi hai đứa gõ cữa phòng Trung Quốc.

Nhưng chúng tôi không biết rằng, món quà của chúng tôi lại khiến cậu ấy thêm việc. Một lúc sau, Trung Quốc gõ cửa phòng 2 chúng tôi, và tặng mỗi đứa một con thỏ socola có đẹp chuông. Tôi đã giữ con thỏ đó rất lâu mà mãi chẳng dám ăn. Đến mùa Easter, dưới nhà có trứng Socola mini, tôi còn đem lên nhà để … hai con thỏ chơi. Đến một ngày, một chú thỏ biến mất. Thư đã ăn socola thỏ. Tôi hỏi “Trời ơi, tại sao em có thể cắn được con thỏ vậy nhỉ? Thế giờ là ăn tai thỏ trước hay chân thỏ trước vậy?”. Và tôi còn yêu thương con thỏ của tôi thêm mấy tháng nữa. Thư bảo “Chị không ăn nhanh hết hạn đấy”. Rồi cũng đến ngày tôi ăn chú thỏ của mình, ăn từ tai.

Mỗi khi một người bạn chuyển đi, tôi lại tiếc chưa nói chuyện được với họ nhiều. Dù lẽ ra chúng tôi đã có thể tâm sự nhiều hơn. Những ngày hè, mấy đứa trong nhà thường ra Russel Square ngồi để chia tay một người bạn trước khi chuyển đi. Tình bạn ở London có lẽ có vị Cider và Snack sweet chili, craker và có màu của hoàng hôn.

IMG_8256-01

Tầng chúng tôi cũng có một bữa tối trước khi mọi người về. Trưởng tầng người Đức hoàn thành xong luận án Tiến sĩ. Hôm cậu ấy về nhà, gặp tôi trong bếp, nói là vừa bảo vệ thành công, tôi bảo “Giờ tớ có thể gọi cậu là Tiến sĩ nhỉ?”. Cậu ấy cười, rất hiền. Trưởng tầng có lẽ là người ở ILSC lâu nhất trong số chúng tôi. Ba năm học Tiến sĩ, cậu ấy đã chuyển kha khá phòng, nhưng vẫn ở ILSC. Cậu ấy ban đầu ở tầng 3, nhưng vì có một lần, đang trầm ngâm nhìn ra ngoài cửa sổ, bỗng một người đàn ông ngoài phố quát ổng lên “Tại sao cậu nhìn trộm tôi”, và thế là cậu ấy chuyển lên tầng 5, phòng không nhìn ra phố nữa mà nhìn ra vườn nhà. Tôi vẫn nhớ khi ăn, cậu ấy rót rượu và nói “People come, people go”. Ba năm, trưởng tầng không còn nhớ được bao nhiêu bữa liên hoan chia tay đã trải qua. Cậu ấy còn kể về những tuần chỉ có một mình cậu ấy một tầng vì sinh viên cũ chuyển đi, sinh viên mới còn chưa đến. Cậu ấy cũng từng ở phòng chúng tôi cho rộng, trước khi chúng tôi chuyển vào.

IMG_8260-01

Rồi đến cô bạn Nam Mỹ, tiếp đến là cô bạn Ấn Độ. Đến hôm Ấn Độ chuyển đi, gặp tôi trong bếp, cô đưa cho tôi một tấm thiệp viết tay. Đó là cô bạn hiền và dễ thương nhát trong nhà. Hai chúng tôi thường chia sẻ sở thích ăn kem với nhau. Mỗi lần trời nóng, hai đứa gặp nhau lại hỏi “Ra siêu thị không?”. Mỗi khi thấy hàng kem ngon trên phố, cô ấy lại nhắn cho tôi. Sau này, khi chuyển ra ngoài ILSC, tôi còn hẹn Ấn Độ một lần khi hai đứa chuyển qua ở gần Greenwich. Ở trong nhà, mọi người đều biết hai chúng tôi thích ăn bánh ngọt, và chẳng bao giờ từ chối. Hôm cô bạn Ấn Độ có bánh Socola, nhắn tin bảo tôi “Tớ có rất nhiều bánh, cứ vào ngăn tớ để lấy nhé”. Có lần trưởng tầng mua bánh kem, mở ra đúng lúc hai chúng tôi đi vào bếp. Cậu ta cười một cách “nham hiểm”, rồi mời chúng tôi ăn bánh. Tôi hỏi, hôm nay là ngày gì sao? Cậu ấy trả lời “Ngày thấy deal giảm giá trên Too good to go“.

