Hôm nay gọi điện về cho bố, khi tôi nói sáng nay tôi có thể qua phòng tập đàn ở trường để chơi đàn piano, bố hỏi tôi còn kéo đàn Violin không. Tôi bảo bố rằng ở đây chỉ có phòng tập Piano, còn tôi không có Violin nên cũng không tập nữa. Có lẽ một trong những điều phải bỏ lại khi đi du học mà tôi vẫn thấy tiếc đó là những cây đàn tôi đã mua và luôn giữ chúng như một kho báu. Hôm trước, tôi đã  xui được cô bạn cùng công ty đi học đàn Violin và cho cô ấy mượn đàn để cây đàn của tôi không bị phủ bụi.

Nội dung này hiện đã có trên Podcast, mời bạn lắng nghe:

Cũng gần 7 năm, kể từ khi tôi bắt đầu quyết định đi học Violin và viết bài blog đầu tiên về trải nghiệm này.

Nếu như Piano thanh thoát, dịu dàng như một nàng thơ, thì Violin lại kiểu kỳ, đỏng đảnh như cô công chúa được nuông chiều. Với tôi Violin khó chơi hơn Piano rất nhiều. Ít nhất, tôi có thể hiểu được nguyên lý phát ra âm thanh của cây đàn ngay từ lần đầu nhìn thấy phím đàn và tôi có thể tự học Piano, còn Violin thì tôi phải đi học ở nhà cô. Và thành thực, tôi không phải một học sinh giỏi trong bộ môn này. Bởi vì các cô bé học đàn 4 năm là có thể chơi tốt và ôn thi vào trung cấp nhạc viện còn thành quả của tôi sau 4 năm, thì vẫn ì ạch. Nhưng trên con đường dang dở này, tiếng đàn Violin kẽo kẹt và những ngày đau vai mỏ cổ, đầu ngón tay đỏ rát cũng cho tôi nhiều bài học trong cuộc sống.

Bài học về cái tôi, sự khiêm tốn và học với tất cả sự tò mò cùng cái đầu rỗng như trang giấy trắng

Thực ra tôi cũng có vài sở thích mà cuối cùng chẳng đi đến đâu. Có điều còn theo tôi đến tận bây giờ, cũng có điều tôi đã không còn thích nữa. Đôi khi, tôi lại thích cái cảm giác là một kẻ mới khám phá, một kẻ nghiệp dư. Tôi nhớ, những ngày mới đến lớp học đàn, đợi đến lượt mình, có cô bé đang ôn thi vào nhạc viện. Em mới học cấp 2, đang kéo bản “Mùa xuân” của Vivaldi với tiếng đàn thánh thót như tiếng chim hot trong buổi sáng mùa xuân. Tôi khi ấy mới tập tễnh học cách cầm đàn, kéo gam. Tôi để những cô bé kém tôi cả chục tuổi “chỉ dạy” tôi những điều cơ bản. Cái cảm giác khờ khạo mà có thể học từ một người xa lạ, hoặc thậm chí kém tuổi tôi giúp tôi học được về sự khiêm tốn, kiên nhẫn và lắng nghe.

Trong cuộc sống này, đôi khi cái tôi cao ngất che đi những cơ hội để chúng ta thực sự được học hỏi và chia sẻ. Cái cảm giác “biết rồi” khiến chúng ta không chịu lắng nghe, và đặc biệt là luôn giữ trong mình một cái định kiến cao ngất đối với ý kiến của những người ít tuổi và ít kinh nghiệm hơn mình. Tôi nhớ hồi mới đi làm, vì là chuyên viên mới nên tôi có thể hỏi những câu ngây ngô nhất. Tôi không ngại mà giấu “dốt” vì tôi biết bản thân mình không biết gì thật. Tôi được tự do khám phá, thử nghiệm và mắc lỗi. Khi ấy cũng chẳng ai đánh giá một đứa mới vào là không biết gì. Thế nên gì tôi cũng hỏi, thậm chí có điều người khác ngại không hỏi, tôi đi hỏi hộ. Sau này, khi thành chuyên viên cứng rồi, một phần chẳng biết hỏi ai, một phần những áp lực và kỳ vọng dành cho bản thân nhiều hơn, và một phần cái tôi kiểu ngạo muốn thể hiện bản thân thường che đi những điều tôi không biết và ngại không muốn hỏi. Càng trở nên cứng cáp, tôi lại càng mất đi cái đặc quyền của người mới học nghề, đó là cái đặc quyền cho phép mình được ngây ngô, không biết gì và được học từ mọi người xung quanh từ những điều nhỏ nhất.

