
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Có lẽ nếu như không tìm chỗ ở giá rẻ thì mình sẽ chẳng bao giờ đến Frome. Một nơi có lẽ hỏi nhiều người Anh còn chẳng biết.
Ngày đầu tiên trong chuyến đi Somerset, sau cả một ngày di chuyển và lạc ở Bruton, cuối cùng mình cũng về đến Frome. Thị trấn này đọc là “Phờ-rum” chứ không phải “Phờ-rôm”. Trời đã đổi sang mùa hè, tối khá muộn nên mình vẫn còn kịp thời gian đi dạo quanh trung tâm thành phố. Ban đầu mục đích duy nhất của mình khi đến Frome là chỗ ở gần Bradford on Avon và Bath nhưng chi phí thuê phòng rẻ hơn. Vì thế, mình cũng chẳng kỳ vọng quá nhiều khi đến đây, chỉ biết đó là một thị trấn yên bình phù hợp cho kỳ nghĩ dưỡng của mình.
Vậy mà thế giới này quá rộng lớn, và ngay cả những điều ở ngay trước mắt, nếu không tìm hiểu chúng mình sẽ không thể biết được. Nghe theo lời cô bạn, tìm hiểu trước về Frome, mình mới ngỡ ngàng về lịch sử của thị trấn này. Với lịch sử phong phú từ thời trung cổ, Frome không chỉ nổi tiếng với kiến trúc cổ kính mà còn là một trung tâm nghệ thuật và văn hóa sôi động, thu hút các nghệ sĩ và những người yêu nghệ thuật từ khắp nơi.
Lịch sử của Frome
Lịch sử của thị trấn Frome, bắt đầu từ thế kỷ thứ 7 sau Công Nguyên, khi nó là một ngôi làng của người Saxon. Tên gọi “Frome” có nguồn gốc từ một tên sông Celt, có nghĩa là nhanh chóng hoặc hợp lý, phản ánh đặc điểm của dòng sông địa phương. Sự phát triển ban đầu của thị trấn liên quan chặt chẽ với một tu viện được thành lập vào khoảng năm 685 sau Công Nguyên bởi St Aldhelm, giám mục của Malmesbury. Tu viện này đã đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngôi làng.
Trong thế kỷ thứ 9, dưới thời vua Alfred Đại Đế, Frome có thể đã là một phần của mạng lưới các khu định cư được củng cố để phòng thủ chống lại các cuộc tấn công của người Đan Mạch. Cũng trong thời kỳ này, một cuộc họp của Witan, một loại quốc hội của người Saxon, đã được tổ chức tại Frome, biểu thị tầm quan trọng của nó như một địa điểm đáng chú ý.
Khoảng năm 1086, Frome đã phát triển thành một thị trấn nhỏ nhộn nhịp với dân số khoảng 600 người, một con số đáng kể vào thời đó. Thị trấn nổi tiếng với bốn cối xay nước dùng để xay lúa mì thành bột, biến Frome trở thành một trung tâm địa phương của khu vực.
Frome trở nên nổi tiếng trong thế kỷ 14 như một thị trấn lớn về ngành công nghiệp len. Ở thị trấn, len được dệt, làm sạch, làm đặc và nhuộm. Sự thịnh vượng này trong thương mại len tiếp tục qua thời Trung Cổ, Frome tổ chức các hội chợ hàng năm thu hút mọi người từ khắp nơi ở Somerset đến mua và bán.
Thị trấn chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể trong thế kỷ 18, trở thành một trong những thị trấn lớn nhất ở Somerset, thậm chí vượt qua Bath về dân số tại một thời điểm. Sự tăng trưởng này tiếp tục vào thế kỷ 19, mặc dù ngành công nghiệp len đã suy giảm, nhường chỗ cho các ngành công nghiệp mới như đúc sắt và in ấn.
Kiến trúc ở Frome
Khi đến Frome, lại nhớ đến Lincoln với với con đường dốc lát đá và những ô cửa sơn đầy màu sắc. Khu nhà mình ở khá hiện đại và sang trọng (dù nhà mình thuê giá rất rẻ thôi), cách trung tâm thị trấn tầm 10 phút đi bộ. Trên đường vào trung tâm mình đi qua Nhà thờ St. John Baptist có nguồn gốc từ thế kỷ 12, và khu vực những mộ đá cố kính. Phần tường nhà thờ được điêu khắc rất công phu kể những câu chuyện tôn giáo.
