“Raya và thần rồng cuối cùng” là tác phẩm của Disney ra mắt khán giả vào đầu năm 2021. Như các tác phẩm quen thuộc của Disney, nhân vật chính của phim là một nàng công chúa, nhưng là nàng công chúa ngầu nhất trong tất cả các công chúa từng xuất hiện. Cô ấy với mái tóc đen, mày da ngăm, gan dạ, mạnh mẽ, giỏi võ thuật và mang trên vai sứ mệnh cao cả của cả vùng đất Kumandra.

Nội dung phim (Có chút Spoil)

Câu chuyện bắt đầu từ vùng đất thịnh vượng tên là Kumandra, nơi con người được những vị thần rồng linh thiêng bảo vệ. Đến một ngày, những linh hồn tà ác Druun kéo đến tàn phá xử sở, biến người dân thành đá. Những thần rồng linh thiêng cũng khó có thể chống lại sự tàn phá của Druun. Họ hợp sức lại, tạo ra viên ngọc linh thiêng. Chỉ còn một thần rồng Sisu mang viên ngọc linh thiêng, trục xuất Druun ra khỏi thế gian và hồi sinh dân chúng, nhưng không thể hồi sinh được thần rồng khác. Và Sisu chính là thần rồng cuối cùng.

Lúc này, dân chúng Kumandra nảy sinh lòng tham, họ tin rằng viên ngọc quý có thể bảo vệ, mang lại thịnh vượng cho vùng đấy riêng của họ. Những cuộc nội chiến kéo dài liên miên khiến vùng đất Kumandra bị chia thành 5 phần, nơi những bộ tộc tranh đấu lẫn nhau. Fang – Long Nha, Heart – Long Tâm; Spine – Long Cốt; Talon – Long Trảo, và Tail – Long Vĩ. Trong đó, dân tộc ở Long Tâm, quê hương của Raya bảo vệ ngọc quý.

500 năm sau, thủ lĩnh Benja của vùng đất Long Tâm, huấn luyện con gái của mình Raya trở thành người bảo vệ ngọc quý. Ông vẫn luôn tin tưởng về sự hòa bình giữa các dân tộc, và mong muốn Kumandra trở về như xưa, ông cũng truyền lại khao khát này cho Raya. Trong một bữa tiệc tại Long Tâm, mời tất cả các dân tộc đến, Raya kết bạn Namaari – con gái của thủ lĩnh Virana từ bộ tộc Long Nha. Vì quá tin tưởng Namaari, Raya vội vã chia sẻ với Namaari nơi cất giữ ngọc quý. Tại đây, Namaari lọ rõ bản chất, báo cho người của Long Nha đến cướp viên ngọc. Người của các vùng đất khác cũng kéo đến. Thủ lĩnh Banja và Raya không thể bảo vệ được viên ngọc. Sự dành giật, xâu xé khiến viên ngọc bị vỡ thành nhiều mảnh. Vì thế, Druun đã sống dậy, biến thủ lĩnh Banja và những người dân ở Long Tâm thành đá. Raya may mắn được cha mình ném xuống sông thoát chết vì ông biết Druun sợ nước. Những mảnh vở của viên ngọc từ đó thất lạc ở khắp các vùng đất. Suốt 6 năm, Raya luôn kiên trì đến khắp các nhánh sông tìm thấn rồng Sisu và những mảnh ghép ngọc còn lại,  để cứu cha mình trở lại.

Cảm nhận chung khi xem bộ phim

Gần 2 tiếng bộ phim, điều đầu tiên mình cảm thấy là tự hào bởi lần đầu tiên vùng đất Đông Nam Á khắc họa trong tác phẩm của Disney một cách đẹp đẽ đến vậy. Trước đó, Disney có rất nhiều những tác phẩm mang đậm văn hóa bản địa như Mexico trong Coco, Trung Quốc trong Mulan, Norway trong Frozen. Vẻ đẹp của vùng đất Đông Nam Á giàu bản sắc dường như bị bỏ quên khỏi điện ảnh thế giới, nay cuối cùng ngọc quý cũng được tìm thấy ra mắt khán giả. Bộ phim có sự tham gia của biên kịch gốc Việt Qui Nguyen và sự góp giọng lồng tiếng của nhiều diễn viên gốc Việt. Nhà sản xuất cũng thừa nhận rằng, hình ảnh Raya được lấy cảm hứng từ hình ảnh Hai Bà Trưng trong lịch sử Việt Nam.