Vậy là cuộc sống ở ILSC vui là thế, thân thương là thế. Tôi không biết có phải khi đăng ký chúng tôi phải viết đến 4 bài luận và xin thư giới thiệu là để đảm bảo sự “thân thiện” và “dễ thương” của bản thân sẽ không làm mất đi truyền thống của ngôi nhà này. Mỗi lần có một cái ôm vội vã ở trước cửa trước khi chia tay bạn về nước, nghe tiếng bánh xe vali lộp cộp trên nền gỗ, tôi lại thấy có điều gì tiếc nuối.

Tròn một năm chuyển đến đây, ngay cả cái ngày đen đủi nhất là ngày hỏng máy sưởi giữa mùa đông, tôi cũng chẳng thấy có gì phải phàn nàn. Nhưng cuộc vui vào cũng đến hồi kết thúc. Và cũng đến ngày hai chúng tôi dọn nhà.

IMG_3125

Ngày 21/9/2019

Giữa tháng 9, khi nắng bắt đầu bớt chói chang, lá ngoài công viên chuyển sang màu vàng đậm hơn và gió lạnh về báo hiệu thu đã sang.  Đến trước ngày trả nhà, hai chị em dành cả ngày để dọn phòng, sắp xếp hành lý, mang một số món đồ cũ không dùng đến đi ra hòm đồ từ thiện. Tối hôm đó, hai chị em đeo hai ba lô nặng trĩu ra hòm quần áo ở Russel Square. Tôi mang đi quần áo quần áo cũ và bộ ga trải giường in hình hoa quả – bộ ga đầu tiên trong đời tôi tự chọn mua. Tất cả đựng trong chiếc ba lô màu vàng tươi mà tôi từng rất thích nhưng sau lần mất ví tôi không bao giờ dùng lại nữa. Chúng tôi mang cả cái đệm ngủ mua dịp lên Scotland chơi. Tôi muốn mang rất nhiều đồ về để làm kỷ niệm, nhưng hành lý quá cân nên tôi không thể mang về hết, tôi chỉ giữ lại những món đồ thực sự cần thiết cho 2 tháng ở lại.

Đi du học là khi cuộc sống của tôi chỉ gói gọn trong 2 chiếc vali tổng cộng nặng 40 kg. Tôi luôn tự nhẩm lại bài học trong cuốn sách “The life-changing magic of tidying up” của Marie Kondo, đó là chỉ giữ lại những món đồ mà khi chạm vào đó mình cảm thấy thực sự hạnh phúc. Khi bỏ đồ vào thùng, lòng tiếc nuối và sợ không biết có bỏ đồ gì quan trọng không. Nhưng khi đóng nắp lại, tôi thấy tay mình nhẹ bẫng. Có những người sẽ cần những món đồ đó hơn tôi, và dù tôi có tiếc nhưng có lẽ không gì là không thể buông bỏ. Trong bộ phim Up của Pixar, ông già Carl phải bỏ đi những kỷ vật của người vợ mà ông vô cùng thương yêu để ngôi nhà gỗ nhẹ đi và tiếp tục bay đến thác nước Thiên Đường. Tôi cũng cần làm nhẹ hành lý của mình để tiếp tục hành trình còn dài phía trước.

Hai chị em dọn dẹp, chuyển lại mấy đồ dùng nhà bếp như bát đũa, nồi cơm điện và mấy đồ dùng cũ cho Linh Ngư, cô bạn Việt Nam mới sang học và cùng ở ILSC. Chúng tôi chạy đi chạy lại đến tối mới xong việc. Sống tại căn nhà này hơn một năm, nhưng ngày cuối cùng ở ILSC cũng là lần đầu tiên chúng tôi thử chức năng bấm chuông gọi điện thoại lên nhà. Đang ở trong phòng, tôi nghe thấy chuông điện thoại, chạy ra nghe, thấy ai đó nói tiếng Anh nhờ mình ra mở cửa. Tôi lại tự hỏi, nhỡ có bạn mới mà mình chưa biết mặt, làm sao mình có thể mở cửa cho người lạ được. Cuối cùng, xuống đến nơi, tôi thấy Thư đứng ngoài:

  • Tại sao em tự nhiên lại nói tiếng Anh với chị?
  • Em xuống đổ rác, quên chìa khóa, không vào được nhà. Em cũng nghĩ đó là chị rồi, vì chiều chúng ta mới thử chức năng gọi điện này xong, nhưng giọng chị hơi khác nên em không chắc đành nói tiếng Anh.