37534268_1086644594838389_3858136750828290048_n
Cây đàn Kennedy của tôi. Hồi đó tôi đặt hàng order qua Fado. Chẳng biết chọn thế nào, tôi chỉ nhìn review và theo cảm tính rồi chốt đơn cả chục triệu. Ấy vậy mà bạn nào cũng khen tiếng đàn của tôi rất ấm áp. Em tôi nói về cái tính của tôi, đã không làm thì thôi, còn đã muốn làm gì thì rõ là đầu tư, tôi có hẳn 2 cây đàn Violin, một cây đàn cũ size 3/4 em tôi tặng và 1 cây đàn Kennedy made in France tôi tự mua.

Những con đường cắt nhau ở nút giao âm nhạc

Đi học cũng giúp mình có những cuộc trò chuyện với những phụ huynh rất khác bố mẹ mình. Khi mẹ cô bé khoe đã đầu tư cho 3 đứa con học âm nhạc ra sao nhưng ước mơ nhỏ bé là muốn các em có thể chơi đàn cho dàn nhạc trong nhà thờ. Tôi nói với cô với sự chân thành tận đáy lòng, cháu mong em trở thành nghệ sĩ nổi tiếng có thể đi lưu diễn khắp mọi nơi. Cô nhìn tôi cười, được thế thì còn gì bằng, nhưng cô cũng đã chuẩn bị mọi phương án. Tôi còn gặp 1 cô phụ huynh khác, thích âm nhạc, đưa con trai đi học Violin, còn cô cũng có riêng cho mình một cây đàn piano ở nhà, giấu trong phòng ngủ để tập những khi xong việc nhà. Tôi cũng có một vài người bạn cùng học. Có một cậu em chúng tôi từng đổi cây vĩ cho nhau, vì đàn của tôi size nhỏ mà mua cây vĩ lớn, còn em thì ngược lại. Rồi chúng tôi hay thích tập cover những bản nhạc phim.

Những khoảnh khắc không deadline và không chút áp lực

Tôi thích cái cảm giá được ngồi trong phòng khách nhà cô, nghe đủ thứ âm thanh kẽo kẹt của các học sinh học ca trước khi đợi đến lượt mình. Tôi nhận ra rằng, khoảng thời gian tập đàn có lẽ là khoảnh khắc duy nhất mà tôi có thể tập trung hoàn toàn và kiểm soát những ngón tay mình. Và tôi quên hết những deadline phải hoàn thành và những cuộc cạnh tranh tôi phải trải qua. Dù chỉ quên một vài phút ngắn ngủi nhưng cái cảm giác đeo đàn từ nhà cô về, đường phố luôn thơ mộng hơn những ngày đi làm về muộn cùng giờ. Đột nhiên, tôi thấy mình không đơn độc chút nào. Cây đàn violin ở ngay phía sau lưng tôi, trở thành một người bạn của tôi, một người bạn không bao giờ chê bai và phán xét sự khờ khạo của tôi.

Niềm vui từ những bước chân nhỏ

Học đàn Violin thường đau vai mỏ cổ tê tay, nhưng tập mãi mà tiếng đàn của tôi vẫn như tiếng còi tàu hỏa. Học Violin khiến tôi nhận ra đôi khi chính bản thân tôi không thể điều khiển ngon tay theo ý mình. Nhưng sau đó những bước chân nhỏ, những thành tựu nhỏ cũng khiến tôi thấy vui. Về sau này, lúc mà khả năng chơi đàn của tôi đạt “phong độ đỉnh cao”, tôi có thể chơi những bản nhạc cổ điển như Sông Danube màu xanh, Salute d’amour (tôi thích bài này nên dù khó nhưng vẫn đòi cô cho tập), Love story. Cô giáo nói tôi hợp với nhưng bản nhạc tình yêu, và tất nhiên cô sẽ không bắt một đứa lưng chừng hai mươi như tôi học những bài thiếu nhi như mấy cô cậu bé bảy tám tuổi. Đến một hôm, cô mở trong tập bản nhạc tìm một bài mới cho tôi tập, rồi lấy ra bản “Mùa xuân” của Vivaldi đặt lên giá nhạc. Tôi mừng thầm. Khi cảm nhận được những ngón tay đã uyển chuyển hơn và tiếng đàn cất lên cũng … tàm tạm, lòng tôi rạo rực một niềm tự hào nhỏ bé. Ít nhất, sau 2 năm luyện tập, tôi đã cố gắng để trở thành một ai đó giống như người mà cái đứa Phương Anh của 2 năm trước mới đến học nhìn vào cũng có thể ngưỡng mộ.