51374110590_8aa8965994_o

Đông Nam Á rực rỡ trong phim

Phải công nhận sự kỳ công của các nhà làm phim khi tìm hiểu văn hóa địa phương một cách kỹ lưỡng và đưa lên phim những chi tiết rất nhỏ.

Những món ăn đậm gia vị

Mình ấn tượng nhất với đoạn thủ lĩnh Benja nói với Raya về tình đoàn kết giữa các dân tộc ở Kumandra. Ông lấy ẩn dụ trong hình ảnh món ăn mà mình nghĩ đó chính là món súp Tom Yum của Thái.

“Thay vì chiến đấu tại sao chúng ta không thử kết hợp mắn ruốc từ Long Vĩ, sả từ Long Trảo, măng tre từ Long Cốt, ớt từ Long Nha và thốt nốt từ Long Tâm?

Ngoài vị cay nồng của sả ớt, phim còn “chiêu đãi” khán giả đặc sản mít sấy Việt Nam, món ăn ưa thích của thần rồng. Có những chi tiết nhỏ xíu chẳng được gọi thành tên, lướt qua màn hình cũng đủ để ta nhận ra những loại hoa quả đặc trưng của nhiệt đới như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt. Rất hài hước là cảnh người đàn ông mạnh mẽ bao năm sống trong rừng, khi tỏ ra mình độc ác cững phải thú nhận ông ta thích ăn xoài.

Văn hóa, tín ngưỡng

Văn hóa, tìn ngưỡng được thể hiện trong phim đó là tục “thờ cúng”, ngay cả những kẻ hung hăng nhất cũng quỳ gối, cúi đầu, chắp tay trước thần Rồng. Điều này thể hiện rõ nhất trong cảnh Raya ở trong hang cuối nhánh sông để tìm Sisu. Cô từ từ quỳ gối, thắp 2 ngọn nến, rót rượu, chắp tay cầu nguyện. Sự thay đổi một chút là bình thường người Đông Nam Á sẽ áp sát lòng bàn tay với nhau, còn trong phim, họ khum tay thành hình tròn giơ lên cao. Hành động này được lặp đi lặp lại nhiều lần trong phim. Hình tượng vòng tròn tạo sự tròn vẹn, mang ý nghĩa của lòng đoàn kết xuyên suốt bộ phim.

Ngoài ra, chúng ta còn bắt gặp những phân đoạn Raya cùng những người bạn của mình thả những bông hoa đại xuống sông để tưởng nhớ gia đình đã khuất. Thả hoa gần giống với nghi thức thả đèn hoa đăng. Việc thả đèn hoa đăng trên sông cũng nhằm mục đích chúc mừng, cầu nguyện siêu độ cho người đã khuất theo ánh sáng ấm áp mà xả bỏ oan khiên thù hận bước theo con đường giải thoát khổ đau. Tuy nhiên, thay cho những chiếc đèn hoa đăng giấy rực rỡ là những bông hoa đại (hoa sứ) màu trắng thanh thoát, nhụy hoa ngả vàng hơi hồng. Đây là loài hoa khá phổ biến trong các đền chùa, hay như phong tục của Lào, vào dịp Tết cổ truyền Bunpimay, người dân Lào thường kết từng vòng hoa Chămpa cài trên tóc để cầu mong điều may mắn tốt lành sẽ đến trong dịp năm mới.