Nơi đầu tiên mình ghé qua là Cheap Street: Một trong những đường phố nổi tiếng nhất ở Frome, nơi giữ lại được hệ thống rãnh nước trung cổ dọc theo đường đi. Con phố được lát đá cổ và được bao quanh bởi các cửa hàng thủ công mỹ nghệ, quán cà phê và cửa hàng sách địa phương nhỏ xinh.
Đi dọc theo rãnh nước, mình ra đến đài phun nước trung tâm thị trấn, rồi đi lên con đường dốc lát đá cổ dẫn lên đến Catherine’s Hill, tràn ngập các cửa hàng vintage và cửa hàng đồ cổ đầy màu sắc. Và đi tiếp mình đến Catherin Hill, nơi mình đi đi lại lại mấy vòng chụp ảnh mà không sao lưu lại hết vẻ đẹp của nơi này. Khu vực này là trái tim của cộng đồng nghệ thuật và sáng tạo ở Frome. Những con phố hẹp với hàng loạt các boutique, studio nghệ thuật, và tiệm cà phê nhỏ là nơi hội tụ của những người yêu thích sáng tạo và thiết kế.
Ngày Bank Holiday và cũng đã chiều muộn, mọi hàng quán đóng cửa. Mình dạo bước trên con phố vắng lặng trong ánh chiều tà. Một vài vị khách bước thật cậm, nhìn kỹ qua từng ô cửa kính đã đóng.
Những ngày ở Frome
Mình muốn tìm một nhà hàng địa phương để ăn tối nhưng nghĩ mãi không ra, mà cũng sợ tối về muộn đi qua khu mộ cổ, nên mình quyết định về qua Lidle mua đồ về tự nấu. Chủ nhà mình là một cô đã cao tuổi, tóc trắng. Có lẽ cô ở một mình. Cô hơi khó tính nên mình cũng không dám nói chuyện nhiều. Cô cũng nói bị nặng tai nên cần gì mình cũng phải nói to lên.
Mình để ý là ngôi nhà rất sạch sẽ và dùng những món đồ đắt tiền. Như cuộn giấy vệ sinh được bọc trong giấy gói có họa tiết chẳng hạn, nó chắc chắn là đắt hơn nhiều lần so với loại mình vẫn dùng. Nhìn những đồ vật trong nhà, giá sách, và những tấm poster treo tường, mình nghĩ đây là ngôi nhà của người thích lịch sử.
Buổi tối về mình chỉ ngồi đọc sách và đi ngủ sớm.
Lâu dài Nunney
Sáng sớm hôm sau, mình dậy sớm, bắt chuyến xe bus đến một ngôi làng nhỏ tên là Nunney, thăm lâu đài Nunney.
Nunney Castle là một cấu trúc kiến trúc Trung cổ nằm giữa ngôi làng Nunney, tại Somerset, Tây Nam Anh, có lịch sử phong phú kéo dài từ cuối thế kỷ 14. Lâu đài nằm ngay giữa ngôi làng, sát với nhà dân, chỉ có một cổng gỗ nhỏ và tường đá thấp bao quanh. Không gian buổi sáng ở Nunney rất tĩnh lặng, chỉ có tiếng chim hót và chim bồ câu đập cánh bay lên từ những bức tường đá.
Lâu đài được xây dựng bởi Sir John Delamare, một hiệp sĩ đã thu được lợi nhuận từ việc tham gia vào Hundred Years’ War (cuộc chiến giữa Anh và Pháp từ năm 1337 -1453). Thiết kế của lâu đài, đặc biệt là tháp chính, hào nước, và machicolations (lỗ tường), cho thấy ảnh hưởng của kiến trúc Pháp. Nunney Castle nổi bật với thiết kế tựa như lâu đài Bastille ở Paris. Kiến trúc của nó, với tháp chính bao quanh bởi một hào nước và machicolations (cấu trúc phòng thủ trên cao), cho thấy ảnh hưởng từ kiến trúc Pháp. Điều này khiến nó trở thành một ví dụ quan trọng về sự giao thoa văn hóa và kiến trúc giữa Anh và Pháp vào thời Trung cổ. Vào cuối thế kỷ 16, lâu đài đã trải qua sự cải tạo đáng kể dưới thời Richard Prater, một người giàu có từ London đã mua nó. Việc này bao gồm việc mở rộng cửa sổ, xây dựng cầu thang lớn, thêm bàn thờ Công giáo và tạo ra một sân thượng bên trong hào nước.