Rồi chúng tôi lên nhà, cười suốt buổi tối. Một năm ở cùng phòng với Thư là một điều thật may mắn khi mỗi ngày về nhà tôi không thấy một căn phòng trống rỗng, mà luôn có người hàn huyên. Chúng tôi khá hợp nhau. Thư là người lên kế hoạch tuyệt vời cho tất cả những chuyến đi, chúng tôi tạo thành một đội ăn ý chuyên tổ chức những bữa liên hoan. Cũng bởi vì quá hợp nhau như thế, nhiều tối chúng tôi ngồi nói chuyện, mới được vài câu mà đã hết cả tối. Những ngày phải học để nộp bài, Thư thường lên thư viện trường cả đêm hoặc tôi sẽ xuống phòng ăn ở dưới nhà học bài để tránh mất tập trung.

Ở với Thư, tôi cũng học được rất nhiều điều, và cũng thay đổi rất nhiều. Tôi sống gọn gàng ngăn nắp hơn, giữ im lặng khi cần im lặng và tôn trọng bạn cùng phòng. Tôi thấy mình cũng bớt phàn nàn kêu ca, ít cáu gắt hơn. Tôi không biết nếu như tôi cáu gắt, nói nhiều thì có bị đuổi ra khỏi phòng không nhưng những điều tiêu cực đôi khi không cần phải chia sẻ, tôi cứ tự bỏ qua và quên đi. Chúng tôi chỉ nói về những chuyện vui, đôi khi bàn luận về một vấn đề xã hội. Thư cũng chỉ cho tôi nhiều điều mới mà tôi chưa từng hay biết, từ những điểm đi chơi, những món ngon, mấy bộ phim hay cả những kiến thức mới. Chúng tôi hợp nhau bởi cả những điểm chung và những điểm trái ngược. Chúng tôi đều thích ăn kem, thích bánh ngọt. Điểm khác nhau, tôi từ bé không quen ăn bơ sữa còn Thư thì ngược lại. Có những món ăn Thư giới thiệu tôi mới dám ăn thử và dần cảm nhận được vị ngon mà tôi chưa từng biết đến.

Sau hơn 1 năm, cuối cùng tôi cũng đứng lên ghế, lấy chiếc vali trên nóc tủ xuống để xếp đồ. Căn phòng áp mái màu da cam ấm áp bị cả hai chúng tôi bày ra suốt một năm qua giờ đã được dọn sạch sẽ và trống trơn. Ngày mai sẽ có hai người bạn mới chuyển đến căn phòng này, ngay sau khi chúng tôi rời đi. Hai đứa viết một tấm thiệp để cám ơn các cô và các bạn đã cho chúng tôi một mái nhà thật tuyệt vời trong 1 năm qua. Ngày mai, trước khi đi, chúng tôi sẽ bỏ vào phong bì cùng 2 chùm chìa khóa vào hòm thư chung của nhà.

My room

Mấy hôm trước, trong bữa liên hoan chào đón các bạn mới đến và chia tay những người sắp chuyển đi, một một cô bạn vừa chuyển vào và hỏi tôi rằng:

  • Cậu thấy cuộc sống ở đây thế nào?

Tôi trả lời mà chắc chắn đó là điều thật lòng nhất mà tôi từng nói:

  • Cuộc sống ở ngôi nhà này tuyệt vời tất cả những gì mình có thể kỳ vọng.

Hà Nội, ngày 28/3/2020

Tôi nhận được tin nhắn của Linh Ngư:

  • Nàng ơi, ILSC đã được bán cho một công ty về nhà ở cho sinh viên. Họ sẽ sửa lại toàn bộ thành studio và sẽ không còn các hoạt động, cuộc sống như cũ nữa. Tháng 6 này, tớ phải chuyển ra rồi. Sáng nào cũng là một buổi chia tay một ai đó, cả các bạn cũ và những cô từng làm việc ở đây cũng lần lượt rời đi.

Cả hai chúng tôi đều thấy tiếc, bởi một cộng đồng gắn kết, một nơi luôn tràn ngập tiếng cười và những yêu thương, nơi đã bao bọc chúng tôi những thàng ngày ấy sẽ chỉ còn trong ký ức.

Những bài viết khác về UK của mình: Nhật ký 444 ngày ở UK

Một thoáng London: Flickr by Phuong Anh Violet

IMG_3117