Trong phim, nước là biểu trưng của sự sống. Druun sợ nước, vì thế những con sông bảo vệ người dân khỏi sự xâm nhập của Druun. Mưa là biểu tượng cho sự tươi tốt, và những vùng đất chết như Tail – Long Vĩ được khắc họa vằng sự khô cằn. Sisu cũng là thần rồng nước, cư ngụ tại các con sông. Điều này như nhấn mạnh ý nghĩa của dòng sông Mekong đối với đời sống của người dân Đông Nam Á. Khi nhìn kỹ trên chiếc bản đồ của vùng đất Kumandra, mình thấy sự tương đồng với cùng đất Chín Rồng, Đồng bằng sông Cửu Long. Từ xưa, văn hóa người Á Châu có nhiều lễ hội cầu mưa, cầu mong cho mùa màng tốt tươi. Trong tâm thức của mỗi con người, quê hương, đất nước luôn bao hàm khái niệm “Nước”. Nước không chỉ là nguồn gốc của sự sống mà còn là cảm thức về cội nguồn. “Hồn nước” luôn linh thiêng, là tâm thức cố kết, dẫn dắt sự kết tụ cộng đồng, được thể hiện sâu sắc trong lịch sử, văn hóa dân tộc.

Ngoài ra, không thể không nhắc tới biểu tượng Rồng thiêng – Long, trong văn hóa của Đông Nam Á. Biểu tượng rồng cũng xuất hiện nhiều lần trên phim ảnh Hollywood, cũng mang đầy sức mạnh nhưng rồng châu Âu có cánh và phun lửa, hung dữ, còn rồng ở châu Á thưởng đi cùng với những biểu tượng thiêng liêng mây, sóng, ngọc. Mình nhớ ngày trước học Mỹ thuât, thầy giáo có phân thích sự khác nhau giữa Rồng Việt Nam và Rồng Trung Quốc qua những tác phẩm điêu khắc, hội họa các thời kỳ. Điều chúng ta có thể thấy, Rồng Việt Nam gầy hơn, và mang nét hiền hòa. Bởi thế mà cách thần rồng Sisu xuất hiện rất gần gũi, mà còn mang đến sự hài hước cho suốt bộ phim.

Còn một điều mình thấy khá thú vị, thủ lĩnh Banja và mẹ của Namaari đều gọi con gái mình là “giọt sương’. Mình đang cố gắng giải mã ý nghĩa này nhưng chưa tìm thấy.

51372353267_23a048a5a9_o

Võ thuật

Phim có rất nhiều cảnh võ thuật, điển hình nhất là cảnh giao đấu giữa Raya, Namaari. Điều mình lại nhớ hồi còn học Võ Vovinam ở Học viện Ngoại Giao, huấn luyện viên nói rằng, hai đòn đặc trưng nhất của Vovinam đó là đòn chân kẹp và cùi chỏ. Cùi chỏ cũng là đòn đặc trưng của Muay Thái. Bạn chỉ cần gõ từ “cùi chỏ” lên Google là ra hàng loạt kết quả “Hướng dẫn học Muay Thái” :D. Các đòn đánh trong phim được lấy lấy cảm hứng võ thuật truyền thống của Indonesia, Thái Lan, Philippines, Việt Nam… Nhân vật Raya sử dụng dao kris, loại vũ khí cổ xưa của các bộ lạc ở Indonesia.

Dù cũng là giao đấu nhưng bạn sẽ thấy sự khác nhau rõ rệt của võ thuật trong “Raya và thần rồng cuối cùng” và võ thuật Trung Quốc trong Mulan hay trong Kung Fu Panda. Phim cũng chiêu đãi khán một đoạn dài đấu tay không để thể hiện nhiều nhất vẻ đẹp sức mạnh của võ thuật cổ truyền.

Tiếng địa phương vừa lạ vùa quen

Ngay từ đầu phim, Rây gọi cha mình là “Ba’, hẳn chúng ta cũng có thể nghĩ Raya là người Việt Nam.