Lâu đài Nunney chứng kiến những xung đột chính trị và quân sự trong cuộc Nội chiến Anh ở thế kỷ 17. Khi đó, lâu đài Nunney, được giữ bởi gia đình Royalist Prater, đã bị lực lượng Quốc hội do Lord Fairfax và Oliver Cromwell dẫn đầu bao vây. Sau khi chống cự trong hai ngày, lâu đài đã thất thủ và bị hư hại đáng kể, nhưng nó không bị phá hoại sau cuộc chiến. Dần dần lâu đài xuống cấp và đã trở thành đống đổ nát vào thế kỷ 20. Vào ngày Giáng sinh năm 1910, một phần lớn bức tường phía bắc đã sụp đổ. Vào năm 1926, lâu đài đã được chuyển giao cho Commissioner of Work, bắt đầu được phục hồi. Ngày nay, Nunney Castle được bảo trì bởi English Heritage và mở cửa cho công chúng miễn phí.
Sau khi thăm lâu đài, mình đi dạo một vòng quanh thị trấn nhỏ. Trời còn rất sớm, những hàng quán địa phương mới chuẩn bị mở cửa. Trung tâm làng chỉ có 1 siêu thị nhỏ. Chuyến xe bus quay lại Frome chỉ có 1 tiếng 1 chuyến. Trước khi xuống xe, mình cũng đã kịp hỏi bác tài xế là sẽ bắt xe ở đâu, bác chỉ “Ở đây”. Hóa ra chỉ cần đứng ở trung tâm ngôi làng, mình sẽ nhìn thấy xe bus.
Tạm biệt Frome
Sau khi từ lâu đài Nunney về, mình ghé qua bảo tàng địa phương. Bảo tàng rất nhỏ, vào cửa miễn phí, ghi lại một phần lịch sử của thị trấn khi nghề làm len bắt đầu phát triển. Bảo tàng còn kể về một câu chuyện khi các nhà khảo cổ khai quật được một hũ tiền lớn với rất nhiều đồng xu mà không rõ chủ nhân của nó. Khi ra khỏi bảo tàng, mình vét sạch chỗ đồng xu có trong ví để donate. Khi bỏ vào thùng tiếng đồng xu rơi leng keng. Cô phụ trách bảo tàng cười tươi và cám ơn.
Có lẽ Frome là thành phố nhiều dấu ấn nhất trong suốt chuyến đi Somerset của mình. Bởi đó không chỉ là một thành phố đẹp, lịch sử phong phú mà đó còn là nơi mình ở mấy ngày ở đây, ngày nào mình cũng đi đi lại lại chuyến tàu giữa Gloucester và Bristol. Mình đi con đường từ nhà ra ga, từ nhà ra trung tâm Market Place, đi qua Nhà thờ St. John Baptist, khu mộ cổ và Cheap Street vài lần đến thuộc.
Có mấy điều mình thấy hơi tiếc nuối ở Frome đó là chưa được tận mắt chứng kiến phiên chợ truyền thống họp vào cuối tuần, chưa được ngồi uống cà phê ở trong tiệm cà phê cổ ở Catherine’s Hill, chưa được chứng kiến đời sống nghệ thuật sôi động của những nghệ sĩ nơi đây và chưa được tham gia lễ hội Nghệ thuật diễn ra hàng năm ở Frome. Chuyến đi Somerset những tưởng chỉ để ngủ và thở, nhưng hóa ra lại nhiều điều để khám phá đến vậy.
…
Và mình vẫn còn viết nhiều phần tiếp theo.
Cám ơn bạn đã đọc tới đây, đừng quên theo dõi qua email để không bỏ lỡ những bài viết mới trên Blog.
Theo dõi Fanpage để nhanh chóng cập nhật bài viết và chia sẻ mới nhất: https://www.facebook.com/Violetstoryblog
- 💎Bạn có thể ủng hộ để Blog được duy trì bằng nhiều hình thức tại Donation
- 📝Những bài viết khác cùng chủ đề trên Blog tại Learning and Growing
- 🎨Instagram: https://www.instagram.com/phuong.anh.violet/
- 📚Bookstagram: https://www.instagram.com/vitamin.books/
- 🍀Self-help Instagram: https://www.instagram.com/_smallstepseveryday_/
- 📻 Podcast: https://podcasters.spotify.com/pod/show/smallstepseveryday
- 📽 English blog: www.phuonganhviolet.com
- 🔖Facebook: https://www.facebook.com/Violetstoryblog
- 💌Email: hi@callmeviolet.com
- 📱Sách và món đồ hữu ích mình dùng: https://phuonganhviolet.koc.asia/
- Album ảnh mình chụp: Flickr Phuong Anh Violet
1 Comment