14533749_630454980465793_6504487700731527168_n

Niềm vui to lớn của kẻ nghiệp dư

Tôi tin rằng kẻ “nghiệp dư” không được người ta ngưỡng mộ nhưng cũng chẳng có gì đáng xấu hổ. Dù sao, học thêm một môn mới cũng là cách tôi khám phá ra những khía cạnh khác nhau của bản thân, biết mình có bao phần tốt, bao phần dở. Tôi học đàn không phải để trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp, không phải để kiếm thêm thu nhập vì tôi có công việc ổn định rồi. Cuộc sống hàng ngày của chúng ta vốn đã đề cao quá mức sự cạnh tranh, tham vọng, mục tiêu và những thời hạn. Chúng ta không cần phải tái tạo những áp lực như vậy trong cuộc sống giải trí của mình. Tôi học đàn chỉ vì tôi thích và thấy mình vui thôi có được không? Là một kẻ nghiệp dư, tôi cho phép mình tìm thấy vẻ đẹp của sự đơn giản.  Tôi có thể thỏa mãn với những bước tiến nhỏ thay vì thất vọng khi mình thấy mình chưa đủ tốt. Và đó là cách tôi cảm nhận những niềm vui từ hành trình thay vì đích đến.

Và giữa cái lúc “đỉnh cao” ấy, tôi dừng lại để đi du học hơn một năm. Về nhà nghỉ Covid, rồi tôi quay lại nhà cô học được mấy tháng rồi lại đi du học tiếp, không hẹn cô ngày quay lại tập. Sự dang dở đó khiến tôi thấy tiếc. Không phải tiếc thời gian mình đã bỏ ra nhưng không mang lại kết quả gì, mà là mình tiếc vì mình đã không tận dụng hết thời gian mà mình từng có.

“Nếu cô cho rằng anh chưa suy nghĩ thật kỹ khi dấn thân vào câu chuyện này thì cô hoàn toàn có lý. Anh chẳng hề suy nghĩ gì cả. Bởi vì trong khi ta tính toán, ta phân tích mặt lợi và mặt hại, thì cuộc đời trôi qua, và chả có gì xảy ra được cả.”

Nếu em không phải một giấc mơ _Marc Levy

Giờ tôi vẫn nhìn những người chơi vĩ cầm với trái tim đầy ngưỡng mộ, bởi chính tôi hiểu, để chơi được hay như thế không phải điều dễ dàng. Thỉnh thoảng tôi cũng nghĩ liệu có bao giờ mình có thể quay lại những ngày tháng đi học nhà cô như thế, trong căn nhà ở cuối ngõ nhỏ nép mình giữa những con phố Hà Nội đông nghẹt ồn ã, để nghe những âm thanh kẽo kẹt đến vui tai, để tiếp tục được là một đứa khờ đi học, học chỉ vì vui chứ chẳng có mục đích nào khác.  Tôi đọc ở đâu đó rằng, không học chơi nhạc cụ là một trong 10 điều hối tiếc nhất của của đời, và giờ khi biết chơi 2 nhạc cụ, tôi tin rằng bản thân mình 2 lần không hối hận. Sau này, dù có những việc đã cố gắng nhưng cũng chẳng đi đến đâu, tôi vẫn mong mình có thể luôn giữ trái tim của một gã khờ, không ngại học hỏi, không ngại thử nghiệm và không sợ mắc lỗi để có tiếp tục khám phá những khía cạnh khác nhau của thế giới rộng lớn và đa dạng này. Người ta bảo, người ta sẽ thường tiếc về những điều mình không làm hơn là đã làm, và tôi luôn thấy điều đó đúng.

Dưới đây là món quà sinh nhật tôi tặng bạn tôi hồi mới Violin. Nhận xong nó “khóc ròng vì xúc động” =))


Cám ơn bạn đã đọc đến đây. Đừng quên theo dõi qua email để không bỏ lỡ những bài viết mới trên Blog.

[jetpack_subscription_form show_subscribers_total=”false” button_on_newline=”false” custom_font_size=”16px” custom_border_radius=”0″ custom_border_weight=”1″ custom_padding=”15″ custom_spacing=”10″ submit_button_classes=”” email_field_classes=”” show_only_email_and_button=”true” success_message=”Success! An email was just sent to confirm your subscription. Please find the email now and click ‘Confirm Follow’ to start subscribing.”]

Cover Photo by Stefany Andrade on Unsplash