Trong phim Disney thường có một nhân vật đồng hành với nhân vật chính. Ví dụ, người bạn đồng hành với Mulan là chú dế, với Elsa và Anna trong Frozen và người tuyết Olaf. Mình nghĩ lẽ ra nếu đã xây dựng từ hình ảnh Hai Bà Trưng thì phải là voi, nhưng phim đã tạo ra một chú Tê Tê tên là Tuk Tuk. Tê tê loài sinh vật sống ở các miền nhiệt đới châu Á và châu Phi. Khi bị tấn công, tê tê cuộn tròn như trái bóng bao bọc trong lớp vảy dày để tự vệ. Khai thác đặc tính này, chú Tê Tê Tuk Tuk cũng đưa Raya đi khắp nơi từ sa mạc đến rừng núi khi cuộn tròn thành bánh xe khổng lồ. Tuk Tuk cũng giống tên loại phương tiện di chuyển phổ biến trên đường phố Thái Lan.

Ngoài ra, ở Kumandra cũng sử dụng một số từ ngữ khác như:

  • “Binturi” – sự miệt thị, và xúc phạm
  • “Dep la” – gọi bạn bè thân thiết
  • “Toi” – thể hiện sự bất ngờ, thích thú thay cho “Oh my” trong tiếng Anh

Địa hình, khí hậu, thiên nhiên ở Kumandra

Năm vùng đất ở Kumandra mang 5 màu sắc đặc trưng, được thể hiện bởi những con người đại diện cho vùng đất đó. Heart- Long Tâm, quê hương của Raya đặc trưng bởi sắc xanh tươi của sự sống ngút ngàn. Fang – Long Nha đặc trưng bởi màu trắng và vàng. Spine – Long Cốt mang sự u ám của màu xám xanh. Talon – Long Trảo hiện lên bởi cuộc sống về đêm mang sắc tím huyền bí, còn Tail – Long Vĩ là cùng đất khô cằn có màu vàng úa tàn.

Năm vùng đất cũng có 5 kiểu địa hình khác nhau. Mở đầu phim, Long Tâm hiện lên với những núi đá vôi, gợi nhớ rất nhiều đến Việt Nam, khu Vịnh Hạ Long hay những hang động ở Phong Nha. Mình cũng thấy tạo hình này giống với những hình ảnh ở Indo. Nơi thủ lĩnh Banja cất giữ ngọc quý dưới một hố sụt, nhìn rất giống Sơn Đoong. Long Nha của Namaari là vùng đồng bằng, cây cối hoa lá tốt tươi, được bao quanh bởi những con sông màu mở, tưới mát và bảo vệ sự sống. Long Cốt là rừng tre huyền bí. Long Trảo gợi nhớ đến những khu chợ nổi nơi cuộc sống gắn liền với con thuyền, dòng nước. Còn Long Vĩ là vùng sa mạc khô cằn. Dù  5 địa hình này tạo sự khác biệt ấn tượng và cũng khắc họa đời sống văn hóa hòa hợp với thiên nhiên của Đông Nam Á, tuy nhiên, mình vẫn thấy một sự thiếu sót và mình sẽ nói ở phần cuối cùng.

Những hình ảnh khác

Ngoài ra, chúng ta còn thấy rất nhiều hình ảnh quen thuộc trong đời sống con người khác như trang phục của người Thái, Lào, Indo, những khu chợ nổi với sản phẩm thủ công, đèn lồng nhiều màu sắc. Đồng tiền được sử dụng ở Kumandra là ngọc (Jade), gợi nhớ đến Myanmar nơi có rất nhiều ngọc quý.  

Những “tật xấu” rất … quen thuộc

Phim không chỉ khắc họa một Đông Nam Á toàn một sự đẹp đẽ, yêu thương bởi nếu vậy thật thì đã chẳng có chuyện gì xảy ra đẻ thành phim. Có những thói xấu được nhắc đến vừa hài hứa, vừa khiến ta giật mình nhột nhột.

Đầu tiên, Rồng thần Sisu cho chúng ta bài học về teamwork khi cô nói về chuyện làm bài tập nhóm, tất cả nhóm cùng làm, còn 1 đứa không làm gì nhưng vẫn có điểm bằng nhau.

Có những câu nói rất quen quen cũng xuất hiện như “ Đẹp trai có hạn nhưng thủ đoạn vô biên”, “Nằm trong chăn mới biết chăn có giận”. Và có lẽ cách cô bé Noi xuất hiện trong phim cũng chẳng phải tình cờ, giữa một khu chợ đêm sầm uất, có bốn kẻ đi đừa đảo móc túi của khách mới đến.

Sự mát mát của các nhân vật

Phim mang đến những thông điệp về lòng tin giữa người với người, và thần rồng Sisu là người duy nhất mang trong mình lòng tin đó. Năm nhân vật được khắc họa nhiều nhất trong phim là Raya, thuyền trưởng Boun, em bé Noi, Tong và Namaari. Họ đều là những người tốt, nhưng mang trong mình một vết thương mà mất đi lòng tin.

Raya bị xâm chiếm bởi lòng thù hận. Có thể thấy có 2 biến cố lớn khiến lòng thù hận ấy càng ngày càng lớn. Biến cố thứ nhất, khi cô tin lầm Namaari mà để mọi người vào cướp ngọc thần, từ đó mà cha bị hóa đá. Biến cố thứ 2, đó là khi Sisu bị mũi tên của Namaari bắng trúng. Bởi cả hai lần, Raya bằng lòng tin mà bỏ xuống sự tự vệ nhưng đều nhận về sự cay đắng và mất mát.

Thuyền trưởng Boun cũng mất cha mẹ vì Druun, từ ấy trong cậu luôn  có một nỗi sợ. Nỗi sợ ấy làm cậu ấy dần mất lòng tin vào con người. Cậu luôn ở trên thuyền bởi vì cậu biết Druun sợ nước sẽ không thể đến gần cậu. Toong là nhân vậy mang đến sự bất ngờ, ẩn sau người đàn ông mạnh mẽ cũng là nỗi đau của người còn lại cuối cùng ở Long Cốt. Từng lời nói của nhân vật hiện lên sự cô đơn. Còn Noi, cô bé không nói gì, nhưng toát lên vẻ ngây thơ, dại dột khi một mình đối phó với cuộc sống và trở thành trộm chuyên nghiệp.

Namaari là nhân vật duy nhất không có sự mất mát nào, nhưng cô bị ảnh hưởng bởi giáo dục của mẹ cô, và đặt nặng trên vai sự tồn tại của cả đất nước. Sự khốc liệt của cuộc sống khiến cô không còn tin vào những ước mơ thời thơ ấu, về sự tồn tại của Sisu. Cảnh mà mình thấy mọi tâm tư của Namaari được lột tả hoàn hảo nhất là lần đầu tiên Namaari nhìn thấy Sisu, cảm giác như đứa trẻ bên trong cô được trở về, dù ngay trước đó Namaari từng nói với Raya rằng “cô đâu còn là trẻ con để tin thần rồng có thật”.

Sisu nói rằng Druun là dịch bệnh sinh ra từ lòng tham của con người và cách duy nhất để chống lại Druun đó là sự đoàn kết. Từng câu nói, hành động, sự trưởng thành và thức tình của các nhân đều hướng đến những thông điệp tốt đẹp về sự mạnh của lòng nhân ái, lòng tin, sự đoàn kết, những hậu quả đem lại từ sự tham lam. Đoạn cuối phim khiến mình có cám giác “Hướng đến cộng đồng ASEAN đoàn kết cùng phát triển”.

Những điểm còn mơ hồ

Tuy nhiên, phim cũng thực sự hoàn hảo, vẫn còn một vài sạn, dẫn đến sự mơ hồ, mà một người chưa từng đến Đông Nam Á dễ hiểu nhầm.

Có ý kiến cho rằng, phim như một nồi lẩu thập cẩm của Đông Nam Á. Khi xem đến đoạn giới thiệu 5 vùng đất, mình rất tò mò để đoán xem 5 vùng đất đó đại diện cho những quốc gia Đông Nam Á nào, tuy nhiên mình không thể làm được. Ví dụ, Raya gọi cha mình là ‘Ba”, và Long Tâm với địa hình đặc trưng hang động, núi đá, nhìn rất giống Việt Nam. Mình đã nghĩ Raya là người Việt Nam, nhưng mà hơi sai sai vì Long tâm ở trung tâm Đông Nam Á, còn Việt Nam thì giống với Long Vĩ nơi đất chín Rồng và Sông Mê Kong đổ ra biển hơn. Còn tạo hình của Raya thì giống người Indo, Philipine. Có lẽ những nhà làm phim muốn tạo ra một nhân vật tổng hòa lấy mỗi địa phương một ít.

Về 5 kiểu địa hình đặc trưng của năm vùng đất là đồng bằng, hang động, rừng núi, sông nước và sa mạc, thì mình cảm giác đã thiếu một kiểu rất đặc trưng ở Đông Nam Á đó là biển. Nước ở đây chỉ nói đến Sông. Ở Đông Nam Á với nhiều quốc gia giáp, có nhiều đảo như Việt Nam, Thái Lan, Malay anh thậm chí Philipine toàn là đảo. Sự thiếu vắng biển cả, điều đã từng lên phim rất đep trong Moana cũng làm thiếu đi một đặc sản Đông Nam Á.

Tiếp theo là về thiết kế trang phục, mình thấy đặc trưng Trang phục của người Sing, Thái, Mã, Philipin, Lào được thể hiện rõ hơn, còn hình ảnh Việt Nam hơi mờ nhạt (dù biên kịch là người Việt). Tuy nhiên, trang phục của 2 nàng công chúa Raya và Namaari lại hơi … lạ. Theo cá nhân mình, có những hình ảnh rất Việt Nam có thể khai thác sâu hơn như hoa sen, áo hai tà, khăn xếp.

Bên cạnh đó, phim tập trung quá nhiều về võ thuật và lòng thù hận, nên mình cảm giác cảnh đánh nhau, tranh cướp, lừa lọc thì nhiều còn đời sống lao động sản xuất hoàn toàn không thấy. Đặc biệt, không nhắc đến văn minh lúa nước hay những tập quán gắn liền với thiên nhiên núi non, sông nước. Ngoài ra, hành trình đi qua từng vùng đất của Raya không đọng lại nhiều. Tức là những thử thách để Raya có được viên ngọc quý nó hơi “dễ dàng”, lướt qua là xong, không có sự trưởng thành hay một bài học rõ rệt.

Kết luận

Tóm lại là mình cũng không thể đòi hỏi quá đối với 2 tiếng cho một bộ phim hoạt hình. Tuy nhiên, mình thấy các nhà làm phim khá tỉ mỉ và tham vọng, rất khó để hòa hợp với tái hiện hết nét đẹp, sự đang dạng của 11 quốc gia lại để thể hiện những gì đặc trưng nhất. Những bộ phim trước, không chỉ Disney mà các nhà làm phim thường chỉ tập trung vào 1 quốc gia cụ thể như Mexico (Coco), Trung Quốc (Mulan, Kung Fu Panda), Brazil – Amazon (Chú Vẹt Rio), Madagasca, Hawaii (Moana).

Xét đi xét lại, “Raya và thần rồng cuối cùng” là một bộ phim đáng xem bởi ý nghĩa nhân văn, sự sáng tạo và hài hước của nó. Mình rate 4.5/5 điểm. Bộ phim này cũng khiến mình tò mò muốn tìm hiểu thêm về lịch sử, văn hóa của Đông Nam Á. Mình tin rằng còn rất nhiều dụng ý nghệ thuật sâu sắc của phim mà mình chưa thể nhận ra sau khi xem lần đầu. Hi vọng rằng, thời gian tới, sẽ có nhiều bộ phim lấy bối cảnh tại Đông Nam Á ra đời.

Theo bạn “Raya và thần rồng cuối cùng” còn đưa lên phim vẻ đẹp nào khác của Đông Nam Á không?

[Movie thoughts] Bài học về nữa quyền từ những nàng công chúa Disney

Những bài review phim khác trên Blog: Movie Review

Tài liệu tham khảo

Disney’s Raya and the Last Dragon is a sumptuous fantasy — but it makes a mess of Southeast Asian culture

Kumandra

Reviews: Raya and the last dragon